[RANDOM THOUGHTS - MONOGATARI SERIES] NISEMONOGATARI – GIÁ TRỊ CỦA “GIẢ MẠO”

Monogatari series – một series anime chuyển thể từ Light Novel của tác giả Nisio Isin có lẽ là một series đầy thành công với rất nhiều phần phim được ra mắt. Mình bản thân là một người rất thích series anime này, cùng với việc đang trong khoảng thời gian nghỉ dịch này nên mình quyết định viết 1 bài về phần phim thứ 2 của series – Nisemonogatari. Không lan man nữa, vào đề nào!

Phần Nise này là phần phim có cặp nhân vật chính dính dáng tới quái dị và các hiện tượng tâm linh đó chính là 2 cô em gái nhà Araragi. Vậy thì với những ai đã xem hết phần Nisemonogatari thì những ấn tượng của bạn về phần phim này là gì? Về chính mình để mà nói thì có lẽ là bài nhạc mở đầu của arc Tsukihi với cái tên “Platinum Disco”, câu nói mời gọi Koyomi đầy ẩn ý của nàng cua Senjougahara, hay là những phân cảnh chan chứa đầy tình anh em của gia đình Araragi như: “đánh răng cho em gái (phân cảnh này trong sáng, cứu)”, “lột đồ em gái (chắc chắn là để kiểm tra sẹo)“, “hôn luôn con em gái (cũng là để kiểm tra thôi)” kèm theo câu đùa của Tsukihi: “Tại sao bọn em có mối quan hệ tình yêu trong sáng với bạn trai mà phải chịu đựng mối quan hệ thể xác với anh hai”. Tuy có khá nhiều cảnh mang tính fanservice, sexual như đã nói kể trên, nhưng không thể phủ nhận nội dung của phần phim Nise khi đã xây dựng cho chúng ta thấy hình tượng và tính cách của cặp chị em Araragi với danh xưng “Hỏa công tỉ muội” và những câu chuyện về “giả mạo” của hai người. Phần viết dưới đây của mình sẽ nói về một vài cảm nhận và phân tích về phần Nise. Tuy nhiên nó chỉ mang tính chất cá nhân của mình về phần phim này, nên nó có thể còn sai sót, mong các bạn thông cảm.



Trước khi đi vào phần chính, hãy nói một chút về tựa của phần thứ hai này. Những cái tên như “Nisemonogatari” hay “Impostory” (bản Anh) chỉ đơn giản là một cách cắt ghép và kết hợp của 2 từ giả mạo và câu chuyện (nisemono monogatari và impost story), vẫn là cái cách đặt tên quen thuộc mà ta cũng đã được thấy ở phần đầu. Cũng tương tự như phần 1 và có lẽ còn rõ ràng hơn, từ cái tên có lẽ ta đã đoán được phần nào đó nội dung của bộ phim, biết được nó xoay quanh chủ đề nào – đó chính là “giả mạo”. Khi phần phim được bắt đầu, 2 người em của Koyomi với tên gọi “Hỏa công tỉ muội” được mô tả và cũng tự nhận chúng là những “đồng minh của chính nghĩa”, những con người hành động để ngăn chặn cái ác diễn ra xung quanh. Vậy thì tại sao lại là câu chuyện của những đứa em gái lại có “giả mạo”? Đó là câu hỏi mà mình đã băn khoăn vào phần đầu này của phim. Ngay sau những thắc mắc đó, phần Nise đã lộ diện một nhân vật mới trong series đó là một chuyên gia “giả”, một kẻ lừa đảo mang tên “Kaiki Deishuu”. Kaiki xuất hiện lần đầu trước cửa nhà Kanbaru, hắn đã gặp Koyomi khi cậu đi từ nhà Kanbaru về và có vài lời qua lại với cậu. Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện, tuy không có động cơ gì xấu mà chỉ đơn giản là muốn xem mặt con gái của “Gaen” nhưng Kaiki đã để lại cho cả Araragi và chúng ta một ấn tượng về một nhân vật mang hướng hắc ám mà có vẻ sẽ là kẻ phản diện. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, hắn được tiết lộ là một nhân vật đầy nguy hiểm bởi cô bạn gái Senjougahara. Cô nói rằng hắn là kẻ đầu tiên đã lừa gạt cô khi cô gặp phải quái dị cua trọng lượng, cũng là kẻ mà cô dành cho nhiều cảm xúc tiêu cực nhất trong số những kẻ đã lừa cô. Không chỉ vậy, Senjou còn bất chấp bắt giữ Koyomi, thậm chí là giao chiến với Kaiki bởi sự nguy hiểm của hắn khi nhắm tới mục đích của mình. Mục đích của Kaiki hay chính là thứ mà Kaiki tôn thờ, không gì khác ngoài “tiền” – thứ mà ngay cả chúng ta cũng hiểu được giá trị và tầm quan trọng của nó. Có lẽ đây là một sự sắp đặt của tác giả khi mà “Tiền” chính là thứ được tôn lên trong một trò đùa vô thưởng vô phạt giữa Hachikuji và Koyomi ở khúc mở đầu phim. Hắn mê mẩn những đồng tiền, và chính tiền là lý do mà hắn trở thành một kẻ lừa đảo, kẻ mà theo nội dung phần phim này đó là sẵn sàng bán các loại bùa ngải - những thứ tưởng chừng vô hại nhưng có thể rất tai hại nếu không biết sử dụng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho những cô cậu học sinh cấp 2 non nớt, yếu đuối, mặc dù rằng hắn hiểu mình sẽ không thu được một khoản lợi nhuận lớn từ phi vụ này. Có thể nói, Kaiki lừa đảo và kiếm những món tiền với lợi nhuận không nhiều nhưng thu hồi vốn nhanh và nhắm vào những đối tượng dễ bị lừa nhất. Bởi vậy mà mình cảm nhận được hình tượng một Kaiki trong Nise (không kể tới thay đổi và phát triển ở các phần sau) là một kẻ thực sự vì đồng tiền mà sống. Tuy không thể kiếm được nhiều tiền từ vụ lừa đảo nhưng hắn sẽ chắc chắn kiếm được tiền, Kaiki không muốn mạo hiểm bản thân vào trong những thứ mà hắn sẽ không chắc kiếm lợi nhuận gì và sẵn sàng rút lui nếu gặp khó khăn trở ngại nào có thể làm hỏng công việc mình. Ý cuối cùng kia mình nói vậy là bởi Kaiki đã rút lui sau cuộc thỏa thuận với Koyomi và Senjougahara, dù rằng hắn nói mình sẽ bị tổn thất một lượng lợi nhuận không nhỏ nhưng hắn cũng không muốn dây vào rắc rối phát sinh từ 2 người, cũng như là hứng chịu áp lực từ cô nàng Senjougahara. Kaiki là một chuyên gia giả mạo, một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp sẵn sàng vì đồng tiền của bản thân là những gì mình thấy ở phần arc Karen. Sang tới phần của Tsukihi thì Kagenui đã tiết lộ cho Koyomi rằng cô, Oshino Meme và Kaiki là những người bạn ở trong cùng clb nghiên cứu về các hiện tượng siêu nhiên. Vậy Kaiki không chỉ là một chuyên gia giả mạo đơn thuần, hắn có vẻ là một chuyên gia có năng lực nhưng vẫn làm một kẻ giả mạo, lừa đảo – một kẻ lừa đảo với tay nghề không kém gì chuyên gia thực thụ. Vậy thì tại sao Kaiki có vẻ như có thực lực như vậy lại chọn cách trở thành một kẻ lừa đảo để kiếm tiền mà không phải sử dụng chính khả năng của mình để kiếm ra nó? Vào tập cuối cùng của Nisemonogatari, Kagenui đã hỏi một câu hỏi đó là:”Giữa một thứ đồ thật và một thứ đồ giả giống hệt nó, cái nào giá trị hơn?” và đáp án của hội 3 âm dương sư Kagenui, Meme, Kaiki là 3 câu trả lời khác biệt nhau. Điều đó thể hiện cho quan điểm của mỗi người, với Kagenui là đồ thật, Meme là đồng giá và vói Kaiki thì đáp án cho câu hỏi đó chính là món đồ giả. Không nói tới hai người còn lại, chỉ xét đến Kaiki ở đây thì không phải Kaiki chỉ trả lời câu hỏi đó mà còn kèm câu giải thích đó là bởi chỉ riêng mong muốn, ý chỉ trở thành thật của món đồ giả cũng làm nó trở nên giá trị hơn, thật hơn cả món đồ thật. Nhiều người khi xem đã nói về vấn đề này cũng giống như việc so sánh một thiên tài không cần cố gắng và một kẻ phải cố gắng để có được năng lực như thiên tài đó, nếu theo góc nhìn của Kaiki để chiếu sang vấn đề kia thì quan điểm của Kaiki sẽ giống với rất nhiều người khi cho rằng người cố gắng sẽ có giá trị hơn. Ngoài ra, trong cuộc hội thoại đó, Kagenui còn nói về những học thuyết, quan điểm về mặt triết học trong vấn đề ác và thiện - 2 thứ mang tính đối lập điều hòa lẫn nhau của những nhà triết học Trung Quốc xưa như Tuân Tử, Mạnh Tử, nói về những thứ như con người sinh ra là ác và thiện chỉ là ngụy thiện. Phần nói về cái thiện và cái ác trong con người đó lại chính là thứ mà Kaiki đã luôn đem ra nói vào những năm xưa với hội Kagenui. Những điều đó như để nói rằng Kaiki không cho rằng giả mạo là cái sai là cái xấu, mà nó là cái mà mọi con người đều có, ai cũng có mặt giả mạo, phần giả mạo của bản thân mình, những cái gì là thiện thực chất chỉ xuất phát từ sự giả mạo còn ác mới là bản chất con người. Từ những học thuyết được Kagenui nêu ra, thì có thể thấy đó chính là những quan niệm của Kaiki và là lý do Kaiki chọn làm chuyên gia lừa đảo. Và thêm vào đó là câu trả lời cho câu hỏi của Kagenui, như câu trả lời của Kaiki về giá trị món đồ giả thì nếu Kaiki trở thành một chuyên gia “giả” với năng lực còn hơn cả thật thì chẳng phải lúc này Kaiki cũng như món đồ giả mà Kaiki cho rằng là giá trị hơn thật sao. Đó có lẽ là lý do mà Kaiki sử dụng thực lực của bản thân để trở thành một thứ “đồ giả”.


Phần phim Nise không thể là một câu chuyện về giả mạo nếu chỉ có Kaiki và những quan niệm của chính bản thân hắn. Từ vụ lừa đảo Kaiki, trong hành trình giải quyết nó, Koyomi đã bộc lộ những quan điểm, những góc nhìn của mình về Hỏa công tỉ muội và cho rằng chúng cũng là giả mạo, chúng không phải công lý thật sự mà chỉ là những đứa nhóc với trò chơi của mình, là một công lý giả mạo, đặc biệt là với cô em gái Karen đầy nhiệt huyết. Đó cũng là những phần xây dựng nên bức tranh về giả mạo trong phần thứ 2 của series. Nói về Hỏa công tỉ muội, hay cụ thể hơn là vào cô chị - Karen, do gia đình nhà Araragi là một gia đình có thể nói mang một dòng máu chính nghĩa nên cô bé cũng sôi sục một ý thức về lẽ phải, về công lý. Đó cũng là lý do mà Hỏa công tỉ muội được tạo dựng nên, để Karen và Tsukihi giải quyết những vẫn đề xung quanh, để thực thi công lý. Nhưng với lòng nhiệt huyết đó của 2 cô em gái, vậy mà Koyomi vẫn gọi đó là một công lý “giả mạo”, là trò chơi trẻ con. Koyomi ở trong phần này đã được nói rằng từng là một người giống 2 đứa em, có lẽ chính vì vậy mà cậu hiểu được những gì mà chúng đang làm không phải là thật. Koyomi chỉ cho rằng Hỏa công tỉ muội đúng nhưng không có nghĩa chúng sẽ là công lý, là hàng thật. Cậu chỉ ra rằng Hỏa công tỉ muội không có một ý chí chính nghĩa thực thụ, không một việc gì hai đứa làm được đặt toàn bộ ý chí một cách nghiêm túc vào đó, có thể hai cô em gái luôn đúng nhưng hai đứa không có một ý chỉ mạnh mẽ để trở thành chính nghĩa. Hỏa công tỉ muội chỉ đơn thuần là tốt bụng, giúp đỡ những người xung quanh, lấy người khác làm lí do cho chính nghĩa của bản thân, nhưng như vậy thì hai người em gái sẽ chẳng thể chịu trách nhiệm cho bất cứ hành động nào của bản thân dưới danh nghĩa Hỏa công tỉ muội, và chẳng công lý thật nào lại lấy người khác làm lý do cả. Koyomi đã chỉ ra sự khác biệt giữa giúp đỡ, tốt bụng so với công lý, bởi như đã nói ở trên là Koyomi từng như 2 đứa em nên cậu hiểu rõ rằng những việc mình làm, cả những việc Hỏa công tỉ muội làm đơn thuần chỉ là sự giúp đỡ. Nói rộng ra hơn thì hãy nhìn vào gia đình Araragi, với bố mẹ là những sĩ quan cảnh sát thực thụ, hai người họ là hình mẫu công lý trong người anh em nhà Araragi. Nhưng chính vì thế nếu so sánh những việc Hỏa công tỉ muội là hay chính những việc Koyomi làm với công việc của bố mẹ mình thì có thể chẳng khác nào trò chơi tập làm cảnh sát hồi bé chúng ta chơi cả. Bố mẹ của Koyomi - những sĩ quan cảnh sát mới chính là công lý thật sự bởi họ có luật pháp, những gì họ làm dựa trên một cơ sở hệ thống luật pháp được tạo nên để đảm bảo quyền lợi cho người dân, những hành động của họ không hề có lý do xuất phát từ bất cứ người nào khác, không phải ai kêu gọi sự giúp đỡ sẽ được hồi đáp bởi họ duy trì trật tự và công lý bằng ý chí của mình, theo chuẩn mực xã hội dựa trên nền tảng pháp lý được xây dựng nên nhằm duy trì trật tự và quyền lợi của mọi người. Một công lý đầy thô cứng như vậy mới là hàng thật, những gì Hỏa công tỉ muội làm là một công lý giả, một công lý vì người khác, bởi vậy mà ý chí của Karen sụp đổ và bị Kaiki thôi miên một cách đơn giản, nói về 2 thứ công lý này cũng như so sánh 2 chữ “tình” với chữ “lý” vậy. Tuy nhiên không chỉ quan điểm về món đồ giả của Kaiki mà cả công lý giả mạo của 2 chị em không phải là cái gì đó xấu, Koyomi cũng không cho rằng những gì mà 2 đứa em làm là sai. Bởi lẽ đôi khi những sự giúp đỡ sẽ đem lại những nụ cười cho người nhận được nó, thứ mà ta có thể thấy qua chính những cô gái được ngài Koyomi giúp đỡ, điển hình nhất có lẽ Hanekawa, còn công lý thực sự dựa trên một khuôn khổ nhất định đôi khi lại chỉ đem đến những sự chua xót (cảm giác được bạn cho quay bài và bị tố cáo bắt phao làm ví đây mọi người :<). Lại một góc nhìn, quan điểm nữa của phần Nise khi không cho rằng giả mạo không phải lúc nào cũng xấu, hay là thứ gì đó hoàn toàn xấu.


Không chỉ là những quan niệm về giả mạo một cách trừu tượng, Nisemonogatari còn một khía cạnh nữa dễ hình dung hơn về giả mạo đó là sự tồn tại giả hay danh tính giả. Điều này không để nói về ai khác ngoài cô em Tsukihi - một loài quái dị bất tử đã đầu thai trong arc Tsukihi phượng hoàng. Tsukihi là quái dị của loài chim cuckoo hay đỗ quyên bất tử (shide no tori) chứ thực ra không phải của loài phượng hoàng lửa bất tử, là loài dù có bất cứ vết thương nào, bệnh tật nào cũng có thể phục hồi và chỉ chết đi khi sống hết thọ mệnh của bản thân và rồi lại tái sinh một lần nữa. Loài quái dị này về căn bản là vô hại, chúng chỉ đơn thuần là sống hết vòng đời của mình, tuy nhiên vấn đề nằm ở cách tái sinh của nó. Liên hệ một chút với thực tế, loài chim này vào mùa sinh sản sẽ đến tổ của một loài chim khác có loại trứng có nét tương đồng, điều chỉnh hoa văn trứng của chúng và đẩy 1 quả trứng trong đó ra rồi thay thế bằng trứng của mình, hay tóm gọn lại chúng là loài chim kí sinh ở tổ của loài khác, được nhiều người gọi là cái ác ngay từ trong trứng. Quay lại với phim, nếu ngọn lửa giúp tái sinh phượng hoàng thì tử cung người mẹ là nơi giúp chúng tái sinh. Cũng như trong thực tế, nó sẽ tước đi bào thai, đứa con thực sự của người mẹ và thay thế vào vị trí đó. Chính vì vậy, Tsukihi là một đứa con giả, là người đã cướp đi đứa con thật, người em gái thật của Koyomi. Tuy nói là một loài vô hại nhưng loài quái dị này đã là cái ác từ khi sinh ra, việc ác độc nhất nó làm đó là tước đi cái danh người con và chính người con thật của gia đinh Araragi, là biểu hiện của con người sinh ra đã ác, được nhắc tới như triết lý của Tuân Tử ở trong cuộc đối thoại về triết học Trung Hoa ở cuối phim mà mình đã kể ở phần trên. Với một người em gái giả như vậy, liệu Koyomi và gia đình của cậu có thể chấp nhận được đứa con giả này? Có lẽ việc tiếc thương cho đứa con, đứa em gái thật chưa từng được sinh ra mà chối bỏ Tsukihi thì có lẽ là không thể, nhưng việc dành tình yêu thương cho cô em gái này liệu có còn được như trước khi biết đó chỉ là một cô em gái giả danh. Một lần nữa, ta lại thấy được góc nhìn rằng giả mạo có lẽ không phải lúc nào cũng xấu, Koyomi sau khi suy nghĩ đã không do dự mà nói rằng sẽ không thay đổi tình cảm với cô em gái giả này, sẵn sàng trở thành kẻ giả dối với gia đình để che dấu đi danh tính thực sự của cô em gái giả này. Cậu đã chọn cách đó là nói dối, lừa phỉnh gia đình của chính mình để họ chắc chắn vẫn mãi yêu thương cô em gái Tsukihi như bây giờ, cậu sẵn sàng giả dối để bảo vệ một thứ giả dối khác. Nhưng có lẽ kể cả biết được thì mình nghĩ gia đình Araragi sẽ chấp nhận Tsukihi mà thôi. Bởi lẽ kể từ khoảnh khắc Tsukihi sinh ra, cô bé đã luôn là em gái Koyomi, là con gái gi đình Araragi, chưa một khoảnh khắc nào mà cô bé không phải như vậy, sau từng ấy năm thì có lẽ dù là giả thì cô đã là phần không thể thay thế trong gia đình Araragi rồi. Bản thân Tsukihi không hề tin vào cái điều mơ hồ gọi là chính nghĩa, bởi lẽ dòng máu chính nghĩa nhà Araragi không chảy trong cô, nhưng chính nghĩa và niềm tin của cô lại là chính nghĩa và niềm tin của Koyomi và Karen, điều đó cho thấy dù cô là đứa con giả, nhưng tình yêu của cô dánh cho nhà Araragi vẫn luôn là thật.


Một điều nữa để nói về cái “giả” trong Nisemonogatari, đó là về mặt sexual. Trong nise thì lượng cảnh fanservice thì khỏi phải bàn rồi, từ hồn ma loli tới em gái, ai cũng qua tay quý ngài phong độ lịch lãm Koyomi. Nhưng về mặt tình cảm thì có lẽ mọi người đều rõ hiện tại Koyomi yêu Senjougahara chứ không phải một ai khác, Hanekawa cũng chỉ là một người cậu đã từng có cảm tình trong quá khứ. Trong tất cả các phân cảnh mà Koyomi có những lời, hành động mang tính chất quấy rối (sexual harassment), thì với Senjougahara những điều đó xảy ra ít nhất. Bởi tình cảm cậu dành cho cô là thật, những biểu hiện, hành động của cậu với mọi người khác mà cậu không có cảm tình chỉ là cái “giả” bên ngoài của mỗi con người trong cái triết lý mà mình đã nói ở trên, là những cảnh mang hướng sexual càng mạnh thì nó càng là giả. Nếu nghĩ lại thì trong phần phim này những ai cậu càng ít có cảm tình về mặt nam – nữ thì những cảnh này càng bạo (Mayoi, Karen). Còn thứ tình cảm “thật”, cảnh sexual “thật” là thứ sẽ ít được bộc lộ ra ngoài hơn, trong tập 7 chúng ta đã biết Koyomi và Senjougahara đã có một cuộc trao đổi mang đầy ẩn ý về việc “đó”, chính việc “đó” là một trong những hành động ở mức cao nhất của cái gọi là sexual và cũng không hề được chiếu ra hay không được hé lộ gì sau cuộc hội thoại giữa 2 người nữa. Hay kết lại thì mình muốn nói rằng những cảnh mang hướng fanservice càng nặng thì lại càng là fake fanservice, còn cái cảnh real fanservice lại chỉ đơn thuần được bộc lộ qua một cuộc hội thoại mà không có bất cứ hình ảnh nào cả.


=>Để chốt lại những gì mình lan man nãy giờ thì Nisemonogatari là một phần phim trong series nói về “giả mạo”, nói về sự giả mạo ở trong mỗi con người và ở xung quanh mỗi con người, thể hiện quan điểm của triết gia Nietzsche người Phổ về sự khác biết của “tốt và xấu”, của cái “thiện và ác”. Một phần phim muốn cho ta thấy rằng đôi khi giả mạo lại là thứ đem tới sự tốt đẹp, sự hạnh phúc và là thứ luôn được con người bộc lộ ra trong lối sống cộng đồng, xã hội để che đi cái thật, cái ác trong tâm mỗi người. Bài viết có thể còn nhiều sai sót, cảm ơn mọi người đã đọc đến tận cuối cùng này.

#rika

Nhận xét

Bài đăng phổ biến