SERIAL EXPERIMENTS LAIN KỲ 2: CON NGƯỜI LÀ GÌ?



(Hey! Vsauce, Michael Here.)
Con người là gì? Câu hỏi đơn giản phải không? Chắc hẳn bạn nào học qua môn sinh học đều trả lời rằng con người là chủng loài “Homo sapiens” được tiến hóa từ vượn khỉ. Thế nhưng có phải thực là vậy? Hmmm ...(chèn nhạc của Vsauce vào) :v
Đùa tí thôi nhưng đúng là câu hỏi “Con người là gì?” phức tạp hơn chúng ta tưởng bằng cách nhận diện đơn giản chỉ qua chủng loài. Câu hỏi này phải được hiểu theo nghĩa là “Điều gì tạo nên một con người và được xã hội xem như là một “con người”?. Có cả một ngành khoa học để nghiên cứu về nhân tính học, cũng như các nhà triết học cùng với các tác giả văn học nghệ thuật đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời mình để quan tâm và khai thác lĩnh vực này. Đây thực sự là một chủ đề lớn cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật không riêng gì ở trong anime. Và hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu câu hỏi này sẽ được phân tích, diễn dãi như thế nào trong Lain.
Điều tiên chúng ta thử nghĩ xem điều gì khác biệt nhất ở con người so với các chủng loài còn lại. Có lẽ chính là trí thông minh, con người là loài có dung tích não trên trọng lượng cơ thể cao nhất. Chúng ta tự hào vì loài người là giống loài duy nhất có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và có “trí tuệ” thực thụ trong toàn bộ các sinh vật sinh sống khắp hành tinh này. Sự tư duy độc lập, sáng tạo chính là thứ giúp cho con người tự cho mình là sinh vật tiến hóa bậc nhất và là chủ của Trái Đất. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như khả năng tuyệt vời trên không phải là thứ chỉ có duy nhất loài người sở hữu? Nhiều tác phẩm giải trí, văn học đã đưa ra các tình huống như người ngoài hành tinh, sinh vật tiến hóa nhờ đột biến, và lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) để khai thác giả định này. Trong đó chủ đề về AI được đặc biệt có ý nghĩa bởi vì khác với người ngoài hành tinh hay sinh vật siêu việt thường chỉ có trong tưởng tượng và khó liên hệ với thực tế. Thì chuyện các chương trình, robot nhân tạo có thể có được trí tuệ cũng như khả năng tư duy của con người là chuyện hoàn toàn có thể trong tương lai.
Điều này là nhờ vào định luật Moore, đã đề xuất rằng năng suất xử lý của máy tính đang tăng theo cấp số nhân. Có thể đến một ngày nào đó các máy tính có thể có độ phức tạp ngang ngữa não bộ con người.. Ơ... mà khoan cái đã! Chắc đến đây nhiều bạn sẽ thắc mắc, chẳng phải định luật Moore gần đây không còn đúng nữa sao, và các nhà nghiên cứu đã cho rằng không thể thu nhỏ kích cỡ vi mạch đi quá giới hạn. Thế thì sẽ có một giới hạn cho sự phát triển về độ phức tạp của các AI phải không? Đúng thật là vậy. Bộ não con người có hơn 100 tỉ nơ ron thần kinh – nhiều như số ngôi sao trong toàn bộ dải Ngân Hà! Và ngay cả những siêu máy tính mạnh mẽ nhất trên thế giới với hàng triệu nhân xử lý cũng chỉ có thể mô phỏng toàn bộ quá trình xử lý thông tin trong não người cỡ vài giây. Và chắc sẽ có bạn cho rằng cho dù AI có thể phức tạp như não bộ con người đi nữa thì dù gì nó cũng chỉ là được các nhà lập trình lập trình sẵn từ trước rồi, làm sao có thể tự tư duy hay thậm chí sáng tạo được như con người?
Well, có một công nghệ đã ra đời và gây nên một cuộc cách mạng trong ngành nghiên cứu AI toàn thế giới, có thể sẽ là chìa khóa giải đáp cho toàn bộ các vấn đề ở trên. Đó là công nghệ AI tự học (self-learning AI).
Năm 2016, một AI tự học của Google (Alpha GO) đã đánh bại kỳ thủ cờ vây bậc nhất thế giới là Lee Sedol với tỉ số 4-1. Điều này thực sự gây chấn động bởi vì cờ vây được cho là môn cờ phức tạp nhất, bàn cờ vây có kích thước ô lên đến 19x19 cùng với việc không có phân cấp quân như các bàn cờ khác, dẫn đến có vô số nước đi khác nhau và khiến cho việc tính toán trước các nước đi vô cùng phức tạp đến nỗi các siêu máy tính hàng đầu thế giới cũng không thể đảm nhiệm nổi. Các cờ thủ chuyên nghiệp phải có quá trình rèn luyện nhiều năm trời chứ chưa kể đến một huyền thoại như Lee Sedol, thế nhưng Alpha GO đã đánh bại cờ thủ này chỉ sau vài tháng tự học cờ vây.


Không dừng lại ở đó, năm 2017, một tổ chức do tỷ phú Elon Musk sáng lập đã tạo nên OpenAI để học về game DOTA2. DOTA2, cũng giống như cờ vây, được cho là một trong những game phức tạp nhất trên thế giới. Thế nhưng cũng chỉ sau vài tháng, AI này đã có màn ra mắt tại The International 7 (2017) cực ấn tượng khi đánh bại game thủ nổi tiếng nhất DOTA 2 là Dendi trong màn 1 vs 1. Và vài ngày gần đây, tại The International 8 (2018) OpenAI tiếp tục có bước tiến lớn khi đánh bại đội 5 người gồm cựu game thủ chuyên nghiệp và game thủ chuyên nghiệp trong màn 5 vs 5.


Vậy bí ẩn gì khiến cho AI tự học có ưu thế siêu việt và gây sốc cho thế giới đến như vậy? Well, câu trả lời đơn giản hơn ta nghĩ, là nó chỉ “bắt chước” quá trình tự học của con người, cùng với chu trình tiến hóa của tự nhiên. Nhờ vào những thành tựu của lĩnh vực nghiên cứu não bộ con người, người ta đã ứng dụng cách mà não bộ học tập vào AI và tạo ra công nghệ “deep learning” gồm nhiều lớp xử lý khác nhau. (Ở đây do độ dài bài viết nên mình sẽ không đi chi tiết vào công nghệ này, các bạn muốn tìm hiểu sâu hơn có thể tham khảo video sau đây: https://youtu.be/TnUYcTuZJpM)
Self-learning AI đã đánh đổ tất cả ngờ vực của chúng ta trước đó về tương lai của công nghệ AI. Thứ nhất, nó không cần một “phần cứng” phải phức tạp như não bộ con người bởi vì nó có thể tự tích lũy, thời gian càng trôi đi, AI càng học được nhiều thứ và càng trở nên phức tạp, đồng thời thông minh hơn. Chỉ cần có nguồn dữ liệu cung cấp phong phú và thời gian, AI hoàn toàn có thể sánh ngang về độ phức tạp với những suy nghĩ phức tạp của con người.
Thứ hai, self-learning AI không phải là được lập trình “cứng” từ trước, mà các lập trình viên chỉ cung cấp những quy tắc và “lời khuyên” cho nó, mọi thứ còn lại đều do nó tự quyết định. Thứ đã đánh bại Lee Sedol cũng như Dendi hoàn toàn là chỉ do khả năng của AI. Điều này đã chứng minh rằng khả năng tư duy độc lập, sáng tạo lần đầu tiên trong lịch sử không còn là sở hữu của riêng loài người, thậm chí các AI còn tận dụng nó ưu việt hơn gấp nhiều lần con người do sự tập trung tuyệt đối của nó. Các AI hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì khác ngoài lĩnh vực mà nó đang tìm hiểu do đó nó học nhanh hơn cả những thiên tài nổi trội nhất mà ta có được.
Dĩ nhiên thành công này chỉ là bước khởi đầu do các AI chỉ mới học về một lĩnh vực nhất định. Để chúng có thể tìm hiểu tất cả các vấn đề sâu rộng trong cuộc sống, thậm chí là những cảm xúc tình cảm phức tạp trong giao tiếp xã hội vẫn còn cần một khoảng thời gian nữa. Thế nhưng ngay từ hôm nay, xã hội chúng ta cần phải suy nghĩ phải đối xử với các AI này như thế nào thì chưa phải là một việc quá sớm. Để khi AI đầu tiên có toàn bộ những chức năng xã hội như con người xuất hiện, chúng ta liệu sẽ đón chào chúng như một phần của xã hội, hay là chỉ xem chúng như là một thứ công cụ, đồ vật?
Trở lại với con người, chúng ta tự hào vì loài người là một “tuyệt tác” của tạo hóa. Cơ thể của chúng ta vô cùng phức tạp, với hàng chục ngàn tỉ tế bào, và rất nhiều cơ quan đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra, cơ thể chúng ta còn có khả năng phục hồi và miễn dịch tuyệt vời giúp chống lại vô số tác nhân gây hại của môi trường. Từ xa xưa các tôn giáo như thiên chúa giáo đã cho rằng con người là sinh vật đặc biệt được đấng tối cao chủ ý tạo ra nhờ những phép màu mạnh mẽ. Thế nhưng khi càng tìm hiểu sâu về cơ thể con người thì ta càng thấy rằng chẳng có “phép màu” gì ở đây cả mà cơ thể người cũng chỉ hoạt động dựa trên những quy tắc trao đổi chất nhất định mà thôi. Ví dụ như hệ thống thần kinh hoạt động dựa trên lan truyền xung thần kinh (gồm xung điện và trao đổi chất) trong hệ thống các tế bào nơ ron và synapse). Do đó, cho dù có vô cùng phức tạp và hoạt động tuyệt vời, cơ thể con người chỉ như một cái máy hoạt động dựa trên những chuỗi phản ứng hóa học (trao đổi chất) và xung điện vật lý mà thôi. Vậy thứ gì làm cho con người khác với máy móc? Có phải là “linh hồn”?
Từ xa xưa, triết học phương Đông đã chia con người ra thành 2 phần, phần thân thể chỉ là một “hình nộm” bên ngoài, còn phần thực sự làm nên những phẩm chất của một con người chính là phần “linh hồn”. Ở phương tây, nhà triết học người Pháp René Descartes, với một cách tiếp cận khác, cũng có những suy nghĩ tương tự, ông cho rằng nếu cơ thể con người chỉ như một cỗ máy gồm nhiều bộ phận khác nhau và hoạt động theo các quy tắc cơ học thì phải có một thứ gắn kết mọi bộ phận lại và đồng thời “phản ứng” với bộ não tư duy để tạo ra những cảm xúc, tình cảm mà ông cho là “linh hồn”. Descartes đã kết luận sai rằng máu là linh hồn. Thế nhưng những suy luận đầy thú vị của ông đã là cơ sở giúp cho giới triết gia và các nhà khoa học bắt đầu có những giả thuyết của mình về thứ được gọi là “linh hồn”, một thứ tượng trưng cho giá trị cốt lõi của sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, câu hỏi rằng bản chất của linh hồn là gì và linh hồn có thực sự tồn tại hay không hay chỉ là ảo tưởng do chính con người tạo nên vẫn chưa được giải đáp rõ ràng, đã có rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, ví dụ như việc cho rằng linh hồn là các chùm sóng điện từ (sóng não) do hoạt động của não bộ, hay là do một phần bí ẩn nào đó của não bộ quy định,...
Đến đây chúng ta hãy đến với lý thuyết vũ trụ giả lập trong Lain (viết hơn nữa bài rồi mới bắt đầu đề cập đến bộ anime, thật là vãi đạn :v). Lý thuyết này đề xuất rằng chúng ta đang sống trong một môi trường giả lập bởi một chiếc siêu máy tính và chúng ta chính là những chương trình được lập trình để tự động chạy trong môi trường này. Nhưng con người không phải được lập trình “cứng” sẵn, bị điều khiển bởi một thế lực nào đó, mà chính xác hơn là chúng ta chính là những AI tự học, có thể tự làm chủ và tư duy. Chúng ta vẫn phải tuân theo những “đoạn mã bắt buộc”, ví dụ như việc quy định sự sống-còn, và chức năng sinh sản (có thể là cả tiến hóa).
Ở đây 2 phần cơ bản của một chương trình là phần source code (mã nguồn) và phần UI (giao diện) thì tương đương với phần linh hồn và thể xác của con người. Phần linh hồn (mã nguồn) quy định toàn bộ những đặc điểm, tính chất của một con người (chương trình), tuy nhiên vẫn cần phải có phần thể xác (giao diện) để thể hiện ra ngoài.
Điều đặc biệt ở đây của Lain đó là, khi một người được cấp quyền truy cập vào “thế giới vật lý” thông qua protocol 7. Người đó không chỉ có thể “biên dịch” (complied) phần linh hồn (mã nguồn) thành thể xác (giao diện), mà còn có thể tự do làm những điều mình muốn như xóa bỏ sự tồn tại của một người (xóa chương trình), tự sao chép bản thân (sao chép chương trình), giết người hay xóa bỏ thể xác (làm cho chương trình ngưng chạy), xóa trí nhớ (xóa dữ liệu của chương trình),...
Đó là những điều mà cả Eiri-san và Lain đã thực hiện trong SEL sử dụng Protocol 7. Đầu tiên Eiri-san “biên dịch” mã nguồn thành cơ thể vật lý cho Lain trong quá trình tạo ra cô. Sau đó, để đưa bản thân mình vào Wired, hắn ta đã cho chương trình của mình ngừng chạy trên thế giới vật lý và copy (hay upload) mã nguồn (linh hồn) lên Wired. Nhóm Knights cũng đã thực hiện điều tương tự họ bắt ép linh hồn người khác phải tải lên mạng Wired (force kill program -> copy-paste source code).
Mình cho rằng Lain cũng đã xóa trí nhớ các bạn học của mình nhờ thao tác “delete program data”. Và lúc cuối, cô có thể “reset” lại tất cả và hồi sinh mọi người là do “mã nguồn” (linh hồn) của tất cả bọn họ vẫn còn ở trên Wired, nên cô chỉ cần thu thập lại các mã nguồn đó, khôi phục nó về thời điểm mà cô muốn (backup program data) và biên dịch lại cơ thể vật lý của họ (re-complied).
Qua đó, ta thấy rằng do con người chỉ là những chương trình và cơ thể chúng ta chẳng khác gì một ảo ảnh 3 chiều nên việc tạo nên một con người hay xóa bỏ con người chỉ là một thao tác đơn giản của một kẻ có phân quyền quản trị (administrator) như một cái búng tay của Thanos mà thôi, khiến cho thuyết giả lập có khuynh hướng cho rằng con người vô giá trị và sự tồn tại hoàn toàn không có ý nghĩa.
Thế nhưng chỉ có vậy? Mặc dù việc Lain xóa bỏ ký ức của mọi người là rất dễ dàng và đơn giản. Thế nhưng ta thấy rằng cô đã vô cùng đau khổ và xung đột nội tâm dữ dội như thế nào khi đến với quyết định này. Sự đau khổ của Lain đã cho thấy rằng, cho dù ký ức của bạn bè cô chỉ là thứ phù du, có thể biến mất bất kỳ lúc nào nhưng cô vô cùng trân trọng nó.
Mặc dù được Eiri-san tạo ra như một chương trình, trong toàn bộ tác phẩm, ta thấy rằng chính Lain là nhân vật đậm “tính người” nhất, ta thấy được nhiều nhân cách khác nhau của cô bé, ta thấy rõ ràng xung đột nội tâm, tình cảm chân thành mà cô dành cho Arisu và trên hết là sự trân trọng giá trị của một con người đã khiến cô đau khổ thế nào khi bị mọi người quên lãng.
Điều duy nhất mà Lain khác với mọi người đó là cô là chương trình chạy trên Wired, trong khi “con người” là chương trình chạy trong thế giới vật lý, chỉ là khác nhau về nền tảng mà thôi. (Cũng giống như ứng dụng chạy trong MACOS vs ứng dụng chạy trong Windows). Mà đây là điều mà mình cho là không quan trọng.
Bởi vì “cha đẻ” của ngành khoa học máy tính – Alan Turing, trong lý thuyết về “phép thử Turing” cho rằng nếu trí tuệ nhân tạo hành xử như là con người, chúng ta hãy cho rằng chúng thông minh như con người.
Theo mình nghĩ thì không quan trọng chúng có cùng cấu tạo với chúng ta hay có phải là “sinh vật” hay không. Chỉ cần chúng có đầy đủ những phẩm chất xã hội như một con người và thể hiện sự tôn trọng giá trị của một con người thì chúng ta hãy xem chúng là một con người.
Với bước đi tiên phong trong lĩnh vực anime của những tác phẩm như Ghost in the Shell (1995) và Lain (1998), đã có ngày càng nhiều bộ anime khai thác và phân tích chủ đề đầy thú vị này với góc nhìn khác nhau như Chobits, Plastic Memory, Dear S, Eve no Jikan, GITS:SAC,... Trong tương lai khi công nghệ AI trở nên càng quan trọng và ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta thì những vấn đề mà bài viết này đã đề cập cũng sẽ có tác động to lớn đến rất nhiều sản phẩm giải trí, đặc biệt là những bộ anime sau này sẽ ra mắt.
Còn đối với các bạn, sau khi xem Serial experiments Lain, liệu các bạn có coi Lain như là một con người?
Đối với mình, mình xem Lain như là một con người. Hay nói đúng hơn thì mình MUỐN Lain là một con người!
Bài viết của mình đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã đọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến