[CHARACTER] Ookami Kodomo no Ame to Yuki



Đây sẽ là bài phân tích nhân vật Ame cũng như câu chuyện của cậu trong “Mưa và Tuyết những đứa con của Sói”.

Nếu chưa đọc bài review về Những Đứa Con Của Sói, các bạn có thể nhấp vào #Lamp để tìm nhé.

Hiển nhiên, nói về Ame thì cũng phải nói đôi chút về Yuki, bởi lẽ Mưa và Tuyết dẫu có khác nhau nhưng khởi đầu là một. Ame và Yuki có thể nói là đối nghịch nhau hoàn toàn, từ tính cách cho đến lựa chọn, từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, dẫu cho cả hai đều là con của Sói.

Đôi nét về Yuki:

Yuki là một cô bé hướng ngoại, hoạt bát và mạnh mẽ; khi còn nhỏ, Yuki rất tự hào về phần sói trong mình, yêu thích núi rừng, nhanh nhẹn và thiện chiến. Yuki sẵn sàng đối đầu với bất kì sinh vật nào, xem rắn như đồ chơi, đuổi dí cả heo rừng ( và rất may mắn là em chẳng bị thương bao giờ, có thể là nhờ sự lanh lợi hoặc chỉ đơn giản do mấy con thú kia không muốn gặp rắc rối). Khi lớp lên, được đến trường, Yuki nhanh chóng kết bạn, yêu thích trường lớp và gần như không biến thành sói nữa, có thể nói, Yuki thích làm người hơn và dần ghét phần sói trong mình.

Giờ thì quay lại nhân vật chính của bài viết này:

 Ame. Trái ngược hoàn toàn với Yuki, ngay từ khi sinh ra, Ame đã rất yếu ớt, dễ bệnh, hướng nội và rụt rè. Phần lớn thời gian ta thấy Yuki chạy nhảy khắp nơi thì Ame lại chỉ lủi thủi quanh mẹ. Đôi lúc Ame cũng bị cuốn vào cuộc vui của Yuki, hóa sói, đùa giỡn, nhưng hiển nhiên là vì em vẫn còn con nít và người duy nhất chơi cùng em chỉ có Yuki. Khi vừa dọn đến nhà mới, Ame ngay lập tức bị những con trùng, bọ và bò sát mà Yuki bắt được làm hoảng sợ. Ame nhanh chóng không thích vùng đồi núi, thôn quê mà chỉ muốn về lại thành phố. Trong khi Yuki khám phá mọi thứ, Ame chỉ quan sát mẹ sửa chữa và dọn dẹp nhà cửa. Trong khi Yuki đuổi mèo, bắt rắn, Ame lại bị con mèo tam thể hàng xóm hành cho một trận, thút thít rúc vào lòng mẹ. Trong khi Yuki phăng phăng leo lên con đường mòn trên núi, dọn cỏ dẹp đường, thì Ame chậm chạp cùng mẹ phía sau. Nhìn chung, khi còn nhỏ Yuki nghịch ngợm, hoạt bát bao nhiêu thì Ame ngoan ngoãn, rụt rè bấy nhiêu. Sau khoảng thời gian ở nhà mới, Ame dần không còn ghét bùn đất và cây cỏ nữa, một phần là nhờ quyết tâm trồng chọt của Hana (người mẹ), mà một cậu nhóc lúc nào cũng ngoan ngoãn nghe lời mẹ thì dĩ nhiên em cũng sẽ phụ một tay rồi. Bắt đầu từ việc phụ mẹ gieo mầm, rải phân cho đến khi thu hoạch; dần dà Ame đã quen hơn với việc chân tay lấm bẩn và quan sát cỏ cây. Một trong những cảnh mình thích nhất trong phim là cảnh Ame ngồi phủi đất trên những củ khoai vừa thu hoạch được, nhìn ngoan và dễ thương cực.

Dẫu vậy, Ame vẫn không thích phần sói trong mình, em có hoá sói, có đùa giỡn, nhưng tuyệt nhiên lại ghét làm sói; tại sao vậy nhỉ? Tại vì con người…; trong rất nhiều tác phẩm văn học cho thiếu nhi, truyện cổ tích, ngụ ngôn… Sói luôn đóng vai phản diện (ba chú heo con, cô bé quàng khăn đỏ, sói và cừu, công chúa Mononoke… nhầm, không phải công chúa Mononoke…, Game of Throne… lại sai nữa rồi!! Quay lại, quay lại nào). Trong tâm thức của một đứa trẻ ngây thơ, lại hướng nội như Ame, hiển nhiên việc nhìn thấy mình trở thành nhân vật phản diện mà ai cũng ghét sẽ khiến em rất buồn, sau đó tự ghét chính bản thân; lúc này đây, nhờ vào sự tâm lý của Hana đã xoá nhoà đi mối bận tâm ấy. “Mẹ thích sói”. Chỉ một câu nói đơn giản ấy là đủ, không cần phân trần hay an ủi con; đối với Ame, mẹ là cả thế giới của em, là người mà em thương nhất trên đời, biết rằng mẹ thích phần sói của mình đối với em khi ấy là đủ. Một lần nữa, ta thấy được sự thay đổi nhỏ trong tâm của cậu bé.

Ở bài review trước về phim, mình đã nói về sự kiện làm thay đổi trực tiếp và mạnh nhất đến sự trưởng thành của Ame, cũng như tiên liệu trước việc Ame sẽ rời khỏi mẹ; đó là sự kiện: Ame săn mồi và rơi xuống suối. Mình đã phân tích về sự kiện này rồi, nhưng trong bài này mình muốn nhấn thêm một chi tiết đáng chú ý nữa: cái khăn choàng. Việc Ame bị vấp té và rơi vào dòng suối chính là do cái khăn choàng ấy; nếu các bạn để ý trong phim thì chỉ trừ khúc cuối khi Ame từ biệt mẹ, còn lại trên cổ em khi hoá sói sẽ có hoặc áo hoặc khăn choàng. Áo và khăn choàng chính là vật giữ ấm cho Ame và Yuki, là sự quan tâm của mẹ đến hai em, đồng thời cũng là biểu tượng của phần người trong Ame và Yuki khi ở dạng sói. Việc Ame lựa chọn nghe theo bản năng và săn mồi, để rồi bị vấp phải chiếc khăn mà suýt chết, chính là điểm nhấn mạnh rằng: nếu Ame muốn đi theo con đường của sói, em sẽ phải vứt bỏ phần người của mình (hay ít nhất là mối liên kết của em với con người, ở đây chính là mẹ); và đúng như lời của Yuki, ở Ame đã có gì đó thay đổi...

Không như ở Việt Nam, ở Nhật năm học mới được bắt đầu vào mùa xuân. Mùa xuân đầu tiên, Yuki được đến trường, em nài nỉ mẹ để được đến trường, tập nghe lời hơn, không quậy phá để được đến trường; có thể thấy đối với Yuki, đến trường quan trọng thế nào, và em cũng rất thích trường học. Ame thì khác, mùa xuân kế tiếp, theo lời kể của Yuki, phải khó khăn lắm mới khiến Ame đến trường được. Ngày đầu tiên đi học, thay vì theo chị đến bến xe bus thì Ame lại nhìn về hướng ngược lại, nhìn về rừng. Nhắc lại năm đầu tiên khi Yuki vừa nhập học, Hana tìm công việc ở khu bảo tồn gần nhà để kiếm thêm thu nhập và có thể dạy cho Ame một chút về thiên nhiên; việc làm này đã vô tình thúc đẩy Ame rời xa cô sau này. Cũng ở đây, Ame lần đầu tiên tiếp xúc với sói, một chú sói có tuổi và cô độc; chú sói này được người nuôi từ nhỏ nên không thể dạy được gì cho em về rừng núi, tuy nhiên, đây có thể coi là người bạn duy nhất của Ame ngoài Yuki, em dành nhiều thời gian đến gặp chú thường xuyên hơn khi theo mẹ đi làm, dần dà em gắn kết hơn với phần sói trong mình, để rồi đưa ra quyết định sau này. “Ba có giống vậy không?”, “con muốn gặp ba.”, những câu nói sau buổi gặp đầu tiên của Ame và chú sói, phần nào thể hiện được sự quan tâm của Ame với phần kia của mình, cũng như sự gắn kết của em với ba. Quay lại với thời điểm Ame đến trường, sau một năm gắn bó với khu sinh thái thì trường học đối với Ame chẳng có gì thú vị. Những cảnh phim về hai chị em ở trường rất nghệ thuật, tóm tắt ba năm học của hai chị em chỉ qua vài cảnh, ngắn gọn mà súc tích. Ta có thể thấy được sự đối lập rõ ràng giữa hai chị em: Yuki yêu thích trường lớp, luôn ngồi bàn đầu, xung phong phát biểu >< Ame chán trường, ngồi cuối lớp, chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ, Yuki có bạn bè xung quanh >< Ame bị tụi lớp trên bắt nạt; Yuki giúp Ame xong thì quay lưng bỏ đi, Ame lủi thủi đi vào lớp; đến năm lớp ba thì Ame gần như không đến trường nữa. Tình cảm giữa hai chị em cũng không còn khắn khít. Việc Ame cúp học trở thành một chuyện bình thường, cả mẹ và những người ở khu sinh thái đều quen với điều ấy. Cảnh Ame cúp học cùng mẹ đến chỗ làm, khi đồng nghiệp của Hana ra chào em: “Hôm nay cúp học à”, Ame đáp lời với ánh mắt vui vẻ và tươi tắn, hoàn toàn trái ngược với ánh mắt và vẻ mặt chán nản của em ở trường, đây cũng là một trong những cảnh mình thích nhất trong phim vì nó thể hiện rõ tính cách của Ame.
Thời gian trôi qua và Ame không còn đến trường nữa, em thường lên rừng và gặp thầy của mình. Hẳn sẽ có bạn thắc mắc tại sao một đứa nhóc 11 tuổi lại có thể đi lang thang lên rừng núi mà chẳng ai quan tâm, Hana thậm chí còn không biết đến thầy của Ame nếu em không kể. Để dễ hiểu thì vùng quê mà gia đình Hana dọn đến sống bao quanh là rừng núi, để đến khu thị trấn, cửa hàng thì phải mất 30’ chạy xe còn hàng xóm xung quanh cũng tầm 10 15’, dân cư của vùng không đông đúc nên ai cũng biết nhau cả, còn vùng rừng núi thì Hana vẫn thường dẫn hai đứa lên chơi khi còn nhỏ rồi. Có thể nói khu vực ấy chẳng có gì nguy hiểm và cũng không ai nghĩ một cậu bé vốn yếu ớt như Ame sẽ đi vào quá sâu trong rừng, cùng lắm là đến nhà hàng xóm hoặc đi những chỗ mẹ từng dẫn đến mà thôi. Nói thêm thì việc Ame bỏ học ở vùng đó cũng không lạ gì, vì người dân quen với việc đồng án thì họ chỉ cần biết đọc biết viết là đủ, các kĩ thuật đồng án, chăn nuôi thì thường là học hỏi lẫn nhau; thế nên việc Ame cúp học, đến nhà ai đó học về đồng án hay sau này làm việc trong khu sinh thái hẳn là điều ai cũng nghĩ đến. Ame càng lên rừng nhiều thì càng biết nhiều hơn về thiên nhiên, khi em nói về những điều em biết, khuôn mặt em rạng rỡ và ánh mắt thích thú khiến Hana phần nào yên lòng hơn; cũng chính Hana là người chủ động muốn Ame học hỏi về loài sói nên việc biết em có thầy làm cô có chút vui mừng. Vô hình chung thì Hana đâu nghĩ rằng Ame sẽ rời xa cô vào những lúc đó. Thế rồi lại có chuyện xảy ra.

Buổi tối hôm ấy, trong khi Yuki ngồi học bài thì Ame vô cùng cao hứng kể về những điều em học được trong rừng, Ame muốn Yuki cũng đến học với thầy, trở thành sói vì ở trường chẳng có gì đáng học cả; tất nhiên Yuki sẽ phản đối ngay, đối với Yuki, trường đã trở thành một phần không thể thiếu, giống như rừng của Ame vậy; việc hoá thành sói sẽ khiến em khó kiềm chế bản thân và nếu ai đó biết được em là sói thì có thể em sẽ không được đến trường nữa. Đêm đó cả hai đều thể hiện quan điểm của riêng mình và đã quyết định sau này mình sẽ là gì: người hay sói. Xung đột nổ ra giữa hai chị em là điều chưa từng xuất hiện trước đây, cả hai lao vào xâu xé nhau như loài nanh vuốt đích thực và Ame hoàn toàn áp đảo chị mình. Có thể là do Ame đã quen với việc xung đột trên rừng, có thể là do Yuki đã mất đi sự lanh lợi vốn có, hoặc có thể là do Ame đã hoàn toàn trưởng thành và vượt trội hơn chị ở phần sói. Dẫu có là lý do gì thì Ame, từ một cậu bé yếu ớt, thường bị bắt nạt và luôn cần sự bảo vệ của Yuki, đã chiến thắng trong trận chiến đó. Khi hoá lại thành người, con ngươi của Ame là một màu đỏ rực thay vì màu hỗ phách thường thấy, em đã trở nên hoang dại hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng. Chính sau xung đột đó mà Hana thấy được mặt tiêu cực của việc để Ame học về sói quá nhiều, cũng vì vậy mà cô không muốn con trai mình lên núi nữa, cô sợ rằng nếu Ame tiếp tục lên núi, cô sẽ mất em.

Như đã nói, điều duy nhất liên kết Ame và loài người chính là Hana, Hana chính là người duy nhất Ame quan tâm đến. Khi Hana cầu xin em đừng lên núi nữa, Ame đã đồng ý, vì em thương mẹ và muốn mẹ yên lòng; thật sự việc không lên núi đã khiến Ame rất buồn, đặc biệt là khi em biết thầy mình không còn sống được lâu nữa và ngọn núi cần có ai đó trông coi, dĩ nhiên ai đó thì không thể là con người. Lúc Ame nói về tình hình của thầy và ngọn núi, Hana đã xin em hãy ở lại, Ame đồng ý ở nhà nhưng tâm trí em thì không. Cảnh Ame lén lúc mẹ ngủ mà bước ra khỏi phòng, mở cửa nhà, hẳn ai cũng tưởng Ame sẽ bỏ đi vào đêm đó, hẳn Ame cũng định như vậy, nhưng em dừng lại và ngồi sau cánh cửa; cánh cửa chỉ mở đủ cho ánh trăng lọt vào, ngăn cách Ame và ngọn núi, nếu đêm ấy em bước qua cánh cửa, hẳn em sẽ không bao giờ quay về nữa.
Sau quãng thời gian dài, học hỏi được nhiều điều về rừng núi từ thầy, Ame có thể nói đã giỏi hơn bất kì nhân viên nào ở khu sinh thái mà Hana làm việc, chỉ cần một đêm nhìn lên bầu trời, Ame biết rằng thời tiết ngày hôm sau sẽ như thế nào, Ame biết ngọn núi sắp gánh chịu những gì và Ame biết mình cần làm gì. Sáng hôm đó Ame xin chị hãy ở nhà với mẹ, vì em lo lắng cho mẹ, em muốn Yuki ở lại chăm sóc bà khi cơn bão sắp đến, nhưng Yuki mảy may không biết và vẫn đi học như bình thường. Tất nhiên dù Ame có nói: đêm qua em nhìn trời nên biết hôm nay sẽ có bão lớn; thì mấy khi mà Yuki tin em, vậy nên Ame quyết định ở lại, để đảm bảo mẹ an toàn. Rồi cơn bão đến, gió giật không ngừng, mưa bắt đầu dội xuống như trút nước; Ame ngồi bên bàn im lặng nhưng hẳn lòng em như lửa đốt, em rất muốn đi nhưng không muốn để Hana nhìn thấy. Rồi điện cúp, trong bóng tối khi Hana đi tìm đèn và nhận điện thoại, Ame nhanh chóng rời đi. Có lẽ lúc đấy Ame chỉ muốn lên núi kiểm tra đôi chút thôi, nhưng khi nhìn thấy những thiệt hại từ cơn bão, khi nhìn thấy cây cối ngỗn ngang và những con chim non chết bên tổ của mình, Ame đã hạ quyết tâm. Những cảnh sau đó hẳn ai cũng biết: Hana chạy vào rừng tìm con, ngã rồi bất tỉnh, Ame đưa mẹ mình xuống núi,... khoảng khắc Ame ẵm mẹ xuống núi, ta biết được cậu đã trưởng thành đến nhường nào, đã mạnh mẽ đến nhường nào. Khi đảm bảo đã đưa mẹ đến nơi an toàn, Ame trút bỏ tất cả những gì liên quan đến nhân loại trên người, chỉ còn lốt sói; tiếng tru từ biệt của em đến mẹ như lời khẳng định về con đường mà em đã lựa chọn: trở thành sói và chăm sóc ngọn núi.

Trong phim có rất nhiều cảnh quay đẹp, ý nghĩa, rõ ràng và giúp phim liền mạch. Tất nhiên có nhiều cảnh mà ta thích, cũng có những cảnh khiến ta không muốn xem lại; về phần mình, hai cảnh yêu thích nhất về Ame với mình là: cảnh Ame lúc nhỏ ngồi phủi từng củ khoai vừa đào lên và cảnh Ame cúp học theo mẹ đến chỗ làm. Còn hai cảnh mình không muốn xem lại nhất đó là: cảnh Ame rơi xuống nước và cảnh Ame bỏ đi khiến Hana phải chạy lên rừng. Ngoài ra có nhiều cảnh mà mình không liệt kê ở trên nhưng bổ sung rất lớn vào việc thể hiện nội tâm, tính cách và phát triển của nhân vật, ví dụ như: cảnh mẹ Ame xin em đừng lên núi nữa, Ame lúc ấy đã cao gần bằng mẹ dù mới 11 tuổi, thêm nữa cái áo trắng và mái tóc nhìn rất giống cha; cảnh Ame lần đầu đi theo mẹ tham gia đoàn tham quan của khu sinh thái, trước người lạ thì vẫn núp sau mẹ nhưng khi lên rừng lại đi đằng trước, trước đây khi lên núi với mẹ và Yuki, Ame cũng chỉ nắm tay đi theo sau mẹ thôi; những cảnh lúc vừa mới chuyển nhà, khi nhà có khách Ame hoặc là núp sau mẹ hoặc là núp sau Yuki… Từng chút từng chút một, ngay bên trong bộ phim về gia đình, ta thấy được câu chuyện của riêng Ame hiện lên, nhẹ nhàng và rõ ràng.

Vậy là chúng ta đã tạm đi qua câu chuyện của Ame, bộ phim có cái kết mở nên khiến không ít khán giả cảm thấy nuối tiếc, hụt hẫn; cũng bởi vì đến gần cuối phim, tình cảm giữa hai chị em Ame và Yuki không còn thân thiết nữa, thêm việc Ame thì bỏ lên rừng, Yuki thì học nội trú, thật không biết hai chị em sau này liệu còn gặp lại và giúp đỡ nhau hay không. Ngoài ra do thời lượng phim có hạn nên thế giới của Ame và Yuki cũng không được khai thác hoàn toàn, cũng như khả năng của người sói vẫn chưa bộc lộ hết, đặc biệt là khả năng giao tiếp với loài khác, dẫn đến nhiều thắc mắc của khán giả khi xem phim vẫn chưa được giải đáp thõa đáng, ví như: làm sao Ame gặp được thầy, tại sao thầy của Ame lại là vua của ngọn núi, trong khi ông ấy chỉ là một con cáo? Mình có vài suy đoán riêng dựa trên những lời của Ame trong phim, việc Ame giao tiếp với chú sói trong khu bảo tồn và thầy của mình có vẻ không phải dựa vào lời nói mà thông qua hành động và quan sát; thầy của Ame là người hiểu rõ nhất về ngọn núi và biết tất cả những điều cần làm, thông qua việc dẫn Ame yên lặng quan sát các loài khác, đưa đến những khu vực có nước (ở bất kỳ hệ sinh thái nào thì nguồn nước luôn là tối quan trọng với tất cả các loài)... có thể chức danh vua của thầy chỉ là tự phong và công việc ổn định hệ sinh thái của ngọn núi cũng vậy, có thể thầy thật sự nhận được sự tôn trọng của các loài khác, hoặc giả như chức danh đó được truyền thừa từ đời này qua đời khác như cách Ame nhận trách nhiệm của thầy vì chỉ có vua mới biết các can thiệp và hỗ trợ hệ sinh thái của ngọn núi… có rất nhiều câu trả lời mà chúng ta có thể nghĩ đến và nếu Hosoda-sensei quyết định làm một phim riêng về Ame khi đã trưởng thành thì chắc chắn nội dung sẽ vô cùng hấp dẫn và kì thú.

Một thông tin nhỏ nữa là: Hosoda Mamoru - đạo diễn cũng như tác giả của Ookami Kodomo no Ame to Yuki - vẫn sống khỏe và sắp tới chuẩn bị ra một phim mới trong năm nay: Mirai no Mirai / Mirai of Future / Mirai của tương lai. Nếu phim có về rạp VN thì các bạn đừng quên ủng hộ nhé. Ngoài ra Sensei còn có những phim rất đáng coi như: Summer War, Bakemono no Ko (the boy and the beast), The girl who leapt through time,... nếu có thời gian các bạn hãy xem nhé.

Nếu các bạn có thắc mắc hay góp ý gì về những đoạn và cảnh trong phim “Mưa và Tuyết những đứa con của Sói”, có thể để lại cmt bên dưới mà mình sẽ giải đáp trong phạm vi có thể (hoặc là chém gió hoặc là đến hỏi thẳng tác giả hoặc là hỏi cao nhân trên mạng…). Nói chung là hãy để cmt bên dưới, rất cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc hết bài phân tích này, mình sẽ gặp lại các bạn trong bài review sau… hoặc trong phần comment…

#Lamp


Nhận xét

Bài đăng phổ biến