[TẠI SAO NHIỀU LIVE ACTION CÓ CHẤT LƯỢNG THẤP ĐẾN VẬY]


Trong những năm trở lại đây Live Action trở thành một thể loại phim khá phổ biến trong nền công nghiệp điện ảnh, không chỉ riêng Nhật Bản mà còn cả ở Hollywood, thu hút sự chú ý của đông đảo fan nguyên tác trên toàn thế giới. Thế nhưng, số lượng không đi đôi với chất lượng, những bộ phim Live Action có chất lượng thấp vẫn đang chiếm đa số.
Đáng ra đây phải là bài review phim Kingdom nhưng có một vài yếu tố trong phim đã khiến mình drop luôn, tự hỏi tại sao những điều ấy cứ tồn tại mãi trong live action Nhật mà không được khắc phục, vậy nên mình đã lên mạng tìm hiểu nguyên nhân và quyết định viết bài về vấn đề này, hãy cùng mình tìm hiểu xem những điều ấy là gì nhé!
1/ SỰ KIỂM SOÁT CỦA CÁC CÔNG TY PHIM:
Có thể dễ dàng nhận thấy có rất nhiều phim live action được làm mỗi năm, trong lễ hội phim Nhật Bản, đạo diễn Beat Takeshi đã giải thích như sau:”Đó là vì nếu bạn chuyển thể một bộ manga thành phim, người ta sẽ đi xem nó, chỉ vậy thôi! Các công ty phim không có gan để chi tiền vào những kịch bản không tên tuổi”. Qua câu trả lời đó, ta có thể nhận thấy thực trạng của ngành điện ảnh Nhật Bản hiện nay, tất cả đều vì hai chữ “lợi nhuận”! Và có thể sinh lời thêm bằng những cách khác như chọn những diễn viên bảo đảm ăn khách hoặc tuyển idol đi đóng phim, kịch bản thì cứ bê nguyên si từ trong manga/ anime mà làm, vừa dễ mà vừa chiều lòng tụi fan, đảm bảo không lỗ. Lấy ví dụ như Kento Yamazaki và Oguri Shun, ai coi LA nhiều chắc cũng thấy hai ông này cứ xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh, từ gintama cho tới Death Note, rồi thì KingDom mới ra mắt năm nay, không phải là cứ phim thương mại thì sẽ không hay, nhưng rõ ràng nó đang bóp chết sự sáng tạo của đạo diễn và biên kịch, những diễn viên ít tên tuổi cũng sẽ khó mà phát triển trong ngành công nghiệp này. Có thể nói rằng người Nhật hiên nay không đi xem phim vì tên tuổi của đạo diễn, trừ những cái tên quá nổi bật như Hayao Miyazaki ra, còn lại LA đều dựa hơi vào danh tiếng của manga gốc và idol nổi tiếng, dần dần những người tâm huyết với nghề cũng khó mà bám trụ khi không có môi trường bộc lộ cái tôi nghệ thuật của mình. Kết quả chúng ta có những bộ phim LA thiếu sáng tạo, xa vời thực tại với diễn xuất khó coi của các thần tượng, trong khi những phim LA hay chỉ chiếm phần ít.
2/ VẤN ĐỀ DIỄN XUẤT:
Thật ra Kingdom là một LA khá ổn nếu xét về khía cạnh kĩ xảo và xây dựng bối cảnh, tuy nhiên diễn xuất là thứ khiến nó mất điểm đối với mình. Cũng như đa số những bộ LA khác, nhân vật chính dường như có lối diễn xuất khá cường điệu, những khung cảnh cảm động trong phim cần phải có cách xử lí tinh tế và phù hợp với hoàn cảnh, nếu không nó sẽ rất giả và cliche ( từ chỉ những điều đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần đến mức gây nhàm chán). Lấy vì dụ trong Avengers: End Game, khi Iron Man chết những người xung quanh không cần phải gồng cơ mặt, thắt cơ hông rồi nói năng lắp ba lắp bắp trong nghẹn ngào gì cả, các diễn viên khác diễn rất tự nhiên nhưng vẫn để lại một khung cảnh đầy xúc động và đáng nhớ. Hay như trong một LA khác mà theo mình thấy khá tốt là The Serial Killer Is Laughing In The Rain (cũng của Oguri Shun đóng chính), có một phân cảnh trong phim khi một nhân vật gặp chuyện khiến người đó muốn khóc thét lên, nhưng tình thế ép cô phải kìm nén nó lại, đó mới là nỗi đau đớn thực sự! Mỗi khi xem một Live Action hay phim Nhật nào mà tới đoạn cảm xúc quan trọng, mình chỉ mong lối diễn xuất mang yếu tố kịch của diễn viên sẽ không làm phá vỡ không khí của cả bộ phim, như trong Attack On Titan LA, mình thật sự không thể đồng cảm nổi với bất kì nhân vật nào trong đó vì diễn xuất của họ trông quá giả, và lối diễn ấy quá phổ biến trong phim Nhật đến mức không hình thành định kiến cũng khó, dù biết rằng vẫn còn những diễn viên giỏi khác, nhưng mà.. cái gì xấu thì người ta sẽ nhớ dai hơn. Tất nhiên, một phần lỗi đến từ những đạo diễn, khi họ quá lạm dụng cảnh quay cận mặt, đây giông như một con dao hai lưỡi vì nếu diễn viên có diễn xuất tốt thì sẽ nâng tầm bộ phim lên, tuy nhiên với những người chưa có kinh nghiệm hoặc còn quá nặng lối diễn sân khấu, đạo diễn cần tìm cách để che dấu chúng, thay vì cố chấp dùng những shot quay cận cảnh để zoom những điểm yếu ấy, đây là sự thiếu tinh tế của đạo diễn Nhật so với các nước khác. Một vài vấn đề bên lề như lương bổng, lịch làm việc dày đặc,.. cũng ảnh hưởng đến các diễn viên.
3/ VẤN ĐỀ CỐT TRUYỆN:
Một trong những cái khó của việc chuyển thể tác phẩm gốc là phải biết giữ lái cái hồn ( những thứ làm nên cái hay, cái cốt lõi) của tác phẩm, nhưng vừa phải biến đổi để nó phù hợp hơn so với đời thực. Không khó để thấy có nhiều bộ LA bê nguyên si mọi thứ từ tác phẩm gốc, từ quần áo, tóc tai cho đến trang phục ở trong truyện mà không có chút sự thay đổi nào cho phù hợp với đời thực (mà lại còn còn làm qua loa cho có), và quả thật trông nó rất dị, như kiểu tóc của Saiki Kusuo và những người bạn, biết là bám nguyên tác nhưng mà nhìn fake không chịu được, hay như Itona Horibe trong Assassination Classroom (“thằng em” của Korosensei) trong manga nhìn rất ngầu nhưng vào phim thì trông sai sai. Manga và anime có những điểm tương đồng nên có thể chuyển thể mà vẫn giữ nguyên cảm giác trong tác phẩm gốc, nhưng phim ảnh thì khác, nó yêu cầu tính thực tế cao hơn và khó làm hơn, mọi yếu tố như casting, bối cảnh, trang phục,.. đều phải có sự đầu tư thì mới mang lại cảm giác tốt cho người xem, nhưng cho dù đáp ứng toàn bộ những tiêu chí đó, như Ghost In the Shell bản Hollywood với mức độ đầu tư khủng khiếp, vẫn là sự thất bại phòng vé như thường khi tập trung tái hiện lại bối cảnh trong anime quá nhiều mà không đầu tư về mặt cốt truyện, làm thiếu mất sự hấp dẫn của phim. Attack On Titan thì khỏi nói, xa vời nguyên tác quá mức đến nỗi làm mất cái hồn của manga, diễn xuất thì ba chấm, một tác phẩm bom tấn với sự đầu tư khủng mà lại dở không chịu nổi. Những tác phẩm chuyển thể hay vừa được lòng giới phê bình lẫn người hâm mộ có thể kể tới Edge Of Tomorrow ( chuyển thể từ tác phẩm All You Need Is Kill), phim không chỉ có sự sáng tạo trong cốt truyện mà còn giữ được cái hay, cái làm nên thành công của tác phẩm gốc, diễn xuất của Tom Cruise với kĩ xảo Hollywood thì khỏi bàn cãi. Còn có series Rurouni Kenshin với cốt truyện hấp dẫn và những pha đấu kiếm đẹp mắt cũng rất được lòng người hâm mộ. Nhìn chung để làm nên một bộ Live Action hay thì không dễ chút nào, và càng nguy hiểm hơn nếu các công ty coi loại hình này như một loại “mì ăn liền”, cứ làm cho qua loa rồi ngồi rung đùi thu lời là xong.
4/ SỰ ỦNG HỘ CỦA THỊ TRƯỜNG:
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thay vì ủng hộ phim Hollywood thì Nhật Bản đã chuyển hướng và trở thành một thị trường ủng hộ phim nội, họ thậm chí còn dub phim Hollywood sang tiếng Nhật cho dễ xem hơn. Vài người cho rằng nguyên do là bởi sự phát triển của ngành công nghiệp anime, khi đa số những bộ phim có doanh thu cao nhất từng năm đều thuộc thể loại anime, vậy nên không quá khó hiểu khi sản phẩm phim người đóng ăn theo cũng theo đó nổi lên, và dù nói gì thì nói, cảm giác được xem bộ manga/ anime mình thích được chuyển thể thành phim cũng là một trải nghiệm thú vị, dù có người chê nó dở đi nữa nhưng đã là fan chân chính thì cũng phải xem cho biết nó dở thế nào, nói chung rất khó phủ nhận chuyện này:”Đã là live action thì chắc chắn sẽ có một bộ phận fan tác phẩm gốc đi xem”, trừ khi phim quá dở chứ nếu có chút đầu tư với bám sát nguyên tác thì vẫn thu lời ngon ơ. Chừng nào điều ở trên thay đổi và người xem đánh giá bản điện ảnh như một tác phẩm riêng biệt và không dính dáng tới bản gốc, thì mặt bằng chung của các LA mới được nâng lên. Ngoài ra, giới phê bình cũng phải đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng phim, trừ Attack On Titan bị các nhà phê bình trù dập tơi tả ra, các phim khác hầu như không nhận chỉ trích gì đáng kể, tạo điều kiện cho những bộ phim chất lượng thấp tiếp tục được lưu hành.
Tổng lại, đây là vài dòng từ một đứa coi phim lậu viết ra ( chịu thôi tại tui muốn mua vé coi đàng hoàng mà mấy ông rạp đâu chiếu ☹️ ), mọi gạch đá xin nhận và mình tôn trọng ý kiến riêng của từng người, có gì sai sót thì các bạn cứ góp ý dưới phần bình luận, cảm ơn đã đọc bài viết 🙂 .
Link bài tham khảo:
ahttps://japantoday.com/category/entertainment/3-reasons-japanese-movies-today-suck-according-to-distributor-and-producer-adam-torel

Nhận xét

Bài đăng phổ biến