[BOOK REVIEW: VANG BÓNG MỘT THỜI - NGUYỄN TUÂN]

Giai đoạn cách ly xã hội kéo dài đã đem đến vô số sự bất tiện trong cuộc sống thường nhật, nhưng cũng đem lại một khoảng lặng cho phép chúng ta theo đuổi sở thích của mình. Nếu các bạn muốn dùng thời gian đó để khám phá những điều mới mẻ thì AR2D xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân. Tuyển tập gồm 12 truyện ngắn thuật lại cái thú ăn chơi lãng tử của những người tài tử thời tiền cách mạng. Tin rằng khi gấp sách lại, độc giả sẽ nghiệm ra được cái phong vị trong cách sống và cách chơi của thế hệ cha ông. 

Chắp bút bởi Nguyễn Tuân (1910-1987), một nhà văn thích xê dịch để thưởng ngoạn cái đẹp trong đời. Trên đường du ngoạn, ông ghi chép lại những thú chơi nho nhã và những bậc tài tử trên khắp mọi miền đất nước. “Vang bóng một thời” là thành quả của những quan sát đó. 
Được đăng dài kỳ trên tạp chí Tao Đàn(1939), tác phẩm đánh dấu đỉnh cao nghệ thuật của nhà văn trẻ Nguyễn Tuân, và sẽ giữ vị trí đó trong suốt quãng đời nghệ sĩ của ông. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” mà chúng ta được học trong chương trình Ngữ Văn 11 là một trong số 12 truyện ngắn nằm trong tập “Vang bóng một thời.”
Ai đã đọc qua cũng đều biết cái tài hoa trong bút pháp của Nguyễn Tuân, cái hồn thi sĩ ái quốc của ông. Và cả cái kiêu của ông nữa.

Cái kiêu đã làm nên đặc sắc của Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời”, kì thực, lại thấp hơn so với những tác phẩm của ông sau này. Nhưng nó lại hoàn toàn phù hợp để tiếp cận với độc giả đại chúng. Trong đó có chúng ta, những người trẻ trong thời đại toàn cầu hoá. Những kẻ đang đắm mình trong cái đẹp của những nền văn hoá và nghệ thuật trên khắp thế giới, tự cổ chí kim, qua màn hình smartphone. 

Chúng ta biết Nguyễn Tuân kiêu khi ta thấy Huấn Cao cho chữ thật đường hoàng trong cảnh ngục tù tăm tối. Trong mắt ông cái đẹp vượt lên cảnh khốn cùng, và xuất hiện ở mọi phương diện và nơi chốn, kể cả ở những nơi cùng cực tăm tối. Đọc tác phẩm và bạn sẽ thấy rằng ông cha ta biết thưởng thức và vun trồng cái đẹp, từ cách chăm hoa, thả thơ và thưởng rượu. Nó khiến hậu duệ đời sau được nở mày nở mặt khi so sánh với những nền văn hoá đặc sắc như Nhật và Hàn.

Như cái cách mà cụ Kép thưởng rượu đầu xuân trong truyện ngắn “Hương cuội”. Cụ chăm lan thật tỉ mẫn, để nụ lan nờ đúng vào ngày Tết Nguyên Tiêu. Đêm trước Tết người nhà ông chuẩn bị một thức quà đã chẳng còn nữa: kẹo đá. Thực vậy, đó là món kẹo quê có nhân là hòn cuội. Thời đó nó là món nhắm rượu của những nhà thơ. Đúng vào thời điểm giao thừa, ông cụ cùng những bạn đồng lão quây quần bên đĩa kẹo đá mà ngâm thơ, thưởng rượu, ngắm hoa. Bên cột nhà có lũ trẻ con đang chờ đón phần quà tết.

Những truyện ngắn khác theo đó đều kể về một thú chơi cùng số phận của người nghệ sĩ. Và có một theme mà người đọc sẽ cảm nhận được khi đọc toàn bộ tác phẩm. Đó là sự lạc lõng của những kẻ hết thời. Những nghệ sĩ trong truyện Nguyễn Tuân sống trong buổi loạn li khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Thời đó mọi giá trị đều bị đảo lộn. Kẻ ái quốc bị dán nhãn phản loạn. Lũ du côn giả danh nghĩa quân để hãm hại dân lành. Những thú chơi xưa cũ bị gạt ra ngoài lề, cùng với những nghệ nhân già cỗi. Nỗi tiếc nuối của ông được hình tượng hoá trong truyện “Vườn Xuân Lan Tạ Chủ”. Trong đó ông viết về một biệt thự tên “Tuý Lan Trang” với nghề trồng lan ướp rượu. Lũ giặc giã nhân loạn Văn Thân mà tràn vào đốt phá, để lại một bãi tro tàn. Ngày Tuý Lan Trang bị thiêu rụi, cảnh vật điêu tàn, thiên nhiên nhuốm một màu sầu thảm. Nhân vật chính từng dám tỏ ra rằng “kẻ thư sinh chỉ có cái tâm hồn lãng mạn không biết lợi dụng thời cuộc”, thì nay đến cái cõi trú chân của anh cũng chẳng còn. Số phận của kẻ sĩ trong cuộc loạn li thật vô cùng ngang trái và đơn độc. 

Đọc “Vang bóng một thời” còn là để khám phá nhân sinh quan của một nghệ sĩ đặt nghệ thuật lên trên tất cả. Để thấy được ngông lừng danh của Nguyễn Tuân.

Tác giả tìm tòi và khám phá cái đẹp trong mọi phương diện của đời sống. Điều đó khai sáng ông, và cả người đọc, để thấy cái đẹp trong hành động của phường vô lại. Truyện ngắn “Ném bút chì” kể về nghệ thuật phóng mai, và phong thái hành tẩu của một đám sơn tặc. Nguyễn Tuân mô tả công phu của chúng với sự tỉ mỉ và thán phục, hệt như khi ông miêu tả cảnh những thi sĩ đánh thơ. Giống như Thanos, tên đầu lĩnh cũng có nguyên tắc của mình. Hắn cố gắng tránh việc giết người vô cớ và luôn hành xử thật hào sảng. Cái sở đắc của Nguyễn Tuân là như thế. Cuộc tìm tòi cái đẹp của ông đưa người đọc bất đắc chí khám phá cái đẹp nghệ thuật nơi những nhân cách tai ác.

Cái ngông của ông đạt đến tột bậc trong truyện ngắn “Chém treo ngành”. Một kiệt tác vô cùng dễ đọc, dễ cảm thụ và không có mấy thứ để phân tích. Cái đặc biệt của nó là giọng văn của Nguyễn Tuân. Bén và lạnh như con dao mổ. Vạch hết những giá trị nhân văn ra để chạm tới cái đẹp nghệ thuật làm người ta lạnh sống lưng.

Nguyễn Tuân thách thức hết toàn bộ thang bậc giá trị xã hội khi mô tả cái đẹp trong nghệ thuật chém đầu của tên đao phủ Bát Lê. Hắn, một kẻ tôi tớ của vị Tổng đốc, vốn không thù không oán gì với những nạn nhân của mình. Hắn chỉ làm theo mệnh lệnh của quan trên, và yêu cầu của cái nghề của mình. Lưỡi dao của hắn ngọt lịm, sắc sảo và đầy tính nghệ thuật. Nạn nhân của hắn trong truyện là những nghĩa quân đã nổi dậy chống Pháp. Cuộc hành quyết mà Bát Lê thi hành sẽ in dấu sâu đậm trong văn học Việt Nam, như một thách đố với toàn bộ những giá trị của xã hội. Nó sẽ còn làm nhiều thế hệ độc giả mai sau day dứt.
Trước mỗi nhát dao, Bát Lê hát những câu tẩy oan cho những linh hồn xấu số:

“Sống không thù nhau 
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Người ngồi cho vững 
Cho ngọt nhát dao
Hỡi hồn!
Hỡi quỷ không đầu!”

Vừa tẩy oan cho linh hồn nghĩa sĩ, vừa là để biện hộ cho hành động của mình. Mỗi cái đầu bị chặt ngọt lịm làm nên buổi biểu diễn đặc sắc cho tên quan thực dân chứng kiến. Và cả độc giả đang lạnh sống lưng. Nó buộc ta phải đặt dấu hỏi về tinh thần duy mĩ tuyệt đối, về cái đúng cái sai của xã hội đương thời, khi ta biết rằng trong số những kẻ bị chém có thể có một Huấn Cao, tên đao phủ chỉ là một kẻ thừa lệnh. Còn quan Tổng Đốc và quan Công Sứ Pháp đều đang tự xem mình là đang thực hiện công lý khi thủ tiêu bọn giặc dã.

Tổng kết
Bạn được gì khi đọc “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân? 
Được khám phá cái ngông của những kẻ sĩ, và thấy cái không khoan nhượng của một nghệ sĩ duy mỹ. 
Được tái khám phá những thú chơi nghệ thuật và các tài tử của một thời đã mất.
Và tại đây mình đặt vào bàn tay của bạn cái đẹp Vang Bóng Một Thời.
Với Nguyễn Tuân, tinh thần tài tử thuộc về một thời đã mất. Vì thế mà ông hối tiếc vô ngần. Trong “Vang bóng một thời”, chỉ những kẻ say sưa, chi li tỉ mẫn, hay khác người, thậm chí là lạc lối như Bát Lê, mới có khả năng khám phá ra cái đẹp thực thụ.
Đó là cái ngông tai tiếng của Nguyễn Tuân. Ông không tin rằng tinh thần tài tử sẽ tồn tại trong thế giới đương đại, và những cái đẹp đẽ nhất chỉ thuộc về người xưa.
Còn mình thì có.
Phân tích ra, cái đẹp mà Nguyễn Tuân ca ngợi là cái đẹp trong sự thiện nghệ. Cái say mê đối với nghệ thuật. Cái tình bằng hữu của những tài tử cùng theo đuổi một đam mê.
Đó chẳng phải những điều làm nên một câu lạc bộ sao?
Bạn say mê Manga-Anime? Bạn thích thú với nghề nhiếp ảnh? Thích chế biến những món ngon? Hãy tham gia vào một câu lạc bộ của những người cùng sở thích.
Nếu không tiếp cận được một câu lạc bộ như thế thì tự lập nên một cái và làm hội trưởng.
Nếu môi trường câu lạc bộ quá toxic, lạc đề, hay phân chia chính trị chính em. Hãy rời bỏ nó.
Tìm cho tới khi thấy được nơi mà bạn thuộc về. Nơi mà các thành viên cống hiến một cách thành thực cho sở thích chung.
 Nơi đó bạn thấy lại được cái đẹp trong cách chơi và cách làm của ông cha.
Nó vẫn sống, và sẽ sống mãi. Nó xứng đáng được chúng ta tái khám phá. Như một phần của nền văn hoá Việt Nam. 
Hãy đọc “Vang bóng một thời”, và các bạn sẽ nhận ra cái đẹp thi vị thực ra là như vậy, và chỉ là như vậy thôi.

#Anthony

Nhận xét

Bài đăng phổ biến