[MANGA REVIEW] PHÂN TÍCH TÁC PHẨM “Ở MỘT GÓC NHÂN GIAN”.



(Có Spoilers)
Cuối cùng thì mình cũng được đọc bộ manga “Ở một góc nhân gian” (In this corner of the world) sau một khoảng thời gian khá dài chờ đợi. Sau khi xem và yêu thích bộ anime movie, mình đã mong chờ việc IPM xuất bản bộ manga In this corner of the world của tác giả Fumiyo Kouno để có thể tìm hiểu được kỹ hơn tác phẩm tuyệt vời này.
Hình khoe “chiến tích”, xD:
Bên cạnh đó, nếu bạn nào chưa đọc bài viết phân tích của mình về bộ anime movie thì có thể đọc tại đây:
Đây là một bài viết mà mình khá “tự hào” vì đã đầu tư kha khá công sức và cũng đã nêu ra tương đối hoàn chỉnh những điểm chính của tác phẩm.
Trong bài viết này, để tránh sự trùng lặp, mình chỉ nêu ra những ý mà trong bài viết trước mình chưa có đề cập hoặc chưa làm rõ.
Đôi khi, chỉ sống thôi đã là một sự dũng cảm.
Ở một góc nhân gian có thể nói là một tác phẩm đặc biệt đối với mình. Thông thường đối với những tác phẩm lấy chiến tranh làm chủ đề chính thì đối tượng mà họ miêu tả là những người lính ngoài chiến trường để diễn tả sự anh dũng, tinh thần kiên cường, bất khuất hay là những bi kịch tột cùng để diễn tả những tội ác ghê gớm của chiến tranh. Thế nhưng trong “Ở một góc nhân gian”, những người dân thường, những người lao động bình dị mà hằng ngày ta vẫn gặp lại được diễn vai chính.
Bộ manga này có thể nói là một trong những tác phẩm mang tính hiện thực sâu sắc nhất mà mình từng biết. Toàn bộ câu chuyện là để diễn tả về cuộc sống thường ngày của những con người trong thời chiến, nó hoàn toàn giống như những câu chuyện mà ông bà, cha mẹ đã kể cho chúng ta nghe về thời kháng chiến vậy. Thoạt nhìn, nhiều bạn sẽ cho rằng những câu chuyện đơn giản như vậy chẳng có gì đặc sắc cả. Thế nhưng, ẩn sâu trong sự giản dị, chân phương đó là cả những giá trị đẹp đẽ, vô giá.
Bởi vì, đối với một cô gái nhỏ nhắn như Suzu, cố gắng “sống” được trong một hoàn cảnh quá ngặt nghèo như vậy là cả một sự đấu tranh kiên cường. Ở đây “sống” không những là sự đấu tranh sinh tồn mà còn là sự giữ vững niềm tin vào cuộc sống, sống yêu đời và lạc quan. Theo mình việc đó còn khó hơn cả ngàn lần so với việc đảm bảo sự sinh tồn của bản thân.
Ở đây, tác giả đã có sự biểu đạt tinh tế thông qua năng lực hội họa của Suzu. Đối với cô, việc vẽ những cảnh vật mà mình chứng kiến hoặc thông qua trí tưởng tượng của bản thân chính là phương tiện để cô cảm nhận, phản chiếu thế giới xung quanh và cũng là thứ niềm vui, niềm động lực nhỏ bé để cô tin yêu cuộc sống. Thế nhưng chiến tranh ập tới và đã cướp đi tay phải của cô:
“Hôm qua mới biết, cả bàn tay phải đã không còn...
Tháng Sáu bàn tay ấy năm lấy tay Harumi
Tháng Năm, bàn tay ấy vẽ lại khuôn mặt Shusaku
Tháng Tư, bàn tay ấy nắm chặt hộp son của Teru...”
Kể từ đó, không còn bàn tay phải để vẽ, Suzu không còn cảm nhận được cuộc sống và cái thế giới riêng trong trí tưởng tượng của cô dần bị phai nhạt, méo mó bởi sự tàn khốc của mưa bom, bão đạn. Việc phải liên tục nhìn thấy cảnh tan tốc và những người thân đột ngột biến mất khỏi cõi đời dần dần bào mòn không những sinh lực mà còn cả tâm hồn của những người còn sống, đẩy họ đến sự kiệt quệ tận cùng.
“Dù thấy người chết nằm đấy mình vẫn thản nhiên đi qua.
Sumi nhỏ hơn mình một tuổi mà còn nhận ra mình dị dạng nhường nào.
Dị dạng như cái thế giới được vẽ bằng bàn tay trái.”
Cô dần bị mất hết niềm tin vào cuộc sống và muốn được chạy trốn khỏi nghịch cảnh. Thế nhưng chính tình yêu, tình cảm gia đình ấm áp đã kéo cô ở lại, là điểm tựa vững chắc giúp cô đấu tranh để sống, để nở nụ cười, để tin tưởng vào tương lai.
“Anh Susaku, cảm ơn anh... Đã tìm ra em ở một góc nhân gian mờ mịt”
Suzu đã cảm ơn chồng cô, người đã tìm ra cô, trao cho cô tình yêu, trao cho cô một gia đình, một tổ ấm thân yêu, một nơi cô thuộc về, một điểm tựa bình yên và một tia sáng cuối đường hầm dẫn lối cho cô tiến về phía trước.
Trong “Ở một góc nhân gian”, cái chết không phải là điều gì khó khăn cả, cái chết thường trực đến nỗi có cảm giác như con người, một cách kỳ lạ tự dưng biến mất khỏi thế gian vậy. Ở một nơi chết dễ hơn sống thế này, con người ta hình thành tư tưởng cho rằng cuộc sống là vô nghĩa, chết là hết.
Ở đây, chúng ta đề cập đến câu chuyện của Rin, người bạn của Suzu, cô là một người ít may mắn hơn Suzu, cô không có gia đình, phải làm phận gái lầu xanh suốt đời cho đến khi chiến tranh đến và cướp đi mạng sống của cô. Cô luôn cảm thấy cuộc sống của mình là bèo bọt, như cát bụi, cô thường nói với Suzu rằng:
“Người chết rồi, ký ức sẽ tiêu tan, mọi bí mật bị vùi lấp theo.
Suzu ạ. Có khi như thế cũng là một điều xa xỉ.”
Thế nhưng, cô có biết rằng đối với Suzu, sự hiện diện của cô là không hề vô nghĩa. Dù chỉ là hai người đi ngang qua đời nhau thế nhưng cô đã là một người bạn đáng quý mà Suzu có được, người giúp Suzu chia sẻ nỗi niềm và để lại trong cô niềm kỷ niệm đáng quý. Còn đối với Rin, tuy có cuộc sống đầy bi kịch, thế nhưng có thể nói cô vẫn có chút hạnh phúc cuối đời đáng quý vì có Suzu ở bên cạnh.
Tương tự như Rin, những cái chết của những người thân quen bên cạnh Suzu như người bạn Mizuhara hay đứa cháu Harumi không hề vô nghĩa, chúng đã để lại trong tim của Suzu những kỷ niệm tươi đẹp giúp cô hạnh phúc khi nhớ về và là động lực quan trọng để cô sống tiếp.
“Hãy nhớ đến tôi với nụ cười... Còn không cười được, thì quên tôi đi”
“Những ký ức đó, chỉ mình cháu lưu giữ. Để duy trì chúng, cháu sẽ tiếp tục sống trên cõi nhân gian này”
Có thể nói những cái chết của người thân đã đặt lên vai Suzu một trách nhiệm to lớn. Cô phải sống, cô phải lưu giữ những ký ức, những câu chuyện của Rin, của Mizuhara mà chỉ mình cô nắm giữ và khi nhớ về họ cô phải có vẻ mặt tươi cười thay vì đau khổ.
“Ờ đúng. Lúc nào cũng nhớ rồi khóc thì thật lãng phí quá. Lãng phí muối ấy”
Trong đêm tối, lấp lánh ánh vàng của tình người và sự hy vọng.
Trong thời chiến, ở quốc gia nào cũng vậy, động lực to lớn nhất để con người ta kiên cường lao động và chiến đấu, tận tâm cống hiến hết sức mình chính là lòng yêu nước. Ở trong “Ở một góc nhân gian” cũng vậy, tất cả mọi người đều phải cố gắng vì tổ quốc, cho dù điều kiện sống thế nào đi chăng nữa thì họ cũng không bao giờ chê trách đất nước mình đang sống bởi vì họ nhận ra được bản thân mình đang một phần đóng góp công sức để gánh vác đất nước trên vai. Họ không cần biết cuộc chiến mà Nhật Bản đang tham gia là đúng hay sai, đối với họ lời kêu gọi của tổ quốc chính là thứ chính nghĩa quan trọng nhất mà mọi công dân đều phải sẵn sàng đáp ứng.
Thế nhưng rồi Nhật Bản thua trận, đó là lần đầu tiên và duy nhất trong truyện Suzu khóc tức tưởi. Cô khóc không những vì cảm thấy những sự hy sinh, cố gắng của cô đều trở nên vô ích mà còn là vì, bên trong cô, thứ “chính nghĩa” mà cô luôn tin tưởng đã trở nên lụi tàn. Bên cạnh tình cảm gia đình, thì Suzu, cũng như bao nhiêu công dân của Nhật Bản đều lấy tình yêu tổ quốc làm động lực để đấu tranh với cuộc sống, với những mất mát. Tất cả họ đều chiến đấu cho hy vọng một tương lai hòa bình tươi sáng.
Chính việc Nhật Bản thua trận đã dập tắt hy vọng tương lai của họ, những tưởng những con người đó sẽ chìm vào sự tuyệt vọng không có lối thoát. Nhưng không! Họ đã gượng dậy, mất đi niềm tin vào đất nước thì họ lại vực dậy niềm tin xây dựng lại cuộc sống.
Thậm chí trong cả hoàn cảnh khốn cùng, bố chồng và chồng Suzu bị mất việc, căn nhà bị cơn bão vật đến xiêu vẹo, đói kém, thiếu thốn đến tận cùng, thế nhưng trong căn nhà đó vẫn đầy ắp tiếng cười. Họ đã biến tuyệt vọng thành hy vọng, biến những khó khăn thành sự đoàn kết giúp đỡ.
Ở tại những điều kiện đặt biệt như vậy chúng ta mới thấy tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và lòng nhân hậu tỏa sáng mạnh mẽ, ấm áp đến nhường nào.
Khác với những trang thường được in trắng đen, ba trang cuối truyện được in màu, tạo nên điểm nhấn cực kỳ tuyệt vời cho tác phẩm. Những trang in màu trên tả lại cảnh Kure về đêm lấp lánh ánh đèn và ánh sao, những ánh sáng trên tuy nhỏ nhưng chúng tập hợp lại và làm sáng cả trang truyện cho dù là ban đêm đi chăng nữa.
Điều này thể hiện rằng trong hoàn cảnh tăm tối, mỗi tia hy vọng được thắp lên như là đóm sáng nhỏ nhắn. Thế nhưng khi chúng được tập hợp lại, chúng tạo nên một cảnh tượng vô cùng ấm lòng và đẹp đẽ.
Bàn về những lời kết.
Ở chương truyện cuối cùng, tác giả đã có những câu kết đầy cảm xúc mà mình rất thích, những câu kết này đã thể hiện một cách trọn vẹn những giá trị nội dung tuyệt vời của tác phẩm:
“Xin lỗi vì sự đường đột này, nhưng đây không phải là một bức thư xui xẻo
Dù đang mùa đông nhưng vẫn có những cơn gió ấm áp, thỉ thoảng đưa theo mùi vị của biển khơi.
Những mảnh vỡ trên đường lấp lánh nét cười
Mặt trời vuốt lưng bạn bằng bàn tay ấm
Đêm xuống, bóng tối cuốn lấy bạn như tấm rong khô
Sau mất mát, chỉ còn một thứ chính nghĩa suy tàn
Bạn lớn lên trong dạt dào yêu thương
Luôn có một nơi đón nhận
Và xin lỗi
Bạn, người đọc bức thư này rồi cũng sẽ đến ngày kết thúc
Không còn nghe chim sẻ lích chích.
Chẳng được đắm mình giữa đám bồ công anh
Lỡ nhịp bước dưới tia nắng xuyên mây
Bỏ lại đằng sau giấc mơ của người chung chăn gối
Con đường nhỏ trước nhà, cũng chẳng thể bước tới
Một cuộc đời với bao vẻ thắm tươi, trong phút chốc chỉ còn là hồi ức
Bạn chẳng làm gì được, teo lại ... teo từng chút một, cử động dần khó khăn.
Răng rụng. Mắt mờ. Tai lãng.
Nhưng bạn vẫn mỉm cười, coi mọi điều viết trong thư này là hạnh phúc.
Có thể vì mọi người đều nói thế, hoặc điều này đúng là không đáng kể, rằng bạn chỉ là cát bụi trên đời, nhưng đối với một số người, bạn lại gợi lên diện mạo hay sự vật, mà họ gửi gắm bao thương nhớ.
Yêu thương dạt dào
Lòng yêu thương bé nhỏ của tôi, tuôn chảy khắp ngóc ngách trên nhân gian này
Nhìn mà xem, lòng yêu ấy giờ cũng đã hóa thành một phần con người bạn.
Như thế này này...
Giờ tôi chỉ làm được đến thế thôi.
Dù có dốc hết sức, cũng chẳng thể xoa dịu vết thương của ai cả.
Nhưng hi vọng thỉ thoảng bạn vẫn nhớ tới tôi nhé.
Thân ái.”
Ở đây, những câu kết được tác giả viết dưới dạng một bức thư gửi cho đọc giả. Bắt đầu lá thư, tác giả đã nhấn mạnh “đây không phải là một bức thư xui xẻo”. “Ở một góc nhân gian” là một tác phẩm buồn nhưng không bi lụy mà lại mang đậm tính tích cực một cách đáng bất ngờ.
Tiếp theo, những câu sau đó đã thể hiện đầy đủ những giá trị mà mình đã nêu ra ở cả bài phân tích trước đó về anime movie và trong bài này, do đó mình sẽ không đề cập lại.
Ở đoạn cuối của lời kết, tác giả cho rằng cái kết hạnh phúc của bộ truyện chẳng thể xoa dịu được nỗi đau quá lớn do chiến tranh để lại. Đúng là như vậy. Việc Suzu nhận nuôi một đứa bé mồ côi chẳng thể nào xoa dịu được những vết thương mà cô phải nhận và cũng chẳng thể giúp được vô số người đang phải gánh chịu đau khổ mất mát ngoài kia. Nỗi đau của chiến tranh là một thứ vô cùng lớn, không thể hoàn toàn bị xóa bỏ cho dù 5 năm, 10 năm hay cả nhiều năm sau nữa. Thế nhưng theo mình đây là một cái kết vĩ đại, sự vĩ đại nằm ở giá trị nhân bản đầy to lớn của nó. Việc làm của Suzu có thể chỉ là một việc nhỏ trong một xã hội rộng lớn, thế nhưng chính nó lại là một nền tảng thiết yếu để xây dựng nên những giá trị nhân đạo rộng lớn, không có những việc làm nhỏ từ mỗi cá nhân, xã hội sẽ không thể vững mạnh và phát triển được. Chúng ta không cần phải làm việc gì quá to tát mà hãy xây dựng xã hội từ những việc làm nhỏ đầy ý nghĩa thế này.
Cuối cùng tác giả nhắn nhủ chúng ta hãy nhớ đến “Ở một góc nhân gian” nhớ đến câu chuyện nhỏ của cô bé Suzu để mà sử dụng nó như một bài học nhân văn về tình yêu người và yêu đời.
“Ở một góc nhân gian” chính là một tác phẩm được xây dựng nên từ những sự giản dị và nhỏ bé, thế nhưng lại tuyệt đẹp, tỏa sáng vô ngần. Hãy đọc “Ở một góc nhân gian” để rồi nhận ra rằng vẻ đẹp của cuộc sống không ở đâu xa, mà vẫn đã đang và sẽ luôn hiện diện quanh ta đó.
P/s: Lạm bàn thêm về chất lượng chuyển thể của anime movie, so sánh giữa anime và manga:
Bộ anime movie của đạo diễn Sunao Katabuchi theo mình đánh giá là đã chuyển thể khá tốt, giữ được những giá trị nội dung và tinh thần chính của tác phẩm gốc. Ở một số cảnh, anime còn làm tốt hơn manga về giá trị nghệ thuật ví dụ như cảnh mà lần đầu Suzu thấy máy bay Mĩ tấn công. Ở đây trong anime, đạo diễn đã có sự liên tưởng độc đáo đầy màu sắc. Hoặc sau khi Suzu bị mất đi cánh tay, bộ anime đã có thể hiện xuất sắc về thế giới riêng của cô bị méo mó, mờ nhạt. Tuy nhiên, dĩ nhiên đây cũng không phải là một tác phẩm chuyển thể hoàn hảo, đáng tiếc nhất là câu chuyện của Rin một phần bị lược bỏ, một phần đã bị chuyển xuống phần after credits, điều này có thể khiến nhiều người không chú ý bị bỏ lỡ, theo mình thì câu chuyện của Rin đóng vai trò rất quan trọng trong cốt truyện. Ngoài ra ở phần kết bộ anime đã không có những câu kết đầy sâu sắc như trong manga.
Nhìn chung thì bộ anime vẫn là một tác phẩm khá hoàn chỉnh, có lẽ đạo diễn Sunao Katabuchi là người khá kỹ tính khi ông muốn làm lại bộ anime hoàn thiện và không bị cắt bỏ bất cứ chi tiết nào. Cuối cùng mình xin được recommend các bạn xem cả anime và đọc manga để có trải nghiệm hoàn thiện nhất.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. ❤ ❤ ❤

Nhận xét

Bài đăng phổ biến