CHỦ NGHĨA HIỆN SINH (EXISTENTIALISM) TRONG COWBOY BEBOP

(Spoilers)
Cowboy Bebop, một bộ anime đã khá quen thuộc, đặc biệt được cộng đồng fan anime phương tây rất yêu thích và tôn lên hàng classic. Chắc mình sẽ không cần giới thiệu gì nhiều về bộ anime này rồi. Cowboy Bebop không những được cộng đồng yêu mến mà còn được nhiều nhà phê bình đánh giá cao vì những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của nó. Nếu mà muốn phân tích về Cowboy Bebop thì phải nói có khá nhiều khía cạnh để phân tích. Ví dụ như: việc xây dựng thế giới (world building) đầy màu sắc và pha trộn giữa các nền văn hóa khác nhau, việc sử dụng âm nhạc như là một công cụ để truyền tải nội dung, chủ đề bộ phim, nghệ thuật visual storytelling, thuyết siêu hình (metaphysics) liên quan đến các câu hỏi lớn mà khoa học không thể giải thích ví dụ như linh hồn có tồn tại, thế giới mà chúng ta đang sống là có thực hay không,... Điều này là do bộ anime có cốt truyện theo từng tập góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về nội dung và phong cách nghệ thuật.
Tuy nhiên hôm nay mình chỉ muốn phân tích về thuyết hiện sinh, một lý thuyết bao trùm phần lớn nội dung của toàn bộ tác phẩm.
Thuyết hiện sinh (Existentialism)
Chủ nghĩa hiện sinh bắt nguồn từ thế kỷ 19 với các nhà triết học Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche đặt nền móng và phát triển mạnh vào thế kỷ 20. Có nhiều loại chủ nghĩa hiện sinh với nhiều nhà triết học khác nhau, nhưng đại diện nổi bật nhất phải kể đến đó là nhà văn Pháp - Jean Paul Sartre.
Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể con người — không chỉ là chủ thể tư duy, mà là cá thể sống, cảm xúc, và hoạt động. Chủ nghĩa này đề cao con người hơn cả các quy tắc, chân lý của khoa học. Thuyết hiện sinh có tính phi lý, và nhân bản (đề cao con người và đặt con người làm trung tâm) nên thường được sử dụng nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Một số đặc điểm của thuyết hiện sinh theo J.P Sartre:
+ Chủ nghĩa hiện sinh đề cao sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân và việc nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính cá nhân.
+ Con người phải luôn đối mặt với cái chết cũng như con người từ hư vô đến với hư vô như một đường hầm không lối thoát.
+ Cuộc sống luôn đầy bi kịch, sự phi lý và hư vô, điều đó khiến cho con người cảm thấy lo âu, sợ hãi, cô đơn, thế nhưng chúng ta không được tuyệt vọng, cần phải thẳng thắng đối mặt với những điều phi lý và tự tìm lấy niềm vui nhỏ nhặt trong một cuộc sống vô nghĩa.
+ Con người có quyền tự do tuyệt đối, thế nhưng gắn liền sự tự do là trách nhiệm và gánh nặng mà mỗi chúng ta phải mang cho riêng mình và không thể chia sẻ với ai khác.
+ Đời sống của con người là một sự tồn tại ngẫu nhiên, không có mục đích và giá trị. Thế nhưng chúng ta phải chấp nhận điều đó và tự tạo cho mình một mục tiêu sống, để làm sao sống hết mình, chân thật với bản thân – đi tìm ý nghĩa trong hư không.
+ Thoạt nhìn thuyết hiện sinh khá giống với thuyết hư vô (Nihilism) vì cả hai đều cho rằng cuộc sống là vô nghĩa và không có giá trị, thế nhưng thuyết hiện sinh lại nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực thay vì tiêu cực như thuyết hư vô.
Sau đây là một số chi tiết trong Cowboy Bebop đã sử dụng tốt thuyết hiện sinh:
- Quá khứ đau buồn, tương lai vô định
Cả bốn thành viên trên con tàu cũ kỹ Bebop: Spike, Jet, Faye, Ed đều có những đặc điểm về tính cách và quan điểm sống khác nhau. Thế nhưng nếu nói về điểm chung nhất của cả bốn người thì đó chính là quá khứ đau buồn.
Quá khứ của Spike được đề cập ngay từ đầu tập 1 nhưng lại chỉ là tập hợp của những phân cảnh flashback trắng đen, như những thước phim củ kỹ. Cho dù các tập sau này có tiết lộ thêm nhiều chi tiết nữa, thì ký ức của Spike giống như những mảnh thủy tinh đã vỡ, cho dù có tập hợp lại cũng không thể nào hoàn thành như một bức tranh hoàn thiện chi tiết. Thế nhưng nó cũng đã đủ tính chất khơi gợi khiến chung ta cảm nhận rằng cậu ta có một quá khứ buồn và bị phản bội. Bốn con người không thân thuộc bị người thân yêu bỏ rơi, phản bội, không còn gia đình, người thân, họ đã tập hợp trên một con tàu để làm vơi đi nỗi cô đơn, chán chường của mình. Cái quá khứ không được hoàn thành đó đã đè nặng lên tâm trí của Spike, Jet, Faye mỗi ngày đến nỗi khiến cho họ mất đi mục đích để sống, không thể đối mặt với thực tại và hướng đến tương lai phía trước. Trên con tàu đó, những số phận lạc loài lang thang vô định trong vũ trụ rộng lớn, nỗ lực tìm kiếm một lý do cho cuộc sống của mình.
Trong cái thế giới đầy hoản loạn và bạo lực của Cowboy Bebop, mạng sống của con người cứ như một thứ bọt biển tan biến nhanh chóng. Cho dù các nhân vật có cố gắng thực hiện kế hoạch, mục tiêu, lý tưởng của mình trong một thời gian lâu dài, tất cả cũng sẽ chỉ biến mất trong giây lát chỉ với một phát súng. Nỗi lo lắng về bi kịch, cái chết vô nghĩa sẽ đến bất cứ lúc nào và quá khứ như là một gánh nặng lớn về mặt tinh thần đang mỗi ngày tác động đến từng nhân vật khiến họ cảm thấy tuyệt vọng, cô đơn.
Chính vì con người bị (được) sinh ra để đi đến cõi chết và trong cuộc hành trình về với hư vô lại quá trĩu nặng trách nhiệm cũng như sợ hãi nên cuộc đời thật phi lý biết bao. Phải, cái thế giới của Cowboy Bebop là một thế giới đầy sự nghịch lý, bất ổn.
Vậy theo chủ nghĩa hiện sinh chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không được tuyệt vọng, phải dũng cảm chấp nhận sự vô lý ấy và tự đón nhận lấy trách nhiệm của chính mình.
- You’re gonna to carry that weight
Một đặc điểm khá thú vị về bốn nhân vật chính của Cowboy Bebop đó là sự thiếu liên kết giữa họ. Cho dù có những lời khuyên nhủ và sự lo lắng, giúp đỡ giành cho nhau, người này cũng khó can thiệp sâu đến người kia.
Thể hiện rõ nhất đó là tính cách của Spike lúc nào cũng có vẻ bất cần đời, thích nhảy vào chỗ nguy hiểm. Tuy Jet thường xuyên lo lắng cho Spike, thế nhưng ông không thể cản anh đi giải quyết chuyện của mình, mặc dù biết cậu rằng cậu ta có thể một đi không trở lại. Tương tự với Jet và Faye, những chuyện liên quan đến quá khứ của họ, chính họ phải tự đi xử lý. Bởi vì cái gánh nặng mà mỗi người đang mang, chỉ có họ mới có thể giải quyết, không thể san sẻ với người khác, đó chính là cái trách nhiệm – cái để đánh đổi lấy sự tự do quyết định cuộc đời của mỗi con người. Ở đây vai trò và sự tự do của mỗi cá nhân được đề cao, đúng với đặc điểm của thuyết hiện sinh.
Đối với câu chuyện của các nhân vật phụ cũng vậy, các nhân vật chính có thể tác động đến cuộc đời của họ, thế nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi. Định mệnh đã an bài thì họ khó mà thoát được, vì thế họ cần phải chấp nhận nó.
Trong khi các nhân vật chính, họ có thể đồng cảm hay thương tiếc cho nhân vật phụ trong chốc lát thế nhưng họ không thể chia bớt một phần gánh nặng được. Bởi vì chính bản thân họ cũng đang bị quá khứ đè nén hằng ngày. Sau mỗi tập phim, Spike và các thành viên còn lại tiếp tục những chuỗi hoạt động hằng ngày của mình và các con tàu Bebop lại tiếp tục cuộc hành trình vô định, bỏ lại đằng sau mọi sự trống rỗng, nuối tiếc.
- “Tôi không đến đó để chết. Tôi đến đó để tìm ra rằng tôi thực sự đang sống hay không”
Chủ nghĩa hiện sinh đề cao việc đánh giá cuộc sống theo quan điểm cá nhân được thể hiện ở việc Spike liên tục cho rằng mình là một kẻ đang mơ hay đã chết. “Tôi nghĩ tôi đang mơ một giấc mơ mà tôi không bao giờ có thể tỉnh dậy được. Nhưng chưa kịp nhận ra thì giấc mơ ấy đã kết thúc.” Cái giấc mơ đó chính là do sự ràng buộc của quá khứ đã khiến cậu xem cuộc sống hiện tại chỉ là mơ: mờ nhạt và vô nghĩa. Có thể nói chính cái quá khứ và người phụ nữ tên Julia đã cướp mất đi mục tiêu sống của cậu. Vì thế, ở tập cuối, Spike không phải đi đến chỗ chết mà là để tỉnh dậy khỏi cái giấc mơ đó hay nói đúng hơn là thẳng thắng đối diện với quá khứ.
Cho dù chúng ta có trốn chạy quá khứ đến khi nào đi chăng nữa, thì đến một ngày, nó cũng sẽ được gợi nhắc lại. Bởi vì quá khứ là một trong những gánh nặng trách nhiệm mà chúng ta phải mang theo suốt đời mình. Có thừa nhận và dám đương đầu với quá khứ thì chúng ta mới có thể sống chân thực với hiện tại và nghĩ về tương lai. Như nhà triết học S.Kierkegaard đã từng phát biểu “Lùi lại để hiểu, tiến lên để sống!” – một câu nói thấm nhuần tư tưởng của thuyết hiện sinh.
- “Điều gì đến, sẽ đến”
Đến đây, chúng ta sẽ xét đến mặt khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa hiện sinh với thuyết hư vô, đó là tính tích cực của nó.
Điều này thể hiện rõ ở việc Spike tận hưởng cái nghề thợ săn tiền hưởng tạm bợ của mình cũng như thời gian sống cùng với các thành viên khác trên con tàu Bebop. Cho dù họ sẽ cuối cùng đường ai nấy đi và cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Thế nhưng, có thể nói, tất cả mọi người đều trân trọng những giây phút gắn kết với nhau.
Cũng như cái kết “Bang” của bộ phim. Đối với chúng ta, khán giả, đây là một cái kết buồn. Thế nhưng đối với Spike, anh đã có một cuộc sống đầy mãn nguyện, không hối tiếc. Điều này thể hiện ở gương mặt thanh thản và cái mỉm cười ở cuối bộ phim.
Tìm lấy niềm vui trong cuộc sống đầy khổ đau.
Tìm lấy ý nghĩa trong cuộc sống đầy vô nghĩa.
Đó chính là Cowboy Bebop.
SEE YOU SPACE COWBOY...
P/s:
- Nếu mà ngẫm nghĩ lại thì cái chủ nghĩa hiện sinh này rất phổ biến trong anime và không hề xa lạ. Ví dụ như bộ Kino’s Journey mà mình mới xem xong, rất là đậm chất hiện sinh, rồi mấy bộ của Gen Urobuchi nữa, ngoài ra mấy bộ Mushishi hay Homunculus cũng có nét hiện sinh trong đó,... Nếu mà bỏ thời gian ra tìm hiểu thì thấy rằng chủ đề hiện sinh là khá thú vị.
- Tài liệu tham khảo cho bạn nào cần:
+ Sartre và văn học
Một bài viết rất dài, nhưng rất đầy đủ và chi tiết về chủ nghĩa hiện sinh của Sartre. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu chuyên sâu thì hãy tìm đọc. Mình thì chỉ đọc được đoạn đầu mà thôi.
+ Video: Cowboy Bebop – The Meaning of Nothing
Như thường lệ, cảm ơn bạn nào đã đọc hết bài phân tích của mình.❤️❤️❤️

Nhận xét

Bài đăng phổ biến