[Anime Review] Nami yo Kiitekure - Wave Listen to Me
Radio, Đời Sống và Công Việc…
Tác giả: Hiroaki Samura
Studio: Sunrise
Thời lượng: 12ep
Nội dung:
Chuyển thể từ Manga cùng tên, Nami yo Kiitekure là một bộ anime lấy công việc phát thanh viên làm chủ đề chính. Phim đưa chúng ta theo chân Minare Koda, một cô gái có biệt tài nói rất nhiều, tình cờ lọt vào mắt xanh một đạo diễn đài phát thanh và vì nhiều lý do, cô bắt đầu công việc mới tại đây…
Đánh giá:
Dù là một anime lấy đề tài phát thanh, tác phẩm không hoàn toàn tập trung vào công việc này. Nói đúng hơn, đài phát thanh chiếm một thời lượng khá ngắn để có thể xem là một chủ đề chính của phim. Wave, Listen to Me tập trung vào cuộc sống và tình cảm của nữ chính Minare nhiều hơn. Phim khai thác được những khía cạnh, khó khăn về công việc, tình cảm và cuộc sống của lớp người trẻ hiện nay. Có một công việc làm thêm, có một mối quan hệ, có một cuộc sống tự lập, nhưng rồi mọi thứ lại vì lý do này hay khác mà dần trở nên khó khăn, vụn vỡ.
Nữ chính Minare sau khi chìm đắm trong tình yêu để rồi bị lừa dối, mất tiền, mất lòng tin, cô chỉ biết chửi rủa, tìm đến rượu bia và những người lạ mặt để giải bày. Cuộc sống tự lập, số tiền tích góp, tương lai cô mơ đến, bỗng chốc bay biến mất. Minare rơi vào cảnh túng quẫn, rồi thì công việc không thuận lợi, chỗ ở cũng sớm chẳng giữ nỗi. Bất hạnh cứ thế như tràn vào cuộc đời của cô gái trẻ, dù là một người tích cực, kiên cường, cô cũng không thể giấu đi sự bất lực, tuyệt vọng của bản thân. Để rồi rượu vào lời ra, có vẻ như trong cái rủi có cái may, cái miệng của cô đã giúp cái thân, tự tìm cho cô một công việc mới, những người bạn, người thầy mới.
Minare Koda không hẳn là một cô gái trong mơ của các chàng trai, cô có thể ngọt ngào, biết cách chăm sóc và suy nghĩ cho người yêu. Cô cũng là một người biết tự lập, thẳng thắn, vô tư. Dù vậy, cô cũng có muôn vàn thói hư tật xấu mà thông qua mỗi tập phim, người xem đều dễ dàng nhận ra. Một nhân vật không hoàn hảo, thậm chí đôi lúc còn có vẻ phiền nhiễu, ấy vậy mà lại rất gần gũi và chân thật. Dù mình thật sự không nghĩ Minare là mẫu người chúng ta có thể mơ ước hay tin tưởng, nhưng khi cô ngồi trong phòng thu, mọi điều bên trên đều không còn quan trọng nữa, chỉ còn giọng nói và những lời đầy sức hút nối tiếp nhau truyền qua sóng radio.
Cảm nhận đầu tiên của mình khi xem ep 1 và nghe Minare nói chuyện là: “Con bé này nói nhiều vãi *Beep*, bộ mới lột lưỡi hay gì?” (nguyên văn, đã che từ nhạy cảm). Minare có khả năng nói chuyện lưu loát và liên tục đến độ mình phải thầm thán phục và tội nghiệp cho Seiyuu của cô. Không chỉ vậy, lời nói và câu chữ của Minare lại có sức hút đặc biệt, khi chúng rõ ràng, rất dễ nghe mặc cho chất giọng có phần hùng hổ và kiểu nói chuyện ra rả như mấy thím ngoài chợ. Điều này vô tình đã khiến cho nhân vật có một sức hút rất riêng mà chắc chắn Manga không thể truyền tải được. Một lần nữa mình muốn tỏ lòng cảm phục khả năng của Riho Sugiyama, Seiyuu của Minare.
Quay lại với đề tài phát thanh, tác phẩm không thật sự đào quá sâu về công việc này, có thể những thông tin mà bộ phim đưa đến người xem vẫn nhiều hơn những điều mà một người không làm trong ngành được biết. Song, thời lượng mà đài phát thanh xuất hiện, hay Minare phải đi làm tại đây hoàn toàn không thể nói là nhiều được. Dẫu vậy, những giây phút ấy lại khá chất lượng. Điều này như phản ánh sự thật rằng, dẫu đài phát thanh không xuất hiện quá nhiều trong cuộc sống chúng ta, nếu so với Internet hay TV, thì nó vẫn đóng một vai trò quan trọng và có chứng tỏ được giá trị của mình. Đôi khi chúng ta không để ý, nhưng tiếng phát thanh vẫn ở đó, rồi trở thành một thứ không thể thiếu. Khi lái xe, khi ngồi làm việc, học tập, nghỉ ngơi vẫn có người theo thói quen mở đài để nghe. Tiếng đài phát thanh văng vẳng bên tai, chúng ta nhiều lúc chẳng quan tâm nó đang phát gì, nhưng những âm thanh ấy khiến cho không khí quanh ta trở nên bớt buồn tẻ, cho ta cảm giác rằng có ai đấy đang ở bên mình. Giọng của phát thanh viên, cùng những mẫu chuyện đôi những lời chúc, lời nhắn của bạn nghe đài, hoàn toàn vô thưởng vô phạt với ta, nhưng chẳng hề nhàm chán. Đôi khi, giữa những dòng suy nghĩ bất tận, những bộn bề trong cuộc sống, ta chỉ muốn nghe một cái gì đó, để giảm bớt căng thẳng, bảo hòa cảm xúc bản thân. Nami yo Kiitekure cũng đã thể hiện rất tốt điểm mạnh nhất của đài phát thanh trong tập cuối, cũng như tầm quan trọng của các phát thanh viên.
Ngày nay, đài phát thanh không còn phổ biến như xưa, đặc biệt là ở Việt Nam khi các chương trình truyền hình, mạng Internet ngày càng phổ biến. Người ta cũng bận rộn và phải liên tục di chuyển hơn. Việc ngồi một chỗ để nghe đài dần trở nên không cần thiết nữa, khi mà chúng ta có nhiều cách để giải trí, tiếp nhận thông tin hơn. Dẫu vậy, đài phát thanh vẫn tồn tại, với một sức sống mãnh liệt. Ngày nay, trên mọi thiết bị di động đều có phần mềm giúp nghe đài, chỉ cần còn mạng điện thoại, chúng ta vẫn có thể nghe đài được, và hiển nhiên dung lượng tiêu tốn không nhiều như việc lướt web. Ngoài ra, trong tình trạng cúp điện, đài phát thanh vẫn có thể hoạt động chỉ cần chúng vẫn bắt được sóng mà giá của 1 chiếc đài nhỏ nhỏ xinh xinh hiện nay cũng chẳng đắt mấy. Thậm chí, sóng phát thanh có khả năng phủ sóng còn xa và dễ dàng hơn sóng điện thoại, khi nó đóng vai trò không nhỏ trong việc liên lạc giữa đất liền và những chiếc thuyền ngoài xa. Đối với những tài xế phải dành phần lớn thời gian ngoài đường, đài phát thanh cũng giúp họ tiếp nhận thông tin tốt hơn, hỗ trợ việc điều tiết giao thông và giảm thiểu tai nạn.
Chia sẻ một chút về bản thân, mình ngày xưa cũng có một khoảng thời gian hay nghe đài, nhưng là vào đêm khuya. Tầm 10 11h, mình thường dùng con điện thoại cũ kĩ mở đài nghe đọc truyện đêm khuya, sau đó mới đi ngủ. Bộ truyện mình nghe lúc đó là “Lộc Đỉnh Ký”, tác phẩm harem hay nhất lịch sử truyện kiếm hiệp Trung Quốc. Đúng vậy, bộ truyện về kẻ dõng dạc nói rằng: “ Ta là Vi Tiểu Bảo và ta có một ước mơ, đó là cưới 7 người vợ” và hắn có 7 người vợ thật. Nếu so ra thì Lộc Đỉnh Ký thậm chí còn nhỉnh hơn đại đa số những bộ Harem hiện nay, nhưng đó không phải là việc chúng ta nên quan tâm ở đây, nếu muốn thì sau này mình sẽ review Lộc Đỉnh Ký cho các bạn. Quay lại với câu chuyện của bản thân, nhờ nghe đài mà mình hoàn thành tác phẩm ấy. Sau đó, đài bắt đầu một tác phẩm mới, nhưng vì lý do nào đó mình không nghe nữa. Sau đó, mình vẫn đôi khi nghe đài, nhưng chỉ là khi phải đi xa, không có gì làm trên xe. Mãi tận sau này, khi phải tự thân lái xe đi làm, đi công chuyện mỗi ngày, mời mới bắt đầu nghe đài nhiều hơn. Đài phát thanh dần trở thành người bạn đồng hành của mình trên những tuyến đường tự bao giờ. Cũng nhờ đài mà mình nghe được nhiều bài hát đương đại, Pop, Rap hơn, vì bình thường nếu không phải Ost Anime hoặc vài nghệ sĩ đã biết thì mình toàn nghe OOR thôi… Cũng bởi vì thế, mình thấy phấn khích và quyết định xem Wave, Listen to Me khi biết chủ đề của phim. Dù ban đầu có hơi thất vọng vì phim xoay quanh Minare nhiều hơn là tập trung về công việc của đài, song, mình vẫn tận hưởng nó và khá thỏa mãn với cái kết của bộ phim.
Nếu các bạn cảm thấy chán và không biết nên xem gì, mình khuyến khích bạn xem thử bộ này và nghe Minare liến thoắng không ngừng. Có thể sau bộ phim này, các bạn sẽ bắt đầu có hứng thú với việc nghe đài và khám phá được nhiều điều thú vị khác thì sao? Ngoài ra, các bạn có thể sẽ nhìn thấy bản thân nơi những nhân vật trong phim, về hoàn cảnh, suy nghĩ và cảm xúc. Dẫu sao thì, Wave, Listen to Me cũng là bộ phim nói về tuổi trẻ và những bất cập trong cuộc sống mà.
#Lamp
PS1: không phải tự nhiên mà mấy phim/game hậu tận thế, nhân vật chính hay tìm đến mấy cái đài phát thanh đâu. Đài phát thanh tuyệt vời lắm đấy.
PS2: Minare không hề hoàn hảo, vì cô ta bộc lộ bản thân rất nhiều, nên chúng ta cũng hiểu cô ta khá rõ. Khi chúng ta tiếp xúc với người khác cũng thế thôi, những mặt không tốt của họ sẽ dần hiện ra, tuy nhiên, quan trọng là chúng ta có thể nhìn vào những mặt tốt và quý mến họ hay không.
PS3: chuyện tình cảm có nhiều cái rất buồn cười và khó nói, điểm này phim đã khắc họa rất tốt.
Nhận xét
Đăng nhận xét