[BÀN LUẬN] TẠI SAO NGÀNH CÔNG NGHIỆP LIGHTNOVEL LẠI DỄ BỊ BÃO HÒA



Hiện nay trào lưu chuyển thể anime từ LNs đang ngày càng phát triển mạnh mẽ khi ta có thể nhận ra đến hàng chục tựa anime như vậy mỗi mùa mới. Tuy nhiên trong trào lưu này cũng có hàng loại những bộ anime isekai, fantasy, học đường với nội dung na ná nhau và ý tưởng lặp đi lặp lại khiến nhiều người than phiền sự bão hòa trong thị trường LNs hiện nay.
Thế thì sự bão hòa nhanh chóng đó đến từ đâu? Mặc dù ngành công nghiệp LNs vẫn còn là 1 ngành công nghiệp mới mẻ chỉ mới thực sự nổi tiếng trong 2 thập kỷ qua. Trong bài viết trong ta hãy cùng nhìn lại con đường phát triển của ngành công nghiệp LNs để cùng tìm ra nguyên do cho vấn đề trên.
Để thuận tiện cho bạn đọc thì mình sẽ nêu ra 3 ý chính, mỗi ý được đánh số tương ứng với 1 nguyên do quan trọng mà mình nghĩ là đã khiến cho loại hình LNs “tràn ngập isekai” như ngày nay.

1. Tác động của loại hình Webnovel, sự thu hẹp của đối tượng đọc giả

Để mở đầu ý này chúng ta hãy cùng trở về thời kỳ những năm 90s đến đầu những năm 2000s (đến năm 2003-2004). Có 1 điều có thể làm một số bạn bất ngờ đó là ngành công nghiệp LNs hiện nay có những bộ mà một số bạn cho rằng là “trash” hay “overrated”,... thật ra vào thời kỳ 90s-đầu 2000s đã từng có những bộ được cho là “underrated’’, có nhiều nét khác biệt độc đáo so với những chuyển thể anime khác nói chung. Đó là những bộ Boogiepop Phantom, Kara no Kyoukai, Kino’s Journey, Baccano!,... Những bộ này có đặc điểm chung đó là lối kể chuyện phi tuyến tính phức tạp, nội dung có nhiều chi tiết bí ẩn, những yếu tố bình luận xã hội hiện đại cùng với những câu văn nặng tính triết lý. Nên chỉ được nhà xuất bản nhắm đến những đối tượng đọc giả trẻ nhất định, những tác phẩm trên do không phù hợp với những đọc giả phổ thông nên không đem lại sự nổi tiếng quá lớn cũng như có thể tạo ra được một làn sóng ảnh hưởng.

Thế nhưng bắt đầu từ năm 2003-2004, có một loại hình văn hóa đăng bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong lòng nước Nhật và làm thay đổi hoàn toàn loại hình LNs, đó là văn hóa mạng (internet). Loại hình webnovel xuất hiện, lập tức chiếm ưu thế và trở thành “kim chỉ nam” cho các bộ LNs ngay sau đó. Cho bạn nào chưa biết thì loại hình webnovel là tập hợp các trang web, trang blog cho phép người dùng internet được tự do viết truyện và đăng trực tiếp các tác phẩm của mình lên mạng cho các đọc giả được đọc ngay và luôn. Sự tiện lợi của loại hình webnovel với đọc giả và sự tiết kiệm chi phí và công sức với tác giả đă khiến cho loại hình này bùng nổ sự nổi tiếng. Một đặc điểm rất quan trọng của loại hình webnovel đó là sự phù hợp của loại hình này với đối tượng otaku. Bởi vì một phần của otaku là các hikkikomori hoặc NEET là những người không có việc làm, suốt ngày nhốt mình trong phòng nên dĩ nhiên sẽ có rất nhiều thời gian rãnh để lên mạng. Ngoài ra thì văn hóa Otaku củng là dạng văn hóa phát triển tốt trên internet bởi vì với dạng văn hóa vẫn bị nhiều người kỳ thị vào thời kỳ đó thì internet là nơi tốt nhất để các otaku có thể thoải mái thể hiện mình và kết nối với nhửng người khác có cùng sở thích một cách tự tin mà không dính phải sự xấu hổ hay sự dị nghị của đám đông.

Nắm bắt được điều đó, các tác giả light novel đã chuyển đối tượng độc giả sang các otaku và tác phẩm đầu tiên gây ra được tiếng vang lớn đó chính là Haruhi Suzumiya. Những tác phẩm có nhiều chi tiết parody văn hóa Otaku như Wellcome to NHK, Haruhi hoặc yếu tố harem mà otaku ưa chuộng như Monogatari series. Chúng ta thấy rõ vai trò “chuyển tiếp” của những bộ LNs trên khi mà chùng vẫn có một số đặc điểm của những bộ LNs trong thời kỳ trước như lối kể chuyện phi tuyến tính, yếu tố bí ẩn hoặc mang tính phê phán hiện thực xã hội... nhưng lần này lại chỉ nhắm đến đối tượng chính là otaku.

Năm 2008, bộ LNs OreImo đã loại bỏ hết những yếu tố phức tạp của những bộ LNs thời 90s-đầu 2000s, chủ yếu nhắm vào yếu tố giải trí nhằm thỏa mãn mong ước của các otaku có một cô em gái dễ thương có cùng sở thích với mình. Cũng nói thêm là bộ OreImo này cũng chính là bộ khởi đầu cho trào lưu đặt tên những bộ LNs dài như thòng lọng hiện nay.

Năm 2012, chuyển thể anime của bộ Sword Art Online trở nên cực kỳ nổi tiếng và gây ảnh hưởng rất lớn lên cộng đồng những người viết webnovel, tạo ra trào lưu isekai và fantasy phát triển mạnh mẽ đến ngày nay. Trên trang webnovel “Shōsetsuka ni Narō” những năm 2012-2013 đã chứng kiến một làn sóng đổ xô của hàng tá những bộ isekai sau này đã được chuyển thể thành những bộ anime nổi tiếng như bộ Tate no Yuusha, Re:zero, Overlord, Konosuba, Arifureta, “Slime isekai”, “Smartphone isekai”,...

Có một điều khá thú vị ở đây đó là để chuyển thể được một bộ webnovel thành anime thì phải trải qua thời gian rất lâu khi mà nhà xuất bản phải chờ đợi bộ webnovel đó đủ nổi tiếng, có 1 lượng đọc giả nhất định thì mới xuất bản thành LNs, sau đó đến khi bộ LNs đó bán chạy thì mới chuyển thể thành anime. Quá trình đó rất chậm khiến cho những bộ như Shield hero, Arifureta đến tận năm nay mới có chuyển thể anime. Trong khi nhiều người xem anime có thể sẽ than phiền rằng: “Tận 7-8 năm rồi mà sao cái trào lưu isekai này không chết đi, tại sao mấy trong tác giả cứ nhai đi nhai lại hoài có một thứ không biết chán ha?” Trong khi thật ra là thời điểm những ông tác giả bắt đầu lên ý tưởng và viết những bộ trên là gần như giống nhau, lúc mà ý tưởng này còn mới và đang hot nên dĩ nhiên mà mấy ổng sẽ không thấy sự bão hòa tại thời điểm đó. :v Vào năm sau 2020, khi mà bộ Mushoku Tensei chuyển thể thành anime, những người chưa biết đến bộ này có thể sẽ nghĩ rằng “lại thêm một bộ isekai ăn theo nữa” nhưng mà không hề biết rằng bộ này thật ra là một trong những bộ đầu tiên, đi tiên phong tạo ra các tropes trong trào lưu isekai, fantasy hiện nay.

Có thể nói sự “dồn ứ” của một lượng lớn những bộ isekai, fantasy được ra mắt dưới dạng webnovel gần 1 thời điểm và quá trình chuyển thể anime chậm là nguyên nhân khiến cho đến tận ngày nay mỗi mùa ta điều có những bộ anime theo trào lưu này.

Tóm lại thì ngành công nghiệp LNs từ lúc hình thành đã được định nghĩa là phục vụ cho đối tượng đọc giả trẻ nói chung. Thế nhưng từ những năm 2003-2004, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình webnovel đã gây tác động lớn làm thu hẹp lại đối tượng phục vụ của LNs giờ chỉ còn dành cho các otaku. Một khi đối tượng đọc giả bị thu hẹp lại thì sự đa dạng, sáng tạo trong nội dung và ý tưởng dĩ nhiên cũng sẽ bị thu hẹp theo luôn.

2. Sự thống trị của Kadokawa

Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn sang ngành công nghiệp manga một chút. Ở những năm 60s-70s, mangaka Osamu Tezuka đã rất nổi tiếng bởi hai tác phẩm bán rất chạy đó là Astroboy và Black jack. Đáng lẽ ra thì ông chỉ cần tập trung “vắt sữa” hai bộ trên để đem lại thu nhập lớn cho mình. Thì ông ngược lại dành rất nhiều thời gian và công sức để khám phá những dòng, thể loại manga khác nhau từ scifi, lịch sử, fantasy, hành động, drama, bi kịch, hài kịch,... các dòng shounen, shoujo, seinen đều có dấu ấn của ông cùng với các kỹ thuật vẽ manga cũng được ông trình bày rất sáng tạo và đa dạng. Bởi vì mong muốn của ông là được góp phần xây dựng một ngành công nghiệp đầy đa dạng phục vụ các đối tượng đọc giả ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Còn ngành công nghiệp LNs thì đáng tiếc là không có được những con người đầy tận tâm như Osamu Tezuka. Cùng với đó là sự “thống trị” của “ông lớn” tập đoàn xuất bản Kadokawa.

Nếu như ngành công nghiệp manga chúng ta có đến 3 nhà xuất bản lớn Shueisha, Kodansha và Shogakukan với những dòng manga phục vụ các đối tượng đọc giả khác nhau như: shounen phục vụ cho nam thanh, thiếu niên, shoujo phục vụ cho thiếu nữ, và seinen phục vụ người trưởng thành. Thì ngành công nghiệp LNs gần như chỉ là sự độc chiếm thị trường của Kadokawa.

Điều này dẫn đến việc nếu như có một nhà xuất bản nhỏ hơn muốn khai thác một đối tượng đọc giả mới thì dĩ nhiên là họ sẽ không cạnh tranh lại với Kadokawa. Và bản thân Kadokawa cũng không cần phải mạo hiểm đi tìm hiểu và khai thác đối tượng đọc giả mới làm gì, bởi vì họ có những đọc giả rất trung thành là các otaku, chỉ cần phát hành những bộ webnovel nào đã nổi tiếng sẵn trong giới otaku là dĩ nhiên chắc chắn sẽ đảm bảo doanh thu rồi.

3. Sự thiếu thốn của những giải thưởng nghệ thuật

Ở đây các bạn cần phân biệt giữa giải thưởng nghệ thuật và giải thưởng số đông (dựa theo độ nổi tiếng). Giải thưởng nghệ thuật là những giải thưởng có hội đồng giám khảo là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành và các nhà phê bình nghệ thuật quyết định. Còn giải thưởng số đông là những giải do khán giả bình chọn.

Mình nghĩ các giải thưởng nghệ thuật là một yếu tố quan trọng giúp cho giúp cho một loại hình văn hóa –giải trí cân bằng được giữa yếu tố thị trường và nghệ thuật và giúp ngành công nghiệp đa dạng hơn. Bởi vì một tác giả đã quyết định chạy theo thị trường, theo những trào lưu đang nổi thì đó cũng là sự tự do sáng tác của người ta thôi, chúng ta không thể cấm cản họ được. Mà giải pháp hợp lý hơn đó là các giải thưởng khuyến khích những tác giả nào muốn phá cách, muốn đổi mới và có tài năng để họ thấy rằng con đường mà mình chọn không hề thiệt thòi và họ có được động lực để phấn đấu và khám phá nghệ thuật nhiều hơn.

Trong ngành công nghiệp manga chúng ta đã có những giải thưởng nghệ thuật như giải Manga Taishou, manga Kodansha, manga Shogakukan,... Và đặc biệt là giải thưởng văn hóa Tezuka: https://en.wikipedia.org/wiki/Tezuka_Osamu_Cultural_Prize

Tại giải thưởng này những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi bật nhất trong từng thời kỳ đã được vinh danh như Doraemon, Monster, Vagabond, Berserk, Pluto, Kingdom, Sangatsu no Lion, Rakugo Shinjuu, A silent voice, Yotsuba, Golden kamuy, Beastars,...

Còn đối với ngành công nghiệp LNs, nếu mà có các giải thưởng thì phần lớn cũng là giải thưởng số đông, có lẽ đáng kể nhất chỉ có cuộc thi LNs do Kyoani tổ chức là có hội đồng đánh giá và có độ nổi tiếng để người ta quan tâm.

Thiết nghĩ ngành công nghiệp LNs cần có thêm các giải thưởng nghệ thuật để tôn vinh những tác giả không ngần ngại đổi mới khám phá những chủ đề khác nhau thay vì cứ tràn ngập những bộ chạy theo thị trường như hiện nay.

#Athes

Nhận xét

Bài đăng phổ biến