[GAME REVIEW] SHADOW OF THE COLOSSUS – KHÚC ANH HÙNG CA ĐƯỢM MÀU BI KỊCH



Đây có thể nói là một bài review khá đặc biệt của mình, bởi vì mình là một người ít chơi game, trước giờ mình chỉ biết chơi liên minh và khoảng 4,5 game offline và mình cũng chơi game khá tệ. Cho nên trong bài review này, mình không dám đưa ra những đánh giá về mặt gameplay, control,... như một bài review về game hoàn chỉnh, mà nội dung chính của bài viết này là đưa ra những nhận định của bản thân về Shadow of the colossus thông qua khía cạnh cốt truyện và nhân vật trong game. Bởi vì mình rất thích những giá trị nội dung và nghệ thuật mà Shadow of the colossus mang lại như là một tác phẩm nghệ thuật hơn là một trò chơi thuần giải trí.
Giới thiệu về Shadow of the colossus
Thể loại: Phiêu lưu, Hành động.
Đạo diễn: Fumito Ueda
Năm phát hành: 2005 trên PS2.
Bản remake trên PS4 phát hành trong năm 2018.
Các bạn không có PS có thể chơi game trên trình giả lập PS2. Các bạn có thể tham khảo thêm tại đường link sau:
Nội dung: Người ta cứ truyền tai nhau về Forbidden Land, vùng đất đáng sợ mà loài người nghiêm cấm bất cứ ai bén mảng lại gần, ở vùng đất ấy, giam giữ kẻ có thể hoàn thành tâm nguyện ngông cuồng nhất của loài người: đem người chết trở về. Chàng chiến binh trẻ Wander đem xác người yêu tới Forbidden Land. Sau khi thỏa thuận với thế lực giấu mặt, chàng được biết nếu muốn hắn hồi sinh Mono, chàng phải làm theo yêu cầu của hắn, đó là giết 16 khổng lồ nằm đâu đó trong vùng đất này. Không mảy may quan tâm lời kẻ kia nói là dối trá hay không, các Colossus có thực sự nên bị tiêu diệt, hay cái giá mà chàng phải trả là gì, Wander không chút do dự chấp nhận giao kèo đó. Cầm trên tay thanh kiếm Ancient Sword, cùng chú ngựa trung thành Agro, Wander bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi khắp miền đất cấm hòng tìm diệt các khổng lồ.
PHẦN PHÂN TÍCH (có spoilers)
Một câu chuyện mang đậm tính sử thi và bi tráng
Shadow of the colossus có cốt truyện rất đơn giản – kể về cuộc hành trình của chàng trai tên Wander tiêu diệt 16 con colossus khổng lồ để cứu sống người yêu dấu của cậu. Cốt truyện của tác phẩm này gần giống với motif anh hùng tiêu diệt quái vật để cứu lấy mĩ nhân quen thuộc. Thế nhưng, tác phẩm này đã cho thêm một cái “twist” rất thú vị khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi liệu rằng hành động của wander có thực sự mang trọn vẹn tính anh hùng và chính nghĩa.
Thoạt nhìn thì hành động của wander cũng tương tự như những hình tượng anh hùng kiểu mẫu. Cậu ta là một người vô cùng dũng cảm khi dám đối đầu với 16 con quái vật khổng lồ, những thực thể cổ xưa với vẻ ngoài vô cùng hùng vĩ và tràng lệ, chỉ cần ngước nhìn thôi là đã gây sự choáng ngợp, bàng hoàng rồi. Với vẻ ngoài đầy vững chải những tưởng như không thể bị tổn hại đó, tính đến việc đối đầu với một con colossi thôi đã là quá ghê gớm rồi, nói chi là như wander phải tiêu diệt cả 16 con như vậy là một việc vô cùng điên rồ và nguy hiểm. Đó là một phẩm chất thiết yếu của những người anh hùng mà wander có được - vô cùng bản lĩnh và gan dạ để làm những việc mà người bình thường không thể tưởng tượng nổi.
Không những có quyết định đầy mạo hiểm, mà cả cái cách mà wander tiêu diệt các colossus đã đẩy cốt truyện lên đến tầm sử thi. Hoàn toàn đơn độc, không có các nhân vật khác để hỗ trợ, giúp đỡ, cậu ta chỉ có một thanh kiếm, một cây cung và chú ngựa Argo trung thành. Tận dụng những điểm yếu và những thói quen của các colossus, wander đã sử dụng bộ óc, trí tuệ của mình để có thể hạ gục các quái vật khổng lồ trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Mình cực kỳ yêu thích điểm này của game, thông thường người ta hay cho nhân vật chính những siêu năng lực, sức mạnh phép thuật,... để có thể đối đầu với những thế lực mạnh mẽ. Thế nhưng trong Shadow of the colossus, wander phần lớn phải sự dụng sự khéo léo, thông minh của bản thân để có thể tìm cách leo lên được những con colossus và tìm ra những điểm yếu để hạ gục chúng. Mỗi khi bắt đầu cuộc hành trình tại Shrine of Worship và trong lúc giao chiến với các colossus, Wander được cung cấp những gợi ý nho nhỏ, thế nhưng việc tìm ra hướng đi thích hợp là hoàn toàn phụ thuộc vào cậu và chỉ do cậu quyết định. Có lẽ sau khi xem khá nhiều bộ anime mà các nhân vật chính có siêu năng lực bá đạo thì mình lại hơn lúc nào hết, yêu thích hình tượng nhân vật như wander. Cậu ta giống như hình tượng một chiến binh thực thụ thời cổ xưa khi mà chỉ dùng sức lực của một người thường, với những loại vũ khí thô sơ, lại có thể đánh bại những thế lực vĩ đại của tự nhiên.


Mỗi khi có ánh sáng thì sẽ có bóng tối
Nếu như hành động, sự bản lĩnh của wander là hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa anh hùng thì mục đích của cậu lại hoàn toàn đối lập. Trái ngược với các anh hùng tiêu diệt những con quái vật hung ác để bảo vệ mọi người, thì trong Shadow of the colossus, wander lại đóng “vai ác”, khi vì sự ích kỷ của bản thân đã xâm phạm vùng đất cấm Forbidden Land và tấn công những colossus hoàn toàn vô tội. Giữa hành động và mục đích của cậu là một sự đối lập vô cùng mạnh mẽ mà tác giả đã sử dụng hình ảnh đối lập là ánh sáng và bóng tối để miêu tả. Nếu như sự tụ họp của những tia ánh sáng của niềm tin và hy vọng đã dẫn lối cho cậu tìm đến với các colossi thì sau khi giết chúng, những luồn bóng tối của tội lỗi, sự hối tiếc đã bủa vây và nhấn chìm cậu vào trong vô định.
Cốt truyện của Shadow of the colossus được tác giả kể theo phong cách lược giản tối đa. Có rất ít lời thoại hay chi tiết giải thích cốt truyện trong game. Chúng ta không hề biết được quá khứ của wander, mối quan hệ của wander và Mono và vì sau Mono lại chết. Có lẽ ở đây, tác giả đã không chú trọng lý do đằng sau cho quyết định của wander, ta chỉ thấy rằng quyết định của cậu là một sự tội lỗi, trái với đạo đức bất kể lý do có là gì. Để bù đắp sự thiếu hụt của nhân vật và lời thoại, nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh đã rất được chú trọng sử dụng. Có thể nói phần lớn giá trị nội dung và ý nghĩa của tác phẩm đã được thể hiện qua hình ảnh và âm nhạc.
Shadow of the colossus là một tác phẩm có xây dựng thế giới (world building) khá đặc biệt so với những game khác cùng thể loại phiêu lưu, hành động. Thế giới Forbidden Land của Shadow of the colossus là một thế giới rộng lớn gần như trống rỗng, hoàn toàn không có dân cư và có rất ít loài sinh vật sinh sống ngoại trừ những sinh vật khổng lồ là các colossus. Các tác phẩm có thế giới thiếu sự sống như Shadow of the colossus phải đối mặt với thách thức là làm sao với sự trống trải như vậy vẫn có thể thu hút được sự chú ý và hấp dẫn được khán giả. Ở đây, cách thiết kế các colossus đã đóng vai trò rất quan trọng để vượt qua thách thức trên. Mỗi con colossi đều có sự độc đáo riêng biệt và đa dạng về cả ngoại hình, môi trường sống, năng lực, tập tính, và những điểm yếu dị biệt. Trong suốt 16 con colossus là cả một sự trải dài của sức sáng tạo to lớn và sự tinh tế đến từng chi tiết. Chúng ta có những con sống trên cạn, cả dưới nước và bay trên trời. Thiết kế trải dài từ những con giống như những loài động vật hoang dã như sư tử, con rùa,... đến những con có động tác di đứng như con người và cả những thiết kế vô cùng kỳ dị như những sinh vật ngoài hành tinh. Các tập tính của chúng cũng hoàn toàn khác nhau, từ những colossus không có ý định tấn công lại wander như avion hay phalanx cho đến những colossus đầy nguy hiểm có thể phun độc hay bắn ra những chùm năng lực đầy chết chóc như Kuromori, Basaran, Pelagia, Malus và thậm chí cả những colossi vô cùng hung hăn, hoàn toàn muốn giết wander ngay từ đầu như Dirge, Celosia, Cenobia.
Thế nhưng, cho dù là một con colossi hiền lành hay hung dữ, chúng đều hoàn toàn vô tội, đó là lỗi của wander đã xâm phạm vùng dất đã ngủ yên và làm đảo lộn mọi thứ. Và kể cả có vẻ ngoài cực dữ tợn và đáng sợ như Dirge thì sau cùng ta vẫn cảm thấy sự hối tiếc, tội lỗi của bản thân khi nghe tiếng kêu đau đớn, sự rung lắc dữ dội của các colossus khi bị thanh kiếm đâm qua thân thể chúng. Ở đây, phần âm nhạc đã có đóng góp đáng kể, khi wander bắt đầu gặp các colossus, âm nhạc thường mang giai điệu đậm chất kỳ bí thể hiện sự dò xét, tò mò của cả hai bên. Khi wander leo lên được các colossus và tấn công vào các yếu điểm của chúng thì phần nhạc nền chuyển sang nhịp điệu dồn dập, hùng tráng nhằm tăng cường khí thế chiến đấu và cổ vũ cho sự anh dũng của wander. Nhưng mà khi kết thúc cuộc chiến, các colossus ngã quỵ xuống thì chỉ có một bản nhạc duy nhất vang lên, đượm màu sắc buồn bã, như một khúc điếu ca, cầu hồn, thể hiện sự thương tiếc khôn nguôi.




Bi kịch không thể tránh khỏi.
Chuyến phiêu lưu của wander là những cuộc hành trinh lặp đi lặp lại, từ Shrine of Worship đi tìm các colossus, hạ gục chúng và được dịch chuyển trở lại Shrine of Worship. Thế nhưng, trên cuộc hành trình cuối cùng tiêu diệt colossi thứ 16, một điều khác biệt đã xảy ra: chú ngựa Argo đã hy sinh thân mình để cứu lấy chủ, wander lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác phải mất mát thứ thân thuộc với mình để đổi lấy mạng sống của Mono, và đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho một bi kịch sắp đến gần.
Tại cuộc chiến với colossi thứ 16 – Malus, mạch truyện đạt đến đỉnh điểm. Có thể nói, trận chiến với Malus đã chất lọc những gì tinh túy mà game này mang lại. Malus là colossi to lớn thứ 2 trong game và là colossi cao nhất. Nhìn từ xa, Malus đứng uy nghiêm, sừng sững như một vị thần khổng lồ, tỏa vẻ đầy cao quý và hung bạo. Với năng lực liên tục bắn ra những chùm đạn laze đầy chết chóc, Malus ngay từ đầu đã thể hiện sự nguy hiểm và khó nhằn bậc nhất trong game. Thế nhưng, tương tự như tất cả các colossus khác, Malus cũng có những điểm yếu chí mạng mà Wander có thể khai thác. Đối với Malus, nó luôn phải đứng 1 chỗ duy nhất không thể đi lại được. Khi Wander vận dụng sự tài tình khéo léo, sử dụng các chướng ngại vật và một địa đạo tự nhiên để vừa tránh né những chùm đạn laze đầy chết chóc vừa tiến gần hơn đến con colossi, thì bên dưới chân của kẻ khổng lồ kia lại hiện lên một bộ mặt hoàn toàn khác cái mà ta nhìn nhận lúc ban đầu của cuộc đối mặt. Lúc này, Malus đã trở nên khá vô hại vì nó đã không còn bắn những tia laze khi bị Wander áp sát nữa. Nhiệm vụ người chơi trở nên dễ dàng hơn, đó là leo từ từ lên thân hình đồ sộ của con colossi để tìm ra những yếu điểm của nó. Đến với yếu điểm thứ nhất ngay phía sau lưng của Malus, Wander rút kiếm ra đâm một phát mạnh vào. Con colossi tức thì cảm thấy đau đớn, liền đưa tay ra phía sau lưng để tìm chỗ đau. Khi đó, ta thấy được, khác với vẻ ngoài mạnh mẽ phi thường đến áp đảo. Malus, một cách đáng ngạc nhiên lại rất giống với con người, cái cách mà nó phản xạ đưa tay ra phía sau cũng như con người khi bị đau lưng. Bên cạnh đó, ta còn nhìn thấy sự vùng vẫy trong vô vọng của kẻ khổng lồ. Kích thước quá lớn của Malus lại là một bất lợi khi nó không thể xác định được rõ ràng vị trí của wander, khi bị đâm vào yếu điểm, nó chỉ biết đưa tay ra trong vô vọng vì sự đau đớn mà không có bất cứ tác dụng gì. Nó rõ ràng không biết bản thân phải làm gì để dập tắt đi cơn đau, đi sự khó chịu. Mặc dù, có năng lực mạnh mẽ, thế nhưng suy cho cùng Malus cũng chỉ là một con quái vật có đầu óc đơn giản, hoàn toàn hoạt động theo bản năng. Khi không còn sử dụng được năng lực bảo vệ bản thân, và phải đối mặt với những tình huông ngoài tầm xử lý như thế. Malus, đành phải vùng vẫy trong tuyệt vọng, từ từ đón nhận cái chết không thể tránh khỏi. Khi Wander leo đến tay của Malus, một cuộc chạm mặt ở cự ly gần hiếm hoi đã xảy ra. Tại đây, ta thấy được vẻ mặt đầy ngơ ngác như một đứa trẻ của kẻ khổng lồ nhìn wander như không hề biết điều gì đang diễn ra. Điều này, một lần nữa càng nhấn mạnh sự sai trái của Wander khi đi giết 16 sự sống quý giá chỉ để cứu lấy 1 người. Bên cạnh đó, ta cũng phải đề cập đến sự thay đổi về âm nhạc trong cuộc chiến lần này. Khác với những cuộc chiến trước khi âm nhạc có sự thay đổi đa dạng, thì tại lần đối đầu với Malus, chỉ có một điệu nhạc duy nhất, đượm mùi buồn bã, thương xót vang lên. Điều nhạc này đã phản ánh tâm trạng của Wander, có lẽ lúc này anh ta đã thực sự cảm thấy được tội lỗi của mình và tràn ngập sự hối tiếc. Thế nhưng, mọi việc đã quá muộn rồi, không còn đường lui, Wander đành phải tiến lên phía trước, tiếp tục cuộc hành trình của mình và chấp nhận sự trừng phạt đang chờ đợi sẵn.
Cái kết
Cái kết của Shadow of the Colossus có thể được chia thành 2 phần. Nếu như phần đầu chính là sự trừng phạt dành cho Wander mà ta có thể dễ dàng đoán được từ trước thì phần sau có thể nói như là một món quà đầy bất ngờ mà tác giả dành cho người chơi. Nếu như phần đầu là một cái kết 1 chiều, theo khuynh hướng “cổ điển” dễ đoán thì phần sau đã được nâng lên một tầm cao mới, bổ sung nhiều ý nghĩa quan trọng và tính đa chiều rất tuyệt vời cho tác phẩm.
Có lẽ nhiều người khi không chú ý kỹ đến cái kết đã cho rằng Dormin là hiện thân của quỹ dữ, là “vai ác” thực sự đằng sau, lợi dụng tình yêu mù quáng của Wander để hồi sinh hắn lại. Thế nhưng khi ta có cái nhìn kỹ càng thì ta thấy rằng Dormin hoàn toàn không phải là kẻ xấu. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là việc Dormin đã giữ lời hứa hồi sinh lại Mono. Nếu Dormin thực sự lợi dụng Wander thì không việc gì hắn ta phải hồi sinh lại Mono và giữ lời hứa đến cùng bởi vì hoàn toàn không có điều kiện ràng buộc gì thêm giữa hắn ta và wander. Và nếu ta nhớ lại đến lúc đầu game thì ta sẽ chú ý rằng, không ai khác mà chính bản thân Wander đã chủ động đi đến Forbidden Land để lập giao kèo với Dormin và kể cả sau khi nhận được lời cảnh báo của Dormin rằng cái giá mà cậu phải trả có thể sẽ rất lớn, Wander vẫn quyết tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đây hoàn toàn là việc mà Wander phải chịu trách nhiệm, tự làm tự chịu.
Nếu như phần đầu của cái kết là một bi kịch đau lòng thì phần sau lại tràn đầy sự hy vọng, sức sống. Sau khi phải trả giá cho tội lỗi của mình bằng cả mạng sống. Tác giả đã ban cho wander một đặc ân, cho anh được hồi sinh lại trong hình hài một đứa trẻ có sừng. Bên cạnh đó, chú ngựa đáng yêu, trung thành Argo đã không chết mà trở về tuy bị thương một chân. Có thể nói khoảnh khắc mà Argo xác nhận sự sống và từ từ tiến lại gần Mono là một trong những giây phút ấm lòng và cảm động nhất trong game. Cái kết mở của tác phẩm chính là sự thương cảm cho tình yêu vĩ đại của Wander dành cho Mono. Bời vì, mặc dù hành động của Wander là sai trái, tội lỗi, thì tình yêu chân thành mà anh dành cho Mono là một thứ thuần khiết, đầy cao quý và đáng để tôn vinh, trân trọng. Tình cảm của Wander là một thứ vô cùng cao cả và đáng quý. Bởi vì mình dám cá trên đời này có rất, rất ít chàng trai nào dám mạo hiểm cả mạng sống của bản thân rong rủi đơn độc trên miền đất tận cùng của sự sống để mà đối đầu với những tạo vật khổng lồ trong một cuộc chiến không cân sức nhằm đưa người yêu trở về từ cái chết như Wander. Bên cạnh sự trừng phạt dành cho Wander, thì cái kết mang chủ đề hồi sinh, làm lại từ đầu chính là một phần thưởng để dành tặng cho tình yêu đáng quý của anh. Trên vùng đất Forbidden Land đã bị phong ấn, không ai còn thể đến được nữa, wander (lúc này trong hình hài một đưa trẻ), Mono và Argo phải làm gì để tiếp tục sống, chúng ta không biết được. Thế nhưng chỉ cần họ còn tiếp tục ở bên nhau, mối quan hệ giữa Wander và Mono không bị chia rẽ thì vẫn còn hy vọng, vẫn còn con đường về tương lai tươi sáng. Cảnh cuối cùng của một cánh chim vút bay lên trời cao về phía xa đã thể hiện rõ điều đó và kết thúc một cách hoàn mĩ cho một tác phẩm nghệ thuật đầy sâu sắc và tuyệt đẹp.
Chính việc xây dựng hình tượng anh hùng đầy độc đáo và nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh đầy đẹp đẽ của Shadow of the colossus chính là nguồn động lực to lớn, thúc đẩy mình viết bài review này. Bên cạnh việc giới thiệu cho các bạn tác phẩm đầy độc đáo này, mình cũng thực sự mong muốn anime, loại hình văn hóa nghệ thuật mà mình gắn bó nhiều nhất, có thể học tập được từ Shadow of the colossus. Có thể đó là việc sử dụng hình tượng chiến binh cổ xưa chỉ sử dụng sức người và trí tuệ để chiến đấu chống lại những thế lực hùng mạnh. Hay có thể đó là việc tạo nên một trận đấu vừa chân thực vừa hùng tráng và gay cấn thay vì cứ hành động “over the top”, spam skill ma thuật hay super power như nhiều anime hiện nay. Hoặc có thể đó là việc xây dựng một cốt truyện vừa đơn giản vừa đa chiều, nhiều tầng ý nghĩa.
Shadow of the colossus không chỉ là một trò chơi đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có một không hai mà mình nghĩ rằng mỗi chúng ta nên trải nghiệm qua ít nhất một lần trong đời.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. ❤ ❤ ❤
#Athes


Nhận xét

Bài đăng phổ biến