[ANALYSIS] PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC- MỘT GÓC NHÌN TỪ MANGA HIỆN ĐẠI



ANALYSIS
PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC- MỘT GÓC NHÌN TỪ MANGA HIỆN ĐẠI
Phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc là những vấn đề xã hội không phải là cái gì đó quá mới mẻ trong lịch sử tư tưởng loài người. Nó vốn được tiền nhân thảo luận từ xa xưa và trên thực tế, vẫn còn tranh cãi đến tận bây giờ. Những triết gia như Hegel và Marx thì cho rằng nguồn gốc vấn đề là bởi “tha nhân” (alienation), khi bản thân con người bị “chia cắt” với chính họ. Cách giải quyết duy nhất là phải chấm dứt sự chia cắt “cần thiết nhưng bi kịch” này. Với duy tâm của Hegel, đó là mọi cái tôi trở về thành “một”, “tinh thần thế giới”. Còn với duy vật của Marx, đó là chấm dứt tư hữu, phân công lao động, tư liệu sản xuất được “trả về” cho người lao động. Cả hai đều cho rằng, để giải quyết vấn đề thì đầu tiên phải thay đổi bản chất con người (human nature).
Tuy nhiên, việc bản chất con người có thể thay đổi theo giai đoạn lịch sử chỉ là một trong nhiều giả thuyết. Lỡ như nó bất biến thì sao? Nếu như bản chất con người là cái gì đó không thể thay đổi, vậy thì trong thực tế, chúng ta có thể làm được những gì để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, vd như nạn phân biệt, kì thị?
Việc giả định về bản chất con người là không hoặc có thể thay đổi, dựa vào đó để lập luận xa hơn được kinh tế gia Thomas Sowell gọi là các “tầm nhìn” (visions). Trong cuốn “The conflict of visions” (Xung đột giữa các tầm nhìn), Sowell chia tầm nhìn thành 2 loại cơ bản: Tầm nhìn giới hạn (constrained vision) và tầm nhìn không giới hạn (unconstrained vision). Cả 2 đồng ý với nhau rằng, con người hiện nay là không hoàn hảo, vd như tham lam, kiêu ngạo, lười biếng, ghen tị,v.v Những người theo tầm nhìn không giới hạn cho rằng sự không hoàn hảo này không phải là giới hạn cuối cùng, không thể vượt qua của con người. Rằng bằng sự hoàn thiện của lý trí, con người hoàn toàn có khả năng đạt đến sự hoàn hảo.
Dĩ nhiên, khi nói đến “hoàn hảo”, ý của tôi không phải là kiểu người siêu nhân hay có phép thuật hô biến, muốn gì được nấy. Chúng ta phải đồng ý với nhau rằng mọi thứ trên thế giới này đều có giới hạn, còn khát khao, ham muốn của con người là vô hạn. Tôi lấy ví dụ về lòng tham. Giả sử tôi muốn có một căn nhà nhưng lại không có đủ tiền để mua, thế nên tôi định sẽ giết người cướp của chẳng hạn. Hai loại tầm nhìn trên sẽ nói gì về trường hợp này?
Tầm nhìn giới hạn sẽ cố ngăn tôi lại bằng các “social process” (vd như luật pháp, đạo đức, văn hóa, tập quán, truyền thống, những mối quan hệ, tương tác xã hội. Gọi là “process” bởi những thứ này không đứng yên mà luôn chuyển động lên xuống theo thời gian). Tại sao tôi không thể giết người để lấy thứ mà tôi muốn? Bởi vì việc đó đồng nghĩa người khác cũng có thể giết tôi để lấy thứ mà họ muốn. Tôi có thể mạnh hơn người này nhưng có thể tồn tại người khác mạnh hơn tôi. Và giả sử tôi có là người mạnh nhất thì cũng không thể đấu lại một tập hợp hay số đông. Đó là lý do mà khế ước xã hội, đi kèm với nó là luật pháp ra đời, để con người không phải giết hại lẫn nhau một cách ngu ngốc. Hay như Thomas Hobbles nói trong Leviathan:
“The condition of man... is a condition of war of everyone againist everyone.”
Tầm nhìn giới hạn hiểu rằng bản chất của con người là không thể thay đổi. Những bản chất “xấu” chỉ có thể bị kiềm hãm chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Những gì con người có thể làm là “sống chung” với nó. Con người dĩ nhiên có thể tự cải thiện theo thời gian (vd như luật pháp ngày càng hoàn thiện chẳng hạn) nhưng sự cải thiện này có giới hạn không thể vượt qua. Ví dụ như bằng cơ chế thị trường tự do, cuộc sống của con người ngày càng sung túc hơn. Nhưng dù cho của cải tạo ra có nhiều đến mức nào đi chăng nữa, con người vẫn không thể “muốn gì được nấy”. Đó chính là giới hạn. Một hệ thống luật pháp tốt có thể hạn chế bất công đến mức thấp nhất có thể. Nhưng nó không thể loại bỏ hoàn toàn bất công, không thể đạt được “công lý trọn vẹn”.
Nhưng tầm nhìn không giới hạn lại nghĩ khác. Nó cho rằng tầm nhìn giới hạn quá bi quan. Rằng bằng lý trí, con người có thể loại bỏ hoàn toàn những “bản chất xấu” và trở nên “hoàn hảo”. Tuy nhiên, con người vốn sinh ra không bình đẳng. Có người lý trí hơn người kia, có người sống ích kỉ và có người sống không ích kỉ. Vậy nên tầm nhìn không giới hạn cho rằng, để dẫn dắt phần đông những người “kém may mắn” kia cần phải có sự lãnh đạo của một cá nhân kiệt xuất, một tầng lớp tinh hoa.
Nói một cách đơn giản:
+Tầm nhìn giới hạn: Các vấn đề xã hội (tệ nạn, chiến tranh, bất công, phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc) có gốc rễ từ bản chất con người. Mà bản chất con người là không thể thay đổi=> chỉ có thể dùng các social process để kìm hãm và hạn chế tối đa những mặt xấu của các vấn đề xã hội kia.
+Tầm nhìn không giới hạn: Bản chất con người có thể thay đổi được=> Cần một lãnh đạo tài giỏi để dẫn dắt quần chúng. Vd như đa phần con người đều tham lam. Giả sử có vài cá nhân “miễn nhiễm” với tính xấu này=> Họ nên dẫn dắt những người còn lại trở nên giống họ, từ đó các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết triệt để.
Lý thuyết thế đủ rồi. Vậy thì cái mớ trên liên quan gì đến manga? Ít người biết rằng chủ đề phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc vốn đã đưa vào manga từ rất lâu. Vd như manga trong giai đoạn thế chiến 2, để thực hiện mục đích tuyên truyền của chính quyền, thường miêu tả binh lính của nước Nhật như là những siêu anh hùng, còn kẻ thù thì bị “ác quỷ hóa” (điều thường thấy trong bất kì sản phẩm tuyên truyền nào trong chiến tranh). Tâm lý lo ngại với những gì đến từ bên ngoài của người Nhật vẫn còn kéo dài kể cả sau khi chiến tranh kết thúc. “Cha đẻ” của manga hiện đại, Osamu Tezuka cũng có trải nghiệm không hay thời trẻ, khi ông bị một nhóm lính Mỹ say rượu của GHQ đánh cho một trận bởi vì bất đồng ngôn ngữ. Từ “tại nạn” đó, Tezuka cho rằng, nguyên nhân mà con người đối xử “không đúng” với nhau (phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc cũng nằm trong đó) là bởi họ không thấu hiểu lẫn nhau. Hay nói cách khác, đó là con người thiếu thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn (vd tiêu biểu là dân thường trong chiến tranh bởi sản phẩm tuyên truyền mà tin rằng bên kia chiến tuyến toàn là ác quỷ với mọi rợ, trong khi thực tế thì toàn là con người giết lẫn nhau). Với giả thuyết này, không ngạc nhiên khi Tezuka cho rằng “tương tác xã hội” là cách hiệu quả nhất để hạn chế nạn phân biệt. Việc chọn “social process” để giải quyết vấn đề xã hội cho thấy Osamu Tezuka là người theo tầm nhìn giới hạn. Theo quan sát của người viết thì Tezuka không phải là trường hợp riêng biệt. Có khá nhiều mangaka, kể cả những mangaka nổi tiếng thế hệ trẻ cũng giải quyết vấn đề theo tầm nhìn giới hạn. Một mangaka tiêu biểu mà tôi muốn đề cập trong bài này là Eiichiro Oda, tác giả bộ truyện One Piece đình đám. Mục tiêu của bài viết này là:
-Khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của Tezuka như Mysterious Undergrond Men (tác phẩm khai sinh ra manga hiện đại) và Astroboy (khai sinh anime hiện đại).
-Khảo sát 3 arc: Arlong Park-Sabaody Archipelago-Fishman Island trong One Piece.
=>Dựa vào những khảo sát này để cung cấp góc nhìn của tầm nhìn giới hạn về vấn đề phân biệt đối xử trong manga hiện đại.
Trước khi đi vào phân tích thì chúng ta cần làm rõ một số khái niệm cơ bản. Việc phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc gây nhức đầu trong các cuộc thảo luận một phần là bởi nhiều người không nắm rõ hoặc hiểu sai về ngữ nghĩa, dẫn đến phức tạp hóa những thứ không cần thiết và đơn giản hóa những thứ quan trọng.
DISCRIMINATION VÀ RACISM
Bi kịch của xã hội hiện đại là nhiều người hay nhập nhằng 2 thứ này là một. Thomas Sowell, kinh tế gia người Mỹ trong cuốn “Discrimination and Disparities” đã đưa ra cách phân loại rất rõ ràng, cụ thể như sau:
+Discrimination I: Khả năng phân biệt/ nhận thức được sự khác biệt về “chất lượng” (qualities) của người, vật (peoole and things) và hành động dựa theo đó.
+Discrimination II (Racism): Đây là nghĩa hẹp hơn của discrimination I nhưng thường được nhiều người tin rằng nó là nghĩa phổ biến, hoặc tệ hơn, nghĩa duy nhất. Đó là đối xử tiêu cực với con người, dựa trên ác cảm, thù oán với các cá nhân trong một chủng tộc (race) nhất định. Mở rộng có thể là giới tính (sex), giai cấp (class), hệ tư tưởng (ideology) hay tôn giáo (religion).
*Giải thích*
Đầu tiên hãy bàn về con người. Hãy thẳng thắn với nhau rằng, con người không ai giống ai, sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều khác nhau. Tôi hôm nay với tôi ngày mai có thể khác nhau một trời một vực. Osamu Tezuka có thể chỉ là một bác sĩ bình thường nếu không có mẹ ông ta động viên “Hãy chọn điều mà con thích”. Đạo diễn anime huyền thoại Osamu Dezaki có thể chỉ sẽ là anh thợ điện nếu vào năm 1963, Mushi Pro không mở rộng và bắt đầu tuyển dụng animator. Hayao Miyazaki có thể sẽ không lấn qua mảng animation và thành huyền thoại như ngày nay nếu ông ta không muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng từ manga của Tezuka. Đời người đôi khi chỉ cần một “turning point”, một sự kiện hay một cuốn sách là đủ để đi đến vô số khả năng, ngã rẽ khác nhau. Do sự khác nhau hiển nhiên đó, con người sinh ra đã khác nhau, quá trình trưởng thành, tương tác xã hội tiếp tục đẩy sự khác biệt này thêm nữa và bởi sự khác biệt này, mục tiêu và thành tựu của mỗi người đều không giống nhau. Bởi thế sinh ra sự phân biệt.
Quá hiển nhiên? Nếu tất cả mọi con người đều chỉ là nhân bản từ một cá thể và sống suốt đời, vô tri vô giác trong ống nghiệm thì chúng ta không cần phải phân biệt người này với người kia. Chúng ta chỉ cần biết một cá thể duy nhất và dùng lập luận diễn dịch: Bởi mọi cá thể đều như nhau, mọi quá trình tương tác xã hội đều không tồn tại, mọi thứ giữ nguyên như nó vốn như vậy=> mọi đặc điểm của cá thể này có thể dùng để phán xét, áp đặt lên mọi cá thể còn lại. Nhưng thế giới thực không hoạt động như vậy.
Hãy nhìn vào 2 định nghĩa về loại I và loại II, dễ dàng thấy Sowell nhấn mạnh vào yếu tố “hành động”. Đó là bởi vì thế giới chúng ta sống bao gồm sự tương tác qua lại của vô số cá thể. Tôi có thể ghét, thậm chí hận thù một ai đó đến cùng cực. Nhưng nếu nó không cụ thể hóa thành “hành động” (lời nói, hành vi, câu chữ,v.v, miễn sao là có sự tương tác với người khác) thì cái “căm ghét” đó sẽ chẳng có ích gì để thảo luận. Thậm chí sự tồn tại của nó cũng là dấu chấm hỏi. Vậy khi ta nói về discrimination, ta không nói về ý nghĩ sâu trong bản thân mà chỉ nói về hành động như là hệ quả của ý nghĩ đó cùng tác động của nó với mọi người xung quanh.
DISCRIMINATION TRONG MANGA:
Có quá nhiều ví dụ.
Trong Mysterious Underground Men, Mimio là một con thỏ có trí tuệ nhân tạo. Thông qua thí nghiệm, trí tuệ của nó thậm chí vượt trội so với con người. Nhưng bất chấp trí tuệ siêu phàm, con người trên phố vẫn phân biệt và xua đuổi nó. Khi nó gặp John, cậu ta chấp nhận nó là bạn và không để tâm nhiều đến sự khác nhau về vẻ ngoài. Nhưng trong một biến cố, Mimio vô tình tạo thời cơ cho kẻ địch lấy được bản vẽ bí mật, gây bất lợi cho John và cả loài người.
“Tao biết mà! Mày chỉ là một con thỏ! Chẳng có con người nào lại ngu ngốc đến thế! Mày muốn được tha thứ ư? Vậy trước tiên hãy thành con người đã!”
Ta thấy rằng ở đầu truyện, những người trên phố phân biệt Mimio là bởi ngoại hình khác biệt của nó. Sau sự cố với bản vẽ, Mimio bị phân biệt bởi “trí tuệ”. Câu hỏi là tại sao giữa 2 lần nguyên nhân phân biệt lại khác nhau? Tại sao John không ghét Mimio bởi ngoại hình và những người trên phố không ghét con thỏ đó bởi nó “ngu ngốc”? Đó là bởi các đặc điểm như “ngoại hình”, “trí tuệ” whatever không có một giá trị nội tại trong tương tác xã hội mà hoàn toàn chủ quan tùy thuộc vào mỗi cá nhân hay hoàn cảnh cụ thể. Giả sử Mimio có ngoại hình giống con người nhưng nếu nó vẫn làm mất bản vẽ thì chắc chắn là John vẫn cứ xua đuổi nó mà thôi. Bởi thứ mà John quan tâm là bản vẽ và yếu tố cần thiết để bảo vệ bản vẽ trong trường hợp đó là “trí tuệ” chứ không phải việc con thỏ hình dáng ra sao.
Nhiều người có thể không để ý chứ trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên sử dụng discrimination loại I. Đó là chúng ta xem xét sự khác biệt hay “chất lượng” giữa các “means” (con người, đồ vật) và chọn lựa mean phù hợp nhất cho khao khát của chúng ta (end, desire).
Một ví dụ trong One Piece là quá trình Luffy lựa chọn thành viên cho băng Mũ Rơm. Ước mơ (end) của Luffy là tìm được kho báu “One piece” và trở thành “Vua hải tặc”. Để thực hiện ước mơ này, cậu ta cần những thủy thủ chất lượng (mean). Dĩ nhiên là Luffy không thể bạ đâu chọn đó, cậu ta phải chọn những người phù hợp nhất trong khả năng của mình. Zoro có đủ mạnh để cùng cậu bảo vệ những người còn lại trong băng? Khả năng nấu nướng của Sanji thế nào? Hay kĩ năng hàng hải của Nami có đủ giỏi?
“Phân biệt/ nhận thức được sự khác biệt về chất lượng (qualities) của người, vật (peoole and things) và hành động dựa theo đó”. Không thể đòi hỏi John phải đối xử với Mimio bình đẳng với những người khác mà bỏ mặc những ước ao của John, ở đây là bảo vệ bản vẽ. Cũng như không thể lên án Luffy nếu cậu chọn Nami là hoa tiêu thay vì một anh hoa tiêu nào đấy có kĩ năng kém cỏi hơn. Bạn có thể cho rằng người tuyển dụng “phân biệt đối xử” khi anh ta chọn người kia( có bằng cấp từ trường nổi tiếng) thay vì bạn (tốt nghiệp từ trường ít nổi tiếng hơn) nhưng không thể thay đổi sự thật rằng anh ta chọn lựa ứng viên theo lý trí, tức người có khả năng đem lại lợi ích nhiều nhất cho công ty.
Tuy nhiên đến đây sẽ bắt đầu xuất hiện phản đối rằng những gì tôi nói nãy giờ hoàn toàn dựa trên giả định rằng acting man trong những ví dụ trên hoàn toàn hành động theo lý trí. Lỡ acting man có định kiến/thiên vị thì sao? Dĩ nhiên là có khả năng. Thế nhưng Thomas Sowell cho rằng, chúng ta không cần quá lo lắng về vấn đề đó, bởi 2 lý do đơn giản sau đây:
- Chúng ta không cách nào biết được liệu việc chọn người nay thay vì người khác, đối xử tốt với người này thay vì với người khác có phải là xuất phát từ định kiến hay đơn thuần đó là hành động phù hợp với khao khát của acting man. Chỉ duy nhất có mỗi acting man là người hiểu rõ anh ta muốn gì (end) và cách hiệu quả nhất để đạt được ước muốn ấy (mean). Tôi giả sử, trường hợp Luffy mời Nami làm hoa tiêu. Là người ngoài, bằng quan sát thì nhiều nhất chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả định về tiêu chí lựa chọn hoa tiêu. Có thể Luffy chọn Nami là bởi vì tài năng, cũng có thể là bởi cô ta mạnh mẽ, kiên cường hay đơn giản là bởi vì cậu muốn cô ta đồng hành với mình. Chúng ta không tài nào biết được chính xác. Và dù có biết thì cũng không thể những tiêu chí về tài năng, mạnh mẽ, kiên cường đó cụ thể là bao nhiêu (đó là nếu có thể định lượng được). Bởi lí do đó, chúng ta chỉ có thể đưa ra 2 giả định duy nhất: 1/Giả định rằng Luffy chọn hoa tiêu theo lý trí. 2/Giả định rằng cậu ta không hành động theo lý trí, tức là định kiến, thiên vị.
Nếu (1) đúng thì không còn gì để bàn, không ai điên đến mức đi trách cứ người khác chỉ vì anh ta hành động theo lý trí. Nhưng nếu (2) đúng thì cũng đừng quá bi quan. Bởi vì như Sowell chỉ ra, mọi hành vi phân biệt đều có cái giá của nó. Điều này đưa chúng ta đến lý do thứ 2.
-“Chi phí của sự phân biệt” (cost of discrimination). Sowell cho rằng, giả sử A thực hiện hành vi phân biệt (lý trí hoặc phi lý trí) với B thì không chỉ người chịu phân biệt (tức B) mà cả người thực hiện phân biệt (A) đều phải chịu một chi phí nhất định. Hãy thử phân tích một chút. Giả sử Luffy không thực hiện hành vi phân biệt, cậu ta vớ đại bất kì ai làm hoa tiêu trên Going Merry thì rất có khả năng là chuyến hải trình ngay sau đó con thuyền sẽ bị đắm và giấc mơ “Vua hải tặc” sẽ kết thúc nhanh chóng. Tuy không thực hiện hành vi phân biệt nhưng thực chất đây vẫn là một dạng phân biệt bởi vì “chọn ai cũng được” là một tiêu chí mà bản thân Luffy đưa ra. Bây giờ giả sử Luffy thực hiện phân biệt có lý trí, tức chọn một hoa tiêu theo tiêu chí mà cậu ta cho là phù hợp. Trường hợp này, cậu ta vẫn phải chịu chi phí về rủi ro, đó là nếu Luffy “phân biệt đúng”, giấc mơ “Vua hải tặc” sẽ gần hơn và ngược lại nếu “phân biệt sai”. Câu hỏi đặt ra là, sẽ thế nào nếu Luffy phân biệt đối xử một cách không theo lý trí? Vd như cậu ta ghét thợ săn hải tặc nên không tuyển Zoro, ghét hám gái nên không tuyển Sanji, ghét nữ nên đá đít Nami với Robin, không thích “người chết” nên chẳng muốn Brook,v.v chẳng hạn. Câu trả lời rất đơn giản, đó là hiển nhiên là Luffy sẽ không có những con người tài năng kia phục vụ với tư cách thuyền viên và giấc mơ đi tìm “One Piece” có thể vứt đi là được bởi vì chả ai có thể đi biển một mình cả. Sowell cho rằng, trong tất cả dạng phân biệt thì phân biệt chủng tộc (racism) là dạng mang đến “chi phí phân biệt” lớn nhất cho cả 2 bên.
TEZUKA NÓI VỀ RACISM
Vậy racism thực ra là gì? Người ta hay nghĩ rằng racism tức là thực hiện hành vi phân biệt dựa trên chủng tộc, bắt nguồn từ suy nghĩ “chủng tộc này thượng đẳng hơn chủng tộc khác”. Nó không hẳn là sai. Nhưng lại quá hạn hẹp. Nó khiến cho nhiều người nghĩ rằng racism chỉ là nói về chủng tộc chứ không phải những mở rộng hơn là tư tưởng, tôn giáo, giai cấp, giới tính hay thậm chí là văn hóa, truyền thống. Và khi chỉ tập trung vào racism thì người ta hay nghĩ rằng chỉ có “chủng tộc thượng đẳng” mới thực hiện hành vi phân biệt với “chủng tộc hạ đẳng” chứ không có vụ ngược lại.
Với định nghĩa về Discrimination II phía trên thực ra cũng ổn rồi. Thế nhưng, tôi muốn bổ sung thêm định nghĩa của triết gia Ayn Rand để làm rõ hơn. Trong bài xã luận “Racism” năm 1963 (sau này in kèm trong cuốn The virtue of selfishness), Rand lập luận rằng: “Phân biệt chủng tộc là dạng thô thiển nhất của chủ nghĩa tập thể (collectivism). Về lý thuyết, nó cho rằng những gì đặc trưng của cá nhân như trí tuệ, tính cách là “di truyền”, kế thừa từ đời này qua đời khác. Về thực hành, nó là hành vi phán xét một cá nhân không phải dựa trên những nỗ lực của cá nhân đó thực hiện, những thành tựu mà cá nhân đó đạt được mà là dựa trên một tập thể mơ hồ, một đám đông vô danh”. Việc lấy thành tựu của một vài cá nhân trong quá khứ để đánh đồng với thành tựu của một “tập thể” rồi lập luận rằng những cá nhân ở hiện tại hay tương lai trong “tập thể” đó có liên quan whatsoever đến những thành tựu trong quá khứ theo Rand, là việc làm phi lý trí. Adam Smith khiến kinh tế cổ điển Anh vang danh không có nghĩa là những kinh tế gia nước Anh sau này đều vĩ đại như Smith. Nói rằng Smith là một kinh tế gia giỏi của nước Anh là có nghĩa. Nhưng bởi vì Smith là kinh tế gia, Smith là người Anh nên cho rằng mọi người Anh sau này đều là kinh tế gia giỏi chỉ có thể là lập luận của kẻ không có lý trí.
Trở lại với Mysterious Underground Men một chút. Ở cuối truyện, Mimio đã hi sinh tính mạng nó để cứu John và cả nhân loại. Trong những hơi thở cuối cùng, Mimio hỏi: “John, liệu tớ có phải là CON NGƯỜI?”. John đáp: “Cậu người hơn bất kì con người nào!”. Hãy nhớ lại, từ đầu đến cuối truyện, những gì Mimio làm là muốn trở thành “con người”. Nhưng “con người” mà Mimio nói đến là một “tập thể mơ hồ”, do đó nó lạc hướng. Mặc quần áo, học cách nói chuyện, nó cố gắng bắt chước cái tập thể không có thật mang tên “con người”. Nhưng khi John phát hiện ra danh tính của nó ở đoạn cuối (Mimio hóa trang thành con người để ngầm giúp đỡ John), cậu ta lột dần lớp hóa trang, để rồi cuối cùng, hiện ra một con thỏ trần trụi, không khác gì một con thỏ bình thường trước khi nó trải qua thí nghiệm. Rồi John tuyên bố, Mimio là con người. Tezuka vô cùng tinh tế. Bằng cách lột bỏ dần lớp hóa trang của con thỏ, trút bỏ sự vô nghĩa khi nó cố theo đuổi một thứ không có thật, một tập thể trừu tượng tên “con người” thì những gì còn sót lại, hóa ra, lại là “người hơn bất kì con người nào” như John công nhận. Thứ sót lại duy nhất đó, là sự hi sinh mà Mimio dành cho bạn nó. Đó là “thành tựu” chỉ của riêng cá nhân Mimio chứ không có cái gọi là “con người” nào trong đây cả. Cách nhìn đó của Tezuka, tức tập trung vào xem xét hành động của cá nhân và phán xét dựa trên đó đã mở ra cái gọi là manga hiện đại. Có một mangaka “trẻ” khác cũng chia sẻ cách nhìn đó.
ODA NÓI VỀ RACISM
Nếu phải chọn ra arc xuất sắc nhất trong One Piece thì có lẽ, chuỗi 3 arc Arlong Park-Sabaody Archipelago-Fishman Island sẽ là câu trả lời của tôi. Tuy 3 arc này không nối tiếp nhau về thời gian nhưng chúng đều chia sẻ suy nghĩa của Oda về vấn đề phân biệt chủng tộc (và cái hay là ông ta thể hiện nó rất mượt), đó là:
*RACISM LÀ GIỮA CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ*
Khởi đầu là “công viên Arlong”, người đọc ấn tượng bởi những tội ác mà Arlong- một người cá, gây ra cho làng Cocoyashi, đặc biệt là với Nami khi hắn ta giết chết “mẹ Bell-mere” của cô. Arlong bắt Nami làm nô lệ, bắt người dân trong làng cống nạp cho hắn hàng chục năm trời. Hiển nhiên, những gì hiện ra trong mắt người đọc lúc này chính là: người cá là kẻ xấu, người cá phân biệt chủng tộc. Người đọc lúc này không nhận ra, bản thân họ vô tình hình thành một định kiến về người cá.
Tiếp đến, qua “quần đảo Sabaody”, Oda lập tức làm lung lay cái định kiến này bằng những cuộc đấu giá nô lệ. Ở nơi đó, những “người cá hùng mạnh” từng một thời xem mạng sống của con người như cỏ rác lại bị biến thành nô lệ, xem là cỏ rác bởi con người, nói chính xác hơn, là bởi bọn quý tộc Thiên Long. Nếu đến đây, bạn lại hình thành định kiến về con người thì xin chúc mừng, bạn đã lờ mờ nhận ra được cái mà Ayn Rand muốn nói khi bà ấy cho rằng “racism trong thực hành là phán xét cá nhân không phải dựa trên những gì anh ta đã làm mà dựa trên tập thể mà anh ta thuộc về”.
Qua đến “đảo người cá”, qua 2 nhân vật tiêu biểu, tương phản nhau là nữ hoàng Otohime và “anh hùng giải phóng nô lệ” Fisher Tiger, Oda đã thành công trong việc khiến người đọc nhận ra rằng những gì họ cần tập trung là hành động của các cá nhân cụ thể, chứ không phải những tập thể mơ hồ như “con người”, “người cá”, “kẻ yếu”, “kẻ mạnh”. Nếu như người cá trong “đảo Arlong” là những kẻ hung bạo, nhìn con người bằng cặp mắt thù hằn thì người cá trong “quần đảo Sabaody” lại là những người cá sợ sệt con người. Rồi qua đến “đảo người cá”, đó là những cặp mắt hiếu kì, tò mò rằng “con người thật ra là gì?”. Và nếu như con người trong những cuộc đấu giá nô lệ kia là những kẻ lạnh lùng, tàn bạo với những ai “thấp kém hơn” thì thông qua băng Mũ Rơm, Oda lại cho thấy một hình ảnh khác: con người đối xử với người cá cũng bình thường như khi họ đối xử với chính con người. Kể cả hình ảnh của quý tộc Thiên Long cũng có sự đổi khác giữa 2 arc.
Dĩ nhiên, Oda không có ý định “tẩy trắng” những tội ác mà con người, người cá và Thiên Long gây ra cho nhau. Việc Arlong giết “mẹ Bell-mere”, biến Nami và người làng Cocoyashi thành nô lệ là không thể chối cãi cũng như biện minh. Hay việc Thiên Long mua những nô lệ người cá cũng như việc hải tặc loài người xuống biển sâu, lùng bắt người cá làm nô lệ đều như nhau, đều là tội ác. Câu hỏi mà Oda đặt ra, được thể hiện qua Otohime là: “Cái lời nguyền này bao giờ mới chấm dứt?”
CHẤM DỨT LỜI NGUYỀN
Tezuka từ trẻ đã hiểu rõ, phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ một sự thật không thể chối cãi và cũng không thể thay đổi: “Chúng ta khác biệt với nhau”. Không thể dùng vũ lực hay sự ép buộc để giải quyết vấn nạn này. Bộ luật Robot trong Astroboy cùng lắm chỉ có thể đảm bảo một số quyền lợi cho robot về mặt pháp lí, nó không thể bằng một cách kì diệu nào đó khiến một con người và một robot ghét lẫn nhau bỗng trở thành bạn. Đó là lý do truyện của ông khai thác rất sâu về cái mối quan hệ xã hội với niềm tin rằng, nếu con người chịu tìm hiểu lẫn nhau, họ sẽ có thể giải quyết được vấn đề.
Hoàng hậu Otohime nói rõ:
“Màu da của họ khác biệt... Hình dáng cơ thể họ cũng khác biệt. Chúng ta không thể chỉ ngồi trông tới một ngày mà loài người sẽ hiểu được chúng ta! Chúng ta phải tiếp xúc với họ và để cho họ biết được chúng ta là ai!”
Ít người biết rằng, Oda tạo ra nhân vật Otohime không chỉ dựa trên hình ảnh mục sư Thiên Chúa giáo Martin Luther King mà ông ta còn kết hợp cả Malcolm X, một mục sư Hồi giáo. X là một người từng đấu tranh theo hướng cực đoan, trái ngược với cách đấu tranh ôn hòa của King. Ông ta từng làm rõ sự khác nhau giữa “cách ly” (segregation) và “chia cắt” (separation). Theo X, “cách ly” có nghĩa là giống loài “cao hơn” ép buộc giống loài “thấp hơn” sống chia cắt. Còn “chia cắt” có nghĩa là sự tự chia cắt bình đẳng giữa 2 giống loài. Giống loài “thấp hơn” hoàn toàn có thể tự cô lập sống cuộc sống của riêng họ, “nước sông không phạm nước giếng”. Cách nghĩ này của Malcolm X ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đại chúng, trong đó có comics và manga. Trong comics sớm nhất có lẽ là giáo sư X (Luther King) và Magneto (Malcolm X) trong X-men. Trong manga, tiêu biểu là arc “Blue Knight” nổi tiếng trong Astroboy, khi phản diện Blue Knight muốn thành lập một vương quốc riêng chỉ dành cho robot tên là “Robotania”, tương tự như “vương quốc Hồi giáo” của X. Giống với Tezuka, Oda cũng không tán thành cách suy nghĩ này của X:
“Từ đáy biển đến mặt biển là mười ngàn mét... Đó là những gì chia cắt chúng ta và con người. Đừng nhầm lẫn! Những con người đã tới hòn đảo này được gọi là những hải tặc! Những tên đã bắt cóc và bán đồng loại của chúng ta cho những kẻ quý tộc đầy quyền lực! Chúng ta chỉ mới tiếp xúc với một phần nhỏ nhoi trong một tập hợp riêng biệt của loài người. Chúng ta vẫn chưa hiểu chút gì về họ!”
“VẦNG ÁNH DƯƠNG ĐANG TỎA SÁNG TRÊN HỌ, CŨNG LÀ VẦNG ÁNH DƯƠNG SOI SÁNG TOÀN VƯƠNG QUỐC CỦA CHÚNG TA!”
Otohime đánh cược tất cả những gì bà có cho niềm tin về một tương lai mà Luther King ao ước trong diễn văn huyền thoại của ông, “Tôi có một ước mơ rằng, một ngày nào đó, trên những ngọn đồi đỏ ở Georgia, con trai của cựu nô lệ và con trai của cựu chủ nô có thể ngồi bên nhau cạnh chiếc bàn của tình bằng hữu”.
Fisher Tiger cũng tương tự khi ông ta quyết định đưa con bé Kaola trở về quê hương của nó mặc cho sự nghi kị từ Arlong “Khi con bé lớn lên, nó cũng sẽ trở nên giống như là bọn chúng”.
Cả hai đều bỏ mạng bởi niềm tin của họ. Nhưng theo tôi, nó không vô nghĩa. Cái “lời nguyền” đó, có lẽ đã dần được xóa đi, khi mà Jibel quyết định dùng dòng máu người cá để cứu Luffy, một con người mà ông yêu quý từ tận đáy lòng.
“Hãy lấy máu của tôi..! Nó thuộc loại F! Cậu cần lấy bao nhiêu cũng được!”
Tôi sẽ dùng câu của Ayn Rand để kết thúc bài này:
“Phân biệt chủng tộc phủ nhận 2 khía cạnh của đời sống con người: Lý trí và lựa chọn hay tâm trí và luân lý. Rồi thay thế chúng bằng sự tiền định về mặt hóa học.”
Bạn có khả năng lựa chọn. Vậy nên xin hãy sử dụng nó và lựa chọn đúng đắn!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến