[ANIME REVIEW] SANGATSU NO LION
Mặc dù mình đã có đề cập đến bộ này trong bài preview anime mùa và trên trang Vnsharing cũng đã có review về bộ này rồi, thế nhưng mình cảm thấy vẫn chưa đủ. Với mong muốn được viết nhiều hơn về bộ anime mà mình yêu thích, mình viết bài này để chỉ ra những cái hay trong cách xây dựng nhân vật tuyệt vời và độc đáo của Sangatsu no Lion cùng với việc sử dụng tài tình phần hình ảnh để đặc tả nội tâm nhân vật và ý nghĩa của bộ phim.
Nếu bạn nào chưa xem Sangatsu no Lion mà yêu thích thể loại slice of life, những bộ man mác buồn nhưng cũng đầy nhẹ nhàng, ấm áp như Natsume Yuujinchou, Usagi Drop, Sweetness & Lightning,... hay Honey and Clover (cùng tác giả) thì không thể bỏ qua Sangatsu no Lion.
Bài review sẽ có spoilers như thường lệ.
- Cốt truyện:
Cũng giống như bao bộ Slice of life khác, cốt truyện của Sangatsu no Lion khá đơn giản, kể về cuộc sống hằng ngày của Rei Kiriyama, một kỳ thủ cờ shogi, cùng với những mối quan hệ của cậu ta với ba chị em nhà Kawamoto và những người quen khác. Thế nhưng bên cạnh sự đơn giản đó cũng là một cốt truyên có sự đầu tư về chiều sâu vô cùng tốt. Bộ anime đã được đầu tư các nghệ thuật như kể chuyện bằng hình ảnh, sử dụng hình ảnh tương phản rất chi tiết và có hiệu quả (điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần hình ảnh). Bên cạnh những chi tiết buồn như quá khứ đau khổ của Rei và cái cách mà cậu phải hàng ngày chống chịu với sự cô độc, chứng trầm cảm thì bộ anime cũng cho ta không thiếu những sự ấm áp, dễ chịu về lòng nhân hậu vô bờ bến của ba chị em nhà Kawamoto, sự động viên, quan tâm vô điều kiện của người thầy Takashi và cậu bạn Nikaidou.
Có một điều mà Sangatsu no Lion làm rất tốt đó là việc chuyển đổi sắc thái (tone shift) trong anime. Việc chuyển đổi sắc thái (tone shift) là một việc làm rất cần thiết trong các bộ anime nhằm tăng thêm tính đa dạng và đa chiều, từ đó mà bộ anime có thêm tính “đa sắc” và trở nên thú vị hơn. Thế nhưng không phải bộ anime nào cũng thực hiện tốt việc đó. Ví dụ như bộ Hellsing và Drifters đã chuyển đổi giữa các chi tiết bạo lực đẫm máu và hài hước một cách khá là gượng gạo, khiến cho ta cảm thấy các chi tiết hài hước hơi “vô duyên”. Ngược lại, trong Sangatsu no Lion, việc chuyển đổi giữa các chi tiết tương phản, giữa sự buồn bã và sự ấm áp hay hài hước nhẹ nhàng được thực hiện một cách rất tự nhiên và trôi chảy, khiến cho chúng ta khi xem hoàn toàn có thể cảm thấy thư giản, dễ chịu.
- Nhân vật
Đây là khoản mà ở đó bộ anime thực sự tỏa sáng. Có thể nói, Sangatsu no Lion là một trong những bộ slice of life được đầu tư xây dựng nhân vật tốt nhất mà mình từng xem. Điển hình là việc xây dựng nhân vật Rei rất thực tế và dễ đồng cảm. Có một quá khứ đau buồn (mồ côi cha mẹ từ nhỏ do một vụ tai nạn), Rei đã từ lâu hình thành tính cách sống nội tâm, ngại tiếp xúc với mọi người và không có kỹ năng giao tiếp xã hội. Kể từ khi được nhà Kouda nhận nuôi và xảy ra mâu thuẫn dẫn đến việc cậu phải dọn ra ở riêng càng làm cậu phát triển cái tính cách kể trên và khiến cậu bị chứng trầm cảm đeo bám. Việc chơi shogi chính là việc làm duy nhất mà cậu lấy làm mục tiêu sống, để cậu bám víu lấy cuộc sống này và cũng chính là thứ giúp cậu cảm thấy bản thân mình có giá trị, mặc dù cậu đã tự thừa nhận rằng shogi không phải là sở thích, niềm đam mê của mình. Không phải như các nhân vật khác có thể tự đứng lên từ sự đau buồn và lúc nào cũng lạc quan, tích cực bất kể hoàn cảnh, Rei lúc nào cũng chìm đắm trong sự lạc lõng vô định giống như một người đang từ từ chết đuối, chìm dần vào dòng nước lạnh lẽo, mênh mông. Sự cô đơn và các ý nghĩ tiêu cực suốt ngày ám ảnh lấy cậu trong cả suy nghĩ, giấc mơ. Mặc dù bên cạnh cậu không thiếu người quan tâm và động viên thế nhưng có thể nói, nỗi buồn và sự hiu quạnh, cô đơn trong cậu khó có thể nào mà xoa dịu được trong một thời gian ngắn được. Điều này khiến cho nhân vật Rei rất đậm “tính người” và chân thực. Hội chứng trầm cảm (depression) là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng trong xã hội hiện nay, nó như một con đĩa đeo bám dai dẵng và không phải là thứ có thể dễ dàng vượt qua được. Bên cạnh đó, tác động của việc cậu đã vô tình phá vỡ đi hạnh phúc gia đình của nhà Kouda khiến cho cậu hình thành tâm lý sợ sệt – nỗi sợ bản thân mình sẽ làm ảnh hưởng xấu đến những người tốt xung quanh. Điều này tạo nên một nghịch lý, việc ba chị em nhà Kawamoto càng đối xử tốt với Rei càng khiến cậu muốn xa lánh họ. Bởi vì khi nhìn thấy một gia đình ấm áp và hạnh phúc càng khiến cậu ước muốn được tận hưởng trọn vẹn sự bình yên, hanh phúc đó, nhưng nó cũng khiến cho cậu lo lắng, sợ hãi rằng bản thân mình sẽ phá hỏng cái hạnh phúc quý giá, hiếm hoi lắm mới đạt được đó. Điều này là nguyên nhân hình thành nên sự xung đột nội tâm dữ dội trong cậu. Cũng như chi tiết khi mà cậu đấu shogi với một người chơi sắp nghĩ hưu và chiến thắng của cậu có thể khiến cho bác này từ bỏ niềm đam mê của mình. Cùng là một người lấy shogi làm mục tiêu sống nên cậu hiểu rõ được sẽ buồn như thế nào nếu chia tay với thứ đã đồng hành với mình trong một thời gian dài và cậu không muốn phải làm đau người khác, thế nhưng cậu còn có lòng tự trọng của một người chơi shogi, cậu cần phải thi đấu hết mình. Việc trên đã tạo ra mâu thuẫn sâu sắc trong tâm trí của Rei, khiến cậu muốn hét lên tất cả những gì ấm ức, bực bội chất chứa trong lòng.
Bên cạnh việc xây dựng nhân vật Rei, bộ anime còn có một khía cạnh hết sức đặc sắc, không thể không nhắc đến, đó là mối quan hệ giữa Rei và người chị tên Kyouko của mình. Có thể nói, mối quan hệ giữa Rei và Kyouko là một trong những mối quan hệ phức tạp và thú vị nhất trong anime. Tính đa chiều của mối quan hệ này thể hiện ở việc cả Rei và Kyouko điều không những ghét nhau mà mà quan tâm sâu sắc đến nhau. Chính Kyouko là người hiểu rõ những mặt tối của Rei nhất. Những lời sỉ vả của Kyouko dành cho Rei chính là những lời mà Rei tự sỉ vả bản thân mình. Những lời cay độc của Kyouko dành cho Rei cũng chính là những suy nghĩ tiêu cực của Rei mà cậu không thể phủ nhận. Mỗi lần mà cậu cãi nhau với Kyouko cũng chính là mỗi lần cậu xung đột với chính ý nghĩ của mình. Tuy Rei là người mà Kyouko hận nhất, thế nhưng chính Rei cũng là người thân duy nhất mà Kyouko có thể giải bài hết tâm sự của mình. Có một điều khá là buồn cười đó là tuy lúc nào Kyouko cũng nói là ghét Rei, thế nhưng mỗi khi có chuyện gì buồn thì chính cô ta là người chủ động tìm đến Rei để giải tỏa nỗi buồn và tìm kiếm sự đồng cảm. Tương tự đối với Rei, sự hối hận vì đã phá vỡ hạnh phúc của Kyouko khiến cậu tự áp đặt lên bản thân mình một trách nhiệm phải bảo vệ cô ta, cho dù cô ta có ghét mình đi chăng nữa.
Nếu như chỉ có Kyouko đại diện cho mặt tối của Rei thì bên cạnh cậu lại có rất nhiều người đại diện cho mặt tích cực của câu chuyện và lấn át cái tiêu cực, buồn bã. Có 3 chị em nhà Kawamoto lúc nào cũng chào đón cậu, chăm lo cho cậu vô điều kiện và xem cậu như người chung một nhà. Có cậu bạn Nikaidou lúc nào cũng nhiệt tình, chân thành và chia sẻ mọi vui buồn với cậu. Có người thầy Takashi lúc nào cũng tận tụy, luôn luôn động viên và tạo mọi điều kiện cho học trò của mình. Và cũng vì vậy mà Rei đã có những sự phát triển nhân vật tuy chậm nhưng theo chiều hướng hoàn toàn tích cực. Điển hình là mối quan hệ của cậu với bác Shimada. Nếu như trước đây, cậu luôn xem mình như là một loài vật ký sinh luôn mong chờ và sự thương hại và thông cảm của người khác thì giờ đây cậu hoàn toàn có thể chăm sóc và giúp đỡ những người xung quanh, điều đó chứng tỏ cậu là một con người có ích và có giá trị, không giống cái tên Rei của mình.
Qua việc xây dựng nhân vật như trên, bộ anime đã nhắn nhủ chúng ta không nên sống quá khép kín, hãy mở lòng mình, chia sẻ với mọi người xung quanh cho dù đôi lúc ta có làm cho người khác đau khổ đi chăng nữa.
- Hình ảnh:
Phần ảnh được đầu tư rất tốt và đầy nghệ thuật. Ở đây hai yếu tố đã được sử dụng một cách đầy khéo léo và thành công đó là việc sử dụng hình ảnh để đặc tả nội tâm nhân vật và việc sử dụng màu sắc tương phản. Các hình ảnh tượng trưng (symbolism) được sử dụng khá nhiều ví dụ như chi tiết mà Rei chìm trong làn nước xanh thẳm, hay những cơn gió mạnh thổi vào người Rei tượng trưng cho những luồng suy nghĩ đối lập mạnh mẽ chiếm hữu tâm trí cậu. Bên cạnh đó còn có việc sử dụng các gam màu tương phản. Nếu như những suy nghĩ buồn bã của Rei được miêu tả sử dụng các gam màu “lạnh” thì khung cảnh bình yên, ấm áp của nhà Kawamoto sẽ sử dụng các gam màu “nóng” hay là việc nhà sản xuất sử dụng hai màu tương phản trắng/đen để diễn tả sự xung đột nội tâm sâu sắc của nhân vật chính.
Thông thường các chi tiết symbolism rất khó hiểu và đòi hỏi phải xem đi xem lại nhiều lần mới cảm nhận được thì ngược lại, đối với Sangatsu no Lion các chi tiết trên không những hoàn toàn dễ hiểu mà còn giúp cho khán giả cảm nhận bộ anime được dễ dàng và sâu sắc hơn.
- Âm thanh:
Tương tự như hình ảnh, phần âm thanh cũng thể hiện tốt, nhằm tăng thêm sự giàu cảm xúc của tác phẩm. Trong các Op, Ed mình cực thích Ed2: Orion được trình bày bởi Kenshi Yonezu.
Chi tiết cần được bổ sung: có một điều hơi đáng tiếc trong S1 đó là chị em nhà Kawamoto: Hinata và Akari là những nhân vật có tiềm năng, thế nhưng vẫn chưa có nhiều thời gian để có câu chuyện riêng của mình. Mong là qua S2 tác giả sẽ đào sâu và chú trọng vào các nhân vật này hơn nữa.
Đánh giá chung: 9/10.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài review.
Nhận xét
Đăng nhận xét