YẾU TỐ XÂY DỰNG THẾ GIỚI (WORLD-BUILDING) TRONG ANIME/MANGA




Xây dựng thế giới (world-building), là một yếu tố phụ nhưng quan trọng đối với anime, manga.

Đặc biệt trong những bộ thuộc thể loại phiêu lưu, khám phá. Yếu tố hấp dẫn chính của thể loại phiêu lưu đó chính là kích thích trí tưởng tượng và khơi dậy sự tò mò, hứng thú được tìm hiểu thế giới trong bộ anime đó của khán giả. Điều này không thể thực hiện được nếu bộ anime, manga không có xây dựng thế giới tốt.

Hiện nay, trên mạng có một vài ý kiến cho rằng yếu tố xây dựng thế giới chỉ liên quan đến việc cung cấp thông tin đến khán giả, bộ nào giải thích càng nhiều và cho biết nhiều thông tin về thế giới thì càng có xây dựng thế giới tốt. Theo mình thì việc xây dựng thế giới không chỉ đơn giản như thế.

Ở đây, mình muốn làm rõ một điều là mình không phải là hoàn toàn không đồng ý với ý kiến trên. Việc giải thích chi tiết, rõ ràng về thế giới trong bộ anime là một việc làm cần thiết để có được world building tốt, thế nhưng nó không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Theo mình thì còn một số yếu tố quan trọng khác nữa mà một bộ anime, manga có world building tốt cần có.

Đầu tiên, trước khi vào từng yếu tố cụ thể để có được world-building tốt. Mình muốn phân biệt giữa cái từ thế giới trong xây dựng thế giới và bối cảnh (settings). Bởi vì mình nhận thấy một số bạn còn hay nhầm lẫn giữa world building và settings. Bối cảnh là để chỉ những địa điểm có liên quan đến cốt truyện trong bộ anime, manga. Còn thế giới ở đây là để chỉ khoảng không gian mà những quy luật tồn tại trong nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cốt truyện và nhân vật. Do đó, nó có thể “nằm ngoài”cốt truyện.

Để mình lấy ví dụ cho dễ hiểu, như bộ anime drama, học đường Yahari. Bối cảnh của bộ anime này có thể là trường học, nhà của các nhân vật hay bãi biển (tập fanservice đi biển ( ͡° ͜ʖ ͡°)). Đó chính là những địa điểm mà các nhân vật thể hiện các hoạt động. Còn “thế giới” của bộ anime này chính là toàn bộ đất nước Nhật Bản. Bởi vì những quy luật của Nhật Bản như luật lệ, chính trị, văn hóa, lối sống của người Nhật đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhân vật trong bộ anime này. Do đó, nếu bộ Yahari có tập trung xây dựng thế giới, thì bộ này có thể thể hiện rõ các yếu tố văn hóa, xã hội của Nhật Bản, điều đó có thể khiến khán giả hứng thú về thế giới của bộ anime này (Nhật Bản) nhiều hơn. Đương nhiên, thì đối với một bộ drama, học đường điển hình như Yahari thì yếu tố world building không quá quan trọng, yếu tố quyết định đó là sự tương tác, việc thể hiện tình cảm, cảm xúc giữa các nhân vật. Thế nhưng, bạn hãy tưởng tượng Yahari là một bộ phiêu lưu khám phá thì xem. Bạn làm một bộ khám phá Nhật Bản mà world-building kém, người xem cảm thấy nước Nhật buồn chán và không có hứng thú muốn đi đến Nhật Bản thì 100% bộ anime của bạn đã thất bại rồi. Bởi vậy, ở đây mình muốn nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của world building đối với những bộ có yếu tố phiêu lưu, khám phá.

Rồi, bây giờ ta sẽ đi vào từng yếu tố chi tiết để có world building tốt:

1. Bộ anime, manga phải có đầu tư tính sáng tạo về mặt ý tưởng

Đối với những bộ isekai điển hình, nhan nhản trên thị trường hiện nay có một số người cho rằng Light Novel sẽ luôn có xây dựng thế giới tốt do được tác giả giải thích cặn kẽ từng chi tiết và cung cấp thông tin đầy đủ. Lên anime thì bị cắt nhiều quá nên world building tệ hơn hẳn. Thế nhưng liệu rằng world building của các bộ isekai LN đá có thể gọi là tốt thực sự khi mà cái thế giới đó chỉ là copy- paste của nhau và không có đầu tư bất kỳ một sự sáng tạo nào trong đó?

Theo mình thì ít nhất cũng phải có một chút độc đáo, một số điểm riêng biệt, để có thế phân biệt được thế giới này với các thế giới khác, chứ mà thế giới chỉ có rồng, elf, orc của một bộ fantasy cơ bản cùng với việc copy – paste các quy tắc của game rpg vào cứ tương tự nhau thì mình không thực sự đề cao về world building của các bộ đó. Cho dù có cung cấp bao nhiêu thông tin đi nữa cũng không thể làm khơi dậy sự ham muốn khám phá bên trong mình được.

2. Bộ anime, manga phải kết hợp hài hòa giữa kể chuyện bằng hình ảnh và bằng lời thoại của các nhân vật

Nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh đóng góp vai trò rất quan trọng trong world building. Nếu một bộ anime xây dựng một thế giới tươi đẹp, thì khán giả phải cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới đó trực tiếp bằng mắt. Hay nếu xây dựng theo hướng thế giới đen tối, kinh dị thì bạn phải cảm nhận được sự ghê rợn qua hình ảnh. Bên cạnh đó, cũng phải cung cấp thông tin qua lời thoại để người xem hiểu rõ hơn về thế giới đó. Và việc này cần phải thực hiện khéo léo, sử dụng nhiều mô tả bằng hình ảnh mà không có giải thích đi kèm thì người xem sẽ khó năm bắt được. Còn nếu cung cấp quá nhiều thông tin mà không có thể hiện ra được thì có thể sẽ khiến người xem buồn chán.

3. Xây dựng một thế giới “sống”

Đây là bước khó khăn và phức tạp nhất để có thể có một world building tuyệt vời. Để xây dựng được một thế giới chân thực và sống động, những yếu tố sau đây có thể được thêm vào:

- Tính độc lập:

Những quy tắc, cách thức hoạt động của thế giới phải có ảnh hưởng trực tiếp lên tất cả nhân vật và không bị phụ thuộc vào nhân vật.

Yếu tố này giúp nâng cao tầm quan trọng của thế giới lên bộ anime. Điều này được thể hiện rõ nhất trong bộ Made in Abyss, những quy luật của thế giới trong bộ anime này (Abyss), ví dụ như lời nguyền của Abyss đã được quy định từ trước và các nhân vật không thể thay đổi nó, các nhân vật chính như Riko và Reg cũng như các nhân vật phụ đều không thể làm lời nguyền của Abyss mất đi mà đều phải gánh chịu nó. Điều này khiến cho lời nguyền của Abyss trở thành yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn và chi phối toàn bộ bộ anime.

- Tính đa dạng:

Bộ anime phải có sự đa dạng trong đó. Các chủng loài trong một thế giới phải có những đặc điểm về cả ngoại hình lẫn lối sống, tập tính, tác động hoàn toàn khác nhau và không lẫn vào nhau được.

Các tác giả phải phát huy trí tưởng tượng phong phú của mình, không chỉ thiết kế các loài sinh vật một cách độc đáo mà còn phải thể hiện sự đa dạng trong hoạt động các hoạt đồng sống của chúng, và có các sinh vật trải dài từ có ích đến vô hại đến vô cùng nguy hiểm.

- Tính vận động:

Nếu bạn thực hiện được các yếu tố trước đó, thì chúc mừng! Bạn đã xây dựng được một thế giới có thể khiến người xem hứng thú trong ... một thời gian ngắn.

Tại sao lại chỉ trong một thời gian ngắn? Đơn giản thôi, giống như việc ăn chỉ một món duy nhất vậy, cho dù món đó có ngon đến nào đi chăng nữa thì ta cũng phải đổi món sau một khoảng thời gian nếu không chắc chắn ta sẽ thấy ngán. Một thế giới có tuyệt vời hấp dẫn cỡ nào đi chăng nữa mà lại là một thế giới tĩnh không có bất kỳ sự biến đổi nào thì cũng không thể niếu kéo khán giả lâu dài được.
Do đó, để có world building tốt, thế giới đó phải “động”: vận động theo các vòng tuần hoàn riêng biệt hay biến đổi theo hướng phát triển hoặc suy thoái. Điều này cũng giống với quy luật của tự nhiên thôi: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

Để làm rõ các yếu tố trên hơn, mình sẽ đưa ra 2 ví dụ về hai bộ mà cá nhân mình cho là có world-building tốt để chúng ta cùng nhìn nhận.

• Thế giới của các Mushi trong Mushishi

- Ý tưởng sáng tạo: Checked.
- Kết hợp hài hòa giữa kể chuyện bằng hình ảnh và thông qua lời thoại: Checked.
- Tính độc lập: Các mushi hoạt động theo bản năng riêng của chúng và hoàn toàn không quan tâm đến các nhân vật . Checked.
- Tính đa dạng: Các loài mushi vô cùng đa dạng về hình dáng bên ngoài đến cách thức hoạt động, công dụng của chúng, mỗi loài có một vòng tuần hoàn và lối sống riêng biệt. Checked.
- Tính vận động: Các mushi biến đổi liên tục trong từng tập anime và chúng thậm chí có thể phát triển tiến hóa hay suy thoái theo những quy luật riêng rất phong phú và đặc sắc. Checked.

• Thế giới miền Bắc Hokkaido Nhật Bản trong manga Golden Kamuy:

- Ý tưởng sáng tạo: Checked.
- Sự kết hợp hài hòa: Checked
- Tính độc lập: Các loài vật trong bộ anime này luôn sinh sống theo những tập tính riêng biệt không phụ thuộc vào các nhân vật và những nhân vật đã tận dụng những tập tính trên để săn bắt động vật. Bên cạnh đó, các yếu tố về người Ainu cũng y như vậy không bị phụ thuộc vào ai cả. Checked.
- Tính đa dạng: Các loài sinh vật rất đa dạng và phong phú với những tập tính, lối sống riêng biệt. Và người Ainu được thể hiện đầy sinh động từ trang phục những dụng cụ họ sử dụng cho đến quan niệm sống, cách nhìn nhận thế giới của họ. Checked.
- Tính vận động: Thế giới của Golden Kamuy không phải là thế giới tĩnh mà ta có thể nhận thấy sự vận động phát triển của nó, ví dụ như sự khác biệt của Aspira, một cô gái Ainu trẻ với những người già trong bộ tộc điều đó thể hiện sự thay đổi về nhận thức của họ theo thời gian hay sự vận động của thế giới hoang dã theo các chu kỳ của tự nhiên. Checked.

Nghe có vẻ là những ví dụ lạ phải không? Thông thường khi nói đến world building tốt bạn sẽ nghĩ ngay đến các bộ có thời lượng rất dài như One Piece với cái thế giới đầy rộng lớn với vô vàn chi tiết khác nhau hay Log Horizon, Shinsekai Yori với một thế giới đầy hệ thống, và phức tạp. Thế nhưng, ở đây mình muốn nhấn mạnh đến tính sinh động, một bộ anime, manga cho dù với bất cứ thời lượng nào đi chăng nữa, cho dù có đơn giản đi chăng nữa vẫn có thể có world-building tốt nếu bộ đó xây dựng một thế giới đầy những điều thú vị, đáng khám phá.

Theo mình, xây dựng thế giới là phải tạo ra một thế giới sống, có chiều sâu, có “linh hồn” riêng biệt, có một sự hấp dẫn, lôi cuốn riêng khiến chúng ta muốn khám phá, muốn hòa mình thực sự vào thế giới đó.

Mình muốn yếu tố xây dựng thế giới được nâng tầm hơn nữa, trở thành một yếu tố đầy nghệ thuật và mang lại sự hấp dẫn, lôi cuốn chính yếu cho tất cả những bộ phiêu lưu, khám phá nói chung mà bất cứ một tác giả nào cũng phải đặc biệt chú ý.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. ❤ ❤ ❤

#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến