[Manga Review]: Aku no Hana – Đi tìm thứ đặc biệt “của” bản thân và “cho” bản thân



Trong quá trình đọc, Aku no Hana lấp đầy tâm trí mình với những cảm xúc mãnh liệt xuyên suốt chuyến tàu lượn cảm xúc. Nó khó hiểu, điên cuồng, đáng lo ngại, thê thảm, trầm lắng, phô bày lên cái mà mình sợ nhất: “một cuộc sống tẻ nhạt nhàm chán đang giết dần những kẻ sống trong nó” mà vẫn có thể đưa ra cái nhìn ấm áp về cuộc sống hạnh phúc. Từng trang truyện gợi mình nhớ lại Oyasumi Punpun dù chúng không giống nhau đến vậy. Vậy, có ai muốn thử trải qua chuyến tàu lượn này không ?



-Tên: Aku no Hana ( The flowers of evil )
-Hình thức: Manga
-Số chương: 58
-Tình trạng: Đã hoàn thành
-Tác giả: Oshimi Shuuzou
-Thể loại: Drama, Romance, School, Psychological
-Tóm tắt: Cậu học sinh cấp II Kasuga Takao say mê “Les fleurs du mal”, hay còn gọi là  “Hoa khổ đau”, một tập thơ nổi tiếng của Charles Baudelair. Với tâm hồn say mê thi ca, Kasuga cảm thấy chán chường trước cuộc sống tẻ nhạt vùng ngoại ô nơi không ai hiểu được giá trị của Les Fleurs du mal. Cho đến một ngày, trong một phút yếu lòng, cậu đã lấy trộm bộ đồng phục thể dục của người bạn gái cùng lớp Saeki Nanako, và cũng là người cậu hằng ngưỡng mộ. Không may, Kasuga bị Nakamura Sawa, một cô gái cùng lớp phát hiện và đe dọa sẽ phanh phui sự thật nếu cậu không làm theo lời cô ta. Và đó là dấu hiệu đầu tiên cho bước ngoặt trong cuộc sống của cậu. 

Bộ manga lấy cảm hứng từ tập thơ Les Fleurs du mal của thi hào Pháp Charles Baudelaire, thứ lấy chủ đề liên quan tới sự suy đồi và trụy lạc. Tập thơ không chỉ là một chi tiết quan trọng trong manga giúp khắc họa lên con người của Kasuga, sự xuất hiện của nó còn phần nào diễn tả bối cảnh cuộc sống trong cái thị trấn bao phủ bởi núi, nơi mọi thứ đều hoen gỉ này. Tập thơ mà Baudelaire ”viết với tất cả con tim và hận thù..." bị xã hội ghê tởm, chỉ trích khi xuất bản vào thế kỉ XIX này, “đóa hoa khổ đau” này là phao cứu sinh cho Kasuga giữa cuộc sống.

Aku no Hana được chia thành 2 phần riêng biệt khi 33 chap đầu nói về cuộc sống cấp 2 ngày càng điên loạn của Kasuga, còn 25 chap sau lại quay ngắt gần như 180¬o khi kể tới những năm cấp 3 bình thường và ảm đạm của cậu khi đã chuyển đi.

Điểm nổi bật nhất của bộ manga đối với mình là  3 đứa trẻ cấp 2 đi tìm kiếm thứ đặc biệt cho mình. Saeki, Kasuga và Nakamura, 3 người dường như không một điểm chung, lại luôn vướng mắc vào nhau trên con đường tìm kiếm sự đặc biệt ‘của’ bản thân lẫn ‘cho’ bản thân.

+ Saeki Nanako là một con người hoàn toàn bình thường bị trói buộc vào cái tiêu chuẩn của cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình khá giả, được phát triển năng khiếu âm nhạc từ bé, luôn đứng đầu lớp về việc học nhưng cô không hề nhìn thấy giá trị của mình. Từ nhỏ đến lớn, Saeki chỉ đáp ứng yêu cầu và kì vọng mà mọi người đặt lên mình, để rồi cứ phô ra dáng vẻ hoàn hảo của một tiểu thư ấy. Không một ai nhìn vào con người thật của Saeki, để rồi cô đánh mất niềm tin vào con người thật của mình, vào giá trị của bản thân. Không tìm được cái “đặc biệt” của mình, Saeki bị thu hút bởi cái “đặc biệt” của người khác. Cô nhìn thấy Kasuga, một người dám đứng lên chống lại đám đông, dám đưa giọng nói của mình ngược lại dư luận, điều mà cô chưa bao giờ làm được. Và vẫn là một Kasuga mà bình thường cô không để ý tới ấy, cậu ta lại biết rất nhiều về văn học, lại có thể say mê tới vậy khi nói về tập thơ yêu thích của cậu ta, lại hiểu những điều mà cô không hề hay biết. Bị cuốn hút bởi cái lạ lẫm ấy, khao khát việc tách biệt khỏi mọi người mà cậu ta có, cô đồng ý lời tỏ tình của cậu. Và Saeki bám lấy điều “đặc biệt” mà cô tìm được như cách tìm kiếm giá trị của bản thân.

Từ một người không có gì, tình yêu mà Kasuga dành cho Saeki trở thành thứ đặc biệt mà cô nhìn thấy ở bản thân mình, thứ giúp cô khẳng định mình không hề tầm thường, và cô mù quáng trân trọng và níu kéo lấy nó. Cô ghen tị với Nakamura, người luôn được Kasuga để ý tới; biết được việc Kasuga lấy trộm quần áo của mình chỉ làm cô thấy hạnh phúc bởi nó khiến cô trở nên đặc biệt;… Như người bạn của Saeki nói:”Cậu không yêu Kasuga, cậu yêu việc được yêu.” Điều đó không đúng hoàn toàn, nhưng nhất định không sai. Kể cả khi biết rằng Kasuga không nhìn vào con người thật của cô, rằng Kasuga chỉ vô tình yêu một thánh nữ Saeki hoàn hảo, cô thất vọng, bị tổn thương, nhưng vẫn bấu víu lấy cậu ta. Không giữ được tình cảm thì còn thân xác. Và sau khi hi sinh cả thân xác vẫn không thể có được tình yêu, Saeki bất lực nhìn cặp đôi kia làm theo ý họ muốn.

Tuổi trẻ bồng bột là vậy, nhưng sau quá trình tầm thường hóa con người để nhét họ vào xã hội mang tên trưởng thành, Saeki trở thành một con người bình thường với cuộc sống xã hội bình thường, và một hạnh phúc bình thường.

+ Trái ngược hoàn toàn với kẻ bình thường kia, Nakamura Sawa là một ngoại lệ của xã hội, như đứa trẻ cá biệt đến mức tột cùng. Từ góc nhìn của người đọc lẫn Kasuga, Nakamura là một sự lo ngại ( anxiety ) có thể phá vỡ cuộc sống hài hòa bất cứ lúc nào. Phần nào đó, Nakamura vô cùng đáng sợ, bởi cô không tuân theo một chuẩn mực xã hội nào, không hề quan tâm tới chỗ đứng cá nhân trong cộng đồng, tới quan điểm của người khác về mình và cô cũng chẳng mảy  may quan tâm nếu cô phá hoại những thứ đó của người khác. Có thể, Nakamura như giọng nói nhỏ trong đầu chúng ta luôn thủ thỉ rằng hãy làm điều gì đó điên rồ đi, phá vỡ cái luật lệ nhàm chán và vỏ bọc hòa đồng này để sống tự do 1 chút đi ? Bộ manga không bộc lộ rõ ràng suy nghĩ của Nakamura nên ta không thể hiểu được điều gì đang diễn ra trong đầu cô gái cấp 2 này ngoài việc cô ghét cay ghét đắng cái cuộc sống tầm thường này, nơi mọi người đều là lũ óc cứt suy nghĩ hệt như nhau. Ở chap đặc biệt dưới góc nhìn kì dị của Nakamura, mình không thể chắc chắn đó là hình ảnh ẩn dụ cho cách cô nhìn cuộc sống, hay đó thật sự là cái mà cô gái ( khả năng cao là ) tâm thần phân liệt này nhìn thấy. Dù sao thì, cô cũng không thể chịu được sự cô đơn của bản thân trong cái thế giới xám xịt này. Và Nakamura nhìn thấy Kasuga và hành vi biến thái của cậu, đúng hơn là hành vi đi ngược lại đạo đức xã hội của cậu, và cô nhìn thấy một con người đặc biệt, một kẻ không giống như bao kẻ khác để bầu bạn với mình.

Trong con mắt của mình, Nakamura dần hiện lên như một con người tâm thần không ổn định với tư tưởng đoạn diệt ( a.k.a chủ nghĩa hư vô ) không hoàn toàn trong tuyệt vọng. Nakamura căm ghét mọi thứ, cho rằng tất cả là vô giá trị, như cái cách mà cô nhìn mọi thứ trong chap cuối, và bản thân cô cũng không có ý nghĩa gì nhiều hơn chúng, khi cô cũng đang dần dần trở nên giống mọi thứ xung quanh trong góc nhìn của bản thân. Bên cạnh việc cho rằng mọi thứ không có ý nghĩa, Nakamura bắt đầu coi trọng sự vô nghĩa/vô giá trị. Và điều đó dẫn đến quá trình phá bỏ những thứ mọi người coi trọng mà cô cho là vô nghĩa. Đầu tiên là lột bỏ những ảo tưởng tốt đẹp về bản thân mà lũ sâu mọi xung quanh cô có, chi tiết hơn là lột bỏ những lớp vỏ giả tạo mà Kasuga xây dựng lên để hòa vào cộng đồng, để lại một Kasuga trần trụi. Tiếp theo đó là phá vỡ những thứ vô nghĩa mà con người cho rằng chúng có giá trị về vật chất hay tinh thần ( lớp học, tập thơ les fleurs du mal, sự riêng tư, giới tính, đạo đức,… ). Và kết thúc mọi thứ bằng cách chấm dứt thứ vô nghĩa nhất: cuộc sống. Cách nhìn nhận này cũng giải thích lí do Nakamura đẩy Kasuga xuống để tự sát một mình. Cô tự sát vì thấy được sự vô nghĩa của mọi người cũng như bản thân qua việc tự nhận mọi người lẫn chính mình đều là đám shit-eaters, nhưng Kasuga tự sát chỉ vì đang bấu víu vào Nakamura. Cậu ta ghét cuộc sống bẩn thỉu làm mình chết dần này, nhưng cậu không cho rằng mọi thứ là vô nghĩa, cậu thần tượng hóa Nakamura chứ không quan tâm tới tư tưởng đoạn diệt. Và việc Nakamura đẩy cậu cũng là lột bỏ lớp vỏ cuối cùng của cậu – lớp vỏ của một Kasuga bám víu lấy Nakamura.

Sau timeskip, ta gặp một Nakamura quá đỗi bình thường điềm tĩnh, không còn chút dấu hiệu nào của tuổi trẻ nữa. Có thể thời gian đã bình thường hóa cô như Saeki, hoặc cái chủ nghĩa hư vô kia đã lớn tới mức ăn mòn toàn bộ giá trị cuộc sống rồi. Cô không thấy giá trị của cuộc sống, của chuẩn mực xã hội, và cô cũng không tìm thấy giá trị của việc tự sát, của việc phá vỡ những thứ vô nghĩa do con người đặt ra nữa, chỉ chấp nhận cái vô nghĩa đó thôi.

+ Và đến kẻ nổi bật nhất, Kasuga Takao, một kẻ nằm giữa 2 thái cực của cuộc sống. Cậu ta căm ghét cái bình thường ảm đạm của cuộc sống nhưng lại không đủ đặc biệt để thoát khỏi nó, để bỏ ngoài tâm trí những cái xô bồ tầm thường mà mình ghét, như 2 câu cuối bài thơ “Chim hải âu” trong Les Fleurs du mal :
               ”Lưu đầy giữa tiếng cười chê
       Mang đôi cánh rộng khó bề bước đi.”
 Những cuốn sách, tập thơ của cậu không đủ để vượt lên thực tại nhàm chán này, và cậu biết không sớm thì muộn bản thân sẽ bị nuốt chửng bởi nó. Chênh vênh giữa 2 bến bờ cuộc sống, cậu cũng bị đưa đẩy bởi 2 người con gái 2 bên đó. Cậu có thể chọn nàng thơ Saeki của mình và yên phận với cái cuộc sống bình thường của một nam sinh trung học, hoặc chọn Nakamura để có thể cười vào cái thực tại thảm thương nơi không một ai bất mãn với cuộc sống nhạt nhẽo này, để vượt qua các dãy núi bao quanh thị trấn tới một “bên kia” đầy hồi hộp. Nhưng, cậu không chọn được, vì cậu chỉ là một kẻ trống rỗng nửa vời. Kasuga đã đọc Les Fleurs du mal, Shibusawa Tatsuhiko, Burton, Bataille, Osamu Dazai,… nhưng đọc rồi thì đã sao ? Cậu không hiểu chúng, không hiểu Les Fleurs du mal mà chỉ đọc chúng. Cậu tin rằng đọc những thứ cao siêu đó, tỏ ra am hiểu và thích thú những thứ cao siêu đó sẽ khiến cậu khác những kẻ tầm thường mà cậu gặp hàng ngày. Cậu tạo ra một không gian nhỏ hẹp bằng văn chương để nhét mình vào đó, đóng cửa lại làm ngơ trước thực tại rằng mình không hề đăc biệt. Kasuga thần thánh hóa Saeki tới mức không dám nhìn vào con người thật của cô, không dám đối mặt với cô dù cả 2 đang hẹn hò. Đồng thời, cậu không phải là kẻ dị biệt đi ngược lại xã hội, không phải là tên biến thái vô đạo đức mà Nakamura mong chờ, cậu chả là ai cả.

Chính vì không phải là ai mà cậu, giống như Saeki, bị thu hút bởi những thứ đặc biệt. Khác với một Saeki bình thường không thể trở nên đặc biệt hay một Nakamura vốn đã khác biệt, cậu ta cố gắng trở nên khác biệt để đuổi theo Nakamura bằng cách phá vỡ chuẩn mực đạo đức. Tuyệt vọng đánh đổi mọi thứ để có được cái đặc biệt mà mình hằng mong muốn, cuối cùng cậu lại bị gạt sang một bên bởi người cậu tin tưởng nhất. Đến cuối cùng Kasuga cũng không biết lí do Nakamura đẩy cậu xuống để tự tử một mình.

Là kẻ nửa mùa nhất trong dàn trio, nhưng cậu lại là người có phát triển nhân vật đàng hoàng hơn cả. Sau timeskip, Kasuga chỉ còn là một thanh niên ảm đạm bình thường. Cậu chấp nhận sự thật rằng mình không phải kẻ đặc biệt gì cả, chỉ là một người bình thường hay phá mood của các bữa tiệc. Đó cũng là lúc cậu nhận ra điều đặc biệt của mình, niềm đam mê với sách. Đúng là cậu đã dùng nó như một lớp vỏ để tự thỏa mãn bản thân, nhưng bây giờ lớp vỏ đã bị gột sạch trần trụi, và cậu lại đến với sách, lại đắm chìm trong ngôn từ và ý thơ. Lần này, không còn sự giả dối lừa gạt gì nữa, chỉ còn tâm hồn cậu với trang giấy. Cậu vẫn trống rỗng như vậy, và gặp được người trống rỗng đội lên lớp vỏ khác để trở nên đặc biệt giống như cậu, nhưng bây giờ có mỗi liên kết thật sự giữa niềm đam mê văn chương giữa 2 người kết nối lại với nhau. Và, thế là đủ để cậu bóp nát đóa hoa khổ đau này. Đúng, cậu ta đã luôn lệ thuộc vào kẻ khác, vào Les Flours du mal, vào Saeki, vào Nakamura, vào văn chương và người bạn mới cùng sở thích này, nhưng Kasuga vẫn luôn đủ mạnh mẽ để chấm dứt quá khứ vào bước tới thực tại.

Chấm dứt nỗi ám ảnh với quá khứ không có nghĩa là dứt bỏ đó. Thị trấn đó vẫn không buông tha cậu, và Kasuga quay lại nơi đây, đối mặt với quá khứ và nói lời xin lỗi cho những gì mình đã gây ra. Không biết hành động ngày xưa của cậu là đúng hay sai, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã gây tổn thương cho nhiều người, và cậu cần đối mặt với họ. Để vượt qua quá khứ, trên hết, cậu phải gặp và giãi bày với Nakamura. Kasuga đã trở thành một con người bình thường, thành một thứ Nakamura luôn coi là vô giá trị, và cô cũng không quan tâm cậu nữa. Thật sự, Kasuga không cần cô  làm gì cho cậu, cậu chỉ cần đối mặt với cô, đối mặt với quá khứ của mình. Và phần nào trong cậu muốn nhìn thấy một Nakamura chưa biến mất, bởi cô đã luôn là một phần vô giá của cậu.

Cùng với sự chuyển biến của thời gian, sự phát triển của nhân vật và vòng xoay của thời gian, nét vẽ của bộ truyện đã được cải thiện rất nhiều. Ngay từ ban đầu, Aku no Hana đã không có mấy vấn đề về art, nhưng việc chất lượng được cải thiện dần cũng là một điểm cộng nho nhỏ.

Một trong những điểm ấn tượng nổi bật bên cạnh dàn nhân vật ấn tượng và plot độc đáo khó đoán là pacing của bộ manga. Phần lớn câu truyện có tốc độ khá chậm, kể cả những khung cảnh điên loạn. Thật sự, trong phân đoạn Kasuga và Nakamura đập phá lớp học, độ điên đã vượt mức kiểm soát nhưng cái tính hài hòa và im lặng của màn đêm vẫn bao trùm từng trang chuyện.

Nhiều người không thích việc tông truyện thay đổi gần như hoàn toàn sau timeskip, đặc biệt là khi timeskip xảy ra ngay sau climax. Sự xuất hiện của nửa sau phá hỏng tính điên loạn của nửa đầu cũng như của toàn thể bộ truyện, đồng thời phá hỏng cái theme anti-social siêu thực của nửa đầu. Cá nhân mình lại cực kì thích nửa sau này. Nó cho thấy sự trưởng thành của các nhân vật khi vượt quá lứa tuổi bồng bột kia cũng thể hiện góc nhìn của những đứa trẻ trưởng thành về bản thân chúng hồi trước, về cái bồng bột của thời xưa. Không chỉ vậy, nó cho mình một happy ending mà mình có hơi mong muốn quá mức, cho thấy khả năng hòa nhập xã hội, tái gia nhập cuộc sống của những con người chán nản xã hội. Và trên hết, nửa sau của Aku no Hana cho mình thấy một góc nhìn khác về cuộc sống. Nửa đầu cho thấy cái xấu xí của xã hội nhàm chán vô vọng trong một xã hội lạnh nhạt, cho thấy mong muốn thoát khỏi cái thực tại bị rào chắn bởi núi bao quanh chỉ chờ đợi để hoen gỉ. Còn nửa sau cho thấy một lối sống bình thường, chán nản nhưng vẫn luôn có niềm hạnh phúc ẩn giấu ở trong nó, nơi mà bạn có thể tìm ra hạnh phúc chỉ bằng câu nói đơn giản như “Con đã về” với bố mẹ đang đợi ở nhà, nơi bạn sẵn sàng nói lời xin lỗi để chữa lành tâm hồn người khác, nơi bạn luôn có thể vô tình tìm thấy đam mê của mình, nơi mà nếu bạn không chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt vô vọng thì hãy đứng dậy, hãy chạy hết sức, hét to đến rung cả cuống họng để tìm thấy hạnh phúc của mình.

Hoa là biểu tượng của cái đẹp, vậy hoa khổ đau thì sao ?

#Raidriar

Nhận xét

Bài đăng phổ biến