[ GIẢI THÍCH ] : Life of Pi - Richard Parker có thực sự tồn tại?

[ GIẢI THÍCH ] : Life of Pi - Richard Parker có thực sự tồn tại?

                                                        


Có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều, Life of Pi là một bộ phim vô cùng nổi tiếng và thành công mà có lẽ ai cũng đã từng xem qua hay được nghe nhắc tới. Xoay quanh nhân vật chính- cậu bé Pi 16 tuổi cùng chuyến hành trình lênh đênh trên biển trong hơn 200 ngày, tác phẩm như một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, với nhiều ý nghĩa về hy vọng, mạo hiểm, sinh tồn cũng như niềm tin và tôn giáo.

Life of Pi là là một bộ phim của Mỹ được ra rạp vào năm 2012. Tác phẩm được David Magee chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Yann Martel do Lý An làm đạo diễn. Với một cốt truyện đầy hấp dẫn, lý thú nhưng không kém phần ác liệt và nhiều chi tiết phức tạp, bộ phim đã giành được giải Quả cầu vàng cũng như nhiều giải thưởng khác tại lễ trao giải Oscar.

Pi Pattel- một cậu bé người Ấn Độ trên đường di cư sang Canada cùng cả gia đình, đã gặp tai nạn. Pi là người duy nhất sống sót trên một chiếc xuồng cứu hộ cùng một vài con vật khác. Cậu lênh đênh suốt hơn 200 ngày, băng qua đại dương để sống sót. Trong suốt cuộc hành trình đầy kiên cường và khó tin này, không ít lần người xem phải đặt ra câu hỏi: đó có phải là thực? Đâu mới là ảo? Những câu hỏi ấy lại càng trở nên đặc biệt khi đạo diễn Lý An lại không có bất cứ giải thích đến với người xem.

-Richard Parker- Chú hổ Bengal to lớn.

Nếu bạn đã xem Life of Pi, không khó khăn gì để cái tên này gây ấn tượng và tự động khắc sâu vào tiềm thức bạn như một phản xạ tự nhiên. Đây là cái tên của chú hổ Bengal đầy hung hãn đã gắn bó với nhân vật chính xuyên suốt hành trình. Việc có một cái tên người, khiến mỗi lần được gọi, ta càng cảm thấy chú hổ này thực sự có nhân cách, như một “con người” riêng biệt. Richard Parker- theo lời Pi là đã cứu sống cậu trong chuyến hành trình trên biển ấy. Lời giải thích Pi đưa ra là: đáp ứng nhu cầu sinh tồn của Richard Parker đem lại cho cậu mục đích sống. Đồng thời rõ ràng, việc chàng hổ Bengal này trên xuồng cũng như một cách để Pi bớt cô đơn, “giữ cho đầu óc tỉnh táo” như trong sách hướng dẫn đã dạy, và có thể giúp tinh thần cậu không sụp đổ trước khi dạ dày trống rỗng. Rõ ràng, vai trò của Richard Parker là về mặt tinh thần đã giúp Pi sống sót. Chú hổ ấy như người bạn đặc biệt nhất, đến nỗi Pi đã khóc khi Richard Parker bỏ đi. Trong câu chuyện thứ 2 mà Pi kể, câu chuyện không có con hổ này, ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng giữa Richard Parker và Pi, thể hiện mối quan hệ giữa hai người cũng có nhiều điểm tương đồng. Và một điểm đáng chú ý hơn cả: sau tất cả tai nạn này, người duy nhất từng nhìn thấy Richard Parker duy chỉ có Pi. Vậy ta lại phải đặt ra câu hỏi: liệu chú hổ Bengal này có thực sự tồn tại? Hay liệu đó là trí tưởng tượng của Pi- đó là bản năng, là “thú tính” đã giúp cậu sống sót?

Nhớ lại đoạn đầu và kết của phim, ta có được thấy Pi khẳng định: khi nhìn vào đôi mắt của Richard Parker, cậu thấy được tâm hồn của nó, chứ không chỉ có tâm hồn cậu được phản chiếu lại. Từ đầu đến cuối, chú hổ Bengal này vẫn có một vai trò như một sự tồn tại độc lập với Pi. Duy chỉ có trong câu chuyện thứ 2 được kể, cậu và Richard Parker không cùng tồn tại, ta được thấy một khả năng khác với những gì mình nghĩ: không hề có con vật nào trên xuồng cả. Tất cả đều là con người. Và Pi đã phải giết kẻ khác để ăn thịt họ, có vậy cậu mới sống. Điều này tương đồng với việc Richard Parker đã giết con linh cẩu, ăn thịt nó cũng như những xác động vật khác. Vậy thì liệu đâu mới là thật? Nếu suy xét cho cùng, khi mà Pi nói về việc Richard Parker đã cứu mình về mặt tinh thần như thế nào, chẳng phải giống như cách nói đầy ẩn dụ về việc “thú tính” trong con người cậu khi bị dồn ép đã nổi lên đấy sao? Richard Parker có lẽ hoàn toàn không có thật, chỉ là một ảo tưởng về bản năng sinh tồn hoang dã vất hết nhân tính của Pi đã trỗi dậy và ăn thịt đồng loại mà thôi. Tuy nhiên, Pi tin vào thứ cậu muốn tin, như cái cách mà cậu theo đến tận 3 tôn giáo một lúc. Bạn chắc cũng biết đến những hiện tượng tâm lý, khi mà não bộ tự sinh ra những ký ức sai lệch theo cách nó muốn. Đặc biệt lại trong hoàn cảnh của Pi nữa, có lẽ đã chứng kiến mẹ mình bị giết trước mắt, bản năng sinh tồn đã trỗi dậy khiến cậu ăn thịt đồng loại, và đến cuối cùng thì không tin vào điều đó, mà tin vào một Richard Parker đã cứu sống cậu...

-Hòn đảo ăn thịt bí ẩn

Bạn chắc còn nhớ về một hòn đảo ăn thịt người đầy đáng sợ mà Pi đã vô tình đặt chân lên. Điều đáng nói ở đây không chỉ có việc nó ăn thịt người, mà còn là về hình dáng đặc biệt của nó nữa. Chỉ là một khung cảnh thoáng qua, nhưng ta đều thấy đó là một người phụ nữ. Nếu bạn suy xét tiếp với những giả thuyết mình vừa đưa ra như trên, rằng Pi đã ăn thịt những người sống sót cùng cậu sau khi bị dồn vào bước đường cùng, rồi tự ảo tưởng rằng Richard Parker đã ăn thịt bọn thú nhỏ, thì sẽ nhận ra điều này: hòn đảo tiếp tục là một bằng chứng khác về giả thuyết ấy. Đầu tiên, ta thấy: hòn đảo ban thức ăn và sự sống vào ban ngày, lấy đi tất cả vào ban đêm như một cách ẩn dụ. Hoặc là về đức tin: nếu bạn còn niềm tin, bạn sẽ sống. Hoặc là cách ẩn dụ về bản thân Pi: Richard Parker là ban ngày, đem lại sự sống cho Pi bằng cách làm chỗ dựa tinh thần cho cậu, đúng hơn là “thú tính” và “bản năng” đã khiến cậu ăn thịt đồng loại. Ban đêm: chính là phần đối lập với Richard Parker “ban ngày” kia: là nhân cách còn lại: cậu nhận ra mình là kẻ ăn thịt người như cách cậu nhận ra hòn đảo ăn thịt người: nhờ vào cái răng còn sót lại. Việc hình ảnh hòn đảo mang hình hài người phụ nữ cũng được lý giải nếu nhìn nhận theo hướng này: đó là mẹ của Pi. Trong phim, ta chỉ thấy có 2 người phụ nữ đáng chú ý: mẹ Pi và bạn gái cậu. Việc cậu ăn thức ăn từ hòn đảo mang hình dáng mẹ cậu là bằng chứng không phải ai cũng nhận ra. Từ đó càng khẳng định giả thuyết Pi ăn thịt người, và bản thân cậu phần nào nhận ra điều đó. Chi tiết hồ nước biến thành Axit phân hủy cá chính là hình ảnh Axit trong dạ dày người phân hủy thức ăn của Pi ( cũng có bao gồm cá sau khi cậu ăn hết người). Còn việc hòn đảo vừa mang hình dáng của mẹ Pi vừa ẩn dụ cho “nhân tính” và “thú tính” của Pi cũng đã như muốn nói rằng: mẹ của cậu giờ đã luôn ở bên cậu- trong bụng . Chính vì vậy, ở phân đoạn trước khi Pi rời đi, cậu đã buộc một dải băng lên hòn đảo- một hành động đặc trưng của tôn giáo mà người mẹ theo.

-Những chi tiết khác.

Trong cơn giông tố, khi mà Pi đã thực sự đạt đến giới hạn: một kẻ theo ba tôn giáo để mong tìm được hình hài của Chúa lại bị Ngài đẩy đến cùng cực, đã chấp nhận buông bỏ, nhưng chú hổ Bengal thì không. Phần “nhân tính” là Pi đã không còn có thể giữ vững niềm tin vào tôn giáo, định buông bỏ hết. Còn phần “thú tính” là Richard Parker tượng trưng cho bản năng sinh tồn của cậu thì lại cương quyết muốn sống. Để rồi khi cả hai cùng nhận ra mình cũng chỉ là thứ nhỏ bé trước cuộc đời này, chú hổ đã gục đầu vào Pi. Cả một hành trình dài bao ngày đêm, khi mà hai phần “con” và “người” liên tục đấu đá nhau- phần thì muốn sống, phần thì muốn giữ lại nhân cách, và bây giờ, đứng trước niềm tin đang dần lụi tàn: Pi đã thay đổi. Cậu ngay lập tức xin lỗi Richard Parker, và có lẽ là khung cảnh thể hiện rõ nhất sự thấu hiểu của hai nhân vật này. Cậu gần như bỏ đi đức tin, và nghe theo “bản năng”. Việc Pi nói trước cơn bão: “Appa, con sắp đến với cha rồi đây” chứ không hề nhắc tới mẹ (hoặc mình nhớ sai) như là những gì cuối cùng của phần “người” còn sót lại, ngay trước khi hi vọng sống lại điên cuồng trỗi dậy. (Còn tại sao không nhắc tới mẹ, chắc bạn cũng hiểu rồi đấy)

Đến cuối cùng, khi vượt qua tất cả và được cứu sống, Richard Parker đã bỏ đi mà không một lời tự biệt. Tại sao? Như lúc cậu chia tay bạn gái để chuyển đi, Pi không nói tạm biệt. Nó quá đau lòng để nói ư? Hay vì cậu tin rằng chúng ta sẽ gặp lại? Hẳn là Richard Parker cũng nghĩ vậy. Con hổ đại diện cho bản năng sinh tồn, phần con của Pi đã đi mất. Nhưng nó không hề ngoái lại. Cảnh cuối phim, Pi cười rạng rỡ với Richard Parker bước đi vào khu rừng như khẳng định lại điều đó. Pi được cứu sống rồi, và cậu từ nay lại là “người” , không phải bỏ đi nhân cách để sống nữa, phần “con” không cần nữa. Chính vì vậy, nếu như Richard Parker thực sự chỉ là tưởng tượng do Pi tạo nên, thì việc nó bỏ đi sẽ thật hợp lý. Đau đớn? Có đấy. Nhưng đó là cần thiết. Chú hổ Bengal không nhìn lại như không chào tạm biệt, không kết thúc mối quan hệ giữa hai người như muốn nói rằng: phần “con” sẽ không bao giờ mất đi, khi con người bị đẩy tới giới hạn, nó sẽ lại quay trở lại.

Vậy, liệu rằng con hổ trong mỗi chúng ta sẽ trỗi dậy?

Như cả bài trên, nếu bạn suy xét bộ phim theo hướng mà mình đã cho các bạn thấy: hướng đi của câu chuyện thứ 2- câu chuyện không có con hổ mà là phần “con” với phần “người”, không khó để nhận ra: bản năng là thứ tự nhiên tiềm ẩn luôn sẵn có. Khi bị dồn ép, như Pi, nó sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, đẩy ta vào những gì không phải ta, những gì rất “hoang dã”.

Vậy, với một bản năng như vậy, ta có nên chối từ? Pi có chối từ Richard Parker không? Hay cậu cùng nó đã sống dựa vào nhau? Cậu không chối bỏ bản thân mình, cậu dựa vào nó. Sẽ ra sao nếu vào lúc ấy, Pi quyết định để Richard Parker chết dưới nước? Cậu chắc chắn sẽ không sống nổi. Vì nhiều lý do, chủ yếu đến từ tinh thần. Vả lại, nếu nhẫn tâm bỏ chú hổ Bengal chết vào lúc ấy, khác gì cậu lại bỏ đi nhân cách con người một lần nữa? Lại sinh ra một “con thú” nữa trong tâm hồn mà chưa biết là tốt hay xấu.

Mỗi con người đều có phần “con” và “người”. Hầu hết mọi người tự dối trá bản thân, chối bỏ phần “con”, còn riêng với Pi, cậu chấp nhận nó, thậm chí thực thể hóa nó dưới cái tên “Richard Parker”. Nhờ việc cậu tìm thấy con hổ ấy, Pi mới sống sót, mới tìm được động lực sống.

Còn bạn? Liệu bạn có đang đi tìm con hổ của bản thân?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến