MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ CỘNG ĐỘNG ANIME XƯA VÀ NAY, CÁC THÀNH PHẦN “WEEABOO” VÀ “THƯỢNG ĐẲNG”.



Mình trước giờ thường hay chỉ tập trung review-phân tích về những bộ anime-manga mà mình thích thôi chứ chưa mở rộng chủ đề bài viết nhiều lắm. Thôi thì hôm nay xem như “đổi gió” một chút, ta hãy bàn về chính cộng đồng anime của chúng ta!

I. Tác dụng của Internet, mạng xã hội lên anime

1. Một cộng đồng anime ngày một đa dạng và phân hóa

Để bắt đầu bài viết này ta hãy “quay ngược thời gian” một chút, về cái thời mà chúng ta phải nhịn ăn sáng để chừa vài ngàn đồng, thuê một quyển truyện tranh để đọc hay cái thời mà những người bạn thân cùng chuyền tay chia sẻ cho nhau những đĩa anime Naruto, Inuyasha,...

Mình đã xem anime từ lúc còn rất nhỏ thế nhưng chỉ yếu là xem một mình hay với gia đình, mà mình cũng không quan tâm đến việc chia sẻ sở thích với những người bạn khác. Mãi cho đến khi lên cấp 3, có một cậu bạn thân đã chia sẻ cho mình một bộ đĩa về Naruto, và bảo là cứ xem đí. Thế là mình ghiền Naruto từ đó và lần đầu tiên mình trao đổi, tranh luận với người khác về một bộ anime và cảm nhận việc có một người bạn có cùng sở thích với mình là như thế nào. Nói vậy thôi chứ đó cũng chẳng phải là những cuộc tranh luận gì gay gắt đâu mà chỉ là hai đứa kể lại những diễn biến của bộ anime mà thôi. Thế nhưng mình muốn chứng tỏ là người có kiến thức về Naruto hơn hẳn thằng bạn của của mình để cho nó lép vế :v. Thế là mình đã vào tiệm nét, lên mạng tìm đến những trang fandom của Naruto để tìm hiểu thêm, mà thực tế cũng chỉ có 1,2 trang web như vậy thôi. Thời đó không có những thứ memes, shitposts như bây giờ nên mấy trang đó có khá nhiều thông tin hữu ích, như là họ tạo luôn cả những ảnh tổng hợp hết các loại sharingan, các hệ nhẫn thuật, huyết kế giới hạn hay có cả những giả thuyết, fanfiction về lục đạo tiên nhân (lúc này vẫn là một nhân vật bí ẩn).

Nhớ hồi đó mình thậm chí còn không biết khái niệm về từ “anime”, mình chỉ xem những bộ mà được bán dưới dạng đĩa như Naruto, Inuyasha, Dragon Ball,... Cho đến khi mình có thể truy cập lên mạng Internet dễ dàng hơn (lúc bắt đầu vào Đại Học), có một bộ anime đầu tiên đã thay đổi suy nghĩ của mình, đó là High School of the Dead (thật ra là ban đầu tìm hentai nhưng lại ra được bộ này :v), bộ này thì rất là “mát mẻ” nhưng lại không như hentai :v. Cùng với High School of the Dead là rất nhiều bộ anime khác nhau nữa làm mình cảm thấy choáng ngợp rằng có quá nhiều thứ để xem! Bên cạnh đó, còn một số bộ anime “lạ lùng”, như bộ Attack On Titan, rất hay, nhưng tại sao chỉ có 2,3 tập? Mình muốn xem nữa nhưng tại sao mình tìm khắp trên mạng không có tập tiếp theo, mà mãi sau một tuần mới ra tập mới. Đó là lúc mình tiếp cận với khái niệm “anime mùa”. Từ đó về sau, có thể nói rằng chính mạng Internet đã giúp mình biết được nhiều khái niệm khác nhau về anime, xem được nhiều thể loại anime khác nhau và trên hết là việc nhận thức rằng anime là một loại hình nghệ thuật, giải trí cực kỳ đa dạng, phong phú và dành cho tất cả các đối tượng khán giả khác nhau.

Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của Internet, gần như mọi bộ anime đều có thể xem được chỉ bằng những thao tác tìm kiếm đơn giản, chúng ta không cần phải lo lắng rằng bà cho thuê truyện không có bộ truyện chúng ta cần hay bà bán đĩa đã hết đĩa có tập phim ta muốn xem không nữa. Mà chúng ta có thể tiếp cận mọi loại anime từ những bộ shounen phổ biến đến những thứ lạ lùng, nghệ thuật hack não nhất. Và dĩ nhiên mình cũng phải cảm ơn Intrenet bởi vì nhờ nó mà mình có thể tìm thấy và xem những bộ anime mà mình thích nhất hiện tại như Mushishi hay Sangatsu no Lion,...

Đồng hành cùng với sự phổ biến của Internet là sự bùng nổ của mạng xã hội. Nhờ có sự phát triển như vũ bão của facebook và các trang diễn đàn anime trên mạng, mà giờ đây, không phải như ngày xưa chúng ta phải vất vả đi năn nỉ thằng bạn cùng lớp xem bộ mà mình thích mà mọi lúc, mọi nơi, chúng ta cũng chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản là luôn có vô số fandom trên mạng với ít nhất hàng chục, hàng trăm người có cùng sở thích, sẵn lòng trao đổi với chúng ta. Đối với mình, chính nhờ trang forum myanimelist và facebook mà mình đã học được nhiều thứ về ngành công nghiệp anime, và dĩ nhiên là có thể viết được những bài review phân tích để các bạn có thể đọc như hôm nay.

Thế nhưng đi cùng những sự tiến bộ và thuận lợi mà Internet mang lại, thì có thể nói cộng đồng anime hiện tại đang phân hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta đã qua lâu rồi cái thời mà mọi người chỉ xem dăm ba bộ shounen và những cuộc tranh luận chỉ giới hạn trong việc so sánh giữa One Piece và Naruto bộ nào hay hơn. Ngày nay có rất nhiều fandom khác nhau trên mạng và ngay cả trong một bộ anime cũng có thể chia thành nhiều phe, mỗi người thích một nhân vật khác nhau.

Mình nghĩ chúng ta phải thừa nhận rằng cộng đồng anime vô cùng đa dạng, phong phú và không phải là một thể thống nhất nữa. Ngày xưa có thể mình rất vui mừng khi tìm được một người cùng thích anime. Thế nhưng bây giờ mình thực sự không nghĩ là sẽ có sự vui mừng hay mong đợi một cuộc trò chuyện đầy thú vị với các fan của thể loại ecchi, harem, bởi vì mình đã bỏ thể loại đó gần 2 năm và không còn quan tâm đến nó nữa rồi.

Lượng anime được sản xuất ra chiếm gần 60% tổng lượng phim hoạt hình trên toàn cầu và mỗi mùa có đến cả trăm bộ cùng ra mắt là những con số thể hiện rõ ràng rằng anime là một loại hình nghệ thuật giải trí rất rộng. Mình nghĩ là không thua kém cả phim Mỹ. Có bao giờ bạn nghe người ta nói rằng họ tự hào vì họ là fan của phim Mỹ, Hollywood chưa? Nghe thật lố bịch phải không nào. Và ta thấy rõ ngay cả trong thể loại siêu anh hùng, sự phân hóa fandom đã trở thành biểu tượng của cả ngành công nghiệp như là DC comics vs Marvel. Vì vậy, mình nghĩ đến lúc chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta khác biệt và ta phải tôn trọng sự khác biệt đó.

Anime ngày nay đã trở nên khá mainstream khi mà một số siêu sao Hollywood, các youtuber nổi tiếng đã thừa nhận rằng họ thích nó. Anime liên tục thu hút sự chu ý của các phương tiện đại chúng báo đài và mình nghĩ rằng nó sẽ càng được biết đến rộng rãi hơn nữa trong tương lai. Nó đang trở nên không còn là một niche medium (một loại hình giải trí chỉ giành cho bộ phận nhỏ khán giả nữa), mà sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người. 4-5 năm trước khi mà nhiều group, page otaku trên facebook đã có những khẩu hiệu như “chúng ta tự hào vì là otaku” hay “cùng nhau xây dựng cộng đồng otaku đoàn kết” mình nghe có vẻ có lý và cũng khá đồng tình. Thì bây giờ nếu có lại những khẩu hiệu trên lại thấy nhảm nhí và buồn cười. Bởi vì anime đã trở nên nổi tiếng và cộng đồng ngày càng đông thì việc thích anime trở thành một việc bình thường và chẳng có gì đặc biệt để đáng tự hào cả.

Nếu như ngày xưa những kẻ chúng ta “ghét” nhất là những anti-fan, những người kỳ thị anime thì ngày nay chính trong nội bộ anime fan lại là những người hay “đấu đá” với nhau. Bởi vậy mình thấy rằng cũng có một số bạn là fan anime từ lâu than phiền rằng cộng đồng ngày nay sao lại thích gây cãi với nhau thế, không như ngày xưa mọi người đều ôn hòa. Theo mình không phải là tính cách của mọi người thay đổi mà chỉ là do sự phân hóa vì sự phát triển tiến lên mainstream của một cộng đồng mà thôi. Và điều này hoàn toàn bình thường.

Nếu như ngày xưa chúng ta mong muốn có một “mái nhà chung” cho cộng đồng thì ngày nay do sự phổ biến của internet, cái “mái nhà chung” đó đã không còn đủ chỗ để chưa tất cả mọi người nữa rồi. Do đó, ta phải chấp nhận rằng, cho dù một người có tự nhận là fan, thích anime-manga đi nữa, thì họ cũng có thể hoàn toàn khác biệt với ta. Và ta phải chấp nhận rằng sẽ có người có ý kiến trái ngược với mình hay kể cả là trái ngược với đa số, thì điều đó không phải là họ là một người lập dị, là fan giả tạo hay không thích anime mà đơn giản là, họ chỉ là một phần của cái cộng đồng đầy đa dạng và phức tạp này mà thôi.

2. Ảnh hưởng của văn hóa mạng lên anime:

Do sự phát triển của Internet đã thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng anime, thì ngược lại, chính cộng đồng anime cũng đã bị ảnh hưởng bời văn hóa mạng với hai thứ văn hóa chính đó là văn hóa memes và văn hóa hype. Khi lượng mạng lưới Internet trở nên quá khổng lồ và ngày càng lớn lên, con người ta lại có xu hướng ít sự suy nghĩ phân tích, mọi thứ thông tin đều được tiếp nhận rất nhanh chóng nhưng cũng đầy qua loa, hời hợt. Ngoài ra, ta cũng dần không quan tâm đến những thứ quá dài dòng rườm ra trên mạng và đến với những sự giải trí nhanh, tiếng cười trong chốc lát. Đó là lúc mà memes đã xuất hiện và bắt đầu thống trị internet.

Trong lúc thời buổi văn hóa hiện đại, mọi thứ đều phải nhanh, ăn nhanh uống nhanh, đọc nhanh và giải trí ăn liền chính là lúc mà memes phát huy sức mạnh. Có khả năng tiếp cận tất cả bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống từ văn hóa giải trí,... cho đến cả chính trị, lịch sử,... và sự lạ thường, khó đoán. Memes đem lại tính giải trí cao vì sự bất ngờ làm cho người ta phải bật cười, nhưng chỉ được quan tâm trong một thời gian ngắn cho đến khi bị thay thế bởi một memes mới hơn và trở thành một thứ lỗi thời không còn dùng nữa (vẫn có thể có tên nào đó đào mộ lại :v). Do đó văn hóa memes luôn đồng hành với văn hóa hype. Internet chỉ hướng về hiện tại và tương lai. Thứ mà phần lớn mọi người trên mạng hiện nay quan tâm đó là thứ gì hot, memes gì đang nổi, thứ gì là trào lưu, và thứ gì sẽ tạo nên trào lưu. Điều này thể hiện rõ ràng trong cộng đồng anime qua hình thức là “anime mùa”. Theo mình, hiện nay mọi người xem anime mùa là để theo kịp xu thế, chứ không phải hoàn toàn xem một bộ anime và tiếp tục theo dõi nó là vì nó hay nữa.

Mùa này, có một bộ anime đang nổi tiếng các bộ anime mùa đó là Hataraku Saibou. Tại sao bộ này lại nổi tiếng, có phải vì nó cực kỳ hay, hấp dẫn hay có nhiều thứ để bàn? Thực ra mọi thứ chỉ được bắt đầu bởi hình ảnh của một bé loli dễ thương tựng trưng cho tế bào tiểu cầu nói câu “anone, anone!”. Chỉ với hình ảnh của một bé loli như vậy liệu có đảm bảo rằng cả bộ anime 12 tấp, hơn 300 phút sẽ hay và tuyệt vời? Quan tâm làm quái gì chứ, ta sẽ xem bộ anime này để biết được nguồn gốc của hình ảnh trên, để cùng tham gia với cộng đồng trào lưu shitpost hình về bộ anime này và để cảm thấy như mình là một phần của cộng đồng, không phải bị bỏ lại phía sau trong việc thảo luận về những thứ đang hot.

Chính mình cũng đã có một số lần phải tự ép bản thân tiếp tục xem một bộ mà mình không thích chỉ để theo kịp với trào lưu, với những memes đang nổi ở trên mạng. Ví dụ gần nhất đây là bộ Darling in the Franxx, bản thân mình đã dự đoán bộ này sẽ trở thành một trainwreck và không muốn tiếp tục xem nó nữa ngay từ những tập 9,10 trở đi rồi, nhưng những trang diễn đàn như 4chan, và facebook không để cho mình yên. Bọn họ liên tục post những memes về bộ này chia phe “waifu wars”” các kiểu như Ichigo vs Zero Two, Milkman (Mitsuru) vs Fatoshi (Futoshi). Điều này, làm mình tò mò và không muốn bị đứng ngoài lề, thế nên mình lại tiếp tục xem, và càng xem mình lại càng thấy chán đến mức khoảng tập 18 mình quyết định bỏ cuộc và không quan tâm nữa.

Sau đó mình trở lại đọc bộ manga Made In Abyss, mình xem lại Serial Experiments Lain và gần đây nhất là xem lại Eureka Seven. Mình đã thấy được Bondrewd là một nhân vật phản diện tuyệt vời, arc Bondrewd đem lại cho mình những cảm xúc mạnh mẽ hơn cả khi xem bộ anime. Mình đã tìm ra vô vàn điều thú vị trong Lain, những điều mà mình đã không nhận ra trong lần xem trước. Mình đã trải nghiệm cảm giác tuyệt vời của sức sống, sự tự do, tình yêu của tuổi trẻ trong Eureka 7,...

Và mình đã nhận ra rằng, cho dù những memes về Milkman vs Fatoshi trong Darling in the Franxx có đem lại cho mình một vài tiếng cười đầy sảng khoái đi nữa thì cũng không bao giờ có thể so sánh với cảm giác được đắm chìm trong một tác phẩm mà mình thích, được cảm nhận sự vui buồn cùng với nó, được suy nghĩ về nó và cảm thấy rằng sau khi mình xem lại nó mình lại yêu thích nó nhiều hơn.

Ai mà thèm quan tâm những bộ anime đến từ cả thập kỷ trước như Gurren Lagann, Eureka seven nữa chứ! Zero Two đang hot trên mạng và là best girl của mùa, chúng ta phải xem ngay tập mới để kịp thời thảo luận, post memes trên mạng xã hội phải không nào.

Có một lần mình đã lên diễn đàn 4chan hỏi rằng tại sao Sangatsu no Lion là một bộ anime tuyệt vời mà lại có quá ít người thảo luận vậy? Sangatsu no Lion có thể nói không những là một trong những bộ drama anime hay nhất mình từng xem mà còn là một trong những câu chuyện drama đẹp đẽ và tinh tế nhất mình từng biết. Mỗi tập của Sangatsu no Lion ẩn chứa rất nhiều chi tiết thú vị đáng để bàn về nghệ thuật sử dụng hình ảnh và cách xây dựng nhân vật. Thế nhưng rất ít người quan tâm thảo luận về bộ này. Và rồi sau một lúc, một trong những câu trả lời đầu tiên của anon đối với câu hỏi của mình đó là: bộ này khó để làm memes. Như vậy chỉ là do không có “best girl”, không có “waifu wars”, không có có chia team nhân vật x, nhân vật y, nên nó không được người ta quan tâm.

Đáng buồn thay chính thứ cơ bản khiến chúng ta trở thành fan anime đó là khi tìm được một bộ anime hay, tuyệt vời thì ngày nay không được quan tâm nhiều nữa so với những thứ gọi là meme, trào lưu,...

Do đó, đối với các bạn nào xem anime vì muốn tìm ra những bộ hay, thực sự đáng xem thì mình mong các bạn hãy bỏ thời gian ra để xem những bộ cũ hay xem lại những bộ mà mình đã yêu thích. Ở đây mình không so sánh anime xưa vs thời nay và cũng không cho rằng anime mùa toàn là tệ hại, trên thực tế những bộ mà mình yêu thích như Sangatsu no Lion và Rakugo Shinjuu đã từng là anime mùa. Thế nhưng mình nghĩ rằng chúng ta không cần thiết phải xem đến hơn cả chục bộ mỗi mùa để rồi chỉ có 10 – 20% trong số đó là hay, xem được. Không phải tự nhiên mà một bộ như Fullmetal Alchemist, Cowboy Bebop, Gurren Lagann,... được đánh giá cao ngất ngưởng và được nhớ đến hơn hàng chục năm sau. Có thể là bạn sẽ không thích hết tất cả các classic mà bạn xem thế nhưng tỉ lệ xác suất mà bạn sẽ thích một bộ classic dĩ nhiên sẽ cao hơn anime mùa.

Kể từ đây, mình đã quyết định không ôm đờm nữa mà mỗi mùa chỉ xem tối đa 2,3 bộ mà thôi, mình không quan tâm những bộ còn lại có tạo ra memes hot hay trào lưu gì nữa mà sẽ chỉ đợi đến cuối mùa, thông qua nhiều sự đánh giá khác nhau của cộng đồng để chọn lấy bộ mà mình muốn xem nhất. Thời gian còn lại, mình sẽ dùng để marathon những bộ mà mình đã muốn xem từ rất lâu và viết bài để khuyên mọi người cùng xem. Ví dụ như bài viết về Eureka seven mà mình chuẩn bị sẽ viết sắp tới đây. Nên mình mong mọi người sẽ đón nhận nó.

Còn bạn thì sao? Nếu có một bộ anime cũ mà bạn muốn xem vì có nhiều người đã recommend nó hay có một bộ mà bạn đã yêu thích từ rất lâu rồi, đã quên phần lớn nội dung và muốn xem lại để biết rằng mình còn thích nó nữa không. Thí còn chần chờ gì nữa! Tại sao không xem liền luôn đi!


II. Bàn luận về “hiện tượng” wibu (weeaboo) và thượng đẳng (elitist):

Ở phần sau của bài viết chúng ta hãy bàn về wibu và thượng đẳng, hai loại fan có vẻ gây khá nhiều sự khó chịu trong cộng đồng hiện nay và hãy bàn rằng liệu wibu và thượng đẳng có phải là hai thứ đáng để quan tâm nhất hay không?

1. Weeaboo:
Weeaboo có nguồn gốc từ từ “Japanophile”, có nghĩa là những người cuồng Nhật Bản. “Japanophile” để chỉ chung về những người quá say mê văn hóa Nhật Bản. Mà như các bạn đã biết văn hóa Nhật Bản rất đa dạng và phong phú: ninja, samurai, phim, idols, các món ăn, các địa điểm du lịch,... Anime-manga chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Và ngay cả nếu như có ông bà, cha mẹ của bạn không quan tâm đến văn hóa Nhật Bản nhưng chỉ chuộng và dùng độc hàng Nhật thì cũng vẫn được xem là “Japanophile”.

Thế tại sao từ weeaboo lại hoàn toàn khác với nuồn gốc của nó, gần như chỉ dành riêng cho fan của anime, manga? Bởi vì lần đầu tiên mà từ này xuất hiện đó là trên cộng đồng 4chan, cụ thể là /a/, một board chuyên về anime, manga. Mà các bạn đã biết rồi đó, 4chan là “cái nôi” của phần lớn các memes trên mạng, thế nên từ “weeaboo” không hơn những thứ khác, cũng chỉ là một meme của Internet mà thôi. Thế nhưng meme này không phải chỉ được sử dụng một thời gian rồi không ai quan tâm nữa như nhiều meme khác mà ngược lại, nó tồn tại từ thời đầu 2k (2002-2003) cho đến tận bây giờ và ngày càng phổ biến hơn. Mình nghĩ sự phổ biến của từ weeaboo ngày càng tăng là do sự phát triển ngày càng lớn của cộng đồng anime.

Mặc dù vẫn được phổ biến sau mười mấy năm thế nhưng cách sử dụng từ weeaboo của cộng đồng đã có nhiều thay đổi. Trước đây, từ này là từ để thể hiện sự khinh miệt của những người kỳ thị anime vì cho rằng fan anime là những kẻ dị hợm, ảo tưởng và ngu ngốc. Thế nhưng từ này bây giờ lại chủ yếu được sử dụng ngay chính trong cộng đồng để các anime fan trêu chọc lẫn nhau, hay thậm chí là tự trêu bản thân. Kiểu như: “Why am I watching this? I’m such a weebs trash!”, hay “We are all weeaboos, Anime is trash and so am I”, :v ...

Cho nên không biết các bạn thì sao chứ mình không quan tâm về từ này lắm, bản thân từ này cũng chỉ là là một meme nhảm mà thôi. Đúng thật là có nhiều bạn trẻ hay “quá khích” ở trên mạng, gây ra sự khó chịu cho người khác và xứng đáng bị gọi là weebs. Thế nhưng điều đó cũng khá dễ hiểu khi mà cộng đồng của chúng ta vẫn còn rất trẻ. Mà lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi mộng mơ, nhiều khi hay bị “ảo tưởng sức mạnh”. Mà đến đây mới nhớ! MÌnh nghĩ đáng lẽ từ phù hợp hơn cho các bạn trẻ hay mơ mộng này là chuunibyou chứ, chứ từ weeaboo cũng không hẳn là đúng lắm! :v Thực ra mình hồi còn nhỏ cũng đã từng bị nhiễm phim kiếm hiệp nên bẻ lấy cành cây trúc sau nhà để múa may mà, nên cũng không thể trách được những bạn này. :v

Mà mình nghĩ nếu xét về trường hợp fan anime bị cuồng Nhật Bản thật thì cũng không nhất thiết phải hoàn toàn là lỗi do anime-manga. Mình thấy rằng người Nhật họ hoàn toàn không che giấu những mặt tối của xã hội Nhật Bản thông qua anime-manga. Có rất nhiều bộ anime-manga (nhất là trong thể loại seinen) tiếp cận những thực trạng trong xã hội như NEET, hikikomori, chứng trầm cảm, những áp lực trong cuộc sống hay nạn bạo lực học đường,... Cho nên bạn nào là fan anime mà còn có quan niệm về một Nhật Bản hoàn hảo, thiên đường thì mình nghĩ chỉ là do bạn đó chưa đọc được nhiều bộ manga, xem nhiều bộ anime đa dạng các chủ đề khác nhau mới có cái nhìn phiến diện đó mà thôi, chứ không phải là do anime cổ xúy cho bạn ấy có những suy nghĩ như vậy.

2. Thượng đẳng (elitist):

Khác với từ “weeaboo” thường chỉ dùng để trêu chọc nhau, thì “thượng đẳng” lại là một từ có từ rất lâu và có một ý nghĩa thực thụ.

Chỉ cùng coi phim hoạt hình với nhau thôi mà tại sao lại có những thành phần tự đề cao mình và luôn xem ý kiến của mình là đúng chứ! Thật là gây khó chịu quá đi mà!

Theo mình thì thành phần “thượng đẳng” đầy đáng ghét như trên cũng chỉ là một phần tất yếu và rất bình thường của bất kỳ cộng động nào. Bất kỳ cộng động nào cũng có chuyện dân hardcore xem thường dân newbie và dĩ nhiên cộng đồng anime-cũng không ngoại lệ. Và cái chuyện đề cao bản thân mình hơn người khác theo mình cũng chỉ là tâm lý bình thường của con người mà thôi. Bởi vì những “thượng đẳng” như trên đã dành nhiều thời gian cho anime-manga rất nhiều hơn các fan khác và thâm chí họ còn dành thời gian của mình để tìm hiểu sâu hơn về loại hình giải trí mà họ đang thích, hay đọc nhiều loại sách khác nhau chỉ để hiểu rõ về tác phẩm mà họ yêu thích. Dĩ nhiên họ sẽ có một niềm “tự hào” riêng khi biết được nhiều thứ không nổi tiếng mà nhiều khác không biết đến. Đúng là “niềm tự hào” đó cũng chỉ là một ảo tưởng mà thôi nhưng mà nếu suy nghĩ theo kiểu chủ nghĩa hư vô “mọi thứ đều là ảo” :v thì mình nghĩ rằng việc họ giữ trong lòng mình sự tự hào đó cũng không phải là một thứ đáng để chê trách.

Đối với các cộng động có lịch sử lâu đời như cộng động phim phương tây, cộng động văn học thì thành phần thượng đẳng lại khá được chấp nhận rộng rãi, thâm chí một số thượng đẳng có khiến thức sâu rộng về văn hóa phê bình phim có thể trở thành các nhà phê bình phim nổi tiếng, có tiếng nói quan trọng trong ngành công nghiệp. Thế tại sao trong cộng đồng anime, thượng đẳng lại bị mọi người ghét đến vậy?

Đơn giản là tại vì anime không thực sự được coi trọng như là một loại hình nghệ thuật. Ta có thể thấy tự hào, khoe khoang với bạn bè rằng đã xem bộ phim classic từ thời xưa như Citizen Kane, The Godfathers hay sau khi đọc một quyển sách bởi một đại thi hào nổi tiếng trong lịch sử. Thế nhưng tại sao chẳng ai quan tâm khi ta xem lại một bộ anime classic thời 70s – 90? Bởi vì chúng ta chỉ đều cùng nhau xem Chinese Cartoon và anime chỉ dành cho những kẻ biến thái phải không nào! Anime is trash and so are we!

Do đó mình nghĩ rằng thượng đẳng cũng không phải “u nhọt”, là thứ đáng lo ngại của cộng đồng hay gì cả. Bài viết này của mình không có ý bào chữa cho thượng đẳng và ủng hộ thượng đẳng.Thực ra cũng có một số thượng đẳng mà mình cảm thấy ghét và khó chịu thật sự. Thế nhưng, ở đây mình chỉ muốn nói rằng, bất kỳ mọi loại fan anime nào từ newbie, fan shounen, slice of life, đến fan dark deep cũng có người xấu người tốt. Thực ra nếu buộc phải chọn có một cuộc thảo luận với một thượng đẳng đầy gay gắt và một fan SAO trẻ trâu, thì mình vẫn sẽ chọn phía thượng đẳng. Bởi vì ít ra nếu mình có lý lẽ phù hợp và sử dụng từ ngữ tốt thì mình vẫn có thể thuyết phục một thượng đẳng theo ý kiến của mình. Còn đối với một cậu thiếu niên trẻ trâu, suốt ngày kiểu như “ Đm mày, óc chó, chê cc” thì mình cũng chỉ biết bó tay mà thôi. :v
3. Vấn đề “nguy hiểm” nhất trong cộng đồng hiện tại:

Thế tụ chung lại, cả wibu và thượng đẳng đều không phải vần đề lớn. Vậy thì thứ gì mới là vấn đề lớn, đáng lo ngại nhất trong cộng đồng? Theo mình câu trả lại nằm chính trong những fandom có vẻ bình thường mà hằng ngày chúng ta tham gia.

Tite Kubo (Tác giả của bộ manga Bleach), đã từng phải đóng cửa trang Twitter của mình bởi vì những phản ứng quá gắt của các fan. Ví dụ như việc ông ta phải thay đổi cả cốt truyện và hướng đi của nó để giữ cho nhân vật Byakuya còn sống để chiều lòng fan, bởi vì Byakuya là một nhân vật được yêu thích rộng rãi. Hay là phản ứng dữ dội của cộng đồng như là việc đốt cả bộ truyện manga (hơn mấy chục cuốn), có những lời lẽ xúc phạm tác giả vì cái kết rush và cặp mà phần lớn mọi người ship không thành.

Sui Ishida (Tác giả của Tokyo Ghoul), cũng đã tự bị fan xúc phạm, bảo hãy đi tự sát trên trang twitter cà nhân vì cặp mà họ ship không thành. Hay gần đây nhất là chuyện seiyuu (diễn viên lòng tiếng) của nhân vật Ichigo trong bộ Darling in the Franxx bị nhận những lời dọa giết trên mạng chỉ vì tập anime mà nhân vật của cô ngăn cản cặp đôi mà mọi người yêu mến.

Khi một người trở nên yêu mến và cuồng một thứ gì đó quá mức thì khi những thứ không như mong muốn xảy ra, thì họ sẽ dễ dẫn đến thất vọng tột cùng và giận dữ, nhiều khi không kiểm soát được bản thân và để xảy ra những việc như trên. Nói chung thì tình trạng của cộng đồng anime chúng ta vẫn còn rất “nhẹ nhàng” so với những cộng đồng có mức độ tương tác giữa nghệ sĩ và fan cao hơn rất nhiều như cộng đồng idols hay k-pop. Bởi vì các tác giả manga, các nhà sản xuất hay hoạt động trong ngành công nghiệp anime vẫn còn tư tưởng trọng thị trường nội địa và hay ngại giao tiếp với fan quốc tế. Thế nhưng theo mình tư tưởng này sẽ sớm bị xóa bỏ và chuyện có tương tác thường xuyên qua lại giữa tác giả và fan sẽ ngày càng phổ biến. Đó cũng là lúc mà các thành phần fan quá khích lợi dụng điều này để gay hại và những sự kiện như mình kể trên chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Mà những điều trên, theo mình là rất tai hại, không những ảnh hưởng đến tinh thần, tình cảm các tác giả nghệ sĩ khi bị đe dọa qua mạng như vậy mà nó còn ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa, làm xấu hình ảnh chung của cả cộng đồng.

Do đó, mình mong rằng các bạn một khi đã biết tài khoản twitter, facebook cá nhân của các tác giả, nghệ sĩ làm việc trong lĩnh vực anime manga thì ta hãy thận trọng từng lời comment của mình. Hãy chú trọng góp ý chân thành và theo hướng xây dựng nhé.

Bài viết của mình đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.

#Athes

-------------------------------------------------------------------------------
*Phụ lục:

Videos tham khảo:

Watch old anime - Digibro: https://youtu.be/1ztNup6Xlew

Anime has change - Gigguk: https://youtu.be/DdSbbG2uhxg
(Thật ra ý tưởng bài viết này của mình là bắt nguồn từ Digibro, thế nhưng Gigguk cũng đã có một video rất tốt bàn về vấn đề này, nên mình nghĩ các bạn nên xem)

Why Are There So Many Anime Elitists - E-Kon: https://youtu.be/iY6XMBRM6A4


Nhận xét

Bài đăng phổ biến