BOOK REVIEW X ANALYSIS | CÂN BẰNG MONG MANH (ROHINTON MISTRY) - TẤN BI KỊCH CỦA NHỮNG ÜBERMENSCH TRONG XÃ HỘI ẤN ĐỘ ĐƯƠNG ĐẠI

Xin thông báo với quý độc giả, con tàu AR2D đã rời khỏi địa phận Oceania, hành trình về phương Nam sẽ đưa chúng ta đến với đất nước Ấn Độ huyền bí. 

Hôm nay chúng ta lặp lại hành trình lịch sử của nhà sư Huyền Trang cùng các đồ đệ. Vì cái lòng cầu đạo mà Sư đã bất chấp lệnh cấm của hoàng đế để lên đường Tây du. Tại sao lại là Tây Thiên (Ấn Độ ) mà không phải La Mã, Ngoại Mông? 
Vì đây là quê hương của Phật Thích ca, là xuất xứ của Kinh Vệ Đà. Và là nơi dung hoà ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, cùng một số tôn giáo ít phổ biến hơn. Một vùng đất linh thiêng và có bề dày về văn hoá như vậy, sẽ làm thỏa lòng những người mưu cầu chân lý. Hôm nay chúng ta đến đây để tìm cho mình câu trả lời cho câu hỏi lớn của thời đại: Liệu chân lý có tồn tại không? Và liệu chúng ta có thể tự mình định ra chân giá trị hay không?

 AR2D từng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm “Buddha” của Osamu Tezuka. Qua hành trình của Phật Thích ca, các bạn đã thấy bộ mặt của nền văn hoá Ấn Độ thời cổ đại. Khi đó mối quan hệ của người với người được định hình bởi chế độ phân chia giai cấp và sắc tộc nặng nề. Ở cái thời mà Phật pháp còn chưa lan rộng, chúng sanh đồ thán liên miên. Vòng luân hồi oan nghiệt nhấn chìm những kẻ mê muội, nào là sinh lão bệnh tử, nào là bi kịch tự thân. Ngay cả đức Phật đầy lòng từ bi cũng không cứu được những người bạn đã lầm đường. Nhưng vật cùng tắc biến, tác phẩm kết thúc khi giáo lý của đức Phật đã ăn sâu cắm rễ và lan toả muôn nơi, hứa hẹn mở ra một tương lai sán lạn cho người dân Ấn Độ. 
Hôm nay mình sẽ giới thiệu và phân tích tác phẩm “Cân bằng mong manh” - thiên tiểu thuyết đương đại dựa trên một giai đoạn lịch sử có thật của dân tộc Ấn Độ. Tác giả thuật lại câu chuyện của bốn con người khác nhau về địa vị và quê quán. Cuộc đời của họ là sợi dây để tác giả lồng ghép vô số mảnh đời của cộng đồng người Ấn. Hãy xem bộ mặt Ấn Độ đã thay đổi như thế nào từ ngày Đức Phật ra đi.

Đồng hồ điểm năm 1975, Ấn Độ đang bước vào giai đoạn đầu của Tình Trạng Khẩn Cấp, được áp đặt bởi cố thủ tướng Indira Gandhi trong khoảng 21 tháng, từ năm 1975 đến 1977. Theo đó, nhiều quyền dân sự bị giới hạn, báo chí bị kiểm duyệt. Vô số vụ vi phạm nhân quyền xảy ra trên khắp đất nước Ấn Độ trong khoảng thời gian này.

 Trên băng ghế đối diện chúng ta là những nhân vật chính của tác phẩm: hai bác cháu thợ may Ishvar Darji và Omprakash Darji, trong bộ dạng nghèo nàn đói rách. Họ lên thành phố tìm việc, mong dành dụm để kiếm một cô vợ cho Om (tên mà Ishvar thường gọi cháu mình). Đứng bên cạnh họ là anh sinh viên Maneck, từ miền núi đến trọ học và còn chưa quen với nếp sống thành thị. Số phận sẽ đưa đẩy họ đến trú chân dưới mái nhà của cô Dina Dalal, bạn học của mẹ Maneck. Tại đây họ sẽ tìm thấy một gia đình thực sự, và cũng tại đây, họ sẽ nếm đủ thứ bi kịch của đất nước Ấn Độ những năm 70. 
Trong căn nhà bé tí của cô Dina, họ duy trì một điểm cân bằng mong manh, giữa tiếng cười và nước mắt, giữa bình yên và thống khổ, giữa những mối dằn xé của đủ mọi phận người dưới bàn tay sắt của nữ thủ tướng Indira Gandhi.

Tàu đã cập bến. Chào mừng đến với Ấn Độ năm 1975. Đến với thời của TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP.

Thành phố đón chào những nhân vật chính bằng những dãy nhà ổ chuột lụp xụp và mùi phân đốt cay mắt. Hoàn toàn trái ngược với quê hương tươi đẹp mà họ bỏ lại phía sau. Nhưng có hề gì, họ đang tìm kiếm cho mình một tương lai tốt đẹp hơn về vật chất, sá gì chút thất vọng cỏn con. Ba người cùng đến gặp Dina Dalal. Hai bác cháu Ishvar và Omprakash đến xin làm thợ may. Maneck đến nhận phòng trọ. Bốn con người xa lạ lúc đầu còn cố tạo khoảng cách với nhau. Nhưng họ sẽ nhanh chóng nhận ra họ giống nhau và hợp nhau đến chừng nào.
Vì họ đều là những kẻ chống lại trật tự định sẵn. Và là những người yêu mến tự do.
Để hiểu được sự tốt đẹp trong nhân cách của họ, trước hết hãy hiểu khái niệm Dharma (Pháp), trung tâm của tất cả các tôn giáo lớn tại Ấn Độ: 

Trong Ấn Giáo, Dharma là chân lý, là cái thiện. Có tuân thủ Dharma thì mới cuộc sống mới an lành, vũ trụ mới tồn tại và không sa vào suy đồi.
Trong Phật giáo, Dharma là quy luật và trật tự của vạn vật.
Trong tôn giáo của người Sikh, Dharma là “đạo” hay con đường hướng thiện.

Việc nghiên cứu và tuân thủ các Pháp giúp góp phần giữ gìn trật tự của xã hội. Từ đó mới có thịnh vượng và an lạc. Cố gắng giữ gìn Dharma đòi hỏi một nỗ lực lớn lao. So với trật tự mong manh của vũ trụ, số phận của cá nhân là thứ yếu. Vì đó mà người Ấn Độ cổ đại định ra chế độ đẳng cấp Varna, phân chia xã hội thành 4 đẳng cấp: 

1. Bà la môn, gồm các tăng lữ; 
2. Kshatriya, quý tộc và các võ sĩ; 
3. Vaishya, gồm những người bình dân Arya, có nhiệm vụ sản xuất phục vụ tầng lớp trên; 
4. Shudra, bần cố nông, vô sản; 
5. Đẳng cấp tiện dân, “ngoại hạng”, họ không được đụng đến người đẳng cấp trên, kể cả cái bóng của họ. Xã hội khinh rẻ và xa lánh lớp người này.

Bác cháu thợ may Ishvar và Om thuộc vào lớp tiện dân dưới đáy xã hội, trong một chế độ đẳng cấp tồn tại bền bỉ đến những năm 70.

Cha của Ishvar Darji làm những công việc thuê mướn cho lũ địa chủ coi những người tiện dân như súc vật. Còn mẹ ông thì đêm đêm lén lút ra ngoài ăn trộm để lo cho con. Cay đắng vì thân phận hèn mọn, ông lặn lội lên thị trấn học lấy cái nghề chữa dép, từ đó mà gửi gắm được hai đứa con trai, Ishvar và Narayan, đi học nghề thợ may, cái nghề không thuộc đẳng cấp của mình.
Cái tin đó làm rúng động cả làng, vì hình phạt dành cho tội vượt ra ngoài đẳng cấp là tử hình. Dần dà gia đình Ishvar trở nên khá giả chẳng kém những gia đình thuộc đẳng cấp cao, nhóm lên niềm tự hào thầm kín của những người tiện dân, và cũng đem tới sự căm ghét của đám chức sắc trong làng.
Sự kiện đó, kì thực cũng là Dharma. Tiện dân vươn lên, vua chúa quỵ ngã theo vòng luân chuyển của tạo hoá. Đáng quý hơn khi ta thấy gia đình Ishvar vươn lên bằng nỗ lực tự thân sau khi nhận ra sự bất công mà mình phải chịu.

Narayan Darji, em trai của Ishvar, tích cóp đủ để cất nhà, lấy vợ và sinh những đứa con kháu khỉnh. Trong đầu anh nảy nở niềm lạc quan về tương lai của nền dân chủ mới nảy nở. Nhờ đó người làng sẽ được tự do nối bước anh thoát khỏi chế độ đẳng cấp tàn bạo. Anh đòi được tự tay điền vào lá phiếu của mình, thách thức hệ thống bầu cử chiếu lệ bị tên chúa đất Dharamsi thao túng. Narayan sẽ bị tra tấn đến chết và bị bêu xác giữa đình làng. Còn cả gia đình ba thế hệ của anh sẽ bị thiêu sống. 
Kẻ thủ ác dõng dạc tuyên bố rằng gia đình Narayan “bóp méo thế cân bằng vĩnh cửu của xã hội”, làm xã hội mất đi tôn ti, trật tự, và kỷ cương.

Thiết chế đẳng cấp hiện hình là công cụ phục vụ cho một đám người man rợ. Sự độc ác của chúng đi đến tận cùng. Cả dòng họ Ishvar chỉ còn mỗi ông và cháu trai Omprakas. Hai bác cháu chỉ còn cách chạy lên thành phố, hy vọng sẽ tìm thấy một bến đỗ nơi người ta sẽ không xem trọng vấn đề đẳng cấp. Thế nhưng thành phố đón chào họ bằng sự hỗn tạp, bẩn thỉu và đói khát của khu ổ chuột. Bên trên đầu họ là dùi cùi của cảnh sát trong nỗ lực “Cải thiện mỹ quan đô thị”. Thành phố không có chỗ chứa cho đám ăn mày, bọn thất nghiệp và lũ vô gia cư. Nó chỉ đón chào những gia đình tư bản chí thú làm ăn. Như gia đình của Shroff.

Đại diện của họ là Nusswan Shroff. Trong mắt ông, những kẻ vô công rỗi nghề là một thứ người thừa của xã hội. Chương trình cải tạo mỹ quan của chính phủ chưa đủ hiệu quả, tốt nhất là nên tiêu diệt hết bọn chúng. Nusswan thậm chí đi xa đến mức nêu ý tưởng trộn thạch tín vào bữa cơm phát cho người nghèo. 
Thành phố hiện hình là nơi dành riêng cho những nhà tư bản yêu lao động và những công nhân tuân thủ kỷ luật. Đồng tình với ý kiến của Nusswan có bà chủ hãng Au Revoir, bà chỉ quan tâm đến tiến độ và mái tóc của mình, còn những tay công nhân nhiều đòi hỏi đã có cảnh sát và đội bảo vệ lo.
Thành phố, tuyến đầu của nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản không phân biệt, hoá ra cũng tồn tại chế độ đẳng cấp, xếp theo tinh thần tư bản của con người.

Cái tinh thần đó hiện rõ qua sự gia trưởng của Nuswan đối với em gái Dina. Sau khi cha mẹ mất, ông quyết định mọi việc trong nhà theo sự tính toán lợi hại của riêng mình, trong đó bao gồm việc hôn nhân của cô em gái Dina. Ông khuôn ép cô vào hình ảnh một người phụ nữ mẫu mực, và liên tục giới thiệu Dina cho những người bạn thành đạt. Đối với ông, công danh sự nghiệp là một định lượng tốt hơn là tình cảm cá nhân. Thế nhưng Dina chỉ bằng lòng cưới Rustom Dalal, một dược sĩ nghèo khó. Một người mà cô đem lòng yêu mến sau những buổi tình cờ gặp gỡ. 
Kể cả khi số phận nghiệt ngã cướp đi Rustom trong một tai nạn thảm khốc. Dina, nay đã là Dina Dalal, lại chấp nhận tự kiếm sống, thay vì chịu sự che chở của Nusswan
Chấp nhận sự kiểm soát của ông là đánh mất bản ngã của mình. Đối với Dina, mất tự do còn đáng sợ hơn những gian khó của một đời cô độc.

Số phận dân tộc Ấn Độ như một bánh xe luân hồi. Quay mãi lại thấy trở về thế cân bằng của một hệ thống đẳng cấp coi rẻ con người. 
Dù vậy, trong đó vẫn có hy vọng cho sự thay đổi. Luôn có hy vọng nơi những người trẻ tràn đầy năng lượng và hoài bão, mà đại diện trong truyện là cậu sinh viên Maneck Kohlah.

Xuất thân từ một miền núi tuyết phủ, Maneck yêu cái đẹp thiên nhiên và biết quý trọng phẩm giá của con người. Cậu chưa bao giờ xem rẻ những người thợ may được cô Dina thuê. Điển trai, khỏe khoắng, có học thức, cậu sẽ cùng thế hệ của mình gánh vác tương lai của cả dân tộc Ấn Độ trên vai.
Cho đến khi đôi vai đó đổ sụp xuống bởi lũ côn đồ và dùi cui của cảnh sát.
Cậu đã được bạn mình cảnh giác về cuộc sống thành thị:
 ⁃ Vấn đề của cậu là cậu nhìn thấy quá nhiều, ngửi thấy quá nhiều. Đây là cuộc sống ở thành phố lớn...Cậu phải học cách tiết chế đôi mắt và cái mũi ẻo lả của cậu đi...
Sống ở thành phố như vậy, là phải làm quen với cái xấu, và biết che mắt bịt mũi lại khi tiếp xúc với chúng hằng ngày. Tại ký túc xá mà Maneck tá túc, sinh viên sẵn sàng hành hung tập thể công nhân bếp ăn khi phát hiện một miếng thịt trong sốt đậu chay. 
Rồi cũng đám sinh viên đó phấn chấn với mơ ước cải cách những tệ nạn của bộ máy quan liêu, cải tạo xã hội cho lành mạnh, đồng thời xiển dương trí tuệ của triết học Vệ Đà và Upanishad, khai sáng cho toàn nhân loại.
Cái éo le đó dễ dàng được thấy lại qua phong trào sinh viên trong tác phẩm “Rừng Na Uy” mà bạn đọc đã quen thuộc.
Những cuộc nói chuyện của họ rặt những cụm từ cao siêu. Chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, thuyết này thuyết kia. Nhưng chỉ có một cụm từ có giá trị và tác động thực sự đến cuộc đời của họ và cả xã hội Ấn Độ.

Tình trạng Khẩn cấp.
 
Một tình trạng được nữ thủ tướng Indira Gandhi áp đặt nhằm đàn áp các đối thủ chính trị và phe đối lập, đi cùng với nó là Luật đảm bảo an ninh nội địa (MISA: Maintenance of Internal Security Act), theo đó cảnh sát có quyền bắt giữ không cần qua xét xử. 
Các quyền cơ bản bị đình chỉ, các đảng phái đối lập, các tổ chức sinh viên, các lãnh tụ nghiệp đoàn và những kẻ phản đối bị tống vào tù. Trường học đã được cắt đặt các đội tự phát để quản lý tư tưởng và hoạt động của sinh viên. Cùng với chúng là các toán cảnh sát túc trực thường xuyên để giữ gìn trật tự. 
Báo trường im tiếng, thầy cô đồng lòng tuyên thệ sự trung thành với đường lối của thủ tướng Indira Gandhi. Quyền lực của sinh viên, những lãnh đạo tương lai, coi như đã bị phế bỏ dưới Tình trạng Khẩn cấp.
Maneck Kohlah, thất thế và bị làm nhục, đã trốn chạy khỏi ký túc xá. Từ đây cậu chỉ còn là một kẻ thụ động cam chịu sự đày đọa của xã hội đương thời.
 
Trật tự đã được xác lập một lần nữa. Thiết chế đẳng cấp được thiết lập với thủ tướng Indira Gandhi đứng trên đỉnh. Ở phía dưới là cảnh sát, nhà tư bản, rồi đến thường dân. Và ở dưới cùng là lũ tiện dân và những kẻ chống đối, như bác cháu thợ may Ishvar, Dina Dalal cùng cậu sinh viên Maneck.
Trong cái trật tự mới này, chính phủ đương đại là hoá thân của thiết chế phong kiến. Họ toàn quyền đặt ra những giá trị mới mẻ mà toàn dân phải noi theo. 
Dân chủ là trung thành với thủ tướng.
Thành phố là dành cho giới tư bản.
Kế hoạch hoá gia đình là triệt sản bắt buộc.

Để cải thiện mỹ quan đô thị, cảnh sát được huy động để tống thành phần vô gia cư vào những trại khổ sai với điều kiện sống và làm việc tồi tệ. Những vị quyền cao chức trọng gọi đó là một chương trình hào phóng giúp cải thiện cuộc sống người nghèo và người vô gia cư. Thật mỹ miều làm sao, nếu ta không thấy được những vụ ẩu đả chém giết trong cảnh chen chúc của trại. Điều kiện lao động ngặt nghèo và tình trạng suy dinh dưỡng sẽ đưa một nửa số lao động vào láng cứu thương, nơi họ quằn quại vì hơi nóng và thương tật. 

Để giải quyết nạn bùng nổ dân số, chính phủ Ấn Độ đồng thời phát động chương trình Kế hoạch hoá gia đình trên toàn quốc. Trọng tâm của nó là triệt sản tự nguyện. Ban đầu  nhân viên chính phủ còn dụ dỗ người dân tham gia bằng phần thưởng là đài radio và phiếu lương thực cho mỗi người bị triệt sản. Dần dà nó trở thành một chiến dịch chạy chỉ tiêu của cảnh sát. Họ nhắm vào những thành phần dưới đáy xã hội, được cho là có tỷ lệ sinh đẻ cao nhất. Để đạt chỉ tiêu, cảnh sát đổ vào các phiên chợ làng để bắt những người cô thế. Họ bị nhồi vào xe tải và chở đến các trung tâm triệt sản. Tại đó công tác Kế hoạch hoá gia đình được thi hành nhanh chóng và triệt để, tới mức bác sĩ không kịp sát trùng dao mổ. 
Trong những người bị bắt đi không thiếu người già, trẻ em dưới vị thành niên. Thậm chí cả những người đã từng bị triệt sản.
Cả hai bác cháu thợ may Ishvar và Omprakash cũng nằm trong số đó.
Họ lên thành phố vạ vật kiếm sống để bị cảnh sát ném vào trại khổ sai, và chỉ được thả ra sau khi đã thân tàn ma dại. Sau đó họ bị ấn vào bàn mổ triệt sản, khi hai bác cháu vừa mới đủ tiền cưới vợ cho Om.

Chẳng còn đường nào cho phẩm giá con người ở chốn Tây Thiên. 
Phải chăng đó chính là Dharma? Phải chăng chân lý mà chúng ta tìm kiếm là một trật tự được thiết lập bởi quyền lực và sức mạnh?

Không thực vậy, Rohinton Mistry không viết “Cân bằng mong manh” nhằm đả kích giáo lý Vệ Đà. Đây là một tác phẩm kể về bi kịch của những Übermensch.

Übermensch là một khái niệm được đề ra bởi triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900). Được cấu thành bởi hai chữ “over” và “man”, Übermensch được Nietzsche xem là một lý tưởng, một bước tiến hoá của nhân loại.
Con người mới này có khả năng tự định ra đạo đức và luân lý theo lối riêng, thoát ly khỏi những gông xiềng của luân lý truyền thống và cả chủ nghĩa hư vô.

Nietzsche định nghĩa một nhân cách đã luôn xuất hiện và tái hiện trong lịch sử nhân loại. Đất nước Ấn Độ có số dân đông thứ hai trên thế giới, cùng nền văn hoá được vun đắp bởi những tôn giáo lớn. Sự kết hợp này tạo điều kiện cho một lớp Übermensch xuất hiện đông đảo. 
Gần như toàn bộ các nhân vật trong “Cân bằng mong manh” đều là những Übermensch. 
Đầu tiên phải kể đến những người lưu trú dưới mái nhà Dina Dalal. Họ đứng ở phía đối lập với những giá trị được áp đặt lên thế hệ mình. Bác cháu thợ may Ishvar và Omprakash chống lại trật tự đẳng cấp. Dina Dalal chống lại chế độ gia trưởng. Maneck chống lại ảnh hưởng của hiện đại hoá. 
Không chỉ chống lại thang giá trị được xã hội áp đặt, họ tìm cách vươn lên khỏi khuôn khổ của chính bản thân, qua cố gắng chống lại sự khuôn phép của những thành viên trong gia đình. Omprakash luôn đẩy lùi sự bảo bọc và phép tắc của bác Ishvar. Cô Dina Dalal từ chối sự che chở và hướng dẫn của anh trai Nusswan. Cậu sinh viên Maneck phản đối sự bảo thủ của người cha mà cậu giống y đúc về tính cách. Trong nỗ lực phủ nhận những giá trị gốc rễ đã định hình bản thân mình, những nhân vật chính trong “Cân bằng mong manh” đang cố tạo ra chân giá trị, theo lý tưởng của bản thân. Tuy cùng chịu sự khó khăn về vật chất và tinh thần, họ đều là những Übermensch đích thực.

Nhưng bất hạnh thay, của cải vật chất là có giới hạn, quyền lực tạo nên chúng cũng có giới hạn, và bên cạnh gia đình Dina Dalal cũng tồn tại những Übermensch khác.

Hãy cùng nhìn sang giới tăng lữ được mô tả trong truyện. Họ gồm lũ thầy tế dâm ô, những ông sư rửng mỡ đọc thuộc kinh kệ như một cái máy, một thánh nhân xuất thân là người mua tóc dạo, chưa bỏ được thói lừa lọc. Đọc đến những dòng này nhiều người sẽ thấy căm phẫn tầng lớp tăng lữ, thực quá sa đoạ và nhiều quyền lực một cách bất công. Họ không giống như những vị thánh thanh sạch được mô tả trong kinh điển. 
Đúng vậy, bởi vì họ đâu phải những tăng lữ thực sự. Bọn giả tu này chỉ khoác áo tu hành, đọc kinh, vận lấy hình ảnh quyền lực của Dharma để phục vụ cho bản thân mình thôi. Chúng xem mình còn hơn là Chân lý, hơn cả Dharma nguyên thuỷ. Và khi cần sẽ vứt bỏ Pháp một cách triệt để, để vận lấy những giá trị mới có nhiều lợi ích hơn cho bản thân.

Đó chỉ mới là Übermensch ver0.0.5, hãy điểm lại trường hợp của tên chúa đất Dharamsi. Hắn vin vào Dharma để ra phán quyết thiêu sống toàn bộ gia đình Narayan Darji. Dù rằng việc một gia đình tiện dân vươn lên bằng sức lao động là hết sức hợp lẽ trong Dharma.
Rồi đi từ chức vụ quản lý bầu cử, hắn leo lên vị trí giám đốc Trung tâm kế hoạch hoá gia đình của tỉnh, mặc sức lệnh cho cảnh sát bắt người đi triệt sản. Sau Dharma, đến lượt chính sách công trở thành giá trị mới của chúa đất Dharamsi, thứ mà hắn dùng để vùi dập những kẻ cô thế. 

Sau cùng, là chính phủ đương thời do thủ tướng Indira Gandhi cầm đầu. Một Übermensch thượng đẳng tuyệt đối, đứng ngoài mọi thang bậc giá trị của xã hội.
Dưới Tình trạng Khẩn cấp, chính phủ liên tục tạo nên những chân giá trị mới mẻ cho muôn dân noi theo. Từ những buổi tuyên truyền về lòng ái quốc thông qua sự ngưỡng mộ thủ tướng, cho đến chiến dịch quét sạch khu ổ chuột bằng xe lu; lùa ăn mày và người vô gia cư vào trại khổ sai nhằm “cải tạo mỹ quan đô thị”. Cho đến cái cách mà tay tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình “lắp ghép các câu chữ sao cho chuyện triệt sản trở nên dễ chấp nhận, thậm chí đáng mơ ước”.
Hãy nghe lập luận của một viên chức kế hoạch hoá gia đình, khi xem công cuộc triệt sản cưỡng bức là một cuộc chiến:
“Đất nước này sẽ bị nhấn chìm, sẽ chết ngạt, sẽ diệt vong - dấu chấm hết cho nền văn minh của chúng ta. Vì vậy mà chúng ta có nghĩa vụ phải đảm bảo cuộc chiến giành thắng lợi.”
Một cuộc chiến chống lại những người dân tay không tất sắc. Họ thực sự coi dân thường như những con súc vật để cắt xẻo chém giết tuỳ thích, hệt như cách mà những người thuộc đẳng cấp cao đối xử với lũ tiện dân xưa kia.

Xã hội Ấn Độ đương thời thực là một xã hội được lãnh đạo bởi các Übermensch vậy. Còn Chân Lý ngàn đời mới bị xem là thứ yếu. Không có thịnh vượng và bình an, chỉ có hỗn loạn và thống khổ.

“Oi, Anthony. Ông chỉ lấy mấy ví dụ sai lệch để chứng minh cho luận điểm của mình thôi. Họ nào phải Übermensch theo đúng định nghĩa của Nietzsche.”
Vậy thì chính trong tác phẩm các bạn sẽ được thấy một Übermensch đúng y chóc định nghĩa của Nietzsche.

Đó là Ông Trùm ăn mày, một trong những nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất trong tác phẩm. Ông ta xuất hiện như một đấng cứu tinh khi hai bác cháu thợ may bị kẹt ở trại khổ sai. Những người ăn mày yêu mến và coi ông như thần thánh, vì ông quan tâm và đối tốt với những kẻ được ông bảo kê.
Dù thường xuyên lễ lạy, ông hoàn toàn độc lập trong tư tưởng và hành động, thậm chí còn là một triết gia. Khi chứng kiến người ăn mày yêu quý bị hắt hủi, ông cho rằng cả đất nước đang có một cuộc khủng hoảng về nhân tính, và cần một cuộc cách mạng trong tim mỗi người.
Các nhân vật trong truyện đều có một sự tôn trọng, hoặc tôn thờ, nếu không là e sợ, khi thấy Ông Trùm. Ông đã trở thành hoá thân của tư tưởng Master Morality của Nietzsche. Theo đó cái gì có lợi cho bản thân và công cuộc hãnh tiến của bản thân thì là tốt, bất chấp thang bậc đạo đức chung. Với ông chỉ có cái lợi và cái hại, cái mà ông cho là tốt và cái mà ông cho là xấu. 
Khi hai người ăn mày được ông bảo kê bị kẻ xấu giết hại, ông nói về việc bán xác của họ cho sinh viên y khoa, coi như phục vụ tinh thần khoa học. 
Khi người ăn mày mà ông ưa thích chết trong một tai nạn thảm khốc, ông tổ chức một tang lễ rình rang không kém những kẻ quyền cao chức trọng. 
Và khi nhận nuôi hai đứa trẻ mồ côi, Ông Trùm cho người chặt tay, chọc mù mắt, vặn lưng để biến chúng trở thành ăn mày có giá trị. Ông sáng tạo những khuyết tật mới mẻ làm lay động lòng người như thể đang vẽ một tác phẩm nghệ thuật.Những ăn mày của ông đều được “cải tạo” như vậy, và đều biết ơn che chở của ông.
Đạo đức của Ông Trùm thực sự là một thứ đạo đức kì quặc, khi thì rất cao quý, khi thì cực kỳ bệnh hoạn.
Übermensch không chỉ nên được miêu tả bằng hình ảnh một tay đô vật da trắng mắt xanh. Ông Trùm chính là một Übermensch thuần chất nhất. 

Cuối cùng thì, nỗ lực tạo ra chân giá trị của mỗi người trong “Cân bằng mong manh” chỉ gây nên những bi kịch. Dù vậy, mỗi Übermensch trong truyện đều cố gắng tạo nên và giữ lấy chân giá trị của bản thân. Cậu thợ may Omprakash sau khi bị triệt sản vẫn tuyên bố cứng rắn khi thấy người bác khóc thương cho mình ”Nhưng cháu vẫn còn lòng tự trọng của cháu. Cháu không khóc tu tu như trẻ con.”
Ai cũng có lòng tự trọng vậy. Chính trong sự tự trọng đó mà tay chúa đất Dharamsi thiêu sống và triệt sản lớp tiện dân để bảo vệ “trật tự vĩnh cửu” của hắn.
Mỗi Übermensch đều sẽ tự tạo nên giá trị cho riêng bản thân mình, đứng ngoài thang giá trị đạo đức của xã hội. Nhưng xã hội không phải khoảng không trừu tượng trong tâm trí mỗi cá nhân. Chúng ta ăn, thở, ngủ, nghỉ và tương tác với những cá nhân khác. Nếu thật sự mỗi người đều tự tạo ra chân giá trị, thì bi kịch của “1984” và “Cân bằng mong manh” sẽ tái diễn. Một số giá trị cá nhân sẽ chiếm ưu thế vì tính phổ biến của nó, trở thành giá trị cộng đồng. Như chế độ đẳng cấp chẳng hạn. Một số cá nhân và tập thể quyền lực sẽ áp đặt giá trị của mình lên những Übermensch khác, như những chính sách của chính phủ Ấn Độ trong tình trạng khẩn cấp.

Vậy thì đâu là chân giá trị? Chúng ta quay trở lại với khái niệm Dharma. 
Bốn nhân vật chính của chúng ta đều là những Übermensch với những hệ giá trị riêng biệt, từ những tầng lớp khác biệt. Nhưng họ được thoả lòng sau khi chấp nhận chung sống hoà hợp dưới mái nhà của Dina. Tại đó họ tìm được niềm hạnh phúc và tình cảm gia đình mà mỗi người đều chưa từng nếm trải.
Đó chính là Dharma hiển lộ. Bốn nhân vật chính đã khám phá ra Dharma. Đó chẳng phải luật trời mà khi tuân theo, sẽ đem lại trật tự, bình an và thịnh vượng sao?
Quy luật đầu tiên mà chúng ta có thể rút ra từ tác phẩm “Cân bằng mong manh” là học cách chung sống hoà hợp. Giữa những người khác nhau về mọi lẽ trong một cộng đồng.

Dharma luôn tồn tại. Trong đó mỗi người lại có phúc phần và bổn phận của riêng mình. Người quét rác học chưa hết tiểu học không làm nên một Lý Quang Diệu. Bác Hồ không thể an phận làm một tay quan lại triều Nguyễn, hay một thư ký cho Tây.
Những Übermensch trong truyện gây ra và chịu nhiều bi kịch vì đã không sống đúng với Dharma của bản thân.

Kết truyện, tổng thống Indira Gandhi sẽ bị ám sát, sau cố gắng trở thành độc tài. 
Tình hình dân chủ Ấn Độ sẽ được cải thiện và Tình trạng Khẩn cấp sẽ chấm dứt.
Thể chế đẳng cấp sẽ sớm nhường chỗ cho những giá trị cá nhân cởi mở.
Những giá trị ảo tưởng và nhân tạo sẽ bị gạt ra bên lề lịch sử, nhường chỗ cho Dharma - Chân Lý.

Vậy thì khái niệm Übermensch có sai không, trong tương quan với Dharma - Chân Lý?
Nó không sai mà chỉ thiếu sót. Übermensch thực sự là người dũng cảm khám phá ra Dharma của bản thân và sống đúng theo bổn phận của mình. Qua sự khiêm tốn học hỏi mà mỗi người chứng được Dharma của bản thân. Từ đó mà xã hội được trật tự và thịnh vượng.

#Anthony

Nhận xét

Bài đăng phổ biến