[Manga Review]: Hideout - Sự mài mòn của nhân tính



Mình không phải là fan của thể loại horror, cũng chẳng thiết tha lắm với thể loại máu me đâm chém. Nhưng chỉ cần duy nhất trang bìa của bộ manga này thôi cũng đã đủ để thu hút sự chú ý và kéo mình vào cái vòng xoáy chết chóc bào mòn nhân tính của Hideout rồi.

SPOILER ALERT


-Tên: Hideout
-Hình thức: Manga
-Tác giả: Kakizaki Masasumi
-Số chap: 9 ( 1 volume )
-Thể loại: Horror, Psychological, Seinen
-Tóm tắt nội dung: Trên một hòn đảo nghỉ dưỡng ở phía Nam, một cặp vợ chồng trẻ đang cố gắng vượt qua cái chết của đứa con đầu lòng. Nhưng đối với người chồng, Kirisima Seiichi, chuyến đi này còn có một mục đích khác. Anh ta dự tính sẽ giết hại người vợ của mình và giấu xác trong rừng sâu. Nhưng khi mọi chuyện không diễn ra như dự định và người vợ chạy trốn được, anh ta đuổi theo cô sâu vào trong một hang động. Và khi Seiichi nhận ra mình mắc kẹt trong nơi tăm tối này với một kẻ ăn thịt người man rợ thì dường như mọi chuyện đã quá muộn.

Mình thường để phần nhận xét về mặt hình ảnh, nét vẽ ở cuối, nhưng riêng đối với Hideout thì khác. Phần hình ảnh chắc chắn là điểm cộng lớn nhất của bộ manga này. Dù chưa đọc các tác phẩm khác của Masasumi-sensei, nhưng mình đã nghe không ít lời khen về cái artstyle của chúng, đặc biệt là Rainbow và Green Blood. Và đến khi đọc Hideout, mình chợt nhận ra rằng những lời khen kia vẫn còn chưa đủ. Từng trang truyện, khung hình được vẽ chi tiết, tô đen trắng, đổ bóng tuyệt vời tới mức không ít lần mình dù đang hoàn toàn bị cuốn vào mạch truyện vẫn phải dừng lại giữa chừng để nhìn ngắm lại chúng. Một hoạ sĩ điêu luyện như Kakizaki không chỉ vẽ ra từng khung tranh trên trang giấy mà còn tô lên cái kinh hãi trong tâm trí người đọc. Nếu phải so sánh, mình xin mạn phép đặt phần hình ảnh của Hideout gần với Berserk để các bạn dễ hình dung. Đôi khi, không phải những hình ảnh ghê tởm của một con người đã hoá quái vật với khuôn mặt nhăn nhúm vặn vẹo sẽ làm bạn sợ hãi, mà chỉ cần vài bức hình của căn phòng nhuộm nửa mình trong bóng tối hay cái hành lang hun hút lộng gió mà thôi. Dù người đọc có thất vọng, có chán ngấy hay ghét Hideout đến đâu, không một ai có thể than phiền về nét vẽ của nó cả. 

Tiếp đến phần nội dung của bộ truyện, nó ngắn, nó để lại một số bí ẩn và câu hỏi bỏ ngỏ, nó hơi cliché và không có nhiều cái mới, nó vẫn là một bộ truyện kinh dị nằm trong mức “an toàn” cho mọi tác giả của thể loại này, nhưng nó không hề tệ. Chỉ với 9 chapter thì không thể có nhiều hi vọng về độ deep của plot, nhưng Masasumi-sensei đã thành công trong việc kể một câu truyện méo mó về một con người bị đẩy đến đường cùng. 

Hideout biết cách kéo người đọc vào ngay từ những trang đầu của bộ manga. Nó khởi đầu từ một hoàn cảnh khá thú vị và ngay lập tức có được sự chú ý, tò mò của người đọc cũng như gieo hạt giống đầu tiên của sự kinh hoàng vào tâm trí họ. Câu chuyện được kể theo góc nhìn của người chồng Seiichi, một nhà văn bình thường làm việc không ngừng với mong muốn niềm hạnh phúc giản đơn về một gia đình hoà thuận ấm no. Tưởng như anh đã có được nó khi vợ mình, Kirishima Miki, hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng trái ngược với mong muốn làm việc kiếm tiền để chăm sóc gia đình ngày càng tăng của anh, sự nghiệp viết lách của Seiichi lại càng đi xuống. Giấu mọi áp lực của mình khỏi vợ và con, anh ta gồng gánh gia đình hết sức có thể, viết và nộp bản thảo trong tuyệt vọng. Tại thời điểm Seiichi tìm thấy và nắm được tia sáng le lói để đưa gia đình mình ra khỏi gánh nặng tài chính cũng là lúc anh rơi vào hố sâu tuyệt vọng không đáy. Vì sự bất cẩn của đôi vợ chồng mà Jun, đứa con duy nhất của hai người, ngã từ ban công xuống và không qua khỏi. Tồi tệ hơn, mọi trách nhiệm bị đổ lên đầu người chồng lúc đó đang ở nhà với con mình. Seiichi muốn hàn gắn lại gia đình với khát khao sinh đứa con thứ hai bị gạt bỏ, rồi cả mong muốn lí hôn cũng bị gánh nặng kinh tế giữ chân. Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, kẹt giữa những lời đay nghiến của vợ mình, anh ta nghĩ đến một lối thoát, một lối thoát duy nhất để bắt đầu lại. 

Qua những đoạn hồi tưởng, có thể không ít người đọc sẽ nghĩ Miki là một người mẹ vô tâm cũng như một con người khốn nạn. Cá nhân mình cho rằng, chính vì quá yêu con mình mà Miki mới hành xử như vậy. Cô không vượt quá được cái chết của con mình và đem lòng thù hận người mà cô tin rằng đã giết chết đứa con trai bé bỏng của cô. Mọi hành động, lời nói đay nghiến của cô đối với chồng đều là sự trả thù cho Jun, một sự trả thù ngu xuẩn mà đáng thương. 

Và khi cả hai người mắc kẹt trong hang với tên quái vật mang dáng hình người kia thì mọi chuyện càng tồi tệ. Cái bản chất ham sống sợ chết của hai con người mất dần nhân tính lộ ra rõ mồn một. Kẻ thì chấp nhận giao cấu với cả con quái vật để đổi lại sự sống, người thì lợi dụng cả đứa trẻ ngây thơ để thoát chết và trả thù. Đặt biệt, ta trực tiếp thấy được cách người chồng dần dần trở thành quái vật trong cái hang động u tối ấy. Những đoạn hồi tưởng không diễn ra liền mạch mà tách thành từng phần nhỏ. Mỗi khi nhớ lại quá khứ là Seiichi lại nhớ lại những thứ anh mất trong cái quá khứ đáng nguyền rủa ấy: công việc, con cái, danh dự, hạnh phúc, và cả lối thoát cuối cùng cho một con người. Song song việc nhẩm lại cái mất mát trong quá khứ, từng mảnh nhân tính còn lại của Seiichi cũng bị gột rửa đến khi chỉ còn lại thứ duy nhất là khao khát về một gia đình. Cuối cùng, dù đã quyết tâm đến cũng và trang bị đầy đủ, anh ta vẫn không thể giết được “con quái vật trong hang tối” ấy. Và cái kết có phần bất ngờ đã nâng cao đáng kể đánh giá của mình về bộ manga này. 

Bạn có thể không ấn tượng với câu chuyện được truyền tải, không hứng thú với diễn biến hơi nhanh bị gói gọn vào 9 chap truyện, không quan tâm đến các nhân vật đủ để cảm thông, thương hại hay thù ghét kẻ nào, nhưng nhất định bạn sẽ ấn tượng trước cái không khí và cái đẹp tăm tối của từng khung hình. 

#Raidriar

Nhận xét

Bài đăng phổ biến