GIẢI THÍCH VÀ SỬA SAI NHỮNG SỰ HIỂU LẦM CỦA CỘNG ĐỒNG FAN ANIME VỀ HAYAO MIYAZAKI



Đây có thể là một bài viết khá bất ngờ của mình, bởi vì mình chỉ nghĩ ra ý tưởng vài tiếng trước và sẳn tiện viết luôn. Bởi vì mình nghĩ đến sự cần thiết để các fan anime có cái nhìn chính xác hơn về nhà đạo diễn anime đầy tài năng này. Hayao Miyazaki là một vị đạo diễn hoàn toàn xứng đáng nhận được sự tuyên dương và kính trọng của mọi người về sự nổ lực không ngừng nghĩ, sự tận tâm cống hiến hết mình cho vẻ đẹp, cho những giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn cao quý của anime nói riêng và phim hoạt hình nói chung, chứ không phải là sự tranh cãi vì những hiểu lầm tai hại.
1. “Anime was a mistake” (Anime là một sai lầm)
Đây là một trong những meme rất phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng anime trong một thời gian dài và hiện nay vẫn còn được bắt gặp rất nhiều trên mạng. Nguồn gốc của meme này là do lỗi dịch thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Anh trong 1 video tài liệu về Hayao Miyazaki, sau đó một số người lợi dụng lỗi dịch thuật này để chế meme, thể hiện sự châm biếm trên mạng. Do Hayao Mizayaki là một nhân vật vô cùng nổi tiếng trong cộng đồng anime nên độ nổi tiếng của meme này cũng tăng vọt, dẫn đến nhiều người không chịu tìm hiểu, tưởng rằng Miyazaki nói câu đó thiệt.
Cho nên trong bài viết này mình xin được mạnh dạn khẳng định rằng Miyazaki-san CHƯA BAO GIỜ PHÁT BIỂU CÂU NÀY. Các bạn thử nghĩ xem, một con người đã cống hiến gần như cả đời mình cho anime mà phát biểu câu này thì chả khác gì cho rằng cả sự nghiệp của mình là một sai lầm, cuộc đời của mình là một sai lầm chăng. Nếu Miyazaki-san chán ghét anime và cho nó là một sai lầm thì đáng lẽ ông ngừng việc tạo ra anime nhiều, nhiều năm về trước rồi. Chứ tại sao dù đã hơn 70 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn không chịu nghĩ hưu, tận hưởng tuổi già với con cháu mà lại tiếp tục tổn hao sức lực của mình vào quá trình sản xuất thêm các tác phẩm anime mới. Mặc dù đã nhiều lần tuyên bố sẽ nghĩ hưu, vì cho rằng bản thân mình sức lực có hạn, không đủ để tạo ra các tác phẩm mới (như các bạn đã biết thì việc sản xuất anime rất khó khăn, vất vả), nhưng sau đó ông lại trở lại với những dự án mới. Tại sao lại như vậy? Mình thực sự không thể nghĩ ra một lý do nào khác ngoài sự yêu mến vô hạn, sự đam mê vĩ đại của Miyazaki-san với loại hình nghệ thuật anime. Do đó, mình cho rằng việc nghĩ một người đã dành cả đời mình để theo đuổi đam mê, cống hiến không ngừng nghĩ cho anime lại ghét anime, cho nó là một sai lầm và một sự hiểu lầm vô cùng tai hại và cần phải được đính chính cho rõ ràng.
2. Miyazaki-san ghét Otaku
Sự hiểu lầm này bắt nguồn từ một đoạn phỏng vấn mà trong đó Miyazaki-san thể hiện sự thất vọng của mình với câu nói “Ngành công nghiệp anime hiện nay có quá nhiều otaku”. Và dĩ nhiên, với năng lực “click-bait” của những bài báo, chắc chắn sẽ đưa câu nói này lên làm tựa đề. Sau đó, nhiều thanh niên có vấn đề về việc đọc-hiểu, và không chịu tìm hiểu kỹ càng sẽ suy diễn câu nói trên của ông thành ra là Miyazaki-san ghét Otaku-fan của anime.
Thực sự để hiểu chính xác câu nói này của ông thì ta phải đọc cả bài phỏng vấn và áp dụng câu nói này vào ngữ cảnh đó cho phù hợp. Ý nghĩa thực sự của Miyazaki-san như sau: Ông cho rằng anime nên là một công cụ để phản ánh vẻ đẹp của thực tại, của cuộc sống thực chứ không phải là một thứ ảo mộng để con người ta trốn tránh thực tại. Khi xem những tác phẩm của Miyazaki-san, bạn sẽ thấy rằng những tác phẩm của ông rất đề cao vẻ đẹp của thế giới, đề cao tinh thần phiêu lưu, khám phá và những giá trị đầy nhân văn của tình bạn, tình yêu, tình gia đình và tất cả đều phải dựa trên hiện thực và phản ánh một cách chân thực hiện thực. Ông mong muốn mọi người xem phim của ông để nhận ra rằng cuộc sống tươi đẹp, để khơi dậy sự tìm tòi phiêu lưu, khám phá cuộc sống và ngày càng tin yêu cuộc sống, chứ không phải xem anime để chán ghét và xa rời cuộc sống.
Như các bạn đã biết thì thực trạng NEET- Hikikomori (Những người thất nghiệp bị trầm cảm, tự kỉ, suốt ngày nhốt mình ở trong phòng và sợ giao tiếp xã hội) là một trong những thực trạng gây nhức nhối của xã hội Nhật Bản hiện nay. Thực trạng này xuất phát tự sự chán ghét xã hội, sự mất niềm tin, hy vọng vào cuộc sống của nhiều người do nhiều vấn đề khác nhau như tình trạng bạo lực học đường, bi kịch gia đình, áp lực quá lớn của cuộc sống, sự cô đơn, thất tình,... Theo Miyazaki-san, đáng lẽ anime nên là một thứ công cụ có ít, giúp những người này lấy lại niềm tin, hy vọng vào cuộc sống và tìm thấy vẻ đẹp của cuộc sống thì rốt cuộc, khá nhiều anime hiện nay lại đang cổ súy cho hikikomori bằng việc tạo ra một thế giới ảo, nơi mọi việc điều đáng như mơ ước (như một số bộ isekai hiện nay), để hikikomori dựa vào đó, nuôi một ảo mộng không có thực và ngày càng xa rời hiện thực hơn. Điều này làm ông rất buồn và thất vọng.
Do đó, câu nói “Ngành công nghiệp anime hiện nay có quá nhiều otaku” của Miyazaki-san phải được hiểu theo nghĩa rằng hiện nay thành phần NEET- Hikikomori trong Otaku đang tăng một cách đáng báo động vì việc sử dụng anime như một công cụ để trốn tránh thực tại là một việc đáng buồn và đáng thất vọng. Chứ bản thân của ông chưa bao giờ thực sự thể hiện thái độ ghét đối với cộng đồng Otaku. Ngay cả đối với các Hikikomori thì họ thực sự đáng thương hơn là đáng ghét, vì phải chịu những đau khổ trong cuộc sống mà họ trốn tránh cuộc sống, nên cộng đồng phải hỗ trợ, giúp đỡ họ hòa nhập lại với cuộc sống, chứ làm sao lại phải thù ghét họ?
Ngoài ra, mình nhìn thấy một số bài báo có tựa đề “Loại Otaku nào mà Miyazaki-san ghét nhất?” và tiếp tục có một số người có vấn đề đọc hiểu cho rằng ông ghét Otaku – fan anime mà không biết rằng từ “Otaku” không những có nghĩa là những người yêu thích anime, mà tại Nhật từ này còn có nghỉa là một người cuồng một thứ gì đó. Ví dụ như “train otaku” là những người cuồng tàu hỏa, “fishing otaku” là những người cuồng câu cá,... và không hề liên quan gì đến anime hết.
Câu trả lời của ông cho câu hỏi trên là “gun otaku” (những người cuồng súng), điều này khá là hiển nhiên và dễ hiểu nếu bạn biết Miyazaki-san là một người rất yêu hòa bình và ghét bạo lực. Và thực sự thì quan điểm của ông cũng khá là thiết thực khi mà các bạn đọc tin tức thấy rằng hiện nay đang có khá nhiều vụ giết người hàng loạt, xả súng vào người vô tội diễn ra tại Mỹ khi nước này nới lỏng quy định quản lý việc sở hữu súng đạn một cách quá mức.
3. Miyazaki-san ghét CGI
Sự hiểu lầm này bắt nguồn từ một video phim tài liệu về Miyazaki-san trong khi ông đang tham gia quá trình sản xuất bộ anime mới: “Boro The Caterpillar” (Sâu róm Boro), trong đó có một đoạn ông vào trong một cuộc họp giới thiệu công nghệ mới AI có thể áp dụng trong việc tạo ra những tác phẩm anime. Sau khi nghe bài thuyết trình, Miyazaki-san bày tỏ thái độ tức giận và không hợp tác với công nghệ mới này:
Và vẫn như thường lệ, có nhiều thanh niên lại có vấn đề trong việc “xem-hiểu” và không phân biệt được giữa CGI và AI đã cho rằng Miyazaki-san ghét CGI nói chung và công nghệ 3D trong anime nói riêng.
Ở đây CGI và AI là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. CGI (Computer-generated imagery) là công nghệ sử dụng đồ họa vi tính để giúp các nhà hoạt họa dễ dàng hơn trong việc tạo ra những bộ anime thay vì tốn quá nhiều công sức vào các công đoạn vẽ tay truyền thống. Còn công nghệ AI (artificial intelligence) được giới thiệu trong video này là sử dụng trí thông minh nhân tạo của máy tính để tự động tạo ra những bộ anime mà không cần đến con người.
Ta thấy rõ sự khác nhau của CGI và AI đó là ở CGI, máy tính được sử dụng như là một công cụ để hỗ trợ con người sáng tạo ra nghệ thuật và con người vẫn là chủ thể sáng tạo chính. Còn ở AI – máy tính là chủ thể sáng tạo ra nghệ thuật. Chính điều này trong phần giới thiệu đã khiến Miyazaki-san nổi giận với công nghệ AI. Bởi vì ông chính là một người nghệ sĩ đích thực, người luôn rất đề cao giá trị của con người và những giá trị nhân văn to lớn trong các tác phẩm của mình, những giá trị trên chỉ nên được tạo ra bởi con người và chỉ con người mới có thể cảm nhận được. Công nghệ AI hiện nay đang rất phát triển và được áp dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên theo Miyazaki-san, công nghệ AI không nên áp dụng trong việc sáng tạo nghệ thuật. Cho đến khi trí thông minh nhân tạo được phát triển đến mức máy tính có thể hiểu được con người và cảm nhận được tình cảm, những giá trị nhân văn sâu rộng của con người thì lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn chỉ nên là một lĩnh vực mà con người nắm vai trò chủ đạo. Việc nói rằng “máy tính có thể sáng tạo ra nghệ thuật” tại thời điểm này chẳng khác gì một sự sĩ nhục cho những nghệ sĩ đích thực đang hàng ngày cống hiến cho cộng đồng và là “một sự sĩ nhục đối với sự sống” như Miyazaki-san đã nói.
Ngoài ra, việc sử dụng một con zombie gớm giếc trong phần giới thiệu công nghệ AI trên đã để lại ấn tượng xấu cho Miyazaki-san – một người rất đề cao vẻ đẹp của anime. Và việc ông nổi giận là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.
Còn về CGI thì làm sao Miyazaki-san có thể ghét công nghệ này được chứ khi mà là một nhà hoạt họa, một đạo diễn lão làng, ông hoàn toàn biết được tầm quan trọng vô cùng to lớn của công nghệ này đối với nền công nghiệp anime. Có thể nói, nếu không có công nghệ CGI, nền công nghiệp anime đã sụp đổ từ lâu rồi. Với sự thiếu thốn nhân lực trầm trọng, và lịch làm việc vô cùng vất vả và tồi tệ thì sự trợ giúp vô cùng to lớn của đồ họa vi tính đã giúp các nhà hoạt họa có thể tiếp tục nổ lực cống hiến, tạo ra rất nhiều bộ anime để phục vụ khán giả.
Bên cạnh đó, có một sự thực là Miyazaki-san đã từng áp dụng công nghệ CGI vào các tác phẩm trước đó của mình và bộ anime tiếp theo của ông “Sâu róm Boro” cũng sẽ sử dụng khá nhiều CGI là một minh chứng rõ ràng cho thấy nhận định “Miyazaki-san ghét CGI” là một điều hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ.
4. Ai sẽ là Miyazaki-san kế tiếp?
Với tuổi thọ đã gần 80 - gần đất xa trời, chắc chắn việc Miyazaki-san từ giã nên công nghiệp anime là chuyện sớm muộn không thể bàn cãi. Vì lý do trên mà có nhiều chủ đề bàn luận rằng ai sẽ là người “kế thừa” Miyazaki-san để tiếp tục truyền những giá trị, vẻ đẹp trong những tác phẩm anime của ông cho thế hệ kế tiếp. Có nhiều đề xuất được đưa ra như các đạo diễn Makoto Shinkai, Mamoru Hosoda, Gorou Miyazaki (con trai của Hayao Miyazaki),.. và có nhiều sự tranh luận diễn ra khi mà người này cho rằng xứng đáng, người kia lại không,...
Theo mình, nếu mà nghĩ câu hỏi “Ai sẽ là Miyazaki-san kế tiếp?” theo nghĩa là một người có thể “kế tục” những giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của ông thì theo mình câu trả lời chính xác là không có ai cả. Bởi vì những giá trị nghệ thuật riêng biệt là một thứ có tính duy nhất, đại diện cho một nghệ sĩ và chỉ có nghệ sĩ đó có được. Khi người nghệ sĩ chết đi thì bản thân họ cũng sẽ đem thứ nghệ thuật riêng của mình xuống mồ. Mọi sự cố gắng gầy dựng, tái tạo lại nghệ thuật đó chỉ là một sự sao chép giả tạo. Có một thực tế rằng khi đạo diễn kỳ cựu Satoshi Kon ra đi thì ông cũng đã đem nghệ thuật hoạt họa độc đáo đi theo mình. Gần chục năm sau khi ông mất, chúng ta vẫn sẽ không bao giờ chứng kiến lại thứ tác phẩm đậm chất Satoshi Kon 100% được nữa. Và nếu là một nghệ sĩ đích thực thì bản thân họ luôn muốn tạo ra thứ nghệ thuật của riêng mình chứ chẳng ai muốn “kế tục” hay sao chép nghệ thuật của người khác cả.
Theo mình thì câu hỏi “Ai sẽ là Miyazaki-san kế tiếp?” nên được hiểu theo nghĩa là “Ai sẽ là người giống như Miyazaki-san, cống hiến hết mình cho anime và quảng bá vẻ đẹp của anime đến thế giới?” Bởi vì Miyazaki-san trong một thời gian dài luôn là một người đại diện cho những vẻ đẹp của anime. Mỗi khi chúng ta nghĩ đến vẻ đẹp của anime nói riêng và hoạt hình nói chung thì thứ đầu tiên chúng ta nghĩ đến đó là những bộ anime của studio Ghibli và đặc biệt là những tác phẩm của Miyazaki-san.
Theo mình thì nếu được hiểu theo nghĩa như trên thì tất cả những vị đạo diễn tài năng như Makoto Shinkai, Mamoru Hosoda,... đều xứng đáng được gọi là “Miyazaki-san kế tiếp”,...
Bài viết đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc. ❤ ❤ ❤

Nhận xét

Bài đăng phổ biến