REVIEW ANIME: Kaze ga Tsuyoku Fuiteiru - CHẠY CÙNG CƠN GIÓ !!!

☆22](DVD) Run with the Wind (Kaze ga Tsuyoku Fuiteiru) TV Series ...
* SƠ LƯỢC
- Tên tiếng Anh: Run with the Wind
- Số tập: 23
- Thể loại: Comedy, Sports, Drama
- Thời gian phát sóng: Mùa thu 2018
- Studios: Production I.G
- Điểm trên MAL: 8.49, ranked: #98
* TÓM TẮT:
Run with the wind xoay quanh Kurahara Kakeru - 1 sinh viên năm nhất đại học, 1 cựu ace runner của cao trung Sendai Josei. Một đêm nọ, khi cậu ăn trộm đồ từ cửa hàng tiện lợi, cậu bị rượt theo bởi một người đạp xe lạ mặt - Haiji Kiyose. Tuy nhiên Haiji lại không chạy theo để bắt cậu, lạ lùng thay anh ta chỉ hỏi: “Cậu thích chạy à ?”, “Cậu có thích chạy không ?”. Sau đó Haiji thuyết phục Kakeru dọn về ở Chikusei-sou - 1 nhà trọ xập xệ trong khu ký túc xá của trường đại học với giá cực hời. Mất hết tiền cọc nhà sau khi thua mạt chược nên Kakeru miễn cưỡng ở lại đây cùng Haiji và 8 người khác. Cơ mà thời buổi này làm gì có nhà trọ nào mà chỉ tốn có 30.000 yên tiền trọ cộng thêm được phục vụ cả bữa sáng và tối chứ :v đúng thế Chikusei-sou chính là trại huấn luyện cho CLB điền kinh trường đại học Kansei, dọn vào đây ở đồng nghĩa với việc tham gia CLB và BÙM Kakeru cùng 8 người khác giờ đây bị buộc phải trở thành thành viên của CLB điền kinh Kansei. Nhưng mục tiêu của Haiji đặt ra lại không hề đơn giản nếu không nói là có chút vớ vẩn dành cho CLB điền kinh mới thành lập này: Chinh phục Hakone Ekiden - 1 trong những cuộc thi chạy marathon dành cho các trường đại học TRONG VÒNG VÀI THÁNG. Một đội hình gồm toàn tay mơ trong làng chạy, ngoại trừ Kakeru và Haiji hay thậm chí có những người còn không mảy may quan tâm đến cái ước mơ viển vông của Haiji, liệu anh cùng với những thành viên trong CLB điền kinh có thể làm nên kỳ tích chinh phục được đỉnh Hakone Ekiden không ? Xem phim để biết nhé :v

I. CỐT TRUYỆN
Nhìn chung Run with the wind cũng có nội dung tương tự như những bộ anime thể thao khác, ở đây tình huống đặt ra không hề dễ dàng chút nào: một đội hình chỉ gồm toàn những tay mơ không biết gì về chạy, những con người còn bận quan tâm đến những thứ khác trong cuộc sống liệu có thực sự toàn tâm toàn ý để luyện tập hay không. Bằng cách đặt những nhân vật vào tình thế khó nhằn này mà ta thấy được sự phát triển của cả 10 thành viên của câu lạc bộ. Cứ mỗi sau mỗi tập phim ta đều thấy sự thay đổi, chuyển biến dần dần trong từng khía cạnh của các nhân vật. Tuy là một bộ về thể thao nhưng trong RwtW ta thấy số lượng cảnh sinh hoạt thường nhật của các thành viên trong CLB chiếm đa số thời lượng phim, từ những cuộc đối thoại lúc ăn sáng hay lúc ở trường, thậm chí trong nhà tắm công cộng,…chính những cảnh đó đã góp phần vào sự phát triển của nhân vật. Phim không chỉ đơn thuần kể về việc 10 thành viên trong CLB tập chạy như thế nào mà trong phim các nhân vật đều phải đối mặt với những vấn đề riêng của mình và thông qua việc bị ép buộc phải tham gia Hakone Ekiden họ đã xây dựng một mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Các nhân vật có cách tiếp cận rất đa dạng về những vấn đề của họ: Kakeru thì bị khóa khứ đè nặng, nỗi ám ảnh về việc chạy một mình vẫn luôn luẩn quẩn trong cậu; Sakaguchi thì gặp vấn đề việc làm, Akane người mà chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống ĐH bình thường cùng với những tầng manga chất đống của cậu; Hirata là người đã từng chạy điền kinh khi còn học cao trung nhưng lại từ bỏ nó vì huấn luyện viên bảo anh không phù hợp để chạy,…Có thể thấy những vấn đề mà các nhân vật phải đối mặt rất đa dạng và thực tế dễ khiến cho sự phát triển của họ trong phim cũng vô cùng logic và không kém phần thú vị.
Sự kịch tính trong phim có thể được chia làm hai: nửa đầu và nửa sau. Ở nửa đầu phim thì sự kịch tính hay có thể xem như là drama thường xoay quanh các nhân vật cùng với những vấn đề của họ và mâu thuẫn với các nhân vật khác. Nó được thể hiện qua nhiều cách như sự bất hợp tác, tự cách cô lập bản thân hay thái độ của các nhân vật thể hiện qua những bữa ăn với không khí nặng nề,… thông qua đó các nhân vật tạo ra những mâu thuẫn với nhau để từ đó hình thành những nút thắt trong phim. Bên cạnh đó, phim còn đưa ra một nhân vật có thể coi như là “phản diện” đó là Sasaki - người luôn kích cầu tạo ra những xung đột trong nội bộ của CLB điền kinh Kansei, đặc biệt là Kakeru - người luôn bị Sasaki nhắm tới. Sau cùng thì những vấn đề đó được giải quyết bằng nhiều hình thức khác nhau và luôn để lại cho người xem sự nhẹ nhõm. Ở nửa sau của phim thì sự kích tính và hấp dẫn lại chính là CHẠY. Tất nhiên ở khoảng 13 tập đầu phim chúng ta vẫn cảm nhận được sự căng thẳng và tính quyết định của việc chạy, tuy nhiên ở nửa sau CHẠY mới thực sự trở thành trung tâm và là điểm nhấn của bộ phim. Nửa sau của phim đem lại cho người xem cảm giác đúng nghĩa của một bộ anime thể thao, mặc dù chạy không phải là một môn thể thao đối kháng đồng đội như bóng rổ hay bóng đá nhưng trong phim sự kịch tính, kịch liệt của đường đua đã được thể hiện rất tốt và chân thực khiến người xem phải nổi da gà khi dõi theo đường chạy của các nhân vật để rồi sung sướng theo chính những nhân vật đó.
Bên cạnh sự kịch tính thì phim vẫn có những phút giây vô cùng nhẹ nhàng và hài hước. Những tình huống hài hước được đưa vào phim chú yếu đến từ 2 anh em sinh đôi Tarou và Jirou, chúng được đưa vào khá hợp lý và không hề gây lố cho phim. Yếu tố romance thì không có nhiều, có lẽ vì trong dàn nhân vật chỉ có Hana là nhân vật nữ duy nhất xuất hiện nhiều, tuy nhiên sự ảnh hưởng của cô lên dàn nhân vật cũng khá đáng kể, đặc biệt được thể hiện ở chặng chạy của Tarou và Jirou.
Nhịp phim không quá nhanh, cũng không quá chậm và giữ ổn định trong suốt bộ phim. Những cảnh nhẹ nhàng tốc độ chậm, những cảnh kịch tính đẩy lên cao trào đều được kết hợp hài hòa khiến cho người xem không bị chán khi xem.

II. NHÂN VẬT
Dàn nhân vật trong RwtW được xây dựng khá tốt và phát triển đầy đủ từ đầu cho đến cuối. 2 nhân vật chính chiếm nhiều thời gian nhất phim là Kakeru và Haiji, tuy nhiên những nhân vật còn lại vẫn luôn có spotlight cho riêng mình và đóng góp một phần không nhỏ vào chủ đề của phim. Mỗi nhân vật đều có ngoại hình và tính cách riêng cực kỳ nổi bật, không thể nhầm lẫn giữa bất kỳ ai với ai bởi họ là chính họ: Một Haiji luôn tươi cười, điềm đạm và giàu ước mơ, một Kakeru trầm tính nhưng rất tình cảm, một Akane nom chán đời nhưng rất dịu dàng và đầy nghị lực, một Sasaki với cái lưỡi độc luôn khiến ta muốn bay vào tặng cho một phát đấm vào mặt …Tất cả nhân vật đều để lại cho người xem ấn tượng vô cùng sâu đậm.
Các nhân vật đều được phát triển phải nói là tương đối toàn diện trong xuyên suốt bộ phim, từ xuất phát điểm ban đầu đều không quan tâm đến thứ “dốc nhất thế giới” mà Haiji luôn mồm nhắc đến để rồi họ dần dần chạy trên đôi chân của họ bằng cả ý chí và con tim. Nếu như lúc đầu chỉ có Haiji hô to câu khẩu hiệu thì đến cuối phim tất cả những thành viên trong CLB điền kinh đều cùng đồng thanh hô to…”Đỉnh Hakone là…DỐC NHẤT THẾ GIỚI!!!”. Mỗi nhân vật đều thay đổi và trưởng thành hơn qua mỗi tập phim và trong phần truyện của họ, mỗi người đều được xây dựng một sự phát triển xuyên suốt từ đầu cho đến giây phút họ chạy chặng cuối cùng của bản thân ở Hakone Ekiden.
Một điều đáng chú ý khác chính là sự liên kết khăng khít giữa các nhân vật. Họ tác động lẫn nhau, người này ảnh hưởng lên người kia, để rồi tạo ra một sự kết nối vô hình gắn kết cả 10 con người đó lại với nhau. Khoảnh khắc Kakeru - 1 người chỉ biết chạy một mình về phía trước đã giảm tốc độ bằng với người chạy chậm nhất đội là Akane để động viên: “Tiến về phía trước ! Tiến về phía trước!!!” và tiếng thét sung sướng của Akane sau khi hoàn thành chặng đua mặc cho kết quả có phần thê thảm của mình đã minh chứng cho điều đó
Các nhân vật trong RwtW đều được xây dựng vô cùng chân thật từ đó khiến chúng ta dễ đồng cảm và thấu hiểu hơn. Ví dụ như Haiji, một nhân vật theo tôi đánh giá lúc đầu là có phần hơi một chiều khi anh cứ mãi trưng ra cái bộ mặt tươi cười thánh thiện của mình, tuy nhiên càng về sau ta hiểu rõ động cơ của anh khi sẵn sàng đánh cược tham gia Hakone Ekiden với đội hình cà tàng của mình. Hay là nhân vật Takashi - một người vì tham gia vào CLB điền kinh mà đã không thể quản lý tốt được thời gian của mình để rồi chính điền kinh làm xáo trộn cuộc sống của anh. …”Liệu họ có chạy một cách hời hợt ?” Không hề, nếu xem chặng chạy cuối cùng của Takashi tôi dám chắc sẽ chẳng ai nói anh như vậy cả. Cảnh Takashi chạy giữa trời tuyết là một trong số những cảnh mà tôi khó thể nào quên được.
Nói về chiều sâu nhân vật thì có lẽ hầu hết các nhân vật đều có chiều sâu khá tốt, tốt nhất có lẽ là Kakeru. Một cậu học sinh cao trung phải chứng kiến cảnh HLV ép những học sinh chạy đến sức cùng lực kiệt, một người vì không thể kiềm chế mà đánh HLV của mình để rồi trên đường đua chỉ còn lại cậu, cô độc, không ai ở bên cả. Tuy nhiên bằng việc bị ép tham gia CLB điền kinh cậu đã dần thay đổi, cậu đã mở lòng hơn và nhận ra cậu không còn chạy một mình nữa, dù cậu có nhanh bao nhiêu vẫn có người ở phía sau cậu.
Lời thoại của nhân vật theo quan điểm cá nhân thì tôi thấy nó khá hợp ngữ cảnh, tự nhiên và không bị quá lố, những lời thoại xuyên suốt trong bộ phim mà vẫn mắc kẹt trong đầu tôi đến bây giờ là: “Em muốn chạy, em muốn chạy ở Hakone với đội này” và tất nhiên không thể không nhắc tới “Đỉnh Hakone là…DỐC NHẤT THẾ GIỚI!!!!” (^ ^)/

III. HÌNH ẢNH VÀ ÂM THANH
1. Hình ảnh: Chủ quan thì tôi thấy art bộ này khá đẹp, mỗi nhân vật đều có tạo hình riêng biệt và chuyển động chạy của nhân vật khá tốt, ai cũng đều có một dáng chạy riêng, không lẫn với ai được. Đặc biệt là cảnh chạy của Haiji ở cuối phim. Đó là cảnh yêu thích nhất của tôi trong cả bộ phim.
2. Âm thanh
+ Background music của phim thì khá đa dạng và nhìn chung là được bố trí thích hợp cho các cảnh trong phim.
RwtW là một bộ mà tôi xem thực chất là vì bài nhạc của nó :v bản main theme “We must go” của bộ phim đã kẹt trong đầu tôi ngay phút đầu tiên tôi nghe nó và nhờ đó mà tôi xem được bộ anime này :v
+ 2 bản Opening của phim theo tôi đánh giá là không hay bằng 2 bản Ending của phim.
+ Về mặt âm thanh thì lồng tiếng cho các nhân vật thực sự rất tốt, tiếng thở hổn hển, tiếng thét của các nhân trong khi chạy cộng thêm tiếng gió rít qua được điều chỉnh khá hợp lý.
(Tôi không rành về lĩnh vực hình ảnh với âm thanh lắm :v nên viết hơi hời hợt)

*TỔNG KẾT:
Run with the Wind là một bộ anime cực kỳ truyền cảm hứng, nó đem lại cho người xem nhiều cảm xúc khi dõi theo hành trình của CLB điền kinh Kansei. Với chỉ 23 tập phim vừa đủ để truyền tải cho người xem thông điệp về ý chí, quyết tâm của con người cùng với vẻ đẹp của mối liên kết giữa con người với con người theo cách mà tôi đánh giá là không hề sáo rỗng một chút nào. Vậy khi xem xong bộ phim có bao nhiêu người sẵn sàng xỏ giày vào và chạy nào ?
P/s: Nếu bạn đọc đến đây rồi thì...Yo, tui là #Sun ad mới của page, rất vui được làm quen mọi người và cảm ơn đã đọc bài review của tôi. Adios!! (^^)/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến