[Manga Review]: Boku wa Beatles – Khi những bài ca của The Beatles vang lên tại Nhật vào 1961
Lướt qua list manga mới cập nhật trên web, bộ manga này ngay lập tức có được sự chú ý của mình chỉ với tiêu đề của nó. Phải thừa nhận rằng, mình không phải là fan của The Beatles, thậm chí là mình không biết gì về ban nhạc này ngoài cái tên của họ dù nó cực kì nổi tiếng. Nhưng cũng chính vì vậy mà mình mới hứng thú, một bộ manga có liên quan tới The Beatles và khả năng cao là có dính líu tới cả âm nhạc à ? Tại sao lại không thử cho nó một cơ hội nhỉ ?
-Tên: Boku wa Beatles
-Hình thức: Manga
-Số chương: 93( Nhật ) – 38 ( Eng )
-Tác giả: Kawaguchi Kaiji ( minh họa ), Fujii Tetsuo ( nội dung )
-Thể loại: Âm nhạc, Seinen, Drama, Xuyên không
-Tóm tắt: Bắt đầu câu chuyện, ta được đưa đến năm 2010 và gặp gỡ 4 thành viên của Fab 4, một nhóm nhạc được truyền cảm hứng bởi The Beatles. Mục tiêu của cả nhóm là trình diễn được những bài hát của The Beatles tới mức độ hoàn hảo nhất, thậm chí là vượt qua những gì mà nhóm nhạc thần tượng của họ làm được trên sân khấu. Nhưng cùng chí hướng không có nghĩa là cả 4 người cùng chung con đường, và trưởng nhóm Rei muốn tách ra theo đuổi con đường riêng của mình. Sau một trận cãi vã xô xát khiến ba thành viên rơi xuống đường tàu, Shou và Makoto tỉnh dậy trong một công viên ở Nhật vào năm 1961.
*Lưu ý: Boku wa Beatles đã được phát hành và kết thúc tại Nhật ở chap 93 của vol 10, nhưng hiện giờ bản scan mình đọc mới chỉ tới chap 38 nên bài viết của mình sẽ gói gọn trong 38 chap đầu.
Yeah, mình biết, lại là motif xuyên không quen thuộc, trở về quá khứ và “khai sáng” cho con người trong quá khứ bằng những hiểu biết của tương lai, và trong trường hợp này là bằng những thứ âm nhạc sẽ trở thành hiện tượng toàn cầu trong tương lai. Makoto quyết định sẽ đưa ban nhạc của mình thành đối thủ của The Beatles tại năm 1961 sau khi anh ta biểu diễn “Yesterday” sớm 4 năm so với lịch sử. Quen thuộc, nhưng đối với mình, nó không hề nhàm chán, ít nhất là ở sự đa dạng trong hành động và suy nghĩ của từng thành viên Fab 4.
Điểm cộng đầu tiên của Boku wa Beatles là hướng đi của nó. Đây không phải là câu chuyện nhạt nhẽo dễ đoán về ban nhạc ăn cắp bài hát của The Beatles và thành danh, mà là về từng thành viên của Fab 4.Ngay từ đầu, tác giả đã dành ra cả chap đầu để xây dựng những sự gắn kết nhất định giữa người đọc và 4 thành viên. Nguồn cảm hứng dồi dào mà âm nhạc mang lại cho đời sống mỗi người là điều không thể phủ định, và dù nó là một thứ lớn lao trừu tượng thế nào, câu nói đơn giản ở trang đầu tiên “Kể từ lúc tôi nghe chỗ CD của bố mua, từ lúc 8 tuổi ấy, đối với tôi, The Beatles đang hiện hữu” cũng đủ để gói gọn lại. Chạy theo những thanh âm ấy, anh học sinh năm nhất Shou gặp được những người bạn chung đam mê, gặp được “Paul”, “Jingo” và “John” có thể đồng hành cùng mình trên con đường âm nhạc. Sau một thời gian, dù ngọn lửa nhiệt huyết của ai cũng vẫn cháy bùng, nhưng gió đã đổi chiều.Có ngươi muốn tiếp tục hoạt động âm nhạc như những năm qua, kẻ lại muốn tách khỏi cái bóng của The Beatles. Mâu thuẫn không thể không được giải quyết, và sự biến mất của Fab 4 tại năm 2010 là kết quả, nhưng đó cũng là khởi đầu cho sự xuất hiện của Fab vào năm 1961.
Vấn đề đầu tiên và cơ bản nhất của motif xuyên không là việc không người thân, không tiền bạc, kiến tức hạn chế và không nơi nương tựa được xử lí khá nhanh chóng với cuộc gặp gỡ của Shou, Makoto và ông bác nhạc sĩ lang thang Ryu. Sớm nhìn thấy tài năng của 2 người qua bài hát mà Makoto tự nhận là đã viết ra, Ryu tìm cách sắp xếp cuộc sống sinh hoạt tạm thời cho hai chàng trai. Nhìn theo góc độ nào đi nữa, việc Makoto tự nhận “Yesterday” do mình viết ra là hành động ăn cắp trắng trợn. Nhưng hành lời nói dối ấy bắt nguồn từ nguyên nhân nào ? Do lúng túng khi được hỏi về tác giả của bài hát được sáng tác 4 năm sau ? Do cái sĩ diện hão muốn gây ấn tượng với những người ở quán rượu nhỏ ấy ? Hay việc đó bắt nguồn từ niềm tin tuyệt đối của Makoto vào ban nhạc thần tượng của mình như anh ta đã giải thích ? Thậm chí là do tất cả nguyên nhân trên ? Makoto tin rằng, sự thành công của “Yesterday” và “I saw her standing there” dưới giọng hát của 2 người sẽ tạo nên tính cạnh tranh, thúc đẩy The Beatles cho ra những tác phẩm tuyệt vời hơn, những bài hát ở trình độ mà ban nhạc thành công nhất thế giới của quá khứ còn chưa chạm tới. Nghĩ là làm, Makoto luôn nhìn thẳng về phía trước, nắm bắt mọi cơ hội có thể và tạo dịp cho Fab 4 debut tại năm 1961 nhanh nhất có thể.
Về phần Shou, vốn là một người trầm tính và hơi hướng nội, nhanh chóng lạc lối và suy nghĩ túng quẫn trong chốn xa lại này. Đối lập với sự quyết đoán và nhanh chóng hòa nhập của Makoto, việc Shou nghĩ tới đầu tiên là tìm cách trở về hiện tại, và cậu ta thẫn thờ bước tới đường ray để làm vậy nhưng không thành.Tính cách có phần lệ thuộc vào người khác cộng thêm việc bị cuốn hút bởi lối suy nghĩ táo bạo cảu Shou, Makoto đồng tình với mục tiêu gửi lời thách đấu tới The Beatles. Nhưng không phải cứ có tài thì thành công sẽ ngoan ngoãn mà tới, trong một xã hội Nhật Bản đã quen với những bài hát cũ, sự mới mẻ, tính rock trong những bài hát đó làm con người sợ hãi, và họ ghét bỏ những thứ họ không hiểu. Và cả những công ty thu âm cũng không phải ngoại lệ, họ muốn chọn những cách an toàn, cổ điển sẽ đem lại mức lợi nhuận an toàn. Dù vậy, luôn có những cá nhân kiếm tìm sự đổi mới, chán ghét việc bám lấy hào quang quá khứ và muốn thay đổi cái tương lai “Thế vận hội sẽ được tổ chức tại 3 năm tới ở Tokyo và cả thế giới sẽ thấy chúng ta lạc hậu thế nào”. Nhờ những con người đó việc tự phát hành bài hát của ca sĩ cũng như cách thu âm mới mới trở thành hiện thực.
Một tên phản diện khá là tốt tính từng nói ”Đồ giả, trong cái cố gắng tự trui rèn để trở thành đồ thật, đã trở nên thật hơn cả cái thật”, và bản chất của đồ giả vẫn là giả, nhưng cái cố gắng của nó là thật. Tất nhiên, điều này không bào chữa gì cho việc ăn cắp chất xám của người khác, nhưng phần nào nó cho thấy quyết tâm của kẻ đi trên con đường của nhóm nhạc số một thế giới: “Nếu chúng tôi chưa phải là kẻ giỏi nhất thế giới, thì chúng tôi vẫn chưa đủ tốt”. VÌ vậy, sự tiếp nhận của đông đảo người nghe cũng hư những hợp đồng mọc lên như nấm sau mưa vẫn chưa đủ với Shou và Makoto, họ vẫn nhắm đến sân khấu cao nhất mang tên thế giới và làm sống lại những xúc cảm khi âm nhạc của Fab 4 kết nối trực tiếp với người hâm mộ chứ không chỉ qua băng đĩa truyền hình. Kể cả với mục tiêu cao như sao trời, những thứ nhỏ nhoi như bông hoa nhỏ dưới đất vẫn là những thứ mà bất kì ca sĩ chân chính nào nâng niu. Và người nhạy cảm như Shou không ngừng trân trọng sự thật rằng người nghe đã yêu quý giai điệu, giọng hát của Fab 4.
Nhưng con người sống nhờ tiến về phía trước như Makoto không chịu yên phận, và chỉ là đối thủ cảu The Beatles thôi thì không đủ, mà mục tiêu hàng đầu thế giới của anh ta đồng nghĩa với việc phải tước lấy ngai vua vô hình trong tương lai của The Beatles, và trở thành The Beatles, trở thành số một thế giới. Nhưng Shou, cậu ta muốn là chính mình, chứ không muốn trở thành George của The Beatles, và cậu cũng không phải George, nhưng mong muốn hoàn thiện, cống hiến cho âm nhạc trong Shou lại đối nghịch với suy nghĩ ấy. Và cả Rei, trưởng nhóm cũ của Fab 4, cũng muốn nhắc nhở Makoto rằng cậu a không phải The Beatles. Và Rei nhận ra, Fab 4 không phải đang ăn cắp của The Beatles, mà họ đang đánh cắp The Beatles khỏi thế giới này, khỏi hàng trăm triệu fan hâm mộ The Beatles. Nhưng Makoto vẫn một mực tin vào quyết định của bản thân, và mâu thuẫn trong Fab 4 lại một lần nữa bắt đầu.
Trái ngược với Shou và Makoto dựa vào nhau lẫn âm nhạc để sống, Rei sống đơn độc một mình tại công trường với ý định từ bỏ âm nhạc, nhưng âm nhạc lại không chịu từ bỏ anh. Nó vẫn luôn vỗ về an ủi Rei trong những lúc kiệt sức về lao động, và trớ trêu hơn, thứ âm nhạc ấy không gì ngoài nhạc của The Beatles. Dù có muốn tách mình ra đến mấy, Rei vẫn nhớ tới, vẫn quay lại với âm nhạc – cội nguồn tinh thần của mình. Không thể đập vỡ nổi cây đàn, đau đớn khi nhận ra mình suýt chút nữa đã đặt âm nhạc lên trên mạng sống con người, Rei vẫn không từ chối được mong muốn học nhạc từ một cậu bé đồng nghiệp. Và anh quyết định sẽ trở lại với âm nhạc, nhưng với con đường của riêng anh. Và câu chuyện lại trở về điểm xuất phát, khi Fab 4 giữ vững mục tiêu theo đuổi The Beatles còn Rei theo con đường riêng mang dấu ấn cá nhân sau cuộc xung đột nội bộ, chỉ khác là lần này 2 mảnh tan ra của Fab 4 sẽ đối đầu nhau. Và nhờ một bộ truyện tuyệt vời nào đó nên giờ đây, mình không thể cầm lòng trước hình ảnh người đàn ông trung niên hát bên đường cùng với một đứa trẻ, dù tiền kiếm không được bao nhưng cả 2 luôn tràn ngập tiếng cười.
Về phần anh chàng nhân hậu Konta, anh đặt mong muốn, cuộc sống no đủ của vợ con và sự lo lắng cho bạn bè lên trên mọi chuyện. Rời nhóm để đảm bảo chăm sóc đời sống cho người mình quan tâm và con cái, nhưng cũng chính vì vợ con anh đồng cảm với khao khát âm nhạc cũng như tình yêu dành cho nghệ thuật của người vợ mà Konta gia nhập Fab 4. Anh không để tâm tới việc làm của Makoto mà lo lắng cho hai người bạn, sợ rằng một ngày nỗi niềm day dứt đã tự tay chấm dứt thời đại của thần tượng mình sẽ quay lại đè nặng đôi bạn mình, và anh muốn hứng một vai vào đỡ gánh nặng ngày càng khổng lồ chực chờ rơi xuống ấy.
Về phần hình ảnh, vẫn là nhờ một bộ manga có liên quan tới âm nhạc tuyệt vời nào đó mà nét vẽ cổ mang hơi hướng những năm 80,90 với cái cảm giác hoài niệm khó tả luôn giữ một vị trí đặc biệt trong tim mình. Và một trong những vấn đề thường gặp trong những bộ manga âm nhạc là sự thiếu thốn trong âm thanh sẽ dễ dàng được giải quyết với một tab phát nhạc bên cạnh. Mặt khác, bộ manga tập trung nhiều vào những thành viên của Fab 4, đan xen vào là những quan niệm về âm nhạc tự do nên dù có cảm nhận được âm thanh hay không cũng không quá ảnh hưởng. Và, sự thiếu vắng âm thanh lại tô điểm cho cách miêu tả khá là lãng mạn của tác giả “Một con đường trơn phủ đá, gió thổi man mác xuyên suốt con phố, bóng tối trải dài từ những căn nhà, và bầu không khí ôm ấp cả thành phố. Giai điệu này như hơi thở của thành phố Liverpool đang trầm mình trong đêm”.
Và tất nhiên, phía trên chỉ là cảm nhận cá nhân của mộ đứa không biết gì về The Beatles cũng như chả mấy khi đọc manga có liên quan tới âm nhạc, nhưng mong rằng mọi người vẫn sẽ tận hưởng bộ truyện này :v
#Raidriar
Nhận xét
Đăng nhận xét