[BOOK REVIEW: NỖI BUỒN CHIẾN TRANH: VẾT BUỒN NGÀN NĂM CỦA NHỮNG NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT]
Dân tộc Việt Nam từ ngày mở cõi đã chỉ biết có chiến tranh. Chiến tranh dựng nước, chiến tranh giữ nước, chiến tranh giành vương quyền, chiến tranh mở cõi, chiến tranh giành độc lập, kháng chiến chống ngoại xâm. Mãi đến thế kỉ XX mới nếm được mùi hoà bình ổn định
Chiến tranh ăn vào máu thịt và tâm hồn của những người con đất Việt. Bốn ngàn năm tồn tại cũng là bốn ngàn năm đấu tranh. Vậy mà dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và đất nước Việt Nam vẫn vững bền. Chúng ta hoàn toàn có quyền hãnh diện với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Quá khứ vàng son và nền hoà bình mà ta đang tận hưởng đã được đánh đổi bằng vô số xương máu, không phải của những chiến binh như đội quân của Napoleon, mà là của những người lính bất đắc dĩ.
Bởi lẽ lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn liền với kháng chiến chống ngoại xâm. Những người nông dân và tri thức Việt Nam đã chẳng có một lựa chọn nào ngoài việc bỏ bút nghiên và lưỡi cày để cầm gươm cầm súng.
Một cuộc đời, vô số cuộc đời, bỗng chốc đổi thay, rạn nứt, vỡ vụn khi có tin giặc giã kéo đến.
Suốt bốn ngàn năm tồn tại của đất nước, những con người vô tội phải bước ra tiền tuyến đã nghĩ gì? Họ cảm thấy gì khi phải lìa bỏ gia đình? Họ cảm thấy gì khi đối mặt với lũ hùm beo bên kia chiến tuyến?
Chẳng phải căm thù hay hãnh diện.
Cha ông ta chỉ buồn. Một nỗi buồn đau dai dẳng và day dứt. Như nhát dao làm biến dạng tâm hồn người lính.
Nỗi buồn của chiến tranh.
Trong nền văn học sử thi đồ sộ về công cuộc kháng chiến, có một tác phẩm lẻ loi đã cất lên khúc ai ca của dân tộc. Đó là tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh xuất bản năm 1987. Một tác phẩm đặc biệt khi bị kiểm duyệt và cấm xuất bản quá lâu, đến tận năm 2005. Lý do tác phẩm bị kiểm duyệt nằm ở cái hiện thực trần trụi và tàn nhẫn mà Bảo Ninh mô tả. Trong đó những người lính oai hùng cũng có lúc phải tự vấn lại lựa chọn cá nhân trong những thời khắc sinh tử.
Kiên, nhân vật chính và là người kể chuyện, đã đánh mất linh hồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau những cơn mưa cánh tay và máu thịt, sau khi chứng kiến chiến tranh làm biến dạng thân thể và nhân tính của những người còn sống. Và khi nó lấy đi một mảng lớn của cuộc đời anh, để lại một khối u buồn mãi mãi.
Hôm nay mình sẽ review bản kiểm duyệt của “Nỗi buồn chiến tranh”. Bản kiểm duyệt thực ra đã đủ sức gột tả cái bất nhân tột cùng của chiến tranh, và cả diễn biến tâm lý của những người lính đã tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Bối cảnh của tác phẩm được đặt trong toàn bộ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, kéo dài đến hàng chục năm sau đó. Câu chuyện được kể qua lời tường thuật của Kiên, một trinh sát viên dày dạn và là một nhà văn. Sau chiến tranh, anh tham gia vào công việc tìm hài cốt liệt sĩ tại Truông Gọi Hồn, nơi mà quá nửa tiểu đoàn của anh đã bỏ mạng trong một trận chiến khốc liệt. Mỗi một tàn tích của người lính được tìm thấy chứa đựng một câu chuyện. Dần dần, các câu chuyện đan xen vào nhau và khắc hoạ thật chân thực hình ảnh những người lính đã bỏ mình cho cuộc kháng chiến thần thánh.
Tại khu chiến tích mà anh tìm đến, người ta kể rằng dưới đất chôn đầy hài cốt, ta có, địch có. Có người còn nguyên vẹn, người thì đã hoà cùng bùn đất. Trận đánh ngày xưa qua sự hồi tưởng của Kiên thật khốc liệt và man rợ. Từng cơn mưa cánh tay và máu thịt phủ đầy mặt đất. Súng to, súng nhỏ thi nhau xé tan cơ thể con người. Trong cơn điên của lửa đạn, tiểu đoàn trưởng của Kiên dí súng vào đầu và bóp cò trước mắt anh. Dư âm quá đỗi khốc liệt ấy vẫn còn vang vọng đến tận ngày Kiên trở lại chiến trường xưa. Người lính già không chỉ hồi tưởng về quá khứ mà còn cảm nhận được âm hồn của người xưa trong bùn đất. Họ dẫn dắt Kiên tìm đến đúng nơi mình nằm xuống. Và trước mắt anh, họ vẫn như đang tồn tại, vẫn mãi mãi tuổi đôi mươi.
Cơn mưa đổ xuống Truông Gọi Hồn kéo Kiên trở lại những mùa mưa trong quá khứ. Anh hồi tưởng lại những cái chết tức tưởi của đồng đội trên chiến trường. Có người đào ngũ vì muốn phụng dưỡng mẹ già, để rồi bỏ mạng chốn rừng thiêng. Có người tưởng chừng mạnh mẽ chai lỳ nhưng cũng không chống chọi được những vết thương đau đớn của bom đạn, đến nỗi tự sát. Có người đồng hương thì tử nạn ngay trong ngày giải phóng. Chiến tranh phá huỷ tất cả mọi thứ. Nó không chỉ lấy đi sự sống mà cả nhân tính của con người.
Kiên từng bị buộc phải chứng kiến một tay lính cục xúc vứt xác một người đàn bà như một súc gỗ. Và chính Kiên, sẽ hả hê hạ sát kẻ thù trong cơn điên dại của chiến cuộc.
Đó là hiện thực trần trụi của chiến tranh. Nó làm biến dạng tất cả những người tham gia cuộc chiến.
Vết thương của chiến tranh càng đau đớn hơn khi bản chất của những cuộc chiến mà dân tộc ta tham gia đều đã là kháng chiến chống ngoại xâm. Luôn luôn là chiến tranh nhân dân. Luôn luôn là những người vô tội bị kéo vào cuộc chiến. Trước mối hoạ ngoại xâm, người dân Việt Nam đã chẳng có lựa chọn nào ngoài việc lao vào lửa đạn và bị chiến tranh làm cho tổn thương sâu sắc.
Sau cuộc chiến, Kiên sống mà như không sống. Anh bỏ học và sống vật vờ, chẳng muốn lập gia đình với ai. Hội chứng PTSD (căng thẳng sau sang chấn) đeo bám anh cùng những người may mắn sống sót sau trận chiến. Một chiến hữu của anh sa vào rượu chè vì ám ảnh với những thi thể dính vào xích xe tăng. Còn Kiên, anh chìm trong những kí ức ghê rợn của cuộc chiến, cùng một nỗi buồn không nguôi về cuộc đời bị chiến tranh huỷ hoại của mình.
Trên chiến trường ác liệt, nơi nắng đổ chói chang còn mưa tuôn như trút, anh hy sinh tuổi trẻ và sinh mạng cho tổ quốc. Và còn hơn thế nữa, Kiên hy sinh cả tình yêu của mình. Phương, nàng thơ và tình yêu mãi mãi của anh, đã bị anh bỏ lại sau lưng để theo đuổi cuộc chiến. Nếu đất nước được hoà bình, cặp thanh mai trúc mã chắc chắn sẽ thành một gia đình. Chiến tranh nổ ra. Cả hai chia cắt trong nỗi nhục nhã ê chề của những đứa trẻ thời loạn. Kiên chĩa súng vào đầu mình vào cái ngày mà hai đứa chia ly. Cả hai không sẵn sàng cho cuộc chiến, và cũng không muốn tìm kiếm vinh quang nào cả.
Kiên và Phương chỉ muốn được yêu nhau và được sống trong hoà bình. Anh bỏ Phương, bỏ cả đời mình vì đại nghĩa. Đáng lẽ anh đã có thể trở về như một anh hùng và được trọng vọng. Nhưng chiến tranh đâu chỉ tàn phá cuộc đời cá nhân, nó tàn phá cả xã hội. “Nỗi buồn chiến tranh” vẽ nên bức tranh đời sống thành thị thật kì quặc và xa lạ của một Hà Nội hậu chiến. Gia đình lìa bỏ nhau, những người trẻ đi mãi không về, những người trở về được thì đánh vật với cuộc mưu sinh, trong khi trái tim vẫn bị những hồi ức của cuộc chiến đè nặng.
Kiên tìm về Hà Nội để thấy một Phương đã khác rất nhiều. Một người phụ nữ tiết hạnh đã bán đi nhân phẩm để nuôi sống bản thân. Phương yêu Kiên nhưng không thể sống với anh vì mặc cảm nhơ nhớp. Giấc mơ thuở bé của hai đứa trẻ đã bị cuộc chiến tranh bóp nát và ném vào hư vô.
Bao trùm cả tác phẩm là nỗi buồn không nguôi của một cựu binh, nhưng trong đó vẫn có cái ấm áp của tình người. Thật vậy, cái khốc liệt của chiến tranh lột trần bản chất của con người. Trong đó có tột cùng thú tính, và có cả lòng nhân hậu cố hữu của người Việt Nam. Giữa chiến trường Kiên gặp vô số phận người, có chiến hữu chỉ gặp một lần mà nhớ mặt đến khi đã hoà bình. Họ đến từ những hoàn cảnh khác biệt nhưng đều tràn đầy sức trẻ và đều khát khao yêu thương. Họ chấp nhận cái bất định và tàn nhẫn của chiến tranh, nhưng vẫn sống và chiến đấu hết mình cho đất nước. Đọc “Nỗi buồn chiến tranh” là để chứng kiến người lính là những con người bình thường, biết đau và biết yêu, nhiều lỗi lầm và định kiến. Nhưng họ vẫn tiến vào giữa đạn bom vì tương lai hoà bình của dân tộc. Điều đó chỉ có thể làm vinh quang của người lính Việt Nam được thêm chói sáng.
Ngoài giá trị nhân văn như trên, “Nỗi buồn chiến tranh” còn là một áng văn đầy tính giáo dục, đặc biệt là với những người lính mới nhập ngũ. Một tác phẩm đáng đọc và phải đọc.
Vì sao?
“Nỗi buồn chiến tranh” kể cho người lính tương lai biết điều gì đang trông chờ họ phía trước. Bởi lẽ chiến tranh là một vùng xám về đạo đức. Đó là bản chất cố hữu của chiến tranh.
Tác giả Bảo Ninh đã để Kiên khám phá vùng xám đó một cách quyết liệt, để rồi chịu những hậu quả rùng rợn. Người lính trẻ đã bắn chết một người phụ nữ bên địch trong nỗ lực tự vệ, để sau đó mãi ám ảnh với hình bóng của người đã mất. Liền sau đó, chính anh chứng kiến một kẻ thú tính vứt xác một người đàn bà bên địch như một súc gỗ. Đồng đội của anh thì vô tình bỏ mặc một người lính ngụy bị mất khả năng di chuyển đến chết.
Chiến tranh quả thực có khả năng tàn phá nhân tính con người như vậy, nó đẩy người lính đến những quyết định vô cùng tàn nhẫn.
Thế nhưng người lính Việt Nam hôm nay có lợi thế được chuyên nghiệp hoá so với thời kì kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cuối cùng đã tách biệt chiến tranh khỏi cuộc sống bình thường của người dân Việt Nam.
Những người lính của tương lai có thời gian để chuẩn bị cho những tình huống khó khăn nhưng tất yếu được tác giả Bảo Ninh vạch rõ.
Niềm tin rằng “giới hạn trong chiến tranh là do người lính đặt ra” trong game Call of Duty là một niềm tin ngu xuẩn, khi đặt trong bối cảnh của game.
Nó chỉ đúng khi áp dụng cho những người lính có kỷ luật, có mục tiêu và chiến thuật rõ ràng để hạn chế thương vong cho người vô tội, mà vẫn đạt được mục tiêu là đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quyển tiểu thuyết vạch ra vô số tình huống khó khăn và những bi kịch mà người lính có thể gặp trên chiến trường, thậm chí cả những khó khăn mà họ gặp phải trong việc tái hoà nhập xã hội sau khi xuất ngũ. Nó xứng đáng để trở thành một quyển sách tham khảo phải có của những người lính tương lai.
#Anthony
Nhận xét
Đăng nhận xét