**PHÂN TÍCH NHỮNG CHI TIẾT ẨN DỤ TRONG MIRAI NO MIRAI**
"Mirai no Mirai" là một bộ anime được sản xuất bởi Studio Chizu, do Mamoro Hosoda đạo diễn. Những bộ phim do Hosoda đạo diễn, có thể kể đến như "The girl who leapt through time", "Wolf Children", "Summer War" hay "The boy and the Beast"... đều là những tác phẩm vô cùng ấn tượng và để lại biết bao ý nghĩa trong lòng người xem. Vậy trong bài viết này, mình sẽ phân tích những chi tiết mà mình cho là chứa nhiều ý nghĩa nhất mà có thể nhiều bạn đã bỏ qua
*"Mirai no Mirai" mở ra với hình ảnh của gia đình cậu bé Kun, sau khi mẹ cậu vừa hạ sinh một bé gái, cũng đồng thời là em gái của cậu, tất nhiên. Bạn nào có em trai/ gái thì hẳn hiểu rất rõ: cảm xúc của các bạn như thế nào khi có em? Câu chuyện trong phim đã bắt đầu như vậy, xoay quanh nhân vật chính là bé Kun với những vấn đề xảy ra sau khi cậu có em gái. Một câu chuyện rất đời thường, rất thực tế mà bạn có thể thấy chính bản thân mình ở những nhân vật trong phim. Tuy vậy, những yếu tố thực và ảo không ngừng đan xen với nhau, khiến bộ phim trở nên đầy màu sắc, dường như đây là thế giới dưới góc nhìn của một đứa trẻ đã được đạo diễn Hosoda khắc họa vô cùng tươi tắn.
* Bạn nào xem phim rồi thì hẳn sẽ biết, những điều kỳ diệu mà Kun trải qua, dường như đến từ Cây Sồi trong sân nhà cậu (theo Mirai của Tương Lai) . Điều diệu kỳ đầu tiên mà Kun nhận ra, đó là khi chú chó Yukko của gia đình cậu bỗng hóa thành người, và tự xưng là "Hoàng tử". Và chúng ta có một cảnh phim rất mang tính "trẻ thơ": Kun lấy đuôi của Yukko, hóa thành một chú chó và chạy lông bông thoải mái quanh nhà.
"Ờ? Có gì đặc biệt?". Nếu như bạn để ý kỹ, ở đầu phim, trước khi bố mẹ Kun về nhà cùng em gái cậu (mới được sinh ra), Kun đã ở cùng bà, và có cảnh cậu bé đã giả tiếng kêu "Gâu Gâu" của con chó. Tuy nhiên, Kun đã không giả tiếng chó lần nào nữa từ lúc xuất hiện Mirai, và đến khi cậu bắt nạt em gái bé bỏng, bị mẹ đẩy ra khỏi sự quan tâm tạm thời, trong buồn bã vì thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ, Kun đã gặp Yukko, được nghe tâm sự của nó và rồi mới biến thành chú chó, kêu "Gâu Gâu" như đã nói ở trên. Bạn nhận ra điều gì chưa? Khi bé Kun chưa có em gái, đối với một cậu nhóc, dường như đó là sự thoải mái, khi mà nhận được sự quan tâm từ cả bố và mẹ. Điều này được thể hiện qua chi tiết "tiếng sủa". Còn trong khi mất sự quan tâm, sự "độc tôn" của bản thân, "tiếng sủa" đã không còn, và chỉ xuất hiện lại sau khi cậu trò chuyện với Yukko- chú chó cũng có hoàn cảnh khá giống cậu. Dường như sự thoải mái đã quay lại với cậu, bởi phần nào cậu bé đã nhận ra mình không phải người duy nhất mất đi sự quan tâm, và trên một góc nhìn khác, em gái cậu hoàn toàn không có lỗi khi đã vô tình khiến cậu bị bố mẹ "quên". Hình ảnh bé Kun được vui vẻ, thoải mái chạy nhảy và sủa trong thân hình của một chú cún con, như dịu đi phần nào nỗi buồn của cậu khi bớt được bố mẹ quan tâm.
* Hình ảnh Mirai từ tương lai xuất hiện, đúng như với tên phim ("Em gái đến từ tương lai" hay "Mirai của tương lai") dường như mới làm người xem cảm thấy... tên phim đi kèm với nội dung :))) Mirai của tương lai xuất hiện, để cất những con búp bê mà bố của hai đứa đã quên làm. Cô bé đã rất lấy được cảm tình từ người anh trai mình với trò chơi "Làm ong" (à vâng nó là cù đấy ạ). Với một trò chơi đơn giản vậy, tại sao Kun lại yêu thích nó đến thế? Ngay cả khi người kia là Mirai- em gái mà cậu không ưa? Bạn chắc cũng để ý, qua các câu thoại, Kun không hề thích nhà trẻ, bố mẹ thì luôn bận bịu công việc. Đặc biệt sau khi sinh cậu, bố Kun đã bỏ bê công việc làm tròn trách nhiệm của phụ huynh. Ngoại trừ chú chó Yukko làm bạn, Kun vô cùng cô đơn, cậu bé không hề có bạn, ngay cả khi cậu tập đạp xe, Kun cũng không thể nhanh chóng kết bạn hay thậm chí là trò chuyện với những đứa trẻ đồng trang lứa. Bắt nguồn từ vấn đề này, khi nhiều bậc phụ huynh vô tình khiến con cái trở nên cô đơn, hay không để ý nhiều tới tình trạng bạn bè của con cái, đạo diễn Hosoda đã rất tinh tế và khéo léo, khi đã lột tả được tình trạng này, mà không cần quá nhiều hình ảnh, mà chỉ cần vài câu thoại giữa các nhân vật. Để bé Kun vốn đã cô đơn, nay khi có em gái, lại càng mất đi sự quan tâm từ bố mẹ, và Mirai của tương lai xuất hiện, đối mặt và xin giúp đỡ từ người anh đang không ưa mình. Thông qua việc Kun đối mặt với Mirai của tương lai với sự chối bỏ, hay từ góc nhìn của Mirai, là gặp anh trai mình phiên bản trẻ con, đạo diễn Hosoda như muốn nhấn mạnh rằng: thật là trẻ con khi Kun đố kỵ chính em gái ruột của mình chỉ vì cô bé được bố mẹ quan tâm hơn. Dường như không chỉ riêng cậu bé Kun, ai trong chúng ta cũng vậy, ghen ghét, đố kỵ chính đứa em nhỏ hơn của mình sẽ khiến chúng ta trở nên thật "trẻ con", và đứa em không quan tâm tới vấn đề này lại thật "người lớn", giống hệt như khi Mirai của tương lai là "người lớn" so với bé Kun của hiện tại thật "trẻ con".
* Chi tiết tiếp theo là khi bé Kun gặp ông cố của mình, cậu đã học được cách vượt qua nỗi sợ để tập đi xe đạp. Đầu tiên, Kun muốn đi xe đạp 2 bánh không phải để cậu bé biết đi, mà là để "bằng bạn bằng bè". Với mong ước nửa vời như vậy, lại không được bố chăm chút kỹ càng, cậu bé nhanh chóng bỏ cuộc. Tại sao Kun bỏ cuộc? Do cậu không được bố chú ý, do cậu không được hướng dẫn tận tình, và trên hết, do cậu sợ ngã xuống. Quay về với cây sồi diệu kỳ, cậu bé đã được đưa về quá khứ, gặp ông cố, được ông cố cho đi ngựa lần đầu tiên, được ông cố cho đi cùng trên chiếc xe máy hiếm hoi thời bấy giờ. Và các bạn hẳn còn nhớ câu nói của ông cố "phương tiện nào cũng như nhau, biết đi một loại là sẽ đi được những loại còn lại". Nếu thực tế một chút, chúng ta sẽ thấy câu nói này... sai quá sai. Tuy nhiên, đối với cậu bé Kun, nó lại đúng. Tại sao? "Phương tiện" dường như là ẩn dụ cho nỗi sợ của cậu, ẩn dụ cho rào cản cậu muốn vượt qua, khi mà cậu không thể đi được xe đạp 2 bánh, khi mà cậu hoảng sợ khi cưỡi ngựa. Nếu như vậy, chẳng phải, ý của ông cố, đối với Kun, dường như muốn nói: khi cậu bé vượt qua được nỗi sợ này, những nỗi sợ còn lại Kun đều có thể vượt qua. Bây giờ mọi chuyện đã khác. Câu nói ấy như tiếp thêm cho Kun sức mạnh, như khiến cậu có thể "nhìn xa, đừng nhìn xuống"- cậu vượt qua nỗi sợ của bản thân, cậu vượt qua chính mình, thay vì nghĩ về thất bại (nhìn xuống), cậu đã hướng đến thành công (nhìn xa). Và khi bé Kun tập đạp xe lần nữa, cậu bé với ánh mắt đầy quyết tâm này đã thành công.
*Bé Kun thực sự biết quan tâm tới mẹ. Lần thứ 2 gặp nhau, Mirai của tương lai đã hỏi Kun "Anh không quan tâm tới mẹ hay sao?". Khi cậu gặp mẹ mình thời còn nhỏ, cậu đã vỗ nhẹ lên đầu mẹ và nói "ngoan nào, ngoan nào" như một cách an ủi và thể hiện sự quan tâm(lúc này Kun chưa biết đó là mẹ). Và cậu cũng thực hiện hành động tương tự khi nhìn thấy mẹ ở hiện tại đang chảy nước mắt. Cậu thực sự quan tâm tới mẹ, thực sự yêu thương mẹ. Tuy nhiên, trong phân đoạn này, cũng có một chi tiết rất ẩn dụ mà nhiều bạn bỏ qua: hình ảnh đàn cá. Như ta đã biết, mẹ của Kun không được phép nuôi thú cưng. Nhưng nếu bạn để ý, sự thực là mẹ của Kun vẫn nuôi cá đấy thôi. Chắc hẳn nhiều bạn từng mong muốn được nuôi chó, mèo cho thỏa, nhưng thay vì vậy, bạn lại nhận được một bế cá từ bố mẹ. Dường như hình ảnh đàn cá đối với mẹ Kun không phải là "thú cưng", không phải những gì mà cô mong muốn. Và chi tiết Kun vừa khóc vừa hòa mình vào đàn cá (nhưng bơi ngược đàn) như phần nào khiến người xem cảm thấy cậu đang tự nghĩ mình thành những chú cá kia: một sự không mong muốn. Tuy vậy, cậu bơi ngược đàn cá, nên cậu không thuộc đàn cá ấy, chi tiết này như sự khẳng định rằng: bé Kun không phải đàn cá kia, bé Kun đang lầm tưởng rằng mình là đứa con mẹ không mong muốn. Một chi tiết ẩn dụ rất ít người nhận ra, tuy nhiên, ý nghĩa lại mang tính thực tế cao, khi mà sự đố kỵ với em trai/ gái sẽ khiến hầu như ai cũng từng có cảm giác như vậy.
* Không chỉ với mẹ, Kun còn biết quan tâm tới em gái mình, tới Mirai.
Sự kỳ ảo của bộ phim dần được đẩy cao khi dần đến hồi kết. Khi mà Kun quyết định chọn "chiếc quần màu vàng ưa thích" thay vì chọn đi chơi với gia đình, cậu được kéo tới một thế giới khác, mà mình không dám khẳng định là dị giới, là tương lai, hay là do trí tưởng tượng của Kun phóng đại hết lên. Kun lạc trong nhà ga, giữa một rừng những người lạ không quen biết, được ẩn dụ bằng cách không vẽ mặt, hay vẽ sơ sài. Và cậu đã tự nhận mình là "vật bị thất lạc". Ta như thấy được trong những vấn đề không hồi kết mà bé Kun gặp phải, quả thật, cậu là "vật bị thất lạc", cậu đã lạc mất bản thân mình, cậu đã đẩy cái tôi cá nhân lên quá cao, quan tâm đến sở thích cá nhân lên trên những điều thực sự sẽ đem lại niềm vui, những điều cậu thực sự muốn. Và nếu bạn để ý kỹ hơn chút, bé Kun được khắc họa với đam mê tàu hỏa, đến mức thuộc tên từng con tàu một. Tàu hỏa như tượng trưng cho bản thân cậu, cho ước mơ và tương lai của cậu. Và khi chuyến tàu đáng sợ dẫn đến sự cô đơn gọi mời, cậu đã chối từ nó, và cậu đã kiên quyết bảo vệ Mirai- em gái cậu khỏi nó. Lại là một hình ảnh ẩn dụ nữa, vâng. Đạo diễn Hosoda cực kỳ tinh tế trong phân đoạn này, khi mà lúc đầu, Kun từ chối gia đình vì muốn thỏa mãn bản thân, tuy nhiên, khi chính vì điều đó, bản thân Kun sẽ trở nên cô đơn như chiếc tàu hỏa kia: không ai cạnh bên nó, lúc nào cũng trở nên đáng sợ, cậu sẽ từ chối tương lai đấy, và thừa nhận trách nhiệm làm anh của mình, bảo vệ Mirai khỏi tương lai ấy, khỏi chuyến tàu cô đơn ấy. Ngay sau hành động đó, bé Kun không còn là "vật bị thất lạc nữa", cậu tìm lại được chính bản thân mình, và cậu đã lựa chọn được điều gì mình thực sự mong muốn, cái tôi cá nhân hay gia đình. Cậu cũng dần yêu quý Mirai hơn, cậu đã dần trưởng thành.
Kết lại, đây là những ý nghĩa mà có thể bạn đã bỏ qua. Liệu mình có thiếu chi tiết nào không nhỉ?
#Cáo
Nhận xét
Đăng nhận xét