[Manga Review]: Itsuya-san – vẽ nên niềm hạnh phúc nhỏ nhoi
SPOILER ALERT
Có vẻ mấy bài gần đây của page đều khá là nặng đô, vậy nên để thay đổi không khí một chút, hôm nay mình sẽ giới thiệu tới các bạn một bộ manga ngắn gọn, ấm lòng và vẫn vô cùng thấm thía. Ẩn dưới câu chuyện về cuộc sống đầy biến động của cậu học sinh trung học mới chuyển tới nhà giáo viên mĩ thuật của mình là hành trình vượt qua quá khứ, chấp nhận thực tại và tiến tới tương lai của những con người tưởng xa lạ mà vô cùng gắn bó.
-Tên: Itsuya-san
-Tác giả: Sahara Mizu ( Sumomo Yumeka )
-Hình thức: Manga
-Số chương: 9 ( 2 vol )
-Thể loại: Seinen, Slice of Life, Supernatural
-Tóm tắt nội dung: Itsuya Tsuruda là một giáo viên mĩ thuật mới chuyển tới vùng quê nhỏ. Cô vẽ không đẹp, nhưng lại vô cùng hoà đồng, dễ mến và luôn giúp đỡ mọi người bằng “phép thuật” nho nhỏ của mình. Trong khi làm quen với trường lớp mới, cô vô tình gặp được Sakamoto Toki và biết được hoàn cảnh của cậu học sinh cuối cấp ấy. Và Itsuya-san quyết định sẽ giúp đỡ Toki vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cái “phép màu” nhỏ nhoi của Itsuya-san chắc hẳn là một năng lực đã khá quen thuộc với nhiều người rồi, thậm chí khả năng kì diệu đưa hình vẽ trên giấy ra ngoài đời ấy lại đối lập với trình độ hội hoạ dưới mức trung bình của cô. Nhưng dù xấu hay đẹp, từng nét vẽ đều đồng điệu với tâm hồn nhân hậu của người hoạ sĩ nghiệp dư ấy.
Ban đầu, bộ manga kể về những câu chuyện rời rạc trong cuộc sống mà Toki hay Itsuya-san chứng kiến được. Dù đó là cuộc cãi vã của 2 cha con không hiểu tấm lòng của nhau, là cậu học sinh thiếu nghị lực muốn cúp học hay đứa bé không đủ dũng khí để chống lại sự bắt nạt, tấm lòng nhân hậu của Itsuya-san và cả Toki đều không thể bỏ qua. Với cây bút, tờ giấy, vài giọt máu và cái thổi nhẹ, sự chân thành trong con tim và trên nét vẽ được hiện thực hoá để giúp đỡ những con người đang cần cú vực dậy cho tinh thần đã kiệt quệ. Mình không có vấn đề với việc mỗi chap kể một câu chuyện riêng và giải quyết nó như này, nhưng bộ manga quyết định bước lên một bước ở những chap sau, tách khỏi hình thức episodic hiện tại và đi vào khai thác sâu hơn những con người bị mắc kẹt tại hiện tại, bị kéo lại bởi quá khứ.
+ Đầu tiên là giáo viên mĩ thuật Itsuya, người có lẽ là làm mình bất ngờ nhất. Cô luôn nhân hậu và hết lòng giúp đỡ người khác suốt 364 ngày/năm, và Itsuya-san dành 1 ngày còn lại đắm chìm trong sự ích kỷ. Những bức tranh Itsuya-san vẽ cho người khác luôn bước ra khỏi trang giấy dù có nguệch ngoạc xấu xí đến thế nào, và bức tranh tỉ mỉ nhất, đẹp đẽ nhất cô vẽ cho mình lại chưa bao gờ thành hiện thực. Đúng vậy, thứ phép thuật kia sinh ra từ lòng nhân hậu, nên những bức tranh vẽ nên bởi sự ích kỷ đều chịu chung số phận hoá đen trước cái bất lực của người vẽ. Và cũng chính vì vậy, bức chân dung người chồng xấu số của Itsuya-san chưa bao giờ hoàn thành, như cách cô chưa bao giờ thôi vẽ lại bức tranh ấy.
Cái quá khứ khi cô chưa kịp nắm tay người thương của mình lần cuối chưa bao giờ buông tha cô, cho đến khi Toki xuất hiện. Cậu giống như cô, đều thu mình lại sau sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ, và cô muốn cậu không đi vào vết xe đổ của mình. Nhưng Toki lại có cách nhìn khác, khi cô vùi mình vào hối hận giữa đêm đen thì cậu nhận ra mình nhìn thấy những ngôi sao sáng loà mà không ai chiêm ngưỡng được khi trời sáng. Và có lẽ tình cảnh của hai người cũng vậy, chính vì họ đều lạc lối trong cái đau khổ của sự cô đơn nên mới có thể nhận ra rõ hơn hơi ấm của gia đình, của tình người. Cứ như vậy, chắc hẳn cả các bức tranh hoá đen kia đều có ý nghĩa của chúng.
Nhờ Toki, cô phần nào chấp nhận được quá khứ, và hiện tại đã luôn làm cô hạnh phúc, nhưng tương lai thì sao ? Ước mơ của Itsuya-san là gì ? Gia đình hạnh phúc đã ở đây rồi, nghề giáo viên mĩ thuật cũng đã đạt được, vậy cô còn mong chờ gì ở tương lai ? Và sau 8 chap truyện, đúng hơn là hàng năm trời đằng đẵng, cô nhận ra mong muốn thật sự của mình, đó là tìm người thay mình chăm sóc đứa con gái bị bỏ lại năm nào. Một lần nữa, Toki gỡ rối cho mối tơ lòng ấy. Và như những tạo vật sinh ra từ phép màu của ngòi bút, cô trở lại trang giấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình – nâng đỡ tinh thần của những con người đã kiệt quệ.
+ Tiếp theo là chàng trai nhân hậu Sakamoto Toki, người có tài năng hội hoạ nhưng lại để hoàn cảnh đè quá nặng lên bản thân. Bị chia cắt khỏi cả bố lẫn mẹ, Toki trở về với người bà hiền hậu. Nhưng người đàn bà đáng kính ấy, chỗ dựa duy nhất của cậu đang ngày càng ốm yếu. Và Toki bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn, vứt bỏ việc học sang một bên để lo cho bà. Hay nói cách khác, cậu không thể nhìn vào tương lai mình dù đang ở cuối cấp bởi tâm trí cậu chỉ biết lo lắng nhìn vào hiện tại và trái tim vẫn đang co giật bởi nỗi đau từ quá khứ.
Sự thay đổi trong tâm hồn cậu chậm rãi hơn Itsuya-san, nó không bột phát như một thoáng chốc nhận ra điều gì đó mà từ từ, chậm rãi như vết thương đang lành. Toki biết được tình cảm gia đình mà cậu thiếu thốn nhờ ngôi nhà nhỏ bé của Itsuya-san. Cậu được dạy cách sống hết mình bởi người bà đang nằm viện mà vẫn thanh thản. Cậu có cơ hội bộc lộ và vun đắp sự nhân hậu bị đè nén của mình nhờ thứ phép thuật kì diệu trên trang giấy. Và Toki nếm trái ngọt tình yêu nhờ những lần cãi vã và làm lành với Kon. Được trao tặng nhiều đến vậy, Toki cũng vô thức đáp trả lại những người thân thiết của mình, trở thành chỗ dựa cho họ, cho những người đã cho cậu mượn bờ vai lúc suy sụp nhất.
+ Cuối cùng là Kon, cô gái kì lạ sống cùng Itsuya-san. Như lời miêu tả của Itsuya-san, Kon như người mẹ, người cha, người chị lẫn em của cô. Và đối lập với chiều cao hơi khiêm tốn so với Itsuya, Kon lại là người lo hầu hết mọi việc từ giặt giũ, nấu ăn đến quản lí 2 “đứa trẻ” trong nhà. Dù vậy, Kon vẫn chỉ là đứa trẻ tầm tuổi Toki. Cô liếc nhìn trang phục của những đứa con gái cùng trang lứa trong sự thẫn thờ, đánh nhau với Toki vì những điều cỏn con hay không thể dấu nổi sự phấn khích khi được tới trường. Nhưng Kon không cho phép bản thân mình làm bất cứ điều gì như vậy, vì cô đã “giết chính mẹ của mình”.
Sự thật thì, mẹ Kon đã chết khi cố gắng cứu cô, và Kon luôn tự trách mình đến tận bây giờ. Thậm chí, cô hối hận đến nỗi đã vẽ lên người mẹ của mình, Itsuya-san, và đưa bức tranh ấy trở thành hiện thực. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là nếu xem xét việc phép thuật kia chỉ xảy ra khi người vẽ sử dụng vì người khác, có thể Kon đã vẽ lên bức tranh ấy không phải cho mình, mà là cho mẹ để mẹ có thể thực hiện những ước mơ còn dang dở. Có lẽ vì vậy mà Itsuya-san dù không nhớ Kon là ai vẫn giữ được những đam mê, ước mơ và hối hận của mình khi còn sống. Và Kon coi việc làm tất cả vì mẹ, bỏ mong muốn riêng mình sang một bên là cách để đền tội. Đến cả việc mặc chiếc áo đồng phục cô hằng mơ ước, cô vẫn phải hỏi liệu Itsuya-san có vui không nếu mình làm vậy.
Dù cố gắng sống một cuộc sống chỉ biết hi sinh cho người khác lẫn cố gắng đè nén ước mơ của mình, nhưng Kon vẫn không thể kìm nén bản thân hoàn toàn. Và trong một thoáng chốc khi cô để cảm xúc bản thân lộ ra, Toki ngay lập tức nhận ra chúng. Từ sự đưa đẩy của cả Toki lẫn Itsuya-san, Kon học cách chấp nhận quá khứ và sống cho bản thân, cho cảm xúc của mình.
Một điều nho nhỏ mà mình khá thích ở bộ manga này là việc nó không phụ thuộc quá nhiều vào những phép màu của tranh vẽ. Đúng vậy, chính cái phép màu ấy xây dựng lên cái plot twist hay giải quyết không ít vấn đề của bộ manga. Nhưng, chính tấm lòng của từng nhân vật mới là nguyên nhân sinh ra từng phép màu ấy. Thậm chí, càng về sau, tần suất xuất hiện lẫn vai trò của chúng càng giảm, nhường chỗ cho con người, tâm tư và hành động của các nhân vật. Bên cạnh đó, úp lại tấm màn ta đã vén lên sau vài chap, ta lại trở về với câu chuyện ấm lòng về việc người giáo viên có thể là người dạy dỗ, người mẹ người cha, hay là người bạn cho từng người học sinh.
Cuối cùng, phần hình ảnh thật sự để lại ấn tượng cho mình. Một nét vẽ không thể gọi là đẹp nhưng vô cùng ưa nhìn, nắm bắt đầy đủ xúc cảm trong từng khung tranh và đặc biệt là nó đem lại một cảm giác thân thuộc như ở nhà vậy.
#Raidriar
Nhận xét
Đăng nhận xét