ĐẠO DIỄN AKIYUKI SHINBOU – NGƯỜI ĐỨNG SAU NHỮNG CÚ NGOÁI CỔ ĐẦY ẤN TƯỢNG



Nếu các bạn có lên những trang thông tin về anime nổi tiếng thế giới như Myanimelist, Animenewsnetwork. Khi tìm hiểu dàn staff thực hiện những bộ anime của studio Shaft, chắc chắn sẽ có một cái tên hiện lên liên tục dưới vai trò đạo diễn, đó là Akiyuki Shinbou. Danh sách những bộ anime mà ông đã tham gia thực hiện khiến người ta phải sửng sốt, làm thế nào mà ông có thể đạo diễn gần cả trăm bộ anime như thế. Dĩ nhiên không người nào có thể đạo diễn một số lượng lớn tác phẩm đến như vậy rồi. Thực ra số lượng tác phẩm mà Akiyuki Shinbou làm đạo diễn chính không nhiều. Thế nhưng ông có vai trò quan trọng gì đến studio Shaft, đến nổi mà studio này đều phải credit tên của ông ở hầu hết những tác phẩm của mình? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, đồng thời cùng tìm hiểu về Akiyuki Shinbou, một trong những đạo diễn có phong cách độc đáo, ấn tượng nhất cả ngành công nghiệp.

AKIYUKI SHINBOU

Vai trò: Đạo diễn.

Tham gia ngành công nghiệp từ năm 1981.

Các tác phẩm nổi bật: Cossette no Shouzou, The Soultaker, Monogatari franchise, Madoka Magicka, Sayonara Zetsubou Sensei, Yu Yu Hakusho, cùng nhiều bộ anime khác của studio Shaft,…

Phong cách nghệ thuật: Mang một phong cách đặc trưng đến nổi mà người ta phải đặt tên riêng để gọi: phong cách Shinbo (Shinbouism), chủ đề yêu thích: gothic, loli, các cảnh gore (máu me) và dĩ nhiên là những cảnh ngoái cổ!

I. Mối “thiên duyên tiền định” giữa Shinbou-san và studio Shaft

Akiyuki Shinbou không phải là một cái tên mới nổi mà hiện tại ông đã có thể được xem là một con người đầy dày dặn trong ngành công nghiệp. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học thiết kế Tokyo (Tokyo Design Institute), Shibou-san đã bắt đầu dấn thân vào ngành công nghiệp với vai trò animator cho nhiều bộ anime dài tập nổi tiếng thời đầu 80s ví dụ như Urusei Yatsura. Tuy nhiên, lúc này vai trò của ông còn khá mờ nhạt và ít nhận được sự chú ý. Trong suốt hơn 10 năm như vậy, ông đã dần dần tự tích lũy kinh nghiệm và đồng thời hình thành phong cách riêng biệt mà sau này đã được nhiều người biết đến và đặc biệt hâm mộ.

Cơ hội lớn đầu tiên trong sự nghiệp đã đến với Shinbou-san khi ông được phép đạo diễn đến tận mười mấy tập của bộ shounen kinh điển Yu yu hakusho. Tại đây ông đã có cơ hội thể hiện những yếu tố ban đầu, sơ khai của phong cách Shinbo ví dụ như việc đổ bóng đậm hay sử dụng phông nền đơn sắc, tương phản cao.

Người ta cho rằng đạo diễn Shibou đã chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhà đạo diễn nổi tiếng vào thời 80s-90s như Osamu Dezaki (Ashita no Joe), Mamoru Oshii (Ghost in the shell)… Thế nhưng, người đã để lại ấn tượng mạnh nhất cho Shinbou-san chính là đạo diễn Kunihiko Ikuhara (Sailor moon), nhờ vào sự hợp tác giữa ông và đạo diễn Ikuhara trong bộ anime kinh điển “Revolutionary Girl Utena”. Chính phong cách đầy khác lạ và cũng đầy đẹp đẽ mê hoặc của tác phẩm này đã trở thành một động lực vô cùng lớn khiến cho Shinbou-san phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng cho phong cách của riêng mình.

Rồi cái ngày mà Shinbou-san mong chờ cuối cùng cũng đến, cái ngày mà ông được trao cho nhiệm vụ làm đạo diễn chính của cả một bộ anime và được toàn quyền sử dụng phong cách mà mình đã xây dựng xuyên suốt gần 20 năm trời. Đó là hai bộ The Soultaker (2001) và Cossette no Shouzou (2004). Với việc tự tay lựa chọn những cá nhân phù hợp tham gia vào hai dự án trên, ông đã dành hết sức của mình để tạo thành những tác phẩm độc đáo nhất, đậm phong cách cá nhân nhất. Điều đó khiến cho hai tác phẩm này có thể nói là hai bộ đậm đà phong cách Shinbou nhất từng tồn tại và gây cho ông tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp, cuối cùng dẫn đến sự kiện studio Shaft đã mời ông về để hợp tác làm việc.

Bây giờ ta hãy cùng trở lại với studio Shaft, câu chuyện của studio này cũng có nét khá tương đồng với câu chuyện của Shinbou-san. Studio Shaft cũng là một cái tên khá lâu đời, được thành lập từ tận năm 1975. Thế nhưng trong suốt hơn hai mươi mấy năm, vai trò và độ nổi tiếng của studio này đều khá mờ nhạt. Với nhiệm vụ chủ yếu là gia công, vẽ cảnh nền cho những studio khác, hay cùng lắm là hợp tác với những studio lớn vào thời đó để sản xuất anime mà thôi. Chứ studio này chưa hề có tác phẩm lớn của riêng mình.

Đến năm 2004, giám đốc mới lên của studio này là Kubota Mitsutoshi do đã chán với “kiếp làm thuê” nên đã vạch ra một hướng đi hoàn toàn mới cho studio. Tại thời điểm anime phát triển, studio mới mọc lên nhan nhản, nên ông đã nghĩ rằng studio Shaft cần phải có một phong cách đầy khác biệt mới có thể cạnh tranh lại những ông lớn khác.

Nhờ vào sự ấn tượng với The Soultaker và Cossette no Shouzou của Shinbou-san, giám đốc của studio Shaft đã liền mời ông về hợp tác, với nhiệm vụ chỉ đạo hướng đi nghệ thuật cho studio trong thời gian tới. “Team Shinbou” được lập nên từ 3 vị đạo diễn Shinbou-san, Oishi Tatsuya và Oonuma Shin đã có vai trò cực kỳ quan trọng giúp chỉ đạo nghệ thuật trong tất cả các tác phẩm của studio Shaft kể từ đó. Do đó, tuy Akiyuki Shinbou không phải là “mẹ đẻ” giúp thành lập nên studio Shaft thì vẫn có thể xem ông như là một “mẹ đỡ đầu” giúp studio Shaft “tái sinh” trong một hình hài hoàn toàn mới.

II. Phong cách Shinbou (Shibouism)

Phong cách Shinbou không phải là thứ đơn giản được ông nghĩ ra nhất thời mà thực sự đã được dày công xây dựng, phát triển xuyên suốt sự nghiệp của ông. Do đó, phong cách này rất đa dạng, phức tạp, được thể hiện qua rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong bài viết này, mình chỉ có thể nêu ra những đặc điểm chính, phổ biến nhất và dễ nhận ra nhất trong phong cách của ông. Các bạn nếu nhận ra những đặc điểm nào khác đầy thú vị trong phong cách Shinbou thì hãy comment bên dưới nhé.

1. Cách sử dụng cảnh nền (background): Có thể nói Shinbou-san là một trong những đạo diễn có sự sáng tạo bậc nhất trong việc sử dụng background. Ông đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau giúp tạo nên những background đầy phá cách, đẹp đẽ và giàu tình nghệ thuật.

Ví dụ như việc sử dụng phong cách lượt giản, các toà nhà, kiến trúc thay vì vẽ sát với đời thực, lại được tạo nên từ những hình học đơn giản như hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn, tam giác,hình sọc ca rô...:

https://i.imgur.com/ZnnPCtf.jpg

https://i.imgur.com/wTm0PBP.png

Ông cũng được xem là một trong những người đi tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật “background chuyển động”, thông thường cảnh nền chỉ là những hình ảnh tĩnh và nhân vật chuyển động trên cảnh nền đó. Thế nhưng ở đây thì ngược lại, background cũng có thể chuyển động giống như nhân vật!:

https://i.imgur.com/wF0hP6Z.gifv

Ngoài ra ông cũng không ngần ngại sử dụng background tạo bằng 3D-CGI ví dụ như trong bộ Cossette no Shouzou đã được ông thử nghiệm kỹ thuật CGI từ rất sớm, hay việc sử dụng các biểu tượng tôn giáo (thiên chúa giáo) cũng được ông khá ưa chuộng.

2. Kỹ thuật đổ bóng mạnh, sử dụng gam màu đơn sắc và tương phản mạnh: Đây là một trong những đặc điểm cơ bản trong phong cách Shinbo, được ông sử dụng từ rất sớm, bắt đầu từ bộ Yu yu Hakusho. Việc sử dụng các gam màu đơn sắc, tương phản ví dụ như đen - trắng, xanh dương - đỏ, xanh lá, vàng,… giúp cho các cảnh đầy nổi bật, đập vào mắt người xem, gây ra một ấn tượng mạnh mẽ:

https://i.imgur.com/OLhmdHr.png

https://i.imgur.com/h842HFT.png

https://i.imgur.com/jX2VWvW.png

3. Sử dụng các đoạn văn bản, chữ Kanji để tượng trưng, nhấn mạnh thông tin trong anime. Cái này được sử dụng chỉ để đơn giản hóa quá trình thực hiện và tiết kiệm công sức cho studio nhưng vẫn được ông thể hiện bằng cách đầy sáng tạo và thú vị.

https://i.imgur.com/i68G5wT.jpg

4. Kỹ thuật cinematography: Shinbo-san cũng là một trong những người chịu khai thác yếu tố này nhất. Ông luôn luôn tìm cách khám phá ra những góc quay mới lạ mà các đạo diễn anime khác chưa từng sử dụng. Ông đặc biệt yêu thích những góc quay nghiêng (Dutch angle). Và việc chuyển đổi góc quay liên tục từ góc quay toàn cảnh sang cận cảnh gương mặt nhân vật, đôi mắt nhân vật và làm ngược lại.

https://i.imgur.com/qYpiBKb.png

Đặc biệt khi một nhân vật đang nói chuyện, ông thường né tránh việc quay trực tiếp vào nhân vật đó mà quay vào góc hoàn toàn khác không liên quan, hay quay vào bóng của nhân vật, vào hình ảnh phản chiếu của nhân vật từ một chiếc ly, một tấm kính hay từ mắt của người đối diện.

https://i.imgur.com/npy2dDf.png

Ngoài ra ông cũng hay thay đổi tỉ lệ khung hình (aspect ratio) 16:9, 4:3 hay theo kiều cinema. Đây cũng là một trong những phong cách của ông thôi chứ không có tác dụng gì lắm. :v

5. Những cú ngoái cổ: Dĩ nhiên! Chắc hẳn các bạn nãy giờ đọc bài điều sẽ mong chờ mình đề cập đến điểm này. Những cú tự “bẻ cổ” như thể các nhân vật không có xương cổ đã được ông áp dụng từ bộ “The Soultaker”, và sau này đã trở thành một “trademark” đầy nổi tiếng đại diện cho studio Shaft.

https://i.imgur.com/nghFt4w.gifv

Đúng là xem những cú vặn cổ thần thánh này chúng ta người xem cũng cảm thấy mỏi cổ không kém. :v


6. Chủ đề yêu thích là văn hóa gothic và những thứ liên quan đến văn hóa này như là hình ảnh thiên chúa giáo, ma cà rồng và gothic lolita, cùng với các cảnh đóng đinh thập tự, các cảnh gore (máu me),...


Dựa vào những tác phẩm mà ông đã chính tay làm đạo diễn chính như The Soultaker hay Cossette no Shouzou, chúng ta đều rất dễ nhận ra niềm yêu thích của ông dành cho văn hóa Gothic Châu Âu. The Soultaker có hàng đống biểu tượng thánh giá, còn Cossette thì là về một gothic lolita cùng với một cảnh đóng đinh thập tự đầy máu me.

Ngay khi ông gia nhập studio Shaft, sự ảnh hưởng của ông đã được thể hiện đầy rõ ràng ở 2 tác phẩm liên tiếp sau đó. Đó là Tsukuyomi: Moon Phase, một bộ anime về loli vampire mặc đồ phong cách Gothic, và Dance in the Vampire Bund, ...yeah, cũng về loli vampire.

Những bộ anime nổi tiếng nhất của studio Shaft tuy không đậm đà văn hóa gothic như những tác phẩm kể trên. Thế nhưng trong Monogatari series chúng ta cũng có thể tìm được một cô nàng loli vampire đó là Shinobu và Madoka Magicka cũng có loli và cũng thoang thoáng phong cách Gothic. Ngoài ra trong Monogatari series cũng có một số cảnh đầy máu me, được cho là nhờ vào ảnh hưởng của Shinbo-san. Ví dụ như:

https://youtu.be/-HOAuiY5XFQ

https://youtu.be/39zaKh61cls

III. Thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào phong cách Shinbo

Phong cách của Shinbo nhờ vào vai trò chỉ đạo nghệ thuật của ông trong studio Shaft, đã khiến nó trở thành con đường nghệ thuật chính của studio và trở thành một với phong cách của chính studio. Nhờ vào đó mà mặc dù những bộ anime của studio này có rất nhiều đạo diễn khác nhau tham gia thực hiện ví dụ như Tatsuya Oishi (Bakemonogatari), Yukihiro Miyamoto (Madoka Magicka), Naoyuki Tatsuwa (Nisekoi),… thì sau cùng những bộ anime đều mang cùng một cảm giác, một phong cách nghệ thuật giống nhau, để khi bạn xem những bộ trên đều có thể dễ dàng nhận ra rằng: “Ô, đó là studio Shaft!”.

Tuy là phong cách của Shinbo đã giúp studio Shaft đem về nhiều thành công rực rỡ, giúp tạo ra một cộng đồng fan đông đảo của những người yêu thích phong cách này. Thế nhưng những người đứng đầu studio này trong thời gian gần đây vẫn muốn đa dạng hơn trong phong cách, thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào phong cách của ông. Bằng chứng cụ thể đó là bộ anime 3-gatsu no lion. Đây có thể nói là bộ anime ít chất Shinbo nhất mà studio Shaft từng thực hiện kể từ khi ông gia nhập studio.

Tuy nói là vậy nhưng không phải là 3-gatsu đã hoàn toàn thoát khỏi phong cách của Shinbo. Một số cảnh ví dụ như cảnh Rei xung dột nội tâm, được thể hiện hoàn toàn bằng gam màu tương phản đen-trắng vẫn mang dấu ấn của Shinbouism:

https://i.imgur.com/sk6jmaJ.gifv

Do đó, trong tương lai chúng ta không biết thế nào, chứ hiện tại phong cách Shinbo vẫn giữ vai trò chủ đạo trong studio Shaft, và ông vẫn là một gương mặt đại diện không thể thiếu, đã trở thành một thương hiệu đi cùng với tên tuổi của studio đầy độc đáo này.

-------------------------------------------------------------

Funfact về Akiyuki Shinbou: Các bạn có biết rằng Shinbou-san đã từng đạo diễn một số bộ “HAITEN”? :v

Nếu các bạn tò mò, muốn tìm hiểu xem H-anime theo phong cách Shinbo là như thế nào thì có thể tham khảo những cái tên sau:

Unbalance
Blood Royale
Seijun Kango Gakuin
Yu-Waku
Ryokan Shirasagi

(Tự search tên đi nhé, mình không dẫn link vào được đâu sợ thánh Zuck dòm ngó nữa :v)

Trong bài viết này mình đã có tham khảo những video của Digibro về Akiyuki Shinbou, các bạn nếu muốn tìm hiểu thêm về vị đạo diễn này thì có thể tham khảo các link sau:

https://youtu.be/GG0qydeH_as

https://youtu.be/B4r5Wcqj3j4

https://youtu.be/Bmdgcl6OlfU

Bài viết đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.

#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến