[MANGA REVIEW] PHÂN TÍCH 2 ARC ĐẦU CỦA PHOENIX. BÀN VỀ DANH HIỆU “GOD OF MANGA” CỦA OSAMU TEZUKA.



I. ARC DAWN VÀ FUTURE CỦA PHOENIX

Hi no tori hay Phoenix là một tác phẩm mà mình nghĩ rằng mỗi bạn fan anime-manga đều nên đọc. Không phải chỉ vì những giá trị to lớn của bộ truyện này, mà còn là vì sự tri ân, tìm hiểu về tượng đài lớn nhất của cả ngành công nghiệp anime – manga: Osamu Tezuka, thông qua kiệt tác mà chính ông đã tự hào miêu tả như là “tác phẩm của cuộc đời mình”.



Được sáng tác dai dẳng trong hơn mấy chục năm trời, Phoenix chắc chắn không phải là một tác phẩm tầm thường, mà trong đó là sự chứa đựng những gì tinh túy nhất của những ý tưởng, giá trị nội dung, nghệ thuật của tác giả trong xuyên suốt quãng đời nghệ thuật sáng tác của mình.



Trong bài viết này mình là #Athes, xin được trình bày sự thán phục, ngưỡng mộ trước những ý tưởng tuyệt vời của kiệt tác này. Với tư cách là một người mới lần đầu được tiếp cận với thế giới truyện tranh đầy rộng lớn của Osamu Tezuka. Sau đó, chúng ta hãy cùng một lần nữa xem lại, vì sao Osamu Tezuka lại được đề cao đến như vậy, vì sao lại được cộng đồng dành tặng những danh hiệu đầy cao quý? Sau khi trải nghiệm 2 vol đầu của Phoenix, mình đã rút ra những kết luận riêng của bản thân về vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.



Còn bây giờ thì đến với vấn đề chính luôn nào! (Dĩ nhiên sẽ có spoilers như thường lệ)



1. Dawn



Arc đầu tiên của bộ truyện Phoenix có tên là Dawn và đặt ở mốc thời gian sớm nhất trong tác phẩm - ở thời kỳ sơ khai mới hình thành của nước Nhật.



Thoạt đầu khi mới đoc arc này chúng ta được giới thiệu một câu chuyện dã sử khá là cơ bản kể về sự phản bội, chiến tranh và tham vọng được bất tử của nhân vật nữ vương Himiko. Thế nhưng khi đến chi tiết nữ vương Himiko trốn trong hang khi hiện tượng nhật thực xảy ra, thì mình đã phải dừng lại, mình chợt nhớ trong các mẫu chuyện của thần đạo Nhật Bản cũng có cảnh tương tự về việc nữ thần mặt trời Amaterasu trốn trong hang gây ra hiện tượng Nhật thực. Chẳng lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên ở đây? Càng đọc về sau arc này, mình mới phát hiện một điều. Câu chuyện của arc Dawn không đơn giản như chúng ta tưởng, chỉ là một câu chuyện về chiến tranh thông thường mà trên hết đó còn là sự “viết lại” câu chuyện thần thoại tạo thành đất nước Nhật Bản dưới góc nhìn của lịch sử.





Theo thần thoại Nhật Bản (hay còn gọi là Thần đạo) thì nước Nhật được tạo ra nhờ vị thần Izanagi dùng một mũi giáo khuấy cả đại đương để tạo thành một hòn đảo. Và từ đó con gái của Izanagi là nữ thần mặt trời Amaterasu được xem là tổ tiên của người Nhật. Cũng giống như truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ của Việt Nam ta, mỗi dân tộc, quốc gia có nguồn gốc lâu đời đều có những câu truyện nhằm để đề cao dân tộc mình lên, cho rằng chúng ta đều là con cháu của những vị thần sáng tạo đầy quyền năng.



Thế nhưng sự thực có phải là vậy? Dưới góc nhìn của lịch sử, những dân tộc được tạo ra từ vô vàn những vị thần khác nhau kia thực ra chỉ có một nguồn gốc duy nhất đó là tiến hóa từ vượn khỉ. Rồi một khi công cụ lao động của con người ngày càng phát triển, năng suất lao động, của cải đến mức dư dã họ dần dần từ bỏ lối sống “ăn lông ở lỗ”, những kẻ mạnh thống trị kẻ yếu. Những bộ lạc mạnh chinh phục những bộ lạc yếu, rồi sau cùng là thống nhất cả một vùng đồng bằng rộng lớn thành lập thứ mà ta gọi là quốc gia, lần đầu tiên đã xuất hiện.



Trong arc Dawn, tác giả đã một cách khéo léo, lồng ghép những chi tiết liên quan đến thần đạo vào các nhân vật. Ở đây một số nhân vật có những đặc điểm liên quan đến các vị thần, ví dụ như: nữ vương Himiko tượng trưng cho thần Amaterasu, nhân vật Saruta dựa trên thần đất và sức mạnh (Sarutahiko-Ōkami), nhân vật Uzume có liên quan đến thần Ame no Uzume, chỉ huy của tộc người cưỡi ngựa Ninigi tượng trưng cho thần Ninigi-no-Mikoto (cháu của thần Amaterasu) đã hạ giới để thành lập nước Nhật,…



Dù chỉ trong 1 volume khoảng mười mấy chap nhưng tác giả đã xây dựng được một dàn nhân vật khá là hùng hậu với đầy đủ những đặc điểm tính cách, ý chí riêng đầy khác biệt. Chủ đề chính của arc đầu tiên này có thể được tóm gọn trong hai từ: lịch sử và chiến tranh.



Bản chất thực sự của thần thoại là vì những hiện tượng tự nhiên mà con người cổ đại không thể giải thích được, nên họ đành tưởng tượng ra những thế lực siêu nhiên, hoặc là bị những người tự cho rằng mình có sức mạnh huyền bí lừa gạc để trục lợi cá nhân. Ở đây tiêu biểu là nữ vương Himiko, bà ta chỉ là một con người bình thường không hơn không kém, nhưng vì tham vọng quyền lực và muốn giữ hình ảnh của một kẻ đầy quyền năng nên bà ta một mực chạy theo tham vọng được sống bất tử - một thứ tham vọng không thể vì đi ngược lại với quy luật của tạo hóa., nên đã đẩy biết bao nhiêu người phải liên lụy, đồng thời đẩy chính cuộc đời mình vào đau khổ, bi kịch không hồi dứt.



Có ba tuyến nhân vật chính tượng trưng cho 3 yếu tố chính để tạo thành chiến tranh: nữ vương Himiko tượng trưng cho tham vọng vô đáy của kẻ cầm đầu, tướng quân Saruta tượng trưng cho sự trung thành quá mức, đến mức ngu ngốc của bầy tôi, và nhân vật Nagi tượng trưng cho ngọn lửa thù hằn dai dẳng, nhấn chìm cả cuộc đời vào trong vòng xoáy của bạo lực.



Trong arc Dawn, tác giả đã nêu ra đầy đủ những sự tàn nhẫn, đau thương của chiến tranh. Rất nhiều nhân vật vô tội bị tàn sát, gia đình ly tán, ngọn lửa thù hận bùng phát khiến cho những bi kịch diễn ra khắp nơi. Ở đây, chúng ta phải kể đến mối quan hệ đầy thú vị giữa hai nhân vật Saruta và Nagi. Ban đầu Saruta là kẻ đã dẫn dắt đội quân đánh chiếm, tiêu diệt làng của Nagi, vì thế Nagi dĩ nhiên sẽ hận lão này. Thế nhưng Saruta không những không giết Nagi mà còn đối xử tốt với cậu và giúp cậu học bắn cung, điều này dần dần cảm hóa cậu và khiến hình thành tình cảm cha con giữa hai người ban đầu chỉ là kẻ thù. Nhưng mà ngọn lửa chiến tranh nó có chừa một ai, cả Nagi và Saruta đều quá cứng đầu, không chịu từ bỏ mục tiêu ban đầu của mình để rồi dẫn đến bi kịch. Chỉ khi họ vừa mới nhận ra tình cảm cha con dành cho nhau thì Nagi đã phải từ biệt cha nuôi của mình vĩnh viễn.



Tuy chiến tranh chỉ đem lại quá nhiều mất mát, đau khổ nhưng trong Dawn, tác giả đã có cái nhìn đa chiều đầy thú vị về sự quan trọng của chiến tranh đó là chiến tranh là thành phần cốt lõi và không thể thiếu của lịch sử. Nước Nhật không phải được tạo ra bởi bất cứ quyền năng siêu nhiên nào mà đơn giản là chỉ được “tôi luyện” trong chiến tranh mà thôi. Nếu không có cuộc chiến thống nhất lãnh thổ của tộc người cưỡi ngựa Ninigi thì đã không thể hình thành được nước Nhật. Cũng giống như nước Việt Nam chúng ta, thực tế là không có Lạc Long Quân - Âu Cơ gì ở đây cả mà đất nước Việt Nam cũng được “tôi luyện” qua biết bao cuộc chiến tranh dài đằng đẳng. Cả quá trình dựng nước - giữ nước hơn mấy ngàn năm lịch sử mà chúng ta đã học, phần lớn trong số đó chỉ là dãy liên tục của các sự kiện chiến tranh.



Có thể nói chiến tranh đã trở thành một thành phần không thể thiếu của nhân loại xuyên suốt chiều dài lịch sử và sẽ tiếp tục hiện hữu cho đến khi con người còn tồn tại. Cho dù chúng ta đều biết chiến tranh là độc ác và luôn mong muốn có được hòa bình, thế nhưng khi mà nguồn gốc cốt lõi của chiến tranh đó là lòng tham của con người là thứ không thể tiêu diệt thì chiến tranh cũng vậy. Chúng ta đành phải chấp nhận rằng thế giới mà chúng ta sống không thể là một thế giới hòa bình, hạnh phúc hoàn hảo thực sự được.



Bên cạnh đó, cái kết của arc Dawn cũng là một thứ đáng bàn luận ở đây. Đây có thể gọi là cái kết mở khi mà hình ảnh một cậu thanh niên leo ra khỏi một miệng núi lửa cao sừng sững để được khám phá vùng đất mới bất chấp nguy hiểm đang chờ phía trước. Hình ảnh này cũng giống như công cuộc di cư vĩ đại của loài người ra khỏi Châu Phi, đến các vùng đất khác nhau khắp hành tinh, dần dần hình thành nên các quốc gia trải dài khắp 5 châu. Sau cùng thì cho dù có bị chiến tranh tàn phá đến cỡ nào đi nữa, sự sống vẫn tiếp diễn nhờ vào lòng khao khát được sống mạnh mẽ của con người và chính sự can đảm, mong muốn được khám phá và khai hoang các vùng đất mới của ông cha, tổ tiên chúng ta mà ngày nay chúng ta mới có thể tự hào mà gọi tên dân tộc, tổ quốc của chúng ta. Và thế là vòng lặp quan trọng đầu tiên đã được bộ truyện Phoenix thể hiện đó là vòng lặp của lịch sử và chiến tranh.



Arc Dawn theo mình là một arc rất thú vị để mở màng cho bộ truyện, thế nhưng mình nhận thấy rằng nhiều người chưa cảm thấy thực sự ấn tượng trước sự mở đầu này. Cũng không trách được bởi vì có ít người quan tâm đến những câu chuyện thần đạo Nhật Bản và nhận ra được những sự liên quan đầy thú vị mà mình đã kể trên.



Nhưng mà các bạn yên tâm, sau arc Dawn là arc Future mà mình cam đoan rằng toàn bộ đọc giả điều sẽ phải “mind-blown” khi đọc arc này (trừ phi mấy người không có não để mà bay mà thôi :v)



2. Future



Trái ngược hoàn toàn với Dawn, arc Future lấy bối cảnh xa trong tương lai, kéo dài đến gần như vô tận hàng tỉ năm. Sự nhảy mốc thời gian từ arc sớm nhất đến arc xa nhất trong tương lai như vậy đã gây sốc cho mình đến khi đọc arc này, làm mình phải check lại xem rằng liệu mình đã đọc đúng theo thứ tự volume. :v



Thực sự là một bất ngờ mà tác giả mang đến cho chúng ta khi mà từ câu chuyện lịch sử đao kiếm bình thường chuyển hoàn toàn sang thể loại sci-fi. Trong arc Future, Trái Đất lúc này gần như đã chết, con người phải di dời vào sinh sống trong các thành phố dưới lòng đất và với môi trường nhân tạo.



Nếu như arc Dawn đã trả lời cho câu hỏi quan trọng về lịch sử, thì nội dung chính của arc Future này đó là thể hiện quan điểm của tác giả về câu hỏi: “Sự sống là gì?” Định nghĩa về sự sống là một trong những câu hỏi lớn nhất mà khoa học đang tìm kiếm câu trả lời. Mỗi một lĩnh vực có những cách định nghĩa khác nhau. Ví dụ trong Sinh vật học đã cho rằng sự sống bao gồm thứ không thể thiếu đó là nước và các chất hữu cơ, thể hiện bằng quá trình trao đổi chất với môi trường. Tuy nhiên các nhà thiên văn học lại cho rằng những đám mây đầy khí Hidro và Heli trên sao Mộc hay những hồ Metan lỏng trên vệ tinh Titan khi gặp điều kiện thích hợp có thể có dạng sự sống hoàn toàn khác với Trái Đất và không cần phải có nước.



Vậy đâu là giới hạn thực sự của sự sống? Chúng ta chỉ ở trên một tinh cầu nhỏ nhoi này, làm sao biết được trong vũ trụ rộng lớn ngoài kia với hàng tỉ tỉ hành tinh có những dạng sự sống nào hoàn toàn khác biệt? Ở trong arc Future, tác giả đã có một định nghĩa hết sức đơn giản nhưng cũng hoàn toàn có lý. Chúng ta đều biết sự sống luôn đi liền với cái chết, sống và chết luôn là một cặp không thể tách rời nhau. Như vậy nếu như thứ nào đó có thể chết thì tức là nó đang sống! Phải, tác giả đã định nghĩa sự sống bằng chính cái chết.



Nếu với định nghĩa như vậy thì vạn vật trong vũ trụ đều sống. Bởi vì mọi thứ đều có thể chết. Ở mức độ vi mô, những hạt hạ nguyên tử có thời gian sống từ rất ngắn hàng phần tỉ giây cho đến siêu dài hàng ngàn tỉ năm cũng đều phải đến lúc phân rã hoặc biến đổi thành hạt khác. Ở mức độ vĩ mô, Mặt Trời vĩ đại của chúng ta cũng phải đến lúc nhiệt hạch hết lượng khí khổng lồ của mình để rồi “chết đi” và kéo theo cả Trái Đất. Kể cả vũ trụ cũng phải “chết” vì sự dãn nỡ ngày càng tăng tốc của mình. Cho dù thời gian sống của những thiên thể kia kéo dài đến hàng ngàn tỉ năm thì vẫn không là vô hạn thực sự.



Ngoài ra, không những là từng cá thể riêng lẻ đang sống mà là tập hợp, hệ thống của những cá thể đó cũng đang sống. Nếu như cơ thể sống của chúng ta được tạo thành từ những tế bào, những thực thể sống nhỏ hơn. Thì chính chúng ta cũng đang là những “tế bào” của một thực thể sống lớn hơn đó là Trái Đất. Phải, Trái Đất cũng có thể coi là một thực thể sống theo quan điểm của tác giả Osamu Tezuka.



Từ đó, tác giả đã thể hiện một vòng lặp, không phải về thời gian mà là về không gian khi mà thực thể sống nhỏ hơn hợp lại để tạo thành thực thể sống lớn hơn. Nhiều hạt hạ nguyên tử hợp thành nguyên tử, nhiều nguyên tử hợp thành tế bào, nhiều tế bào hợp thành sinh vật, nhiều sinh vật hợp thành sinh thể trên Trái Đất, và Trái Đất cũng chỉ là một thành phần rất nhỏ trong một thiên hà bao la, chưa dừng lại ở đó các thiên hà trên cũng chỉ là một phần của mạng lưới vũ trụ, và vũ trụ ta đang sống là một trong vô số đa vũ trụ song song.



Tất cả mọi thứ kể trên tuy có trục thời gian sống vô cùng khác nhau, nhiều thứ nhanh hơn cả cái chớp mắt, nhiều thứ kéo dài đến mức cả lịch sử nhân loại từ lúc tiến hóa từ vượn khỉ chỉ như một phần rất rất nhỏ “đời sống” của chúng. Thế nhưng không có thứ nào tồn tại vĩnh viễn được. Tất cả đều phải bị quy luật tuần hoàn luân hồi chi phối. Ở đây, chính con chim phượng hoàng Phoenix đã mang tính biểu tượng cho quy luật luân hồi này. Hình ảnh con chim chứa đựng trong mình vô số vũ trụ đã thể hiện sự tuyệt đối của quy luật trên, bao trùm, chi phối toàn bộ tất cả.



Ở đây khá là thú vị một điều đó là nhiệm vụ chính của con chim Phoenix chỉ là một biểu tượng cho các vòng lặp luân hồi, thế nhưng tác giả Osamu Tezuka nhiều khi lại có sở thích biến con chim này thành một nhân vật, có tác động khá to lớn đến diễn biến của bộ truyện. Ví dụ như ở arc Future này con chim giống như một “hướng dẫn viên” giới thiệu cho chúng ta những ý tưởng đầy thú vị của tác giả.



Khi đọc xong arc Future này mình thực sự bất ngờ vì trong thời kỳ 1960s khi mà ngành công nghiệp anime – manga mới bắt đầu “chập chững” mà ông Tezuka-san đã khám giá những “high - concept” đầy thú vị có quy mô rộng lớn đến cả mức độ vũ trụ.



Bên cạnh ý tưởng chính về sự sống thì trong arc Future, tác giả còn có khá nhiều ý tưởng phụ đầy hấp dẫn khác nữa. Tác giả đã xây dựng một xã hội tương lai khi mà con người quá phụ thuộc vào máy móc đến nỗi những quyết định rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại thì phải dựa hoàn toàn vào máy móc. Con người đã nhu nhược đến mức mà không thể tự quyết định được chính vận mệnh của mình, mọi thứ từ việc được sinh ra, học tập, nghề nghiệp, tình cảm, hôn nhân đều được máy móc định đoạt. Một xã hội đầy đáng sợ khi mà mọi sự tự do ý chí của cá nhân đều bị triệt tiêu. Qua đó, tác giả đã nhắn nhủ với ta rằng không nên biến con người thành máy móc, chúng ta là con người là vì chúng ta có ý chí riêng và tâm tư tình cảm riêng, đôi khi những quyết định của chúng ta có là lỗi lầm và sai hướng thì đó cũng là để thỏa mãn sự chọn lựa riêng của mỗi người vẫn tốt hơn là đi theo một định mệnh có sẵn. Như trong arc Future đã thể hiện rõ chỉ vì sự “cãi nhau” của hai cỗ siêu máy tính mà dẫn đến sự diệt vong của cả nhân loại, những cái máy đó làm gì có tính nhân đạo và quan tâm đến vô số con người ngoài kia.



Có một cảnh mà mình rất ấn tượng đó là nhân vật Roc, một nhân vật chịu ảnh hưởng nặng nề bởi một cổ máy tên Hallelujah, cho rằng mình nên tin tưởng tuyệt đối vào cỗ máy này và điều làm theo những gì mà cỗ máy này định sẳn, cuối cùng Hallelujah quyết định hủy diệt cả nhân loại. Ở những phút cuối đời mình cậu ta chỉ biết ngồi bên miệng một ngọn núi lửa, đơn độc một mình than khóc cho cuộc đời mình, đó là than khóc cho sự yếu đuối của bản thân đã không thể tự quyết định cuộc đời của mình và cũng vì sự hối hận về những quyết định đầy tàn nhẫn chỉ vì một cỗ máy.



Tại sao tác giả lại chuyển mốc thời gian đột ngột từ arc Dawn sang arc Future, là có dụng ý gì? Tuy lấy bối cảnh hoàn toàn trái ngược nhau nhưng hai arc này theo mình là cũng có nhiều điểm tương quan đầy thú vị. Nếu như arc Dawn là sự “viết lại” thần thoại Nhật bản dưới góc nhìn của lịch sử, thì arc Future chính là sự viết lại kinh thánh dưới góc nhìn của tiến hóa tự nhiên. Ở đây ta có thể coi nhân vật chính Masato như là một vị chúa. Bởi vì chính cậu đã tạo ra thế hệ các sinh vật tiếp theo trên Trái Đất. Điều mà mình tâm đắc ở tác giả đó là ông hoàn toàn không bác bỏ sự tồn tại của các nhân vật trong thần thoại, điển tích mà ông cho rằng họ có thể có tồn tại. Thế nhưng họ cũng chỉ là những thực thể sống như chúng ta và điều phải chịu chung với ta quy luật luân hồi tất yếu của vũ trụ. Chúa có thể tồn tại và đã ban phát sự sống trên hành tinh của chúng ta, thế nhưng ông ta không tạo ra sự sống mà chỉ là một phần của nó. Sự sống không có bắt đầu và kết thúc, nó tồn tại liên tục nhờ vào những vòng lặp vô tận bao trùm khắp vũ trụ.



Ở đây cũng phải kể đến cái kết của arc Future lại chính là sự lặp lại của arc Dawn, khiến cho cả hai arc gộp lại như là một vòng lặp lớn. Thật sự là một sự sắp đặt đầy thông minh của tác giả!



II. DANH HIỆU “GOD OF MANGA” CỦA OSAMU TEZUKA



Sau khi đã phân tích hai arc đầu của bộ truyện Phoenix, chúng ta thấy rằng chỉ trong hai Vol đầu thôi mà đã có biết bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời đã được thể hiện, làm cho một đọc giả hơn năm mươi năm sau như tôi phải cảm thấy “mind - blown”. Thử tưởng tượng vào thời điểm mà những vol này mới được ra mắt, người đọc sẽ thấy sốc, choáng ngợp đến mức nào. Và cả bộ truyện Phoenix có đến tận 16 vol giống như vậy, có thể nói số lượng ý tưởng mà tác giả đã đổ vào là vô cùng đồ sộ, hơn phần lớn những bộ manga khác.



Đến đây nhiều bạn sẽ nói, điều này là dĩ nhiên rồi, Phoenix là “life-work” của Osamu Tezuka, đem ra so sánh có khi không được công bằng. Xin thưa rằng tôi đã từng đọc Alabaster, một bộ truyện thuộc thời kỳ “dark age” của Tezuka-san, khi mà những bộ truyện trong thời này đều nặng sự đen tối và cái kết chóng vánh đầy thất vọng. Nên có thể nói Alabaster là một trong những bộ truyện bị đánh giá thấp nhất của ông. Thế nhưng khúc đầu của bộ truyện này vẫn thu hút được tôi nhờ vào những ý tưởng đầy thú vị mặc cho cái kết thất vọng đi chăng nữa.



Hay là bộ anime trong mùa này là Dororo, xuất thân một tác phẩm ít được biết đến trong kho tàng của Tezuka-san lại có được sự nổi tiếng và chú ý của cộng đồng là nhờ vào ý tưởng đầy khác lạ về nhân vật chính đi tìm các phần cơ thể bị yêu quái đánh cắp và đồng thời khắc họa xã hội phong kiến Nhật Bản chiến tranh loạn lạc đầy thối nát. Ta cảm thấy thật là điên rồ khi nghĩ về việc một tác phẩm hơn năm mươi năm sau ý tưởng vẫn còn tươi mới và được người ta hào hứng, đón nhận rộng rãi.



Osamu Tezuka đã không ngại khám phá những thể loại khác nhau từ shounen, seinen đến cả shoujo từ sci-fi, lịch sử, drama,.. Ông luôn cố gắng tìm tòi khám phá những kỹ thuật mới để đưa vào các tác phẩm của mình và không ngừng phá bỏ giới hạn của bản thân.



Nhiều người khi nhắc đến Tezuka-san thường chỉ nghĩ đến Astro boy - tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và công sức của ông giúp sản xuất bộ TV series anime đầu tiên. Thế nhưng rõ ràng rằng ông không chỉ có vậy, trong suốt cuộc đời sáng tác hơn mấy trăm bộ manga của ông không chỉ có số lượng mà còn biết bao nhiêu ý tưởng, kỹ thuật hội họa cùng với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc mà ông đã cố gắng thổi vào từng tác phẩm một.



Đúng là còn có những huyền thoại khác cũng có rất nhiều ảnh hưởng sâu rộng ví dụ như Leiji Matsumoto là bậc thầy của dòng Space Opera, Shotaro Ishinomori là tượng đài của dòng anime, phim siêu nhân, Shigeru Mizuki với sự sáng tạo của thể loại yokai, và Go Nagai với ảnh hưởng mạnh cho dòng dark seinen anime,…



Thế nhưng không có một ai có ảnh hưởng toàn diện lên tất cả mọi lĩnh vực của cả ngành công nghiệp như Tezuka-san. Từ kỹ thuật sản xuất anime, đến các dòng, thể thoại manga shounen, seinen, shoujo, sci-fi, lịch sử, drama, bi kịch, fantasy,.. Chúng ta đều có thể tìm thấy dấu ấn, sự ảnh hưởng của ông trong đó.



Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn anime huyền thoại Hayao Miyazaki đã từng tiết lộ rằng chính Osamu Tezuka là nguyên nhân khiến cho mình đi theo sự nghiệp làm animator. Rằng việc đọc bộ manga “Shin Takarajima” đã mở ra một chân trời mới trong ông và khiến ông yêu thích truyện của Tezuka-san. Điều thú vị ở đây đó là “Shin Takarajima” không phải là một trong những bộ nổi tiếng nhất như Astro Boy, Black Jack,.. mà chỉ là một bộ ở đầu sự nghiệp của Tezuka-san. Thế mới thấy rằng kho tàng truyện khổng lồ của ông không chỉ có số lượng mà có thể rằng chỉ một tác phẩm nhỏ, ít người biết đến thôi cũng đã là nguồn cảm hứng và động lực lớn cho một nhân vật quan trọng trong ngành công nghiệp rồi.



Vậy thì sự đặc biệt của Osamu Tezuka đến từ đâu? Làm sao ông lại có thể gây ảnh hưởng lớn và được bao nhiêu là nhân vật quan trọng trong ngành công nghiệp kính trọng đến thế?



Trong một cuộc phỏng vấn về các tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm (Experimental Animations) Osamu Tezuka mong muốn rằng các nhà sản xuất nên tạo ra những bộ anime nghệ thuật để tham dự các triển lãm hoạt họa quốc tế. Thế nhưng họ than phiền với ông rằng họ không có đủ tiền để làm việc này. Vậy là ông dám tự bỏ “tiền túi” từ sáng tác manga để có thể tạo ra các bộ anime ngắn tham dự triển lãm quốc tế mà không thu về được đồng nào. Mặc dù studio mà ông làm việc là Mushi Production cũng hoàn toàn không “khá khẳm” là bao so với các studio khác.



Chỉ là một mẫu chuyện nhỏ, nhưng từ đây ta thấy rằng “sự đặc biệt” của ông đó là ông không phải là một người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mà ông thực sự quan tâm đến tương lai của ngành công nghiệp. Luôn luôn với suy nghĩ nếu ông làm được, những người khác rồi cũng sẽ tự tin cảm thấy rằng mình có thể làm được. Ông đã biến mình thành một tấm gương để phấn đấu, giúp cả ngành công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và làm nên những điều thần kỳ.



Đầu những năm 60s, khi mà ngành công nghiệp anime vẫn còn manh nha chưa phát triển và lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của phim truyền hình và hoạt hình phương Tây thì Osamu Tezuka cùng với một studio mới thành lập đã dám làm một bộ anime dài tập hàng tuần, điều được cho là điên rồ, không thể vào thời đó.



Vào những năm 70s - 80s khi mà ngành công nghiệp vẫn còn non trẻ thì Tezuka-san đã bắt đầu sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm, tiếp tục bay cao và xa hơn trong bầu trời nghệ thuật sáng tạo của mình.



Ông luôn biết cách đi tiên phong, trước thời đại và mặc dù những kỹ thuật vẽ của ông đôi không thể hoàn thiện bằng những họa sĩ thời sau, thế nhưng sự tận tâm, biết cống hiến, và hy sinh cho ngành nghệ thuật A_M đến tận hơi thở cuối cùng của ông thì có thể nói khó ai mà bì được.



Còn các bạn thì sao? Liệu rằng trong đây vẫn còn người nghi ngờ những danh hiệu của ông và nghĩ rằng người khác xứng đáng hơn? Nếu như vậy thì mình khuyên các bạn hãy đọc thử Phoenix, và rồi bạn cũng sẽ sớm được tìm ra câu trả lời của riêng mình mà thôi.



Bài viết của mình đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.

#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến