[MANGA REVIEW: BLAME! | ALL YOU NEED IS KILLY]
Blame!
ブラム
BLAM!
Tên truyện là một tiếng súng chát chúa, vang vọng từ một tương lai xa xôi do tác giả Tsutomu Nihei dựng nên. Blame! (1997) là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Nihei-sensei. Các tác phẩm của ông đều thuộc thể loại sci-fi, ngoài Blame! có Biomega (2009), Sidonia no Kishi (2015), Aposimz (2018). Trong số đó, Sidonia no Kishi là một trong những manga xuất sắc nhất trong mảng hard sci-fi (nhấn mạnh tính chính xác về mặt khoa học).
Đối với Blame!, Nihei đẩy giới hạn của thể loại sci-fi trong Manga lên đến cực hạn. Tác giả phối hợp rất nhiều khái niệm khoa học viễn tưởng để tạo nên một phiên bản sci-fi của thế giới Dark Soul. Anh chàng Killy-nhân vật chính của Blame! cũng mang số phận hệt như The Ashen One. Một người đàn ông câm lặng, chỉ biết giết và bị giết. Anh đơn độc lang thang trong thế giới viễn tưởng rộng lớn do Nihei-sensei tạo dựng.
Với một mục tiêu mơ hồ trong đầu, Killy làm điều duy nhất mà mình thành thạo. Đó là liên tục khai hoả khẩu Gravitational Beam Emitter để đập tan thế giới xung quanh.
*BLAM!*
Thực vậy, Nihei đã xây dựng một trong những thế giới sci-fi đồ sộ nhất trong M-A, để Killy phá huỷ bằng cách ngầu nhất có thể.
Thông tin về truyện:
Năm phát hành: 1997
Đã kết thúc
Số chương: 66
Thể loại: Seinen, Kinh Dị, Viễn Tưởng.
Thế giới viễn tưởng trong Blame! là một Dystopia mà mọi mặt trái của khoa học đều được thể hiện một cách cực đoan. Nó mang tên “The City”, với những hành lang dài vô tận. Những bức tường của nó chắn hết bầu trời. Nhìn về mọi phía trong The City, Killy chỉ thấy những khối kiến trúc vô hồn kéo dài vô tận. Không có bầu trời, không có mặt đất.
Killy lang thang mãi trong thế giới u ám đó với nhiệm vụ truy tìm Net Terminal Gene. Câm lặng và lầm lũi bước đi trong The City, Killy liên tục đụng độ với một đám robot sát thủ với tên gọi Safeguard. Nihei-sensei không giải thích cho người đọc hiểu tại sao The City tồn tại, hay tại sao Killy phải đi tìm Net Terminal Gene, hay đám Safeguard đến từ đâu. Người đọc chỉ biết rằng chúng sẽ lao đến giết Killy ngay khi trông thấy anh, và Killy sẽ diệt chúng bằng khẩu Gravitational Beam Emitter (GBE).
GBE là một khẩu EXTRA-OVERLOADED-ANTI-MATERIAL-HANDCANNON, mỗi phát bắn của nó quét sạch chướng ngại vật trước mặt Killy-cùng-vài-cái-sau-nó. Sức giật của nó đủ làm gãy xương người bắn. Điều đó biến mỗi phát bắn của khẩu GBE thành climax của mỗi chương truyện. Đó cũng là những khoảng khắc cực đẹp, khi Nihel vừa phô diễn kiến trúc kì dị của The City, vừa thể hiện sự tàn phá do GBE gây ra.
The City cũng giống như thế giới ma thuật trong Dark Soul, khi mỗi ngõ ngách tăm tối đều chứa đầy thù địch. Killy ít nói và tác giả còn ít nói hơn, khi không hề đưa ra một lời giải thích nào về thế giới mà mình tạo dựng.
Để hình thành một bức tranh tổng thể về The City người đọc buộc phải lắp ghép những mảnh thông tin chắp vá mà Killy lượm lặt được trên hành trình. Mỗi mẫu thông tin có được qua những đoạn hội thoại đều hết sức mơ hồ, chỉ làm người đọc thêm rối rắm.
Những thông tin đó đến từ người bạn đồng hành Cibo, từ kẻ thù của Killy, và những con người hiếm hoi mang hình người trong The City. Trong thế giới của Blame! dường như chỉ có mỗi Killy mang hình dáng giống người nhất. Những “con người” khác thì kẻ là cyborg, kẻ được tạo từ Silicon, lại có những người đột biến to bằng cả toà nhà. Bầu không khí của Blame! từ đó lại càng trở nên rùng rợn khi Killy dấn thân sâu vào The City. Thậm chí, ngay từ những chap đầu người đọc cũng hiểu rằng chính Killy cũng không phải là một “con người” đúng nghĩa.
Những cư dân của The City cũng kì quặc và biến dạng không khác gì chính nó. Có một điều dễ thấy trong Blame! , đó là mỗi phe phái đều mang mặt người, kể cả bọn Safeguard. Nhưng đó là những gương mặt lầm lì, hoặc biến dạng, hoặc vô hồn. Dường như thể, không có sự tồn tại của “con người” trong những hành lang vô tận của The City.
Mình chỉ biết một tác phẩm tương đồng với Blame! trong world-building, đó là Made in Abyss. Thế giới trong cả hai tác phẩm trực tiếp tác động và làm biến đổi những con người sống trong đó. Nếu các nhân vật trong MiA suy đồi và biến thái bởi Abyss, thì con người trong trong Blame! như con ong cái kiến, bị đè bẹp dưới những khối kiến trúc khổng lồ của The City.
Cốt truyện của Blame! rất đơn giản nếu bạn đọc chỉ dõi theo Killy trên chuyến hành trình của anh. Anh chàng đi lòng vòng, gặp đối thủ, và bắn. Mỗi chương đều có những khoảng khắc mãn nhãn khi khẩu GBE one-shot những mục tiêu khác nhau, kéo theo sự tàn phá khủng khiếp.
Thế nhưng, cũng như đối với thế giới trong game Dark Soul, người đọc không thể rời mắt khỏi những diễn biến trong The City. Ai đã tạo ra The City? Bản chất của nó là gì? Ai đã giao cho Killy khẩu GBE? Sao ai cũng muốn giết Killy? Tụi nào thế kia? Sao nó lại trông như thế này?
Các câu hỏi cứ chồng chất mà không có lời giải, kể cả khi mình đã đọc đi đọc lại các chương truyện. Giống như mình, cảm nghĩ chung của nhiều người từng đọc Blame! là chẳng hiểu mô tê gì cả.
Bởi lẽ, Nihei-sensei đã xây dựng thành công một thế giới viễn tưởng hợp lí. Kể cả khi người đọc không hiểu, thì họ vẫn chỉ thêm tò mò về thế giới trong truyện.
The City rộng lớn ngoài sức tưởng tượng, trải dài khắp các hành tinh trong hệ mặt trời, trong đó có một căn phòng rộng đến 140.000 km2. Và độ phức tạp trong lore của Blame! cũng tương tự. Bạn đọc yêu khoa học sẽ dễ dàng nhận ra những khái niệm thuộc phạm trù tương lai học như Dyson Sphere và Megastructure. Việc hỏi han và tìm hiểu trên các forum sẽ giúp các bạn phát hiện cực kì nhiều tình tiết lý thú và các khái niệm viễn tưởng được cài cắm hợp lý trong Blame!
Không biết vì vô tình hay là chủ ý của Nihei-sensei, mà mỗi người đọc tự có một hành trình khám phá The City của riêng mình, song song với hành trình của nhân vật chính Killy.
Nếu độc giả không có thời gian để vặn óc tìm hiểu The City qua 66 chương truyện của Blame! theo lối khoa học giả tưởng, thì nó vẫn là một trong những bộ Seinen đáng xem nhất. Trong đó nhân vật chính kiên cường đương đầu với một thế giới thù địch. Những người bạn đồng hành của Killy chỉ là đồng minh tạm thời với những lợi ích riêng. Những ngươi được anh cứu sống cũng không xem anh là thánh nhân, vì thứ cứu họ là khẩu GBE. Nếu không có khẩu súng đó, những người đột biến và Killy đều chung một số phận dưới sự truy sát của đám Safeguard.
The City thì như một địa ngục dưới lốt đô thị, không bầu trời, không mặt đất, chỉ có các tầng, mà dù lên hay xuống thì lũ Safeguard cũng luôn hiện diện. Không có hoà bình nào cho nhân vật chính Killy, chỉ có sự bắn giết liên miên trên một hành trình tưởng chừng như vô tận.
Cái kết mở của Blame! là một dấu chấm hỏi to tướng gây xôn xao trong fandom của Blame! Có người liên hệ nó với mở đầu của truyện, có người thì cho rằng hành trình của Killy đã chấm dứt sau bao gian khổ. Còn bạn, chắc chắn bạn cũng có cách hiểu riêng của mình về cái kết của Blame!
Bản Manga vốn đã xuất sắc, bản CGI Anime trên Netflix cũng cực kì đáng xem.
Bỏ lại phong cách bụi bặm của những năm 90, bộ phim Blame! hoàn toàn phù hợp với thị hiếu chung hiện nay. Không có những trường đoạn lang thang vô định, 106 phút phim chỉ tập trung vào câu chuyện của một bộ tộc sống trong The City và cuộc gặp gỡ của họ với Killy.
CGI tốt, nhịp phim nhanh, hành động mãn nhãn. Tạo hình của Killy bớt đi một phần ẻo lả của bản Manga. Và điểm ăn tiền của bộ phim vẫn chính là những khoảng khắc khẩu GBE khai hoả, thổi bay một phần của The City. Tiếng súng, hoả lực và sự huỷ diệt mà GBE gây ra đều được làm hết sức đã mắt.
Với Blame!, bạn đọc có thể xem phim hay đọc truyện trước đều được. Vì mỗi bản chuyển thể có cái hay riêng của nó.
Lời kết:
Blame! là một bộ truyện với phong cách độc nhất vô nhị của Tsutomu Nihei, và cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Các tác phẩm sau này của sensei đều không tạo dựng được một thế giới đồ sộ như The City. Thoạt nhìn, The City là một thế giới trống rỗng. Nhưng để tạo nên thành phố-địa ngục-thế giới đó, tác giả đã áp dụng một số lượng lớn các khái niệm khoa học viễn tưởng được chứng minh là khả dĩ. Với Blame!, một khi đã nuốt được vài chương đầu khó hiểu thì bạn đã có thể dễ dàng thưởng thức một kiệt tác của thể loại sci-fi.
#Anthony
Nhận xét
Đăng nhận xét