[REVIEW ANIME]: Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel- Cái kết của một hành trình, cái kết của một lý tưởng.

[REVIEW ANIME]: Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel- Cái kết của một hành trình, cái kết của một lý tưởng.

Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel là bộ ba tập phim được sản xuất bởi Ufotable do Sudou Tomonori làm đạo diễn. Ba movie này lần lượt bao gồm: Presage Flower, Lost Butterfly và sắp tới là Spring Song. Là một sản phẩm chuyển thể từ route Heaveen’s Feel của Visual Novel: Fate/ Stay Night, theo bản thân mình, Ufotable đã truyền tải tốt nội dung cũng như cảm xúc, lý tưởng mà Kinoko Nasu- cha đẻ của Visual Novel FSN muốn hướng tới.

                                                          


Nội dung: Emiya Shirou- nhân vật chính của chúng ta đơn thuần chỉ là một học sinh đến từ Fuyuki, Nhật Bản. Vô tình bị cuốn vào Cuộc Chiến Chén Thánh sau khi nhìn thấy cuộc chiến giữa 2 Servant Archer và Lancer, Shirou sau đó với Servant của riêng mình (Saber) cũng chiến đấu vì lý tưởng trở thành Anh Hùng Chính Nghĩa của bản thân
Về mặt nội dung, Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel là câu trả lời cho câu hỏi: sẽ ra sao nếu Shirou không đến với Saber, không đến với Rin, mà đến với Sakura? Vẫn là cậu học sinh với lý tưởng muốn được làm Anh Hùng Chính Nghĩa ấy, vẫn là Master thiếu mana cho một Saber háu ăn ấy, chỉ là trong route này, hay nói đúng hơn, trong movie lần này, Shirou sẽ phản bội lại bản thân, phản bội lý tưởng mà mình theo đuổi mù quáng ở 2 route trước (Fate và UBW).

Xoay quanh nhân vật Emiya Shirou và Cuộc Chiến Chén Thánh, tưởng như người xem sẽ được chứng kiến những trận đánh mãn nhãn, những pha Combat máu lửa, những câu nói triết lý để đời, nhân vật phản diện gục ngã... Nhưng không, suốt cuộc hành trình chiến đấu để giành lấy Chén Thánh này, dường như kẻ thù của Emiya Shirou chính là bản thân cậu. Và cậu chỉ có thể chiến thắng nó trong route Heaven’ Feel. Trong Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel, số lượng lần giao tranh giữa các nhân vật không quá nhiều, điểm qua điểm lại chỉ có2 lần Rider chạm mặt Shirou và Saber, một lần nữa Shirou tấn công vào đền nơi Caster nằm xuống là đền Ryoudou. Và nổi nhất, đáng kể nhất hẳn là trận đánh 1vs1 giữa Saber Ater và Berserker. Thậm chí đất diễn của Lancer, Assasin và Caster còn bị giảm xuống đáng kể (thì bên nguyên tác Visual Novel chắc cũng không nhiều), đặc biệt Cậu Vàng-Gilgamesh còn chỉ được phô diễn trong... khoảnh khắc. Hạn chế các cảnh hành động trong một Anime có nội dung hành động, liệu có phải sai lầm? Câu trả lời là “không”. Các cảnh chiến đấu được hạn chế đặc biệt ở Heaven’s Feel đều đem lại lợi ích đáng kể cho phim, khi mà nhờ chính điều đó, bạn không bị quá để tâm vào những pha hành động, bỏ quên câu chuyện đằng sau và vô tình biến trải nghiệm xem phim của chúng ta thiếu chiều sâu và trở nên nhạt nhẽo. Thay vào đó là một cuộc chiến khác cuộc chiến nội tâm của Emiya Shirou.
Không như phần phim Fate/ Stay Night, khi mà Emiya Shirou xuất hiện với lý tưởng mù quáng của mình, như một lời khẳng định: “Tôi muốn trở thành Đồng Minh Chính Nghĩa”, và đâm đầu vào thực hiện nó, đến mức liều mạng và trở nên tiêu cực đối với những người xung quanh. Cũng chẳng giống với Fate/ Stay Night: UBW, khi mà Shirou nhận ra những giả dối trong lý tưởng ấy, khj mà mà cậu phải đối mặt với “chính mình”, đối mặt với kết quả đau thương của lý tưởng ấy, cậu vẫn sẽ vững tin vào con đường đã chọn. Fate/ Stay Night: Heaven's Feel lại là sự đối lập hoàn toàn về nội tâm của nhân vật chính, hay nói đúng hơn, đó sự phát triển, là trưởng thành. Emiya Shirou phải đối mặt với thực tế: cô gái cậu yêu, cô gái cậu muốn bảo vệ lại là kẻ cậu cần phải giết. Shirou sẽ chọn điều gì? Giết cô gái mình yêu và sống trung thành với lý tưởng của bản thân? Hay cậu sẽ phản bội lại nó, bảo vệ Sakura, bỏ lại đằng sau lưng là an toàn của cả thế giới? Khi cầm con dao trên tay và tiến tới giường nơi Sakura ngủ, Shirou đã hạ quyết tâm sẽ giết Sakura. Đến đó thôi, ngưòi xem dần trở nên bối rối, khó hiểu. Hàng loạt câu hỏi liên tục hiện lên trong đầu chúng ta, mâu thuẫn giữa con tim và lí trí. Mới nãy thôi, Shirou còn hứa với Sakura sẽ đi ngắm hoa sau khi tất cả kết thúc cơ mà? Nhịp phim chậm lại, vẽ lên một ảo tưởng mơ hồ và không có thực: cả 2 sẽ cùng sống, họ sẽ cùng đi ngắm hoa vào mùa xuân tới. Cậu hạ quyết tâm sẽ trung thành với lý tưởng, để rồi khi thời khắc giơ con dao lên, cậu lại hạ nó xuống, phản bội lý tưởng ấy. Khuôn mặt Shirou lúc ấy thật kỳ lạ, không đau khổ, không tiếc nuối. Dường như Emiya Shirou đã trút bỏ lý tưởng ấy, như cách cậu trút bỏ một gánh nặng. Lý tưởng “Đồng Minh Chính Nghĩa” đã không còn quý giá với cậu nữa, mà lúc này đây, điều đáng để cậu hi sinh, đáng để cậu chiến đấu, đó là Sakura.

Dù có vai trò là nhân vật chính, và toàn bộ câu chuyện lần này xoay quanh việc cậu quay lưng lại với lý tưởng của bản thân, ta cũng chẳng thể phủ nhận: nếu không là Sakura, trong phần phim này, sẽ chẳng thể là ai khác. Có thể coi, Sakura là cô gái bất hạnh bậc nhất trong suốt các phần phim Fate. Từ nhỏ đã bị tách khỏi gia đình, bị đám bọ ký sinh nhung nhúc trong cơ thể, đau đớn và cô độc. Có được thằng anh thì nó cũng dần dần bị ảnh hưởng mà biến chất, hãm hiếp hết lần này đến lần khác. Cô cũng chẳng thể kiểm soát được bản thân, dẫn đến vô ý giết chết bao người vô tội. Và rồi trở thành kẻ thù của Senpai cô yêu, trở thành vật cản đường Emiya Shirou đạt được “Đồng Minh Chính Nghĩa”. Ánh mắt Sakura hầu như luôn được thể hiện bằng một màu tím thăm thẳm, vô hồn và trống rỗng không tròng. Một cô gái chỉ biết cam chịu cả cuộc đời, chưa từng dám đứng lên. Ấy thế mà sau khi gặp Shirou, được Shirou yêu, cô lại trở nên mạnh mẽ. Cô dám đứng lên phản đối lại Shinji- việc mà trước đấy cô chưa dám làm bao giờ. Vào khoảnh khắc cao trào của phim, khi Shirou định giết Sakura, cô cũng đã biết. Cô nhận thức được tội ác của bản thân, dù là vô ý. Cô biết Shirou sẽ giết mình. Tuy vậy, như mọi lần, cô cam chịu, chấp nhận. Khác biệt duy nhất là trước giờ, Sakura chịu đựng là vì muốn bản thân được sống. Còn lần này, cô sẽ chịu đựng cái chết vì người khác, vì người con trai cô yêu. Không chỉ với Shirou, đây cũng là phần phim mà tình cảm của Sakura dành cho Rin được thể hiện rõ nhất. Bằng chứng có thể thấy khi cô liên tục giữ chiếc ruy băng buộc tóc- kỷ vật chị em họ dành cho nhau trước khi chia xa.

Không như hai route trước là Fate/ Stay Night và Fate/ Stay Night: UBW, lần này, gần như vai trò của các nhân vật khác chẳng còn quá quan trọng. Hầu hết thời lượng phim dành cho Shirou và Sakura, ngay cả “Gưong mặt thương hiệu” là Saber cũng mất rất nhiều đất diễn. Đồng nghĩa với đó là Ufotable đã thành công trong việc xây dựng được một mối quan hệ phát triển hợp lý giữa 2 nhân vật này. Tính cách được khắc họa rõ nét, nổi bật lên là của Sakura, còn đối với Shirou, có lẽ Ufotable đã hơi có chút dựa dẫm vào các phần phim trước, bởi lẽ tính cách của cậu không được xây dựng quá nhiều. Thậm chí, trong phần phim này, có vẻ nếu như bạn chưa xem FSN và FSN: UBW, bạn sẽ sẽ thấy việc Shirou từ bỏ lý tưởng là có phần hơi dễ dàng. Mặc dù ta được thấy Shirou tâm sự, bày tỏ quan điểm, tình yêu với Sakura, nhưng mình vẫn muốn có thêm chút đấu tranh nội tâm hơn nữa, để cậu vứt bỏ lý tưởng thêm phần thuyết phục. Tuy nhiên, đòi hỏi như vậy có vẻ hơi quá đáng, khi mà nhân vật này không chỉ được xây dựng trong suốt 3 route Fate. Không xét đến vấn đề sức nặng của lý tưởng đè lên Shirou, Fate/ Stay Night: Heaven's Feel thực sự có một mối quan hệ được phát triển thuyết phục, dễ đồng cảm.

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về chất lượng hình ảnh và âm thanh. Thực sự đây là một điểm cộng to đùng của Fate/ Stay Night: Heaven’s Feel. Các cảnh hành động tuy ít nhưng thực sự mãn nhãn đế vô cùng, điển hình là kèo solo 1vs1 giữa Saber Alter và Berserker. Hiệu ứng của Excalibur Morgan vô cùng ấn tượng, đặc biệt trong một trận đánh mà mỗi phát đánh thường lại là một lần Saber Alter Spam lấy spam để Noble Phanstasm. Hay một ví dụ khác, đó là khi Sakura mơ về một thế giới thần tiên đầy mê hoặc nhưng cũng có những chi tiết khiến ta phải sởn gai ốc, tạo nên một cảm giác yên bình đầy giả dối. Và ngay sau đó là hiện thực đẫm máu khiến cảm xúc của khán giả bị quay 180 độ. Phần âm nhạc cũng khó mà chê, khi mà các bản nhạc vang lên rất hợp thời điểm, cảm xúc của mạch phim. Có thể nói, chất lượng hình ảnh và âm thanh góp một phần không hề nhỏ trong việc xây dựng mạc cảm xúc cũng như thành công của phim.

Mở đầu của Fate/ Stay Night: Heaven’ Feel là phần phim mang tên Presage Flower (Tạm dịch: bông hoa linh cảm). Đúng như cái tên của nó, phần phim này cho chúng ta thấy một đóa hoa, duy nhất một đóa hoa bao quanh lấy cốt truyện của phim, song hành cùng nhân vật chính- Sakura. Phần phim như muốn tạo cho người xem một yên bình đầy giả tạo quanh Sakura, để rồi từ đó nổi bật lên tính cách cam chịu nhưng vô cùng mạnh mẽ ẩn giấu phía sau bông hoa ấy. Ta như được chỉ cho thấy một điều gì đó bí ẩn, một linh cảm mờ ảo và đầy rẫy những đau thương đằng sau đó- đằng sau quá khứ của Sakura, sau nhân cách ấy. Đến phần phim thứ 2: Lost Butterfly ( Tạm dịch: mất bướm :>), quá khứ của cô như được phơi bày, những gì tốt đẹp, đáng yêu mà một cô gái thường có thì lại chẳng có bên cô, chỉ toàn là cô độc, hắt hủi, lợi dụng, vô thừa nhận và khổ đau. Y như một bông hoa cô đơn, không một con bướm nào vây quanh vậy. Sakura cứ thế, cứ thế đẩy cảm xúc tiêu cực của bản thân lên, đánh mất chính mình- điều tốt đẹp còn lại duy nhất, cũng như chú bướm còn lại cuối cùng. Và sắp tới, phần phim với tựa đề Spring Song (tạm dịch: bài hát mùa xuân) sẽ là câu trả lời cuối cùng cho hành trình của Emiya Shirou và Sakura: liệu Shirou có thực sự phản bội lại lý tưởng “Đồng Minh Chính Nghĩa” của mình, hay phút giây anh tha mạng Sakura chỉ là hành động bộc phát? Và Sakura thì sao? Cô sẽ mãi mãi mất đi nhân tính, hay rồi cũng sẽ quay về với những gì tốt đẹp nhất, sẽ về với Shirou? Tựa đề Spring Song khiến ta gợi nhớ về lời hứa giữa 2 người: sẽ cùng đi ngắm hoa anh đào vào mùa xuân tới, sau khi mọi chuyện kết thúc. Liệu đó sẽ là khúc hát khải hoàn hùng hồn ăn mừng chiến thắng? Hay đó là khúc hát vang lên ngọt ngào, là lời hứa giữa Shirou và Sakura đã thành sự thực? Và sẽ ra sao nếu đó là khúc ca tiễn biệt, khi một trong hai sẽ mãi mãi ra đi, để người kia chờ đợi mùa xuân bên nhau trong vô vọng? Thực sự, phần Heaven’s Feel tiếp theo rất đáng để mong chờ.

Và đây là phần tôi không muốn các bạn đọc: một điểm cộng nữa cho Fate/ Stay Night: Heaven's Feel đó là... cách truyền mana. Lần truyền mana này có thể nói là chân thực nhất, "trần trụi" nhất, đúng với nguyên tác Visual Novel nhất. Chúng ta thấy rõ cơ thể tuyệt đẹp của Sakura... à không, ý mình là sự chuyển thể được đem lên màn ảnh sát với nguyên tác hơn phần Fate/ Stay Night và Fate/ Stay Night: UBW. Mình chỉ ước phân đoạn này có thời lượng dài hơn chút, và rõ ràng hơn chút :> thì giá trị của Heaven's Feel với mình sẽ tăng lên rất nhiều.

Tạm kết, đây có lẽ là phần phim gây ấn tượng nhất với mình trong 3 route Fate (không phải vì cảnh truyền Mana). Nếu như bạn chưa xem hết Fate/ Stay Night và Fate/ Stay Night: UBW thì mình khuyên không nên xem phần phim này. Còn nếu bạn đã xem rồi, thì còn chần chừ gì nữa?

#Cáo 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến