“KHÔNG KHÍ” (ATMOSPHERE) TRONG ANIME, MANGA LÀ GÌ? NHỮNG VÍ DỤ VỀ VIỆC SỬ DỤNG “KHÔNG KHÍ” TRONG MỘT BỘ ANIME
Ở đây khái niệm “không khí” dĩ nhiên không phải là thành phần khí quyển bao gồm O2, N2,... theo khoa học mà là để chỉ “bầu không khí” mà một tác phẩm anime, manga mang lại hay là những cảm nhận một cách trực tiếp và rõ ràng về sắc thái của bộ anime đối với khán giả.
Trong mỗi tác phẩm bất kỳ cũng có sự pha trộn của những yếu tố thể loại khác nhau, và tổ hợp của các yếu tố trên mang lại cho bộ anime một màu sắc hay sắc thái (tone/mood) riêng biệt. Ví dụ đối với những bộ tâm lý + kinh dị thì thường mang màu sắc u ám, ghê rợn. Những bộ dark fantasy mang lại màu sắc đen tối, bi tráng. Những bộ slice of life +hài hước mang màu sắc nhẹ nhàng, vui tươi. Và những bộ iyashikei thường mang đến sự nhẹ nhàng, ấm áp.
Khi những màu sắc/ sắc thái trên được tập trung với một cường độ mạnh mẽ và được giữ ổn định từ đầu đến cuối tác phẩm thì chúng có thể tạo ra một “bầu không khí” truyền trực tiếp những cảm nhận về màu sắc của tác phẩm đó đến khán giả. Ví dụ khi xem một bộ phim khinh dị, thriller mà được làm tốt thì ta sẽ có cảm giác như có một luồng không khí rùng rợn, lạnh sống lưng tỏa ra từ bộ phim đó và có thể hoàn toàn khiến chúng ta sợ ngay cả khi chưa chiếu đến cảnh hù dọa người xem.
Theo mình thì yếu tố “không khí” (atmosphere) trong một bộ anime là rất quan trọng, nó giúp khắc sâu ấn tượng của người xem về tác phẩm đó và khiến cho tác phẩm đặc biệt khó quên. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những tính chất của một “bầu không khí” tốt thông qua một số ví dụ đơn giản.
1. Là một yếu tố tổng hợp và phải cảm nhận trực tiếp
“Không khí” là một yếu tố khá đặc biệt, bởi vì nó là một yếu tố bị chi phối và ảnh hưởng bời tất cả các thành phần của một bộ anime như: cốt truyện, nhân vật, hình ảnh, âm thanh. Không có bất cứ một thành phần riêng lẻ nào đóng vai trò quyết định cả. Để xây dựng một bầu không khí có tác động mạnh mẽ theo ý tác giả thì phải có sự hài hòa, phối hợp nhịp nhàng và tình tế của mọi thứ mà bộ anime đó có. Nếu có bất kỳ một thành phần nào đi quá lệch với hướng đi chung của tác phẩm thì đều có thể phá hỏng bầu không khí được tạo dựng tại bất cứ lúc nào.
Bây giờ chúng ta hãy sử dụng Mushishi – một trong những bộ anime mà mình yêu thích nhất để làm ví dụ. Mushishi có thể nói là một đỉnh cao của việc xây dựng bầu không khí trong tác phẩm anime và có một trong những bầu không khí độc đáo nhất. Bầu không khí của Mushishi có thể được miêu tả là đậm tính nhẹ nhàng, thư thái và giản dị nhưng cũng đầy tính triết lý, thiền định. Có được “không khí” tuyệt vời như trên là sự kết hợp gần như hoàn hảo của tất cả những thứ mà Mushishi có được. Đó chính là sự kết hợp của cốt truyện đơn giản, xúc tích nhưng đầy sâu sắc; của lời thoại chân phương, thực tế nhưng có nhiều điểm nhấn; của thiết kế nhân vật đầy giản dị không màu mè, không fanservice; của phần hình ảnh đơn giản nhưng tuyệt đẹp với phông màu xanh lá của thiên nhiên làm chủ đạo; hay của phần nhạc nền cực dễ chịu, êm tai như ru hồn ta vào cõi mộng... Tất cả những yếu tố trên đều có vai trò ngang nhau và có sự hòa trộn thực sự cẩn thận phải vừa đủ cả lượng và chất mới có thể tạo ra một tác phẩm hài hòa như thế được.
Chính vì yếu tố “không khí” trên là một yếu tố tổng hợp, bao trùm toàn bộ bộ anime nên nó rất khó để phân tích và giải bày cho rõ ràng mà chỉ có thể cảm nhận một cách rõ ràng nhất thông qua cách xem và cảm nhận trực tiếp. Đó là khó khăn chung của các reviewers khi phân tích Mushishi. Khi được hỏi điểm hay của Mushishi là gì, phần lớn các reviewers, critics đều trả lời rằng nó có một “bầu không khí tuyệt vời”. Nhưng mà để phân tích, giảng giải sâu hơn thế nào là “bầu không khí tuyệt vời” và tại sao Mushishi có bầu không khí độc đáo và khác biệt so với các tác phẩm khác thì lại là một thứ không thể diễn tả trọn vẹn được.
Thế thì làm sao để biết được đây? Đơn giản thôi! Vào một đêm yên tĩnh, khi đã tạm xa rời lo toan bộn bề cuộc sống, ta lựa chọn chỗ nào thuận tiện và dễ chịu nhất, có thể thêm chút đồ ăn nhẹ. Sau đó, bật Mushishi lên để xem và trải lòng mình với tác phẩm. Mushishi là một tác phẩm rất trầm mặc, có thể nói mấy bạn mà xem không quen là đi ngủ sau 5 phút đầu luôn. Thực ra mình tuy yêu thích slice of life và xem khá nhiều bộ có pacing chậm nhưng cũng phải sau 3-4 tập mới làm quen được cái nhịp phim cực chậm của Mushishi. Tuy là một bộ anime đầy chậm rãi và trầm lắng nhưng sau khi xem xong Mushishi thì mình lại cực “nghiện” cái tính chất đặc biệt đó. Ngay cả thậm chí không cần xem lại bộ anime, chỉ cần nghe lại nhạc nền và nhớ lại những cảnh tượng tuyệt đẹp trong tác phẩm như lúc những con mushi chuyển động uyển chuyển hay cảnh dòng chảy sự sống của các Kouki phát sáng rực rỡ là ta lập tức cảm thấy sự nhẹ nhõm trong tâm hồn và xua tan bao lo nghĩ phiền muộn.
2. Quan trọng nhất là sự vừa đủ, hợp lý và hòa hợp.
Như đã đề cập từ trước, để xây dựng một bầu không khí mạnh mẽ trong tác phẩm anime, manga thì ta bắt buộc phải thêm vào vừa đủ cả lượng và chất của các yếu tố và có sự phối hợp một cách hài hòa nhất có thể được trong tất cả các thành phần, điều này thực sự không dễ làm. Nếu chỉ có một yếu tố riêng lẻ đi quá giới hạn hay không có sự ăn nhập, quá ngẫu nhiên trong bộ anime, manga thì có thể phá vỡ hoàn toàn cái “không khí” đang được tạo dựng.
Ví dụ trong một tác phẩm dark fantasy như Berserk, ta cũng phải cần có một chút yếu tố hài hước vào để giúp làm giảm tải bớt độ nặng nề của cốt truyện vốn có. Tại đây, tác phẩm Berserk đã có sự tính tế và tính toán hợp lý trong việc này. Chỉ có hai nhân vật Puck và Isidro làm hai cây hài chính, đôi khi cũng có Schierke tham gia khi Schierke bị Isidro trêu chọc. Những nhân vật như Guts đã nghiêm túc từ đầu thì sẽ luôn giữ nghiêm túc, đương nhiên nếu biến Guts thành một “cây hài” thì sẽ là một điều rất tệ hại rồi, sẽ làm phá hỏng hình tượng của anh. Ngoài ra tuy các chi tiết hài được lồng ghép khá nhiều vào những cuộc chiến nhưng lại nhẹ nhàng không quá lố lăng và khi nào cần sự nghiêm túc thì Berserk sẽ rất tập trung vào thể hiện những tính chất đặc trưng của dark fantasy với nhân vật Guts có vai trò chủ đạo. Từ đó ta thấy rằng tuy có lồng ghép thêm yếu tố comedy vào nhưng Berserk vẫn luôn giữ vững bầu không khí đen tối, rùng rợn và đậm chất bi tráng, sử thi của mình trong suốt tác phẩm.
Một ví dụ ngược lại, trong những bộ có yếu tố tâm lý, kinh dị như Mirai Nikki, hay dark fantasy như Akame ga Kill đáng lẽ đã có thể toát lên bầu không khí ghê rợn, ly kỳ hay đen tối, bi tráng thì mình không cảm nhận bất kỳ điều gì trong những bộ anime này. Đó là do việc thêm yếu tố fanservice, hài hước một cách quá ngẫu nhiên và không có sắp đặt. Vừa mới thể hiện sự thương tiếc cho nhân vật đã chết thì chỉ sau vài phút lại thấy vếu đập vào mặt, hay các nhân vật đùa giỡn với nhau như chưa hề xảy ra chuyện gì. Sự chuyển đổi sắc thái từ khinh dị sang hài hước quá gượng ép, không tự nhiên và mượt mà đã làm hỏng hoàn toàn bầu không khí trong anime và làm giảm nhiều đi sự ấn tượng trong lòng khán giả.
Đương nhiên, như đã đề cập “không khí” là một yếu tố toàn thể nên việc so sánh yếu tố hài hước trên của mình chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện để các bạn có thể mường tượng được vấn đề thôi. Chứ để giúp Berserk có bầu không khí đặc trưng như vậy trong khi những tác phẩm khác không có là còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như art style cực chất của Kentarou Miura, cách triển khai cốt truyện và xây dựng nhân vật ... vân vân và vân vân nữa.
3. Đạo diễn – người có vai trò quan trọng nhất trong việc định hình bầu không khí của một tác phẩm anime
Đạo diễn được ví như một vị nhạc trưởng trong một dàn nhạc giao hưởng, là người có nhiệm vụ bảo đảm sự đồng nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa các nhạc công và là người chịu trách nhiệm tổng thể nhất trong một dàn nhạc.
Do “không khí” là một yếu tố tổng hợp, toàn diện nên dĩ nhiên người chịu trách nhiệm chính cho yếu tố này không ai khác chính là đạo diễn. Một vị đạo diễn tốt hoàn toàn có thể tạo dựng được một bầu không khí vô cùng đặc sắc và độc đáo thậm chí chỉ với kịch bản đơn giản nhất.
Chúng ta sẽ lấy một ví dụ thông qua sự so sánh giữa bộ Kino’s Journey bản gốc được sản xuất năm 2003 và bản remake trong năm 2017. Bản gốc được đạo diễn bởi Ryuutarou Nakamura người đã đạo diễn một bộ anime hack não bậc nhất là Serial Experiment Lain, trong khi đó bản remake do một đạo diễn và dàn staff hoàn toàn khác thực hiện.
Mặc dù được chuyển thể từ cùng 1 tác phẩm gốc và có cốt truyện tương tự nhau thế nhưng mình lại yêu thích bản chuyển thể năm 2003 hơn hẳn. Nguyên nhân chính là do phong cách đạo diễn đầy tài tình của Ryuutarou Nakamura.
Có lẽ khi nhiều người nhìn vào thể loại của Kino’s Journey là slice of life sẽ chỉ nghĩ đây là một bộ anime nhẹ nhàng, đời thường. Thế nhưng, thực sự Kino’s Journey rất giàu tính triết lý và ngụ ngôn và cả bí ẩn. Ở bản 2003, Ryuutarou Nakamura đã thể hiện những yếu tố này rất tốt thông qua nhiều yếu tố khác nhau. Công bằng mà nói, những sự thay đổi của bản 2003 và bản remake là không quá nhiều, phần lớn đều là những chi tiết nhỏ thế nhưng những sự thay đổi trên lại tạo ra hiệu quả đáng kể.
Ví dụ như ngay trong các tập, bản gốc 2003 đã tập trung vào các cuộc nói chuyện của Kino và Hermes mà có lời thoại có nhiều câu quotes mang tính triết lý cao và đạo diễn đã thông minh, nhấn mạnh các quotes bằng cách ghi trực tiếp nó lên màn hình, điều này đã có tác dụng tốt trong việc thu hút sự chú ý của khán giả. Hay là việc sử dụng hiệu ứng âm thanh mang màu sắc không những nhẹ nhàng mà còn giàu tính bí ẩn. Bên cạnh đó là việc điều chỉnh nhịp phim rất tốt, khiến cho có những mẫu chuyện ngắn, chỉ chiếm thời lượng 1/2, 1/3 tập vẫn được giải thích đầy đủ và gây ấn tượng cho khán giả. Trong khi đó, ở bản 2017, có một số mẫu chuyện bị rush, cắt mất phần giới thiệu nên có thể gây khó hiểu và hụt hẫng cho khán giả.
Những điều trên đã khiến cho bầu không khí mà Kino’s Journey tạo ra được đa dạng và sâu sắc hơn, không những nhẹ nhàng mà còn bí ẩn và giàu triết lý so với bản remake chỉ có một màu sắc duy nhất đó là nhẹ nhàng.
Qua ví dụ trên ta mới thấy sự đóng góp quan trọng của đạo diễn, những vị đạo diễn kỳ cựu như Satoshi Kon, Mamoru Oshii, Shinichiro Watanabe, Hayao Miyazaki,... có thể tạo ra những tác phẩm có “không khí” đầy đa dạng, cuốn hút và có thể giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả trong nhiều năm hay thậm chí cả nhiều thập kỷ.
Tầm quan trọng của “không khí” trong anime
“Không khí” tuy là một yếu tố phụ nhưng theo mình nếu được phát huy đúng mức sẽ đem lại tác dụng rất lớn giúp tác phẩm đó độc đáo và khó quên trong lòng khán giả.
Thực sự mà nói, Mushishi tuy có ý tưởng về các Mushi là khá độc đáo thế nhưng về mặt cấu trúc của cốt truyện cũng khá là quen thuộc, không khác những bộ về yêu quái, yokai khác như Natsume, Mononoke, xxxHolic,... Thế nhưng chính cái bầu không khí có một không hai mà Mushishi đem lại, mình dám tự tin khẳng định rằng, không chỉ trong loại hình giải trí anime mà cả trong những loại hình giải trí khác như phim mỹ, phim hàn,... bạn không thể tìm được bất kỳ một tác phẩm nào khác đem lại một cách chính xác cái cảm giác tương tự như khi xem Mushishi. Chính yếu tố “không khí” đã khiến cho Mushishi từ một bộ anime tưởng chừng không có gì nổi bật trở thành một tác phẩm đặc biệt bậc nhất mà mình từng trải nghiệm và đã chiếm trọn cảm tình của mình.
Đó là những ví dụ của mình, còn các bạn thì sao? Bộ anime nào mà các bạn cho là có xây dựng bầu không khí tốt, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét