[Movie Review] Ford v Ferrari: Câu chuyện của những gã đàn ông nước Mỹ


Quay ngược thời gian lại năm 1966, khi đó hai ông trùm của ngành công nghiệp sản xuất ô tô: Henry Ford II và Enzo Ferrari nảy sinh hiềm khích sau một thương vụ thất bại. Ford quyết đối đầu Ferrari trên lĩnh vực sở trường của ông: xe đua. Chiến trường là chính sân nhà của Ferrari: cuộc đua “24 Hours of Le Mans”. Éo le thay khi hãng Ford không có kinh nghiệm chế tạo xe đua. Họ buộc phải nhờ đến nhà thiết kế xe đua Caroll Shelby và tay đua Ken Miles. Hai gã đàn ông ngang tàng nhưng đầy bản lĩnh.

Đường đua Le Mans đầy gian khổ sẽ là chứng nhân cho cuộc đối đầu giữa Ford và Ferrari. Và cả thế giới sẽ được chứng kiến tài năng và quyết tâm của người Mỹ.

SPOILER ALERT 

Ford v Ferrari
Giới hạn độ tuổi: PG-13
Thời lượng: 152 phút
Thể loại: Action, Biography, Drama
Diễn viên: Christian Bale, Matt Damon, Jon Bernthal
Đạo diễn: James Mangold (Logan)
Dựa trên sự kiện có thật

Đấu trường của hai gã khổng lồ của ngành công nghiệp ô tô là giải đua “24 Hours of Le Mans”. Một cuộc đua sức bền cực kì khắc nghiệt diễn ra suốt 24 giờ liên tục. Các tay đua phải chạy trên những con đường làng của thị trấn Le Mans, Pháp trong điều kiện thời tiết bất lợi và nguy cơ tai nạn thường trực. Tổng quãng đường đua có thể lên tới 5000km, gấp 18 lần giải Grand Prix.

Những tay đua phải băng qua những con đường dưới chuẩn đua xe, vô cùng nguy hiểm vào ban đêm. Và họ phải giữ sự tỉnh táo và tập trung cao độ để liên tục lấy những cú bo cua hoàn hảo hòng vượt lên những tay đua khác.
“Ở vận tốc 7000rpm, mọi thứ dần mờ đi”
Caroll Shelby, do Matt Damon thủ vai, đã nói như vậy. Nhà vô địch của giải Le Mans biết rõ những thử thách mà tay đua phải đối đầu. Chiếc xe của anh bốc cháy và người anh bắt lửa. Nhưng Shelby vẫn không thể rời mắt khỏi đường đua. Dập lửa xong, anh nhảy vào khoang lái, bất chấp căn bệnh tim và cả tinh thần dần suy sụp. 
“Xe là của anh đấy!” 
Đó là hiệu lệnh duy nhất mà Shelby muốn nghe.

Chiến thắng giải Le Mans 1959 đã chấm dứt sự nghiệp đua xe của Caroll Shelby. Trái tim đau yếu bẩm sinh của anh đã đi đến giới hạn. Nhà vô địch mở trường dạy đua xe và theo đuổi sự nghiệp thiết kế xe đua với công ty Shelby-American. Thành tích của anh đã thu hút sự chú ý của The Punisher...nhầm...Lee Iacocca, do Jon Bernthal thủ vai. Phó Giám đốc của hãng xe Ford huyền thoại đang đi tìm người có thể chế tạo chiếc xe đua có khả năng đánh bại những đối thủ từ Ferrari trên đường đua Le Mans.

“Với ngân sách không giới hạn.”

Caroll Shelby không bị lung lay bởi thông điệp đó. Bởi vì yêu cầu của Ford là bất khả thi. Hãng xe Ford vốn không có kinh nghiệm thiết kế xe đua lâu đời như Ferrari. Chiếc Ford Mustang chỉ là một món đồ chơi. Việc thiết kế chiếc xe sẽ phải bắt đầu lại từ con số không, vượt qua rất nhiều rào cản về mặt kỹ thuật. Nguyên mẫu cũng sẽ được đưa vào thi đấu ngay lập tức, rút ngắn rất nhiều công đoạn thử nghiệm và huấn luyện. Thời gian cho phép là 90 ngày.
Vì đâu mà Ford lại đặt ra một đòi hỏi lố bịch như vậy?

Tất cả bắt nguồn từ mối thâm thù của những gã đàn ông. Trước đó Lee Iacocca đã đại diện Ford sang Ý thương thuyết mua lại Ferrari đang bên bờ vực phá sản. Không những Lee bị đuổi về mà lão Enzo Ferrari còn lớn tiếng chê bai hãng Ford và sỉ nhục cá nhân ngài Henry Ford II. Tất cả những lời của Ferrari đã được truyền lại tới tai Ford. Và 9 triệu đô la đã được đổ vào việc phát triển chiếc xe có thể đánh đổ tượng đài Ferrari.

Chiếc siêu xe sẽ cần một tay đua tương xứng. Shelby biết mình sẽ gọi ai: Ken Miles.

Một tay đua hết sức ngang tàng với chất giọng Birmingham đặc sệt. Ken Miles sẵn sàng lớn tiếng với người đối diện và không ngại nói lên quan điểm của mình.
Hình ảnh gã kĩ sư cộc cằn, bỗ bã khác hẳn với tay chơi Bruce Wayne phong lưu và lịch lãm của Batman Trilogy.

Ấy vậy mà nhân vật Ken Miles hoàn toàn thuộc về sở trường diễn những vai lập dị của Christian Bale. Diễn xuất của anh trong Ford v Ferrari là điểm sáng của bộ phim, và mình dám khẳng định là ngang với Joaquin Phoenix trong Joker.
Cái tài của Bale và Phoenix là nhập tâm và thể hiện những cung bậc cảm xúc của những nhân vật lập dị một cách hết sức tự nhiên.
Không những vậy, họ thể hiện hai thái cực đối lập nhau hoàn toàn nơi người đàn ông.
Ken Miles là một gã đàn ông toxic với người ngoài, nhưng là một tay đua bản lĩnh, một nhà thiết kế giỏi giang, và trên tất cả, là một người chồng, người cha mẫu mực. Trái ngược với một Arthur Fleck yếm thế bị xã hội từ chối phần nam tính và phải dựa vào bạo lực để khẳng định bản thân.

Mỗi khi giành giải nhất trong một cuộc đua, điều đầu tiên Ken làm là gọi cậu con trai Peter ngồi vào khoang lái, vòng lại đường đua và hát vang bài “I’m Happy”. Anh vui vẻ đưa con tham gia các hoạt động xã hội, từ sự kiện giới thiệu chiếc Ford Mustang tới những lúc thử xe cùng Shelby. Ken Miles luôn ôn hoà khi trò chuyện cùng vợ và dạy dỗ con mình. Và đến khi cạn túi và mất cơ ngơi, điều đầu tiên anh làm là dẹp đua xe, vứt những chiếc cúp vào thùng rác để toàn tâm lao động mà nuôi gia đình (cậu bé Peter lén anh nhặt hết chúng về và giấu đi). Cuộc đời của Ken Miles cũng như chiếc xe trên đường đua. Khi thì êm ái lăn bánh, khi thì khó khăn đối mặt với những khúc cua đầy thử thách. Christian Bale thể hiện một cách xuất sắc tất cả những nốt cảm xúc trầm bổng của người đàn ông với một cuộc đời phong ba như Ken.
Ken Miles là hình ảnh của người thợ máy mà bạn có thể tìm thấy ở bất kì cái xưởng nào, với nước da xạm nắng, vẻ ngoài khắc khổ, ngữ điệu thô kệch. Nhưng bên trong lớp áo đầy dầu máy là sự dày dạn, bản lĩnh và một trái tim dành hết cho gia đình.

Sánh vai cùng Ken Miles là người vợ Mollies. Cặp vợ chồng U40, có với nhau một mặt con, vẫn thường xuyên tán tỉnh nhau một cách tình tứ như thời còn đôi mươi. Đối với các bạn thích kiểu phụ nữ mạnh mẽ thì Mollies chính là nhân vật nữ quyền được làm tốt và cực kì thực tế.
Mollies là một người biết làm đẹp và ăn mặc thời trang, đó là tiêu chuẩn đầu tiên của người phụ nữ. Cô còn rất lý trí và biết khi nào nên lên tiếng và cần phải làm gì. Ví dụ như khi chồng mình sinh sự đánh nhau to với bạn thân. Bạn nghĩ cổ sẽ làm gì?
Chính xác. Bắt ghế ngồi xem hai ông trẻ to xác vật nhau.
Và đem coca cho hai người uống khi họ bắt đầu ôn lại quá khứ.
Khi Ken Miles bị đám quan liêu của Ford ép không được tham gia Le Mans vì tính cách ngang ngạnh, Mollies đã đến với Ken đang một mình ở xưởng thiết kế để cổ vũ tinh thần của anh. Đó là bổn phận của một người vợ trong mỗi gia đình. Nếu không có các bạn, cánh đàn ông chúng tôi đã gục ngã ở đâu đó trên chặng đường chinh phục đỉnh vinh quang.

Ford v Ferrari là một bộ phim gia đình kinh điển. Cái thể loại mà nó sẽ chiếu đi chiếu lại trên HBO. Bạn tìm thấy ở đó những khoảng khắc xúc động của tình thân gia đình. Và thấy được những cách ứng xử tử tế giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau.
Nhưng có một trải nghiệm mà bạn sẽ không có được khi coi Ford v Ferrari trên TV.
Cảm giác phấn khích khi xe chạy về đích. 
Đây là một bộ phim về đua xe!
Hãy quay lại với trường đua Le Mans!!

Ford v Ferrari là một bộ phim đua xe cổ điển, nó không phô trương và hào nhoáng. Bạn đến rạp để được nghe tiếng lốp xe miết trên đường đua. Những chiếc xe xé gió lao vùn vụt qua màn ảnh. Tiếng động cơ rầm rú đốt nóng huyết quản. Những tên đực cộc tính kèn cựa nhau từng chút một trên pít và trên đường đua.
Khi tốc kế vượt qua con số 7000rpm cũng là lúc người xem chỉ còn tập trung vào những cú vào cua và bứt tốc của Ken Miles.
  Đạo diễn James Mangold sử dụng Practical Effect thay vì CGI để tái hiện cuộc đua của Ken Miles. Máy quay được gắn trên các xe chuyên dụng theo sát các xe đua ở tốc độ cao. Nhờ vậy cảnh đua xe trong phim rất chân thực nhờ cảm giác của trọng lượng.

Ngôi sao sáng của phim là chiếc xe huyền thoại Ford GT40. Trong phim, các nhân vật không một tiếng GT, hai tiếng GT nhưng các mâu thuẫn của phim đều xoay quanh con quái vật này. Lúc đầu Ken Miles còn từ chối lời mời của Shelby nhưng anh đã sẵn sàng sống chết với nó sau khi dành cả đêm lái thử nguyên mẫu. Kể cả khi chiếc xe nổ tung và bao trùm Ken Miles trong ngọn lửa, anh vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho việc phát triển và sửa đổi thiết kế của xe, ngay trong ngày hôm đó. Chính nó cũng đã thuyết phục vị chủ tịch khó tính của Ford trao quyền điều hành tổ đua cho Shelby. 
GT40 sẽ là chiếc xe Mỹ duy nhất thắng giải Le Mans 3 năm liên tiếp.

Đúng như Shelby nhận xét, Ken Miles là người thiết kế GT40 nên anh cũng là người xứng đáng để lái nó nhất. Anh hiểu giới hạn của chiếc xe, biết vận hành nó thế nào cho hiệu quả. Thậm chí Ken Miles biết được chiếc xe hỏng bộ phận nào qua thông báo tai nạn trên radio.

Cả bộ phim là cuộc chạm trán giữa những người đàn ông, giữa Ford và Ferrari, giữa Ken và những vị khách khó tính, giữa ông bầu Shelby và đám giám đốc Marketing. Và giữa Ken và những tay đua khác trên đường đua Le Mans. Bạn không thể ngồi quá 10 phút mà không có cảnh 2 gã đàn ông đối đầu với nhau. Không trên đường đua thì cũng là “ôn lại kỷ niệm” bằng nắm đấm. Những mâu thuẫn đó mang lại chất nam tính xuyên suốt cả phim. Cao trào được đẩy lên đỉnh điểm khi Ken Miles tiến ra xe trong tiếng cỗ vũ đến từ khán giả của cuộc đua 24 Hours of Le Mans. Ngay cả rào cản quan liêu mà đại diện là tay sếp hám danh Leo Beebe cũng không ngăn được bước chân anh. 

Hôm nay anh không chỉ là đại diện cho hãng xe Ford mà còn đại diện cho cả nước Mỹ. Cả bộ phim đầy những ẩn ý tinh tế biểu đạt lòng ái quốc của đạo diễn. Hãng xe Ford có thể khắc nghiệt và quan liêu nhưng vẫn hơn cái xưởng dơ bẩn của Ferrari. Và hai người bạn thân Ken Miles và Caroll Shelby là đại diện cho tinh thần của đàn ông Mỹ. 
Liều lĩnh, táo bạo, thâm hiểm, gan lì, quyết đoán và đầy sức mạnh.

Họ đã đưa Giấc Mơ Mỹ lăn bánh trên đường đua.
Cờ được vẫy. Và cuộc đua bắt đầu.
#Anthony



Nhận xét

Bài đăng phổ biến