KISEIJUU - "Tôi tình cờ gặp một bạn cún trên đường, một phần nhỏ bé trong cuộc sống của tôi. Và rồi nó đột ngột chết đi. Tại sao tôi lại buồn đến thế?"

KISEIJUU - "Tôi tình cờ gặp một bạn cún trên đường, một phần nhỏ bé trong cuộc sống của tôi. Và rồi nó đột ngột chết đi. Tại sao tôi lại buồn đến thế?"

Tên manga: Kiseijuu (aka Parasyte)
Tác giả: Iwaaki Hitoshi
Năm phát hành: 1989 - 1995
Thể loại: Seinen, fantasy, action, horror, psychological.
Bộ này có anime (bám gần như rất sát vào nội dung manga luôn trừ vụ sắp xếp cảnh hơi khác chút, main đeo kính, có smartphone và gái đẹp hơn) và 2 phần live action (khuyến khích xem trước khi đọc truyện hay coi anime để tránh th* h****).



Giới thiệu nội dung: Ai đó trên trái đất (Thanos?) nghĩ rằng: "Nếu chỉ có một nửa số lượng loài người thôi, thì sẽ giảm được bao nhiêu rừng chúng ta đốt, giảm được bao nhiêu lượng chất độc? Chúng ta phải bảo vệ tương lai của mọi sinh vật." sau đó từ trên trời rớt xuống rất nhiều "trứng" nở ra thành kí sinh thú. Chúng chui vào cơ thể người, lấy đi bộ não và chiếm quyền điều khiển cơ thể. Một con trong số đó không đoạt được não mà chỉ "ăn" mất cánh tay phải của thằng main và phải trở thành cánh tay phải của main. Từ đó một người một thú cộng sinh, giúp nhau đi giết mấy con khác đang thịt loài người, làm bá chủ thế giới và hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Đùa đấy.

Cảm nhận: (Có spoil nhiều)

Bộ này chắc phù hợp cho ai thích ăn tạp: vừa kinh dị, vừa gay cấn, hài cũng có mà deep dark cũng có luôn (có cảnh nóng nữa).

Nếu phải chọn ra cái gì ấn tượng nhất để nói thì mình nghĩ là cốt truyện. Nó hay vcc. Tác giả đúng kiểu làm mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đây là một trong số những bộ mà mình xem bao nhiêu cũng không thể chán được, mỗi lần xem xong đều cảm thấy như vừa sống qua một đời người (?), kiểu, cùng vui cùng buồn, cùng ngơ ngẩn cùng lớn lên với nhân vật ấy. Ấn tượng nhất truyện là vụ Reiko Tamura (aka Tamiya Ryouko) tách làm hai nửa để đấu với ba con kí sinh thú khác (cụ thể là cảnh bả vừa chạy nhông nhông trên phố vừa cười với cái đầu chỉ bằng một nửa bình thường). Ấn tượng thứ hai là cuộc thanh trừng của con người đối với kí sinh thú. (Mình thích gọi là "kí sinh thú" hơn "kí sinh vật" hay "kí sinh trùng" vì bọn nó ăn thịt như thú dữ. Có đoạn main hỏi ông bố rằng tại sao cảnh sát không công bố chuyện kí sinh trùng xuất hiện để người dân cảnh giác, ông bố đáp rằng: "Chẳng lẽ bây giờ thông báo có hàn ngàn con thú dữ đang chạy rông trên đất Nhật à?" mình thấy rất thuyết phục ). Cuộc thanh trừng này là giải pháp làm mình mãn nhãn thật sự, kiểu, vừa mạnh mẽ lại vừa tàn nhẫn, đúng với phong cách của loài người. (Bây giờ nghĩ lại thấy cái đoạn này có thể so sánh với cuộc chiến giữa đội SAT với lão Sato trong Ajin). Migi (tên con cộng sinh với main) có nói rằng: "Tôi thấy chữ 'ác ma' nên dành cho loài người thì đúng hơn." thì yeah, mình hoàn toàn đồng ý. Giả sử trong truyện này thằng main không đi đánh (hoặc đánh không lại) con boss cuối (Gotou) thì mình tin rằng loài người vẫn sẽ có cách để giết nó thôi. (Nên nhớ Gotou không phải là Tamiya Ryouko, nếu Tamiya còn sống thì mình sẽ suy nghĩ lại).

Đọc đến đây chắc bạn cũng đoán được nhân vật yêu thích nhất truyện của mình rồi, Tamiya Ryouko ấy mà. Không chỉ là một nhân vật được xây dựng rất tốt, bà này còn là kẻ truyền đạt thành công tư tưởng của tác phẩm. Trên kia mình gọi Gotou là boss nhưng kẻ đứng sau giật dây thật sự là Tamiya Ryouko. Giả sử bà này thay vì Gotou chiến nhau với main chắc truyện đã đi theo một hướng khác và mình không chắc nó có còn hay và sâu sắc như cũ không. Nhưng thật tuyệt vời là tác giả đã đi đúng hướng: Tamiya Ryouko thay vì kiêu ngạo và nóng máu như những con kí sinh thú khác lại có tầm nhìn xa và suy nghĩ cho tương lai của giống loài, luôn thử thách bản thân để sống hòa nhập với loài người và không ngừng tự hỏi: "Bọn ta sống trên hành tinh này để làm gì?". Những câu hỏi cứ thế chồng chéo nhau, trả lời được câu này lại có thêm thắc mắc khác xuất hiện. Bạn thấy quen không? Con kí sinh thú này thật giống con người: luôn quay mòng mòng trong những suy nghĩ về sự tồn tại của mình trên thế gian. Nó luôn cố bắt chước con người để hòa nhập với xã hội, đi dạy toán, vào giảng đường nghe giảng, không đi săn mà ăn đồ ăn của loài người, một ngày đứng trước gương tập cười bỗng cảm thấy thật thoải mái, và sau tất cả phát hiện ra những thắc mắc của mình lại được giải đáp bất ngờ bằng việc bị người ta bắt cóc đứa con loài người - vốn là vật nó sẽ dùng để thí nghiệm. Sự ra đi của nó cảm động đến mức Izumi (main) tưởng chừng nước mắt đã cạn khi ngấm trong mình 30% của kí sinh thú cũng đột nhiên rơi lệ.

Mình khá thích cách tác giả kể chuyện về kí sinh thú mà qua đó lại làm rõ tư tưởng "thế nào là con người". Con người khác với các sinh vật khác ở chỗ - theo như Migi nhận định - phiền phức và logic kì quái: hay buồn và khóc, quý trọng mạng sống của đồng loại, biết rằng sức mạnh mình không bằng đối thủ nhưng vẫn cứ đâm đầu vào, thù hận khi bị cướp đi người thân, là sinh vật yếu đuối nhưng có thể tạo ra sức mạnh đáng sợ.

Con người còn là sinh vật hủy diệt sự sống trên trái đất. Cái nút thắt cuối truyện chính là minh chứng cho điều này: Gotou vốn bá đạo, vô đối là vậy, súng bắn lia lịa không chết mà cuối cùng lại chết chỉ vì một lượng chất độc tạo ra do rác thải của con người, chết bằng cú cảm tử ăn may của thằng main. Thật như đùa nhưng rất hợp lý. Đoạn sau khá troll nhưng một lần nữa củng cố đặc điểm của con người: con người phải có trách nhiệm với xã hội, dù cảm thông cho nỗ lực sinh tồn của sinh vật khác nhưng vì trách nhiệm mà không thể tha được. Suýt quên, truyện có một cú twist khá đỉnh: thật buồn cười kẻ ủng hộ, đại diện cho kí sinh thú lại là một con người! (ông thị trưởng ấy mà). Ôi nhân loại, what have we done?

Về bối cảnh và tính logic trong truyện, mình thấy tác giả đã đầu tư đủ. Từ hoàn cảnh sống ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tư duy của những con kí sinh thú (chẳng hạn Migi đọc nhiều sách nên hiểu biết nhiều, trong khi con Parasyte chỉ coi TV nên nói chuyện cục súc, con bất hạnh kí sinh lên loài chó thì vừa ngu vừa dữ ) đến những phương pháp mà loài kí sinh thú áp dụng để tăng level cho vật chủ (ví dụ di chuyển vị trí nội tạng để con khác đâm không chết, vá lại tim, tập thể dục để dễ điều khiển cơ thể, tập cười cho giống người, thậm chí con boss Gotou còn ngồi đánh piano như đúng rồi hic...) và cách mà con người dùng để phân biệt đâu là thú kí sinh (nhổ tóc, dùng máy xem...). Bối cảnh không gian cũng hợp lý với những trận chiến khác nhau (mình khá ấn tượng đoạn thằng main bỏ chạy vào rừng lúc gặp con thú hay cười kia).

Về nét vẽ, vì truyện từ những năm 90 nên không bắt mắt lắm, vẽ người hơi xấu (với những bạn khác thôi chứ với mình thì đẹp rồi, horror mà), riêng biểu cảm gương mặt thì tuyệt. Càng về sau thì nét càng trau chuốt hơn. À, dù bài này là nhận xét manga thôi nhưng mình vẫn phải nói, nhạc nền trong anime rất hay và đẩy cảm xúc lên cao (nhất là cảnh main gặp con kí sinh thú mang gương mặt của mẹ ấy, cực kỳ xúc động luôn).

Tóm lại, đây là một bộ rất thú vị và là lời cảnh tỉnh cho loài người chúng ta: hãy quý trọng môi trường tự nhiên và các loài sinh vật, tàn phá quá coi chừng bị nghiệp quật.

#BlueCat

Nhận xét

Bài đăng phổ biến