[MANGA REVIEW – PHÂN TÍCH – GIẢ THUYẾT] MADE IN ABYSS (PHẦN 2)



QUAN NIỆM VỀ SỰ HY SINH VÀ CHỊU ĐỰNG - CÁC GIẢ THUYẾT

Làng Narehate, thế giới của sự hy sinh và khát vọng


“Value” và “desire” là hai từ được sử dụng rất thường xuyên và là hai chủ đề chính chi phối arc Narehate. Theo chiều tăng tiến dần về sự bóp méo của đạo đức như mình đã đề cập, ở tại tầng 6, khái niệm này gần như bị biến mất hoàn toàn. Cùng với đó, sự phổ biến con người cũng không còn nữa, nhường chỗ cho những sinh vật kỳ dị của tự nhiên và các narehate – những sinh vật được tạo thảnh từ khát vọng còn lại của linh hồn của những còi trắng. Ngay cả đối với thị trấn Orth và các tầng 1 – 4, mặc dù tác giả đã có sự sáng tạo rất nhiều nhưng vẫn có những nét giống thế giới thực của chúng ta và cảm giác không quá xa lìa thực tại. Thế nhưng khi đến với tầng 6, cảnh quan thật sự khác biệt, cả một thành phố đổ nát như khung cảnh hậu tận thế, các sinh vật đầy lạ lẫm và khác biệt, báo hiệu trước một bước ngoặt lớn trong cuộc hành trình của Riko và Reg và hé lộ nhiều bí ẩn đã được đặt ra từ đầu manga.
Hy sinh – một chủ đề đã được thể hiện một cách ẩn ý ngay từ đầu manga, khi Riko và Reg càng đi xuống dưới họ càng phải đánh đổi nhiều sự nguy hiểm hơn cho bản thân,. Riko đã phải hy sinh sự liền lặn của một cánh tay của mình khi xuống tầng 4. Thế nhưng, đặc điểm của sự hy sinh ở những tầng 1-4 đó là nó không bắt buộc đối với nhà thám hiểm, họ có thể lợi dụng đầu óc và kiến thức của mình để tránh né những mối nguy không cần thiết và nếu đủ thông minh và mạnh mẽ, họ có thể đi từ tầng 1 đến tầng 5 mà không phải mất mát quá nhiều thứ. Thế nhưng cánh cổng vào tầng 6 thì lại hoàn toàn khác. Như Bondrewd đã đề cập, để vận hành thang máy vào tầng 6, cần có một còi trắng và người sở hữu duy nhất của nó. Và để tạo ra một còi trắng, điều bắt buộc chính là linh hồn của một người tình nguyện hy sinh vì chủ sở hữu của còi trắng đó. Đến đây, bất kỳ ai muốn xuống tầng 6 điều bắt buộc chắc chắn phải có sự hy sinh (thật ra là có thể xuống tầng 6 bằng cách lặng qua biển xác chết tuy nhiên nó rất là nguy hiểm đến mức gần như là tự tử nên ta xem như con đường xuống tầng 6 là chỉ có 1). Đến arc Bondrewd, chúng ta đã ấn tượng mạnh mẽ qua những hành động hy sinh người khác của hắn vì một khát vọng tuyệt đối, thế nhưng ở arc Narehate, sự hy sinh càng được phát triển hơn nữa, trở thành chủ đề chính chi phối toàn bộ arc truyện. Ở đây, không phải chỉ là việc hy sinh để đạt những mục đích lớn mà ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất cũng đều phải có sự hy sinh đánh đổi. Không chỉ bất cứ một vật dụng, một bộ phận bất kỳ, dù là nhỏ nhất trên cơ thể con người, mà ngay cả linh hồn con người cũng có thể được trao đổi.
Cả một ngôi làng vận hành theo quy luật “cân bằng”. Những sinh vật nào cướp mất giá trị của người khác sẽ bị trừng phạt bằng cách tước đoạt lại thứ có giá trị tương đương. Ở đây các bạn không nên hiểu lầm khái niệm “cân bằng” với công lý và đạo đức, bởi vì mục đích của nó là để giữ thăng bằng và đảm bảo trất tự trong làng Narehate, chứ hoàn toàn không xuất phát từ công lý hay đạo đức gì cả. Bời vì những Narehate, về cơ bản chỉ có một phần là con người, họ đã từng là con người và mang linh hồn của con người nhưng do chính Abyss và thời gian đã khiến họ quên đi những tính chất của con người, chỉ còn một thứ duy nhất mà họ mang theo đó chính là khát vọng mạnh mẽ của bản thân. Với những thứ như vậy, việc những giá trị nhân văn và nhân sinh quan không thể áp dụng lên họ là một chuyện bình thường.
Bên cạnh đó, có một chi tiết tại arc này mình thấy nhiều người hiểu lầm đó là việc Nanachi hy sinh bản thân mình để được ở cùng Mitty mãi mãi trong làng. Việc tạo ra một “bản sao” của Mitty chính là do Belafu đã hy sinh phần lớn thân thể của mình để trao đổi, do đó Nanachi mới hy sinh bản thân mình để Mitty không phải chịu đựng đau khổ bởi Belafu, chứ không phải Nanachi hy sinh để tạo ra Mitty và thỏa mãn mong ước được ở cùng Mitty. Cho nên việc làm này là không có mâu thuẫn gì hết với phần trước, bởi vì mong muốn của Nanachi từ trước đến giờ đều là bảo vệ và không muốn Mitty phải chịu khổ.
Mặc dù arc truyện Narehate vẫn đang còn phát triển và còn rất nhiều bỏ ngỏ, nhưng tại chap mới nhất, ta thấy rằng sự xuất hiện của Riko, Reg đang tạo ra những sự thay đổi đầy tích cực. Ở đây có một sinh vật gọi là “Maa-san”, mặc dù ta không biết được lời nói và suy nghĩ của narehate này nhưng thông qua hành động ta đã thấy sự thay đổi đáng kể từ một sinh vật chỉ sống với bản năng khát vọng của mình đến việc có thể hy sinh bản thân mình vì Riko. Do đó, mình mong chờ những sự phát triển nhân vật mới trong arc này, bởi vì bất kỳ một sự thay đổi nào của làng Narehate cũng điều tác động đến Abyss, và nhờ đó, chúng ta có thể suy đoán được ý nghĩa của chuyến hành trình của Riko đối với Abyss là như thế nào.
Riko
Riko ở đầu bộ manga có thể nói là khá “phế”, đúng là cô nấu ăn ngon và các kiến thức của cô về Abyss đã giúp ít rất nhiều (thật ra phần nhiều cũng là do sự có ích của các bản ghi chép của mẹ cô bé), thế nhưng cô bé vẫn còn rất trẻ con, đôi khi ham chơi và quá thích thú khám phá nên tự đặt bản thân mình vào nguy hiểm. Tù tầng 1, đến tầng 4, cô gần như không thể tự bảo vệ được mình và phải dựa dẫm rất nhiều vào Reg.
Điều đó làm cho thật sự mình cũng không chú ý quá nhiều đến Riko, mặc dù cô bé là nhân vật chính. Thế nhưng, khi đến arc Bondrewd, Riko đã bộc lộ rõ ràng một khả năng mà trước đó ta đã không hề chú ý tới, đó là khả năng tạo mối liên kết với người khác. Ở arc Ozen, ta đã thấy cảnh tượng chia tay cảm động của Riko và Reg với cậu bé Maruruk. Thế nhưng ta đã không quan tâm rằng người đóng vai trò quan trọng vào việc hình thành tình bạn giữa 3 đứa trẻ chỉ trong một thời gian ngắn chính là Riko.
Tại arc Bondrewd, việc Pruska tự nguyện hy sinh thân mình để trở thành còi trắng cũng là do mối liên kết của cô và Riko. Trong nhóm Riko, Reg và Nanachi, Riko là người mà Pruska tiếp xúc nhiều nhất và chính cô bé đã kể cho Pruska những điều tuyệt vời trong chuyến hành trình của mình, truyền cảm hứng cho cô tạo nên mơ ước được đồng hành với Riko. Mặc dù mọi chuyện xảy ra quá nhanh và tình bạn giữa hai cô bé không kéo dài được lâu nhưng nó cũng đủ mạnh mẽ để kích hoạt Abyss, giúp Pruska thực hiện ước nguyện của mình.
Tại arc Narehate, Riko cùng với chiếc còi trắng của mình đã giúp đoàn kết các narehate lại. Đây là một điều tuyệt vời bởi vì các narehate được biết đến như là các sinh vật đầy ích kỷ, chỉ quan tâm đến tham vọng của bản thân.
Chiếc còi trắng và mối liên hệ mạnh mẽ giữa Riko và Pruska theo mình là đã giao cho Riko một trách nhiệm đầy to lớn. Năng lực kết bạn và liên kết mọi người của sẽ có vai trò ngày càng quan trọng và có thể tạo ra phép màu, làm thay đổi hoàn toàn Abyss trong tương lai.
Reg
Sau khi xem anime, mình có đọc một vài bài review – phân tích trên mạng. Bên cạnh phần lớn review đề cao bộ này còn có một số ý không hài lòng hoàn toàn. Bên cạnh cái vụ lolicon (cái này thì khỏi nói :v) thì có một ý kiến làm mình chú ý đó là việc cho Reg “miễn nhiễm” hoàn toàn với lời nguyền Abyss và cho cậu một cơ thể gần như không thể bị tổn hại có là “quá bá, hack” và làm bộ anime mất đi tính hấp dẫn?
Ở đây, để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải xem lại vai trò của Reg trong bộ manga này. Như mình đã khẳng định trong phần trước, toàn bộ xã hội xoay quanh Abyss điều đã bị bóp méo nhận thức và đạo đức bởi chính Abyss. Chỉ ngoại trừ Reg, cậu ta giống như một kẻ ngoài lề và về mặt nhận thức, cậu ta gần với thế giới chúng ta hơn. Cho nên trong tác phẩm này, Reg là một thứ đem lại nhận thức về thực tại (sense of realism) cho tác phẩm. Do đó tác giả cần phải cho Reg miễn nhiễm với lời nguyền của Abyss để người đọc dễ đặt bản thân mình vào và cảm nhận sự bất thường trong thế giới của Made in Abyss. Nói thẳng ra thì Reg là một MC để self-inserted như mấy main của isekai :v. Nhưng mà việc self-insert ở đây là vì mục đích hoàn toàn khác, trong khi mấy main isekai được self-inserted vào để mấy otaku thẩm du tinh thần, thì dạng self-insert như Reg là vì để thể hiện rõ ràng và nhấn mạnh thế giới Abyss, đó là vì một mục đích nghệ thuật rõ ràng nên không phải là một điều tệ hại.
Thứ hai là mặc dù năng lực của Reg là một thuận lợi vô cùng lớn với Riko và Nanachi. Đặc biệt là trong trận chiến với Bondrewd, nếu không có Reg thì họ đã không thể nào đánh bại được hắn. Tuy nhiên dù có mạnh đến đâu thì năng lực của Reg thì cũng không thể nào giải quyết mọi thứ, biến điều không thể thành có thể hay ngăn chặn những bi kịch được. Ta đã thấy Reg cảm thấy bất lực như thế nào khi không thể cứu Riko ở tầng 4 và nếu không có Nanachi, cô bé rất có thể đã phải chết. Sau đó, đúng là năng lực của Reg đã giúp Mitty được giải thoát, nhưng đó cũng là một điều rất đau khổ, không phải là đáng tự hào gì. Và sau cùng, tại trận chiến với Bondrewd, mặc dù Reg đã đánh bại hắn ta, cậu ta cũng không thể ngăn chặn bi kịch xảy ra với Pruska và Bondrewd vẫn không bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, cậu ta vẫn cần những sự trợ giúp đúng thời điểm, như việc Nanachi giúp Reg lấy lại bản thân mình hay Riko giúp Reg dứt điểm tên Bondrewd.
Năng lực của Reg là một công cụ để nhóm có thể tiếp tục cuộc hành trình mà không phải dừng lại quá sớm, tuy nhiên nó không phải là một thứ “hack game”, có thể đi ngược lại quy luật của Abyss. Và sau cùng thì việc chịu đựng đau khổ từ Abyss (suffering) cũng là một việc không thể tránh khỏi và là thứ mà Reg không thể ngăn cản.
Triết học trong Made in Abyss, Made in Abyss và Berserk
Khi bộ anime được công chiếu, mình thấy nhiều người so sánh Made in Abyss với Madoka Magicka vì cái cách thiết kế nhân vật dễ thương, chibi để đánh lừa người xem. Thế nhưng khi đến arc Bondrewd trong manga, độ dark được đẩy lên khá nhiều và vượt xa Madoka Magicka. Họ lại chuyển sang so sánh với Berserk. Cá nhân mình thì thấy Berserk vẫn nhiều gore, dark hơn, Made in Abyss thì thiên về tác động đến tâm lý người xem hơn.
Tuy nhiên, nhờ sự so sánh đó mà mình đã có hứng thú tìm hiểu về mối liên hệ giữa Made in Abyss và Berserk và mình đã nhận ra nhiều điểm tương đồng khá thú vị về mặt triết lý giữa hai tác phẩm. Nếu so sánh giữa Bondrewd và Griffith thì ta thấy cả hai đều hy sinh người khác vì những mục tiêu tối cao của bản thân. Hay về sự đấu tranh của tôn giáo và ý chí mạnh mẽ của con người (ở Berserk thì đề cập khá rõ ràng là thiên chúa giáo, còn MiA thì có sự liên kết ẩn ý giữa Abyss và tôn giáo).
Sau khi tìm hiểu thì có vẻ cả hai tác phẩm đều chịu ảnh hưởng khá rõ ràng của nhà triết học nổi tiếng người Đức (Phổ): Friedrich Nietzsche. Cả hai đều có dẫn một phát biểu rất nổi tiếng của Nietzsche: “He who fights with monsters should look to it that he himself does not become a monster. And if you gaze long into an abyss, the abyss also gazes into you” (Người chiến đấu với quái vật, nên cẩn thận đừng để bản thân cũng biến thành quái vật trong cuộc chiến...) là minh chứng cho thấy triết học của Nietzsche đã là nguồn cảm hứng cho hai bộ này như thế nào.


Cụ thể là các nhân vật phản diện như Bondrewd và Griffith được xây dựng theo mô hình đạo đức chủ/ nô (master-slave morality) của Nietzsche. Theo ông có hai dạng đạo đức: đạo đức chủ là đạo đức dựa vào tác động của cá nhân lên xã hội (tác động tốt: người tốt, tác động xấu: người xấu), còn đạo đức nô chính là quan niệm đạo đức truyền thống lâu đời mà ta đã quá quen thuộc. Ở đây ta thấy rõ ràng, đối với thị trấn Orth, Bondrewd đã có đóng góp tích cực rất nhiều cho xã hội. Hắn ta giúp cả Abyss thoát khỏi sự mất cân bằng sinh thái trầm trọng bởi những sinh vật từ tầng dưới di cư lên, và phương pháp mà hắn ta đang phát triển tại Idofront có thể tạo một cuộc cách mạng thực sự, giúp cho các nhà thám hiểm có thể quay lại từ tầng 6 (một tầng đã mặc định là một đi không trở lại), giúp việc khám phá Abyss lên một tầm cao mới. Như vậy theo khái niệm đạo đức chủ thì Bondrewd là một người tốt, còn theo đạo đức nô thì chúng ta đã biết Bondrewd ở tân cùng cái ác như thế nào. Trong manga, ta thấy những hành động tội ác của Bondrewd là không phải hoàn toàn bí ẩn và đã có nhiều người biết được sự tàn nhẫn của hắn. Thế nhưng không ai lên tiếng chống lại hắn và coi hắn là một kẻ đáng kinh tởm đáng bị tiêu diệt. Bên cạnh việc do Bondrewd quá mạnh thì cũng là do những lợi ích mà hắn ta đem lại. Do đó, tại thị trấn Orth, Bondrewd được ca ngợi như một còi trắng anh hùng, vĩ đại. Đó chính là chủ nghĩa quan điểm (perspectivism) của Nietzsche, theo ông tất cả các khái niệm quy luật, đạo lý, tư tưởng, đạo đức,... của xã hội đều mang tính chủ quan, đứng dưới những góc nhìn khác nhau sẽ khác nhau.
Bên cạnh đó, có một đặc trưng quan trọng nữa của Berserk và MiA đó là sự chịu dựng đau khổ của các nhân vật (suffering). Theo Nietzsche, để trở thành con người hoàn thiện thì các cá nhân phải trải qua đau khổ để rèn luyện bản thân và cho dù có quá khứ đầy bi kịch như thế nào, cho dù thế giới chúng ta đang sống có nhiều bất công, xấu xí thế nào đi nữa thì cũng phải gạt bỏ nó, hướng về tương lai với sức mạnh của ý chí (will to power). Nietzsche rất đề cao ý chí của cá nhân, ông cho rằng nó có thể đánh bại cả chúa (người có ý chí lớn không cần phải cầu xin bất kỳ ai, kể cả chúa). Những điều trên khá phù hợp với Made in Abyss, ta thấy chuyến hành trình của Riko và Reg đã trải qua biết bao nhiêu đau khổ, thế nhưng đó lại là điều kiện để hai em trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn. Đồng thời với đó, ta thấy sự bỏ lại phía sau mọi buồn thương, nuối tiếc, sau mỗi tầng, nhóm của Riko đều vui tươi hướng xuống tầng dưới với sự háo hức hướng về tương lai và một đoạn hành trình mới.
Thật sự thì những triết lý của Nietzsche cũng khá là mang tính nền tảng nên không phải chỉ hai tác phẩm trên đây mà còn rất nhiều bộ anime, manga mang tư tưởng của ông. Do đó thông qua bài viết này mình muốn các bạn nên tìm hiểu thêm về Nietzsche và biết đâu tìm được mối liên hệ đầy thú vị giữa tác phẩm mà bạn yêu thích và ông.
PHẦN GIẢ THUYẾT


Made in Abyss có thể nói là một bộ manga đầy những bí ẩn thú vị và khó đoán. Cùng với sự sáng tạo đầy phong phú của tác giả Tsukushi, chúng ta không biết rằng bác này sẽ lôi ra những plot twist đầy điên rồ nào nữa. Do đó, nhân lúc manga vẫn còn đang tiếp diễn và chưa có quá nhiều spoilers được lộ ra, mình nghĩ đây là lúc phù hợp cho việc bàn luận các giả thuyết.
“That's Just a Theory, A Manga Theory!” :v
Thật sự khi tham gia các diễn đàn thảo luận về Made in Abyss, mình thấy có rất nhiều giả thuyết được đưa ra với đủ độ điên và hack não khác nhau. Nhưng sau đây là những giả thuyết phổ biến nhất và cá nhân mình đồng tình nhất:
1. Giả thuyết phổ biến nhất: Abyss là một thế giới hậu tận thế.
Giả thuyết này đến từ những chap manga cộng thêm (extra chapter) ở cuối vol 3 và cũng có xuất hiện trong anime. Những chap này đề cập đến một căn bệnh kỳ lạ gọi là căn bệnh sinh nhật khi các cư dân của Orth bị chết một cách không rõ nguyên nhân ngay vào đúng ngày sinh nhật của mình. Sau đó, chúng ta biết thêm được rằng có rất nhiều xác chết bí ẩn trong tư thế khẩn cầu có niên đại lần lượt 2,4,6 ngàn năm. Hơn nữa, có vẻ “căn bệnh sinh nhật” có vẻ có liên quan đến lời nguyền của Abyss, khi mà đi xa Abyss, căn bệnh này bị biến mất.
Ngoài ra, rải rác manga ta bắt gặp những di tích như cối xay gió,... được cho là có niên đại trên 2000 năm, cuối cùng là tầng 6, toàn bộ tầng này như một di tích của một thành phố cổ đã đổ nát. Nhìn bức vẽ về tâng 6 cho mình ấn tượng rằng các công trình ở đây không phải ban đầu đã ở đó mà có vẻ như là do chúng bị vỡ vụn, rơi từ trên cao xuống . Tất cả đều cho ta ấn tượng về những nền văn minh đã biến mất bị chôn vùi bởi Abyss.
Từ đó mình có giả thuyết sau: Abyss hiện tại là một thế giới hậu tận thế, cứ mỗi 2 ngàn năm, lời nguyền của Abyss mạnh lên, rò rỉ từ những tầng dưới lên, gây ra căn bệnh sinh nhật và giết hết những cư dân trên mặt đất. Và có thể Abyss cũng mở rộng ra và nuốt chửng các công trình của nền văn minh cũ. Những relic thực ra là những vật dụng của nền văn minh cũ tiên tiến hơn còn sót lại.
Có một điều đáng sợ ở giả thuyết này đó là có vẻ một chu kỳ 2000 năm mới đang đến rất gần. Ta thấy rằng “căn bệnh sinh nhật” đang bắt đầu giết các cư dân của Orth, các sinh vật từ tầng dưới di cư lên tầng trên và gây đảo lộn hệ sinh thái như con Kuongatari từ tầng 6 đi lên, theo mình nghĩ là do “rò rỉ” lời nguyền của Abyss. Ngoài ra, các còi trắng như Bondrewd đã dự tính được điều này nên việc hắn “chuẩn bị cho chu kỳ 2000 năm tới” có thể là ám chỉ cho việc hắn tìm cách sống sót qua khoảnh khắc tận thế sắp đến.
Rất có thể ở dưới đáy của Abyss ẩn chứa nguyên nhân gây ra điều này và cả giải pháp để cứu thị trấn Orth khải thảm họa diệt vong. Do đó, theo mình có thể tác giả sẽ sử dụng giả thuyết này trong tương lai để khiến chuyến hành trình của Riko và Reg không những chỉ là một chuyến đi khám phá và giải mã bí ẩn mà còn có thể là một chuyến đi định mệnh có thể làm thay đổi cả Abyss trong tương lai.
2. Giả thuyết về những tầng đáy của Abyss: Cảnh cửa kết nối giữa thế giới hiện hữu và thế giới linh hồn


Ngay từ những tầng đầu ta đã thấy một đặt điểm rất đáng chú ý của thực vật ở đây đó là chúng mọc ngược và hướng mình vươn về phía đáy của Abyss. Cùng với câu nói của Riko và các cư dân Orth: “chúng ta đều được kết nối bởi Abyss”, hay “linh hồn của người chết sẽ trở về với Abyss”. Và ở tầng 6, ta thấy sự hiện diện của con người rất ít, chỉ có các Narehate, căn bản là những linh hồn bị trói buộc bởi khát vọng/dục vọng của chính mình.
Thông thường thực vật ở trên Trái Đất của chúng ta hướng về phía mặt trời bởi vì mặt trời cung cấp nguồn năng lượng ánh sáng cho chúng quang hợp. Với lý lẽ đó, các thực vật của Abyss có vẻ đã không nhận năng lượng từ mặt trời mà từ chính đáy của Abyss tỏa ra. Theo mình nguồn năng lượng này có quan hệ mật thiết với các linh hồn đi xuống dưới Abyss. Cách thức tạo ra năng lượng bí ẩn thì mình không đoán ra được nhưng rất có thể rằng dòng chảy năng lượng trong Abyss có sự tương đồng với “dòng chảy” của các linh hồn để tạo thành một vòng tuần hoàn và là nguyên nhân gây ra lời nguyền của Abyss. Sự mất cân bằng dòng chảy có thể là nguyên nhân gây nên thảm họa diệt vong mỗi 2 ngàn năm.
Nếu mà việc mọi linh hồn đi xuống đáy Abyss là đúng thì có vẻ chặng cuối của chuyến hành trình Riko sẽ được Spirited Away (Lạc vào thế giới linh hồn) :v thật.
3. Reg là vũ khí tàn dư của một nền văn minh cổ tiên tiến
Giả thuyết này cũng khá đơn giản thôi, chỉ cần suy nghĩ một chút ta thấy những thứ công nghệ trên cơ thể Reg là nằm ngoài tầm với của bất cứ người nào trong xã hội Orth. Do đó, cậu ta nhất định là thuộc về một nền văn minh tiên tiến hơn rất nhiều so với xã hội hiện tại.
Tại chap 44, trong một cuộc nói chuyện giữa Reg và một con rô bốt vô danh đi cùng với Faputa. Ta thấy con rô bốt đó gọi tầng 6 là tầng “Bell Tower”, hoàn toàn khác với cách gọi thông thường cho càng cho thấy rằng các rô bốt này thuộc một nền văn hóa khác.
Mối liên hệ giữa Reg và Lyza: Trong manga đã đề cập rõ ràng Reg đã từng gặp Lyza và thậm chí hai người còn từng đi phiêu lưu cùng nhau. Theo mình, những là thư của Lyza được đưa lên mặt đất chính là nhờ Reg bởi vì ta thấy rằng tự mình đi lên hay gửi thư từ tầng 6 là gần như không thể vì lời nguyền và sự cản trở của biển xác chết. Thứ duy nhất có thể vượt qua hai trở ngại to lớn trên chính là Reg. Có thể ý định của Lyza gửi Reg lên mặt đất là để bảo vệ Riko bởi vì cô biết Riko một ngày nào đó chắc chắn sẽ quyết tâm đi xuống Abyss, cùng với những bản ghi chép để cô bé học hỏi. Còn cái tờ giấy “Ta sẽ đợi ở dưới đáy” như Ozen đề cập là không bị tổn hại giống như cơ thể Reg và có chữ viết như ký tự trên các relic, theo mình là do người tạo ra Reg ghi và nền văn minh mà Reg được tạo ra chịu trách nhiệm cho sự hình thành của Abyss.
4. Về Faputa và làng Narehate
Hiện nay có khá nhiều giả thuyết về một narehate bí ẩn tên là Faputa, nhiều người cho rằng Faputa là “1 nữa linh hồn” còn lại của Riko hay từng là Lyza. Hay có giả thuyết cho rằng trong các Sage (những Narehate thành lập làng) là những còi trắng bí ẩn còn lại (Srajo, Wakuna). Nhưng mình bác bỏ những giả thuyết này, nguyên nhân là do sự biến dạng thời gian. Các sự kiện như Riko sinh ra, Lyza thực hiện last dive, các còi trắng Srajo, Wakuna thực hiện last dive xảy ra không quá lâu và cách hiện tại xa nhất cũng chỉ cỡ mười mấy năm. Cộng thêm sự biến dạng thời gian của tầng 6 như Ozen từng đề cập, thời gian tương ứng cho các sự kiện trên tại tầng này cùng lắm vài năm. Trong khi làng Narehate cho mình cảm giác là đã thành lập từ rất lâu rồi, với hệ thống ngôn ngữ, thị trường luật lệ riêng đầy chặt chẽ, mình thiên về giả thuyết rằng Faputa cũng như phần lớn Narehate trong làng đã từng là các thám hiểm gia của những nền văn minh cổ đã diệt vong.
5. Bí ẩn còn rất nhiều
Mặc dù đã có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng vẫn còn những chi tiết sau đây làm mình hoàn toàn mù mờ, và mình mong chờ các chap truyện sau sẽ làm sáng tỏ hơn.
- Sự thay đổi của Bondrewd sau khi cuộc chạm trán với nhóm Riko (như mình đã có đề cập trước đó)
- Về Lyza: Nếu Lyza còn sống thì hành động để lại còi trắng của cô khá khó hiểu, bởi vì còi trắng thực sự là một vật quan trọng, nó chứa đựng linh hồn của người đã hy sinh bản thân mình vì chủ sở hữu, nó cũng có thể dùng để kích hoạt nhiều relic quan trọng. Hay là Lyza thực sự đã chết?
- Con đường xuống tầng 7: Tại chap 40, trong đoạn giới thiệu của một Narehate tên là Kajia cho Riko về làng Narehate. Kajia có đề cập rằng các cư dân trong làng từng là những nhà thám hiểm “bị lạc đường” và “đầu hàng cuộc sống”, đồng thời Kajia khẳng định rằng mình khác với Nanachi, không trở thành Narehate tại Idofront, vậy tức là họ trở thành Narehate khi tìm đường từ tầng 6 xuống tầng 7. Mình tự hỏi điều gì của tầng 6 có thể khiến họ lạc đường và đầu hàng đến vậy, bởi vì trong chuyến đí của Riko ta thấy rằng chỉ cần đi xuống dưới là tới tầng tiếp theo, chuyện lạc đường là chuyện rất khó xảy ra. Cùng với đó là đề cập của Ozen về một người giữ cổng và một cái vòng bí ẩn tại đoạn giao nhau giữa tầng 6 và 7 càng gây nên nhiều sự tò mò.
- Về hai còi trắng còn lại: Còn hai còi trắng vẫn còn nhiều bí ẩn mà nhóm của Riko chưa gặp mặt, đó là Srajo "Lord of Mystery" và Wakuna “Lord of Guidance”. Ozen đã từng cho rằng hai người này không khắc nghiệt như Bondrewd, tuy nhiên, đó là trước khi hai người này last dive xuống tầng 6. Khi xuống tầng 6, mọi việc điều có thể xảy ra và vì thế mà không thể không đề phòng. Hoàn toàn có khả năng hai người này sẽ là những villain của các arc sắp tới.
Ngoài ra hình dạng các còi trắng cũng phản ánh đặc điểm của chủ nhân nó. Còi trắng của Lyza được chạm trổ cực đẹp chắc là để tượng trưng cho sự xinh đẹp của cô. Còi trắng của Ozen là hình đầu trâu để tượng trưng cho sức mạnh ngàn người của bà (vì khỏe như trâu). Còi trắng của Bondrewd mang hình “praying hand” chỉ còn xương có thể trượng trưng cho “bàn tay quỷ” của Abyss hay việc hắn là một tín đồ trung thành của “đạo Abyss”. Còn còi trắng của Riko theo hình trái tim thì có thể liên quan đến năng lực kết nối tình bạn với người khác hay là vì trái tim nhân hậu của cô bé.
Từ đó các còi trắng của Srajo là hình cánh chim còn của Wakuna là hình con cá voi. Đối với Srajo, tạo hình còi trắng, mặt nạ hình con quạ cùng với danh hiệu “chúa tể bí ẩn” cho mình ấn tượng rằng tên này có thể tàng hình, hay năng lực che giấu bản thân gì đó cùng với biểu tượng cánh chim thể hiện sự nhanh nhạy, thanh thoát. Còn đối với Wakuna, thì như Bondrewd gọi là một lão già, và việc hắn ta vượt xuống tầng 6 bằng đường biển xác chết cho ta thấy rằng lão này có một relic rất mạnh có thể khiến hắn di chuyển tự do trong nước, hay là có năng lực liên quan đến nước.



Bài viết của mình đã xong, thật sự lúc đầu mình không tính viết dài vậy đâu, chỉ tính phân tích về Bonedad mà thôi, thế nhưng sau khi “lậm” mấy diễn đàn 4chan/a/ và r/madeinabyss quá mức, khiến cho bài viết của mình càng có nhiều ý hơn và có thêm phần giả thuyết. Bởi vì mình khá bị cuốn vào tính bí ẩn của MiA và những điều thú vị xoay quanh nó.
Thôi như các bạn cứ coi như đây là 2,3 bài review gộp lại và từ từ mà “ngâm cứu” nhá. :v

Nhận xét

Bài đăng phổ biến