SERIAL EXPERIMENTS LAIN KỲ 1: GIẢI MÃ “LAIN”, THỰC TẠI LÀ GÌ ?



1. Tại sao lại là “Lain”?
Trước khi bước vào kỳ phân tích lần này, mình muốn được giải thích tại sao mình lại chọn “Serial experiments lain” là chủ đề chính trong series review tiếp theo của mình sau series review về các bộ anime ngắn.
Serial experiment lain, hay thường được gọi tắt là Lain là một bộ TV anime được trình chiếu vào năm 1998, đây là một trong những bộ TV series rất hiếm hoi là một tác phẩm nghệ thuật mang tính thử nghiệm (experimental works). Bởi vì các “experimental works” thường là những tác phẩm có ý tưởng đầy đột phá, tính nghệ thuật cao và gần như không có tác dụng giải trí nên rất kén người xem. Đối với những “experimental works” như vậy, người ta thường ưu tiên ở dạng anime ngắn hơn, nghĩ đến việc cấp kinh phí cho Lain ở dạng TV series thực sự là một bước đi mạo hiểm. Thế nhưng với hoài bão lớn, các nhà sản xuất Yasuyuki Ueda, Yoshitoshi Abe cùng với đạo diễn Ryuutarou Nakamura đã tạo ra một trong những classic ấn tượng và hack não nhất trong anime. Mặc dù chất lượng sản xuất (production value) có bị thiếu hụt về mặt art và animation, thế nhưng có thể nói, những ý tưởng, giá trị về nội dung và nghệ thuật mà Lain đem lại xứng đáng để nó vẫn là chủ đề nghiên cứu của các nhà phê bình đánh giá cùng với sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác phẩm khác trong suốt 20 năm qua.
Một điểm rất đặc biệt nữa của Lain đó là sự dự đoán về tương lai của công nghệ thông tin. Mặc dù ra mắt vào thời điểm máy tính chỉ là một trào lưu manh nha mới nổi thế nhưng Lain đã “đi trước thời đại” đưa ra những dự đoán về mối tương quan giữa thế giới thực và ảo cũng như những vấn đề về xã hội, con người khi ranh giới thực-ảo bị phá vỡ hoàn toàn. Điều này càng làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm này khi mà đúng 20 năm sau, nội dung của Lain ngày càng thiết thực với đời sống chúng ta và Lain càng ngày càng đáng xem hơn.
Một điều nữa là đây là thời điểm mà Lain kỷ niệm đúng 20 năm lần đầu công chiếu, mình cho đây là một sự trùng hợp đầy bất ngờ với bài viết của mình. Bởi vì, ban đầu thực sự mình không tính xem lại Lain vì việc kỷ niệm lần này. Thế nhưng, đây có thể là một “chi tiết đầy thú vị” giúp làm tăng ý nghĩa cho series review này của mình.
Rồi, với tất cả lý do trên, chúng ta hãy đến ngay đến phần phân tích luôn cho nóng đi nào!
2. Giải mã bí ẩn mang tên “Lain”
Ơ... mà khoan cái đã! Như mình đã đề cập, Lain là một bộ anime rất “hack não”. Chắc rằng phần lớn các bạn đã xem Lain đều cảm thấy rối loạn và không hiểu cái quái gì đang diễn ra, đúng như câu đầu tiên của bài opening huyền thoại: “And you don't seem to understand” phải không nào? Vậy thì, mình nghĩ rằng, trước hết chúng ta cần phải giải thích cốt truyện cho rõ ràng đi nhé. Chứ vào thẳng phần phân tích thì mình sợ rằng sẽ có nhiều bạn đọc giả bị “lạc trôi” luôn vì không nắm bắt được. :v
(Các bạn lưu ý rằng Lain là một tác phẩm mang tính “đa chiều, đa góc nhìn” nên có nhiều cách hiểu khác nhau. Các bạn nếu có cách nhìn nhận khác với mình thì cứ mạnh dạn đóng góp ở phần bình luận nhé.)
Nội dung của Lain dựa trên khá nhiều giả thuyết khác nhau (trong đó vừa có cả giả thuyết khoa học và thuyết âm mưu). Nhưng chính yếu vẫn là hai giả thuyết sau:
- Giả thuyết vũ trụ giả lập (Simulation hypothesis): Giả thuyết này, hiểu theo cách đơn giản cho rằng không chỉ con người, Trái Đất chúng ta mà cả vũ trụ, thực ra chỉ là thứ được giả lập trong một siêu máy tính. Tất cả mọi thứ là “ảo” và do các chương trình máy tính tự tạo ra. Thật là một giả thuyết “nổ não” phải không nào, thế nhưng không phải là không thể xảy ra được. Hãy nhìn vào đồ họa của các chương trình giả lập ngày nay nào, trong đó đặc biệt là các game 3d, ngày càng giông người thật và ngày càng chăm chút về từng chi tiết. Và theo định luật Moore nổi tiếng trong ngành công nghệ máy tính đề xuất rằng công suất xử lý của máy tính đang tăng theo cấp số nhân. Có thể trong tương lai xa, chúng ta có thể xây dựng một siêu máy tính có thể giả lập chi tiết đến từng nguyên tử, phân tử, và cũng hoàn toàn có thể rằng, thực tại của chúng ta chỉ là thứ được giả lập bởi một nền văn minh rất tiên tiến nào đó.


- Giả thuyết vũ trụ toàn ký (The hologram universe theory): Đây là một giả thuyết rất phức tạp, dựa trên thuyết siêu dây và cơ học lượng tử nhưng chúng ta cứ hiểu đơn giản là thuyết này cho rằng toàn bộ vũ trụ là một ảo ảnh 3D được dựng trên một tấm màn vũ trụ 2D. Ở đây kỹ thuật toàn ký là một kỹ thuật phổ biến giúp tạo nên các ảo ảnh 3D sử dụng các tấm ảnh 2 chiều toàn ký mà ta hay sử dụng trong các kính xem 3D.


- Hai giả thuyết trên tuy chưa có những chứng cứ khoa học rõ ràng và còn gây nhiều tranh cãi, thế nhưng chúng lại là chủ đề yêu thích cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng, tiêu biểu như Lain.
- Từ việc vận dụng hai lý thuyết trên, sau đây là những hệ quả đã được thể hiện trong Serial experiments lain:
+ Nếu mà thế giới mà ta đang sống thực sự là một môi trường giả lập thì con người chúng ta chẳng khác gì một “chương trình”, cụ thể ở đây là một AI tự học (self-learning AI) (Cái này mình sẽ làm rõ hơn trong bài viết kỳ sau). Hai phần chính của một chương trình đó là mã nguồn (source code) và giao diện (UI) thì tương ứng với phần linh hồn và thể xác của con người.
+ Ngoài ra, chúng ta cần tìm hiểu về IP (Internet Protocol). Như các bạn đã biết các máy tính và thiết bị kết nối với nhau trong mạng Internet hoàn toàn có thể không có chung nền tảng, đa số chạy Windows, một vài máy chạy MAC OS, Linux, điện thoại thì có Android, iOS. Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm sau để các thiết bị không có chung nền tảng có thể kết nối được với nhau thông qua Internet? Đây là lúc mà ta có khái niệm về Protocol, một “chuẩn giao thức” (tạm hiểu như một ngôn ngữ chung trong môi trường máy tính) giúp các thiết bị có thể giao tiếp với nhau.
Cùng với suy nghĩ đó, nếu ta đem áp dụng vào lý thuyết vũ trụ giả lập thì sau nào? Nếu như thế giới chúng ta được giả lập trong 1 siêu máy tính thì chắc hẳn nó sẽ chạy trên 1 nền tảng nào đó phải không nào. Vậy thì có nghĩa là có thể có một “chuẩn giao thức” giúp chúng ta kết nối trực tiếp thế giới “thực” vào mạng internet như một chiếc máy tính bình thường, và giúp ta không những lấy thông tin từ thế giới “thực” mà còn trực tiếp tác động, điều khiển nó!
Trong Lain, phòng thí nghiệm Tachibana, cụ thể ở đây là Masami Eiri đã thực hiện điều tương tự. Ông ta đã khám phá ra giao thức “Protocol 7” giúp kết nối trực tiếp giữa thế giới vật lý (từ đây mình sẽ dùng từ “thế giới vật lý” thay cho “thế giới thực”, bởi vì theo lý thuyết mà Lain sử dụng “thế giới thực” cũng chẳng khác gì ảo ảnh) và mạng WIRED (tương tự như mạng Internet).
Bên cạnh đó Masami Eiri còn tạo ra “Lain”, một chương trình AI tự học, có quyền quản trị cao nhất trong WIRED. Sau đó từ chương trình “Lain” ở trong WIRED, Eiri-san đã sử dụng giao thức “Protocol 7” để tạo ra cơ thể của Lain ở thế giới vật lý. Thí nghiệm tạo ra Lain đã thành công, Eiri-san không dừng lại ở đó, ông ta đã tải “linh hồn” (hay phần source code của 1 chương trình) lên mạng Wired sau đó tự sát để thỏa mãn mong ước được tự do tuyệt đối trong Wired. Lain được tạo ra gồm 2 phần đó là Lain trong Wired, có quyền lực tuyệt đối trong hệ thống và Lain “vật lý”, chỉ là một cô bé bình thường. Sau đó, có vẻ như Lain được nhận nuôi bởi một nhân viên của phòng thí nghiệm Tachibana.
Ở một phần khác của cốt truyện, cũng có một nhà khoa học thực hiện thí nghiệm tên là KIDS trên những đứa trẻ có năng lực sóng não mạnh. Sử dụng một thiết bị chụp đầu để kích thích sóng não của chúng, nhằm mục tiêu cuối cùng là đăng tải ý thức của con người lên Wired. Thí nghiệm đã thành công, nhưng tất cả những đứa trẻ đã chết. Hối hận trước bi kịch này, nhà khoa học kia đã từ bỏ thí nghiệm vĩnh viễn. Thế nhưng những tài liệu thí nghiệm đã bị rò rỉ trên mạng và bị nhóm hacker tên là “Knights” chiếm đoạt được.
Dựa vào kết quả của thí nghiệm KIDS, nhóm Knights đã phát triển và chế tạo ra các thiết bị, bề ngoài là nói là giúp cho người dùng tiếp cận dễ dàng hơn vào Wired, nhưng thực ra là những cái bẫy để “bắt” ý thức của con người và đăng tải lên Wired. Đồng thời nhóm này cũng kêu gọi nhiều đứa trẻ tự sát để cùng tải linh hồn lên Wired giống như Masami Eiri đã từng làm. (Có nhiều khả năng Masami Eiri là kẻ đứng đằng sau giật dây cho nhóm Knights).
Và trong những đứa trẻ đã tự sát có Chisa, bạn học của Lain. Chisa-chan đã gửi cho Lain một e-mail, kêu gọi cô cùng tự sát với mình để được tự do trong Wired. Lá thư của Chisa gây sự tò mò cho Lain, khiến phần ở trong Wired của cô được “tỉnh giấc” và khiến cô bắt đầu thấy nhiều hiện tượng lạ xuất phát từ không gian mạng của Wired. Bên cạnh đó, việc “Lain trong Wired” tỉnh giấc và xuất hiện ở Cyberia gây ra sự chú ý cho nhóm Knights (hoặc có thể nhóm này đã biết Lain và lên kế hoạch sẵn từ trước nhờ vào Eiri-san).
Lain nhận được các thiết bị giúp truy cập vào Wired từ nhóm Knights và có sự trao đổi, tiếp xúc với họ. Sự gặp gỡ giữa Lain và nhóm Knights đã gây ra hai hệ quả. Thứ nhất là phần “Lain trong Wired” ngày càng hiện hữu mạnh mẽ và lấn át “Lain vật lý”. Thứ 2 là nhân cách của Lain bị phân ly: phần “Lain bình thường” với tính cách của một cô bé nữ sinh nhút nhát như trước và phần “Lain ác” bị lôi kéo, dụ dỗ bởi nhóm Knights (cũng không hẳn là ác nhưng mà mình sẽ gọi vậy cho tiện).
Nhờ vào sự giúp đỡ của phần “Lain ác” (và có thể là cả Eiri-san với Protocol 7), nhóm Knights đã phá vỡ sự ngăn cách giữa thế giới vật lý và Wired. Họ đã gây rối loạn cả trong Wired và ngoài đời, đồng thời buộc linh hồn của một số người tải lên Wired mà không cần bất cứ thiết bị nào. Hai trong số nạn nhân đó là chị của Lain và một người đàn ông mong muốn gia nhập vào Knights bởi vì hai người này phát hiện mối quan hệ bí mật giữa Lain và nhóm Knights.
Trở lại với Lain, để làm cho Lain từ bỏ hoàn toàn thế giới vật lý. Nhóm Knights cùng với “Lain ác” đã gây ra xung đột và khiến những người bạn nghi ngờ cô là kẻ mách lẽo tung tin đồn xấu, đồng thời sau khi bị tổ chức “Men in black” tra hỏi về gia đình đã làm Lain phải dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc của chính bản thân mình. Hai điều trên đã tác động mạnh mẽ đến Lain, khiến cho cô chán nản với thế giới vật lý và ngày càng lấn sâu vào Wired. Xung đột nội tâm trong cô đạt đến đỉnh điểm khi Lain quyết định xóa trí nhớ của tất cả bạn học về cô và có ý định tự sát.
Thế nhưng, có một thứ đã níu giữ Lain lại, đó là sự động viên chân thành của người bạn thân nhất của cô – Arisu. Cô đã không xóa trí nhớ của Arisu và muốn tiết lộ cho Arisu sự thật về mình. Bên cạnh đó, vì tức giận với hành động của nhóm Knights, Lain đã trả thù nhóm này bằng cách lục tung toàn bộ Wired để truy tìm và công bố danh tính của toàn bộ các thành viên của nhóm này.
Đến lúc này, kẻ đứng đằng sau là Masami Eiri, phải ra mặt, hắn ta sử dụng dịch vụ “men in black” để thủ tiêu Knight và sau đó “bit miệng” luôn tổ chức này. Đồng thời hắn ta quyết định hiện diện trực tiếp trước mặt “Lain vật lý”.
Trở lại với Lain, cô mong chờ khi cho Arisu biết mọi thứ, Arisu sẽ tha thứ và cảm thông cho cô. Thế nhưng mọi thứ cô nhận được là sự khó hiểu, hoảng sợ và đau khổ của Arisu. Sau khi “đẩy” tên Eiri trở lại Wired, Lain quyết định “RESET” lại mọi thứ. Cô xóa bỏ cơ thể vật lý của mình, xóa bỏ trí nhớ của tất cả mọi người về sự tồn tại của mình và “Protocol 7”. Thậm chí, cô còn “hồi sinh” những người đã chết như Masami Eiri, nhóm “Men in black”, Knights và cả Chisa-chan, ...
Giờ đây, khi không còn ai biết đến sự tồn tại của “Protocol 7” nữa, ranh giới “thực” – “ảo” không bị phá hủy và thế giới trở lại yên bình. Thế nhưng Lain lại phải chịu đựng đau khổ vì sự tồn tại của bản thân trở nên vô nghĩa, không ai còn biết đến cô và cô chỉ có thể lang thang vô định trong Wired mà quan sát thế giới vật lý. Thế là nhiều năm trôi qua, có vẻ như Lain không chịu đựng nổi nữa, cô sử dụng “Protocol 7” để được gặp lại Arisu. Cuối cùng thì Arisu vẫn còn nhớ đến Lain, mặc dù chỉ là trong tiềm thức – một hiện tượng giống như Deja-vu. Và đó là cái kết của SEL, một cái kết không hẳn là happy end, cũng không hẳn là kết buồn đầy bi kịch nhưng mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm.
Cách diễn giải như trên của mình có thể giải thích phần lớn những chi tiết trong bộ anime, tuy nhiên còn một số phân đoạn rất khó mà cắt nghĩa được. Nổi tiếng nhất chắc là cảnh về người ngoài hành tinh đột nhiên xuất hiện. Theo mình thì cảnh này cũng có liên quan đến chủ đề chính của bộ anime, là về “vũ trụ giả lập”, tuy nhiên do nó quá “rời rạc” với phần cốt truyện đang hướng đến nên gây nhiều sự bối rối cho người xem. Trên các diễn đàn có khá nhiều giả thuyết về cảnh này, trong đó có một số giả thuyết nổi bật như sau:
- Khi Wired kết nối hoàn toàn với thế giới vật lý, Lain trong Wired có thể đi đến bất kỳ đâu, và tương tác với bất kỳ sự tồn tại nào, kể cả người ngoài hành tinh!
- Người ngoài hành tinh này chính là nền văn minh tiên tiến đã giả lập vũ trụ vật lý của Lain. Có vẻ như các hiện tượng lạ xuất hiện cùng với sự hiện hữu của Lain đã cuốn hút sự chú ý của sinh vật này.
- Người ngoài hành tinh này thực ra chỉ là một nhân cách khác xa lạ và “khác người” của Lain. Khi mà sự cô đơn và ý thức rằng mình không phải là một con người mà chỉ là một chương trình chiếm lĩnh tâm trí cô.
Cảnh thứ hai cũng khá khó hiểu có là đoạn hội thoại và sự gặp gỡ của Lain với cha nuôi của cô ở cuối anime. Như ta biết, lúc này Lain đã gần như xóa bỏ mọi sự tồn tại của mình và theo như giả thuyết được nhiều người chấp nhận thì cha của Lain chỉ là một nhân viên trong phòng thí nghiệm Tachibana thôi. Vậy thì làm sao có thể gặp cô được. Mình cho rằng cảnh này chắc chỉ là do Lain tự tưởng tượng ra mà thôi, có vẻ như cô đã tự đối thoại với chính mình.
Theo mình thì có vẻ như chỉ một lý thuyết không thể giải thích hoàn toàn mọi chi tiết của Lain. Đến các nhà sản xuất anime cũng nói rằng: mọi góc nhìn về Lain đều hợp lệ, thậm chí nếu bạn cho rằng toàn bộ câu chuyện là chỉ là một ảo giác, do con Lain hút “lá đu đủ” quá nhiều :v thì đó cũng là một phần của tác phẩm. Điều này vô hình chung tạo cho mình một chút không được thỏa mãn khi xem lại Lain, bởi vì mình những tưởng là với lần xem này mình sẽ hiểu tất cả về Lain. Thế nhưng mình lại cho đây là một điểm mạnh của Lain, điều này khiến cho Lain là một bộ hoàn hảo cho việc xem đi xem lại. Bởi vì, cứ mỗi lần xem lại thì ta lại có những cách tiếp cận mới và có nhiều khám phá đặc sắc hơn nữa. Có thể nhiều người sẽ bảo làm sao mà mình có thể “thích” Lain cho được, bởi vì đây là một bộ đầy khó hiểu và không có tính giải trí. Thế nhưng, thực sự ban đầu, mình đã xác định Lain không phải là một bộ anime xem để “thưởng thức” mà giống như một “thử thách” phải vượt qua hơn. Vì Lain là một thử thách đầy thú vị đối với mình thế nên nó là tác phẩm mà mình yêu thich – có vẻ là như vậy.
3. Thực tại là gì?
Khi mà được hỏi rằng thế giới mà bạn đang sống có “thực” hay không, chắc chắn nhiều người sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng là thực. Thế nhưng khi được hỏi tiếp là tại sao bạn lại cho rằng đó là thực thì họ chỉ biết trả lời rằng nó được mặc định là vậy. Phải, “thực tại” từ xa xưa đã được chúng ta mặc định là chỉ có một và dựa vào những cảm nhận đơn thuần thông qua các giác quan của con người.
Thế nhưng các nhà triết học đã không thỏa mãn với câu trả lời này. Mục đích của triết học nói riêng và khoa học nói chung là tìm hiểu lý do cho mọi thứ. Do đó, các nhà triết học từ thời xa xưa đã luôn dành rất nhiều thời gian dễ ngẫm nghĩ và tranh luận với nhau về bản chất của thực tại. Trong đó có nhà triết học vĩ đại Plato với câu truyện ngụ ngôn “Cái hang của Plato” nổi tiếng của mình.


Do không để bài viết quá dài nên mình sẽ chỉ kể sơ lược về cốt truyện như sau: Có một đám người bị xiềng xích trong 1 cái hang sâu và họ không bao giờ được ở bên ngoài. Bên cạnh đó họ còn bị buộc chỉ được quay mặt vào trong hang và phía sau họ là một đóm lửa lớn. Một ngày, các vị thần vì thương tình những người ở trong hang nên mang các hình nộm tượng trưng cho các sinh vật ở ngoài hang để miêu tả về thế giới bên ngoài cho những người trong hang (tương tự như tiết mục múa bóng rối). Thế nhưng vì chỉ nhìn thấy những bóng người và bòng của những con rối nên những người trong hang đều cho rằng những cái bóng trên đều là những sinh vật có thực ở trong hang, chứ không phải chỉ là cái bóng phản chiếu thế giới thực sự ở bên ngoài. ( Các bạn muốn tìm hiểu chi tiết có thể xem qua link sau: http://bookhunterclub.com/ly-thuyet-ve-cai-hang-cua-plato/ hay http://sieusangtao.net/2016/06/01/plato-ngu-ngon-ve-cai-hang/, ở đây do câu chuyện của Plato được miêu tả theo kiểu truyền miệng nên có nhiều “phiên bản” khác nhau là chuyện bình thường).
Câu chuyện về cái hang của Plato đã chỉ ra rằng quan niệm về thực tại của ta đã bị “bóp méo” vì sự hạn chế trong việc quan sát và cảm nhận thế giới bằng các giác quan đơn thuần, tương tự như hình ảnh những con người bị cầm tù trong hang sâu. Không những phương Tây mà cả những nhà hiền triết hay trong tư tưởng của Phật giáo phương Đông đều cho rằng 5 giác quan là những “nhà tù” giam cầm con người và không cho họ tiếp cận chân lý sâu rộng của vũ trụ. Vì thế, đã có những phương pháp thiền định ra đời nhằm giảm thiểu tối đa hoạt động của ngũ giác quan và tập trung toàn bộ tinh thần vào những sự chiêm nghiệm, cảm nhận trực tiếp của não bộ.
Đến ngày nay ta đã phát hiện ra rõ ràng những thứ mà cả 5 giác quan không thể cảm nhận được nhưng hoàn toàn tồn tại và có thực như sóng điện từ (trừ ánh sáng) nhờ vào khoa học. Cũng như nhờ sự phát triển của Vật lý thời trung cổ - cận đại, đặc biệt là bắt nguồn từ nhà bác học vĩ đại Issac Newton đã làm thay đổi quan niệm về thực tại, chuyển từ việc quy định thực tại chỉ bằng giác quan sang một hướng khoa học và định tính hơn. Theo đó, một thứ được cho là “tồn tại”, có thực khi mà nó có tương tác vật lý với thế giới xung quanh theo 4 loại tương tác cơ bản nhất đó là: hấp dẫn, điện từ, mạnh và yếu. Quan niệm về một “vũ trụ vật lý” khi mà các định luật vật lý có thể chi phối và quyết định tất cả hay còn gọi là “tất định luận” đã thống trị giới khoa học trong suốt một thời gian dài.
Đến thế kỷ XX, một cuộc cách mạng về khoa học đã diễn ra, bắt nguồn từ Einstein với thuyết tương đối và đặc biệt sau đó là “cơ học lượng tử” đã xây dựng nên một nền vật lý hiện đại và lật đổ hoàn toàn “tất định luận” của Newton. Những hiện tượng hay định luật đầy “kỳ dị” được khám phá như: tính lưỡng tính sóng-hạt, những “hạt ảo” đột nhiên xuất hiện từ hư vô, sự “vướng víu lượng tử” khi mà hai hạt có thể tương tác với nhau một cách ngay lập tức, ở khoảng cách vô cùng xa và tốc độ tương tác có thể lớn hơn cả vận tốc ánh sáng hay ở trung tâm các “hố đen” khi mà mọi định luật vật lý đều không thể sử dụng được. Đều này làm đến cả nhà bác học thiên tài Einstein phải ngạc nhiên mà thốt lên rằng đây là những sự tồn tại được ma quỷ tạo nên (như “hạt ma quỷ”, “tương tác ma quỷ”).
Đến thế kỷ XXI, các lý thuyết hiện đại của Vật lý như thuyết siêu dây, đa vũ trụ ngày càng làm lung lay quan niệm cổ điển của chúng ta về một thực tại độc lập và duy nhất. Và lý thuyết về vũ trụ giả lập, toàn ảnh (ảo ảnh 3 chiều) được sử dụng trong Lain là một trong những lý thuyết hiện đại cho rằng thực tại của chúng ta chỉ là một trong số vô vàn “thực tại” đang hiện hữu và rằng thế giới không tồn tại độc lập mà có sự phụ thuộc dựa vào một nền văn minh của thế giới khác.
Do đó, khi khám phá ra “Protocol 7” và chứng minh được rằng thế giới vật lý thực ra chỉ là một ảo ảnh, Masami Eiri đã cho rằng thế giới đó là vô nghĩa và không đáng sống. Ông ta muốn được sống trong thế giới của Wired, nơi mà ông ta cho là “siêu việt” hơn thế giới vật lý vì không có những giới hạn của cơ thể vật lý mà có thể tự do hiện hữu ở khắp mọi nơi và có thể làm tất cả mọi thứ mà mình muốn mà không phải trở ngại. Đó là quan niệm của Eiri về thực tại, đối với ông ta Wired chính là thực tại. Thế nhưng, vấn đề ở đây đó là ông ta cho rằng lý tưởng về thực tại của mình là tuyệt đối và bắt mọi người đều phải thực hiện theo nó bằng cách phá vỡ rào cản giữa thế giới vật lý và Wired và bắt ép linh hồn của con người phải trích xuất vào Wired.
Lain, cụ thể ở đây là phần “Lain ác” đã từng bị thuyết phục bởi lý tưởng của Eiri và giúp đỡ ông ta thực hiện ý đồ của mình. Và kể cả mặt “Lain bình thường” ở thế giới vật lý cũng không phản đối Eiri, thậm chí là một phần đồng tình với ông ta. Thế nhưng, tại sao ở cuối anime, Lain lại quyết định chống lại Eiri và reset lại mọi thứ?
Theo mình, đơn giản chỉ là Lain muốn bảo vệ những thứ quan trọng đối với mình (cụ thể ở đây là Arisu-chan). Mặc dù, phải chịu đựng đau khổ vì sự cô độc tận cùng nhưng Lain vẫn quyết định bảo vệ thế giới vật lý. Bởi vì thế giới đó có Arisu, người bạn quý giá nhất của cô và cũng là người duy nhất mang đến cho cô những giá trị về mặt tình cảm của một con người. Cô đơn giản là không quan tâm những gì mà Masami Eiri nói, cho dù hắn có đúng đi chăng nữa. Và cho dù là Wired có “siêu việt” hơn thế giới vật lý đi chăng nữa thì Eiri cũng chỉ là một kẻ từ bỏ cơ thể, từ bỏ thực tại của mình chỉ vì những sự khó khăn, giới hạn nhất định.
Vậy thì sau cùng giữa hành động của Lain và Eiri-san, ai đúng ai sai? Bản chất cốt lõi của thực tại là gì? Lain đã không trả lời cho chúng ta. Bởi vì những câu hỏi về thực tại vẫn luôn là những bí ẩn lớn nhất trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người và tiếp tục làm đau đầu, là chủ đề tranh luận của các nhà khoa học, triết học trong nhiều, nhiều năm hơn nữa. Dĩ nhiên là chỉ một bộ anime không thể trả lời được rồi. Thế nhưng bên cạnh đó, Lain cũng đã gửi cho chúng ta một thông điệp đầy ý nghĩa đó là cho dù thực tại của chúng ta có khắc nghiệt, khó khăn đến dường nào thì cũng đừng nên vội vàng từ bỏ hoàn toàn nó và hãy cố gắng trân trọng, bảo vệ những gì quý giá của mình.
Bài viết của mình đến đây là hết. Cảm ơn các bạn đã đọc.
Hẹn gặp lại các bạn ở kỳ sau với chủ đề: “Con người là gì?”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến