ANALYSIS: NEON GENESIS EVANGELION QUA LĂNG KÍNH THẦN HỌC NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VỀ ĐỊA ĐÀNG


Bài viết mà các bạn đang đọc là thành quả của sự hợp tác giữa hai admin Atom và Anthony. Nội dung của nó hoàn toàn khác với bài phân tích “NGE: từ Kant đến Hegel và bước nhảy niềm tin của Kierkegaard”. Chủ đề chính của bài sẽ là Thần học. Mình sẽ mổ xẻ ý nghĩa của Human Instrumentality và diễn biến tâm lý của Ikari Shinji trong 2 ep cuối và End of Evangelion bằng đạo lý của 3 tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Phật giáo và Thần đạo (Shinto). 

Trong khi #Atom vận dụng triết học hiện sinh để nhấn mạnh chủ đề “niềm tin” mà Anno Hideaki đã đặt vào trong cái điên loạn của Neon Genesis Evangelion, mình chọn chủ đề “Đức tin và sự Giải thoát” và vận dụng Thần học. Nói một cách hình tượng như chính tác phẩm đang được phân tích, bọn mình đang mở hé cánh cửa của vườn địa đàng. Nơi đó có Cây Trí Tuệ, thứ cây ban trái giúp người ta thông tuệ mọi kiến thức và hiểu biết mọi lẽ trên đời; nơi có Cây Sự Sống, thứ cây ban trái có quyền năng kết nối toàn cõi lên Thiên đàng. Một người thì vận dụng triết học, như nắm giữ Trái Trí Tuệ, còn một người thì giữ trọn đức tin, như nắm giữ Trái Sự Sống.

Để chuẩn bị cho một chuyến đi phi thường qua sự hướng dẫn của hai ad AR2D, mình khuyến cáo bạn đọc nên xem 26 ep NGE bản tvs (bản gốc) và movie The End of Evangelion. Tiếp theo là đọc bài phân tích “NGE: từ Kant đến Hegel và bước nhảy niềm tin của Kierkegaard”. 
Và để làm cho cái bài viết dài ngoằng này không trở nên khô khan, và để bạn có tâm thế để thu nhận những giá trị đáng trân trọng, hãy đặt bên mình một món ăn nhẹ và bật bản “Ode to Joy” (Khúc Hoan ca). Mình đã dẫn link trong phần comment. 

Chúng ta đang cùng bước ngang qua những dãy bàn của một quán cà phê có nội thất trang nhã. Anthony mở toang cánh cửa dẫn ra một khoảng sân thoáng đãng. 

“Chúng ta sẽ ngồi tại đây” Tôi chỉ đến chiếc bàn ngoài cùng, nơi nhìn ra một thảm cỏ óng ánh dưới nắng mai, xa xa là một vạt rừng thấp nằm dưới sườn đồi.
“Lúc đầu thì tôi không quen vị cà phê do chủ quán pha, nhưng ra đây ngồi ngắm cảnh mãi thì quen mùi, riết rồi thấy ngon”
Tôi vừa nói thì nghe tiếng một cô gái đang căng ngực hít lấy bầu không khí trong lành, thoảng mùi cà phê rang trong bếp. Cô gái ấy tên là Thanh Vân, một bạn trẻ làm thông dịch viên. Đứng bên cạnh Vân lúc này là anh cô, tên Quang Đức, người bạn mà tôi quen được qua Internet, một người thông tuệ và chán đời. Anh đã sớm rời thành phố về quê ẩn cư.
Ba người bạn ngồi tán những chuyện trên trời dưới bể. Khi người chủ quán đặt những ly cà phê nóng hổi lên bàn thì chúng tôi bắt đầu ôn lại những chuyện cũ. Cụ thể là, chúng tôi đã gặp và quen nhau như thế nào nhờ một thread thảo luận về cái kết của Neon Genesis Evangelion.

“Hồi đó ba chúng ta có thể nói lan man về Thần học trong EoE đến mấy trang. Sau vài năm học tập thì tôi nảy ra nhiều ý kiến về Human Instrumentality Project. Như hai bạn đã biết, Human Instrumentality là sự kiện tất cả linh hồn của loài người (hay Lilin, những đứa con của Lilith) nhập làm một trong Trứng của Lilith và trở thành một bản thể duy nhất. Nó không phải một tập hợp các linh hồn, vì cái tôi đã bị xoá bỏ. Những nỗi sợ và sự yếu đuối của mỗi linh hồn sẽ được lấp đầy bởi những linh hồn khác. Ở đây, Anno Hideaki đã áp dụng khái niệm “Alienation”(tạm dịch, sự chia lìa) bắt nguồn từ những nhà Thần học theo thuyết Sáng thế vào thế kỉ thứ 3 trước thời Augustine.
Tại sao Chúa lại tạo ra vũ trụ, trong đó có con người? Theo giáo lý của Thần học Augustine, Công giáo, Giáo hội Luther và phái Calvin, Chúa Toàn Năng tạo ra vũ trụ cho những tạo vật mà ngài ưu ái sinh sống.
Trước sự kiện Sáng thế, Chúa và Con Người là một, trong một thể thống nhất.  Sau đó Ngài tách Con Người ra khỏi mình qua hành động tạo nên vũ trụ (Sáng Thế). Điều đó được xem là một bi kịch, khi Con Người bị chia cắt khỏi Chúa, cũng như khỏi những Người khác, và khỏi chính tự nhiên. Từ đó mà hình thành nên khái niệm “Alienation”. Đó là một sự kiện vĩ đại và không thể quay ngược. Nhưng đến ngày Phán xét, loài người sau cố gắng tự hoàn thiện có thể được trở lại với Chúa, trở thành một bản thể thống nhất như trước sự kiện Sáng thế.
Sự kiện Third Impact là lời giải của Seele và Gendo cho nỗi đau “Alienation”. Seele tạo nên các Eva theo hình ảnh của Chúa. Eva-Unit 01 là pilot của God- Giant Naked Rei, một  vị Chúa được tạo ra bằng xương thịt của Lilith. Tại sao lại chọn Rei? Vì cô bé là người đầu tiên trong series tiến gần đến phẩm trật Thần Thánh. Ngay từ Ep 1, Rei Ayanami bất chấp thương thế để cứu leo vào Eva hòng đẩy lùi đợt tấn công của Sachiel. Đến khi đối mặt với Armisael, Rei hy sinh bản thân mình để cứu Shinji sau khi nhận ra tình yêu dành cho cậu. Nên nhớ, dù có vô số bản sao nhưng tại mỗi thời điểm, chỉ có một Rei tồn tại. Linh hồn của cả 3 bản sao xuất hiện trong series đều là một. Chính linh hồn đó đã vươn lên Thần thánh sau vô số sự hy sinh để cứu rỗi loài người, xứng đáng trở thành God để nhập làm một với loài người và chấm dứt nỗi đau gây ra bởi sự kiện Alienation.”

Quang Đức tiếp lời:
“Instrumentality là biện pháp cưỡng ép loài người vứt bỏ cái tôi và nhập thể vào một bản thể duy nhất, chính bản thể đó tồn tại bất diệt. Điều đó vô hình chung ngừng toàn bộ quá trình tịnh tiến của mỗi cá nhân. Bản chất kế hoạch của Seele là xoá bỏ sự Vô Thường (luôn luôn biến đổi) của vạn vật bằng cách chấp vào một cái Ngã vĩ đại (cái tôi tập thể của Nhân loại).
Quán vô thường trong vô minh là tự diệt. Human Instrumentality là một phương pháp chỉ phương hại đến con người nói chung. Mỗi linh hồn đều cần bước trên đạo của riêng mình để thoát khỏi bể khổ. Human Instrumentality là hành động từ chối không cho cá nhân thoát khỏi màn Vô Minh. Chính bản thân nó là một ảo tưởng tối hậu. Nói cách khác, nó còn tệ hơn cả Cái Chết”

Anh nhìn qua em gái và nhận ra cô rất nóng lòng muốn nói lên những hiểu biết của mình. Thanh Vân bắt lấy cơ hội và lên tiếng:
“Để em giải thích thêm vì sao anh Đức gọi Human Instrumentality là hành động từ chối không cho con người thoát khỏi màn vô minh.
Hãy bắt đầu với định nghĩa của Thần đạo. Chữ “Thần” biểu trưng cho khái niệm Kami, trọng tâm của giáo lý Thần đạo. Định nghĩa Thần đạo rất rộng nhưng đều có thể quy về Kami. Nó không thể được dịch đơn giản chỉ là “linh hồn” hay “thần” vì nghĩa của từ này bao quát hơn nhiều.
Kami có thể bao hàm thần linh, quyền lực và phép lạ thần thánh, linh hồn và thần tính.
Nó hiện diện khắp nơi, vừa nam vừa nữ, vừa tầm thường vừa thần thánh. Kami ẩn trong kẻ sống và kẻ chết; trong vật chất vô cơ và hữu cơ; thậm chí các hiện tượng tự nhiên như hạn hán, lũ lụt cũng được xem là Kami. 
Điểm đặc biệt của Kami là nó không nhất thiết phải được xem là siêu hình, mà hoàn toàn có thể phát lộ trước mắt loài người. Những vị thánh nhân như Thiên hoàng Ōjin đã được phong Kami khi còn sống. Thế giới Kami như vậy tồn tại song song với thế giới thực mà con người nhận thức, khi thì hoà lẫn, khi thì tách biệt.
Trở lại với hình ảnh God Rei và quả trứng Lilith sáp nhập linh hồn của toàn bộ loài người. Human Instrumentality đã phạm vào điều cấm kị của Thần đạo, đó là làm ô uế linh hồn của loài người. Khi đó, những cái xấu xa, ô uế (hay kegare, trong Thần đạo) trộn lẫn và làm vấy bẩn toàn bộ khối linh hồn nằm trong quả trứng Lilith. Chính vì mong ước của Seele chỉ là sáp nhập linh hồn loài người thành một khối thống nhất đến vĩnh viễn, hành động thanh tẩy (harae) không bao giờ được thực thi nữa. Vì vậy mà khối linh hồn đó mãi mãi bị ô uế mà không cách nào thanh tẩy được.”
 
Tôi tiếp lời :” Anh đã đọc bài viết của em , như vậy Quả trứng của Lilith đang chứa hàng tỉ Kami của loài người, bản thân nó lại hình thành một Kami riêng biệt (Kami của Nhân loại). Và God Rei là một Kami vĩ đại đang thực hiện ước nguyện của những kẻ đã khởi động Human Instrumentality là xoá bỏ sự ngăn cách đã làm khổ loài người.
Ba bản thể trên, đến lượt mình, lại cách biệt hoàn toàn với thế giới Kami đang tồn tại trên Trái đất, và toàn thể vũ trụ.”

Quang Đức:” Đúng vậy. Bên cạnh đó, Human Instrumentality đặt điểm kết thúc cho quá trình tịnh tiến của mỗi cá nhân. Quá trình đó diễn ra như thế nào?
 Theo Thiên Chúa giáo, Chúa sẽ phán xét mỗi cá nhân một cách riêng biệt. Mỗi người sẽ nhận được ban ân, hay nhận sự trừng phạt, tuỳ theo hành động của mình trong cuộc đời. 
Instrumentality là ngăn con người đền tội và hoà giải với Chúa.
Theo Phật giáo, con người vì vô minh mà bị cuốn theo bánh xe luân hồi. Mãi mãi không siêu thoát. Tu tập tịnh tiến là dứt mình khỏi luân hồi để bước về cõi Niết-bàn không còn khổ đau.
Instrumentality là hình ảnh bánh xe luân hồi ngừng lại, nhấn chìm con người trong ảo tưởng “hoàn thiện”, đánh mất cơ hội vươn tới Niết bàn.
Theo Thần đạo, linh hồn người chết và người sống có khi cùng chia sẻ cõi tạm, có khi linh hồn đi về thế giới bên kia, hay vươn lên hàng thần thánh bằng những thành tựu tu tập.
Instrumentality là giam cầm Kami của mỗi cá nhân, và tập thể Loài người trong Quả trứng của Lilith để chịu đựng sự nhơ nhuốc vĩnh viễn, không thể siêu sinh tịnh độ.

Như vậy, chúng ta đồng tình rằng Human Instrumentality là một cú lừa vĩ đại từ phía Seele và Gendo. Hãy trở lại với khái niệm “Alienation”. Thật ra Anno Hideaki không bận tâm đến nỗ lực vươn mình đến thần tính của loài người. Ông chú trọng hơn vào sự gắn kết của con người với nhau. Và nỗi khổ đau của mỗi cá nhân trong quá trình đó.
Trong End of Evangelion, Anno Hideaki đã ngầm khẳng định Human Instrumentality tương đương với Cố gắng Tự Giải thoát (Escapism) hay Rút lui khỏi Thực tại; và chính Cái Chết. 
Đạo diễn đang nói về cái Ngã của mỗi con người thông qua Evangelion, hơn là Linh hồn, điều mà chúng ta đang đề cập.”

Thanh Vân:”Ở khía cạnh này, có rất nhiều điều có thể được đem ra mổ xẻ vì End of Evangelion là một bộ phim đầy tính biểu tượng,

“Forget about the Eva! Just go back to your old life!”

Shinji Ikari đã luôn bị chỉ trích vì sự nhu nhược của mình, từ cha cậu, từ Asuka, từ chính người xem. Ngay cả khi cậu nhóc sẵn sàng dùng tay không mở buồng lái của Unit-00 để cứu Rei. Cái người dù chịu đựng nỗi đau cùng cực mỗi khi Unit-01 bị lũ Angel hành hạ nhưng vẫn có mặt mỗi khi chúng xuất hiện. 
Sự nhu nhược cố hữu của cậu thực ra xuất phát từ nỗi sợ bị bỏ mặc, không đếm xỉa tới. Cậu có thể chịu đựng đủ mọi thương tổn về tinh thần và thể xác, nhưng cái cảm giác bị cha mình bỏ mặc, khi cần thì xem như một công cụ, và bị người đời ruồng bỏ mới là điều cậu sợ nhất. Shinji sợ nhất là sự từ chối. Cậu tìm kiếm những mối liên hệ và sự chấp thuận. Alienation nó còn đáng sợ hơn là Cái Chết. 
Trong miền suy tưởng, Shinji được thấy mình sống một đời bình thường, giữa các bạn học, cũng như những nhân sự của Nerv. Nhưng cái cảm giác sống cạnh nhau mà chẳng ai đoái hoài gì đến nhau thật sự quá kinh khủng. Khoa học, công nghệ, kiến thức, giải trí dù đầy cám dỗ nhưng cũng là những điều khiến chúng ta quên mất nhu cầu thấu hiểu bản thân mình và cả những người xung quanh. Tất cả những kỳ quan và kiến thức trên đời là vô nghĩa, nếu chúng ta dùng chúng để chạy trốn khỏi người khác, và chính bản thân mình. 
Đến cảnh rạp phim chiếu tư liệu về Second Impact, ta thấy những người đến đây để trốn tránh thực tại chứ chẳng hề bận tâm đến bộ phim. Ngồi trên ghế khán giả, họ lại dùng chính thực tại: giấc ngủ, sách vở, suy tưởng, tình yêu, để khỏi phải để tâm đến nó. Vòng luẩn quẩn lẩn tránh cứ xoay vần đến khi Shinji chạy trốn sự cô đơn của bản thân bằng cách trốn vào những giấc mơ.
   Sự xa cách đó khiến con người mơ tưởng đến sự hợp nhất, hay Instrumentality.
 Đến cảnh “Congratulations” trứ danh, giọng nói của Asuka, Rei và Misato giúp Shinji hiểu được rằng sự cô đơn của cậu xuất phát từ việc Shinji cố gắng né tránh những người khác. Điều đó khiến cậu không có nhu cầu và hành động để thấu hiển bất kì ai, dẫn đến việc cậu cũng chẳng thể hiểu chính mình. Việc Shinji bị cả thế giới ghét bỏ và xa lánh cũng chỉ là ảo tưởng trong đầu cậu. Và cái tôi thật sự của cậu vượt xa những ảo tưởng của chính bản thân cậu. Trên thực tế, cậu có thể yêu chính bản thân mình. Niềm tin mới mẻ đó đập tan những ảo tưởng trước giờ, để lập nên một ảo tưởng mới, nơi mà mọi người ngưỡng mộ, yêu mến và chúc tụng Shinji. Thông điệp của đoạn phim là “Take care of yourself.”

Nhưng chỉ như vậy là không đủ. Ảo tưởng được mọi người chấp thuận và yêu mến vẫn là một ảo tưởng. Chính vì vậy mà Anno Hideaki không chỉ dừng lại ở ep 26 và làm tiếp End of Evangelion. Ông muốn giải quyết rốt ráo nan đề “Alienation.”

Đức Quang: “Vì sao các “self” trong phim lại thù địch và xa cách nhau? Tại sao Asuka lại ghét Shinji, ghét Rei, Misato, ghét tất cả mọi người và chính bản thân của cô. Kể cả đối tượng mà Asuka yêu là Kaji cũng chỉ là một object, với mục đích là để khẳng định sự trưởng thành của cái “self” của Asuka. Chứ bản thân cái “self” tên Kaji không phải là người tình của Asuka. Theo giáo sư Robert C. Tucker (1918-2010), các “self” luôn hướng tới cái vô hạn, cái “tuyệt đối”. Thế nên nó không thể chịu được việc nhìn thấy những “self” khác, bởi vì thế có nghĩa là có ai đó tồn tại ngoài nó, có nghĩa là sự hiện hữu của nó chỉ có giới hạn chứ không vô hạn. 
Nỗi đau và sự xa cách đó được gây nên bởi một ảo tưởng về Ngã. Theo Phật giáo, ý nghĩ cho rằng có sự tồn tại của các “self” hay cái “ta” và cái “người” là Vô minh. Người chấp vào Ngã, tức tin rằng có tồn tại của các “self” là do Si mê. 
Cái ngã vốn là không có thực. Nó là một ảo tưởng hình thành trong tâm trí con người. Việc tự hỏi “Đâu là Ta? Bản chất của Ta là gì?” là hành động đuổi theo mộng tưởng, cứ luẩn quẩn mãi không dứt được. “Ta” ấy là ảo mộng của tri thức. Vì bản chất của tri kiến là phân biệt vạn vật, nên mới thành ra ảo tưởng là có “ta” và “người”, có các “self” tồn tại độc lập với nhau. Trong đời sống, chúng ta vì vin vào kinh nghiệm và hoàn cảnh sống mà sinh ra ảo tưởng “Ta là như thế này, Người là như thế này”, “cái này là của Ta, cái kia là của Người” mà quên mất cái lẽ Vô Thường của vạn vật. Đó là vạn vật thường đổi, không có gì là không thay đổi qua thời gian. Sông rồi sẽ cạn, núi rồi sẽ mòn, con người sinh ra rồi chết đi, không gì là không thay đổi. Vì vậy, chấp vào một sắc, tức cho rằng một tính chất hiện có là trường tồn và bất biến là si mê, là chưa nhận ra cái lẽ Vô Thường.”

Tôi: “Lý thuyết vô thường hoàn toàn có thể được chứng minh bằng vật lý học, căn bản nhất là bằng Nhiệt động lực học. Nhưng tôi cho rằng nó không áp dụng cho linh hồn con người. Thậm chí trong chính Phật giáo cũng tồn tại thuyết Luân hồi, trong đó mỗi linh hồn đầu thai qua vô số kiếp. Có một số linh hồn, như của Phật Thích Ca đã đạt đến Niết-bàn với định nghĩa “hằng-thường-lạc” (vĩnh cửu-không biến đổi-hoan lạc/không khổ đau). Chính ngài chứ không phải những môn đệ của ngài mới đạt được đến cảnh giới ấy. Tóm gọn lại, tôi đưa ra giả thuyết rằng vẫn có tồn tại một Ngã theo mỗi linh hồn con người ngay cả khi lên Thiên đàng, hay xuống Địa ngục.”
Quang Đức: “Tính chất của linh hồn không chỉ là vĩnh cửu, và cũng không bất biến đâu. Chính vì vậy mà Ngã là một ảo tưởng. Và được làm người là một đặc ân.”
Thanh Vân: “Em sẽ giải thích tiếp về tính chất của linh hồn. Đầu tiên, cần phải làm quen với khái niệm Cái Chết của linh hồn, hay sự tiêu biến, đi vào cõi hư vô. Anh có thể liên tưởng đến đoạn kết của nhân vật Light Yagami trong truyện Death Note. Không tồn tại, không đầu thai, không là gì cả. Khái niệm khoa học gần nhất của cõi Hư vô là “Heat Death of the Universe”, đoạn kết khi mà các ngôi sao lụi tắt, các lỗ đen vũ trụ ngưng phát xạ vì Entropy đã đến mức cực hạn. Khi đó vạn vật sử dụng hết năng lượng , chỉ còn trôi nổi trong miền vô định.
Linh hồn có thể Chết đi như vậy. Điều tương tự diễn ra với các linh hồn mắc kẹt trong quả trứng Lilith.”
Tôi: “Vậy có nghĩa là thế giới linh hồn cũng gần như thế giới vật chất. Và cũng có những quy luật?”
Thanh Vân: “Đúng vậy. Anh đã dần làm quen được với thuyết Kami của Thần đạo.
Linh hồn có thể tan vỡ, có thể mất đi. Có thể bị lấm bẩn (kegare), có thể được thanh tẩy (harae). Có thể lên thiên đàng, có thể kẹt lại nhân giới, có thể xuống địa ngục. Một cá thể có một linh hồn, nhiều cá thể có nhiều linh hồn, một tập thể lại hình thành một linh hồn. Kami bao phủ tầng tầng lớp lớp của thực tại mà chúng ta đang trải nghiệm.”
Tôi: “Chính trong kinh thánh cũng có đoạn:

John 3:16” Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Linh hồn thông qua việc phạm tội mà bị đày xuống hoả ngục, bị mất đi thần khí mà chịu khổ đời đời. Linh hồn không phải là bất tử bất diệt.”

Quang Đức: “Nhờ em gái mà tôi ngộ được Vô Ngã. Ngay chính thế giới linh hồn tưởng chừng là bất diệt cũng chịu những đổi thay không ngừng. Linh hồn này đi lên. Linh hồn kia hạ xuống. Tuy sắc mỗi lúc một khác nhưng các linh hồn đều có cùng nguồn gốc và bản chất. Đó là Kami, năng lượng thần tính vừa thiện vừa ác, vừa nông vừa sâu, chuyển biến vô cùng vô tận. Vạn vật được kết nối trong một mạng lưới Kami khổng lồ nên mới sinh ra luật Nhân quả. Không ai có thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của nó. Như chính loài người tuy khác màu da, sức khoẻ, tuổi tác và địa vị nhưng đều chia sẻ những phẩm chất chung của loài người. Đó chính là Vô-Ngã. Không có Ta, và không có Nó. Chúng ta là Một, đều cùng nhảy trong một vũ điệu vĩ đại giữa vũ trụ này.
Không chỉ mỗi loài người và muôn loài, mà cả những sự vật vô tri cũng đều hàm ẩn Kami và cùng kết nhịp giữa vũ trụ.
Alienation, sự ngăn cách giữa con người với nhau, chỉ là một ảo tưởng bắt nguồn từ việc chấp vào Ngã (self). AT Field (Absolute Terror Field) ấy là màn Vô Minh mà mỗi người dựng lên để bảo vệ cho cái ảo tưởng đó.”

Thanh Vân: “Cho em hỏi một câu: Tại sao chúng ta lại hướng thiện bằng sự tu tâm dưỡng tính, và bằng cố gắng tiến bộ trong khi lại cho rằng vạn vật là Vô-Ngã.
Hãy nhớ, Shinji tự khép mình lại, Asuka trở nên hung hăng, và Misato đắm chìm trong ái dục, là để tránh khỏi nỗi khổ đau và thất vọng khi tiếp xúc với người khác. Những người đó có thể là những bậc cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, những kẻ côn đồ và lũ đồi bại. Nếu vạn vật là Vô-Ngã, thì chúng ta hướng thiện để làm gì? Chúng ta có khác gì chúng đâu.”
Tôi: “Để được Chúa yêu thương và được ân sủng của Ngài.”
Quang Đức: “Để diệt khổ, và tìm đến cõi Niết-bàn.”

Tôi tiếp lời: “Để hiểu được điều đó. Cần tìm hiểu về sự tự do và tính cá nhân trong Thiên Chúa giáo. Hãy nhìn thảm cỏ trước mắt em. Không có một ngọn cỏ nào trong số chúng hoàn toàn giống nhau. Hành tinh này có hàng tỉ loài sinh vật sinh sống. Mỗi cá thể của loài lại hoàn toàn độc nhất. Sự phong phú ấy là sự tự do trong Chúa. 

Thánh Vịnh 104:24 “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.”

Đa dạng trong đồng nhất, đồng nhất trong sự đa dạng. Chúng ta không cần thiết phải giống nhau, hay “bù đắp khuyết điểm cho nhau.” Chúng ta được sinh ra thật đa dạng ấy là vì trong tình yêu của Chúa, mọi con người, mọi sinh vật được tự do mà không phải phụ thuộc vào bất cứ một đối tượng nào. 
Mỗi người chúng ta lại là một cá nhân riêng biệt với những trải nghiệm và tính cách riêng biệt, những khả năng và ưu nhược điểm đặc trưng, mà qua đó có một hành trình riêng để tìm về với Chúa.
Và trên hết,
Đức Chúa Trời là vĩnh hằng và toàn thiện. Ngài đứng trên lẽ Vô Thường. Chúng ta được tạo ra theo hình của Ngài, và tượng của Ngài:

Sáng-thế ký 1:26-27 “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất”

Vì lẽ đó Con Người là đáng quý và độc nhất vì chúng ta chia sẻ chung một cái Tôi với Chúa Trời. Cái Tôi của chúng ta là một món quà mà Chúa ban để khẳng định Con Người là Một với Ngài. Con Người có một vị trí vô cùng đặc biệt giữa vũ trụ, khi được xếp trên cả các thiên thần vì là Con của Chúa. Và vì Chúa yêu thương con người nên Ngài cho Con Người toàn quyền lựa chọn lối đi cho cái Tôi của chính bản thân mình. Chìm vào hư vô và đánh mất cái Tôi, trở thành một trong vô số những thứ Vô Thường, hay đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và xác nhận đức tin vào Chúa. Nhờ đó chúng ta mới có thể trở về vườn Địa Đàng và sống trong tình thương của Ngài. 
Trên đời cũng có những người chưa biết Chúa mà sống đẹp lòng Chúa. Những người đó được phúc lành vì công đức của mình. Tuy vậy, chỉ những người theo Chúa mới có thể trở về Địa Đàng và hưởng trái của Cây Trí Tuệ và Cây Sự Sống đến muôn đời.”

Quang Đức: “Những cái xấu cái ác là do linh hồn chấp vào Ngã mà nên. Vì ảo tưởng cái này là của Ta, cái kia là của Người nên mới sinh nên sự tranh giành, mới xin ra ghen ghét, oán giận. Tựu chung lại, do chấp vào Ngã mà tạo nên tham sân si. Chúng ta đều từ cát bụi mà nên, rồi trở về cát bụi. Linh hồn trú vào cõi này rồi cũng sẽ đi mất khi thân xác chết đi. Cái còn lại chỉ là thành tựu tu hành và chánh niệm, điều sẽ quyết định ta có thoát khỏi kiếp luân hồi hay không. Hitler, Pol Pot, Tần Thuỷ Hoàng đấy là những hung thần. Nhưng cũng đã chết đi rồi chìm vào cát bụi của thời gian. 
Được làm người là phúc. Càng đáng hân hoan hơn, khi ta ngộ được chân lý và ra sức tu tâm dưỡng tính. Không phải sinh vật nào trong cõi Vô Thường cũng đạt được cảnh giới đó. Tu tập cũng là bước đầu tiên để bước đến Niết-bàn. Nơi đó không phải cõi Hư Vô như trong quả trứng của Lilith. Niết-bàn không thể diễn tả được bằng lời. Anh chỉ biết rằng nó tồn tại, và tính chất của nó là “hằng-thường-lạc.”

Tôi: “Anno Hideaki sẽ tức lắm khi thấy chúng ta dựa vào Evangelion để tuyên truyền giáo lý cho bạn đọc. Hãy cùng phân tích một cảnh mà tôi vô cùng tâm đắc trong End of Evangelion:
Cảnh các nhân vật chính ngồi dưới ánh đèn vàng. Đó là một biểu tượng khẳng định mỗi người đều là một “diễn viên” trong cuộc đời mình. Sự yếm thế của Shinji, sự vô cảm của Rei, sự hung hăng của Asuka, đều là một lớp vỏ bọc để bảo vệ con người thực của họ. Sự thực là, mỗi người đều phức tạp, hay giản đơn; cao cả, hay tầm thường; sâu sắc, hay nông cạn hơn là điều mà một cá nhân khác nhận xét về họ. Điều đó càng đúng hơn khi ta nhận ra mình còn không thực sự hiểu chính người thân của mình. Ta chỉ có thể hiểu những người khác khi chấp nhận sự cao thượng và cả mặt tăm tối đến không ngờ nơi người ấy, thông qua việc chủ động tìm hiểu con người họ, thay vì bàng quang nhìn đời từ trong vỏ bọc của mình.
Thanh Vân: “Khi Shinji đứng bật dậy cũng là lúc cậu đã có một nhân sinh quan hết sức mới mẻ. Cậu đối mặt với Rei và Kaworu với hiểu biết rằng những gì cậu thấy là nhận thức của riêng cậu, không thể phản ánh đầy đủ con người thật của họ. Nhận thức đó còn phản ánh chính con người cậu, và điều mà cậu mong chờ từ hai người. Lời thoại khi đó của Shinji cực kì hay:
“Who are the two of you, inside of my heart.”
Quang Đức: “Điều đó chỉ nói lên rằng phần lớn những gì ta biết về nhau chỉ là ảo tưởng và những suy đoán. Vậy vì sao mà cuối phim lại có câu:
“I need you.”

Tôi : “Chúng ta cần nhau là để hiểu biết được thực tại. Vì mỗi người là độc nhất nên chúng ta cũng đầy những khiếm khuyết so với những người khác, và so với những loài động vật. Vì vậy mà chúng ta cần có nhau để có một góc nhìn đa chiều về thực tại. Còn lý do tôn giáo thì là vì chính nỗi đau “Alienation”. Chúng ta cần có nhau để làm xoa dịu bớt nỗi đau ngăn cách và sự cô đơn giữa vũ trụ vô cùng vô tận. 

1 John 4:7 “Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời”

Hành động yêu thương là hành động cao cả nhất để kết nối Con Người và Chúa. Chỉ bằng sự yêu thương mà chúng ta mới có thể chữa lành vết thương vĩ đại mà “Alienation” gây ra. 
Vì Con Người được tạo ra theo hình của Chúa, và tượng của Chúa nên yêu thương người khác chính là yêu mến Chúa. Mọi thành tựu vĩ đại khác đều không thể sánh bằng.”

Thanh Vân: “Instrumentality là một thế giới vô hồn, vô cảm như chính God của nó, Ayanami Rei. Điều đó cũng biểu tượng cho Instrumentality của con người trên thực tế. Vì ảo tưởng, vì khổ đau mà không ít người rút vào cái vỏ bọc của mình. Họ sống giữa cuộc đời mà như không sống, hay “Thất lạc cõi người” theo từ của Dazai Osamu. 
Chúng ta cần có nhau để nhận ra chân giá trị của bản thân, và để nhận được một góc nhìn mới về cuộc đời. Và cũng là để cùng nhau bước trên một con đường tịnh tiến đầy gian khổ. Nếu lúc trước ba chúng ta không thảo luận, rồi cãi nhau nát hết cái thread “Eva và Thần học”, thì hôm nay tụi mình đã chẳng tiến bộ đến vậy trong nhân sinh quan.”
Tôi và Quang Đức nhìn nhau rồi cười. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng dần trở nên gay gắt. Chúng tôi lên đường xuống phố huyện thăm quan.
Câu chuyện của ba người bạn tới đây là kết thúc.

Những triết lý của Thần học là vô cùng vô tận, nhưng mình tin rằng những người theo đạo, những bậc tu hành đều gặp nhau tại một nơi. 
Đối diện nhau.
Vì chúng ta cần có nhau trên cuộc đời này, và chỉ khi đi cùng nhau, chúng ta mới có thể tìm về vườn Địa Đàng.
#Anthony

Nhận xét

Bài đăng phổ biến