[MANGA REVIEW] SWORD ART ONLINE PROGRESSIVE.
Tác giả: Reki Kawahara.
Minh họa: Kiseki Himura.
Thể loại: Hành động, Game, Romance, Scifi, Fantasy.
Số chương: 31/?
Nhân dịp IPM phát hành SAO:P phiên bản Light novel, mình xin được review phiên bản manga do Kiseki Himura vẽ, do là mình chưa đọc bản LN (do thiếu lúa nên tính từ từ mới kéo em LN về ). Bài review này có mục đích chính là so sánh SAO:P so với arc Aincrad do mình thấy có nhiều bạn thắc mắc là SAO:P có những điểm gì khác biệt so với SAO arc Aincrad.
Trước tiên, mình xin được nhấn mạnh là SAO:P là reboot (viết lại toàn bộ cốt truyện của arc Aincrad) chứ không phải là spin-off (mở rộng cốt truyện ra thêm). Do là trước khi đọc bộ manga này, mình cũng giống như một số bạn, nghĩ rằng bộ này chỉ là spin-off, nhưng mà càng đọc, mình càng nhận ra là cốt truyện đi theo hướng khác biệt với trong anime. Vì thế mình có thể chắc chắn là tác giả đang muốn xây dựng SAO:P như là một câu chuyện độc lập.
Bài review có chứa spoilers nhẹ.
- Cốt truyện:
Mặc dù được đánh giá là một trong những arc hay nhất trong anime, nhưng phần Aincrad vẫn vấp phải một số lời phê bình. Điển hình nhất chính là việc nhiều người cho rằng phần Aincrad quá ngắn, không phát huy được tiềm năng của mình và nhiều time skip khiến cho cốt truyện có phần bị rời rạc. Ở SAO:P, tác giả đã có nhiều thời gian hơn để đầu tư xây dựng cốt truyện. Nhịp điệu (pacing) của SAO:P chậm hơn nhiều so với anime nên các tình tiết, chi tiết giải thích được tăng cường. Việc xây dựng thế giới (world building) cũng được chú ý hơn, cụ thể nhất là những đặc điểm, cơ chế hoạt động của game SAO được giải thích cặn kẽ hơn nhiều so với anime.
Yếu tố hài hước được tăng cường, tuy nhiên, SAO:P vẫn có những cảnh drama và những giây phút gây cảm động. Theo mình thì việc cân bằng giữa hài hước và drama trong SAO:P làm tốt hơn trong anime. Có một điểm làm mình chú ý trong anime đó là lời thoại có phần hơi “sến súa”. Vậy nên việc tăng lên một chút comedy theo mình đã giúp làm tăng tính tự nhiên và thực tế. Vì theo mình: trong những hoàn cảnh khó khăn như việc phải sinh tồn trong SAO thì con người ta có xu hướng hay pha trò và trêu chọc nhau để quên đi thực tại, thay vì cứ ủ rũ và nói chuyện buồn.
Bên cạnh đó, SAO:P kể lại câu chuyện của Kirito và Asuna phá đảo SAO theo từng tầng một. Điều đó, khiến cốt truyện liền mạch hơn và tạo tiền đề cho sự xây dựng và phát triển nhân vật một cách tự nhiên và liên tục. Một số tình tiết bất hợp lý trong anime cũng được chỉnh sửa và biến đổi sao cho hay và gây ấn tượng mạnh hơn
- Nhân vật
+ Asuna: Thực sự, nhân vật Asuna đã gây ấn tượng khá mạnh đối với mình trong lần đầu xem anime. Hình ảnh một cô gái có vẻ bề ngoài mảnh khảnh, dễ thương nhưng lại rất nhanh nhẹn và quyết đoán, một người có ánh nhìn đầy tự tin nhưng đôi lúc lại tỏ ra yếu mềm và dịu dàng. Những tưởng Asuna sẽ trở thành một nhân vật tuyệt vời, thì trong anime, cô lại bị tác giả “nerf” nặng nề bằng việc bị cắt bớt đất diễn để Kirito có thời gian để “thả thính lập harem”, hay phải trong tình trạng bất lực chờ Kirito đến cứu trong arc ALO. Theo mình thì cái mà Asuna cần nhất đó chính là thêm đất diễn để cô chứng tỏ bản thân mình.
Và như một lời chuộc lỗi, Asuna trong SAO:P đã thực sự tỏa sáng đúng nghĩa. Tác giả đã có cố gắng khai thác nhân vật Asuna nhiều hơn, thể hiện bằng việc kể về quá khứ của cô ngay từ chap 1 và kể câu chuyện theo góc nhìn và suy nghĩ của Asuna. Điều này khiến cho Asuna trong SAO:P, đúng như vai trò của mình, là một nhân vật nữ chính ngang hàng với Kirito chứ không phải là “một nhân vật nữ trong dàn harem của Kirito” như trong anime.
+ Kirito:
Tương tự như Asuna, thì Kirito trong SAO:P cũng có sự đầu tư phát triển nhiều hơn. Mặc dù tính cách của Kirito vẫn còn khá “nhạt” và không gây được nhiều ấn tượng giống như trong anime, nhưng tác giả đã thêm vào một số tình tiết khiến cho Kirito bộc lộ được nhiều hơn cá tính của mình. Chi tiết thú vị nhất đối với mình đó là việc Kirito đã chủ động tìm hiểu và cưa cẩm Asuna ngay từ lần đầu gặp mặt. Điều này thực sự khiến mình bất ngờ, mình phải tự hỏi rằng: “Đây có phải là Kirito mà mình từng biết?” Bời vì trong anime, Kirito chỉ cần tỏ ra bá đạo, ngầu lòi là tự động sẽ có gái theo, không cần phải tốn công nhọc sức.
Bên cạnh đó thì bộ manga cũng đưa ra nhiều chi tiết giải thích tại sao Kirito lại chơi SAO quá giỏi.
+ Các nhân vật phụ: Đây cũng là một điểm cộng lớn của SAO:P so với anime. Ở phần Aincrad, các nhân vật phụ hoặc là mờ nhạt, hoặc là không có đất diễn, ví dụ như: Silica và Liz chỉ có một tập của riêng mình, thì trong SAO:P một số nhân vật đã được chú ý nhiều hơn và đóng góp vai trò lớn trong cốt truyện không kém cạnh nhân vật chính. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến là Argo - một cô nàng mặt mèo lém lỉnh và Kizmel - cô nàng dark elf xinh đẹp.
Tuy nhiên thì một số nhân vật trong nam trong anime như: Klein hay Agil sang SAO:P vẫn bị tác giả cho “xếp xó” như thường. (Tội nghiệp Klein. )
+ Mối quan hệ của Kirito và Asuna: Mặc dù ý tưởng của SAO là dựa trên game mang tính chất sinh tồn, nhưng mình không nghĩ “sinh tồn” là yếu tố chính trong SAO. Theo mình, ý tưởng chính của SAO đó chính là sự so sánh giữa thế giới thực và thế giới ảo, và mối quan hệ giữa Kirito và Asuna chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc so sánh đó.
Trong anime, do thời lượng ngắn của arc Aincrad và cốt truyện có phần rời rạc, như là một hệ quả, tình cảm Kirito và Asuna đã phát triển có phần quá vội vàng và không tự nhiên.
Trong SAO:P, nhược điểm trên đã được khắc phục, mối quan hệ giữa Kirito và Asuna không những được phát triển từ từ và hoàn thiện mà còn được nâng tầm lên, trở thành yếu tố chủ đạo trong manga.
Một chi tiết tuy nhỏ nhưng gây được sự thích thú của mình khi xem anime đó là hình ảnh hai cây kiếm của Kirito và Asuna bắt chéo nhau. Và khi tấn công boss, hai người thường có sự đồng bộ và phối hợp rất ăn ý với nhau, cuối cùng là việc kết thúc con boss cũng bằng động tác bắt chéo kiếm.
Điều này thể hiện sự thấu hiểu và mối quan hệ không thể tách rời của cặp đôi. Vì thế mình rất mừng là trong SAO:P, tác giả tiếp tục giữ nguyên chi tiết trên và nhấn mạnh nó trong một số cảnh hành động nhất định.
- Phần hình ảnh:
Phần art được họa sĩ Kiseki Himura thể hiện khá tốt. Biểu cảm nhân vật được thể hiện đúng mực và phát huy được độ hoành tráng của các cảnh hành động. (Tuy nhiên do quen với art trong anime và LN hay sao ấy và đôi khi mình nhìn Asuna cứ tưởng là Ai – chan trong Tawawa on Monday ).
Có thể nói SAO:P là một phiên bản “nâng cấp hoàn thiện” hơn so với anime và là phần hay nhất trong SAO franchise (Ý kiến cá nhân thôi nhe ). Reki Kawahara tuy không phải là một writer thực sự xuất sắc nhưng mà cũng nhận được điểm cộng từ mình do biết tự nhận ra những sai sót của mình và biết tự cải thiện bản thân, điều này không phải ai cũng làm được.
Đánh giá chung: 8/10.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài review.
Nhận xét
Đăng nhận xét