[THẢO LUẬN]- NHÂN VẬT PHẢN DIỆN , TA NHÌN NHẬN THẾ NÀO?

[THẢO LUẬN]- NHÂN VẬT PHẢN DIỆN , TA NHÌN NHẬN THẾ NÀO?



Nhân vật phản diện- ta có thể định nghĩa là người sẽ xuất hiện đối lập với nhân vật chính trong hầu hết các phim/ truyện để cản đường nhân vật chính. Và chính sự đấu đá giữa họ làm cho bộ phim có tiền đề để thể hiện những ý nghĩa, bài học muốn truyền tải. Tuy nhiên, cũng có trường hợp kẻ phản diện không phải người, mà là một... hiện tượng như bão gió, vỡ đê...

Vậy, khi một kẻ phản diện là người xấu, đã hãm hại biết bao người, thì ta nên nhìn nhận về nhân vật này như thế nào? Coi đó là một nhân vật tốt khi đã làm tròn bổn phận lôi kéo sự ghét bỏ, căm tức từ khán giả? Hay ta sẽ coi đó là một kẻ tồi tệ, đáng chết?
                                                          

Đầu tiên, trách nhiệm của nhân vật phản diện chắc chắn là cản đường nhân vật chính rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là kẻ phản diện phải là người xấu. Lấy ví dụ từ Anime Overlord (2 phần), mình muốn hỏi các bạn đâu là phản diện? Những người đang cố sống cuộc sống của họ hay Ainz- một sinh vật vô cảm bất chấp và đã giết, sẽ giết bất cứ ai mà amh muốn? Theo định nghĩa, chắc chắn Ainz không phải kẻ phản diện rồi, mặc dù anh cũng có “xấu xa” và “vô nhân tính” tùy quan điểm đấy chứ. Bạn thấy chưa? Chính vì vậy, suy nghĩ rằng vai trò của một kẻ phản diện như một chiếc túi chứa đầy sự ghét bỏ của khán giả là hoàn toàn sai. Vai trò của họ chỉ là cản nhân vật chính đạt được mục tiêu, hoặc trở thành mục tiêu để chúng ta có một màn đối đầu, từ đó mới đúc kết được những ý nghĩa mà phim/ truyện muốn truyền tải.

Thế còn về ý kiến “ghét bỏ nhân vật phản diện” thì sao?

Trong những năm gần đây, các kẻ phản diện đang ngày càng được phát triển (trừ khi bạn xem Hellboy (2019)). Có thể thấy rõ qua các nhân vật như Loki từ Nhà Marvel, Thanos cũng từ đó, hay Chúa tể Voldermont trong Harry Porter, Joker “huyền thoại” từ The Dark Knight (2008)... Thậm chí, các phản diện tốt cũng có từ ngày trước: Predator từ bộ phim cùng tên, Darth Vader từ các phần phim Stars War... Vậy, điểm chung của các phản diện này là gì? Đó là...

Không một ai ghét họ.

Uầy, câu trên chém vậy thôi, chứ đúng ra phải là “Rất ít ai ghét họ”, bỏ qua vấn đề này, vậy tại sao những nhân vật kể trên, dù đã giết không biết bao mạng người, nhưng lại có lượng Fan còn đông đảo hơn cả nhân vật chính? Vậy đâu là điểm chung giữa họ?

Liệu đó có phải do...

-MỘT ĐỘ NGẦU NHẤT ĐỊNH?

Không thể phủ nhận tạo hình của các kẻ phản diện tốt mà mình vừa kể trên đều rất tuyệt theo các riêng của nó. Predator với những chiếc mặt nạ Biomask có thể khiến rất nhiều Siêu anh hùng ngoài kia xấu hổ vì chiếc mặt nạ của mình, Loki với vẻ soái ca cùng thần thái thì hút hồn bao cô gái. Thanos dù có đôi chút “mất cân đối”, nhưng với bộ giáp hoàng kim kèm theo chiếc Găng Tay Vô Cực là hình mẫu phản diện biết bao kẻ thèm. Hay như Darth Vader, đen từ đầu đến đuôi, bonus thêm quả Gươm ánh sáng Đỏ đặc trưng cùng phong cách “bá đạo” với đám hạ cấp. Tuy nhiên, vấn đề có phải ở đây? Ờm, các phản diện thành công ngầu thật đấy, nhưng không phải cứ ngầu là thành công. Joker đến từ bộ phim Suicide Squad (2016) ngầu theo cách riêng chẳng kém gì Joker “huyền thoại” từ The Dark Knight (2008), nhưng tại sao một bên được chê hết lời còn một bên được khen hết mình? Predator các phần sau ngày càng được xây dựng đẹp hơn, hoang dã hơn nhưng vẫn luôn đứng sau những phần đầu? Venom của năm 2018 sẽ chẳng ấn tượng bằng phiên bản “nhỏ nhắn” từ Spider man 3. Vậy rõ ràng, đó không phải ở ngoại hình có ngầu hay không.

-SỨC MẠNH BÁ ĐẠO?

Hợp lý nhỉ? Voldermort bá đạo mà ai cũng sợ. Thanos to khỏe hành các Avenger như vui chơi. Predator săn người như săn thú. Darth Vader giơ tay lên là có đứa bị bóp cổ chết. Ồ, vậy hẳn đây là lý do rồi? Không. Joker (2008) có mạnh không, khi mà đấu tay đôi với Batman vẫn dễ dàng thua cuộc vì hắn chỉ là người thường? Dr. Oc từ phần Spider man 2 có mạnh không, khi ông chỉ là người thường, mù quáng đập nhau với Nhện để rồi ăn cả rổ hành? Killmonger từ Phim Black Panther có thể mạnh, nhưng vẫn sẽ thua nhân vật chính, sức mạnh ấy cũng chỉ bình thường chứ chẳng phải bá đạo. Golum từ The Lord of Rings còn... yếu hơn nữa, khi mà hắn chỉ là một kẻ nhỏ bé mà thôi. Vậy rõ ràng, sức mạnh không phải là yếu tố dẫn đến thành công.

-ĐẦU ÓC KHÔN NGOAN?

Cái này thì sao? Đầu óc khôn ngoan chắc sẽ hơn hẳn dăm ba cái cơ bắp kia nhỉ? Thanos cũng là thiên tài đấy thôi, Loki khôn ngoan xảo quyệt khỏi bàn rồi. Joker với những câu nói đầy ẩn ý và triết lý cũng như sự điên loạn của hắn cũng là một dạng thông minh đấy chứ. Đầu óc khôn ngoan quả nhiên là đối thủ nặng ký cho câu trả lời mà ta tìm kiếm: tại sao các nhân vật phản diện này lại không bị ghét. Có thể thấy, các nhân vật phản diện “đi cùng năm tháng” kia đều có trí thông minh trên trung bình cả. Tuy nhiên, hãy nhìn về những kẻ phản diện khác, những kẻ “không phải người” . Ví dụ như trong Life of Pi, phản diện chính là những khó khăn cậu phải đối mặt khi đi biển, liệu những sự kiện đó có trí khôn? Trong những phim về ngày tận thế, liệu ngày tận thế có trí khôn? Trong những phim về thảm họa Cá mập hay cá sấu, cái motif sẽ có một con thủy quái hay trăn, liệu những sinh vật ấy có trí khôn? Chính vì vậy, không phải đầu óc khôn ngoan rồi.

-QUÁ KHỨ ĐEN TỐI?

Cái này nghe hay này. Quá khứ đen tối chính là động lực thúc đẩy kẻ phản diện đối nghịch với nhân vật chính. Rất nhiều kẻ phản diện có một quá khứ tồi tệ mà ta có thể cảm thông, thấu hiểu và để lại ảnh hưởng lên nhân vật của chúng ta. Tuy nhiên, không ít những nhân vật phản diện được xây dựng với một quá khứ chẳng vui vẻ, nhưng ảnh hưởng lên họ lại rất hời hợt, vô tình biến quá khứ ấy không khác gì một “chiêu trò” để câu nước mắt nước mũi từ khán giả, chứ chẳng phải góp phần xây dựng đáng kể gì. Lấy một ví dụ hơi... ngứa tai cho các bạn nhé: mấy con quỷ trong Kimetsu no Yaiba ấy, quá khứ được xây dựng khá là... hời hợt. Mặc dù quá khứ ấy rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến hành động và tính cách của chúng và ảnh hưởng rất logic đấy, tuy nhiên, việc show cho ta một cuộc đời không mấy hạnh phúc của con quỷ trong 1 chap ngắn ngủi và không có bất kì dấu hiệu nào từ trước, khiến mạch cảm xúc bị đổi một cách hơi gượng gập và rập khuôn (cứ một quỷ chết= một chap hồi tưởng), đồng thời các tương tác thể hiện điều đó vốn đã ít, vô tình khiến ít nhiều người xem khó chịu. Còn đối với các nhân vật có quá khứ tệ được xây dựng tốt thì sao? Thanos có quá khứ đấy, ta không được thấy nhưng ta được nghe kể, đồng thời tất cả hành động cũng như sự đặc biệt từ đó đều chịu ảnh hưởng lớn. Loki cũng có vấn đề riêng của mình, và điều này là động lực cho anh thành kẻ phản diện, tất cả những gì anh làm đều từ đó mà ra cả. Darth Vader cũng vậy, vô số nhân vật khác thành công đều vậy. Chính quá khứ ấy lấy được sự đồng cảm từ người đọc cũng như khiến ta thấu hiểu cho hành động của họ. Tuy nhiên, chẳng khó để nhận ra, Predator chẳng hề có một quá khứ... IT- chú hề Pennywise thì quá khứ còn... huy hoàng nữa cơ. Thế nên, rõ ràng, cũng không phải là nhờ một quá khứ.

-VẬY? NHỜ ĐÂU CÁC PHẢN DIỆN LẤY ĐƯỢC THIỆN CẢM?

Đó chính là nhờ...

Bạn.

Chính bạn, bạn là người xem, bạn có quyền quyết định, mình thích ai, ghét ai, nhìn nhận ai thế nào. Chính người xem bị ấn tượng bởi những yếu tố trên và xóa nhòa đi motif về một phản diện đáng để ta yêu thích. Vì vậy, ghét bỏ ai, thích ai, tất cả là ở bạn, đừng lệ thuộc vào người khác cũng như các chuẩn mực đạo đức xã hội đặt ra, họ là phản diện, họ là ảo mà, sao lại bị bó buộc được chứ?

#Cáo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến