[Review] Mirai no Mirai – Tương Lai của Tương Lai – Future of Future – MIRAI



Thêm Một Tuyệt Tác Nhất Định Phải Xem!

Summer War, Boy And The Beast, Wolf Children, và giờ là Mirai. Đạo diễn Hosoda Mamoru liên tiếp đặt đề tài gia đình, tình thân làm trọng tâm cho các tác phẩm của mình. Tưởng chừng như điều đó sẽ gây nhàm chán cho người xem. Thế nhưng vị đạo diễn tài năng này đã lần nữa chứng minh rằng, chủ đề ấy vẫn có thể cuống hút người xem một cách kì lạ.

Phim mở đầu bằng hình ảnh thành phố rộng lớn với những ngôi nhà to và đẹp. Giữa khung cảnh đó là căn nhà nhỏ như lọt thỏm, khuất mình. Ngôi nhà ấy cũng như tổ ấm vừa chớm thành của đôi vợ chồng trẻ cùng chú chó Yukko bé bỏng. Rồi bé Kun ra đời, gia đình nhỏ nay đã lớn thêm một chút, cũng như ngôi nhà được sửa sang lại, đẹp đẽ và rộng rãi hơn, dù nó vẫn lọt thỏm giữa khu xóm. Đây là một cách dẫn truyện tài tình chỉ qua hình ảnh và chuyển cảnh, một trong những kĩ thuật độc đáo của Hosoda-sensei mà mình đã từng nói qua trong bài về Ame to Yuki. Mối liên kết giữ: Tổ Ấm, Gia Đình và Mái Nhà được khéo léo bày ra trước mắt khán giả, thể hiện rõ rằng đây sẽ là một bộ phim về tình thân. Rồi chúng ta được giới thiệu về nhân vật chính, bé Kun năng động, ham chơi, bướng bỉnh, cực kì yêu thích tàu tốc hành và luôn muốn sự quan tâm của cha mẹ dành cho mình. Cũng như những sự khó khăn mà cặp đôi vợ chồng trẻ phải vượt qua để chăm sóc cho 2 bé con của mình. Dù là ở bất kì độ tuổi nào hay giai đoạn nào trong cuộc sống, bằng cách nào đó, khán giả đều có thể tìm được sự đồng cảm với các nhân vật trong phim. Đặc biệt là bé Kun, mẹ và cha.

Dĩ nhiên, phim của Hosoda Mamoru sao có thể thiếu được những chi tiết kì ảo. Những chi tiết như chú chó Yukko hay Mirai của tương lai lần lượt xuất hiện, không có bất kì một lời giải thích rõ ràng nào, đã khiến người viết không ngừng suy đoán. Tò mò muốn biết được chân tướng của bí ẩn trước mắt, cảm giác này như ngày bé mình hay đi khám phá, mò mẫm khắp nơi. Sự xuất hiện của Mirai và Yukko bằng cách nào đó đã đánh thức được cậu bé hiếu kì trong mình ngày nào. Liên tục là những giả thuyết, về khoảng sân, về khả năng của Kun, về khả năng của Mirai,… Đến đây thì mình thấy Hosoda-sensei đã rất tài tình khi gài một chi tiết ở đầu phim và khiến một kẻ đa nghi như mình gần như mắc lừa, liên tục nghi vấn suy đoán của bản thân. Đó là trong lúc Kun đang chờ mẹ về nhà, bà của bé kêu dọn dẹp đồ chơi đi, ấy mà trong thoáng chốc đống bừa bộn trên sàn đã biến thành 1 hệ thống đường tàu vô cùng ấn tượng, thậm chí một người lớn cũng phải mất kha khá thời gian để ráp nên mà Kun chỉ làm trong thoáng chốc. Điều này khiến mình nghi hoặc về giả thuyết Kun vốn là thiên tài và mọi thứ là do trí tưởng tượng của em tạo ra. Thế nhưng những sự kiện tiếp sau lại không ngừng phản bác lại giả thuyết đó, và phải đến tận gần giữa phim, mình mới chấp nhận bỏ qua giả thuyết này. Ha, ít nhất thì mình đã giúp các bạn loại bớt một khả năng rồi đấy.

Mốc thời gian trong phim cũng không được giải thích quá rõ ràng. Thời gian trong phim cứ thoáng trôi đi nếu chúng ta không để ý kĩ những chi tiết, lời nói, cảnh vật và thay đổi của các nhân vật. Cá nhân mình thấy đây có thể là một ý hay của tác giả. Khi mà trong thực tế, đôi lúc chúng ta bước chậm lại một chút và chợt nhận ra thời gian đã trôi qua nhanh như thế nào. Ba tuần, hai tháng, một năm,… thời gian chẳng bao giờ chờ đợi chúng ta, khi chúng ta đang bận bịu với những suy tư, niềm vui, nỗi buồn, thời gian đã âm thầm lướt qua mà chẳng khẽ chạm cảnh báo. Nhưng những gợi ý vẫn luôn ở đó, những chi tiết chứng tỏ sự thay đổi của thời gian vẫn hiện ra dù ta có để tâm đến chúng hay không. Đây như một lời nhắc nhở, hãy chậm lại, hãy để ý kĩ hơn, đừng để mọi thứ cứ thế vụt qua trước mắt để rồi khi nhận ra thì bàng hoàng, hối tiếc.

Xuyên suốt bộ phim, những mặt dễ thương và dễ ghét, những niềm vui và nỗi buồn của bé Kun luôn được studio lột tả kĩ lưỡng. Nếu bạn nghĩ rằng sẽ luôn được thấy một cậu bé dễ thương, đáng yêu, đáng quý từ đầu đến cuối phim thì mình tiếc rằng bạn chắc kèo sẽ thất vọng. Kun vẫn là một đứa bé, một đứa bé đơn thuần với những tật xấu, đam mê vô cùng trẻ con. Người xem sẽ không ngừng nhìn thấy những cảnh khóc lóc, tiếng la hét, những hành động xấu tính của Kun, để rồi nhận ra rằng, bản thân mình cũng từng như vậy. Những hình ảnh, hành vi của bé Kun đó, chính là những gì mà các bậc phụ huynh đã ít nhất một lần trải qua trong quá trình nuôi dạy chúng ta. Và khá chắc là chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với chúng trong tương lai. Ở bé Kun, người xem như mình phần nào đó nhận được sự đồng cảm với cậu bé. Lúc nào cũng nhìn ra cửa, ngóng trông mẹ, khi mẹ về thì bám riết, và bất ngờ khi được nhìn thấy em gái mình. Người viết nghĩ rằng, mỗi người chúng ta hẳn sẽ nhìn thấy chút gì đó của bản thân khi còn nhỏ ở bé Kun, dù làm nam hay nữ, có em hay có anh chị.

Mirai no Mirai là một bộ phim gia đình, một bộ phim được tạo nên cho mọi lứa tuổi. Mỗi giai đoạn trong phim đều có thể được xem ở những góc nhìn khác nhau, và người xem ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Đối với các bé nhỏ, các bé xem Kun như đang theo dõi một người bạn (hoặc bản thân), trải qua những sự kiện, tình huống, khung cảnh từ gần gũi đến kì lạ, vui vẻ đến buồn bực, rồi cùng với Kun, các bé dần có những thay đổi về suy nghĩ và thế giới quan của bản thân. Còn đối với người trẻ hoặc người có tuổi thì sao? Các bạn cũng có thể đoán được mà.

Sau khi kết thúc bộ phim, mình còn được may mắn xem đoạn phỏng vấn chính vị đạo diễn Hosoda Mamoru nói về tác phẩm này. Theo chia sẻ của ông, bản thân Hosoda-sensei vốn là con một nên không hề có các trải nghiệm như bé Kun, dẫu vậy, ông đã có được nguồn tư liệu vô hạn từ chính đứa con trai của mình. Những hành động và thái độ của bé Kun đối với đứa em Mirai được lấy cảm hứng trực tiếp từ đứa con đầu lòng của Hosoda-sensei khi ông có thêm đứa thứ hai. Hơn thế nữa, chính ý tưởng về việc Kun gặp gỡ Mirai của tương lai cũng xuất phát từ con ông. Trong một lần nói chuyện, cậu bé nhà Hosoda đã nhắc đến việc gặp “em gái lớn hơn” của mình. Khi Hosoda hỏi lại rằng: “ý con là muốn gặp em lúc bự con hơn hay lúc lớn tuổi hơn?” thì cậu đã trả lời là “lớn tuổi hơn”. Từ đó, Hosoda-sensei mới lên ý tưởng cho bộ phim này. Vậy nên đừng ngó lơ lời nói của một đứa trẻ nhé, sử dụng sự sáng tạo ấy cùng khả năng đã tích lũy được, bạn có thể tạo một điều tuyệt vời đấy.

Bản thân người viết cũng xin được đưa ra một vài suy nghĩ, nhận xét của riêng bản thân đối với tác phẩm này. Hình ảnh, màu sắc, âm thanh và thông điệp của phim đều xứng đáng nhận những điểm số cao nhất. Tuy nhiên, phim hay không có nghĩa là không có sạn. Lý thuyết về du hành thời gian của Hosoda rất sáng tạo, tuy nhiên do xen lẫn giữa hư và thực quá nhiều mà gần cuối phim đã tạo nên một sự kiện khiến cốt truyện mất tính liền mạch.

<<Từ đoạn này sẽ bắt đầu spoil một chút, nếu các bạn đã xem phim và vẫn thắc mắc về cơ chế du hành thời gian của phim thì có thể xem qua, còn nếu chưa xem thì mình khuyên các bạn nên skip hết đoạn này>>

Được rồi nhé, cảnh báo rồi nhé. Như mình đã nói, việc xen lẫn hư và thực của Hosoda-sensei là một trong những nghệ thuật của ông. Nó khiến cho người xem bị cuốn hút, từ đó những thông điệp gửi gắm nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Việc tạo ra cơ chế du hành thời gian sử dụng cái cây trong sân nhà bé Kun thật sự là một ý tưởng tuyệt vời. Một cái cây có thể sống hơn một đời người, sống qua nhiều thế hệ. Mỗi năm, cây không ngừng thay đi những lá cũ, mọc ra những lá mới. Nếu có thể nói, thì cây cối chính là cột mốc đo lường thời gian hoàn hảo nhất, và lá cây, chính là điểm đánh dấu thời gian hoàn hảo nhất. Mỗi chiếc lá từng xuất hiện trên cây chỉ tồn tại được trong 1 khoảng thời gian nhất định, rồi sẽ mau chóng rơi đi nhường chỗ cho những chiếc lá khác. Hãy xem cuộc sống của chúng ta như một cuốn sách, và những chiếc lá ấy chính là vật đánh dấu trang sách tốt nhất, mỗi chiếc một trang. Vậy nếu chúng ta tìm ra chiếc lá cần thiết (vật đánh dấu đúng) chúng ta có thể mở ra trang sách ấy, du hành được thời gian. Mà không chỉ là cuốn sách của chúng ta, ta còn có thể đến được cuốn sách của những người khác, những người có cùng liên kết với chúng ta trong cuộc đời này, người thân gia đình của chúng ta. Không chỉ Mirai, Kun còn được gặp ông cố của mình, gặp được mẹ lúc trẻ của mình và thậm chí là chính bản thân. Cái cây trong sân nhà đã trở thành cánh cổng đưa cậu đến nơi những chiếc lá đánh dấu các sự kiện tồn tại. Chính Mirai của tương lai đã giúp cậu biết cách sử dụng thuần thục cánh cổng này, và cũng chính cậu sau này sẽ chỉ lại cho em gái mình khả năng này.

Mọi thứ trở nên thật logic nếu như không có cảnh Kun bị lạc ở ga tàu trong tương lai. Cảnh ấy như một cơn ác mộng bớt chợt, thách thức bản lĩnh của Kun để từ đó chứng tỏ rằng: dù cậu không thích em gái mình, Kun vẫn là anh trai của Mirai, và bản năng của cậu vẫn là bảo vệ em gái mình. Thế rồi Mirai của tương lai xuất hiện, dẫn cậu bay thẳng lên bầu trời để đến không gian của những chiếc lá. Sự huyền ảo ở đây đã được đẩy lên tận đỉnh. Khi mà chúng ta nhận ra rằng đây là khoảnh khắc Mirai chỉ cho Kun cách du hành thời gian, rằng mọi sự kiện, lựa chọn của mọi người dù từ xa xưa cũng ảnh hưởng đến chúng ta, rằng mọi người trong gia đình đều có liên kết gì đó với nhau. Đó chính là phân đoạn lí giải cả bộ phim, nhưng đỉnh điểm huyền ảo trước đó, khi Kun đột nhiên bị đưa đến đoàn tàu trẻ lạc, nói lên nhân dạng của mình để Mirai xuất hiện lại khiến cho những gì xảy ra sau đó tựa hồ một giấc mơ. Mình không biết nghĩ đến giả thuyết nào khác ngoài việc Kun đã tự mình phóng đại tình cảnh lúc ấy lên. Ngoài ra, việc Hosoda-sensei cố tình nhân hóa Yukko theo nghĩa đen thật sự không hỗ trợ quá nhiều cho cốt truyện, nó chỉ có giá trị gửi gắm một thông điệp song song với bộ phim mà thôi. Chưa kể cái nhận định về việc Mirai của tương lai và hiện tại không thể cùng xuất hiện của Yukko ở đầu phim cũng vô tình tạo ra mâu thuẫn cho cảnh Kun gặp chính bản thân mình ở cuối. Mà, dù thế nào thì việc quá sa đà vào lí thuyết và việc hợp lí hóa cốt truyện cũng không hẳn là việc tốt.

Tiện đây thì vừa nãy, vô tình mình đọc được bài review về phim của kí giả K.H. trên Zing. Mình đánh giá cao sự khách quan và cố gắng của người viết. Tuy nhiên, mình cũng khá thất vọng khi vị này không thực sự “xem” hết bộ phim. Người viết bài ấy dường như đã bỏ qua lời giải thích ở cuối phim về “cỗ máy thời gian”. Hơn thế nữa, còn thẳng thừng đánh giá rằng sự kì ảo trong phim “vượt quá tầm hiểu biết của khán giả mục tiêu”. Có vẻ như định kiến “phim hoạt hình” là dành cho “trẻ em” thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến đánh giá của vị này. Thậm chí khi mà chính Hosoda-sensei đã chia sẻ rằng, ông không muốn Mirai no Mirai chỉ là một bộ phim dành cho trẻ em. Đây là một bộ phim được làm ra cho cả gia đình cùng xem, không phải dành riêng cho trẻ em. Bản thân mình lúc ra rạp coi đã gặp không ít khán giả là trung niên hoặc lão niên đi xem mà chẳng dẫn theo đứa bé nào. Mà từ tận Wolf Children, Hosoda-sensei cũng đã làm rõ “khán giả mục tiêu” của mình không chỉ là “trẻ em” rồi. Nói tóm lại, người viết bài ấy đã cất công đi xem phim, nhận xét như một người xem phim, nhưng chưa thật sự chú tâm đến bộ phim và tìm hiểu đủ để viết nên những nhận định hợp lí nhất. Dẫu sao, cũng không nên quá khắt khe nhỉ.

<< đến đây là các bạn an toàn rồi, không còn gì để spoil nữa đâu>>

Chấm điểm: bản thân mình cho Mirai no Mirai điểm 8/10 (+1 vì là fan cuồng các tác phẩm của Hosoda-sensei nên nó sẽ là 9/10)
Mình hy vọng bài viết đã cho các bạn những góc nhìn tốt hơn, cũng nhiên khiến các bạn muốn xem phim (lại) hơn. Nếu bài viết có bất kì điểm nào sơ sót, các bạn đừng ngại cmt bên dưới, mình sẽ xem xét và chỉnh sửa lại. Nếu các bạn muốn bàn luận thêm về phim, có thể vô tư bên dưới hoặc vào thẳng group tạo post cho máu nhé.

Chân thành cảm ơn.
#Lamp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến