LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIẾT MỘT BÀI REVIEW TỐT



Dạo gần đây page đã nhận được một số lời đề nghị của một số bạn để xin làm Ad của page, thực sự cảm ơn các bạn đã quan tâm và dành tình cảm cho page. Bên cạnh đó, một số bạn "ứng tuyển" có thắc mắc với page là để viết một bài review tốt cần có những yếu tố nào và có những yêu cầu nào không. Với mục đích giải đáp thắc mắc của các bạn đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xem các bài review và video review, phân tích trên mạng nhiều năm của mình, mình viết bài này nhằm giúp các bạn có thêm các gợi ý để viết một bài review hoàn chỉnh.
Sau đây là một "dàn bài" cơ bản của một bài review (nói cho sang vậy thôi chứ đây chỉ là những gợi ý để các bạn có ý viết review và mang tính tham khảo, quyển quyết định thuộc về các bạn, muốn sáng tạo sao cũng được :v)
Một bài review tổng quát thường có 4 phần khi review anime, bao gồm: cốt truyện, nhân vật, phần hình ảnh, vả phần âm thanh. Đối với manga thì có 3 phần: cốt truyện, nhân vật, art style.
Bây giờ ta đi vào từng phần:
1. Cốt truyện: Khi phân tích cốt truyện, ta có thể khai thác các yếu tố sau:
- Bối cảnh và ý tưởng của bộ anime (settings): Bộ anime đó có ý tưởng gì độc đáo, khác những bộ thông thường cùng thể loại.
- Tính logic, hợp lý của cốt truyện: cốt truyện có hợp lý chưa, nếu có những chi tiết nào chưa hợp lý, f*ck logic thì các bạn có thể dẫn chứng ra.
- Sự kịch tính, dễ đoán hay khó đoán: cốt truyện có plot twist hay không, sự sắp xếp các plot twist có hợp lý không và hiệu quả của các plot twist đem lại như thế nào.
- Nhịp phim (pacing): nhịp phim có quá nhanh (các tình tiết diễn ra quá nhanh khiến người xem bối rối và khó tiếp thu) hay quá chậm khiến người xem chán.
- Tính hài hòa của các yếu tố trong bộ anime. Một bộ anime luôn luôn lúc nào cũng không có một yếu tố duy nhất mà phải là sự hòa trộn của nhiều yếu tố khác nhau (ví dụ: drama+romance, hành động+mecha, ecchi+harem, hài hước+slice of life). Do đó ta có thể phân tích rằng bộ anime đã hòa trộn tốt các yếu tố chưa, có yếu tố nào dư, yếu tố nào thiếu, có yếu tố nào không cần thiết không. Bên cạnh đó một số bộ anime có thể thường xuyên chuyển đổi giữa các yếu tố đối lập (ví dụ như kinh dị<->hài hước hay buồn bã, cô đơn<->ấm áp) được gọi là chuyển đổi sắc thái (tone shift), nên ta có thể xem xét bộ anime đó chuyển đổi sắc thái có tự nhiên và mượt mà không.
- Phong cách kể chuyện: Hãy tưởng tượng rẳng bạn đang đọc một câu chuyện đầy hấp dẫn, hứng thú nhưng lại được viết ra bởi một nhà văn hạng xoàn, lời văn thì lủng củng, không hay, hay dài dòng, tối nghĩa, chắc chắn sẽ làm bạn khó chịu. Trong anime, manga cũng vậy, độ hay của cốt truyện không những phụ thuộc vào độ hấp dẫn của câu chuyện mà còn phụ thuộc vào cách thức mà câu chuyện đó được kể. Anime, manga hơn các tác phẩm văn học ở một điểm đó là có thể diễn tả một phần cốt truyện thông qua hình ảnh (visual storytelling) nên các bạn có thể tận dụng để phân tích nghệ thuật này ở một số bộ anime nhất định.
- Phân tích các tropes, cliches (những chi tiết lặp đi lặp lại nhiều lần trong một bộ anime hay một thể loại nhất định. Ví dụ như chi tiết đi nhầm vào phòng tắm nữ, "thánh ngã" nhập hay tập đi bãi biển trong mấy bộ ecchi, harem được gọi là cliche). Bộ anime đó có những chi tiết nào lặp đi lặp lại gây khó chịu cho bạn hay có những chi tiết nào thông minh đi ngược lại các tropes, cliches thông thường gây cho bạn nhiều hứng thú.
- Phân tích ý nghĩa bộ anime: Có thể nêu ra ý nghĩa chung của toàn bộ bộ anime hay ý nghĩa biểu tượng của các chi tiết, phân cảnh quan trọng.
- Xây dựng thế giới (World-building): Yếu tố xây dựng thế giới đóng góp vai trò rất quan trọng trong một số thể loại anime, ví dụ như là phiêu lưu khám phá. Về world-building, mình dự định sẽ có một bài cụ thể, và chi tiết trong tương lai.
2. Nhân vật:
Trong mục nhân vật có các yếu tố sau:
- Xây dựng nhân vật: Các yếu tố để các tác giả xây dựng một nhân vật gồm có:
+ Tính cách: Nhân vật có những nét tính cách độc đáo nào, và những nét tính cách đó đã khiến cho bạn yêu mến hay cảm thấy phiền, đáng ghét.
+ Phát triển nhân vật: Tính cách, năng lực của nhân vật thay đổi theo thời gian như thế nào. Các bạn chú ý rằng sự phát triển nhân vật không nhất thiết theo hướng tích cực (ví dụ như nhân vật ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ, chính chắn) mà có thể theo cả hướng tiêu cực (ví dụ như nhân vật bị sa lầy, thoái hóa đạo đức,...)
+Tính hình tượng: Nhân vật đó tượng trưng cho loại người, thành phần nào trong xã hội, hay thậm chí một số nhân vật có thể tượng trưng cho cả một khái niệm, hiện tượng. Ví dụ như hai nhân vật L và Light tượng trưng cho khái niệm công lý hay nhân vật Johan Liebert trong Monster tượng trưng cho cái ác nói chung.
+ Tính đa chiều: Con người chúng ta ai ai cũng có mặt tốt và mặt xấu. Do đó, sẽ rất tuyệt vời nếu nhân vật trong anime cũng đa chiều như vậy, sẽ khiến cho nhân vật thú vị hơn những nhân vật chỉ có 1 chiều chỉ thấy toàn là ác hay toàn thiện.
+ Tính chân thật: Đối với những bộ anime xây dựng theo kiểu nhân vật thực tế thì các bạn có thể dẫn chứng những chi tiết chứng tỏ rằng nhân vật đó chân thực, dễ liên hệ và đồng cảm.
+ Quá khứ, động cơ, mục đích sống: Việc cung cấp cho người xem quá khứ và động cơ của nhân vật một cách rõ ràng sẽ giúp người xem rất nhiều trong việc thấu hiểu rõ hơn về các quyết định và hành động của nhân vật trong suốt bộ anime.
+ Chiều sâu và sự phức tạp của nhân vật: Chiều sâu của nhân vật được thể hiện rõ nhất thông qua sự xung đột nội tâm và lý tưởng sống. Việc phân tích rõ các chi tiết xung đột nội tâm và lý tưởng sống của nhân vật sẽ thể hiện việc xây dựng nhân vật có chiều sâu tốt hơn.
- Lời thoại của nhân vật: cũng là một yếu tố rất quan trọng, nhân vật có những câu thoại hay và chất sẽ giúp bộ anime hay lên rất nhiều, ngược lại lời thoại dài dòng, chán hay quá sáo rỗng, giả tạo có thể khiến khán giả mất đi nhiều hứng thú.
- Mối quan hệ giữa các nhân vật: Như là tình yêu, tình bạn, tình gia đình hay là địch thủ, căm thù nhau. Sự phát triển của các mối quan hệ đó theo thời gian và ý nghĩa, tầm quan trọng của chúng đối với bộ anime.
3. Phần hình ảnh
Đối với anime phần hình ảnh có các thành phần sau:
- Art style: Art style đẹp hay xấu, nghệ thuật hay quá thông thường. Nếu muốn rõ ràng hơn thì các bạn có thễ dẫn chứng cụ thể phân cảnh, tập nào mà chất lượng art style bị drop luôn.
.- Trong một số bộ các bạn có thể phân tích về thiết kế nhân vật (characters design): nhân vật được thiết kế có nhiều sáng tạo, độc đáo khiến cho nhân vật ngầu và bộc lộ cá tính hay là thiết kế không đẹp hay sáng tạo, không thể hiện được bản sắc riêng của nhân vật.
- Animation: Chất lượng animation dùng để chỉ độ mượt mà của các chuyển động trong anime. Các bộ anime có animation tệ được thể hiện qua chuyển động không mượt mà, có phần hơi “giật” của các nhân vật hay việc thường xuyên xuất hiện các “still frames” (khung ảnh tĩnh, mọi thứ giống như bị “đứng hình” trong một khoảng thời gian). Một số phân cảnh quan trọng trong bộ anime, có chất lượng animation tốt hơn các phần còn lại, thì được gọi là sakuga.
- Visual effects, CGI: Các kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh được thêm vào anime như hiệu ứng cháy nổ, khói, ...
- Cinematography (Kỹ thuật dựng phim): Trong phim ảnh thì kỹ thuật cinematography được hiểu đơn giản là cách thức sắp đặt máy quay, góc quay và ánh sáng sao cho có những khung phim đẹp và chất lượng nhất. Trong anime tuy không có sử dụng máy quay phim nhưng vẫn có kỹ thuật cinematography, do đó, ta có thể quy ước một cái máy quay phim ảo trong mỗi bộ anime. Kỹ thuật cinematography là một lĩnh vực khá phức tạp nhưng cũng đầy lý thú. Một số đạo diễn kỳ cựu trong làng anime như Satoshi Kon thậm chí có thể biến cinematography trở thành một nghệ thuật dùng để thể hiện một phần ý nghĩa của bộ phim và để lại dấu ấn riêng của chính mình.
4. Phần âm thanh
- Background music (Nhạc nền): Phần nhạc nền đóng góp một phần rất quan trọng để “khuếch đại” các cảm xúc trong bộ anime như buồn bã, vui tươi, hào hùng, hoành tráng. Ví dụ đơn giản như bộ Attack on Titan, làm thế nào mà bộ này khiến chúng ta cảm thấy đầy hào hùng và dồn dập đến như vậy, điều này không thể không nhắc đến công lao của nhà soạn nhạc tài năng Hiroyuki Sawano.
- Bản nhạc mở đầu và kết thúc một tập (Opening và Ending): Mình biết một số bạn khi xem anime thường hay skip qua opening và ending :v. Tuy nhiên, trong một số bộ anime có opening và ending rất hay, điều này cũng có đóng góp cho độ hay chung của bộ anime, do đó hoàn toàn có thể đưa vào bài review.
- Voice acting: Các diễn viên lồng tiếng trong đã có thể hiện tốt và sát với nhân vật hay chưa, bạn có yêu thích hay cảm thấy khó chịu với chất giọng của họ không.
- Sound effects: Các hiệu ứng âm thanh được sử dụng trong anime như âm thanh từ các hoạt động thường ngày của các nhân vật cho đến các âm thanh cháy nổ, tiếng vũ khí va vào nhau, ... Các âm thanh trên có chân thực hay không và nghe có đã tai không.
Đó là tổng thể các yếu tố mà các bạn có thể thêm vào bài review của mình để khiến cho nó chi tiết và cụ thể hơn. Tuy nhiên, như mình nói ở bên trên, quyền quyết định thuộc về các bạn, bài review không nhất thiết phải chứa tất cả các yếu tố trên, chỉ cần chọn lấy một số yếu tố hay thậm chí phân tích một yếu tố duy nhất cũng được. Ví dụ như mình đã có một bài phân tích về một nhân vật Satou trong Ajin, tức là mình chỉ chọn lấy mục “nhân vật” để phân tích và bỏ qua 3 mục còn lại.
Một số lưu ý khi các bạn viết review:
- Các bạn không nhất thiết cần phải giỏi văn để viết review. Bản thân mình hồi đó thi ngữ văn được toàn 5, 6 điểm thôi. Chúng ta viết review với tư cách một fan hâm mộ trình bày quan điểm cá nhân của mình, chứ không phải là tư cách của một nhà văn, nhà báo, nhà phê bình chuyên nghiệp nên hoàn toàn yên tâm nếu câu văn của bạn không được hay, lủng củng. Từ từ trong quá trình viết thì sẽ tự khá lên thôi. Với lại ở đây không có ai chấm điểm các bạn nên không cần phải cố gắng viết như văn mẫu làm gì, chỉ cần trung thực với bản thân, nghĩ sao viết vậy thôi.
- Nên hạn chế kể lại nội dung của bộ anime, manga. Đối tượng đọc các bài review thông thường là những người đã xem qua bộ anime, manga đó nên việc kể lại nội dung là không cần thiết trừ phi là đối với những bộ có nội dung phức tạp, hack não, các bạn muốn kể lại và giải thích để giúp người đọc review hiểu rõ hơn về tác phẩm. Thông thường, chúng ta nên tập trung vào việc trình bày cảm nhận cá nhân hơn.
Yêu cầu để viết một bài review: Đối với mình thì chỉ có một yêu cầu duy nhất thôi. Đó là các bạn phải thể hiện được ý kiến cá nhân thông qua bài review. Giá trị chính của bài review nằm ở quan điểm cá nhân của người viết nên các bạn phải làm nổi bật chính kiến của mình, càng cụ thể càng tốt.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. ❤ ❤ ❤

Nhận xét

  1. Ad ơi em xem anime nào cũng thấy hay vậy làm sao review được ạ.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến