[Cảm Nhận Suy Nghĩ và Phân Tích] Yotsuba&! Tuyệt Phẩm Không Bao Giờ Có Anime!



Liệu Đây Chỉ Đơn Giản Là Manga Đời Thường Dành Cho Gia Đình và Trẻ Em?
(CÓ SPOIL!!!!)

Đối với mình, nếu bất kì ai hỏi đâu là bộ Manga/Anime mà mình yêu thích nhất, thấy hay nhất hay có giá trị nhất, câu trả lời sẽ luôn là Yotsuba& của Azuma Kiyohiko. Hơn tất thẩy những bộ manga huyền thoại, top đầu, Yotsuba& luôn dành vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của mình. Tác phẩm này, page đã có một bài Review ngắn của cựu Admin Yui rồi. Tuy nhiên, bài review đó không đủ để đi sâu vào tác phẩm, cũng như bộc lộ được cái hay, cái đẹp và thông điệp mà tác giả gửi gắm. Vậy nên, hôm nay mình muốn viết vài dòng về cái thông điệp đẹp đẽ và thuần khiết của tuyệt tác này.

Yotsuba (cỏ bốn lá) cũng là tên của bé nhân vật chính. Bộ truyện xoay quanh cuộc sống của em sau khi cùng cha mình (Yosuke Koiwai) chuyển đến nhà mới. Từng ngày từng ngày của em đều được kể lại, nối tiếp nhau, không ngắt quãng, và mỗi ngày ấy, em đều học được cái mới, cái hay, trở nên trưởng thành hơn, dễ thương hơn từng chút, từng chút. Ban đầu, chúng ta được gặp Yotsuba với những hành động ngây ngô, kì cục, không hề phù hợp với một bé gái. Có chăng là do xung quanh cô bé trước đó chỉ có ba, chú Jumbo và ông bà. Em ít được tiếp xúc, chơi đùa với những bé gái cùng tuổi khác nên như vậy. Cũng ngay chap mở đầu đó, ba của Yotsuba đã nhắc nhở em hãy học tập các chị nhà hàng xóm, vì họ rất ngoan và lễ phép. Chính câu nói này đã thay đổi Yotsuba, giúp em trở nên nữ tính và dễ thương hơn những chap gần đây, dù vẫn còn chút lì lợm và nghịch ngợm. Có thể thấy, chỉ một câu nói của bậc phụ huynh cũng có sức ảnh hưởng to lớn đối với trẻ nhỏ. Vì câu nói của Koiwai, Yotsuba bắt đầu làm thân và học hỏi các cô chị hàng xóm, em nhanh chóng được mọi người yêu quý và chăm sóc. Người có sức ảnh hưởng nhất với Yotsuba có thể là Ena, khi cô bé cũng gần bằng tuổi Yot, biết suy nghĩ và có phần nữ tính nhất trong ba chị em. Sau những ngày chơi cùng Ena, Yotsuba bắt đầu thích những thứ dễ thương, nữ tính, hoặc em vốn thích nhưng chưa có bạn để chia sẻ. Yot bắt đầu tập làm đồ thủ công, xếp giấy, thắc nơ, làm công chúa, làm điệu... những hình ảnh gần như khác hẳn với hình tượng ban đầu. Dẫu vậy, Yot vẫn chỉ là một cô bé 6 tuổi tràn đầy năng lượng và nghịch ngợm. Ở em ta thấy lại được niềm đam mê khám phá, học hỏi cái mới, quý trọng những thứ nhỏ bé, những điều mình đang có.

Mà, đó chưa phải tất cả những gì mình muốn nói ở bài viết này. Như mình đã đề cập ở trên việc một câu nói của bậc phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn đến hành động và tư duy của trẻ nhỏ. “Trẻ em là trang giấy trắng” điều này hẳn không ai lạ lẫm nữa. Mọi điều ta nói dù vô tình hay cố ý cũng sẽ làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hạnh động của đứa trẻ. Chính vì vậy, khi đứng trước mặt trẻ em, hãy lựa chọn lời nói thật cẩn trọng, vì nó có thể ảnh hưởng đến tương lai của đứa nhỏ. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là những nhân vật trưởng thành hay có tuổi, đều cẩn trọng trong lời nói khi giao tiếp với Yotsuba. Dù đôi lúc họ nói những điều kì cục, ác ý, nhưng tuyệt nhiên không miệt thị, trách móc mà đầy quan tâm, ân cần. Thậm chí cả Yanda, người bị ép đóng vai xấu tính trong truyện, cũng rất để tâm đến câu nói của mình, chỉ là cách diễn đạt và hành vi có phần trẻ con, ích kỉ.

Những nhân vật bên lề, những nhân vật phụ của phụ thì sao? Những người lướt qua khung truyện và có thể ta chẳng nhớ đến sự hiện diện hay gương mặt của họ. Những nhân vật có tỏ ra bất cần, nói chuyện sổ sàng trước Yotsuba không? Câu trả lời hẳn ai đọc truyện cũng đã nhận ra. Từ cô thu ngân siêu thị đến ông bà cụ ở công viên. Tất cả đều đối xử với Yot một cách ân cần, yêu mến. “Thiên đường là nơi như thế nào?”, Yotsuba hỏi ông cụ mới gặp, “Thiên đường là nơi có đồ ăn ngon và rất nhiều hoa”, ông đáp. Những điều ông mô tả đó, có đúng thật là thiên đường mà mọi người hay nói đến hay không? Có diễn tả hết vẻ đẹp, hoa mĩ và hoàn hảo của nơi mà ai cũng muốn đến hay không? Có chăng mô tả đó quá đơn giản và trẻ con? Đúng vậy, mô tả của ông rất đơn giản, đơn giản nhưng gần gũi và cần thiết. Yot còn quá nhỏ để có thể hiểu được thứ khái niệm to lớn như Thiên Đàng và Địa Ngục. Mô tả gần gũi như vậy là đủ. Thiên Đường là một nơi tuyệt đẹp và hạnh phúc. Đẹp vì có hoa và hạnh phúc vì có đồ ăn ngon. Thiên Đường không ở đâu xa mà chính là mái nhà em đang ở.

Vậy khi nói chuyện với trẻ em, khi đối diện với những thắc mắc của các em, chúng ta phải làm gì để thỏa mãn trí tò mò cùng bộ não non nớt ấy? Đây hẳn là câu hỏi khiến không ít bạn hoặc bậc phụ huynh đau đầu khi đứng trước trẻ em. Tại sao bầu trời lại xanh? Tại sao biển lại mặn? Con cá có ngủ không? Em bé từ đâu đến? Tất thảy những câu hỏi ấy, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần gũi đến nhạy cảm, ồ ạt ồ ạt nối tiếp. Chúng ta phải trả lời thế nào? Chỉ đơn giản là nói “không biết, không biết” cho qua chăng? Để lại trí tò mò chưa được thỏa mãn, thắc mắc treo lửng lơ trong tâm tư nhỏ bé ấy. Đó có phải lựa chọn đúng đắn? À thì, nổi lo lắng, hoang mang đó dĩ nhiên sẽ được đề cập đến trong truyện, và qua Yotsuba&, chúng ta sẽ bắt gặp những câu trả lời, cách diễn giải cho những vấn đề hóc búa đó đơn giản và hiệu quả đến không ngờ. Cách các nhân vật trả lời thẳng thừng, ngắn gọn mà súc tích, chỉ đưa đủ chứ không quá thông tin. Cách rút lui khỏi vấn đề và khuyến khích đứa trẻ tự tìm hiểu. Cùng đứa trẻ nghiên cứu câu trả lời dù chúng ta đã thừa biết. “Đừng bao giờ nói không với trẻ em.” đây là một lời khuyên về việc giáo dục trẻ em. Vậy thế nào là “nói không” ? Có phải là những câu “Không biết”, “Không được”, “Không thể”? Có thể, hoặc hơn thế. Việc “nói không” với mong muốn và thắc mắc của trẻ em không chỉ phản tác dụng mà còn ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ em. Nhưng làm thế nào mà chúng ta gạch chữ “Không” ra từ điển khi nói chuyện được? Dĩ nhiên chúng ta không phải làm vậy. Câu trả lời của mình là, hãy nói “Không”, nhưng đừng ngăn cản trí tò mò và mong muốn học hỏi của trẻ nhỏ. Đừng dùng chữ “không” để ra lệnh hay trốn tránh, hãy dùng chữ “Không” để khích lệ và hướng dẫn. “Ba không biết nữa, hay chúng ta cùng tìm hiểu nhé”. “Con không nên làm vậy, nếu làm thế thì sẽ…” Dùng chữ “Không” một cách thông minh cũng là một cách nói chuyện mà các nhân vật trong truyện sử dụng. Ngoài ra, có rất nhiều cách diễn đạt chẳng cần từ “không” nhưng vẫn giữ được ý nghĩa. “Làm vậy là xấu đấy”, “Con làm bạn ấy buồn kìa”, “nhớ tự dọn dẹp nhé”... Một fun fact nhỏ cho các bạn, các nhân viên trong DisneyLand, một nơi hàng năm có hàng triệu trẻ nhỏ đến chơi, bị buộc phải dùng luật “Không nói Không” này, vậy làm sao để họ trành những yêu cầu kì quái từ du khách? Dĩ nhiên là tìm cách nói khác rồi 

Học hỏi từ nhân vật trong manga sao? Về cách dạy trẻ em á? Nghe buồn cười nhưng nghiêm túc đấy. Bản thân mình rất thích cách dạy con của gia đình Koiwai, từ ba đến bà nội Yotsuba. Họ có cách dạy dỗ con cháu rất thông minh và hiệu quả, không chỉ bằng lời nói mà còn qua hành động thiết thực. Dĩ nhiên, dạy dỗ mà chỉ nói miệng thì đâu hiệu quả, không làm gương thì sao trẻ em noi theo? Hơn thế nữa, trẻ em không chỉ học hỏi qua lời dạy hay sách vở, phim ảnh, trẻ em học hỏi phần lớn qua trải nghiệm, cảm xúc. Và đó là cách dạy dỗ của nhà Koiwai, không la mắng, đòn roi, không phạt nặng phạt nhẹ. Nhà Koiwai cho con cháu mình thấy hậu quả cũng những điều xấu mà đứa trẻ làm. Như lần đi lễ hội với mọi người, Yotsuba ham chơi nên chạy đi khỏi Koiwai. Dĩ nhiên em vẫn nằm trong tầm quan sát của bố, nhưng Koiwai không trách mắng hay gọi Yot quay về, thay vào đó, anh cùng mọi người trốn vào một góc để dạy Yot hiểu bị lạc trong đám đông dễ dàng và đáng sợ như thế nào. Ở cảnh đó, ta cũng thấy cách phản ứng của Yot, dù sợ đến phát khóc, em vẫn biết la lớn tên của mình, dĩ nhiên Yot không thể tự nghĩ đến điều này, em làm vậy vì đây là cách Koiwai dạy em. Khi hét lớn tên như vậy, em sẽ dễ thu hút sự chú ý, đặt biệt là cảnh sát gần đó đến giúp, khiến những kẻ có ý xấu cũng nhụt chí bỏ qua mục tiêu béo bở. Nhắc đến chuyện Koiwai dạy Yot cách xử lí khi ở một mình, ta chợt nhớ đến cảnh lần đầu Yot gặp Fuuka, em vùng bỏ chạy vì nghỉ Fuuka là kẻ xấu và Koiwai đã dặn em tránh xa người lạ. Rõ ràng Koiwai đã dặn dò Yotsuba rất kỉ lưỡng để đề phòng những trường hợp em ham chơi, bởi lẻ cái tính hiếu động của em Koiwai hiểu rõ hơn ai hết mà.

Một câu chuyện khác, khi Yotsuba nói dối ba, dĩ nhiên là bị phát hiện ngay rồi, nhưng Koiwai không hề tỏ ra giận dữ hay quát tháo. Anh đưa Yot đến một đền thần (như chùa ở nước ta, đền bên đó mỗi khu, mỗi trấn đều có một cái). Để làm gì? Đặt em trước mặt tượng Phong Thần (Hoặc Lôi Thần, mình không biết cách phân biệt hai ông này nhưng nói chung ông nào mặt cũng dữ ). Đây là một cách răn đe đặc biệt, bỏi lẽ những bức tượng ấy, giống như tượng môn thần hay tướng giữ cửa trong truyền thống Việt, Hoa, hoặc tượng La Hán, những bức tượng này được khắc họa với gương mặt dữ dằn, đôi mặt mở to, trừng trừng như nhìn thấu tâm can người đối diện. Với hình ảnh hùng hổ ấy, trẻ em dễ cảm thấy sợ và không thể trốn tránh, kiểu nếu nói dối hay làm gì sai cũng sẽ bị nhìn ra ngay ấy. Đặt em trước mặt bức tượng, nếu em nói dối sẽ bị bức tượng phạt. Bức tượng đó sẽ phạt thế nào? Có đau không? Có đáng sợ không? Ai biết được  và vì cái điều “ai biết được” đó lại càng đáng sợ  chưa kể, với cái ánh nhìn kia, không như cha mẹ với nhiều biểu cảm, mắt chớp chớp, đầu quay quay, bức tượng trước mặt chỉ nhìn thẳng, trợn trừng, mọi cử động như bị thấy rõ và nhìn thấu. Các em sẽ mất đi sự tự tin về tài nói dối của mình. Mà không nói dối được thì sẽ nhận sai, và không dám nói dối nữa (ít nhất là cho đến khi nhận ra mấy pho tượng đó thật sự không làm gì mình được ). Một cách xử lí thật thông minh đúng không nào? Sau này nó cũng sẽ trở thành một kỉ niệm để khi Yot trưởng thành, Koiwai có thể kể và cùng cười với Jumbo.

Đó là những mẫu chuyện khi Yotsuba phạm lỗi, vậy còn để khuyến khích em học tập, làm việc thì sao? Đây là cũng là một vấn đề nhức não với nhiều bậc phụ huynh, gia đình Koiwai xử lí vấn đề này như thế nào? Với ba Koiwai, anh chỉ bảo, chơi đùa với Yot trong khi làm việc để em quen với đó, sau đó giao kèo, than lười, khuyến khích… nói chung là đủ cách để dụ Yot làm việc. Nghe thì có vẻ lầy và vô trách nhiệm, nhưng miễn em quen với việc đó và có thể tự giác hơn thì cũng đáng chứ. Còn về bà Koiwai thì sao? Yotsuba rất thương bà mình, với em, bà là một người cực ngầu. Bà quét vỉa hè mỗi sáng, tạo ra âm thanh xào xạc. Bà biết gấp giấy rất hay. Bà cũng rất thích dọn dẹp. Những điều về bà, trong Yotsuba rất là ngầu, bà chính là tấm gương mà Yot noi theo. Vậy bà đã làm gì để dạy Yot dọn dẹp nhà cửa và khiến em yêu thích việc này? “Nhưng nhà đâu có dơ?”, “Dọn dẹp phiền lắm”, “sao bà thích dọn dẹp vậy?” Những câu hỏi, thắc của Yot được bà từng chút, từng chút giải thích. Với Yot, cái khái niệm nhà sạch và dơ nó vẫn khá mập mờ, bởi lẻ bụi bẩn nếu không để ý thì chẳng thấy được, chưa kể em còn lăn lộn ngoài đường suốt thì khái niệm sạch dơ nó càng thiếu rõ ràng. Vậy thì bà chứng minh là nhà rất dơ thôi. Một cái khăn trắng tinh tươm, quẹt nhẹ một cái lên sàn, ui kìa, dơ qua dơ đi chứ. Sau khi Yot nhận ra nhà mình ở rất dơ, em sẽ thấy việc dọn dẹp là cần thiết, nhưng nó rất phiền, em chỉ làm vậy do ba bảo thôi, em không thích dọn dẹp như bà. “Có cách để vui vẻ dọn dẹp ạ?”, Yot hỏi, “có đấy, đó là… Dọn Dẹp Nghiêm Túc”, bà đáp. Dọn Dẹp Nghiêm Túc á? Đến cả mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm này chứ đừng nói đến Yot. Đây là một khái niệm cực mới lạ với Yotsuba, và với sự tò mò của mình, hiển nhiên em muốn thử xem nó khác dọn dẹp thông thường như thế nào. Việc cuối cùng là bà thể hiện cho em thấy việc dọn dẹp nghiêm túc khác với những điều em hay làm như thế nào. Thế là thành công lôi kéo một đứa trẻ yêu thích việc nhà. Đối với gia đình Koiwai, Yotsuba vẫn là một đứa trẻ, nhưng ba và bà đã sớm dạy em về trách nhiệm, nhận thức và phân công công việc như em đã lớn (dĩ nhiên là không phải mấy việc lao động khổ sai hay gì đâu). Việc giao cho đứa trẻ một công việc rõ ràng, cố định sẽ giúp em quen dần với lao động và nguyên tắc, kỉ luật cũng như trách nhiệm. Ban đầu công việc của Yot được giao cho là đi lấy báo sáng, với việc này, Yot sẽ có lí do dậy sớm, và cảm thấy mình cũng giống ba, cũng làm việc. Nhưng khi ba Koiwai quyết định không đặt báo sáng nữa thì sao? Yot thất nghiệp  may mắn thay, ngay sau đó Yot đã được “tuyển” vào làm việc quét vỉa hè mỗi sáng của bà. Cũng là một lí do để em dậy sớm và lao động. Thậm chí công việc này tạo ra âm thanh xào xạc quen thuộc như bà hay làm, giúp em gần gũi với bà hơn, người mà em luôn ngước nhìn, từ đó chững chạc hơn.

Qua tất cả những điều mình đã viết ở trên, cuối cùng mình muốn nói gì? Rằng Yotsuba không phải chỉ là bộ manga dành cho trẻ em? Đúng vậy, rõ ràng hơn nữa, Yotsuba& là bộ truyện dành cho người lớn, những thanh thiếu niên, người đã trưởng thành có em/con/cháu nhỏ. Bộ truyện chính là sách giáo khoa về cách đối xử, giao tiếp, dạy dỗ trẻ em, những mần non, tương lai thế giới. Trong Yotsuba, thế giới có thật sự yên bình, vui vẻ và hạnh phúc hơn thế giới thật không? Nếu nó yên bình, Koiwai phải dạy yot cách bảo vệ, chăm sóc bản thân làm gì? Sự thật thì, phía sau Yotsuba còn có rất nhiều câu chuyện cũng như bí ẩn: Yot từ đâu đến? Làm sao Koiwai gặp em và nhận nuôi em? Koiwai thật ra làm gì và đã làm công việc gì? Có rất nhiều câu hỏi, nhưng mặc nhiên sẽ khó có câu trả lời. Vì những câu trả lời đó không quá cần thiết cho thông điệp của truyện. Những nhân vật xoay quanh Yotsuba, cũng có thắc mắc, cũng có hỏi, cũng có bật mí, nhưng tuyệt nhiên không cố đào quá sâu về quá khư của em. Bởi điều đó chưa hẳn là điều tốt. Vẻ đẹp, sự trong sáng, thuần khiết ở trước mắt là những gì họ và chúng ta cần thấy và bảo vệ. Thế giới xoay quanh Yot rất yên bình và an toàn, gần như không có người xấu hay kẻ ác. Là do tác giả không muốn thêm vào, hay do đó chính là thế giới quan của chính em, là cách mà các nhân vật trong tác phẩm cố gắng dựng lên cho em. Trước mắt đứa trẻ là một thế giới đầy màu sắc, rực rỡ và thú vị. Để có thể giữ được điều đó, không phải chỉ công sức và cố gắng của vài người là đủ, nó cần sự chung tay, quan tâm của cả một cộng đồng, một xã hội. Vì những mầm non đất nước, vì tuổi thơ tuyệt đẹp của trẻ nhỏ, đó là trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội, những người đã đủ nhận thức và hiểu biết. Đây chính là thông điệp mà Azuma Kiyohiko đã gửi gắm vào tác phẩm này, và cũng là điều mình muốn chia sẻ cùng các bạn. Bởi lẽ, hãy xem mọi đứa trẻ bạn gặp là Yotsuba đi, khi bạn thấy Yotsuba cười, bạn có thấy ấm áp và muốn bảo vệ nụ cười ấy không? Bạn có muốn những đứa trẻ kia được học hỏi, chơi đùa và vui cười như Yotsuba không? Mình nghĩ hẳn các bạn đã tự có câu trả lời của bản thân rồi nhỉ.

#Lamp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến