[Miniseries Review - The Pacific : Mặt trận Thái Bình Dương]


Trước khi vào bài, mình xin có đôi lời giới thiệu về The Pacific. Đây là miniseries do HBO sản xuất, kể về câu chuyện của những người lính Mỹ tham chiến tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến Thứ Hai. Kẻ thù của họ là quân đội phát xít Nhật đã thôn tính gần như trọn vẹn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Mặt trận Thái Bình Dương đã là một chiến trường tột cùng khắc nghiệt. Tại đây, quân đội Mỹ phải gồng mình đối phó với mối đe doạ từ hải-lục-không quân Nhật, những cánh quân thiện chiến và dày dạn trận mạc sau những cuộc viễn chinh khắp Châu Á.
Để tiếp cận lãnh thổ Nhật Bản, các tướng lĩnh quân đội Mỹ chọn chiến thuật “nhảy cóc”, tức liên tiếp chiếm các đảo trên Thái Bình Dương, mỗi lúc một gần Nhật hơn. Cứ mỗi đảo chiếm được sẽ trở thành trạm tiếp tế và chuyển quân cho phía Mỹ. 
Quân đội Nhật Hoàng hiểu rõ sự nguy hiểm của chiến lược đó. Họ quyết tâm hy sinh toàn bộ quân lực để bảo vệ các đảo này, hòng ngăn đường tiến quân của Mỹ đến lãnh thổ Nhật Bản.
Quyết tâm sắt máu của người Nhật đã biến mặt trận Thái Bình Dương thành mặt trận khốc liệt nhất đối với người Mỹ trong Thế Chiến Thứ Hai. Quân đội Mỹ bắt buộc phải đổ quân lên các đảo và đánh vào các hệ thống boong ke, hầm ngầm, địa đạo dày đặc. Chúng được chốt giữ bởi những người lính thiện chiến, những người đã quyết liều chết để ngăn bước quân thù.
Kẻ thù của họ, binh lính Mỹ, trái lại, chỉ là những công dân được gọi nhập ngũ. Có cả những sinh viên mới ra trường. Đây là trải nghiệm về chiến tranh đầu tiên của rất nhiều người Mỹ. 
Tại những hòn đảo hoang vu cách xa quê hương hàng ngàn hải lý, đối mặt với thảm kịch tàn khốc nhất của nhân loại, phải chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo và thiện chiến.
Họ sẽ thành con người như thế nào?
Họ có trở về được không?

The Pacific 
Sản xuất: HBO, Playton, Dreamworks
Nhà sản xuất: Steven Spielberg, Tom Hanks, Gary Goetzman
Công chiếu: 2010
Soạn nhạc: Hans Zimmer, Geoff Zanelli, Blake Neely.
Thời lượng: 10 tập (mỗi tập 1 tiếng)
Đại diễn: Tim Van Patten, David Nutter, Jeremy Podeswa, Graham Yost, Carl Frankin, Tony To.

Mỗi tập phim khởi đầu bằng một tiếng kèn bi thống.
Cái trống rỗng của vinh quang. Nỗi buồn của người lính mất đồng đội.
Tiếng đàn violin ngân dài là nỗi đau của người Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương.
Nét than ghi lại một ký ức mãi hằn sâu vào tâm trí và máu thịt.
Tiếng trống dội lại như tiếng bom rơi đằng xa.
Đã trải hàng chục năm nhưng như đang vang dội.
Chiến tranh đâu phải câu chuyện của chỉ một người,
Cả một thế hệ chìm trong lửa đạn,
Chiến tranh bóp nát nhân tính, 

Nhân tính chinh phục chiến trường.
Từ trong lửa đạn mà có anh hùng,
Mà có anh em.
Mà giành được hoà bình.

Bản Intro của The Pacific là bản hùng ca của Hans Zimmer dành cho Thế Hệ Vĩ Đại Nhất của người Mỹ, những người đàn ông và phụ nữ đã tham gia Thế Chiến, Chiến Tranh Lạnh mà vẫn xây dựng nước Mỹ thành một cường quốc. Bản nhạc đến hôm nay vẫn làm nao lòng con cháu của những người lính đã tham chiến trong Thế Chiến Thứ Hai.
Cái tài của ông là viết nên một bản nhạc truyền tải được hết trải nghiệm chiến tranh của người Mỹ. Đó là trải nghiệm chiến trường của người lính. Chiến tranh đối với họ là một thảm kịch ghê gớm đến nỗi nhiều người không bao giờ hé răng kể lại cho con cháu về những gì mình đã trải qua. Một nỗi đau đến tê dại mà dư âm của nó vẫn còn in hằn trong tâm trí của những người đã trải qua. Tại những vùng xa xôi hẻo lánh, họ đã phải ngày ngày sống dưới mưa bom bão đạn, không biết đến bao giờ thì mình bị gọi đến. Tại đó họ cố gắng sinh tồn chỉ để tiếp tục giết chóc. Cái chết treo trên đầu, còn nhân tính thì ngày ngày bị mài mòn mất.

Trong sự bất nhân tột cùng của chiến tranh, những người lính Mỹ tìm được chiếc mỏ neo chắc chắn của tình người, đó là tình đồng đội. Vinh quang của họ không còn là tiêu diệt kẻ thù, mà là tình chiến hữu keo sơn. Người lính khi đó cố gắng sống sót và bảo vệ đồng đội giữa bom đạn. Nhờ đó mà họ dám lao vào chiến cuộc ngặt nghèo để giành lấy chiến thắng. Chính điều đó đã làm nên anh hùng tính của người Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Bản Intro thật sự là một kỳ công. Mình chưa từng skip một phần intro nào suốt 10  tập của bộ phim. Nó thật sự đã góp phần làm sống dậy ký ức về một thời khắc thật dữ dội của nhân loại.

Được bảo trợ bởi đạo diễn lừng danh Steven Spielberg với hai tác phẩm kinh điển “Band of Brothers” và “Saving Private Ryan”, The Pacific có phần hình âm vô cùng mãn nhãn. Chiến trường mà những người lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã đi qua được tái hiện một cách hết sức công phu. Từ vùng núi lửa Iwo Jima đến những bãi lầy của Okinawa. Kèm theo đó là mặt âm thanh với tiếng bom rơi đạn nổ chân thực góp phần tái hiện cái khốc liệt và điên dại của mặt trận Thái Bình Dương. Kinh phí của bộ phim vốn được ấn định ở mức 100 triệu USD, đã dội lên đến 270 triệu USD bởi sự cầu toàn của đoàn làm phim, trở thành loạt phim có kinh phí cao nhất từng được sản xuất.

Câu chuyện mà nhà làm phim kể đầy hào hùng và bi tráng. Trải dài suốt toàn bộ cuộc chiến trên mặt trận Thái Bình Dương giữa hai quân đội mạnh nhất thời bấy giờ, The Pacific thuật lại cuộc chiến qua góc nhìn của ba nhân vật có thật. Họ là những lính thuỷ đánh bộ thuộc 1st Marine Division, gồm Jonh Basilone, Robert Leckie và Eugene Sledge. Mỗi người tham chiến vào các thời điểm khác nhau trong cuộc chiến, trong những chiến dịch mang tính quyết định. Vì sự khác biệt về tuổi tác và tâm lý nên trải nghiệm chiến trường của họ cũng khác nhau. Nhưng đều tập trung vào cái tàn nhẫn bất nhân của chiến tranh và tình đồng đội. 

John Basilone là anh hùng của quân đội Mỹ. Anh được trao tặng Huân chương Danh dự cao quý vì đã cố thủ và tiêu diệt vô số kẻ thù trong trận chiếm đảo Guadalcanal. Anh là hình tượng người lính mẫu mực của thuỷ quân lục chiến Mỹ, khi từ chối giải ngũ và tiếp tục tham chiến vào giai đoạn sau của cuộc chiến. Người anh hùng ấy hiểu rõ và kính trọng kẻ thù của mình. Vì lẽ đó anh không yên tâm trở về quê hương khi biết nhiều người lính trẻ sẽ lao vào lửa đạn mà không có sự dẫn dắt của một chỉ huy giàu kinh nghiệm.

Robert Leckie là một nhà văn giàu trải nghiệm và vốn sống. Anh tham gia vào hầu hết các trận chiến khốc liệt nhất trên mặt trận Thái Bình Dương. Anh trải qua và hiểu rõ những bi kịch mà người lính phải đối mặt trên chiến trường. Tất cả những điều đó anh ghi lại trong tập hồi ký “Gối đầu trên mũ sắt” mà đoàn làm phim dùng làm tư liệu.

Eugene Sledge là nhân vật trẻ nhất và cũng là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến. Trong khi Basilone và Leckie đã dày dạn và có lúc tỏ ra dửng dưng, Eugne Sledge liên tục bị rối loạn và bị dày vò bởi chấn thương tâm lý trên chiến trường. Anh cũng tham gia mặt trận Thái Bình Dương vào giai đoạn cuối, khi lính Nhật cuồng bạo và liều mạng hơn cả. Sự hy sinh mù quáng của họ sẽ liên tục làm dằn vặt người lính trẻ, nhất là khi anh phải chứng kiến cả sự suy đồi của các chiến hữu.

10 tập phim là câu chuyện của 3 lính thuỷ đánh bộ trong những chiến dịch quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương. Một số bạn đọc đã xem qua trận đổ bộ lên bãi biển Omaha trong phim Saving Private Ryan sẽ thấy chiến dịch nào trong The Pacific cũng sẽ thảm khốc như vậy. Điều đó được nhân lên bởi tính chất bạo lực của cuộc đối đầu với quân phát xít Nhật, khi họ sẵn sàng hy sinh tới người lính cuối cùng để chống lại lính thuỷ đánh bộ Mỹ.
Chính sự điên cuồng của chiến thuật Banzai đã làm tổn thương Jonh Basilone, khi anh nhìn lại hàng lớp xác người xung quanh hàng phòng thủ của mình. “Chiến công” đã đem lại Huân chương Danh dự cho anh trở thành một hành động thảm sát man rợ. Người anh hùng hoàn toàn hiểu sự vô nghĩa đó. Người xem cũng thấy được điều đó khi camera lia gần đôi mắt vô hồn của anh sau trận chiến.

Kẻ thù ở phía bên kia chiến tuyến thực chất cũng chỉ là những người lính, cũng đầy nhân tính và đáng kính trọng. Chiến tranh đã đem những con người xa lạ qua hàng ngàn dặm đến chỗ tàn sát lẫn nhau, trên những vùng đảo xa xôi hẻo lánh. Cả ba nhân vật chính của phim đều có tiếp xúc và cảm thông với người lính và người dân Nhật. Càng về sau, họ bóp cò như một nghĩa vụ của người lính, thay vì lao vào chiến trường tàn sát một cách mù quáng.

Giữa chiến trường, điều giữ người lính không đánh mất chính mình là những người đồng đội của họ. The Pacific khắc hoạ sự suy đồi ghê gớm của người lính trên chiến trường. Trong chiến tranh, người lính dù sao vẫn là người và cũng biết cảm thông cho kẻ địch. Vì lẽ đó mà để bóp cò họ buộc phải hạ thấp kẻ thù, phải xem họ không như con người thì mới mặc sức chém giết được. Đó là một trong những cách mà chiến tranh bóp nát nhân tính của người lính.
  Những đồng đội của Eugene Sledge và cả chính anh đã ra tay hạ sát những người lính phe địch đã mất hết khả năng chống cự. Riêng anh lao vào trận chiến với sự căm thù cao độ, với quyết tâm tiêu diệt đến tên lính Nhật cuối cùng. Những chiến hữu của anh hạ nhục và hành hạ những tù nhân phe địch. Có kẻ man rợ đến mức nguyền rủa cho nạn nhân chết một cách đau đớn nhất.
Nhưng sau cùng, nhờ sự căn ngăn của đồng đội, chính Eugene là người đứng ra che chở những người lính Nhật ra hàng và những thường dân bị cuốn vào cuộc chiến.

Chính tình đồng đội cũng là nguồn động viên của người lính trên chiến trường. Từ đó mà sinh ra anh hùng tính của người lính Mỹ. Cả ba nhân vật chính của bộ phim đều bất chấp lửa đạn để cứu nguy cho đồng đội. Robert Leckie dù mới thoát khỏi tử địa cũng sẵn sàng quay lại để giải thoát cho chiến hữu khỏi nguy khốn, mặc cho xung quanh binh lính đang hối hả tìm chỗ nấp. The Pacific khắc hoạ chân thực anh hùng tính của người lính thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ khi họ xả thân bảo vệ đồng đội của mình. Sự hy sinh đó cao cả hơn việc tiêu diệt kẻ thù, và vinh quang hơn bất kỳ thứ mề đay nào.

Một điểm sáng khác của phim là cách đạo diễn tập trung khắc hoạ tác động của chiến tranh lên tâm lý người lính, thông qua nhân vật Eugene Sledge. Là một người lính trẻ và có phần sút kém về thể lực, anh liên tục bị kích động bởi những diễn biến trên chiến trường. Nhất là khi chứng kiến những hành động bất nhân của đồng đội, sau khi kết thúc trận chiến. Anh trút nỗi căm tức của mình lên kẻ thù bằng hành động bắn giết một cách máu lạnh. Dần dà, đến chính những người đồng đội được coi là “thành phần bất hảo” cũng thấy lo sợ và can ngăn Eugene.  
Vết thương do chiến tranh để lại vẫn ám ảnh tâm trí Eugene cả đến khi chiến tranh kết thúc, khi anh liên tục thức dậy trong đêm và gào thét như thể đang bị lính Nhật tập kích. Nó làm anh tê liệt đến một thời gian thì mới có thể bình phục và hoà nhập lại với cộng đồng.

Lời kết
Cuộc chiến trên mặt trận Thái Bình Dương là cuộc chiến mà người Mỹ có quyền dõng dạc tuyên bố là một cuộc chiến chính nghĩa. Không ai có thể chối bỏ điều đó.
Chiến thắng của quân đội Mỹ đã đem lại hoà bình và độc lập cho rất nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, khi chúng ta lợi dụng thời cơ Phát xít Nhật thua cuộc để tổ chức Cách mạng tháng Tám.
Nhưng người Mỹ, hay chính xác hơn, những cựu binh Mỹ, đã không lấy điều đó làm tự hào. Họ hiểu rằng chiến tranh về bản chất là phi nghĩa, vì binh lính đối phương cũng là con người, cũng có phẩm giá và đáng kính trọng.
Khi loạt phim The Pacific kết thúc, người xem được thấy những ký ức của cựu binh Mỹ về thế chiến chủ yếu là về những người đồng đội và sự gian khổ của chiến tranh. Họ không lấy việc chém giết làm vinh dự và tự hào. Vì lẽ đó mà thế hệ người Mỹ tham gia Đệ Nhị Thế Chiến thực sự là niềm vinh dự của người Mỹ, xứng đáng để được cả chúng ta ngưỡng mộ.

#Anthony

Nhận xét

Bài đăng phổ biến