[Character Analysis]: Yuki Makoto – chàng trai lạnh lùng nhân hậu
Trước khi vào bài, nhắc nhở nho nhỏ rằng hôm nay là 5/3, đến lúc đốt bánh mì rồi các bạn :(
Yuki Makoto là nhân vật chính của Persona 3 - tựa game ra mắt lần đầu năm 2006 cho ps2 nằm trong Persona series. Giống với các protagonist khác của Persona series như Yu Narukami hay Amamiya Ren, Makoto dù có đôi phần tính cách riêng nhưng cuối cùng vẫn là một self-insert character. Bản thân protagonist của Persona series gần như luôn là vậy, là một lớp vỏ rỗng để người chơi áp suy nghĩ, hành động của mình vào. Nhưng từ những ấn tượng của fandom mà lần lượt Blue Jesus, Emo Messiah rồi cả Yu CHADukami, Ryuji's Boyfriend, Haremf*cker249 đã ra đời. Kế tiếp đó là các bản chuyển thể manga, anime càng in đậm sự đặc biệt, tính cá nhân của từng người. Với mình, phiên bản được xây dựng thành công nhất là Yuki Makoto trong Persona 3 movies - một tên lầm lì lãnh đạm không chỉ được A-1 thổi hồn vào từng góc cạnh mà còn có sự phát triển nhân vật tuyệt vời. Vì vậy, mình xin viết một chút về Yuki Makoto trong phần movie của Persona 3.
Trước tiên là một vài thông tin về 4 bộ phim chuyển thể của Persona 3, thứ đã mang lại một Makoto đúng như những gì fan tưởng tượng hoà với luồng gió mới trong nhân vật đã vượt mức mong đợi của những người yêu quý tên Blue Jesus này:
-Tên: Persona 3 the Movie: Spring of Birth – Midsummer Knight's Dream – Falling Down – Winter of Rebirth
-Hình thức: Anime movie
-Thời lượng: ~1h30/phim
-Công chiếu: 2013 – 2016
-Thể loại: Action, Supernatural, Drama, Tradegy
-Tóm tắt nội dung: Khi đồng hồ điểm 12h đêm cũng là lúc Dark Hour - một giờ đồng hồ bí ẩn, bắt đầu. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, con người sẽ ngủ sâu trong những chiếc quan tài của chính mình. Còn những kẻ không may mắn vẫn đang thức giấc sẽ bị lũ quái vật mang tên Shadow săn đuổi. Giữa cái xã hội hoàn toàn không nhận thức được giờ đồng hồ thứ 25, tồn tại một nhóm người đặc biệt có khả năng triệu hồi Persona để chiến đấu với lũ Shadow. Tổ chức đó mang tên SEES, và họ có kì vọng vào tiềm năng của Yuki Makoto - một học sinh mới chuyển tới trường cấp 3 Gekkoukan.
Makoto xuất hiện ở đầu bộ phim với phong thái điềm tĩnh lãnh đạm đã quá quen thuộc với bất cứ fan nào của Persona 3. Vẫn dáng người mảnh khảnh nhỏ bé, vẫn mái tóc xanh mượt che kín con mắt phải, vẫn giới hạn thế giới của mình lại vào đôi tai nghe bao trọn 2 tai, và vẫn là sự thiếu quan tâm tới mức khó hiểu. Makoto dường như không bận tâm tới thứ gì cả, dù là khung giờ kì quái tràn đầy quan tài và lênh láng máu, dù là cô bạn trạc tuổi mình có khẩu súng ở bên đùi đang run rẩy, hay những thứ bình thường yên ổn như bạn bè và trường học cũng không làm cậu ta hứng thú. Đáp lại câu hỏi “Chẳng lẽ cậu muốn chết ư” đầy lo lắng, Makoto cũng chỉ vỏn vẹn đáp lại “Tôi không quan tâm lắm. Cái chết đáng đối với cậu đáng sợ đến vậy à ?”.
Đúng là từ thái độ dửng dưng lẫn câu trả lời khó hiểu kia, cậu ta như thể một tên edgy bất cần đời, nhưng nhìn kĩ hơn, góc nhìn cuộc sống và nhìn bản thân của cậu ta đã bị tổn hại nặng nề. Sau cái chết của bố mẹ mình từ 10 năm trước, cậu ta có một quãng thời gian cô đơn dài đằng đẵng không hạnh phúc, không gia đình, không bạn bè. Makoto không nhìn thấy giá trị của cuộc sống và cũng chẳng mong chờ một cái chết, chỉ tồn tại mà không sống. Không chỉ ở góc nhìn mà hành động của Makoto cũng méo mó. Chưa một lần chiến đấu nào mà cậu thanh niên này bảo vệ mình vì lo cho bản thân. Khi bàn tay của con Shadow đã tiến tới tận mặt, cậu chỉ được cứu vì Yukari ra tay giúp, khi đối diện với Magician trên nóc nhà, cậu chiến đấu vì Pharos mời gọi, và trong các lần thám hiểm Tartarus, cậu chiến đấu vì được lệnh phải làm vậy. Makoto làm việc vì được yêu cầu làm vậy, và cả những lần hiếm hoi cậu giúp đỡ người khác, ta vẫn không thể thấy được chút cảm xúc nào được bộc lộ ra. Chính vì bản thân mình vô cảm mà Makoto cũng không thể hiểu cảm xúc người khác. Yukari từng nói về việc hoàn cảnh hai người có phần giống nhau và cô đồng cảm với cậu, nhưng Makoto không có chút đau buồn hay thương hại bản thân nào để hiểu cảm xúc của cô. Cậu nghe người xung quanh giãi bày về suy nghĩ lẫn cảm xúc của họ, và cậu chỉ nghe chứ không thể hiểu nổi. Makoto như một cỗ máy đáp ứng nhu cầu người khác mặc kệ bản thân, đến mức cậu không thể hiểu, và cũng không cố gắng hiểu sự lo lắng đã hoá thành tức giận của Yukari mà chỉ biết chấp nhận nó.
Nhưng, nước chảy đá mòn, người lãnh đạm như Makoto sau khoảng thời gian bất đắc dĩ phải tiếp xúc với các thành viên của SEES cũng bị nhuốm màu của tình bạn. Bao nhiêu lần bị Junpei lôi đi chơi cuối cùng cũng có tác dụng lên emo boy. Dù chưa nhạy cảm đến mức có thể đọc được tâm trạng của người khác mà đưa ra lời ăn ủi đúng lúc đúng chỗ, nhưng Makoto cũng bắt đầu nói ra nội tâm của mình. Một điểm cộng của bộ anime là việc Makoto gần như không có suy nghĩ hay độc thoại nội tâm ở nửa đầu, tạo nên cảm giác xa lánh lạnh lùng của nhân vật chính. Nhưng, chính vì ít nói mà mỗi lần tiếng nói của cậu vang lên thể hiện toàn bộ suy nghĩ sâu thẳm nhất của mình. Dù không hiểu rõ bản thân mình muốn gì, Makoto vẫn tận hưởng thời gian chiến đấu ở SEES với bạn bè. Thậm chí, Makoto ngày càng mong muốn được chiến đấu bởi đó là cách duy nhất cậu biết để kết nối với mọi người.
Trên con đường thay đổi tưởng chừng khá là suôn sẻ của mình, Makoto lại gặp phải một tình huống khó khăn đầy lưỡng lự. Cậu chỉ biết chiến đấu với Shadow để kết nối với bạn bè, nhưng đến một thời điểm khi các Shadow bị tiêu diệt hoàn toàn, cậu lo sợ mối quan hệ của mình với mọi người sẽ biến mất. Và tệ hơn, Makoto không có cách gì để ngăn chặn cuộc chia li ngày càng đến gần kia. Thậm chí, dù cậu không làm gì thì SEES vẫn sẽ tiến ra chiến trường, và cậu càng dễ mất đi những người bạn của mình nếu không giúp đỡ họ trên chiến trận. Và không chỉ mình Makoto mà cả những người bạn mới của cậu cũng sẽ mất đi nơi họ thuộc về khi SEES đạt được mục đích của nó rồi giải thể, và điều đó cũng là một gánh nặng không nhỏ cho cậu. Khi vẫn còn bơ phờ lưỡng lự trước sự thật đó thì người bạn đầu tiên đã bắt đầu rời bỏ cậu. Bị choáng ngợp bởi hiện thực, cậu còn không đủ tính thần để triệu hồi Persona trên chiến trường và đặt đồng đội vào nguy hiểm. Và hoạ vô đơn chí, sự chần chừ của cậu không chỉ dừng lại ở hậu quả trên mà nó còn gián tiếp đóng góp vào cái chết của một người bạn, người anh cả của SEES.
Cái chết của Shinjiro tác động tới tất cả mọi người, đặc biệt là Makoto. Bên cạnh nỗi đau mất đi người bạn cùng chiến tuyến, cậu cũng bị sự đau khổ của những người còn lại trong SEES dằn vặt. Lần đầu tiên trải nghiệm sự mất mát thống khổ sau cả thập kỉ vô cảm, Makoto nhận ra tình bạn, tình cảm gắn bó với mọi người chẳng phải thứ màu hồng một màu cho cam. Thứ gì càng quý giá, khi mất đi ta càng thêm khốn khổ. Bên cạnh đó, sự mỏng manh của đời người lần đầu tiên hiện ra rõ ràng đến vậy trong tâm trí cậu. Mọi người rồi đều sẽ chết, thứ đã luôn là điều hiển nhiên trong thực tại lẫn trong nhận thức cậu, vậy mà giờ đây nó lại khó chấp nhận tới vậy. Để trốn tránh nỗi đau lạ lẫm cắt đứt ruột gan này, cậu một lần nữa đóng cửa con tim lại. Không có gì thì sẽ không mất gì, tiềm thức tiêm nhiễm vào con người cậu từng dòng suy nghĩ như vậy. Nếu có gì đó chỉ để trải nghiệm nỗi đau khi mất nó, vậy sống một cuộc sống không có gì sẽ không đem lại khổ đau nữa chỗ cậu. Nhưng, sống như vậy có thể gọi là sống hay không ? Một lối sống không những không để lại chút ảnh hưởng gì cho xã hội hay mọi người xung quanh mà còn tự đày đoạ, cách li bản thân mình. Một lần nữa, Makoto trở về với tình trạng chỉ tồn tại mà không hề sống.
Và đó là lúc Ryoji chen chân vào để mang lại cho ta một mối quan hệ Shinji và Nagisa của Evangelion phiên bản no homo và healthy hơn. Để kéo người bạn nhân hậu mà nhạy cảm, cô đơn của mình về với cuộc sống bình thường, Ryoji trở thành chỗ dựa tinh thần cho Makoto. Không chỉ nhìn thấu nội tâm của Makoto, Ryoji còn giúp người bạn của mình mở to mắt để nhìn vào sự thật về sự mất mát. Đúng vậy, ta không thể lấy lại thứ đã mất đi, và ngược lại, liên kết của ta với thứ đó cũng bất hoại một cách hiển nhiên như thế. Cái nhân hậu của Makoto hiện ra rõ như ban ngày trước mắt Ryoji. Chàng trai hướng nội kia thì bản thân lại không chỉ để bảo vệ mình mà còn để tránh làm tổn thương người khác như cậu ta đã làm với Shinjiro. Không chỉ riêng Ryoji, các người bạn đích thực của Makoto cũng ngồi lại để chia sẻ với cậu. Chia sẻ về nỗi đau của riêng họ, chia sẻ về cuộc sống đau đớn nhưng không trống rỗng của họ để làm nhẹ lòng chàng trai ngây thơ mù mờ về cảm xúc của chính mình. Makoto lắng nghe trong im lặng, suy nghĩ trong im lặng, nhìn lại cuộc sống của mình trong im lặng, để rồi sau gần 3 movie, cậu đã bật cười thành tiếng lần đầu tiên. Cười trong khi cơ thể nặng trĩu nhưng lòng thanh thản, tiếng cười yếu ớt mà lại tràn đầy sức sống.
Một lần nữa, Makoto bị gạt chân trước cửa thiên đường khi Death - hậu quả của những việc SEES đã làm một cách mù quáng - xuất hiện. Và tệ hơn, thứ đe doạ sinh mạng của cậu lẫn SEES lại là chỗ dựa tinh thần đã vực Makoto dậy. Giờ đây, cậu kẹt giữa tình huống phải đối đầu với bạn của mình để cứu lấy những người bạn khác. Đúng hơn, cậu kẹt trong sự bất lực khi phải cùng bạn bè mình ngồi chờ chết. Một Makoto đã trưởng thành hơn, đã học cách nắm chặt lấy những liên kết mình có và trân trọng tình bạn lại phải đối mặt với hiện thực nơi người giúp cậu nhận ra giá trị của bạn bè đang tước lấy họ từ tay cậu. Cậu luôn có thể kích hoạt cơ chế phòng thủ tối ưu của con người là quên đi mọi vấn đề của bản thân, nhưng liệu cậu có muốn làm vậy không ? Trải qua bao gian nan để biết được giá trị của cuộc sống, liệu giờ Makoto có muốn vứt cơ hội sống của mình đi không ? Đương nhiên là không rồi, đặc biệt là khi cậu mới bắt đầu được “sống” sau khi gia nhập SEES và gặp gỡ những người bạn đầu tiên của mình.
Và đó là lúc Makoto đáp lại những gì cậu đã nhận được từ bạn bè của mình. Chàng trai lãnh đạm, vô tâm không quan tâm tới bất cứ thứ gì ngày trước giờ đây lắng nghe những gì con tim mình mong muốn và vươn tay tới cuộc sống mà cậu từng lạnh nhạt. Như cách Ryoji nhìn thẳng vào tâm can và giúp đỡ Makoto khi cậu suy sụp nhất, giờ Makoto chấp nhận Death – con người thật của Ryoji - và tiếp tục coi cậu là bạn. Như cách mọi người vẫn ở bên Makoto khi cậu nghi ngờ mục tiêu của chính mình, Makoto trở thành chỗ dựa tinh thần của SEES và khẳng định sự quan trọng của những người bạn đối với cậu. Một lời hứa thay cho sự chân thành của Makoto để vực dậy những điều trân quý của mình. Với quyết tâm không gì lay chuyển nổi, Yuki Makoto đã ngăn chặn được hiện thân của cái chết, và bằng thứ cảm xúc thuần khiết từ sự gắn bó với bạn bè, Đấng cứu thế đã hiện sinh và cản bước khao khát cái chết của cả loài người.
Dù vẫn có những khuyết điểm riêng nhưng 4 phần của Persona 3 the Movie đã xây dựng lên một Yuki Makoto tách biệt khỏi tựa game được chuyển thể và trở thành một nhân vật hoàn thiện của riêng mình. Có người không thích cách Social Links bị cắt bỏ do thời lượng hạn chế của bộ phim, nhưng mình không thấy vấn đề đó quá to tát. Ngược lại, nó hợp lí hơn nhiều khi phần giao tiếp xã hội của Makoto lại ít ỏi đến vậy. Không ai mong chờ một tên lãnh đạm lạnh lùng lại chủ động đi kết bạn hay có ai không bị bắt buộc lại cố gắng quá mức để tiếp cận tên dở người kia. Và khi Makoto đang từ từ và dần dần học cách hiểu được cảm xúc của riêng mình, cậu ta vẫn là kẻ khép kín không quá mặn mà với việc tiếp xúc người mới.
Bên cạnh đó, sự thay đổi và suy nghĩ của Makoto khá đơn giản nhưng lại cần thời gian dài như thể mưa dầm thấm lâu. Vì vậy cách các movie đặt sự phát triển bước đầu ở cuối phim và đưa kết quả ra ở bộ phim tiếp theo sau timeskip nhỏ giữa các phần là một bước đi khá hiệu quả.
Phần hình ảnh thì mình gần như không có gì phàn nàn ngoài tạo hình nhân vật cho Makoto, Aigis và Mitsuru. Mình biết các bộ anime chuyển thể thường đơn giản hoá tạo hình nhân vật, nhưng trong trường hợp của 3 nhân vật trên lại khiến họ trông quá đại trà và không hợp mắt. Bù lại, những cảnh lộ cả 2 mắt của Makoto vẫn hớp hồn như mọi khi, thậm chí là đẹp hơn. Về phần combat chủ đạo, đương nhiên mình không quá mong chờ vào sakuga hay biên đạo võ thuật khi SEES dùng vũ khí cận chiến hay triệu hồi Persona, nhưng thật sự nó tốt hơn mình nghĩ nhiều, đặc biệt là khi Makoto và Aigis chiếm spotlight.
Cuối cùng, soundtracks tuyệt vời của Persona 3 vẫn được tận dụng tối ưu dù cho có vài thay đổi nhỏ nhưng khá quan trọng. Và trong chỗ original soundtracks, mình nhất định phải vinh danh My Testimony khi nó bỗng dưng trở nên iconic không kém gì các đàn anh Burn my Dread, Battle for Everyone's Soul hay Kimi no Kioku.
Và xin nhắc lại, hôm nay là ngày mùng 5 tháng 3, một ngày mang tính biểu tượng cho Persona 3. Cũng chính nhân dịp này mà mình mới mạn phép viết một bài liên quan tới Persona series mặc kệ chỗ kiến thức ít ỏi này.
Blue Jesus died for our sins
So,
Memento Mori.
#Raidriar
Nhận xét
Đăng nhận xét