GOBLIN SLAYER VÀ THẾ NÀO LÀ MỘT BỘ “DARK FANTASY” HAY?



(Có một chút spoilers về 3 tác phảm Goblin Slayer, Berserk và Made In Abyss)

Bộ anime Goblin Slayer tront thời gian gần đây đã gây ra nhiều sự chú ý về thể loại “Dark fantasy”, một thể loại fantasy hoàn toàn khác biệt so với các thế giới fantasy khác. Khác với sự vui thú, phấn khích khi bạn bước chân vào một thế giới fantasy đầy đẹp đẽ và nhiều điều để khám phá, thì một thế giới dark fantasy lại có thể làm chúng ta rùng mình, sợ hãi về sự đen tối đầy máu và bạo lực của nó.

Và sự khác biệt, trái ngược đó đã khiến cho thể loại dark fantasy là một trong những thể loại mà mình yêu thích. Thế nhưng, dĩ nhiên việc mình thích thể loại dark fantasy không có nghĩa là mình thích toàn bộ những bộ thuộc thể loại này. Vẫn có sự chọn lọc ở đây. Vậy thế nào để phân biệt một bộ dark fantasy hay hay là dở? Trong bài review trước về anime mùa của mình, mình đã cho rằng Goblin Slayer không phải là một bộ dark fantasy hay. Vậy thì trong bài phân tích lần này, mình sẽ đưa ra những ý kiến để chứng minh quan điểm của mình cũng như bày tỏ tiêu chuẩn đánh giá cá nhân về vấn đề này.

Rồi, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với từng tiêu chí một luôn nào!

1. Xây dựng một thế giới khốc liệt, tàn nhẫn thực sự.

Việc xây dựng thế giới dĩ nhiên là một trong những vấn đề đầu tiên phải cân nhắc đối với bất kỳ tác giả fantasy nào. Bởi vì tính hấp dẫn chính của thể loại fantasy đó là xem cách mà các nhân vật xoay xở trong một thế giới hoàn toàn mới lạ và khác biệt với thế giới mà chúng ta hằng ngày đang sống.

Đối với thể loại fantasy thông thường, việc xây dựng thế giới tốt giúp gợi cảm giác tò mò muốn tìm tòi khám phá và được phiêu lưu thoải mái. Thì tác dụng của việc xây dựng thế giới một đầy khắc nghiệt trong thể loại dark fantasy là để làm nổi bật sự kiên cường, bản lĩnh và sự không khuất phục của nhân vật chính khi phải đương đầu sống trong thế giới đó. Do đó, theo mình một bộ dark fantasy có world-building tốt phải là một bộ thể hiện sự khắt nghiệt, tàn nhẫn thực sự TRONG TẤT CẢ MỌI CHI TIẾT VÀ GÓC NHÌN.

Bởi vì settings của bộ anime chỉ về một thanh niên đi diệt Goblin nên Goblin Slayer có world-building khá nghèo nàn. Các sinh vật chủ yếu chỉ là dàn quái fantasy cơ bản, trong đó goblin được chú trọng nhiều nhất. Trong nữa đầu tập 1 ta những tưởng đây là bộ có sự thú vị khi thể hiện goblin không phải chỉ là những con quái cấp thấp mà thực sự là một mối nguy hiểm, một thử thách khó nhằn thực sự. Thế nhưng chúng ta nhanh chóng bị thất vọng khi thấy Goblin Slayer hay các mạo hiểm gia cấp cao diệt Goblin hàng loạt dễ dàng như thế nào. Để rồi ta thấy rằng dàn party bị diệt trong tập đầu chỉ là những tân binh trẻ trâu không những thiếu kinh nghiệm mà còn tự cao, nên chuốc lấy hậu quả là đúng thôi.

Thế giới chỉ có những con quái thông thường chỉ cần spam một vài ma thuật hay có một chút đầu óc kinh nghiệm là có thể giết hàng loạt Goblin trong G.Slayer là hoàn toàn khác với một thế giới tàn nhẫn, không dung thứ trong Berserk. Không kể đến những “boss cuối” như các Godhand, hay dàn tùy tùng bá đạo hạt gạo của Griffith. Thì bất cứ con quái vật bình thường nào trong Berserk cũng đều lộ vẻ hùng mạnh , đáng kinh hãi như bước ra từ những cơn ác mộng đáng sợ nhất. Và cho dù Guts có là một nhân vật cực bá đạo mạnh mẽ đi nữa thì tác phẩm cũng làm rất tốt việc thể hiện sự khó nhằn của những con quái kia và sự đấu tranh điên cuồng của Guts trong từng màn chiến đấu. Cậu ta phải nhiều lần vào sống ra chết, bị đập nhừ tử, phải sử dụng bộ giáp Berserker đầy nguy hiểm nhưng cậu ta vẫn không chùn bước tiếp tục đứng dậy và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thế giới của Berserk là một thế giới tàn bạo ở mọi góc độ từ những thế lực hùng mạnh, những sinh vật rùng rợn và art style ma mị, kinh dị đầy chi tiết, được thể hiện trong tất cả mọi chi tiết trong suốt tác phẩm. Tất cả những điều trên đã đề cao đến mức tuyệt đối hình tượng một người chiến binh dũng mãnh, không chịu khuất phục như Guts đang phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh trong thế giới đó chỉ để sống.

Một ví dụ khác đó là Made in Abyss, có một điều khác biệt ở đây đó là thế giới trong Made in Abyss được khoác một lớp ngoài màu hường chứ không kiểu “thô, trần trụi” như Berserk, nhưng mà việc thể hiện sự nguy hiểm, đáng sợ vẫn rất tốt và chân thật. Rõ ràng ở đây chúng ta phải kể đến tác dụng rất lớn của “trùm cuối” Bondrewd trong việc thể hiện mặt tối của Made In Abyss. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn có sự phân bố rất tốt giữa các chi tiết với nhau. Ngay từ đầu bộ manga, chúng ta đã được giới thiệu về một thế giới đầy nguy hiểm khi mà cái chết hiện diện một cách thường trực và sẵn sàng vồ lấy bạn bất cứ lúc nào với lời nguyền mạnh mẽ đầy chết chóc lúc nào cũng hiện diện sẵn và những sinh vật hung tợn săn người ngày càng trở nên mạnh mẽ khi bạn càng xuống sâu phía dưới. Nhờ việc xây dựng một thế giới chân thật và sinh động có thể làm cả người lớn run sợ như vậy, chúng ta mới thấy sự đặc biệt của những cô cậu bé như Riko và Reg có thể có ý chí mạnh mẽ đến nhường nào khi quyết định tham gia một chiến hành trình tự sát – một đi không trở lại như vậy.

2. Các sự kiện bi kịch phải có tính chấn động (có tác động mạnh mẽ và lâu dài)

Trong những bộ dark fantasy thì những sự kiện, chi tiết mang tính bi kịch là một điều khó thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra là làm sao khiến cho những bi kịch đó tác động mạnh mẽ đến người xem và gây ấn tượng cho họ. Theo mình muốn làm được như vậy thì những sự kiện đó phải có tính chấn động, tức là phải có tác động mạnh mẽ và lâu dài đến nhân vật và cốt truyện. Những biểu hiện cụ thể như tác động của sự kiện đó đến tâm lý, nội tâm của các nhân vật, sự thay đổi hoàn toàn số phận, hướng phát triển của các nhân vật hay là sự thay đổi hoàn toàn của mạch truyện, hướng phát triển của cốt truyện,…

Trong Berserk thì sự kiện bi kịch nổi tiếng nhất là đoạn Eclipse. Tính chấn động của đoạn này chắc chắn là không thể bàn cãi. Hoàn toàn làm thay đổi tất cả các nhân vật chính Guts, Griffth, Casca, đồng thời hướng cốt truyện đi một góc 180 độ. Khiến đây là một trong những cảnh tượng tiêu biểu nhất trong anime-manga khi ta muốn đề cập đến một bi kịch điển hình là như thế nào.

Trong Made in Abyss, tuy không có những cảnh bi kịch vĩ đại như Eclipse nhưng mà có những đoạn vẫn đủ tác động để lấy đi nước mắt của khán giả. Ngay từ đầu cảnh tượng mà Riko và Reg chia tay những người bạn ở trại trẻ mồ côi đã làm chúng ta đau lòng bởi vì ta biết cuộc hành trình của cô-cậu bé là một cuộc hành trình 1 chiều, hoàn toàn không có khứ hồi và lần chia tay này chắc chắn là lần cuối cùng. Cũng như câu chuyện của Nanachi và Mitty làm nhiều khán giả khóc là bởi vì những sự kiện đã xảy ra đã làm thay đổi số phận mối quan hệ giữa hai cô bé mãi mãi. Tất cả những sự kiện trên đều có tác động mạnh mẽ và lâu dài vĩnh viễn, không thể đảo ngược lại củng như phục hồi được hậu quả.

Ngoài ra nhờ sự tập trung chú trọng vào xây dựng nhân vật trong từng bộ Berserk và Made In Abyss mới làm cho chúng ta quan tâm đến họ. Để rồi khi những sự kiện bi kịch diễn ra mới có thể có tác động mạnh mẽ lên người xem được.

Trở lại với Goblin Slayer, Ngay từ tập 1 đã có một sự kiện bi kịch khá rõ ràng đó là việc một nhóm mạo hiểm gia rank thấp bị thất bại trước Goblin. Thế nhưng mình cho rằng sự kiện đó không có tính chấn động. Thứ nhất, thể hiện bởi nhân vật nữ tư tế, cô ta sau khi nhìn thấy bạn bè mình bị hãm hại một cách vô cùng tàn nhẫn bởi những con Goblin, đáng lẽ phải có sự tác động to lớn lên nội tâm, suy nghĩ và khiến cho cô này ít nhất mang một chút ám ảnh trong người. Thế nhưng ta không thấy rõ sự thay đổi gì nhiều trong nhân vật này từ tập 2 trở đi và mặc dù mang vai trò “nữ chính” trong bộ anime thì nhân vật này cũng chả được chú trọng đầu tư khai thác nội tâm, tính cách gì cả, dẫn đến mọi sự phát triển nhân vật đều là mờ nhạt. Thứ hai là đáng lẽ bộ anime nên khai thác nhiều hơn về nhân vật nữ chiến binh sau khi bị bọn Goblin hãm hiếp. Mình nghĩ đó sẽ là mạch truyện phụ hấp dẫn với một chủ đề đầy nghiêm túc và ý nghĩa về một cô gái làm sao có thể vượt qua một nỗi đau tinh thần to lớn như vậy. Thế nhưng, tất cả chúng ta có là gì? Nhân vật đó hoàn toàn bị bỏ qua ngay sau đó.

Rốt cuộc cảnh bi kịch trong ep 1 chủ yếu chỉ để gây sốc cho khán giả trong thời gian ngắn và thể hiện sự cool, ngẩu của nhân vật chính Goblin Slayer mà thôi. Những tác động của cảnh này hoàn toàn bị tiêu biến ngay từ tập sau trở đi và bộ anime lại trở về một bộ fantasy khá thông thường về một nhân vật chính bá đạo đi săn quái mà thôi.

3. Phải tạo nhân vật chân thực

Chuyện xây dựng nhân vật chân thực là một điều cần thiết với mọi tác phẩm, không phải chỉ có riêng thể loại dark fantasy. Đến đây chúng ta hãy so sánh nhân vật Guts và Goblin Slayer. Bởi vì cá nhân mình cũng phải thừa nhận rằng hai nhân vật này có một số điểm khá là giống nhau về tính cách: cả hai đều có quá khứ đầy bi kịch và vì thế sự giận dữ bùng cháy dữ dội trong tâm đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn và đồng thời khiến cả hai mất kiểm soát, trở thành những chiến binh đầy khát máu.

Thế nhưng điều khác biệt ở đây đó là nhân vật Guts chân thực và mang tính người hơn rất nhiều so với Goblin Slayer.

Ở Guts, mặc dù là một nhân vật có vẻ ngoài lạnh lùng, mạnh mẽ thế nhưng trong thâm tâm anh là một người rất thích quan tâm đến người khác. Sự thú vị trong tính cách của nhân vật này không nằm ở sự biểu đạt của bản thân anh mà phần lớn nằm ở những hành động và mối quan hệ giữa anh và những người xung quanh. Tác phẩm đã làm rất tốt việc cân bằng mối quan hệ giữa Guts và những người bạn trong nhóm của mình. Guts biết sức mạnh của sự cuồng nộ có tác động xấu đến mình và biến mình thành một con quái vật khát máu, thế nhưng vì để có sức mạnh để bảo vệ mọi người, anh ta đành phải sử dụng nó, vì thế anh ta phải dựa dẫm vào những người còn lại để đưa lý trí của mình trở lại. Ngược lại, chính những lời nói hành động đầy ấn tượng của Guts đã làm thay đổi người khác và khiến họ mến mộ anh. Trong arc Conviction, giữa lúc ngặt nghèo nhất, Guts đã nói một câu làm thay đổi hoàn toàn các nhân vật như Farnese: “Đừng có cầu nguyện! Khi cầu nguyện, hay ta của ngươi phải chắp lại, vì vậy ngươi không thể chiến đấu”. Điều này giúp cho cô ta hoàn toàn thay đổi, cô ta cần phải học cách thay vì cầu nguyện và đổ mọi thứ cho chúa trời thì hãy sống với tội lỗi của chính mình và tích cực rèn luyện bản thân để ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự trao đổi qua lại giữa Guts và các nhân vật khác trong nhóm của mình là thứ khiến cho nhân cách của anh được tỏa sáng.

Thế còn Goblin Slayer thì sau? So với quan hệ giữa Guts và nhóm của mình thì mối quan hệ của Goblin Slayer với những người xung quanh khá là mờ nhạt và thụ động. Các cô gái như nữ tư tế, nữ elf theo Goblin Slayer chỉ vì thấy anh này mạnh ngầu mà thôi. Theo kiểu auto có harem chỉ vì MC bá đạo. So với một Guts có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong thực sự rất quan tâm đến người khác thì GS dường như chẳng quan tâm đến ai, suốt ngày chỉ biết đến Goblin và Goblin. So với những sự xung đột nội tâm rõ ràng của Guts với thứ sức mạnh cuồng nộ mà anh có thì việc GS suốt ngày mặc một bộ giáp từ đầu tới chân không cho ta được nhìn thấy bất cứ biểu cảm nào cũng như nội tâm của cậu này. Điều này khiến cho nhân vật GS hoàn toàn giống như một kẻ xa lạ với thế giới của anh ta sống và với cả khán giả.

4. Đã “dark” thì phải “deep”

Well, dĩ nhiên yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất: đã dark thì phải deep. Sự thú vị của một bộ dark fantasy không phải chỉ có những cảnh máu me hãm hiếp xem cho “đã mắt” mà là việc tạo dựng một thế giới tàn bạo như vậy cho ta một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống và khiến chúng ta suy ngẫm nhiều hơn. Điều đó làm cho tác phẩm đáng nhớ và thú vị hơn hẵn một bộ xem chỉ vì “đã mắt” một thời gain ngắn rồi sau đó không ai quan tâm tâm nữa.

Trong Berserk - Golden Age arc không phải hay bởi vì nhìn thấy cảnh chém đầu nhau như rạ hay cảnh hãm hiếp mà là hay bởi vì được chứng kiến một câu chuyện đầy ý nghĩa và đa chiều về tình bạn, tình yêu và mối quan hệ giữa người với người xung đột với sự ích kỷ, sự tham vọng của mỗi cá nhân.

Trong Berserk - Conviction arc, không phải hay bởi vì cảnh Guts chẻ mấy con quái vật làm đôi ngầu vãi đái và cảnh hãm hiếp khắp mọi nơi mà là hay bởi vì ta được thấy sự đấu tranh dữ dội của ý chí cá nhân có thể vượt lên cả thứ được gọi là định mệnh, chúa trời theo đúng quan điểm của Nietzche.

Và cuối cùng trong Made in Abyss không phải hay vì được thấy cảnh trẻ em bị hành hạ, tra tấn mà là hay vì sau tất cả bao nhiêu chuyện trên, những đứa trẻ như Riko và Reg vẫn có thể gạt bỏ hết những thứ kinh khủng kia qua một bên và tiếp tục cuộc hành trình của mình với một nụ cười đầy hy vọng, thể hiện tinh thần hiện sinh sâu sắc.

Nếu như bộ GS có thể tạo ra những con goblin tốt bụng rồi cho GS giết chúng để tạo sự xung đột lý tưởng trong bản thân nhân vật thì hay biết mấy. Nhưng không, Goblin chỉ là mấy con quái 100% xấu xa và có hại, vậy thì tại sao chúng ta phải quan tâm nếu GS có giết chúng hết kia chứ.

Tóm lại Goblin Slayer là một nỗ lực xây dựng một bộ fantasy khác biệt với những bộ fantasy thông thường nhan nhãn trên thị trường hiện nay nhưng theo mình bị thất bại vì thiếu sự xây dựng thế giới, xây dựng nhân vật và tạo dựng chiều sâu.

Sau cùng thì việc 1 tác phẩm có hay hay không là do cách mà nó thể hiện chứ không phải chỉ vì ý tưởng có một chút khác bọt thì auto “siêu phẩm” được.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.
#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến