[REVIEW PING PONG THE ANIMATION] (Có spoil)


Nếu chỉ nhìn bìa để chọn ra một bộ manga, anime đáng xem thì bạn sẽ chọn theo tiêu chí nào? Một dàn harem xinh đẹp, main chính cool ngầu, art nhiều màu sắc,... sẽ là những tiêu chí đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người. Nhưng cũng có những người khác ( giống như mình) thích tìm mấy bộ "xấu lạ" để xem, cũng phải nói luôn, "xấu lạ" ở đây không phải là xấu vì cẩu thả hay người vẽ không thể vẽ đẹp, mà là bởi họ đã chọn tự tạo ra phong cách riêng cho tác phẩm của mình thay vì chiều theo thị hiếu đám đông. Những người dám chấp nhận rủi ro, không đi theo thị trường thường sẽ tạo ra những kiệt tác, và đạo diễn Masaaki Yuasa với Ping Pong the Animation cũng không phải ngoại lệ.
Tác giả manga : Taiyo Matsumoto
Đạo diễn: Masaaki Yuasa
Thể loại: Thể thao, tâm lí, seinen
Tình trạng: Đã hoàn thành
Tóm tắt:
Được chuyển thể từ manga cùng tên của mangaka Taiyo Matsumoto, Ping pong the Animation kể về quá trình trưởng thành của hai cậu bạn trẻ Yutaka Hoshino (Peco) và Makoto Stukimoto (Smile), không chỉ trong bóng bàn, mà còn ở các mối quan hệ trong cuộc sống.
+ Về nội dung:
Chỉ với vỏn vẹn 11 tập phim, Ping Pong the Animation đã làm một điều cực kì tuyệt vời: Hoàn thành việc khắc họa chiều sâu của hầu hết dàn nhân vật một cách đầy thuyết phục và chặt chẽ, từ chính tới phụ. Đầu tiên phải kể đến đó là Peco, ngay từ đầu phim, ta đã thấy hình ảnh cậu hiện lên như một đứa hời hợt từ cách sống đến lối đánh bóng, dù được nhận xét là có tài năng nhưng cậu hoàn toàn không có động lực để thi đấu. Ở phía ngược lại, Peco là một tên tăng động, ngạo mạn không xem đối thủ ra gì, vì vậy cũng không nghiêm túc luyện tập. Cả hai như những phần khuyết bổ sung lẫn nhau, vừa là động lực, vừa là đối thủ giúp nhau tiến bộ. Theo dõi hành trình của hai cậu bạn ấy, chúng ta cũng gặp được những nhân vật đại diện cho những thân phận khác nhau trong giới bóng bàn, có Kong Wenge, lúc đầu cũng tự cao phách lối như Peco, nhưng rồi lại khiến ta đồng cảm và tiếc nuối bởi cách cậu đối diện thất bại của mình, có một sakuma không có chút tài năng nào với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ cần chăm chỉ tập luyện là đủ, rồi cũng phải cay đắng chấp nhận sự thật, hay như Kazuma, người xem chiến thắng như một áp lực nặng nề trên vai, luôn sẵn sàng hi sinh mọi thứ để đảm bảo bản thân sẽ không thua cuộc. Tất cả tạo nên một bức tranh đầy màu sắc mà cũng thật khắc nghiệt mang tên bóng bàn, cái giá mà mỗi người phải trả để theo đuổi quả bóng ấy không thể nào thể hiện rõ hơn qua một đêm giáng sinh, trong khi Kong Wenge đang có bữa tối hạnh phúc cùng mẹ mình, những người khác đều điên cuồng luyện tập, Peco chìm trong bê tha để quên đi thất bại .. họ chìm đắm trong nỗi cô đơn, trong khi giáng sinh lẽ ra là thời khắc sum họp vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm, thì chỉ còn một mình họ với trái bóng... Chính nhờ những khoảnh khắc ấy mà ta thêm sự đồng cảm với nhân vật và hiểu thêm về đam mê của họ. Cuối phim, chúng ta có được câu trả lời cho câu hỏi:" Làm sao để trở thành người mạnh nhất?" Liệu có phải là sự chăm chỉ? Hay tài năng thiên bẩm? Peco đứng ra đạp đổ hết tất cả và trả lời trong sự ngỡ ngàng của người xem: chính niềm vui khi chơi bóng, mới là thứ mạnh mẽ nhất!
+Về nghệ thuật:
Nếu so với manga gốc, bản anime có nét vẽ không đẹp bằng, tuy nhiên, theo mình tác giả có ý làm như vậy để khiến người xem có thể tập trung hơn vào câu chuyện, vào cuộc đối thoại, đồng thời tạo ra nét độc đáo riêng của chuỗi phim. Nếu như thay những đường nét nguệch ngoạc bằng các đường tròn, đường thẳng đều tăm tắp thì liệu Ping Pong có còn đáng nhớ như vậy không, theo mình câu trả lời sẽ là không, bởi chính những nét vẽ như trẻ con ấy đã khiến nó tách biệt khỏi những bộ anime khác, dù có phải đánh đổi một số lượng lớn khán giả đi nữa. Đối với một người nghệ sĩ, đỉnh cao lớn nhất không phải là khả năng sao chép, tỉ mỉ vẽ lại y chang những thứ ngoài đời thật, mà là khả năng tái hiện lại thế giới qua góc nhìn của người nghệ sĩ đó, bởi vậy dù cho lúc đầu bạn có không thích nét vẽ của Ping Pong đi nữa, rồi cũng tới một lúc nào đó, bạn vô thức đắm chìm vào thế giới của nó, không chỉ bởi tính nhất quán trong lối vẽ từ đầu tới cuối, mà còn ở cách Masaaki tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút của phim. Những đoạn thi đấu nảy lửa được thể hiện qua những panel truyện tranh xuất hiện với tiết tấu dồn dập, đầy kịch tính, cùng với đoạn nhạc sôi động vang lên khiến người xem khó có thể rời mắt khỏi màn hình, vậy nên việc bạn quất một lèo 11 tập sẽ trở thành điều hiển nhiên! Bên cạnh đó, trong phim còn lồng ghép nhiều chi tiết mang tính biểu tượng, những hình ảnh ấy tượng trưng cho cách nghĩ và mong muốn của họ về mình . Với Smile, đó là một con robot hoàn hảo, làm mọi thứ như đã được lập trình sẵn, với Kong Wenge, đó là chiếc máy bay đưa cậu trở về quê nhà, Kazuma là một con rồng đen hắc ám, hay một người khổng lồ luôn chực chờ vồ lấy đối thủ, chỉ riêng Peco thì tới cuối phim mới xuất hiện, đó chính là hero trong trí óc của Smile, người đóng vai trò quan trọng nhất! Nhờ hero mà Smile đã thoát khỏi lớp áo giáp của mình, với dòng máu đỏ au lồ lộ ra, như bằng chứng cho thấy cậu vẫn là một con người, cũng nhờ Peco mà Kazama đã thôi không khổ sở trèo lên ngọn núi mang tên chiến thắng nữa, mà đã mọc đôi cánh tự do khỏi áp lực và biết tận hưởng niềm vui của bóng bàn, nhờ Peco mà hai kẻ tưởng như không bao giờ biết tới niềm vui ấy, đã nở nụ cười! Va rồi trong trận chung kết, Peco và Smile đấu với nhau, trong khi tiếng hát vui tươi cất lên và họ được quay ngược thời gian, nhớ ra nơi bắt đầu của thứ tình yêu khiến họ phải khổ sở, điên cuồng ấy, thứ tình yêu mang tên bóng bàn.
Kết:
Có thể Ping Pong sẽ không khiến bạn muốn chơi môn bóng bàn ngay được, nhưng chắc chắn nó đã gửi cho ta những thông điệp đầy ý nghĩa về đam mê, về nỗ lực để đạt đến ước mơ, và quan trọng hơn hết, là sự tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi giữa những người bạn hữu với nhau.
#Crow

Nhận xét

Bài đăng phổ biến