“ Shoplifters”(“Gia đình đạo tặc”): Câu chuyện của những con người lạc lối

Với những bạn cuồng phim, hẳn tên phim và poster cũng đã mô tả đầy đủ nội dung phim : một đám người ở dưới đáy xã hội chuyên đi trộm cắp. Theo một cách nào đó họ bại lộ, bị cảnh sát bắt và dần hoàn lương. 
Và dự đoán đó đúng hoàn toàn. Nhưng cái cách mà đạo diễn Kore-Eda mô tả cuộc sống của những người này mới là điều làm nên sự sâu sắc của bộ phim.
“Bi nhưng không luỵ” là nhận xét đúng đắn nhất về bộ phim đạt giải Cành cọ vàng 2018 của đạo diễn Kore-Eda. 

Cảnh đầu phim bắt đầu với nhân vật Osamu (Lily Franky) và cậu bé Shota (Jyo Kairi) đứng trong một tiệm tạp hoá. Họ ra hiệu cho nhau, thay phiên canh nhân viên của tiệm rồi lấy cắp đồ trên kệ. Thoăn thoắt, thành thạo như đã thành một thói quen, một thứ “nghề” của hai người.
Hai chú cháu lập tức bỏ đi sau khi “hành sự”. Trên đường về, họ bắt gặp một cô bé bị bỏ rơi ngoài hiên nhà. Cô đơn, lạnh lẽo, và im lặng. Một cô bé không bình thường, chỉ biết mím môi lại trước những người lạ. Hai kẻ bần cùng ấy vậy mà vẫn còn lương tâm để đưa cô bé về nhà và cho em miếng ăn. 
Cô bé ấy có tên là Juri, con của một cặp cha mẹ bạo hành. Người ta đưa em đi mà cha mẹ vẫn chăm chú cãi vã, chẳng hề hay biết rằng con mình đã bị đưa đi mất.
Đón chào Juri là một gia đình kì lạ trong một căn nhà chật chội và nghèo nàn. Chủ của căn nhà là bà lão Hatsue (Kirin Kiki) sống nhờ tiền cấp dưỡng của chồng cũ. Người thân cận nhất với bà là Aki (Mayu Matsuoka), cháu gái của người đã giựt chồng bà. Cô bé bỏ nhà đi và làm dịch vụ khoe thân và “bầu bạn” để kiếm sống.
Bên cạnh đó là Nobuyo (Sakura Andô), vợ của Osamu, một nhân viên giặt ủi thường xuyên lấy trộm đồ từ trong quần áo của khách hàng.
Cái gia đình ấy hoàn toàn không có liên hệ về máu mủ với nhau. Họ quây quần dưới mái nhà cũ nát của bà Hatsue sau khi đã từ bỏ, hay bị bỏ rơi bởi gia đình mình. Hôm nay họ đón chào một thành viên mới một cách bất đắc dĩ, khi mỗi thành viên trong gia đình đều làm những nghề tầm thường không đủ nuôi thân, và phải sống qua ngày bằng đồ ăn cắp vặt.
Đạo diễn Kore-Eda qua tình tiết trên đã dũng cảm trả lời một câu hỏi, đó là điều gì làm nên mối liên kết của một gia đình. Đó có phải là máu mủ ruột rà, hay là tình thương của từng thành viên với nhau? Trong Shoplifters, hành động mà mỗi nhân vật làm để kiếm sống đều có thể khiến người xem tặc lưỡi chê bai, thậm chí là rủa xả hết cả phần bình luận. Nhưng trong trái tim của những người đó vẫn còn tình thương dành cho nhau. Chỉ mỗi điều đó đã cứu rỗi cho cuộc đời của họ. 
Shota không phải con ruột của Osamu, nhưng ông yêu thương cậu bé và muốn dạy dỗ cậu. Nhưng có nên người hay không thì là một chuyện khác. Vì ông không biết chữ, chỉ biết lao động chân tay và ăn cắp vặt. Chí ít, Osamu đã nuôi dưỡng được tình thương gia đình trong Shota. Và cậu, một đứa trẻ được Osamu nhặt về, đã khoả lấp được tâm hồn của một người đàn ông không con.
Bên cạnh đó, cô bé Juri, nay được đặt tên là Lin, được vòng tay Nobuyo chăm sóc và an ủi. Cha mẹ em đánh đập em một cách điên dại và kỳ quặc, nhưng Nobuyo thì sẽ lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của em, một em bé sợ sệt và câm lặng, chẳng dám nói lên lòng mình vì sợ đòn roi. Ở nơi đây, Lin tìm thấy một gia đình thật sự nơi những người đã bắt cóc em khỏi gia đình của mình.
Ở một góc khác là mối quan hệ của bà Hatsue và cô nữ sinh Aki, cháu gái của người đã đánh cắp chồng mình. Bà không chì chiết Aki cho thoả lòng, mà còn dạy bảo em cách sống trên đời. Aki thì dựa dẫm vào bà vì em đã không còn cha mẹ bảo bọc. 
Cái gia đình ấy không hề có máu mủ gì với nhau, nhưng gắn chặt với nhau bằng một thứ tình cảm gia đình vượt qua khuôn khổ và định kiến.
Một chủ đề khác mà đạo diễn Kore-Eda khai thác là tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Nhật Bản. Shoplifters phơi bày bộ mặt của những người bị xem là tầm thường, thậm chí bị khinh miệt trong xã hội Nhật Bản. Gia đình của bà lão Hatsue bần cùng nhưng đều là những con người hiểu chuyện. Họ đều biết hành động của mình là sai trái, nhưng buộc phải làm để có miếng ăn. Trong khi với tay lấy cắp đồ trên kệ hàng, họ vẫn tự nhủ chỉ lấy vừa đủ, chỉ lấy những món lặt vặt, những thứ mà một đứa trẻ cũng mở ví mua được.
Những cái nghề mà mình phải gọi là bán thân, là mài mòn sức lực để kiếm tiền cũng chẳng giúp những người này khấm khá lên một chút nào. Nhân phẩm không còn, mà miếng ăn thì chẳng thấy đâu.
Điều gì phải đến cũng sẽ đến, họ bại lộ và phải chia xa,mỗi người một ngã,để hoàn lương.
Mình đã để tựa bài là “Câu chuyện của những người lạc lối” vì các nhân vật trong Shoplifters đều là những kẻ phiêu dạt, không nơi nương tựa. Họ tìm được một mái nhà và gây dựng nên một gia đình, tuy tạm bợ mà hạnh phúc. Dù vậy, ai cũng biết đi đêm sẽ có ngày gặp ma. Chỉ cần một biến cố là gia đình của họ sẽ tan vỡ, mỗi người sẽ lại trôi dạt giữa dòng đời vô định.
Đó, là cái số phận đã định của những kẻ ở dưới đáy xã hội. 
Cuối phim, đạo diễn mở ra hy vọng cho người xem, rằng có những tổ chức có thể giúp đỡ và nuôi dưỡng những thành viên trong gia đình của bà cụ Hatsue. Tuy vậy, ông vẫn nhắc khéo, rằng họ là những tổ chức công, bị bó buộc bởi đủ thứ luật định. Vì vậy mà dù họ có giang tay giúp đỡ, thì cũng không trả lại được điều mà những kẻ đạo tặc đã tìm thấy dưới mái nhà xưa.
Một gia đình.
Đâu là lối thoát cho những con người này? Đó là câu hỏi không chỉ dành cho những nhà hoạch định chính sách, mà còn dành cho chúng ta, những người may mắn, khá giả và có lương tâm.
Để kết thúc bài review, xin được nêu lên một khía cạnh mà mình yêu thích nơi Shoplifters. Đó là chữ Tịch, một khía cạnh đậm chất Nhật. Cả bộ phim 2 tiếng về những con người bần cùng trôi qua mà không có một cảnh đổ máu, cũng như vắng bóng drama. Những nhân vật trong phim vui có, buồn có, hạnh phúc rồi lại khổ đau, xen giữa những phút bàng hoàng bởi thực tế tàn nhẫn. Mặc dù vậy, các diễn viên đều không nói vống và diễn quá lên như thể đang cố ép người xem hiểu thấu những triết lý sâu xa về đời sống. 
Bộ phim Shoplifters không hề in hằn cái đau và cái khổ của gia đình bà lão Hatsue vào tâm trí người xem, nó chỉ chiếu lại cuộc sống của sáu con người dù bần cùng nhưng vẫn nương tựa vào nhau. Cái còn lại sau khi xem phim chỉ là tình thương. Tất cả những tình tiết trong phim được build-up chỉ để đến cảnh cuối, khi cậu bé Shota gọi một người đàn ông không sinh ra mình từ xa:

“Bố ơi”

#Anthony

Nhận xét

Bài đăng phổ biến