[Manga Review]: Tripeace – Kẻ thù của ta là chiến tranh
*Lưu ý: Bài review cho phần nội dung bộ manga sẽ chia thành 2 phần: {Từ đầu đến hết Arc đoạt lại Canetool} và {Arc Ares}
Ta sẽ xóa bỏ chiến tranh, trên danh nghĩa của tình yêu, hòa bình và crossdressing.
Vừa rồi là khẩu hiệu của một tên biến thái suốt ngày mặc váy và căm ghét chiến tranh trong Tripeace, bộ manga không hiểu sao lại ngồi chênh vênh tại một vị trí khá là đặc biệt trong lòng mình :3
-Tên: Tripeace
-Hình thức: Manga
-Số chương: 43
-Tác giả: Tomoyuki Maru
-Thể loại: Action, Comedy, Drama, Fantasy, Shounen, Crossdressing
-Tóm tắt nội dung: Một chàng trai trẻ bị mất trí nhớ hoàn toàn với cái tên Nana tự xưng đã đặt chân tới Canetool chỉ để ăn 2 gậy vào mặt bởi 2 đứa trẻ. Qua cuộc gặp gỡ với đám trẻ Ichika, Nii và Santes, Nana biết về thứ thuốc thần kì Seisui cũng như kế hoạch lấy cắp Seisui để chữa trị cho Santes. Đồng ý giúp lũ trẻ một tay, và đó là khởi đầu cho cuộc hành trình của Nana với xoay quanh Seisui và chiến tranh.
<> {Từ đầu -> Arc đoạt lại Canetool}
Một khởi đầu khá là quen thuộc, mình biết, và để thu hút người đọc với cái motif nhân vật chính bị mất trí nhớ cliché đó, Maru-sensei cần một hướng phát triển đủ hấp dẫn và mới mẻ. Trong những chap đầu, mình thấy việc đó được xử lí khá tốt. Sau cái chết của 3 đứa trẻ, cậu đã quyết tâm xóa sổ sự tồn tại của chiến tranh khỏi thế giới này. Nhưng việc đó vốn đã là không tưởng với những người bình thường, nay lại càng gian nan hơn với kẻ tay không tấc sắc, không tiền bạc, không kiến thức và còn chẳng có hiểu biết gì về những điều bình thường nhất như cậu. Vì vậy, Nana, như một đứa trẻ bắt đầu học hỏi, bước đầu tiếp xúc với những thứ bình thường nhất của chiến tranh, xem xét và phân tích những điều mà ai cũng biết. Từ đó tác giả thể hiện những điều cơ bản nhất của chiến tranh theo cách nhìn nhận đơn giản hóa vấn đề của Nana, cùng với đó là hàng loạt những câu hỏi đi kèm. Ngăn chặn được xích mích của đám trẻ, Nana nhận ra mọi xung đột chiến tranh đều có nguyên nhân, và xử lí tận gốc nguyên nhân ấy là giải pháp dẫn tới hòa bình. Nhưng, đồng nghĩa với việc mọi chiến tranh đều có nguyên nhân, chẳng lẽ quả bom do Xyece thả xuống đầu những người dân vô tội ở Canetool cũng có lí do chính đáng ư ? Có lẽ nào một nguyên nhân hợp lí để giết người lại thật sự tồn tại ?
Cùng với những câu hỏi không có lời giải đáp, Nana tiếp tục đi trên con đường đấu tranh và tìm kiếm giải pháp dẫn tới hòa bình. Không lâu sau, cậu gặp được một nhóm của Tripeace – tổ chức hoạt động vì một mục đích tương đồng cậu – khi đang cố gắng ngăn chặn cuộc xâm lược của Xyece lên Fortress. Tripeace là một tổ chức hoạt động để ngăn chặn chiến tranh, đúng vậy, nhưng họ ngăn chặn chiến tranh bằng cách nào khi đang đối đầu với một Đế quốc quân phiệt hiếu chiến ? Thương lượng ? Chắc chắn không. Dùng luật pháp để quy tội Xyece ? Không hiệu quả. Và mọi thứ dẫn đến một điều ta vẫn thấy xuyên suốt lịch sử: không phải lý tưởng cao đẹp hay lời nói hoa mĩ, chính chiến tranh mới là phương tiện hữu dụng nhất để kết thúc chiến tranh. Và một câu nói vang lên ngẫu nhiên của Nana chợt làm mình sững lại nhận ra sự thật lịch sử ấy “Nó khá là ấn tượng đấy, khi thấy bạo lực được sử dụng dưới cái tên chủ nghĩa hòa bình”.
Và với lối tư duy khá là hồn nhiên của một đứa trẻ, cậu đôi khi cũng hành xử có phần theo định kiến phân biệt quốc gia như một đứa trẻ khi phát hiện ra đồng đội mình có người của Xyece. Cũng tiếp tục nhờ lối suy nghĩ đơn giản ấy, cùng với tô ramen của bà đầu bếp người Xyece, cậu dễ dàng thay đổi lối hành xử phân biệt đối xử thiếu suy nghĩ của mình, điều mà rất nhiều con người dù đã trưởng thành và chín chắn vẫn không thể thực hiện.
Nếu bộ manga tập trung khai thác xoay quanh Nana và cách nhìn nhận chiến tranh, phân tích các mặt của xung đột từ đơn giản đến phức tạp song song với hành trình phát triển của cậu thì chắc chắn nó sẽ ở một vị trí cao hơn trong lòng mình. Nhưng thực tế không như mong đợi của mình, Maru-sensei không phát triển câu chuyện thiên về mảng action, thi thoảng mới điểm thêm chút suy nghĩ của Nana.
Dàn nhân vật của Tripeace khá rộng với nhiều nhân vật bạn không cần ( và không thể ) nhớ hết, nhưng những nhân vật chính có design nổi bật và để lại ấn tượng lâu dài. Song hành với thanh niên Nana hở một chút lại crossdressing là Shiro, một cô gái tomboy ngưỡng mộ những người phụ nữ mạnh mẽ và nhìn đám đàn ông, đặc biệt là Nana bằng nửa con mắt ( đây cũng là cái thuyền hint tứ tung được mình cố gắng chèo từ đầu tới cuối mà không hiểu sao vẫn không thành ;-; ). Dynamic giữa hai main character không tệ, được tô điểm thêm nhờ cách đối xử cực kì đối lập của Shiro đối với Nana khi cậu có hoặc không giả gái. Cùng với đó là những đội trưởng đội phó của các đội thuộc Tripeace, những con người ngồi chung thuyền và có chung mục đích. Nhưng chung mục đích không có nghĩa là chung cách thức hoạt động, và mỗi người có cách riêng để ngăn chặn chiến tranh cũng như không hoàn toàn tương đồng về quan niệm hoà bình. Trong Tripeace tồn tại 3 quy luật hòa giải giải, đại diện cho phương châm hành động của mỗi người, thường bao gồm Tình yêu, Hòa bình và một thứ mỗi người tự tìm kiếm, tự đưa ra câu trả lời riêng. Có thể là hi vọng, tiền bạc, tình dục, cao lương mĩ vị hay đơn giản và thực tế như bạo lực. Phía bên kia chiến tuyến là một đại tướng đã có tuổi, hay cười và luôn tỏa ra cái aura bất khả chiến bại như King Bradley. Theo sau là cả một quân đoàn khá đáng quên tên dù là lính quèn, cựu chiến binh hay chỉ huy :v
Xuyên suốt bộ manga, chiến tranh tồn tại với nhiều trường hợp: xâm lược, tranh giành tài nguyên, giải phóng thuộc địa, … và ảnh hưởng của nó lên con người cũng được khắc họa khá đa dạng dù chưa đi sâu hoàn toàn. Những con người căm ghét chiến tranh hay kẻ khởi đầu chiến tranh vì mục đích cá nhân không phải là điều xa lạ. Nhưng những người bấu víu vào nó thì sao ? Những người lính trong cuộc chiến Konpaco, dù hằng ngày chứng kiến sự khốc liệt bạo tàn của chiến tranh, nhưng do lòng căm thù khôn nguôi vẫn ngày đêm tô thêm cho chiến trường một màu máu tươi, chồng xác lên những vùng đất không còn gì ngoài màu thẫm đỏ khô khốc. Có kẻ dành gần như cả cuộc đời chạy qua mưa bom bão đạn, giá trị sống của họ gắn liền với chiến trường, để rồi cố níu kéo lại ý nghĩa của mình như cách họ không chịu buông tha cho chiến tranh phai nhạt. Và không thiếu những người đã rời khỏi chiến tuyến, bỏ ngoài tai lời kêu gọi chiến tranh phi nghĩa của Tổ quốc để rồi vẫn phải trở lại vòng máu lửa vì gia đình. Và không phải chỉ những người sống trong thời chiến mới chịu ảnh hưởng sâu sắc của chiến tranh. Một đứa trẻ sinh ra trong thời bình, ở nhà thì tràn ngập trong tình yêu thương của mẹ, đến trường thì vây quanh bởi bạn bè, vẫn không tránh khỏi cái nghiệt ngã của chiến tranh. Mẹ của Shiro là người thiết kế lũ robot chiến đấu chuyên dụng – món vũ khí hiển nhiên trong chiến tranh – và đã gián tiếp giết hại vô số người. Một đứa trẻ cũng nhận ra việc giết người là vô nhân đạo, nhưng tình yêu quá lớn dành cho mẹ không cho phép Shiro suy nghĩ theo hướng đó. Và, để bào chữa cho mẹ mình, lối suy nghĩ “Chiến tranh là cần thiết, nó không phải là điều xấu” bắt rễ trong đầu một đứa trẻ ngây thơ như một hệ quả tất yếu. Nhưng yêu thương mẹ đến mấy, Shiro cũng không thể quay mặt đi trước sự thật rằng vũ khí do mẹ tạo ra đã, đang và sẽ tiếp tục được dùng để tàn sát người vô tội. Cho dù trong quá khứ 2 con người này từng nương tựa vào nhau để sống, gắn bó với nhau tới mức nào cũng không thay đổi sự thật giờ đây họ mặt đối mặt trên chiến trường với sát ý ngút trời. Nhưng mục đính của xung đột này là để nâng cao tình mẫu tử hay hạ thấp tình cảm ruột thịt trên chiến trường, hoàn toàn phụ thuộc vào Maru-sensei.
Tính đến giờ, plot progression không có gì để chê mấy, ngoài việc Nana mạnh lên khá nhanh, đến mức hơi vô lí. Các sự kiện lớn diễn ra liên tiếp, có thể sẽ phù hợp với những bạn muốn hoàn thành bộ manga trong vài ngày, nhưng cá nhân mình muốn thêm những sự kiện nhỏ làm cầu nối và tạo điều kiện xây dựng sự phát triển của Nana nhiều hơn. Nội dung khá là đơn giản dễ nuốt và cách giải quyết xung đột – căn nguyên của chiến tranh – đủ độ tin cậy và xác đáng. Về nét vẽ thì mình không thể gọi là đẹp, và có khung tranh mình chẳng hiểu cái gì đang diễn ra, nhưng nó vẫn ở trong khoảng khá cùng một số điểm đẹp và ngầu đúng lúc đúng chỗ.
<> {Arc Ares}
Sau khi Xyece sấp mặt thì việc tìm một đối thủ khác cho Tripeace trở nên cấp thiết. Và đối thủ thích hợp nhất cho một tổ chức hoạt động vì hòa bình là gì ? Yeah, chẳng có gì ngoài một tổ chức hoạt động vì chiến tranh, và chắc không mấy ai lạ lẫm với cái tên của thần chiến tranh Ares nhỉ ?
Và đây cũng là điểm mà Tripeace bắt đầu leo lên một con dốc quá cao để rồi trượt dài xuống. Công nhận, cách xuất hiện cũng như tạo hình của thành viên tổ chức Ares khá tốt, và mối xung đột im ắng một cách bất ổn như khoảng lặng trước bão của hai tổ chức được bồi đắp nhanh chóng mà không đem lại cảm giác quá vội vàng. Đồng thời, sự xuất hiện của Kuroro, người tham gia Tripeace vì muốn chứng minh ngăn chặn mọi xung đột trên thế giới là điều viển vông, càng tạo thêm tiềm năng cho bộ truyện. Để rồi kết cục là gì ? Tripeace, với một plot twist khá dễ đoán, bị đè nát bởi cái tiềm năng mà nó gây dựng bởi một cái kết quá nửa vời, đến mức mình không muốn gọi nó là một cái kết mở ( và mình không chắc đó là hậu quả của việc ép end hay tác giả cạn ý tưởng ). Chỉ với một cuộc tranh luận ngắn ngủi của Kuroro và Nana, với luận điểm hai bên là “Xung đột là bản chất của con người, chiến tranh cũng vậy” và “Chính vì chúng ta là con người nên ta mới tìm cách giải quyết chiến tranh, mới cố gắng đàm phán để chạm tới hòa bình mà không phải đổ máu”, bộ manga mở ra một hướng đi thú vị cho sự phát triển của 2 người dựa trên tương tác, lí tưởng và hành động khá đối lập. Nhưng không, ngay sau khi ta bắt đầu hứng thú với Kuroro, cậu ta biến mất không chút dấu vết tới hết truyện. Trận chiến toàn lực đáng mong đợi giữa 2 phe trở thành trận ẩu đả đường phố thông thường, xung đột lí tưởng trở thành một cuộc đấu khẩu rỗng tuếch cùng những câu nhận định quá khái quát để né tránh vấn đề. Và cuối cùng, sau 1 arc, cũng chính là arc cuối của truyện, chả có cái gì thay đổi cả :/
Cộng vào đó là một chi tiết quá vô lí mà mình không thể chấp nhận được. Trước khi trở thành như giờ, Ares từng là một quốc gia được xây dựng với việc ngăn chặn xung đột được đặt lên hàng đầu, vũ khí bị cấm tiệt, bạo lực không ( được phép ) tồn tại, và trở thành một biểu tượng của hòa bình tự xưng. Cho đến khi đất nước không có chút sức mạnh quân sự nào kia bị xâm lược bởi các quốc gia láng giềng, và Ares nổi giận, căm thù những kẻ chà đạp lên lí tưởng của họ. Và, dù xem xét dưới cái nhìn của đứa chưa đủ hiểu biết như mình, cái lí tưởng của họ vẫn ngây thơ đến dễ sợ. Họ lấy cái niềm tin mù quáng vào hòa bình để bào chữa đi sự thiển cận của chính sách bảo vệ an ninh quốc gia, mặc định rằng ý tưởng của mình cao đẹp thì nhất nhất mọi người phải nghe theo. Rồi vì hai ba quốc gia tấn công mình, Ares vơ đũa cả nắm cho rằng cả thế giới đã tha hóa. Đồng thời, sau khi nếm trải nỗi đau do chiến tranh mang lại cũng như nhận ra được sự bất diệt của chiến tranh, họ, những kẻ tự gọi mình là nạn nhân của chiến tranh, quyết định đi reo rắc cái bất hạnh mà mình từng phải gánh chịu cho người khác. Buồn cười thay, sau khi biến người khác thành nạn nhân chiến tranh, họ vẫn không ngừng đổ tội lên chiến tranh và quá khứ trong khi nấp dưới nó.
Nếu các bạn có ý định đọc manga này, để có được trải nghiệm tốt nhất, mình xin đề xuất việc đọc Tripeace tới đoạn kết của Arc Canetool, và coi điểm Nana bắt đầu lên đường tới bữa tiệc hội ngộ của Tripeace làm cái kết mở :v
#Raidriar
Nhận xét
Đăng nhận xét