GIỚI THIỆU NHỮNG BỘ ANIME NGẮN – KỲ 4: NGHỆ THUẬT & HACK NÃO (Tiếp theo)



Chào các bạn! Chắc cũng lâu quá kể từ kỳ trước của series review này rồi phải không, chắc có lẽ nhiều người đã quên series này tồn tại rồi.
Thôi để mình xin giới thiệu lại: các bộ anime ngắn dĩ nhiên là những bộ có thời lượng ngắn, không phải là anime bộ công chiếu theo mùa (TV series) hay phim có thời lượng 1 tiếng rưỡi – 2 tiếng chiếu trong rạp (movies). Các bộ anime ngắn do không phải chịu quá nhiều gánh nặng về mặt doanh thu như TV series hay movies nên có thể tạo điều kiện cho các nhà hoạt họa thoải mái hơn trong việc sáng tạo ra những ý tưởng mới hay “trổ tài” thể hiện phong cách nghệ thuật cá nhân. Do đó nhiều bộ anime ngắn là các “sản phẩm thử nghiệm” (experimental works), giúp các đạo diễn tài năng khai thác những chủ đề hoàn toàn mới và tiếp cận dưới những cách hoàn toàn mới.
Do mật độ sáng tạo, nghệ thuật của các bộ anime ngắn cao hơn so với TV series nên mình nghĩ việc khám phá “vùng đất” mới lạ này là một điều rất cần thiết. Đó là lý do mình lập ra series review này.
Series hiện nay đã có 3 kỳ, các bạn nếu bỏ lỡ, có thể tìm đọc lại theo các đường link sau:
Kỳ 1: Drama – Cảm động
Kỳ 2: Hài hước
Kỳ 3: Nghệ thuật – Hack não
Rồi coi như phần giới thiệu lại đã xong, bây giờ chúng ta đi ngay vào từng tác phẩm trong kỳ này luôn vậy.
1. Kujira no Chouyaku (Glassy Ocean)
Thể loại: Drama, Fantasy, Kids.
Đạo diễn: Shigeru Tamura
Thời lượng: 1 tập x 22 phút.
Năm sản xuất: 1998.
Glassy Ocean là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng lý thú của đạo diễn Shigeru Tamura, khi xem bộ anime này, ta lại có cảm giác như mình đọc một bài thơ tả cảnh lãng mạn và đầy mơ mộng vậy.
Với 2 chi tiết nổi bật nhất là một đại dương màu xanh lục tinh khiết “bị đóng đăng” như một “biển làm bằng thủy tinh”, và một con cá voi khổng lồ từ từ ngoi thân hình oai vệ của nó lên mặt nước tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ và tuyệt đẹp. Từ việc chuyển đổi nhân vật từ một cậu bé rong rủi trên chiếc tàu đánh cá với hành trình vượt biển lớn cho đến một ông lão lang thang trên “biển thủy tinh”, nhìn thấy cảnh tượng con cá voi đầy hùng vĩ, mình có giả thuyết sao đây cho ý nghĩa của short này:
Đối với ông già ký ức về thời còn là một cậu bé thủy thủ nhiều ước mơ và hoài bão như một bộ sưu tập những hình ảnh tĩnh, do đó có thể nói ký ức của lão đã bị “đóng băng” giống như đại dương xanh bị đóng băng vậy và con cá voi đầy oai phong, tráng lệ là để tượng trưng cho tuổi trẻ và những mong ước cao đẹp. Giờ đây chẳng còn làm được gì nhiều nữa, lão chỉ biết ngồi đó tự cảm thán trước vẻ đẹp của thời đã xa. Hình ảnh cuối tác phẩm là một con tàu bị đóng băng trên bờ vực, thể hiện cuộc hành trình rong ruổi trên đại dương của lão đã hết (có thể do lão đã từ bỏ hoài bão của mình hay lão đã không còn sống ở trên đời nữa). Nhưng ta thấy ông lão vẫn vui tươi, vui ca với trăng sao và biển; tận hưởng những gì mình có trong thế giới của ảo mộng và trí tưởng tượng.
Ở đây đạo diễn Shigeru Tamura, đã có sự thể hiện biển thủy tinh bằng CGI rất tốt (so với thời năm 1998), thể hiện đây là một thế giới siêu thực, man mác buồn và tiếc nuối nhưng cũng đầy hứng thú và thi vị.
Đây là tác phẩm mà mình muốn recommend đến các bạn thích xem những bộ có nhịp phim chậm, muốn trải lòng mình nhiều và thích cảm nhận một cách chân thực nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh.
Đánh giá: 8/10
2. Jumping
Thể loại: Phiêu lưu
Đạo diễn: Osamu Tezuka
Thời lượng: 1 tập x 6 phút.
Năm sản xuất: 1984
(Mấy bộ mình không cho link, các bạn có thể search trên mấy trang xem anime quen thuộc như anime47,...)
Được tạo ra bởi “Cha đẻ của manga – anime” – Osamu Tezuka. Chắc chắn Jumping là một tác phẩm đáng được chú ý tới rồi. Với nội dung khá đơn giản, chỉ một cậu bé đi qua các vùng đất khác nhau chỉ bằng những cú nhảy, cứ cú nhảy sau không những cao hơn về độ cao mà còn dài hơn về quãng đường so với cú nhảy trước. Ở đây đạo diễn Osamu Tezuka đã có sự thể hiện đầy sáng tạo và độc đáo một chuyến hành trình thông qua những cú nhảy liên tiếp. Ta thấy dầu được sản xuất từ rất lâu nhưng kỹ thuật chuyển cảnh và sắp đặt, di chuyển camera (cinematography) của Osamu Tezuka là rất mượt mà và đầy sinh động.
Về mặt ý nghĩa thì tuy chỉ có 6 phút và khá đơn giản nhưng cũng đủ để short này tuyền tải mạnh mẽ cho ta một thông điệp hòa bình & phản chiến tranh, khi ta thấy cảnh cuối chiến tranh đến và cướp đi tất cả, mọi người phải xuống địa ngục.
Mình xin recommend short này cho tất cả mọi người.
Đánh giá: 7/10.
3. On your mark
Thể loại: Âm nhạc, Drama, Sci-fi
Đạo diễn: Hayao Miyazaki
Thời lượng: 1 tập x 6 phút.
Năm sản xuất: 1995.
Được chính tay đạo diễn lừng danh Hayao Miyazaki tạo ra, nhưng mình nhận thấy short này chưa được nổi tiếng và nhiều người biết đến lắm. Do đó, thông qua bài giới thiệu này, mình mong muốn nhiều bạn được trải nghiệm tác phẩm đầy đặc sắc này hơn.
On your mark là một video âm nhạc (AMV) được Hayao Mizayaki nhờ sự hợp tác với nhóm nhạc pop có hai thành viên Chage & Aska. Tác phẩm này nói về một thế giới bị ô nhiễm phóng xạ đến nổi con người không thể sinh sống trên mặt đất. Một ngày, 2 viên cảnh sát đột phá vào một giáo phái và phát hiện một cô bé có đôi cánh giống như thiên thần đang bị xiềng xích. Mặc dù, cô bé được trao trả cho chính phủ, nhưng họ nhận thấy chính phủ tiếp tục giam giữ và lợi dụng cô bé cho các hoạt động nghiên cứu. Hai viên cảnh sát quyết định giải phóng cho cô bé một lần và mãi mãi.
Với chủ đề thoát khỏi xiềng xích, tìm đến sự tự do. Sự kết hợp của phong cách hoạt họa đầy phóng khoáng, đề cao sự phiêu lưu khám phá của Hayao Miyazaki củng với âm nhạc đầy nhẹ nhàng đã giúp tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đầy thư giản và đẹp đẽ.
Xin được recommend bộ này đến tất cả mọi người.
Đánh giá: 7.5/10
4. Short Peace
Short Peace là một series các bộ anime ngắn được sản xuất bởi các hãng Sunrise và Shochiku nhằm show diễn việc sử dụng kỹ thuật CGI trong anime.
Trong đó có 2 short nổi bật hơn cả mà mình muốn giới thiệu đến các bạn đó là Tsukumo và Buki yo Saraba.
- Tsukumo
Thể loại: Siêu nhiên, Lịch sử.
Đạo diễn: Shuuhei Morita
Thời lượng: 1 tập x 14 phút.
Năm sản xuất: 2012.
Tác phẩm kể về một người đàn ông bị lạc trong một khu rừng, anh ta đành trú chân ở một đền thờ nhỏ. Khi vừa bước vào đền thờ, anh ta liền bị dịch chuyển đến một căn phòng bí ẩn của một thế giới khác.
Đây có thế nói là một trong những tác phẩm bằng CGI đẹp nhất mình từng xem. Với artstyle đầy màu sắc rực rỡ và chi tiết cùng với animation mượt mà sống động, toàn bộ tác phẩm như là một màn trình diễn màu sắc, hoa văn đầy kỳ công vậy. Nội việc được đề cử tại giải thưởng danh giá Oscar cho hạng mục phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất là minh chứng rõ ràng nhất cho ta thấy đây không phải là tác phẩm hạng thường rồi.
Đánh giá: 7.5/10.
- Buki yo Saraba
Thể loại: Hành động, Drama, Sci-fi
Đạo diễn: Hajime Katoki
Thời lượng: 1 tập x 25 phút.
Năm sản xuất: 2013.
Tác phẩm kể về một nhóm những người lính có nhiệm vụ giải trừ những cỗ máy chiến đấu tự động trong một Tokyo hoang tàn thời hậu tận thế.
Với sự kết hợp của studio Sunrise và đạo diễn là người thiết kế mecha cho gundam franchise. Buki yo saraba là 1 short cho ta những tận chiến mecha dồn dập, liên tục và rất mãn nhãn. Bằng việc kết hợp kỹ thuật CGI và những hiệu ứng cháy nổ đầy sinh động cùng với animation mượt mà đã cho ta những pha action đầy gây cấn, nghẹt thở từ đầu đến cuối bộ anime.
Đánh giá: 8/10.
Cả hai short đều rất tập trung phần animation tuyệt đẹp tuy nhiên lại có điểm hạn chế là chưa có nội dung và ý nghĩa cụ thể.
Mình muốn recommend đến những bạn nào cho rằng CGI là xấu và không thể tạo a một tác phẩm nghệ thuật thực sự thì hãy xem 2 short này để thay đổi suy nghĩ của mình.
5. Inaka Isha
Thể loại: Dementia, Drama, Lịch sử, Tâm lý.
Đạo diễn: Koji Yamamura
Thời lượng: 1 tập x 21 phút.
Năm sản xuất: 2007.
Bây giờ cũng khá nhiều bộ nghệ thuật rồi, ta chuyển sang một bộ hack não. Inaka Isha có thể nói là một bộ anime kỳ dị nhất mà mình từng xem. Với phong cách vô cùng khác biệt, mình thậm chí không thể tin bộ này là một “anime”. Được chuyển thể từ cuốn truyện ngắn “A country doctor” của nhà văn Franz Kafka, một người nổi tiếng phong cách viết truyện đầy siêu thực. Kết hợp với đạo diễn Koji Yamamura đã tạo ra một tác phẩm đầy dị biệt và trừu tượng.
Với artstyle đậm phong cách cartoon phương tây cùng với màu sắc đen tối và animation đầy méo mó, khác thường luôn tạo cảm giác ghê rợn, ám ảnh cho người xem. Ngay cả trong thể loại Dementia đầy hack não thì một số bộ khác mình còn đoán biết được chủ đề chính còn đối với bộ này, nó hack não mình từ đầu đến cuối, mình chả hiểu 100% cái quái gì đang diễn ra cả.
Vậy tại sao mình lại đi recommend bộ này cho các bạn? Là vì bộ này đem lại một cảm giác vô cùng khác thường mà mình lần đầu tiên trải nghiệm so với bất cứ bộ anime nào khác. Do đó, đối với mấy bạn “thượng đẳng siêu cấp” (đùa thôi :v) muốn tìm hiểu và thử sức mình với những thứ mới lạ thì vẫn nên xem qua thử bộ này. Chỉ có 21 phút thôi, cũng không phí quá nhiều thời gian của các bạn nếu không thích nó cũng không sao.
Đánh giá: 6.5/10.
6. Tenshi no Tamago (Angel’s Egg)
Thể loại: Fantasy, Dementia, Drama.
Đạo diễn: Mamoru Oshii.
Thời lượng: 1 tập x 71 phút.
Năm sản xuất: 1985
Angel’s Egg là một tác phẩm mang đậm tính cá nhân của đạo diễn kỳ cựu Mamoru Oshii, người gắn liền với tên tuổi bộ movie Ghost in the Shell (1995). Tác phẩm này quy tụ những đặc trưng nổi bật nhất trong phong cách của vị đạo diễn này.
Với phong cách giản lượt màu sắc và artsyle đậm màu u ám, cũ kỹ, bộ anime đã tạo nên một bầu không khí đầy ma mị và man mác sự buồn bã. Bên cạnh đó là sự kết hợp vô cùng tuyệt vời của phần âm thanh đã càng tôn thêm và nhấn mạnh một bầu không khí đầy mạnh mẽ và cuốn hút. Phần artstyle, animation là vượt trội hoàn toàn so với thời điểm ra mắt bộ này (1985).
Khi nhắc đến phim của Mamoru Oshii thì yếu tố xuất sắc nhất lúc nào cũng là phần âm thanh. Trong Angel’s Egg, phần lớn điều là những khoảng lặng yên buồn bã, nhưng đôi lúc lại nhấn mạnh đầy dữ dội bởi tiếng gió hú đầy uy lực, những tiếng ngân vang đến chói tay. Phần âm thanh tuyệt vời đã có tác dụng rất lớn giúp làm nhấn mạnh những doạn, cảnh quan trọng. Mình đã xem được 3 bộ của Mamoru Oshii là Jin-roh, GITS (1995) và Angel’s Egg. Trong đó mình thích nhất là bộ Jin-roh, nhưng mà về phần âm thanh, tất cả đều tuyệt vời. Jin-roh được soạn nhạc bởi Yoko Kanno (bà này thì quá nổi tiếng rồi). Trong khi GITS là nhà soạn nhạc Kenji Kawai (âm nhạc của GITS là thuộc hàng tuyệt tác khỏi phải bàn).
Đáng lẽ mình có thể làm một bài phân tích riêng cho bộ này nhưng mà điều đáng tiếc ở đây đó là bộ anime đề cập chủ yếu đến chủ đề tôn giáo (cụ thể là Thiên chúa giáo) với hàng đống references từ trong kinh thánh, đây là chủ đề mà mình không quan tâm và không muốn tìm hiểu lắm.
Cho nên bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa của short này thì có thể tham khảo ở link sau: https://youtu.be/2PJePhJY76U (theo như mình được biết từ trên mạng thì short này để chỉ mối quan hệ giữa chính bản thân của đạo diễn Mamoru với thiên chúa giáo)
Do đạo diễn Mamoru Oshii khá là nổi tiếng với nhiều trường đoạn tạo khoảng lặn trong các tác phẩm của mình nên recommend cho bạn nào có kiên nhẫn một chút và những bạn có hứng thú với chủ đề tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo.
Đánh giá: 7.5/10.
7. Memories
Thể loại: Sci-fi, Kinh dị, Tâm lý, Drama
Thời lượng: 3 tập x 37 phút.
Năm sản xuất: 1995.
Rồi bây giờ đến với tác phẩm mà mình thích nhất trong kỳ giới thiệu này. Memories là một series anime ngắn do sự hợp tác của studio Madhouse và 4oC để thể hiện tài năng của 3 vị đạo diễn nổi tiếng. Chúng ta sẽ chia ra giới thiệu từng tập của series.
Tập 1: Magnetic Rose
Đạo diễn: Kouji Morimoto
Biên kịch, dạo diễn hình ảnh: Satoshi Kon.
Âm nhạc: Yoko Kanno.
Khi nhìn vào dàn staff cực khủng của short này, chắc chắn nó phải là một tuyệt tác về mặt nghệ thuật rồi. Sự kết hợp của đạo diễn kỳ cựu Satoshi Kon với phong cách kể chuyện bằng hình ảnh đỉnh cao cùng với âm nhạc đầy hấp dẫn, ngoạn mục của Yoko Kanno cho ta một trong những sự kết hợp tuyệt vời đầy hiếm có nhất trong nền công nghiệp anime.
Tuy chỉ là một câu chuyện về “ghost ship” trong không gian điển hình nhưng nhờ vào tài năng của đạo diễn Satoshi Kon, đạo diễn Kouji Morimoto đã đặt tác phẩm lên một tầm cao mới. Họ đã tạo ra một thế giới đầy ma mị, bí ẩn, đầy rùng rợn và nguy hiểm, nhưng cũng không kém phần cuốn hút. Với nghệ thuật hòa trộn giữa thực tại và ảo mộng cùng với kỹ thuật cinematography thượng thừa của Satoshi Kon đã tạo ra một bầu không khí vô cùng mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Kết hợp với âm nhạc của Yoko Kanno tại nên một “bản giao hưởng” không thể nào tuyệt hảo hơn nữa.
Đây là một short mình recommned cho tất cả các bạn yêu thích Satoshi Kon hay Yoko Kanno, thực sự phải xem ngay và luôn.
Đánh giá: 10/10.
Tập 2: Stink Bomb
Đạo diễn: Tensei Okamura.
Short này nói về một nhân viên công ty thuốc đầy bất cẩn và ngu ngốc tên Nobuo Tanaka, do bị cảm mà cậu ta tự ý uống một loại thuốc mới được bào chế, không rõ nguồn gốc. Không ngờ loại thuốc đó lại là vũ khí sinh học đang được công ty thuốc đó bí mật cùng với quân đội Nhật chế tạo có tác dụng khi phản ứng với cơ thể một người nào đó sẽ tạo ra một loại khí độc đầy nguy hiểm. Và từ đó mọi việc ngày càng trở nên nghiêm trọng do sự ngu ngốc của cậu ta và cả của chính quyền, quân đội đã đẩy mọi thứ trở nên dỡ khóc, dỡ cười...
Với chủ đề dark comedy, châm chiếm sự ngu ngốc của con người. Sự ngu ngốc ở đây không chỉ là chỉ của cậu Nobuo Tanaka mà còn cả của quân đội, chính quyền do quá hấp tấp và thiếu bình tĩnh dẫn đến những hiểu lầm tai hại. Hay là bộ này còn có thể xem là một sự parody của những bộ phim hành động Mỹ khi mọi thứ bị bùng nổ và phá hủy quá nhanh chóng.
Cái hay của Stink Bomb đó là cái cách mà bộ anime này tạo ra tiếng cười. Không sử dụng những câu nói gây cười (jokes), trò đùa nhảm nhí mà tác phẩm này đã dựa vào chính sự “over the top”, các plot twist, sự ngu ngốc của chính cốt truyện để tạo tiếng cười không những có giá trị mà còn sâu sắc và thâm thúy nữa.
Đánh giá: 8/10.
Tập 3: Cannon Fodder
Đạo diễn: Katsuhiro Otomo
Được đạo diễn bởi vị đạo diễn kỳ cựu Katsuhiro Otomo – đạo diễn của bộ anime kinh điển Akira. Chúng ta tiếp tục mong đợi Cannon Fodder trở thành một tác phẩm nghệ thuật đầy đặc sắc.
Và short này đã không làm chúng ta thất vọng. Kể về một gia đình 3 người trong một xã hội phát-xít, quân sự hóa đến tận cùng. Cannon Fodder đã phê phán kịch liệt chế độ phát – xít, đồng thời thể hiện một tinh thần phản chiến đầy sâu sắc.
Điều này được thể hiện qua artstyle của tác phẩm, các nhân vật được miêu tả bằng những gương mặt đầy xấu xí và làn da xanh xám hoàn toàn không có sức sống, là do sự bòn rúc tận cùng của chế độ quân sự hóa, đã bắt những con người tội nghiệp kia phải làm việc trong những điều kiện đầy độc hại và vắt hết toàn bộ sức lực của họ, hằng ngày phải sống trong lo sợ. Bên cạnh đó, chế độ quân sự hóa triệt để trên đã chi phối hoàn toàn đến đời sống của mọi người dân về cả vật chất lẫn tinh thần. Giáo dục, giải trí, tương lai, tất cả chỉ liên quan đến những nòng súng và đại bác.
Ở đây, đạo diễn Katsuhiro Otomo đã có sự thể hiện bằng nghệ thuật đầy độc đáo. Trong Cannon Fodder, không hề có bất kỳ cut scenes (cắt cảnh) nào, toàn bộ việc chuyển cảnh là liên tục thông qua các thao tác trược theo chiều ngang và dọc của camera. Điều này đã nhấn mạnh tuyệt đối một vòng lặp bất tận không có hồi kết của một thế giới đầy u ám không có tương lai. Những chi tiết cuối đã cho thấy đứa trẻ (tượng trưng cho tương lai) đã mơ ước được phục vụ cho nhà nước phát xít thay vì phản đối chiến tranh. Từ đó, ta thấy, một khi đã hình thành một xã hội phát xít là đừng mong có tương lai phía trước, đừng mong có được hòa bình, các nhà độc tài sẽ không bao giờ thỏa mãn, sẽ tạo cớ chiến tranh không ngừng nghĩ để cuối cùng chỉ có người dân là chịu khổ.
Với tinh thần phản chiến mạnh mẽ bằng việc nhấn mạnh sự đáng sợ, nguy hiểm của một nhà nước, một xã hội quân sự hóa, cùng với nghệ thuật đầy tài ba của đạo diễn Katsuhiro Otomo, Cannon Fodder thực sự là một tác phẩm đáng để chúng ta trải nghiệm ít nhất một lần.
Đánh giá: 9/10.
Bài viết đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến