[Manga Review]: Kamisama ga uso wo tsuku - giọt nước mắt của những đứa trẻ miễn cưỡng trưởng thành



SPOILER ALERT

Kamisama ga uso wo tsuku là một câu chuyện ngắn gọn mà sâu lắng, pha trộn bao cung bậc cảm xúc mà vẫn hài hoà. Bộ manga là thành quả chắt lọc, kết tinh của sự ngây thơ, đam mê, rung động đầu đời lẫn cái bất lực, khổ đau của những đứa trẻ mới bước vào tuổi thiếu niên. 


-Tên: Kamisama ga uso wo tsuku ( Ông trời nói dối )
-Tác giả: Ozaki Kaori
-Hình thức: Manga
-Số chương: 5 ( 1 vol )
-Phát hành: 2013
-Thể loại: Slice of Life, Drama, Romance, School, Seinen
-Tóm tắt nội dung: Cây chuyện lấy bối cảnh ở năm cuối tiểu học kể về những lần gặp mặt và chuyến phiêu lưu mùa hè của cậu bé 11 tuổi Nanao Natsuru và cô bạn cùng lớp Suzumura Rio.

Như mình đã nói ở trên, bộ manga xoay quanh hai nhân vật chính Natsuru và Rio ở cái tuổi 11 đầy hồn nhiên còn chưa biết tới cái cây đắng ngọt bùi của xã hội, của cuộc sống người trưởng thành. Một câu chuyện nghe qua tưởng chừng sẽ vô cùng trong sáng và ấm lòng như vậy lại ẩn chứa sự sâu sắc, ai oán và bất lực đến tận cùng với một tông giọng có phần hơi dark dần dần lộ diện. Và hai đứa trẻ đáng lẽ vẫn đang đến trường, chơi đùa cùng bạn bè một cách vô lo vô nghĩ ấy lại là những quả non bị ép chín bởi hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là Rio. 
Được giới thiệu qua dưới góc nhìn của Nanatsu, Rio là một cô gái không quá hoà đồng trong lớp với một chiều cao đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn, Rio còn là người tính toán vô cùng chi li khi cô giúp Nanatsu nuôi hộ chú mèo bị bỏ rơi với điều kiện cậu phải chi trả phí sinh hoạt cho nó. Từ khi chấp nhận cái “hợp đồng” ấy, Nanatsu càng biết thêm nhiều về cô bạn cùng lớp của mình lẫn về gia đình của cô. Sống dưới một mái nhà xập xệ chỉ có hơi ấm của 2 chị em, Rio tự làm mọi thứ trong gia đình từ lau dọn, nấu cơm, giặt giũ tới quản lí chi tiêu. Chiều cao của Rio ngày càng tăng lên như cách cô tự ép mình trưởng thành để gồng gánh bản thân và em trai mình vậy. Nhưng dù vậy, xúc cảm sâu đậm của đứa trẻ 11 tuổi vẫn ở đó, không bị chai sạn đi chút nào bởi cái xô bồ của cuộc sống. Cô vẫn tin, hoặc ít nhất là cố gắng tin vào lời nói “đi Alaska câu cua” không tưởng của bố lẫn lời hứa “sẽ trở về đưa hai con đi hội” của ông. Trong những lúc khó khăn nhất, cô nhớ lại những lời động viên của bố và lấy đó làm động lực, tất cả vì tình yêu cho gia đình. Lúc nào cũng vậy, đứa trẻ ấy làm theo mong muốn người khác, giới hạn điều mình muốn làm lại để dành chỗ cho điều mình phải làm. Chưa một lần nào cô nói về ước mơ của riêng mình, cho đến khi đứng trước đại dương bao la, Rio thầm thì ước muốn được làm một cô dâu bình thường. Cái khao khát hạnh phúc giản đơn ấy chỉ nhỏ nhoi vậy thôi, mà cô vẫn không dám vươn tới bởi đang kẹt trong sự bất lực trước thực tại lạnh lùng. 

Về phần Nanatsu, cậu vẫn còn mang đậm màu sắc của đứa trẻ đúng tuổi mình, vẫn ngại ngùng trước bạn gái cùng tuổi hay bực tức vì lời phê bình của giáo viên. Nhưng, cậu đã trưởng thành hơn rất nhiều so với những người bạn đồng trang lứa nhờ lớn lên trong một gia đình thiếu vắng bóng hình cha. Nanatsu chủ động giảm bớt gánh nặng cho mẹ từ những việc nhỏ nhặt trong nhà. Và khi gặp gỡ giá đình của Rio, cậu lại kề vai vào san sẻ khó khăn với cô bạn cùng lớp. Một Rio cao lớn, trưởng thành trong mắt Nanatsu lại dễ thương, nữ tính và mảnh mai đến lạ. Và nhờ có một chàng trai đáng tin cậy ở bên, Rio có thể thả lòng người lại, để lộ ra sự mỏng manh yếu đuối của một cô gái, của một đứa trẻ tuổi 11. Nanatsu giúp đỡ cô trong cả công việc lẫn tinh thần. Những mong muốn cá nhân bị quên lãng khi cô phải chăm lo cho người khác được Nanatsu thực hiện, cái hồn nhiên của lứa tuổi học sinh ở Rio lộ dần ra khi ở cạnh người khác giới đồng trang lứa. Cứ như vậy, Nanatsu giúp Rio trẻ lại, bước đi chậm lại để tận hưởng cuộc sống trong khi cô cho cậu thấy nhiều hơn về cái vất vả, nặng nhọc của hai chữ “trưởng thành”. 

Dù Nanatsu đã từng chạy khỏi ngôi nhà xập xệ kia và bỏ lại 2 chị em nhà Suzumura sau khi biết những gì Rio đã làm trong cơn tuyệt vọng, nhưng khác với người cha vô lương tâm nào đó, cậu đã trở lại với một kế hoạch nghe đúng chất trẻ con của mình. Cậu muốn cùng chị em Rio chạy trốn, bỏ nhà ra đi với chỗ tiền mừng tuổi khi cô đang ở đáy sâu của nỗi tuyệt vọng. Nghe thì trẻ con thật, nhưng nó không ngốc nghếch. Cậu không chỉ cầm tay cô chạy khỏi ngôi nhà đầy nỗi đau thương, mà cậu còn kéo cô ra khỏi thứ trách nhiệm của người trưởng thành đang đè nặng lên đôi vai của nhầm người. Trước biển cả bao la, họ được trở lại đúng bản chất lứa tuổi của mình - những đứa trẻ hồn nhiên vô lo với thứ tình cảm trong sáng và ước mơ gắn liền hạnh phúc. Tác giả khoác chiếc áo trưởng thành lên đôi vai bé nhỏ của Nanatsu và Rio để rồi cởi chúng ra hoàn toàn, để lại thứ quả non, mầm non xanh mơn mởn vẫn đang chín dần, lớn dần một cách từ tốn. Để thực sự trưởng thành, chúng đã, đang và sẽ khóc thật nhiều. Khóc vì bản thân và khóc cho người khác. 

Để xây dựng, làm nổi bật lên câu chuyện ấy, Kamisama ga uso wo tsuku dựa lên nhiều khía cạnh, hoàn cảnh của cuộc sống, của đời người. Bản lĩnh để đối diện với đam mê, cái khó khăn của một gia đình không lành lặn, cách trẻ con nhìn nhận cái chết của người thân trong gia đình, sự lạnh lùng của một xã hội trưởng thành,... Nó nhiều, nhưng không hề thừa mứa. Mỗi vẫn đề lại thêm một lớp gia vị cho cuộc sống trong bộ manga này. Và dù câu chuyện mang nặng tính drama, tính thực tế vẫn luôn ổn định và hiện hữu. Có lẽ đó chính là mootk trong những lí do chính khiến bộ manga có thể khiến người đọc đồng cảm tới vậy. 

Cuối cùng, phần hình ảnh không có gì để chê cả. Nét vẽ đầy cuốn hút vừa thể hiện rõ cái trưởng thành, mạnh mẽ của những đứa trẻ buộc phải lớn lên kia, vừa làm nổi bật sự hồn nhiên ngây thơ vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn chúng tùy vào từng hoàn cảnh, khung tranh. 

Ông trời nói dối, bởi vì ông ấy yêu con. 
Ông trời nói dối, những lời nói dối mạnh mẽ. 

#Raidriar

Nhận xét

Bài đăng phổ biến