[Manga Review]: Pandemonium: Majutsushi no Mura – Kiếm tìm thứ phép màu mang tên hạnh phúc



SPOILER ALERT

Pandemonium là một câu chuyện pha đẫm máu và nước mắt, nó cất lên bài ca về ước mơ chưa bao giờ thành hiện thực, về phép màu chưa từng xảy ra, về nỗi đau vẫn không chịu phai tàn, và cả về một hạnh phúc không bao giờ bị dập tắt. 


-Tên: Pandemonium: Majutsushi no Mura
-Tác giả: Shibamoto Sho
-Hình thức: Manga
-Số chương: 12 ( 2 vol )
-Thể loại: Drama, Fantasy, Romance, Seinen
-Tóm tắt nội dung: Câu chuyện kể về Zipher, một con mèo luôn mang theo chiếc hộp trên lưng, lang thang đi tìm ngôi làng phù thủy trong truyền thuyết. Mệt mỏi và đói khát đến cùng cực, cậu ta gục ngã trên con đường vô vọng của mình. Nhưng khi mở mắt, Zipher biết được rằng mình đã ở đích đến của mình. Trong thời gian cậu ta được chăm sóc ở ngôi làng đó, mục đích cho chuyến hành trình vô phương hướng của Zipher lẫn những bí mật của ngôi làng phù thủy dần được hé lộ. 

Bộ manga mở ra một thế giới xa lạ với những “người đến từ bầu trời” không ngừng đánh những trận sấm rền xuống hủy hoại địa hình, héo mòn đất đai. Theo truyền thuyết, những kẻ bí ẩn đó cư ngụ tại một vùng đất ô nhiễm xa xôi nơi chưa con người nào từng đặt chân tới. Hoặc có lẽ, đó là nơi chưa con người bình thường nào từng đặt chân tới trước Zipher.

+ Kẻ dối trá chân thành Zipher 

Bộ manga đi theo chân của Zipher để khám phá về những bí ẩn của ngôi làng phù thủy. Chúng ta, những người đọc, chủ yếu được thấy thứ mà cậu ta nhìn, được nghe những điều cậu ta được kể và nói ra, tiếp xúc trực tiếp với từng dòng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Như vậy, có lẽ Zipher là nhân vật mà ta gần gũi nhất. Nhưng sự thật lại ngược lại, chính vì ta biết mọi thứ về Zipher mà cậu ta trở nên lạ lẫm, tách biệt với người đọc. Nói một cách chi tiết hơn, ta không thể nhận định được cái thật giả trong từng hành động của Zipher. Sự thiếu nhất quán trong thái độ và việc làm của cậu ta dựng lên một bức tường chứa đầy sự khó hiểu, nghĩ ngờ, thậm chí là đôi phần sợ hãi giữa cả ta lẫn những người dân trong ngôi làng đối với cậu. Theo mình mà nói, đó là một cách dẫn dắt khá độc đáo, đưa ta gần hơn vào vị thế của một người biến dị trong ngôi làng phù thủy đang cẩn trọng với kẻ ngoại lai, đồng thời giữ được góc nhìn của người đọc như người bạn đồng hành vô hình của một con người bình thường lạc vào ngôi làng quái dị. 

Nhắc đến tính thiếu nhất quán của Zipher, mình không hề có ý định nói Zipher là nhân vật được xây dựng một các bừa bãi, vụng về, mà thật sự là ngược lại. Trước hết, sự đáng nghi của cậu ta không ngừng thu hút người đọc. Khi tỉnh dậy, Zipher lập tức cuống cuồng lên rồi lại hoà nhã biết điều, nhưng ngay khi không được giám sát thì cậu lao thẳng ra giữa làng với một bọc thuốc nổ trong tay. Cậu ta trải qua chặng đường xa đến vô vọng để tới đây với mong ước hồi sinh vợ mình, nhưng sau khi nghe trưởng làng nói điều đó không thể thực hiện được lại ngoan ngoãn nghe lời. Rất nhiều lần như vậy, thái độ cậu ta cứ xoay như chong chóng, rồi khi một mình suy nghĩ thì bản mặt như thú hoang lại lộ ra. Và mỗi lần mình chắc chắn tên mèo già này là kẻ xấu thì cái trái tim bị tổn thương của hắn lại lộ ra. Cứ mỗi khi nói về kỉ niệm liên quan tới vợ mình là ta lại thấy dòng nước mắt chảy ra từ trái tim đã tổn thương ấy, thấy từng câu nói đối thoại mà như độc thoại đang tuôn tràn sau bao lâu bị khoá kín lại. 

Có thể nói Zipher là một con người tốt bụng sống nặng về tình cảm, nhưng cũng vì quá bấu víu vào cái tình cảm của mình mà cậu ta không màng thủ đoạn để lấy lại được niềm hạnh phúc đã mất đi. Bản chất của Zipher được bộc lộ, được đẩy đến tận cùng khi cậu ta lao vào đám cháy để cứu chú nhím con. Thật sự thì khi cậu ta lao vào đó, người bị nạn duy nhất cần ứng cứu trong nhận thức của mình là người vợ quá cố đã chết trong thảm kịch tương tự. Qua sự đan xen của dòng thời gian quá khứ và hiện tại, cái bất lực, hối tiếc, đau khổ tột cùng của Zipher lộ ra một cách trần trụi. Tâm tư của cậu bị che mờ bởi khói bụi quá khứ tới mức Zipher chỉ biết bật khóc vì sự vô dụng của mình, không ngừng nói lời xin lỗi trong khi vẫn bế đứa trẻ còn thoi thóp trên tay. 

+ Đứa trẻ thấu hiểu đầy nghiệt ngã Molte

Trong suốt bộ manga, người hiểu Zipher rõ nhất có lẽ chính là Molte - đứa trẻ bên ngoài được đưa vào trong làng biến dị và được cưu mang. Từ những lời nói đầu, Molte đã giới thiệu khả năng đọc suy nghĩ của mình và nói đúng mọi tâm trạng, mục đích của Zipher. Cô bé biết được sự hòa đồng nhã nhặn giả tạo của người khách vào làng, biết được mục đích muốn lợi dụng phép thuật trong ngôi làng của Zipher, và trên hết là biết cách Zipher đang dần dần coi Domika như người thay thế cho vợ ông ta. Nhưng Molte không hề có năng lực đó, và những suy nghĩ kia không hoàn toàn là của Zipher mà chúng chính là những suy nghĩ sâu thẳm của cô bé. 

Cũng là người vượt đường xa tìm đến ngôi làng, Molte biết được một người phải tuyệt vọng, bất lực thế nào mới phải tin vào thứ phép màu trong truyền thuyết. Cô bé đã trải qua quãng thời gian năn nỉ để đạt được điều ước của mình nhưng không thành, và trong thời gian đó, cô bé được một Domika hiền hậu chăm sóc. Từ từ và dần dần, sự thiếu thốn tình thương của cô được Domika bù đắp, và cô bé cũng nhìn thấy điều đó sâu thẳm trong thâm tâm của Zipher. 

Dù trải qua nhiều chuyện và biết nhiều điều, Molte vẫn chỉ là đứa trẻ. Lỗ hổng tình thương mới được vá lành giờ lại thấy trống vẫn vì phải san sẻ cô Domika với một tên lạ mặt ích kỉ. Cuối cùng, cô bé dùng những lời lẽ gây tổn thương nhất cho bản thân để đuổi Zipher đi. Và đó là lúc ta nhận ra, khi mỗi người đã đi một ngả, rằng thứ mà cả 3 người họ mong mỏi nhất vẫn luôn là một mái ấm, nhưng không ai trong số họ đủ can đảm để mở lòng mình ra cả. 

+ Một niềm tin vô vọng đến mù quáng và những nỗ lực chân thành

Trong Pandemonium, dường như những con người bên trong và bên ngoài không thể hoà hợp được với nhau. Trái ngược với những con người biến dị an phận luôn có gắng sống một cuộc đời yên ổn là những con người “bình thường” làm mọi cách để đạt được thứ mình muốn. Khi con người gục ngã ở bước đường cùng, họ cần một niềm tin để vựng mình đây, cần một phép màu để biết công sức bỏ ra không phí hoài. Để có thể cầu xin, con người cần một đối tượng, nó sinh vật quyền năng để tin vào. Không thể trả thù thiên nhiên, nhưng con người có thể chĩa súng vào kẻ có khả năng hô mưa gọi gió để dồn cơn thịnh nộ sinh ra từ đau thương mất mát. Và vì thế những kẻ quyền năng ấy được đặt lên đầu thứ xa lạ, khó hiểu mà con người gọi là quái vật ở ngôi làng xa xôi. 

Dù là tiếp cận ngôi làng với mục đích gì, con người đều không thể tin vào sự thật về thứ phép màu không hề tồn tại ở đây. Nguyên nhân cũng vô cùng đơn giản thôi, không một ai dám vứt đi tia hi vọng cuối cùng của mình, phủi đi bao có gắng của bản thân chỉ vì những kẻ kia nói rằng mình không có phép thuật cả. Con người có thể phủ nhận sự thật bất lợi cho mình, có thể đưa ra những giá thuyết để hợp lí hóa quan điểm của mình, thậm chí là làm những điều tồi tệ hơn nữa, nhưng quan trọng là họ biết chấp nhận sự thật và dừng lại đúng lúc.

 Để trả thù cho những ai bị thiệt mạng bởi các trận sấm rền, Crain không ngại ngần đưa nòng súng hướng về phía một đưa trẻ và bóp cò. Thậm chí, hắn còn sẵn sàng tiếp tục xả súng để chứng minh cái phép thuật kia có tồn tại. Để rồi khi sử thật không thể lay chuyển đồ ập lên đầu, Crain chỉ còn biết thu nhặt súng ống, thất thểu tiếp tục cuộc hành trình báo thù. 

Ngược lại, Molte và Zipher chấp nhận sự thật và lựa chọn buông tay khỏi quá khứ hành phúc của mình để bảo vệ cho ngôi làng. Hai người đã không còn cho để về, giờ lại bỏ đi quá khứ đã không ngừng sưởi ấm trái tim, cung cấp động lực cho họ. Họ vứt đi niềm tin tuyệt đối - thứ duy nhất còn sót lại của mình, nhưng những nỗ lực bỏ ra lại được đền đáp. Chính vì Molte lần Zipher đã vượt qua chặng đường gian khổ để đến đây mà họ có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với gia đình mới của mình. Dù vẫn vương vấn mưu cầu cá nhân, nhưng trải tim thuần khiết khao khát niệm hạnh phúc chân thành của họ đã xóa nhòa ranh giới giữa kẻ biến dị và người thường, giữa những sinh vật gói gọn trong ngôi làng phù thủy và kế ngoại lai. 

Bên cạnh nội dung và nhân vật được xây dựng khá đặc sắc, nét vẽ của bộ manga này cũng là điều đáng được nhắc tới. Thay vì chỉ hai màu đen trắng truyền thống, tác giả sử dụng thêm những màu nâu vàng, bao trùm lên bộ truyện một tông màu hơi tò và có phần rỉ sét. Kết hợp nó với những tạo hình quái dị của nhân vật khiến ta luôn mang máng cái cảm giác mới thứ đều hơi lệch lạc, hơi sai trái và có chút gì bị tố thương, y như những nhân vật trong truyện và niềm tin của họ vậy. Và một lưu ý cuối cùng, Pandemonium đọc từ trái sang phải nhé các bạn. 

#Raidriar

Nhận xét

Bài đăng phổ biến