CẢM NHẬN ANIME MÙA ĐÔNG 2020




ATHES IS BACK, BIATCH!!! Vậy là Athes đã trở lại sau 1 khoảng thời gian vắng bóng. Và ngay dịp năm mới 2020, không còn gì phù hợp hơn là việc ta đánh đấu sự trở lại này bằng việc bàn về những bộ anime mới ra mắt trong năm mới của một thập kỷ mới.

Chúng ta chào đón năm mới 2020 bằng một mùa anime đầy đa dạng và đặc sắc. Mùa anime này có 2 điểm làm mình khá hài lòng thứ nhất đó là không còn nhiều sequel (phần tiếp theo của những bộ cũ) mà ta có khá nhiều bộ anime mới với những ý tưởng mới đầy thú vị, thứ hai là mùa này có kha khá bộ có phần art style rất đẹp, trong bài review này mình sẽ khen đi khen lại yếu tố này ở nhiều bộ, do đó, các bạn hãy cố gắng theo dõi nhé.

Về phần đánh giá thì vẫn như cũ mình sẽ có 4 mức đánh giá anime of the season là những bộ hay nhất trong mùa, mức hay là những bộ có nội dung hay, đáng theo dõi, mức okay tạm được và mức tệ.
Các bạn lưu ý là mình chỉ bàn đến những bộ mà mình đã xem trong mùa này thôi, không thể bàn hết tất cả các show được đâu nên nếu bộ nào mà mình không đề cập đến thì đơn giản là mình chưa có thời gian để xem thôi.

Rồi chúng ta bắt đầu thôi nào, mình sẽ đi từng bộ theo thứ tự độ nổi tiếng trên trang MAL. Sau đó là phần Recommendation, nơi mình tổng kết những bộ nào mà mình cho rằng hay nhất, đáng xem nhất trong mùa này.

1. Darwin's Game

Bộ anime kể về Sudou Kaname, một học sinh bình thường tình cờ bị dính vào game sinh tồn dưới dạng app trên điện thoại, có tên là Darwin's Game. Tại đây cậu ta phải chiến đấu chống lại những kẻ có năng lực đặc biệt gọi là Sigil từ khả năng tàn hình, điều khiển vật thể đến tự tạo ra vũ khí cho riêng mình vân vân. Trò chơi trở nên vô cùng khắc nghiệt khi mà cậu không thể thoát khỏi nó và có nhiều kẻ sát nhân sãn sàng giết chết cậu chỉ để dành chiến thắng trong trò chơi.

Mình không biết nữa, bộ này có khởi đầu khá là điển hình với thể loại anime battle royale, chiến đấu sinh tồn. Nhân vật chính chỉ là một cậu học sinh bình thường, gặp phải một cô gái yandere theo đuổi cậu ta và 2 người hợp tác với nhau để vượt qua thử thách sinh tồn đến từ cái điện thoại. Nghe quen quen phải không? Phải đó là Mirai Nikki!

Còn cái năng lực của cậu Kaname nhìn thấy quen quen phải không? Phải đó là Shirou trong Fate stay night.

Ngoài ra còn có nhiều chi tiết khá là edgy,con gấu cầm dao giết người mặc áo có in số 666 to tướng mới chịu. :v Nhóm mafia đứng đầu thành phố giết người xong còn lấy ngón tay đi ngâm rượu nữa. Anh main khúc đầu chỉ do may mắn thoát chết khỏi con gấu bông vì hắn đột nhiên bị xe đụng tư dưng lại được một em người chơi xinh đẹp, mạnh mẽ chú ý và yêu ngay lập tức chứ, đúng là số hưởng. :v

Nói chung thì bộ này chỉ phù hợp với mấy bạn mới bắt đầu tiếp xúc với thể loại sinh tồn battle royale, chứ mình đã xem nhiều bộ rồi thì thấy chưa có gì mới, thú vị lắm.

Thôi đành đánh giá mức trung bình.

2. In/Spectre

Bộ anime kể về Kotoko Iwanaga, lúc 11 tuổi cô bị đã bị yêu quái bắt cóc trong hai tuần và được yêu cầu trở thành Thần trí tuệ của họ, một người trung gian giữa linh hồn và thế giới con người, mà cô gái nhanh chóng đồng ý nhưng phải trả giá bằng mắt phải và chân trái. Bây giờ, sáu năm sau, bất cứ khi nào yêu quái muốn giải quyết vấn đề của họ, họ tìm đường đến Kotoko để tham khảo ý kiến. Trong khi đó, Kurou Sakuragawa, một sinh viên đại học, người mà Kotoko thầm thương trộm nhớ vừa mới chia tay với bạn gái, sau một lần cậu ta đụng độ với một con kappa. Kotoko nhận ra được sự đặc biệt của Sakuragawa và mong muốn cùng với cậu ta giải quyết những vấn đề khác nhau của thế giới siêu nhiên, để rồi một ngày hy vọng rằng cậu ta sẽ đáp lại tình cảm của mình.

Đầu tiên phải nói là mình khá ấn tượng với nhân vật nữa chính là cô bé Kotoko Iwanaga, tạo hình dễ thương và nổi bật với một cái chân giả và một mắt giả do hậu quả của giao ước khi xưa của cô bé với yêu quái. Cô bé cũng có tính cách thú vị, mạnh dạn, dám bộc trực thể hiện tình cảm của mình mà không ngại ngần. Có thể nói cô bé là niềm động lực để mình xem qua vài tập đầu của bộ này.

Thế nhưng mình lại có một vấn đề với cách mà cốt truyện, các tình tiết được dẫn dắt trong bộ anime. Ví dụ cụ thể nhất là ở tập 2, mình đã phải cố gắng lắm xem hết tập này mà không khỏi cảm giác buồn chán vì nhân vật cứ ngồi một chỗ thuật lại một câu truyện chẳng liên quan nhiều. Thay vì nhiều bộ trinh thám khác các nhân vật bắt gặp người chết, từ từ khám phá hiện trường các tình tiết gây án để đi đến kết luận thì ở bộ này lại chỉ ngồi 1 chỗ và kể lại toàn bộ tình tiết như đã biết sẵn trước làm cho tính kịch tính và sự hồi hộp theo dõi theo nhân vật không còn nữa.

Tóm lại thì Kyokou Suiri hay In/Spectre có nhân vật chính xây dựng khá nổi bật nhưng tình tiết, dẫn dắt cốt truyện hơi “thường” giống như những bộ siêu nhiên, bí ẩn khác nên mình chỉ đánh giá mức OK, chưa phải là một bộ hay với mình.

3. Plunderer

Alcia, một thế giới bị chi phối bởi những con số, mọi người dân sinh sống tại đây đều bị ép buộc phải “count” một thứ gì đó. Sự khác biệt về “count” sẽ tạo nên sự khác biệt về địa vị xã hội, người có “count” thấp hơn phải phục tùng, hầu hạ cho kẻ có “count” cao hơn. Ngoài ra, “count” còn liên kết với mạng sống của một con người, nếu count giảm xuống số 0, người đó sẽ bị kéo xuống Abyss, một nơi bí ẩn và được cho rằng còn khủng khiếp hơn cả cái chết. Truyền thuyết kể rằng thế giới này còn tồn tại những kẻ được tự do thay đổi count của mình, được gọi với cái tên Kích Trụy Vương, những kẻ đã xuất hiện và sống sót trong cuộc thanh trừng vào 300 năm trước. Hina, theo di nguyện của người mẹ, đã đi tìm Huyền thoại Kích Trụy Vương” trong suốt 3 năm, và vào ngày nọ, cô đã gặp Licht, một chàng trai chiến đấu vì chính nghĩa,...

Một vấn đề của bộ anime này đó là việc xây dựng thế giới trong những tập đầu. Khi xem tập đầu của bộ anime giới thiệu về thế giới thì ta đã biết quy luật rằng người có count thấp hơn phải phục tùng người có count cao hơn. Thế nhưng ngay từ đầu lại có người dễ dàng phá vỡ việc này bằng việc ép buộc người ta phải thách đấu để cướp hết count của một cô gái yếu đuối. Nên làm cho quy luật trên vô dụng hoàn toàn? Và rốt cuộc vấn đề chỉ trở về việc ai mạnh hơn ai thôi, số count không quan trọng bởi vì nó chỉ là 1 con số ngẫu nhiên thôi như giới thiệu từ đầu. Một bộ anime ở những tập đầu thì nên giới thiệu ý tưởng những quy luật của thế giới một cách thống nhất và ổn định, chứ thay đổi xoành xoạch thì sẽ làm cho khán giả không còn tin tưởng vào quy luật đó và làm cho ý tưởng của bộ anime không còn giá trị nữa.

Một vấn đề nữa đó là những cảnh ecchi fanservice của bộ này cảm giác không làm hứng lên mà ngược lại còn phản cảm nữa. :v Có quá nhiều cảnh sàm sở, lạm dụng tình dục thậm chí là ý định “hấp diêm” mà nhân vật nữ không chống cự lại được. Nhân vật Hina mới 2 tập đầu thôi đã bị nhân vật chính Licht sàm sỡ sau đó liền bị một tên giả mạo Kích trụy vương thậm chí có ý định muốn “hấp diêm” luôn. Bác nào có rape, tentacle fetish chắc mới thích còn tôi xin thôi.
Nhân vật chính Licht khúc đầu tưởng thích Hina rốt cuộc từ tập 3 thì lộ ra chỉ là một tên biến thái gặp gái nào cũng muốn giở trò sàm sở hết.

Nói chung là format điển hình trai đẹp OP cứu gái with some “r*pes” (SAO flashback :v)
Nên đánh giá tệ, không khuyến khích các bạn nào không thích ecchi, harem xem.

4. Somali to Mori no Kamisama

Trong 1 thế giới chứa đầy các linh hồn và các sinh vật huyền bí. Con người đã bị đẩy đến bờ vực gần như tuyệt chủng. Một ngày có một con golem bắt gặp một cô bé loài người lạc lõng, hoàn toàn mất đi trí nhớ.
Đây là chuyến hành trình của họ, một thành viên của chủng tộc loài người chỉ còn trong chuyện cổ tích và một kẻ bảo hộ của khu rừng. Xem nhau như cha-con, họ cùng nhau du hành tìm kiếm dấu vết của con người, tìm kiếm nơi an toàn cho cô bé Somali.

FINALLY SOME GOOD F*CKING ANIME! Xem từ tập 1 thôi là ta đã phải ấn tượng, trầm trồ bởi cái background quá đep!
Phần cảnh nền của bộ anime được vẽ bởi Niemu Vincento, phần background không những có nét vẽ chi tiết mà còn có màu sắc vừa sặc sỡ vừa êm dịu góp phần xây dựng nên một thế giới fantasy đầy đẹp đẽ nhưng cũng nhẹ nhàng, tạo cảm giác dễ chịu cho người xem, phù hợp với thể loại iyashikei của tác phẩm.

Không những có art cực đẹp mà bộ anime còn có nội dung nhân văn và xây dựng nhân vật tốt. Ở đây mình muốn đề cập đến nhân vật Golem (người cha). Golem là một nhân vật được giới thiệu là không có cảm xúc, thường thì những nhân vật như thế này làm mình khá chán vì mình cần nhân vật thể hiện cảm xúc tốt để mình có thể đồng cảm nhiều hơn. Thế nhưng ở đây tác giả lại xây dựng nhân vật này rất tốt và rõ ràng khiến cho mình không những đồng cảm, hiểu được lý do đằng sau hành động của nhân vật này mà còn ngày càng thích thú với nhân vật này hơn.

Ngay từ đầu chúng ta đã được giới thiệu về nhân vật này muốn du hành cùng cô bé somali để đưa cô bé về với chủng tộc loài người nơi có thể bảo vệ, che chở cho cô bé, giữa thế giới mà con người có thể bị săn bắt và ăn thịt và golem sẽ không còn sống được lâu nữa nên ta thấy rõ ràng việc này xuất phát từ sự quan tâm, yêu thương đặc biệt mà golem dành cho cô bé để mới có đủ động lực rời khỏi khu rừng găn bó với mình gần cả ngàn năm. Và Golem-san không ngại che giấu suy nghĩ của mình, khi không hiểu những hành động trẻ con của somali thì golem-san chỉ đơn giản nói là không hiều, tuy không thể hiện được cảm xúc nhưng golem-san vẫn cố gằng miêu tả nó ra những gì mình cảm thấy trong lòng, “khi thấy somali bị thương, tôi cảm thấy trong tim mình nhói lên”, sự đơn giản chất phác trong nhân vật golem làm chúng ta ngày càng thấy yêu mến nhân vật này hơn.

Sự xây dựng nhân vật tốt đã khiến mình dễ đồng cảm với nhân vật hơn và khiến những tình tiết cảm động dễ “thấm” hơn. Thành thật thì cảnh cảm động trong tập 4 đã làm mình phải ứa nước mắt.

Yeah, đây chắc chắn là Anime of the season của mình trong mùa này, art đẹp nội dung vừa nhẹ nhàng vừa cảm động, không có gì để chê!

5. Eizouken ni wa Te wo Dasu na!

Bộ anime kể về Midori Asakusa, một cô bé rất thích mơ mộng và tưởng tượng, cô thường xuyên vẽ chi tiết những công trình, cảnh vật, máy móc,... từ quan sát thực tế kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của mình. Đối lập với cô là cô bạn thân Sayaka Kanamori, một người có cái nhìn thực dụng và luôn muốn đưa Asakusa hay mơ mộng về với thực tại.

Một lần tình cờ hai cô bạn “giải cứu” thành công một cô bé người mẫu xinh đẹp Tsubame Misuzaki từ đám vệ sĩ của cô và biết rằng cô cũng rất thích anime và muốn được vẽ các nhân vật chuyển động. Những người cùng chí hướng gặp nhau và cuộc hành trình tạo ra anime, hành trình khám phá thế giới của những ý tưởng sáng tạo bắt đầu!

Một bộ anime về quá trình tạo ra anime, một chủ đề mà mình nghĩ rằng chắc chắn với các bạn nào đam mê, yêu thích loại hình nghệ thuật này đều mong muốn tìm hiểu. Khi chúng ta xem một bộ anime thì rất nhanh thôi nhưng mà ít ai biết rằng quá trình tạo thành một bộ anime thì không hề đơn giản tí nào. Không những là thời gian công sức ngồi vẽ hàng đống tranh của các animator mà đó còn là quá trình lên ý tưởng, xây dựng thế giới trong bộ anime sao cho vừa phát huy tính sáng tạo của người nghệ sĩ vừa phải phù hợp với thực tại để người xem có thể liên hệ được.

Bộ anime lấy cảm hứng từ animator, đạo diễn đại tài Hayao Miyazaki, cụ thể là các nhân vật trong Eizouken có được tình yêu với anime thông qua tác phẩm đầu tiên làm đạo diễn của Miyzaki-san đó là “Future boy Conan”. Mình cho đây là một ý tưởng tốt bởi vì khi xem những bộ anime của Miyazaki-san chúng ta đã từng phải choáng ngợp trước sức sáng tạo và xây dựng thế giới đầy đẹp đẽ đến như thế nào, điều này khiến cho khán giả dễ dàng đồng cảm trước niềm yêu thích anime, mong muốn được tạo ra anime của các nhân vật.

Điều thú vị ở bộ anime này đó là cách thể hiện trí tưởng tượng của nhân vật, thông thường khi bắt đầu làm một bộ anime thì người ta phải lên ý tưởng trước và những ý tưởng đó được vẽ bởi những hình ảnh phác họa đơn sơ gọi là “concept art”. Và ở đây để thể hiện chân thật những hình ảnh mà nhân vật nghĩ ra trong đầu, bộ anime cũng sử dụng những hình ảnh phác họa đơn sơ luôn, nhưng chúng vẫn rất hiệu quả thể hiện được vẻ đẹp thế giới mà bộ anime muốn truyền tải.

3 nhân vật chính được xây dựng hợp lý và có mối tương tác sinh động, đầy thú vị với nhau. Mỗi người đều có những nét ngoại hình tính cách riêng biệt và hỗ trợ lẫn nhau, người này bù đắp những thiếu sót của người kia. Nếu như hai cô bé Asakusa và Misuzaki đầy tài năng nhưng đôi khi quá mơ mộng thì Kanamori lại giúp hai cô bé về với thực tại đưa ra các giải pháp hợp lý giúp cho dự án anime được hoàn thành.

Bộ anime không những đầy bổ ích cung cấp cho những người yêu thích anime chúng ta quá trình tạo nên anime mà còn là một câu chuyện đầy lạc quan, truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ hoạt hình, những người yêu thích vẽ nói chung hãy cứ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình bởi vì thế giới của hoạt họa là không có giới hạn.

Đánh giá: Anime of the season!

6. Jibaku Shounen Hanako-kun
Hanako-san, Hanako-san ... bạn có ở đó không?

Tại Học viện Kamome, có rất nhiều tin đồn về Bảy điều bí ẩn của trường, một trong số đó là Hanako-san. Tại căn phòng thứ 3 toilet nữ ở tầng ba trong tòa nhà cũ, Hanako-san thực hiện bất kỳ mong muốn nào khi được triệu tập. Nene Yashiro, một nữ sinh trung học yêu thích sự mơ mộng, lãng mạn, mạo hiểm vào phòng tắm bị ma ám này ... nhưng Hanako-san mà cô gặp không giống như cô tưởng tượng! Hanako-san của Học viện Kamome ... là một cậu bé!

Đầu tiên dĩ nhiên phải đề cập đến art style cực độc đáo và dễ thương của bộ này. Thông thường thì ít có anime sử dụng nét vẽ đậm, bởi vì khi sử dụng thì bạn phải khéo léo điều khiển độ đậm nhạt của nét vẽ sao cho hợp lý. Và việc bộ anime này sử dụng nét vẽ đậm đã mang đến một sự ấn tượng mạnh cho người xem mỗi khi nhìn vào, giúp các nhân vật nổi bật lên rất nhiều so với phần nền.

Một điều nữa đó là việc studio Lerche đã thực hiện bộ anime theo hướng theo sát manga nhất có thể khiến cho bộ anime cảm giác giống như một “motion comic” (truyện tranh chuyển động) hơn là một bộ phim hoạt họa. Sự thiếu hụt animation ở đây là điều không tránh khỏi thế nhưng mình lại thích cái phong cách này và cảm thấy được sự cuốn hút của nó.

Về nhân vật thì cậu nhân vật chính Hanako-kun của chúng ta chắc hẳn không cần phải giới thiệu gì nhiều vì đã làm mưa làm gió mạng xã hội trong thời gian qua. Ở tập 1 mình cũng còn một chút hoài nghi về bộ anime này vì các chi tiết hài hước hơi “hit or miss” và sợ rằng nó sẽ thành một bộ romcom thông thường gì đó. Thế nhưng từ tập 3,4 thì bắt đầu thực sự cuốn vào bộ anime, các chi tiết bí ẩn được xây dựng tốt, mỗi điều bí ẩn tại trường Kamome có một năng lực riêng và backstory của họ cũng khá thú vị.

Nên mình nghĩ rằng đây là một bộ anime hay và đáng xem trong mùa này, nội cái artstyle rực rỡ và cặp nhân vật chính đầy dễ thương thôi là cũng đủ để các bạn “siêu lòng “ rồi. :v

7. Magia Record: Mahou Shoujo Madoka☆Magica Gaiden (TV)

Có một lời đồn rằng các cô gái sẽ được ban tặng cho một điều ước bất cứ thứ gì mà họ muốn, đổi lại họ sẽ phải biến thành các “ma trang thiếu nữ” chiến đấu chống lại các thực thể đáng sợ là phù thủy (witches).

Nhân vật chính của Magia Record là Iroha Tamaki, hiện đang tìm kiếm người em gái mất tích của mình là Ui tại thành phố Kamihama. Và cũng tại Kamihama, Madoka (nhân vật chính của Madoka Magicka) cũng đang tìm kiếm Homura đã bị mất tích.

Đây là chuyển thể từ một game mobile spin-off của tựa anime nổi tiếng Madoka Magicka. Chắc hẳn các bạn đọc điều đã nghe qua về bộ Madoka này rồi, một bộ anime đã nổi lên như một hiện tượng sau đó đã làm thay đổi hoàn toàn thể loại Magical girls theo hướng dark không ngờ tới.

Bộ spin-off sau nhiều năm của Madoka Magicka làm người ta đặt nên nhiều kỳ vọng liệu rằng lần này studio Shaft có giữ được bầu không khí, cái chất của tác phẩm gốc và liệu rằng bộ anime này có bổ sung thêm điều gì mới thú vị, đặc sắc không hay chỉ là một sản phẩm ăn theo đơn giản?

Thực sự mình cũng giống như nhiều khán giả khi xem bộ anime này đã đặt ra khá nhiều câu hỏi khi mà nhà biên kịch nổi tiếng của Madoka Magicka - Gen Urobuchi không còn tham gia dự án lần này. Well, sau khi xem 3 tập đầu thì bộ anime vẫn giữ được chất của Madoka Magicka về mặt hình ảnh, còn nội dung thì ... chưa biết. :v

Về mặt art, bộ anime vẫn giữ nguyên đạo diễn “Gekidan Inu Curry” những người từng vẽ background cho Madoka, và thiết kế nhân vật Junichirou Taniguchi như cũ. Chúng ta vẫn có vẫn những con witch cực đẹp và kỳ dị. Nhân vật dễ thương theo đúng phong cách của Madoka. Tuy nhà soạn nhạc Yuki Kajiura không tham gia bộ anime này nhưng mà một vài bản nhạc của bà vẫn được sử dụng trong bộ anime này, điển hình như bản nhạc nền chính quen thuộc: https://www.youtube.com/watch?v=btmSuNcxiIU , đây là một việc làm tốt giúp các khán giả đã xem qua Madoka cảm thấy quen thuộc với bộ anime lần này hơn.

Còn về nội dung thì thú thật mình cũng không biết phải đánh giá sao nữa, với dàn nhân vật hoàn toàn mới chắc chắn sẽ cho ta một hướng phát triển hoàn toàn khác với tác phẩm gốc. Và việc giới thiệu sẽ có một vài nhân vật của Madoka tham gia vào tác phẩm lần này làm mình tò mò không biết rằng họ sẽ đóng vai trò gì lần này. Yeah, do đó mình chưa thể đánh giá bộ anime này. Bộ anime gốc vốn cũng có nội dung khá phức tạp với nhiều twist and turn nên ai biết đâu chừng bộ anime lần này cũng sẽ có những twist khiến cốt truyện thay đổi hoàn toàn. Hiên tại thì mình chỉ có thể nói rằng nếu bạn yêu thích phần art style và thiết kế nhân vật dễ thương của Madoka Magicka thì bộ anime này vẫn rất đáng xem!

8. Id: invaded

Trong một xã hội khoa học kỹ thuật tân tiến người ta đã chế tạo ra “Mizuhanome” một thiết bị cho phép thu thập các “hạt nhận thức” - những mãnh vỡ ký ức ẩn chứa trong tiềm thức của những tên sát nhân hàng loạt. Sau đó một thế giới ảo gọi là “id well” được tạo nên như một hiện trường vụ án để các “thám tử tài ba” vào đó khám phá quy luật vận hành của thế giới và tìm ra thủ phạm.

Nhân vật chính của chúng ta là Akihito Narihisago, anh từng là một sĩ quan cảnh sát tuy nhiên vì trả thù cho cái chết đầy nhẫn tâm của cô gái gây ra bởi một tên sát nhân hàng loạt mà anh phải rơi vào cảnh lao lý. Anh có khả năng vào các “id well” để trở thành “thám tử tài ba Sakaido” giải quyết các vụ án do sát nhân hàng loạt gây ra. Trong thế giới “Id well” có một kẻ bí ẩn là “John walker” xuất hiện thường xuyên được cho là “kẻ tạo ra các sát nhân hàng loạt” và nội dung chính của bộ anime là tìm ra chân tướng của tên “John Walker” đó.

Id: invaded là 1 bộ anime cực thú vị mà bạn có thể đã bỏ lỡ. Nó là một bộ anime ít nổi trong trong mùa này và ban đầu mình đã gần như muốn bỏ qua bộ anime này, cho đến khi đọc comment bảo hack não thì mình mới thấy có hứng để xem bởi vì mình là người rất thích xem những bộ kỳ dị hay hack não.

Nhìn vào dàn staff thực hiện bộ original này thì thì cái tên nổi nhất hiện lên đó là đạo diễn Ei Aoki, một đạo diễn khá “hit or miss” với bộ anime đầy tuyệt vời như Fate/zero và ngược lại cũng có những bộ trainwreck cực nặng như Aldnoah.Zero. Điều này khiến cho bộ anime ít nhận được sự kỳ vọng và chú ý là dĩ nhiên. Tuy nhiên có một người khác trong dàn staff theo mình đã đóng vai trò rất quan trọng làm nên sự thú vị cho bộ anime này đó là biên kịch Ontarou Maijou. Người này được biết đến là một tác giả có nhiều ý tưởng cực kỳ “điên rồ” cho các tác phẩm của mình. “Ryuu no Haisha” là một bộ về việc làm nha sĩ, đánh răng … cho rồng. Yeah, ý tưởng đó có tồn tại. :v Cùng nhiều bộ truyện kỳ quặc khác. Nên mình nghĩ biên kịch lần này đã khiến cho bộ anime ngay lập tức có được sự chú ý của mình ngay từ những tập đầu tiên.

Ý tưởng của bộ anime này mình nghe là khá giống với game “AI: The Somnium Files”, tuy nhiên xét riêng trong loại hình anime thì đây vẫn là một ý tưởng đầy độc đáo và táo bạo. Mỗi tên sát nhân hàng loạt có một thế giới “id well” khác nhau đã cho ta vô hạn khả năng và sự sáng tạo để tạo ra những thế giới riêng biệt, độc đáo và thú vị. Người xem ban đầu cũng giống như nhân vật mới tỉnh dậy không biết gì về thế giới mình đang ở. Từ từ khám phá ra các quy luật vật lý trong thế giới đó và ghép các mảnh ghép lại với nhau ta có thể tìm ra manh mối để giải các vụ án. Thật là một ý tưởng khiến người ta phấn khích hơn cả các thể loại bí ẩn thông thường!

Vậy thì với ý tưởng đầy tiềm năng như vậy thì bộ anime có thể hiện tốt không? Well,… cũng một phần. :v Khi xem 2 tập đầu mình hơi hụt hẫng vì vụ án được giải quyết khá nhanh. Bộ anime sử dụng khá nhiều thứ “công nghệ cao” khiến cho hơi quá thuận tiện trong việc tìm ra manh mối và giải quyết vụ án. Ví dụ như tập 2, chỉ từ dữ kiện nhân vật chính tồn tại bao nhiêu giây trong thế giới “id well” và ánh sáng phản xạ gì đó từ Mizuhanome mà tính toán làm sao ra chính xác vị trí húng thủ luôn! Mình không biết tính toán kiểu gì hay dữ vậy. :v

Nhưng mà “nitpick” chút thôi chứ mình vẫn rất thích bộ anime này. Và cảm thấy bộ anime càng ngày càng cuốn, chất lượng writing càng ngày càng tốt hơn. Càng về sau thì các vụ án ngày một hấp dẫn và các suy luận của nhân vật chính cũng thú vị hơn.

Nên tụ chung lại Id invaded là một bộ anime rất hay và đáng xem trong mùa này, đây có thể là bộ anime mà mình mong chờ ra từng tập nhất mùa. Và bởi vì là hàng original nên không sợ các thế lực “spoilers” cũng là một điểm hấp dẫn của bộ anime này.

9. Dorohedoro
Thế giới của Dorohedoro được chia thành 2 phần: “hole” - thế giới của những người bình thường và thế giới của các pháp sư. Tuy nhiên các pháp sư là những kẻ thích gây ra rắc rối, họ thường xuyên vào “hole” để thử nghiệm pháp thuật lên con người.

Kaiman, nhân vật chính của chúng ta là một cư dân của “hole”, một ngày không đẹp trời tí nào đã bị một tên pháp sư nào đó phù phép biến đầu của cậu thành đầu thằn lằn và khiến cho cậu có khả năng miễn nhiễm pháp thuật sau đó. Bộ anime theo chân Kaiman và và bạn của cậu là Nikaido trong cuộc hành trình tìm ra kẻ đã biến cậu thành một sinh vật kỳ dị và sẵn tiện trừ khử luôn mấy tên phép sư đáng ghét.

Thêm một bộ anime khá là lạ trong mùa này, lần này là chuyển thể từ 1 bộ manga đã có từ lâu rồi. Bộ manga được đánh giá là có art style đầy chi tiết và độc đáo nên câu hỏi nhiều người đặt ra cho bộ anime lần này đó là có đáp ứng được phong cách grim dark và hỗn loạn trong manga hay không. Cùng với việc sử dụng CGI kết hợp với hoạt họa 2D đã dấy lên không ít lo ngại rằng có thể nó lại trở thành thảm họa như Berserk (2016).

Vậy thì trước tiên ta hảy bàn về art style và animation của bộ này có tốt hay không? Well, câu trả lời nằm ở giữa, nó … tạm được. Nó chắc chắn không thể tốt như CGI của studio Orange: Houseki no Kuni, và Beastars, nhưng mà dĩ nhiên cũng không phải là 1 thảm họa như chuyển thể Berserk. Phần art style có những điểm trừ và điểm cộng.

Về điểm công thì ta có phần background art rất đẹp được thực hiện bởi Shinji Kimura - một “huyền thoại” trong giới vẽ background art. Ông đã từng tham gia những bộ anime kinh điển như Akira, My Neighbor Totoro hay arthouse như Angel’s Egg và những bộ gần đây như Kaijuu no Kodomo hay Kekkai Sensen,.. Tất cả những bộ trên đều có phần background cực đẹp.
Phần background của Dorohedoro được pha màu sắc phù hợp với không khí hậu tận thế, đen tối trong bộ anime. Có thể nói chính phần background đã cứu vớt tác phẩm này khỏi một chuyển thể thảm họa.
Thế nhưng lại có 1 điểm trừ đó là phần thiết kế nhân vật được pha một tông màu hơi tươi quá khiến cho nhân vật cảm giác khá là hợm hĩnh không phù hợp với bầu không khí của bộ anime lắm. Và chuyển động của nhân vật cảm giác còn cứng chưa mượt mà như hàng của studio Orange.
Tuy nhiên với ý tưởng độc đáo và cái chất bạo lực, điên loạn rất riêng của bộ anime. Đây vẫn là một tác phẩm hay, đáng xem trong mùa này. Phần CGI có thể làm bạn hơi thất vọng trong tập đầu thế nhưng xem dần sẽ quen và thấy thích thú với từng nhân vật trong bộ anime mà thôi.

10. Runway de Waratte

Bộ anime kể về Fujito Chiyuki, lúc nhỏ cô là một người mẫu thời trang và cha cô là giám đốc công ty thời trang Mille Neige danh tiếng. Cô mơ ước có 1 ngày được biểu diễn tại tuần lễ thời trang ở Paris, thế nhưng ước mơ của cô trở nên gần như không thể vì cô không cao lên được nữa chỉ ở mức 158 cm.

Mặc dù như vậy, cô vẫn không từ bỏ ước mơ của mình, một lần khám phá ra cậu bạn cùng lớp Tsumura Ikuto có tài năng thiên bẩm về thiết kế quần áo. Cùng nhau, họ bắt đầu hành trình làm những điều không thể để thực hiện ước mơ của mình.

Đầu tiên phải nói về việc một người mẫu cao 158cm. Mình nghĩ ở ngoài đời không thể nào có chuyện đó xảy ra đâu. Khi ta nhắc người mẫu thì thứ đầu tiên người ta nghĩ đến là cao. Chiều cao là thứ tiên quyết để trở thành người mẫu. Nên khi bộ anime giới thiệu về ước mơ của cô bé Chiyuki mình nghĩ nó hơi không thực tế chăng và bên cạnh đó thì thời trang là chủ đề mà mình hoàn toàn không có hứng thú tìm hiểu.

Cho nên cho dù mình không thấy điều gì tệ ở bộ anime này như các nhân vật được thể hiện khá tốt và mối tương tác giữa cặp nhân vật chính Chiyuki và Ikuto khá dễ thương thì mình vẫn thấy hơi chán chán.

Bộ anime cho mình cảm giác như 1 bộ sport shounen vậy kiểu như có ý chí mạnh mẽ là ta sẽ vượt qua mọi thử thách bla bla. Thể loại sport shounen thì mình trước giờ không thích xem toàn drop. Mình biết là nhiều bạn đọc chắc hẳn sẽ thích bộ anime này nếu bạn thích thể loại này và có quan tâm đến thời trang nên vẫn recommend các bạn nên xem.

Còn đối với mình thì chỉ đánh giá ở mức ok.

KẾT LUẬN, RECOMMENDATION

Mùa này đối với mình là 1 mùa khá hay, ta có 5/10 bộ hay và đáng xem.
Somali to Mori no Kamisama và Keep Your Hands Off Eizouken! Là 2 bộ mà mình thích nhất mùa này, recommend mạnh cho mọi người. Ngoài ra thì Id:invaded, Jibaku shounen Hanako-kun và Dorohedoro cũng là những bộ có nội dung đầy đặc sắc, các bạn nên xem qua nếu chưa biết đến.
Bài viết đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.
#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến