MASAO MARUYAMA - HUYỀN THOẠI ĐỨNG SAU STUDIO MADHOUSE VÀ NHỮNG SỨ MỆNH CAO CẢ ĐẶT TRÊN VAI MỘT LÃO GIÀ.



Masao Maruyama, khi viết về ông tôi chỉ có thể dùng từ “huyền thoại” để mô tả. Ông là người đã sáng lập nên studio MAPPA và đặc biệt là Madhouse, một trong những studio nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu mến và cũng có truyền thống nổi bật mà ai cũng phải ngưỡng mộ. Ông có thể nói là một trong những nhân vật có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn lao bậc nhất của ngành công nghiệp kể từ sau thời của Osamu Tezuka.

(Funfact: Tên của 2 studio MAdhouse và MAppa có hai chữ MA ở đầu, và đó là do 2 chữ MA ở đầu tên của ông (MAsao MAruyama), đã thể hiện rõ vai trò sáng lập của ông đối với 2 studio này)

Tuy sự quan trọng và tầm ảnh hưởng của ông đã được cả ngành công nghiệp ca tụng ví dụ như giải thưởng thành tựu trọn đời tại liên hoan phim hoạt hình Kobe năm 2002, thế nhưng thực tế là hiện nay trong cộng đồng có rất ít người biết đến ông. Do thông thường người ta chỉ quan tâm đến studio, cùng lắm là đạo diễn chứ có mấy ai “rãnh” đến mức tìm hiểu về các producer (nhà sản xuất/tổng giám chế) - vai trò mà ông đã âm thầm cống hiến suốt bao nhiêu năm.

Do đó mình nghĩ bài viết này sẽ là một bài rất cần thiết giúp nhiều bạn biết hơn về một producer huyền thoại, một con người dù rằng đã gần 80 tuổi vẫn luôn muốn cống hiến hết mình cho ngành nghệ thuật anime và viết tiếp truyền thống mà người đã trực tiếp truyền cảm hứng cho ông - Tezuka-san vẫn luôn mong muốn.

MASAO MARUYAMA

Vai trò: Producer (Tổng giám chế)

Tham gia vào ngành công nghiệp từ năm 1961.

Các tác phẩm nổi bật: Ashita no Joe, Beck, Black Lagoon, Cardcaptor Sakura, Claymore, Chobits, Death note, Gungrave, Hunter x Hunter, Kaiba, Kono sekai no katasumi ni, Monster, Nana, Paprika, Perfect Blue, Summer Wars, Texhnolyze, Tokyo Godfathers, Trigun,…

1. ”Người thầy” Tezuka-san và “lò” đào tạo những huyền thoại:

Trong buổi phỏng vấn tại hội chợ Anime Boston 2016, Maruyama-san đã miêu tả ảnh hưởng của Tezuka-san như sau: “Tôi có được vị trí như ngày hôm nay, toàn bộ là nhờ vào cái duyên mà tôi được làm việc với Tezuka- san".

Vào đầu những năm 60s, ngay khi Maruyama-san vừa tốt nghiệp đại học, ông đã được có cơ hội làm việc với Tezuka-san tại studio Mushi Production. Tại đây, ông cùng với Tezuka-san và nhiều huyền thoại khác đã cùng nhau tạo ra những bộ anime truyền hình dài tập đầu tiên.

Ông cho rằng cơ hội được làm việc chung với Tezuka-san là diễm phúc rất lớn của cuộc đời ông. Ông đã miêu tả rằng khi mới gia nhập studio, bản thân ông thực sự không hứng thú quá nhiều với anime và không có kinh nghiệm gì về sản xuất hoạt họa trước đó. Thế nhưng sự nhiệt tình của Tezuka-san đã làm thay đổi con người ông và đã trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất để ông ngày càng yêu mến anime và tận tụy trông công việc.


Studio Mushi production lúc mới thành lập chỉ do “tiền túi” của Tezuka-san từ việc xuất bản manga nên rất thiếu thốn nhân lực và kinh nghiệm. Thế nhưng nhờ những chỉ dạy của Tezuka-san về kỹ thuật sản xuất anime tiết kiệm chi phí mà studio đã vượt lên trên hết những khó khăn vất vả, tạo nên những kỳ tích làm thay đổi cả ngành công nghiệp.

Và bản thân của Maruyama-san, dù làm việc vất vả, ông cũng đã bắt đầu cảm nhận được niềm vui, sự hứng thú khi chính tay tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới, được các khán giả khắp đất nước đón nhận nhiệt thành. Do đó, ta có thể thấy sự ảnh hưởng không thể thay thế được của Tezuka-san lên Maruyama-san, đã giúp tạo nên một huyền thoại sống như ngày nay. Để rồi chính Maruyama-san, suốt mấy chục năm qua và hiện tại vẫn luôn đi tiên phong kế thừa ngọn lửa của Tezuka-san giúp phát huy những giá trị truyền thống của nghệ thuật phim hoạt hình.

Bên cạnh Maruyama-san thì tại studio Mushi production, nhiều huyền thoại trong ngành animator đã được sinh ra, để rồi khi stuido này tan rã, họ đã là những người sáng lập nên những studio mà ngày nay chúng ta đều quen thuộc. Ví dụ như Yoko Hatta và Hideaki Hatta đã thành lập Kyoani, Hiroshi Wakao thành lập studio Shaft, và studio Sunrise, Pierrot cũng được tạo nên từ những cựu nhân viên của Mushi pro.


2. Maruyama-san và thời “hoàng kim” của studio Madhouse

Tháng 10 năm 1972, Masao Maruyama cùng 3 người bạn đều là những đạo diễn gạo cội đó là Osamu Dezaki (ông này là một cái tên huyền thoại rồi!), Rintaro, Yoshiaki Kawajiri đã đứng ra thành lập ra studio Madhouse.

Kể từ thời điểm đó đến tận năm 2011, Maruyama-san đã có công rất lớn không những sáng lập ra studio mà còn là việc “chiêu mộ nhân tài” giúp cho studio ngày một phát triển. Tại nơi này, nhiều đạo diễn đã ngày càng trao dồi bản thân và trở nên nổi tiếng đến mức đã trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp.

Những cái tên lẫy lừng như Satoshi Kon (Perfect Blue, Paranoia Agent), Mamoru Hosoda (Wolf Children, Summer Wars), Tetsurou Araki (Deathnote, Attack on titan), Masaaki Yuasa (Devilman: Crybaby, The Tatami Galaxy), những đạo diễn có phong cách độc đáo, khác biệt và được cộng đồng đánh giá rất cao, đều bắt đầu phát huy tài năng và trở nên nổi tiếng khi làm việc với studio Madhouse.


Với dàn nhân sự nhiều tài năng, trong 2 thập kỷ những năm 90s và 2000s, studio Madhouse bước vào thời hoàng kim với rất nhiều tác phẩm chất lượng, được cộng đồng yêu mến. Với phương châm chú trọng chất lượng, các đạo diễn tài năng đã tạo cho chúng ta những tác phẩm để đời ví dụ như Satoshi Kon đã ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp phim ảnh lớn nhất thế giới là Hollywood.

Cùng với đó, Maruyama-san cũng rất chú trọng chuyển thể những bộ manga sâu sắc giàu tình nghệ thuật ví dụ như Monster của Naoki Urasawa, khiến cho Madhouse cũng trở thành “đầu tàu”, studio đi tiên phong trong việc chuyển thể những bộ manga seinen chất lượng nhất. Để mà khi hiện nay, như một thói quen nếu như có một bộ seinen manga nào mà ta muốn chuyển thể tốt, thì cái tên đầu tiên nghĩ đến đó là Madhouse.

Bên cạnh đó, kế thừa tinh thần khám phá những cái mới, không ngại ngần hy sinh vì nghệ thuật của Tezuka-san, studio MADhouse, đúng như cái tên của mình, đã làm nên những chuyện “điên rồ” mà nhiều người trong ngành công nghiệp không dám làm.

Ví dụ như việc tốn cả 7 năm trời với việc vẽ hơn 100,000 khung hình để tạo nên bộ “Redline”, một tác phẩm có thể nói là có chất lượng animation tốt đến mức không thể tin được, một kỳ công của cả ngành công nghiệp. Hay như là việc chuyển thể trọn vẹn một bộ seinen đậm triết lý của Naoki Urasawa, thành một bộ anime dài tận hơn 70 tập, là một chuyện mà, đối với nhiều đọc giả dòng seinen manga hiện nay, gần như là chuyện trong mơ.

3. Maruyama-san rời bỏ studio Madhouse đi tìm con đường mới

Studio Madhouse dưới phương châm lãnh đạo của Maruyama-san: chú trọng chất lượng và nghệ thuật, tuy đã gặt hái nhiều thành công nhưng cũng có rất nhiều hy sinh đánh đổi.

Do không đi theo hướng thị trường, thỏa mãn nhu cầu của otaku nhật nên tỉ lệ tác phẩm đạt được doanh thu tốt của studio là rất thấp. Studio liên tục vướng phải tình trạng khó khăn về tài chính và có lần suýt phải phá sản.

Hệ quả là studio phải cắt giảm nhân lực và dẫn đến việc nhiều người có tên tuổi lần lượt phải rời khỏi studio. Đạo diễn Mamoru Hosoda rời khỏi Madhouse để tự lập nên studio Chizu. Masaaki Yuasa cũng ra đi và tự lập studio Science SARU. Đạo diễn Tetsurou Araki thì chuyển sang làm việc cho Wit studio. Còn đạo diễn Satoshi Kon thì rất đáng tiếc đã đoản mệnh, từ giã cõi đời quá sớm.

Những sự kiện trên đã tác động rất đáng kể đến studio, cuối cùng dẫn đến việc chính bản thân Maruyama-san rời khỏi Madhouse vào năm 2011 và thành lập nên studio mới, đó là studio MAPPA. Trong cuộc phỏng vấn tại Anime Boston 2016, ông đã cho rằng lý do chính ông rời khỏi Madhouse là để tự do hơn trong việc lên kế hoạch, thực hiện các tác phẩm kế tiếp mà mình mong muốn.

Kể từ năm 2012, sau sự ra đi của Maruyama-san, giám đốc kế nhiệm của Madhouse là Masahiro Takahashi đã thay đổi hoàn toàn hướng đi của studio. Thay đổi dễ nhận ra nhất đó là nếu như thời của Maruyama-san phương châm sẽ luôn là chuyển thể những bộ manga chất lượng thì kể từ 2012, studio Madhouse đã bắt đầu chuyển thể những bộ lightnovel, ví dụ như: No game no life, Overlord, Mahouka,…

Nhiều người cho rằng sự ra đi của Maruyama-san là một tổn thất rất lớn cho studio Madhouse và khiến studio này lao dốc kể từ đó. Nhưng mà mình nghĩ sự kiện này đối với những nhóm khán giả khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau. Ví dụ như các bạn fan lightnovel thì có thể lại là điều vui mừng bởi vì nếu như Maruyama-san còn ở lại với Madhouse thì tuyệt nhiên sẽ không có chuyện những bộ No game no life, Overlord, Mahouka của các bạn được studio này tiến hành chuyển thể đâu. :v

Cá nhân mình thấy studio Madhouse từ năm 2012 vẫn có nhiều tác phẩm hay ví dụ như Kiseijuu, Death Parade hay One Punch Man,... chứ không hẵn là đã trở thành 1 studio tệ hại. Chỉ có điều đúng là studio Madhouse đã mất đi cái chất đặc trưng mà Maruyama-san tạo nên. Studio này rồi sẽ không còn “điên” như cái tên của mình nữa, sẽ không chịu hy sinh hết mình vì nghệ thuật hay tốn đến 7 năm để tạo ra một bộ movie như thời trước kia nữa mà thôi.

Về phần Maruyama-san, tuy rời xa Madhouse nhưng ông vẫn tiếp tục kiên định với hướng đi của mình. Sau khi thành lập studio MAPPA, ông đã liên hệ với đạo diễn Sunao Katabuchi, lên kế hoạch quyên góp quỹ để thực hiện chuyển thể bộ manga tác giả Kono Fumiyo – Kono sekai no katasumi ni (Ở 1 góc nhân gian). Bộ anime được công chiếu vào năm 2016, đã rất thành công ở thị trường nội địa và đạt rất nhiều giải thưởng khác nhau.

Do đó, tuy rất đáng tiếc việc ông rời khỏi Madhouse, nhưng mình vẫn cảm thấy rất biết ơn ông vì đã dày công tạo nên một tuyệt tác, một trong những bộ anime movies mà mình yêu thích nhất.

4. Những gánh nặng và cả sứ mệnh cao cả trên vai 1 lão già

Có lẽ nhắc đến Maruyama-san, chúng ta sẽ cảm thấy rất thiếu sót nếu không đề cập đến quan hệ giữa ông và đạo diễn quá cố Satoshi Kon. Satoshi Kon là một trong những con người tài năng nhất không những của studio Madhouse và còn của cả ngành công nghiệp. Câu chuyện của Satoshi Kon là một trong những bi kịch đau lòng nhất khiến bất kỳ ai yêu mến anime đều phải cảm động, ông đã ra đi quá sớm khi mà bộ anime cuối cùng “Dreaming Machine” còn chưa thể thực hiện xong. Điều này đã đặt lên vai Maruyama-san một trách nhiệm lớn, đó là làm sao có thể hoàn thành được “Dreaming Machine”, nguyện vọng cuối cùng của vị đạo diễn lớn kia.

Thế rồi kể từ cái chết của Satoshi Kon năm 2010 đến nay đã 9 năm Maruyama-san vẫn chưa thể tìm được vị đạo diễn nào đủ tầm và tài năng để thể chổ cho Kon-san. Điều này cũng đã thể hiện một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp đó là việc thiếu thốn trầm trọng nhân lực, đặc biệt là các đạo diễn có tầm và tài năng.

Bên cạnh đó, ngọn lửa nhiệt huyết mà Tezuka-san đã truyền đạt cùng với sứ mệnh chuyển thể những tác phẩm manga giá trị nhất vẫn luôn bên ông, khiến cho một lão già đã hơn 70 tuổi vẫn phải chạy đi chạy lại khắp ngành công nghiệp, tìm mọi cách để có nguồn tài trợ giúp chuyển thể bộ manga “Pluto” của Urasawa Naoki.

Trong thời đại công nghiệp anime càng trở nên nổi tiếng, các tác phẩm thị trường nhan nhản khắp nơi, vẫn có một lão già luôn thầm lặng, hết mình truyền đạt, quảng bá những giá trị cao đẹp của nghệ thuật anime. Dù trên vai còn nhiều gánh nặng, dù tuổi tác đã cao, ngọn lửa đam mê sáng tạo mà hơn 50 năm trước, Tezuka-san đã trao cho ông, vẫn luôn cháy âm ỉ.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài.

#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến